THIỀN TÔNG CÙNG TỊNH ĐỘ TÔNG

SHARE:

(Vào năm 1955, cư sĩ Lương Hàn Chiêu vào núi, cung thỉnh Ngài giải thích nguyên nhân phát khởi sự tranh luận giữa Thiền Tông và Tịnh Độ tông. Dưới đây là lời giải thích về tông chỉ không hai không khác của Thiền Tông và Tịnh Độ tông.)

Hỏi: Khi hỏi rằng tham thiền có bằng niệm Phật không, thì thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ đáp:

– Có thiền không Tịnh Độ, mười người tu, chín người lạc. Điển hình là Giới thiền sư, hậu thân làm Tô Đông Pha, cho đến Nhạc Đàng Tăng làm Thần Thị Tử Hội, v.v…

Đáp: Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Văn Thù sau khi chọn lựa pháp môn viên thông, liền thuyết kệ:

– Xoay về nguồn tánh vốn không hai, nhưng phương tiện lại có nhiều pháp môn. Thánh tánh không thể chẳng thông. Thuận nghịch chỉ là phương tiện.

Từ trong các pháp môn, Bồ Tát Văn Thù định ra nhĩ căn viên thông:

– Đây là phương tiện chân thật của giáo thể ở phương này, vốn được thanh tịnh tại âm thanh. Nếu muốn đạt tam ma đề (chánh định), phải dùng tánh nghe mà nhập vào.

Lại chỉ ra:

– Những phương tiện khác, đều do thần thông ứng hóa của Phật cảm nên. Hiểu sự liền bỏ trần lao, chẳng phải chỗ thường tu học.

Đối với niệm Phật tam muội, ngài Văn Thù bảo:

– Chư hành vốn vô thường, tánh chất của vọng niệm nguyên là sanh diệt, nay cảm thọ nhân quả sai biệt, sao được viên thông!

Trong quyển Tứ Liệu Giản, thiền su Vĩnh Minh viết: “Có Thiền không Tịnh Độ, mười người tu, lạc hết chín. Ấm cảnh hiện tiền, chớp mắt liền tùy nghiệp chuyển sanh. Không Thiền có Tịnh Độ, muôn người tu, muôn người vãng sanh. Thấy Phật A Di Đà, sao lo không khai ngộ! Có Thiền có Tịnh Độ, ví như hổ thêm sừng; đời này làm thầy người, đời vị lai làm Phật Tổ. Không Thiền không Tịnh Độ, giường đồng cùng trụ sắt, muôn kiếp và ngàn đời, chẳng có nơi nương tựa”.

Gần đây, người tu Tịnh Độ đa số đều cố chấp vào quyển Tứ Liệu Giản này, mà thật ít có ai nghiên cứu Kệ Viên Thông, để đối chiếu, nên họ đều hiểu lầm ngộ giải, khiến chẳng những phụ bạc Bồ Tát Văn Thù lại còn làm lụy đến thiền sư Vĩnh Minh. Tựu chung, đối với những pháp môn quyền thật, họ không thể dung hội quán thông, nên thấy pháp Thiền và Tịnh, như lửa với nước, và băng với than. Bàn về việc này, Hư Vân tôi không thể lặng thinh. Kiểm lại thì thấy rằng tổ Vĩnh Minh Diên Thọ sanh vào đời Tống, là con cháu của Dư Hàng Vương. Ngài là một trong ba vị tổ, có rất nhiều trước tác nhất ở Tàu. Trong cuốn Phật Tổ Thống Ký, quyển thứ hai mươi sáu viết: “Thời Ngô Việt Tiễn, Ngài làm quan thuế, nhưng thường dùng tiền của công khố, mua cua cá phóng sanh. Việc này bại lộ, nên bị bắt nhốt xử trảm. Ngô Việt Vương bảo quan quân:

– Nếu thấy sắc mặt của ông ta biến đổi thì hãy chém, bằng ngược lại hãy thả.

Khi sắp bị chém, sắc mặt Ngài vẫn bình thường, nên được tha mạng. Sau đó, Ngài theo thiền sư Tứ Minh Thúy Nham xuất gia. Ngài không đắp y phục tơ lụa, ăn không trọng mùi vị. Sau này, đến tham thiền với Thiệu quốc sư mà phát minh tâm địa… Kế đến, Ngài lên núi Trí Giả Nham, bốc thăm hai thẻ. Thẻ thứ nhất viết: “Suốt đời tu thiền định.” Thẻ thứ hai viết: “Tụng kinh, hành muôn việc thiện, trang nghiêm Tịnh Độ”.

Ngài lại thành tâm cầu khẩn, rồi bốc được thẻ “tụng kinh, hành muôn việc thiện, trang nghiêm Tịnh Độ”, cho đến bảy lần.

Ngài là một vị thiền sư, đệ tử đời thứ ba của thiền sư Pháp Nhãn. Trước tác của Ngài có rất nhiều. Bài “Tâm Phú” và bài “Tâm Phú Lạc” giảng giải về việc minh tâm kiến tánh. Bài “Vạn Sự Đồng Quy” giảng giải về sự viên dung vô ngại của các pháp. Một trăm quyển “Tông Cảnh Lục”, hoằng dương xiển lý “dâng cành hoa ngộ tông chỉ” của Thiền tông, cùng dung hợp giáo lý các tông pháp, quy về nguồn tâm.

Ở Nhật Bản, có mười ba tông phái. Ở Tàu, có mười tông phái. Bộ Tông Cảnh Lục lấy tâm làm tông, và lấy việc ngộ đạo làm pháp tắc. Lời lẽ tuy có sâu cạn, nhưng muôn pháp đều cùng phát xuất từ một cội nguồn. Những điểm vi tế đều phát xuất từ tâm. Dẹp tà trợ chánh, khiến người sau không đi lầm lạc.

Suốt đời, Ngài giảng thuyết rất nhiều, nhưng chưa từng bảo tu Thiền là dở. Ngài ngộ đạo từ Thiền tông, sao lại đi hoằng dương Tịnh Độ? Đối với người đại ngộ, pháp pháp đều dung thông; tham Thiền là tu đạo; niệm Phật cũng là tu đạo. Chúng ta lao động cuốc đất ở đây, cũng là tu đạo. Vì muốn cứu độ những người độn căn hạ liệt trong đời mạt pháp, nên cả đời Ngài hoằng dương pháp môn niệm Phật, và được người người tôn vinh là vị tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ. Nơi chùa Tịnh Từ, tăng chúng kiến lập tháp kỷ niệm tôn thờ Ngài. Trong quyển Phật Tổ Thống Ký, viết: “Có vị tăng từ Lâm Xuyên đến, kể rằng lúc bị bịnh nặng, hồn nhập xuống cõi u minh, thấy vua Diêm La đảnh lễ trước tôn tượng của một vị

thánh tăng. Hỏi ra thì biết là vua Diêm La đang đảnh lễ tôn tượng thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ở Hàng Châu. Ngài đã được vãng sanh vào hàng thượng phẩm thượng sanh ở cõi Tây Phương”.

Phật tử Tàu lấy ngày mười bảy tháng chạp làm ngày vía Phật A Di Đà. Vậy họ y cứ theo kinh điển nào? Kinh A Di Đà thuyết: “Qua mười muôn ức cõi Phật về phía tây, có Phật hiệu là A Di Đà”.

Vậy ai biết được mười bảy tháng chạp là ngày vía của Phật A Di Đà? Ngày này, vốn là ngày sanh nhật của thiền sư Vĩnh Minh, vì Ngài chính là Phật A Di Đà thừa nguyện hóa thân trở lại cõi Ta Bà.

Tứ Liệu Giản vừa viết ra, hai tông Thiền Tịnh liền khởi tranh luận. Người tu Tịnh Độ bảo:

– Có Thiền, không Tịnh Độ, mười người tu, chín người lạc.

Nếu chỉ tu theo Thiền tông thì không thể giải thoát khỏi sanh tử. Nếu chỉ tu theo tông Tịnh Độ thì “muôn người tu, muôn người được vãng sanh”. Vừa tham Thiền vừa niệm Phật thì như “hổ mọc sừng”. “Không Thiền không Tịnh Độ”, là kẻ ác trong thế gian.

Người tu Tịnh Độ phê bình Thiền tông như thế. Ngày nay, họ vẫn còn náo nhộn không ngừng, tức thường bảo rằng tham Thiền là việc xấu. Họ lại dẫn chứng:

– Giới thiền sư, hậu thân làm Tô Đông Pha. Thanh Tảo Đường, hậu thân làm Tăng Lỗ Công. Tôn Trưởng Lão, hậu thân làm Lý Thị Lang. Nam Am Chủ, hậu thân làm Trần Trung Túc. Trí Tạng Mỗ, hậu thân làm Trương Văn Định. Nghiêm Thủ Tọa, hậu thân làm Vương Quy Linh. Thiền sư Tắc Thừa, hậu thân làm Hàn Thị Tử. Kính Tự Tăng, hậu thân làm Kỳ Phu Tử. Thiện Mân, hậu thân làm Đổng Ty Hộ Nữ. Hải Ấn, hậu thân làm Chu Phòng. Nhạn Đàng Tăng, hậu thân làm Tần Thị Tử Cối, do dựa quyền thế mà tạo các nghiệp ác. Những vị này, nếu xưa kia phát tâm cần cầu vãng sanh cõi Tịnh Độ, thì chắc sẽ không bị triển chuyển như vầy… Làm dân thường, làm người nữ, làm kẻ ác, hoặc chuyển thân làm quan thần, văn võ danh tiếng, nhiều không thể tính được. Ai ơi! Hãy nên vãng sanh qua cõi Tây Phương!

Theo tôi nhận thấy, hậu thân của người tu hành, bị “triển chuyển hạ liệt” do người chớ chẳng phải do pháp. Thời vua Đường Hy Tông, có cô kỷ nữ tại Đĩnh Châu, nơi miệng thường thoát ra mùi hương hoa sen. Một vị tăng nước Thục bảo:

– Cô này đời trước làm ni, thường tụng Pháp Hoa hơn hai mươi năm.

Tụng kinh Pháp Hoa mà triển chuyển làm thân kỶ nữ, không thể đổ lỗi cho kinh Pháp Hoa. Cũng vậy, hậu thân của các vị thiền sư làm thường dân, người nữ, kẻ ác, v.v… không thể đổ lỗi cho Thiền tông được. Ba mươi hai ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, tùy theo sở nguyện của chúng sanh mà hóa độ, hiện thân thuyết pháp. Vậy có thể nào bảo rằng ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng bị “triển chuyển hạ liệt” được không? Phật A Di Đà hóa thân làm thiền sư Vĩnh Minh. Hậu thân thiền sư Vĩnh Minh làm tổ sư Thiện Kế. Hậu thân của tổ sư Thiện Kế làm cư sĩ Vô Tướng Tống Liêm. Tổ sư Thiện Kế tại chùa Bán Dong Thọ Thánh, ngoài thành Sương Môn, ở Tô Châu, viết nguyên bộ kinh Hoa Nghiêm bằng máu. Sự nghiệp hoằng pháp của Ngài chỉ bằng phân nửa sự nghiệp của thiền sư Vĩnh Minh. Lúc làm quan, Tống Liêm ít khi hành việc thiện, nên không thể sánh bằng tổ sư Thiện Kế. Như vậy, có thể bảo rằng Phật A Di Đà cũng “triển chuyển hạ liệt” được không? Tần Thủ Tọa tu thiền, đốt một cây hương liền ngồi tịch mất, nên không được hứa khả nơi núi Cửu Phong. Đề Y Đạo Giả đến đi tự tại, nhưng núi Tào Sơn cũng không thừa nhận. Do những câu chuyện này, người tu hành tông Tịnh Độ thường phê phán tu theo Thiền tông là sai, mà chẳng chịu tìm hiểu kỸ càng. Núi Cửu Phong và núi Tào Sơn vốn là những nơi xuất sanh chư thiện tri thức chánh tri chánh kiến của Thiền tông. Phải nên chú tâm đến Thiền tông, chứ sao lại đánh giá thấp như thế! Hiện tại, có ai trong chúng ta, ngồi thiền mà thị tịch không? Chúng ta chưa sánh bằng Tần Thủ Tọa, Đề Y Đạo Giả, sao lại dám khinh mạt Thiền tông? Thật ra, tông môn có sâu cạn. Pháp môn Hiển giáo và Mật giáo cũng có đốn tiệm tà chánh. Pháp môn niệm Phật cũng lại như thế.

Bàn về sự khác biệt, có nhiều loại thiền định, như thiền ngoại đạo, thiền phàm phu, thiền Tiểu Thừa, thiền Trung Thừa, thiền Đại Thừa. Thiền tông ở Tàu là tổ sư thiền, hay thiền tối thượng, tức không đồng với các loại thiền khác. Song, người tu thiền trong đời mạt pháp, thật sự có tu lầm lạc, nên không lạ gì bị thiền sư Vĩnh Minh chê trách trong quyển Tứ Liệu Giản.

Vì quyển Tứ Liệu Giản này được lưu truyền trong thiên hạ rất lâu, nên khi xem qua, tôi không dám phê bình là sai lầm. Mắng trách “có Thiền, không Tịnh Độ, mười người tu, chín người lạc”, có phải là Ngài phân Thiền Tịnh làm hai không? Người niệm Phật, nếu tâm tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, tức thấy tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Thiền tông cùng Tịnh Độ tông vốn không hai. Song, người đời nay chỉ giới hạn, bảo rằng niệm Phật là tu Tịnh Độ, còn tham thiền là tu thiền.

Xưa kia, đức Phật vượt thành xuất gia, vào núi Đan Đặc tu đạo. Đầu tiên, Ngài tu theo ông A Lam Ca Lam ba năm, học thiền định bất dụng xứ, nhưng nhận biết đó chẳng phải là pháp cứu cánh. Kế tiếp, Ngài đến tu với ông Uất Đầu Lam Phất ba năm, học thiền định phi phi tưởng xứ, và cũng biết định này chẳng phải là tối thượng. Ngài lại đến núi Hương Tượng, cùng tu với ngoại đạo; ngày ăn một hạt mè, trải qua sáu năm… Kế đến, Ngài tới dưới cội cây Bồ Đề ngồi thiền trong suốt bốn mươi chín ngày đêm. Rạng ngày mồng tám tháng chạp, khi sao mai vừa chớp sáng, Ngài liền đại ngộ, thành đẳng chánh giác, rồi ta thán:

– Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí huệ Như Lai. Vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đắc.

Khi ấy, Thiền với Tịnh Độ xuất phát từ chỗ nào? Thuyết pháp trong bốn mươi chín năm trường, Ngài vẫn chưa cho đó là cứu cánh. Khi đưa cành hoa lên, mỉm cuời phó chúc cho tôn giả Ca Diếp, Ngài cũng chưa từng nói một chữ “Thiền”. Thiền vốn là pháp môn tối thượng. Ví như sữa bò, ngày ngày bị pha trộn với nước, khiến dần dần mất chất tinh khiết. Người học Phật cũng như người thêm nước vào sữa. Thiền sư Vĩnh Minh thấy sữa Thiền đã bị nước thế tục hòa tan, nên bảo “có Thiền không Tịnh Độ, mười người tu, chín người lạc”, chứ không phải nói rằng sữa Thiền sai lạc. Thiền sư Vĩnh Minh lên đảnh núi Trí Giả, bốc thăm giữa Thiền và Tịnh, rồi cầu được quẻ tu Tịnh Độ bảy lần. Nếu Thiền không hay, Ngài quyết không bốc thăm như thế. Nếu ưa chuộng pháp môn Tịnh Độ, thì Ngài đâu cần bốc thăm đến bảy lần mới quyết chắc. Điều này chứng minh rằng Ngài vốn ngưỡng mộ Thiền tông. Vả lại, Ngài xuất thân từ Thiền tông và là bậc pháp nhãn trong tông môn, có lý nào đi nói xấu Thiền tông?

Pháp tham thiền, phải nên quán chiếu xem bổn lai diện mục của mình trước khi cha mẹ sanh ra như thế nào. Mục đích chỉ cầu minh tâm kiến tánh. Người sau tu thiền sai khác với phương pháp này. Vừa đắc được vài cảnh giới thanh tịnh, hay thân thể được nhẹ nhàng, thì tự bảo rằng mình đã có công phu. Thật ra, đã bị dính nơi ấm cảnh. Họ nào biết rằng một niệm do duyên khởi, tức vốn vô sanh; nơi cột trụ trăm thước, phải nên tiến thêm một bước. Vì thế, ngài Vĩnh Minh bảo:

– Ấm cảnh hiện tiền, liền tùy nghiệp vãng sanh.

Ngược lại, niệm Phật vốn có nơi nương tựa. Song, Ngài không bảo rằng chẳng cần niệm Phật mà vẫn có thể “muôn người niệm, muôn người được vãng sanh”, mà là phải chân thật tu hành pháp môn Tịnh Độ thì mới có thể thấy Phật A Di Đà. Nếu dùng câu “lúc thấy Phật A Di Đà, sao lo không khai ngộ”, làm chỗ nương tựa, thì đây cũng là vọng tưởng sai lầm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan bạch Phật:

– Từ lúc theo Phật phát tâm xuất gia, con thường tự suy nghĩ rằng không cần tu hành mệt nhọc, chỉ nương oai thần của Phật, nhờ Như Lai ban ân huệ, sẽ cho thiền định tam muội. Nào biết rằng thân tâm vốn không thể tu thế được, nên khiến quên mất bản tâm của mình.

Phật Thích Ca không thể dùng oai thần lực mà ban ân huệ thiền định tam muội cho ngài A Nan được. Như vậy, Phật A Di Đà làm sao ban ân huệ thiền định tam muội cho mình được?

So sánh với vọng tưởng, ba độc, năm dục, thì chắc chắn niệm Phật là hay hơn. Như lúc mộng, nếu mơ thấy điềm lành, thì khi tỉnh dậy, tinh thần sảng khoái. Nếu mơ thấy ác mộng, thì khi tỉnh dậy, tâm tư bồn chồn sợ hãi mờ mịt. Thế nên, đui mù khởi vọng tưởng, không bằng nhất tâm niệm Phật. Nếu đạt đến pháp pháp đều dung thông, tức tu hành pháp cao tột “có Thiền có Tịnh Độ”, thì như hổ vốn có oai thế, mà nay lại thêm sừng, càng gia tăng oai mãnh, khiến làm Phật Tổ dễ dàng. Lý này là lẽ đương nhiên.

Đối với người không có căn lành, tức không tin Thiền cũng không tin Tịnh Độ, chỉ hàm đồ mê mờ, thì “muôn kiếp cùng ngàn đời, chẳng có nơi nương tựa”.

Suốt đời, tôi luôn khuyên người người nên niệm Phật. Song, tôi thật bất mãn những vị thường khuyên người chớ nên tu thiền. Mỗi lần nhớ lại kinh Lăng Nghiêm nói “tà sư thuyết pháp, như số cát sông Hằng”, khiến tâm tư đau nhức. Nay tôi đem quyển Tứ Liệu Giản ra để lược bày. Hy vọng tất cả người tu hành, chớ nên thiên chấp vào văn cú của quyển Tứ Liệu Giản này, khiến vọng sanh phân biệt cao thấp giữa Thiền và Tịnh, thì mới không phụ lòng thiền sư Vĩnh Minh.

Nguồn: (TẠNG THƯ PHẬT HỌC)

 

SHARE:

Để lại một bình luận