SHARE:
Ngài Dogen là một người biết yêu thiên nhiên, một thi sĩ và nhà thần bí phi thường. Ngài xây tu viện sâu trong núi trên dòng sông Cửu Đầu Long. Ngài thực hiện hầu hết các tác phẩm của ngài ở nơi ẩn dật trên đỉnh núi. Ngài thân thiết với núi. Nhưng núi và sông mà ngài Dogen nói ở đây không phải là núi và sông của thi sĩ, của nhà tự nhiên học, của thợ săn hay thợ rừng. Chúng là núi và sông của Pháp giới
Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) viết trong Kinh Núi và Sông:
“Dòng sông không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không có cũng không không, không mê cũng không ngộ. Đông lại nó cứng hơn kim cương: ai có thể đập vỡ nó? Tan ra, nó mềm hơn sữa: ai có thể bẻ gãy nó? Không ai nghi ngờ có nhiều đức tính thể hiện từ dòng sông. Chúng ta nên học trường hợp khi những dòng sông trong mười phương được nhìn thấy trong mười phương. Đó không phải là bài học chỉ khi con người hay thần thánh nhìn thấy dòng sông: có một bài học của dòng sông nhìn thấy dòng sông. Dòng sông thực hành và thọ ký cho dòng sông; từ đó, có một bài học về dòng sông nói lên tiếng nói của dòng sông. Chúng ta cần thể nhận con đường trên đó cái ngã gặp gỡ cái ngã. Chúng ta cần chuyển dịch lui tới theo, và bật ra từ, con đường mà trên đó một người học và hiểu toàn bộ người khác”.
Đoạn kinh trên tương ứng với bước thứ ba trong Thiên Chính Ngũ Vị của ngài Động Sơn – một giáo lý vi tế và thâm sâu về hai mặt tương đối và tuyệt đối của thực tại(1). Bước thứ ba phản ảnh sự chín mùi trong việc tu tập – tác động của tánh không trong đời sống hàng ngày, sự khởi lên của từ bi như là hoạt động của thế giới.
Ngài Dogen là một người biết yêu thiên nhiên, một thi sĩ và nhà thần bí phi thường. Ngài xây tu viện sâu trong núi trên dòng sông Cửu Đầu Long. Ngài thực hiện hầu hết các tác phẩm của ngài ở nơi ẩn dật trên đỉnh núi. Ngài thân thiết với núi. Nhưng núi và sông mà ngài Dogen nói ở đây không phải là núi và sông của thi sĩ, của nhà tự nhiên học, của thợ săn hay thợ rừng. Chúng là núi và sông của Pháp giới.
Núi và sông thường được dùng trong Phật giáo để chỉ luân hồi – thế giới vô minh, sự đau khổ của thế giới, sự vô thường trong thế giới hiện tượng. Cái chúng ta có ở đây không phải là một bài kinh về núi và sông trong nghĩa đó, những sự hiển lộ của núi và sông như một bài kinh, một bài pháp. Dòng sông mà ngài Dogen nói đến là dòng sông Pháp giới, thế giới của vạn pháp. Sông, giống như núi, luôn luôn có một ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Trong lịch sử tâm linh, nhiều nguồn cảm hứng đã xuất phát từ thềm sông Hằng, cũng như dọc theo dòng sông Dương Tử ở Trung Hoa. Nhiều giáo lý Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo cũng đã xuất hiện trên thềm những dòng sông.
Thoreau nói về dòng sông Merrimack:
Có tiếng nói từ bên trong dòng nước mang theo tinh thần của nó đến tai đang nghe, và trong niềm tĩnh lặng nó chảy qua trong dáng vẻ minh triết, ân cần với niềm tôn kính, trong trẻo như toàn bộ những tư tưởng đẹp đẽ này. Nó tiếp nhận những khu rừng xanh yêu kiều. Nó mỉm cười trong đôi cánh tay an bình của nó.
Trong cuốn Siddartha của Herman Hesse, dòng sông đóng một vai trò chính trong sự giác ngộ của Gautama. Với tôi, cuốn sách đó là một bài học có ảnh hưởng lớn. Khi tôi trở lại với cuốn sách sau nhiều năm học nó ở nhà trường, tôi nhớ bao nhiêu là khó khăn trong cuộc đời của tôi vào lúc đó. Một cách nào đó, cuốn sách đã không thấm nhập vào tâm hồn tôi khi tôi còn trẻ. Nhưng lần sau, đọc lại cuốn sách, tôi đã đến với dòng sông Delaware. Đi đến dòng sông trở thành một cuộc hành hương đối với tôi, một nơi đến để tiếp nhận linh hồn của dòng sông, để được dòng sông nuôi dưỡng. Tôi không biết điều gì đang xảy ra, nhưng tôi bị chấn động bởi điều mà Hesse nói về Siddartha và dòng sông. Mỗi khi tôi đi ra dòng sông Delaware, tôi giống như được uống một vị nước trong mát, tinh nguyên, làm dịu đi ngọn lửa đang cháy trong tôi. Tôi không hiểu, nhưng tôi tiếp tục trở lại. Tôi chụp nhiều hình với nhiều dáng vẻ của mặt nước dòng sông trong những thời điểm khác nhau. Tôi thấy mình du lịch trong dòng sông, đắm mình trong dòng sông. Việc này kéo dài nhiều năm, và nhiều năm dòng sông đã dạy cho tôi. Và cuối cùng, tôi nghe nó. Tôi nghe nó nói. Tôi nghe điều mà nó nói với Siddartha và Thoreau.
Trong câu chuyện của Hesse, Siddartha mang một nỗi đau buồn và khốn khổ không cùng. Ông lang thang trong rừng, và cuối cùng đi đến một dòng sông – dòng sông mà trước kia người lái đò đã đưa ông sang bên này. Trong Phật giáo, hình ảnh dòng sông và sự vượt qua nó là prajna paramita, là trí tuệ qua đến bờ bên kia: “Qua, qua, hãy đi qua đến bờ bên kia”. Chúng ta có thể hiểu sự vượt qua đó bằng nhiều cách. Chúng ta có thể hiểu bờ bên kia không có gì khác với bờ bên này. Chúng ta cũng có thể hiểu bờ bên kia vượt qua chúng ta, cũng như chúng ta vượt qua bờ bên kia.
Ở chỗ này, Hesse viết về Siddartha:
Với vẻ mặt thất thần, chàng nhìn chăm chăm vào dòng nước. Chàng thấy mặt chàng phản chiếu và bập bềnh trong đó. Chàng buông cánh tay ra khỏi thân cây và xoay mình một chút để có thể buông đầu xuống và chìm trong nước. Chàng nhắm mắt hướng về cái chết. Lúc đó, từ một vùng xa xôi của tâm hồn, từ quá khứ trong cuộc đời mệt mỏi của chàng, chàng nghe tiếng vọng. Đó là một chữ, một âm, không suy nghĩ, chàng nói lên âm thanh đó theo bản năng. Cái khởi đầu và chấm dứt cổ xưa của tất cả các vị Bà la môn, tiếng “Om” linh thiêng có ý nghĩa là đấng Toàn Thiện, hay sự toàn thiện. Trong khoảnh khắc, khi tiếng Om đến tai Siddartha, tâm hồn bão tố của chàng bỗng thức tỉnh, và chàng nhận ra hành động điên rồ của mình.
Hesse tiếp tục nhiều trang nói về lời dạy của dòng sông, rồi ông viết:
Ta sẽ ở lại bên dòng sông này, Siddartha nghĩ. Nó cũng là dòng sông mà ta đã qua để vào thành phố. Một người lái đò thân thiện đã đưa ta qua. Ta sẽ đến với ông ta. Con đường một lần đưa ta từ túp lều của ông để đến với một cuộc sống mới bây giờ đã cũ và mất dấu. Chàng nhìn một cách yêu thương vào dòng nước đang chảy, vào màu xanh lá cây trong trẻo, vào những đường nét trong suốt của sự trang trí tuyệt vời của nó. Chàng nhìn thấy những viên minh châu hiện lên từ đáy nước, những chiếc bong bóng bơi trên mặt gương, màu xanh của bầu trời phản chiếu trong đó. Dòng sông nhìn chàng với ngàn con mắt, màu xanh lá cây, màu trắng, màu trong suốt, màu xanh da trời. Chàng yêu thương dòng sông này biết mấy! Dòng sông này làm cho chàng say mê! Chàng biết ơn dòng sông vô cùng! Trong tâm chàng, chàng nghe một âm thanh mới vừa thức dậy. Nó nói với chàng: “Hãy yêu thương dòng sông này, hãy ở lại bên nó và học từ nó”. Vâng, chàng muốn học từ nó. Đối với chàng, dường như người nào hiểu được dòng sông này và những bí ẩn của nó, cũng sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều bí ẩn, những điều bí ẩn cổ xưa”.
Thiền sư Dogen nói về những bí ẩn của dòng sông và của tất cả nước: “Dòng sông không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không có cũng không không, không mê cũng không ngộ”. Nó không có cái gì có tính chất nhị nguyên. Nước là H2O, bao gồm hai phần hydrogen và một phần oxygen, hai chất không mùi và không vị. Chúng ta kết hợp hai thành phần lại và chúng ta có nước. Nhưng nước không phải là oxygen cũng không phải là hydrogen. Nó không phải là chất khí. Nó là cái mà D.H. Lawrence gọi trong bài thơ của ông “cái thứ ba”. Nó không phải là cái này, cũng không phải là cái kia; nó luôn luôn là cái thứ ba. Cái thứ ba không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không hiện hữu cũng không không hiện hữu, không mê cũng không ngộ. Cái thứ ba mà Dogen nói đến, kinh điển nói đến và dòng sông nói đến là cái gì?
Thiền sư Động Sơn là một trong những vị sáng lập dòng Thiền Tào Động, một phần truyền thống của tu viện Zen Mountain Monastery. Một lần ngài đi qua một con sông với Vân Cư, người đệ tử truyền thừa của ngài. Ngài hỏi Vân Cư: “Nước sâu nhiều ít?” Vân Cư trả lời: “Không ướt” Động Sơn nói: “Ngươi thô lậu” Vân Cư nói: “Xin Thầy nói”. Động Sơn nói: “Không khô”. Điều đó có hiển bày cái thứ ba hay không? Phải chăng nó không ướt cũng không khô?
Cứng hơn kim cương, mềm hơn sữa. Cứng hơn kim cương diễn tả tính Chân như bất biến của vạn pháp, cái như như của vạn pháp. Ngay trong lúc này! Mềm hơn sữa là nói đến Chân như trong điều kiện hóa của sự vật. Cũng trong Kinh Núi và Sông, ngài Dogen nói về người gái đá (thạch nữ) sinh con trong đêm. Gái đá là người đàn bà không thể sinh con và, dĩ nhiên, người đàn bà như vậy không thể sinh con. Ngài Dogen nói thêm rằng việc như vậy là bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn. Điều này để ám chỉ sự không thể nghĩ bàn của cái không có những tính chất cố định, không có sự hiện hữu nào, nhưng có thể làm sinh khởi sự hiện hữu tùy thuộc điều kiện, thế giới tương đối hay thế giới nhị nguyên của sự vật. Đó là nền tảng của sự phụ thuộc lẫn nhau của sự vật trong toàn thể vũ trụ, cái mà chúng ta gọi là Lưới Trời Đế Thích – hoàn toàn thấm nhập vào nhau trong quan hệ tương duyên, tương sinh. Không có cách nào có thể tạo ảnh hưởng lên một sự vật mà không làm ảnh hưởng đến cái toàn bộ của nó. Với hai câu cứng hơn kim cương, mềm hơn sữa, ngài Dogen trình bày hai phương diện tương đối và tuyệt đối của thực tại.
Tiếp theo, ngài Dogen nói:
Chúng ta nên học trường hợp khi những dòng sông của mười phương được nhìn thấy trong mười phương. Đây không phải chỉ là học về thời gian lúc con người và thần thánh nhìn thấy dòng sông. Có sự học về dòng sông nhìn thấy dòng sông. Dòng sông thực hành và thọ ký cho dòng sông; từ đó, có một bài học về dòng sông nói lên tiếng nói của dòng sông. Chúng ta cần thể nhận con đường trên đó cái ngã gặp gỡ cái ngã. Chúng ta cần chuyển dịch lui tới theo, và bật ra từ, con đường mà trên đó một người học và hiểu toàn bộ người khác.
Thế nào là con đường trên đó cái ngã bắt gặp cái ngã, và cái khác gặp gỡ cái khác? Đó là sự tu tập của dòng sông nhìn thấy dòng sông, nhìn thấy chính nó. Ngài Dogen trình bày khác một chút trong một tác phẩm khác của ngài, Genjokoan (Hiện Thành Công Án). Ngài nói: “Học Phật là học về ngã. Học về ngã là quên ngã. Quên ngã là giác ngộ từ vạn pháp”. Khi chúng ta học về ngã, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng nó là một ý niệm được tạo ra từ ý nịệm. Chúng ta tạo ra từ phút giây này qua phút giây khác. Chúng ta tạo ra nó như chúng ta tạo ra vạn pháp, bằng sự tương duyên và tương sinh của chúng ta. Điều gì xảy ra khi cái ngã được quên đi. Cái gì sẽ còn lại? Toàn thể thế giới hiện tượng sẽ còn lại. Toàn thể pháp giới sẽ còn lại. Điều đó có nghĩa là “Quên ngã là giác ngộ từ vạn pháp”. Đó là, chúng ta thấy vạn pháp như là thân và tâm của chúng ta. Trong một bài kệ, ngài Động Sơn nói về lão bà nhìn trong gương thấy hình bóng của mình. “Rõ ràng gặp mặt nhưng không phải là thật là tôi”(2). Anh và tôi là một nhưng tôi không phải là anh và anh không phải là tôi. Bộ não của chúng ta không thể giao dịch với bình diện đó. Đó là lý do thực hành là thiết yếu. Chúng ta phải tự thấy nó, và thấy rằng ngôn ngữ không đến được với nó. Không có cách nào chuyển tải cái thực tại này bằng ngôn ngữ, như vị của loại nước trong suốt không thể được chuyển tải bằng cách nào khác hơn là nếm nó.
Sương buổi sáng trên mười ngàn ngọn cỏ biểu lộ chân lý của toàn thể mười ngàn sắc tướng của đại địa. Mỗi sự vật, mỗi ngọn cỏ, mỗi giọt sương, mỗi và mọi sự vật trong toàn pháp giới chứa đựng toàn thể pháp giới. Đó là chân lý của mười ngàn sắc tướng của đại địa.
Những âm thanh của thung lũng dòng sông hát lên tám vạn bốn ngàn bài ca Chân như. Có nghe chúng chăng? Những bài ca không chỉ nói lên tiến Om. Chúng ca lên tám vạn bốn ngàn bài ca, tám vạn bốn ngàn bài kệ, những giáo pháp, bài kinh của đá và nước. Tràn ngập xuyên khắp những âm thanh và sắc tướng này là một dấu vết tách rời khỏi ngôn ngữ và ý niệm. Có thấy nó chăng? Nếu muốn bước vào đó, chỉ nhìn và nghe. Nhìn với toàn thể thân và tâm. Thấy với toàn thể thân và tâm. Lắng và nghe với toàn thể thân và tâm, và rồi lập tức sẽ hiểu chúng. Đó là lối vào. Nếu chạy đuổi theo nó, sẽ không bao giờ tìm thấy nó. “Mang theo cái ngã để nhận ra mười ngàn pháp là vọng tưởng”, như ngài Dogen nói. “Mười ngàn pháp đi tới và nhận ra cái ngã là giác ngộ”. Thấy không? Bờ bên kia đi đến.
Dòng sông thực hành và thọ ký cho dòng sông có nghĩa là gì? Có nghĩa rằng chúng ta thực hành và xác minh chúng ta, và đó cũng là sự thực hành và thọ ký của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật tiên đoán rằng đến một thời kỳ nào đó Phật pháp sẽ biến mất trên thế gian. Ngài định nghĩa thời kỳ đó là thời kỳ không còn một vị thầy, một cuốn kinh nào, không có người tu thiền, không có ai giác ngộ. Ngài diễn tả thời kỳ đó như một thời kỳ dày đặc tối tăm, sẽ xuất hiện vào lúc nào đó trong tương lai. Chúng ta hãy cho rằng thời kỳ dày đặc tối tăm đó đã xuất hiện. Hãy cho rằng thời kỳ đó đã xuất hiện năm trăm năm. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ đặt vấn đề về việc tâm truyền tâm. Ngay cả hiện tại cũng đã có sự dứt đoạn lịch sử trong việc tâm truyền tâm. Từ quan điểm dòng truyền thừa, chúng ta ca tụng danh mục truyền thừa coi như đó là một sự tiếp nối liên tục. Nền văn hóa Trung Hoa rất coi trong việc tiếp nối tổ tiên. Nếu không có tổ tiên gần gũi, người ta dùng một tên thích hợp để tạo sự tiếp nối, và mọi người đều vui vẻ. Các sử gia ngày nay thỉnh thoảng tìm thấy những tên này không phải là những người kế thừa chính xác. Và các học giả bèn kết luận: “A ha! Lối truyền thừa tâm truyền tâm không có thật. Vị thầy qua đời và cả trăm năm sau vị thầy khác được coi như tâm truyền tâm từ vị thầy trước đó. Do đó không có việc tâm truyền tâm”. Đó là lý do tại sao họ là những học giả! Từ cái nhìn Phật giáo, nếu việc tâm truyền tâm biến mất cả triệu năm trên trái đất, một người tham thiền thể nhận ra cái ngã chân thật, có cùng một thể nghiệm với Đức Phật trong quá khứ, thì khoảng dứt đoạn triệu năm sẽ được tiếp nối trong một tích tắc, tâm-truyền-tâm.
Cũng như khi điện khí biến mất trên mặt đất, và sau đó một triệu năm, có một người chế tạo ra chiếc máy phát điện, xoắn một sợi dây kim loại gắn vào máy, khi quay máy lên, sức nóng phát ra sẽ tạo ra ánh sáng. Đó cũng là thứ ánh sáng mà chúng ta có từ chiếc bóng đèn ngày nay, cùng một thứ điện. Tất cả việc phải làm là tạo ra điện. Trong trường hợp Phật pháp, tất cả điều phải làm là thể nhận ra nó. Thể nhận ra cái gì? Thể nhận ra rằng Tâm Phật vẫn luôn luôn ở đó. Chúng ta không đạt đến nó, chúng ta sinh ra cùng với nó. Thiền không phải từ Nhật truyền đến Mỹ; nó vốn luôn luôn ở đó và sẽ luôn luôn ở đó. Nhưng giống như bóng đèn, chỉ điện thôi không đủ. Chúng ta cần nối bóng đèn để thấy ánh sáng. Trong Phật pháp chúng ta nối với con người; Phật pháp chiếu sáng qua con người, qua chư Phật. Chỉ các Đức Phật nhận ra các Đức Phật. Ngài Dogen nói như sau khi chúng ta nhận ra Đức Phật: “Chúng ta cần thể nhận con đường trên đó cái ngã gặp gỡ cái ngã. Chúng ta cần chuyển dịch lui tới theo, và bật ra từ, con đường mà trên đó một người học và hiểu toàn bộ người khác”.
Một trong những tính chất của bước thứ ba trong Thiên Chính Ngũ Vị của ngài Động Sơn, Chính Trung Lai, là sự chín mùi trong tu tập, tánh không vận hành như là nền tảng trong những sinh hoạt hàng ngày. Sự vận hành này không gì khác hơn là mười ngàn tay mắt của đức đại bi Quán Thế Âm. Ngài luôn luôn hiện ra theo hoàn cảnh. Trong sự thị hiện của ngài không có sự phân ly. Việc nhìn thấy mặt mũi của chính mình ở bất cứ nơi nào chúng ta nhìn đến trở thành hành động. Không chỉ thấy hay biết mặt mũi của mình, cái ngã chân thật của chúng ta, nhưng còn hành động trên nền tảng của cái biết này. Đó gọi là làm-không-làm. Từ bi không đồng nghĩa với làm việc tốt, hay tử tế. Từ bi vận hành một cách tự do, không do dự, không giới hạn. Nó xuất hiện không cố gắng, như tóc mọc, như tim đập, như hơi thở, như máu lưu thông, như làm mười ngàn sự việc khác mà chúng ta làm hàng phút hàng giây. Nó không có một sự cố gắng ý thức nào. Một người nào đó ngã xuống, chúng ta vực họ lên. Không ý thức người làm và việc làm. Không có sự phân ly.
Nếu chúng ta muốn sự thực hành của chúng ta thể hiện ra trong thế giới, nếu chúng ta muốn giúp chữa lành lại quả địa cầu của chúng ta đang rên rỉ kêu đau, chúng ta cần nhận ra điều chúng ta vừa nói. Tất cả cái mà chúng ta cần để nhận ra nó là lắng nghe, và qua tiếng kêu ầm ì của đại lộ từ xa, chúng ta có thể nghe tiếng của dòng sông. Nghe chăng? Chỉ có vậy… Phải chăng đó là cái thứ ba?
(Trích dịch từ Teachings of the Earth)
John Daido Loori – Thị Giới dịch
(1) Thiên Chính Ngũ Vị: 1- Chính Trung Thiên: Dụng ở trong thể, tương đối ở trong tuyệt đối. 2- Thiên Trung Chính: Thể ở trong dụng, tuyệt đối ở trong tương đối. 3- Chính Trung Lai: Đến từ tuyệt đối, nương lý tu sự. 4- Thiên Trung Chí: Đến từ cả tương đối và tuyệt đối, khi đó dụng hoàn toàn khế hợp với thể. 5- Kiêm Trung Đáo: Thể và dụng đều đủ, sự và lý cùng sánh. (2) Thất hiểu lão bà phùng cổ kính Phân minh địch diện biệt vô chân
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS