KHIÊM TỐN VÀ KIÊU CĂNG

SHARE:

Khả năng tha thứ cho người khác trước hết đến từ sự khiêm tốn nhận biết rằng tất cả chúng ta đều sai sót, nghĩa là chúng ta cũng có lúc và có khả năng gây tổn hại cho người khác. Khiêm nhường là rất quan trọng để có thể nhìn bằng cặp mắt yêu thương.
Một trong những bài học tôi đã học được khi ngày càng thêm tuổi là chúng ta cần phải nhũn nhặn hơn khi nói về sự tinh tường và về những khả năng khác nhau của chúng ta. Càng quan trọng hơn, chúng ta phải quảng đại khi xét đoán người khác, vì thực tình chúng ta đâu biết hết về họ. Sự rộng lượng cũng cần kèm theo tính khiêm tốn để nhận biết rằng, trong khi chúng ta làm – việc như những cộng sự của Thượng đế, chúng ta không là Thượng đế, nên trước hết chúng ta không nên xét đoán ai cả.
Khiêm tốn không phải là giả dại. Đôi khi chúng ta lẫn lộn khiêm tốn với nhún nhường giả dối. Khiêm nhường là nhận biết bạn là ai và giúp bạn t bớt kiêu căng vì biết rằng những khả năng và tài ba của chúng ta là những ân huệ, không hẳn thuộc về chúng ta và có thể bị lấy đi. Nếu thực sự chúng ta vui vì những ân huệ của chúng ta, chúng ta cũng phải mừng về những ân huệ của người khác Và vì những tài năng khác nhau mà Thượng đế đã ban cho tất cả chúng ta.

Sự hài hước có thể giúp chúng ta duy trì sự khiêm tốn và có thể giúp chúng ta rất nhiều khi giành sự nguyên vẹn của cuộc sống, và sự công bằng trên thế giới. Một lần kia, trong khi bay từ Durban tới Johannesburg và đang suy nghĩ về công việc riêng như mọi khi, một cô chiêu đãi viên hàng không đến bên tôi và nói, “Xin lỗi Ngài, có một vị khách muốn xin Ngài ký tên vào một cuốn sách”. Tôi cố gắng giữ điềm tĩnh, dù trong lòng biết rằng đã có một số người nhận thấy có điều gì tốt đẹp khi họ đọc sách đó. Và trong khi cô ta đưa cuốn sách cho tôi, và đang khi lấy bút ra thì cô ta hỏi, “Xin lỗi, Ngài có phải là Giám mục Muzorewa không ạ?” Điều này chắc chắn đã giúp tôi kiểm tra cái tôi của mình.
Không ai trong chúng ta lại không có thói kiêu căng, và vấn đề là nếu cái đầu của chúng ta phình ra thì nó cũng có thể co lại. Đại học Howard ở Washington, D.C, muốn trao cho tôi một học vị, vì thế họ xin tôi những số liệu quan trọng để may một bộ trang phục đúng kích cỡ cho buổi lễ trao bằng. Tôi nói rằng điều đó dễ thôi. Sau đó họ hỏi cỡ đầu của tôi. Tôi bảo họ rằng điều này thì khó hơn, vì cái đầu của tôi thay đổi hàng ngày.

Sự kiêu căng thực sự phát xuất từ sự bất an, và cuối cùng cảm tưởng rằng chúng ta cao trọng hơn người khác lại là mặt trái của cảm tưởng là chúng ta thấp kém hơn họ. Khi chúng ta ý thức rằng tất cả chúng ta là con cái của Thượng đế và có giá trị cơ bản ngang nhau trước Thượng đế, lúc đó chúng ta sẽ không cảm thấy tốt hơn–hoặc xấu hơn–bất cứ ai. Sự khiêm tốn thật sự giúp chúng ta tránh được những sự xấc xược có thể sớm biến thành tuyệt vọng.
Trong những ngày tồi tệ xa xưa, tôi được những người ở Nam Phi giúp tôi tự nhạo mình khi họ giải trí bằng nhiều câu đùa nhắm vào người mà họ yêu hoặc ghét nhất. Chế nhạo chính con người của tôi, họ thường thư giãn với nhiều câu chuyện cười. Trong những câu chuyện về Tutu này, tôi luôn là cái kết tồi tệ nhất. Theo câu chuyện hài hước, vào lúc đó Tổng thống Reagan quyết định tới Nam Phi để xem chính sách đầy hứa hẹn mang tính xây dựng của ông ta được thực hiện như thế nào. Trong khi ông ta bay ngang sông Orange trên chiếc chuyên cơ, ông ta đã nhìn thấy một cảnh tượng làm ấm lòng ông ta, vì ở dưới đó có ngoại trưởng Nam Phi, Pik Botha và Tổng thống P. W. Botha trên con tàu cao tốc, đang kéo tôi trên một tấm ván lướt. “Thật là tuyệt!” Tổng thống Mỹ nghĩ thế. Sau đó ông đáp xuống và nhiệt tình chúc mừng ông Botha. Tổng thống Reagan nói, “Thật là một việc tuyệt vời-ông và Giám mục Tutu cùng nhau lại là như thế”. Sau đó, ông ta lại bay đi. Ngoại trưởng Pik quay sang Tổng thống P. W. Botha và nói: “Ông ta quả là lịch thiệp, nhưng ông ta chẳng biết gì về việc săn cá sấu”.

Đôi khi sự khiêm tốn thực ra là sự nhút nhát, khi chúng ta cố che giấu tài năng của mình hoặc | thiếu lòng gan dạ mà tình thế đòi hỏi. Tất cả chúng ta đều cần đến tình yêu và sự thương mến, nhưng đôi khi chúng ta lại trở nên như tê liệt vì sợ mình sẽ bị ghét bỏ, bị chế giễu và nhất là khi những người khác không yêu thương chúng ta Chúng ta không muốn tham gia vào một phản kháng hoặc dính dáng vào vì chúng ta lo lắng về điều người khác sẽ nghĩ về ta. Tôi có một yếu điểm đáng ghét nhưng rất con người, đó là rất muốn được yêu thương. Ước muốn được yêu này có thể trở thành một ám ảnh, và bạn có thể thấy rằng bạn sẵn sàng làm hầu như bất cứ điều gì để chiếm được sự chuẩn thuận của người khác. Chúng ta phải nhớ rằng điều mà Thượng đế nghĩ thì quan trọng hơn điều mà người khác nghĩ. Kiên định với điều chúng ta tin là đúng có thể giúp chúng ta nhận ra rằng ngay cả khi chúng ta không làm hài lòng cha mẹ, vợ, chồng, hay những người bạn, hoặc những người khác, chúng ta vẫn có thể làm hài lòng Thượng đế. Thượng đế đã giúp tôi nói lên sự cần thiết để được yêu thương bằng cách đặt tôi vào một vị trí ở Nam Phi, nơi mà tôi bị coi là một yêu tinh, nơi mà tôi thường xuyên bị báo chí chỉ trích. Tình yêu của Thượng đế có thể nâng đỡ chúng ta ngay cả khi những người khác ghét bỏ chúng ta.

Có lẽ một trong những lúc chúng ta cần khiêm tốn nhất là trong vai trò làm cha mẹ. Con cái là những con người còn trẻ và bé bỏng, có lý trí và ý nghĩ, đáng được tôn trọng như nhau. Chúng có một khả năng tuyệt vời để nhìn vào trung tâm của vấn đề, và vạch trần sự giả dối và bịp bợm– kể cả của chúng ta. Chúng đáp ứng đáng nể để được cư xử trân trọng, như những con người có trách nhiệm.
Chúng ta phải để chúng va chạm với cuộc đời theo cách riêng của chúng và đừng giúp chúng tránh né đau khổ, vì đau khổ là cái tôi luyện nhân cách của chúng, là nơi chúng học được lòng thấu cảm và từ tâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể giúp con cái biến đau khổ của chúng thành điều cao quý chứ đừng trở thành nỗi cay đắng. Chúng ta giúp chúng làm điều này, như những con người trưởng thành làm, bằng cách chấp nhận và tôn vinh sự đau khổ, giúp chúng tìm thấy hy vọng và ý nghĩa trong đau khổ. Điều này giúp chuyển hóa đau khổ của chúng.

Khó có thể chấp nhận và khen ngợi những lựa chọn của con cái khi chúng ta không luôn đồng ý với chúng. Đôi khi để lắng nghe thôi cũng đã là chuyện khó, và có khi chúng ta còn không muốn nghe chúng nói gì. Leah và tôi, cả hai chúng tôi được lớn lên trong các gia đình mà ở đó con cái chỉ được nhìn chứ không phải được lắng nghe. Vì thế khi là con cái chúng tôi thường cảm thấy hết sức thất vọng khi những ông thần của gia đình– cha mẹ của chúng tôi và những người bạn của họ đang thảo luận một điều gì đó thực sự thú vị. Chúng tôi muốn nói nhưng không bao giờ dám, Và vì thế chúng tôi không muốn con cái của chúng tôi phải trải qua những chấn thương tâm lý như vậy. Những việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chẳng hạn, tôi nhớ đã nói với đứa con út của chúng tôi, lúc đó là một đứa bé hoạt bát ba tuổi, nhưng hẳn nó chưa biết nhiều điều trên thế gian này, “Này Mpho, con yên đi nào, con nói nhiều quá đấy”. Bạn có nghĩ là con bé xìu hẳn đi khi bị quở trách không? Không đâu bạn ạ−nhanh như tia chớp, nó đáp lại, “Ba nói nhiều quá thì có Ba nói cả ở trong nhà thờ nữa”. Chúng tôi đó ra còn các con của chúng tôi tranh nhau nói. Chúng tôi thấy quả là vui và cha mẹ cũng học thêm được từ con cái khi đọ sức với chúng. Chúng cũng là những con người theo cách của chúng và chúng tôi đã phải nghĩ lại nhiều điều mà trước đây chúng tôi coi như là lẽ đương nhiên.
Con cái học về bản chất của thế giới từ nơi gia đình. Chúng học về quyền lực và sự công bằng, về hòa bình và lòng trắc ẩn ngay trong gia đình. Chúng ta áp bức hoặc cho con cái tự do sẽ quyết định việc khi chúng lớn lên sẽ áp bức hoặc bị áp bức, sẽ tự do hoặc mất tự do.
☘🌿☀☘🌿
Trích: GIẤC MƠ CỦA THƯỢNG ĐẾ
Tầm Nhìn Hy Vọng Cho Thời Đại Của Chúng Ta
Tác giả: Desmono Jutu
Biên dịch: Lưu Văn Hy – NXB Thời Đại 2011

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: