TƯ DUY LOGIC VÀ TƯ DUY PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC GIÁO DỤC

SHARE:

Dĩ nhiên, “Lewis Carroll”, bút danh của Charles Dodgson, và Dodgson là một giáo sư và nhà logic học. Alice tràn ngập những suy luận kỳ lạ và dị thường, nhưng đôi khi các nhân vật điên rồ sẽ sửa lại suy nghĩ sai lầm của Alice, như trong đoạn văn này:

[Alice đã nói để đáp lại một diễn đạt xem cô như một câu đó, “Tôi tin là tôi có thể đoán được điều đó”.]

“Có phải bạn muốn nói bạn nghĩ mình có thể tìm thấy câu trả lời cho điều ấy?”, March Hare nói.

“Chính xác như thế”, Alice nói.

“Vậy thì bạn phải nói ý của bạn là gì”, March Hare tiếp tục.

“Tôi”, Alice vội đáp lời; “chí ít – chí ít, tôi muốn nói những gì tôi nói – bạn biết đó, điều đó cũng giống vậy thôi”.

“Không giống một tẹo nào!”, Hatter nói. “Tại sao, bạn có thể cũng nói “tôi nhìn thấy những thứ tôi ăn” là giống như nói “tôi ăn những thứ tôi nhìn thấy!”

“Cũng như bạn nói”, March Hare tiếp lời, “tôi thích những gì tôi có” là giống như nói “tôi có những gì tôi thích!”

Tất nhiên, phát biểu của Alice hơi khác so với những người khác và có thể kích thích một cuộc tranh luận thú vị trong triết học về ngôn ngữ. Suy cho cùng, cô nàng đúng khi nói câu “Tôi có ý nói những gì tôi nói” là tương tự như câu “tôi nói những gì tôi muốn nói”?” Tôi sẽ để lại cuộc tranh luận này cho một thảo luận có thể có trong lớp học.

Tư duy phê phán và cam kết đạo đức

Có một vấn đề quan trọng hơn rất nhiều dành cho giáo dục là các mục đích của tư duy phê phán. Tại sao chúng ta muốn học sinh của mình trở thành những người có tư duy phê phán (critical thinkers)?

Từ các bình chú dẫn nhập về Tiêu chuẩn chung, dường như rõ ràng mục đích của một hình thức tư duy phê phán – vốn phát triển một “con mắt phê phán” – là tạo nên lực lượng lao động có năng lực hơn. Ta muốn học sinh của mình trở nên thông thạo ở bất cứ điều gì họ chọn thực hiện, Paul sẽ xem hình thức này là tư duy phê phán [theo nghĩa] “yếu”. Nó thậm chí còn có thể được xem là hình thức yếu nhất vì nó nhằm mục đích hướng đến sự chính xác và năng lực, mà không trực tiếp hướng về một sự khẳng định chân lý.

Tuy nhiên, có thể lập luận rằng con mắt phê phán – được định nghĩa rõ ràng – sẽ kiểm tra những phát biểu về chân lý cũng như sự chính xác và sự sáng rõ. Tuy nhiên, chúng ta nên nhấn mạnh thêm một chút. Vì sao chúng ta tìm kiếm chân lý? Có thể trả lời rằng ta tìm kiếm chân lý vì bản thân chân lý, chân lý trong tự thân phải được đánh giá. Tuy nhiên, những chân lý mà ta khai mở luôn được đưa vào một sự sử dụng nào đó và vì thế ta không thể tránh khỏi phải đối mặt với những câu hỏi đạo đức. Những chân lý ấy sẽ được áp dụng cho những mục đích nào? Như một tác thế đạo đức, có phải tôi cũng can dự vào những mục đích ấy? Với câu hỏi thứ hai, ta buộc phải dùng đến tư duy phê phán theo nghĩa mạnh hay những gì tôi gọi là tư duy phê phán “phản tư”.

Rõ rằng là ta có thể tìm kiếm chân lý cho mục đích xấu ác. Lịch sử cho ta thấy đầy rẫy những trường hợp về những nhà lãnh đạo đã dùng chân lý để bóc lột, thậm chí giết chóc, người khác. Khi sử dụng từ “chân lý ở đây, ta đang quy chiếu đến những phát biểu chính xác về thực tại. Tất nhiên, có một nghĩa siêu hình học sâu hơn về Chân lý, nhưng nếu hướng đến nghĩa đó, rõ ràng ta ắt phải đối mặt với các câu hỏi đạo đức. Các nhận định của tôi về thời điểm này là nhằm hướng về chân lý theo nghĩa hàng ngày như là một phát biểu chính xác về thực tại.

Khi khuyến khích các học sinh trở thành những người có tư duy phê phán, ta cũng nên thúc đẩy sự thảo luận liên tục về cách áp dụng loại tư duy này. Ví dụ, ta có thể sử dụng tư duy phê phán để bàn về chủ đề gian lận. Ta có thể sử dụng tư duy phê phán để trở thành những kẻ gian lận khéo léo hơn không? Ở tuổi trưởng thành, ta có thể sử dụng tư duy phê phán để gia tăng cổ phần tài chính của mình thông qua những kế hoạch bản hợp pháp vốn có thể làm phương hại người khác? Ta có thế sử dụng tư duy phê phán cho mức độ bề mặt của các vấn đề để tránh không vật lộn với những vấn đề đạo đức nền tảng và sâu xa? Một ví dụ về loại tư duy như vậy có thể là để tìm thêm cách thức đối xử nhân đạo hơn cho các tử tù mà không cần xem xét thêm câu hỏi cơ bản liệu hình phạt tử hình có thể được biện minh về mặt đạo đức hay không. Học sinh nên được khuyến khích để định vị và mô tả nhiều vấn đề như vậy.

Bên cạnh những cách sử dụng khả hữu của tư duy phê phán cho những mục đích xấu ác hay đáng ngờ về đạo đức, ta nên khám phá một phương diện tâm lý học khác của tư duy phê phán, Jane Roland Martin đã nêu câu hỏi liệu tư duy phê phán có phải là “một điều tốt đẹp thuần khiết”. Thú nhận rằng bà đã từng nghĩ như vậy, giờ đây bà có những hoài nghi rất trầm trọng. Bà viết, đã rất thường xảy ra rằng những người tư duy phê phán trở thành những người quan sát hơn là những người tham dự. Họ để mặc cho sự bất công và nỗi đau tiếp tục diễn ra trong khi họ tách rời các lập luận và đưa ra những nhận định “cao hơn” từ những bi kịch của những con người hiện thực.

Những dè dặt của Martin nêu lên các vấn đề đạo đức và khiến ta chú ý vào điểm mà tôi đã trình bày trong phần dẫn nhập: Sự phân chia các vấn đề triết học thành nhận thức luận, đạo đức, siêu hình học và v.v… không phải lúc nào cũng thỏa đáng. Như đã thấy, rõ ràng có các yếu tố mang tính khái niệm và có tính nhận thức luận trong tranh luận về tư duy phê phán, nhưng các vấn đề cơ bản nhất có thể là đạo đức.

Martin đã đặt nhan đề cho chương sách mà bà nêu lên những câu hỏi đạo đức về tư duy phê phán là “Tư duy phê phán cho một thế giới nhân đạo”. Bà muốn các nhà giáo dục và các nhà triết học phải suy tư nghiêm túc về trọng điểm của từ duy phê phán:

Người ta không cần phải tham dự vào các bài giảng hoặc hội nghị để ngẫu nhiên gặp gỡ tư duy phê phán. Người ta chỉ cần nhìn vào các cuộc thảo luận chính sách công về chiến tranh hạt nhân nơi mà những con diều hâu và chim bồ câu đang chuyển một vấn đề về định mệnh của sự sống trên trái đất thành những câu hỏi về công nghệ và chiến lược quân sự với tất cả sức mạnh đáng kể của tư duy phê phán được họ thể hiện. Ta cũng thấy trong những thảo luận về đạo đức học y khoa nơi mà các bác sĩ chuyên khoa và các nhà triết học đưa vấn đề sinh và tử hiện thực vốn gây khổ đau cho các thành viên gia đình thành những câu hỏi trừu tượng về “lợi ích tốt nhất của người bệnh nhân”.

Đối mặt với một phản bác như vậy, những người ủng hộ tư duy phê phán có thể đáp lại bằng cách phê phán những ví dụ mà Martin đã gọi là “tư duy phê phán”. Người ta có thể cho thấy “diều hâu và chim bồ câu” ở trên theo một định nghĩa nào đó không phải đang thực sự dấn thân vào tư duy phê phán. Hoặc người ta có thể nỗ lực chỉ ra rằng một luận cứ cụ thể sẽ phản bác tiêu chuẩn của tư duy phản biện trong khi những luận cứ khác thì không. Nhưng hãy nhớ rằng những nhận định của Richard Bernstein (được dẫn trong Chương IV) về những bất đồng thuận muôn đời giữa các nhà triết học nơi quan điểm cho rằng điều gì mới cấu thành một lập luận tốt nhất. Martin giờ đây bổ sung cho sự bất xác tín của ta. Không những ta không thể nói lập luận nào là tốt nhất bằng một vài tiêu chuẩn logic hay có tính khái niệm, ta cũng không thể giả định một loại tư duy có thế chấp nhận về phương diện đạo đức chỉ bởi nó đầy đủ “một cách phê phán”. Thậm chí, dù loại tư duy ấy cho thấy sự đầy đủ nào đó chăng nữa, nó cũng không thể đạt đến sự hoàn thiện trong một phản ứng đáng ngưỡng mộ về đạo đức. Người tư duy tốt có thể trở thành một người quan sát đơn thuần. Người ấy hiểu vấn đề và thậm chí còn đồng ý rằng “ta phải làm một điều gì đó, nhưng người ấy không làm gì cả”. Ở đây công trình của David Hume là vô cùng quan trọng; ông lập luận một cách đầy thuyết phục rằng hành động đạo đức được thúc đẩy bởi sự cảm nhận (feeling), không chỉ bằng sự hiểu biết đơn thuần.

Một vấn đề liên quan nảy sinh trong việc áp dụng lý thuyết phê phán vào học vấn biện luận phán đoán (critical literacy). Nếu những người bị áp bức biết cách đọc và nghe một cách có phê phán, họ có thể loại bỏ ý thức sai lầm của mình và nhìn ra tình trạng thực sự của họ. Khi điều đó xảy ra, họ có thể lật đổ những kẻ áp bức mình hoặc, ít nhất, tạo một dấu ấn nào đó cho một sự thay đổi đối với điều kiện của họ. Nhưng thông thường – và điều này đã khiến Paulo Freire và những người nỗ lực để loại trừ sự áp bức phải vô cùng u buồn – người mới được giải phóng cũng trở nên cực đoan và cư xử như những kẻ áp bức trước kia vậy. Tư duy phê phán nhằm vào một mục đích đạo đức đáng ngưỡng mộ trong giai đoạn đầu tiên và một mục đích bất minh trong giai đoạn sau, hoặc, như những người ủng hộ tư duy phê phán có thể cho rằng, nó đơn giản là bị bỏ rơi trong giai đoạn sau.

Sự phân biệt của Paul giữa tư duy phê phán theo nghĩa yếu và mạnh là rất hữu ích ở đây. Tôi ngờ rằng tư duy phê phán yếu có thể tạo ra kết quả là người bị áp bức trở thành người áp bức. Ngược hẳn lại, tư duy phê phán mạnh sẽ chuyển đối chính mình và lên án những hành vi vi phạm những quy tắc của chính nó. Nhưng tại sao ta nên dấn thân vào một tư duy phê phán theo nghĩa mạnh? Ta có thể trả lời: để cho nhất quán!

Nhưng trong thực tế người ta hiếm khi bị thúc đẩy bởi mong muốn trở nên nhất quán bên ngoài các lĩnh vực đòi hỏi sự nhất quán để được dự phần. Ví dụ, tôi không thể làm việc như một nhà toán học nếu tôi khước từ tính nhất quán trong các sản phẩm toán học của tôi. Nhưng chắc chắn tôi có thể vẫn là một nhà toán học và hành xử (và lập luận) một cách không nhất quán trong một loạt các tình huống áp dụng toán học. Một cách logic, ta không cần một lý do đạo đức để chấp nhận tư duy phê phán theo nghĩa mạnh, nhưng trong thực tế hầu hết chúng ta đều làm như vậy, nhưng nếu không có mục đích đạo đức nào, thì tư duy phê phán theo nghĩa mạnh nhất nào có thể trở nên vô phương hướng.

Những nhận định ấy đưa ta đến một khám phá xa hơn về tầm quan trọng mà Paul dành cho đối thoại trong tư duy phê phán. Hãy nhớ lại rằng Paul tuyên bố chính đối thoại mới đưa ta ra khỏi những lập trường xem bản ngã là trung tâm và lấy xã hội làm trung tâm. Trong đối thoại, ta biết thêm điều gì đó về các thế giới quan và những giá trị khác với của ta. Ta đi ra khỏi khung quy chiếu của mình để đi vào một hệ quy chiếu khác hoặc có thể là một hệ quy chiếu rộng lớn hơn mà bộ khung của ta chỉ là một bộ phận trong đó. Nhưng một bước đi như vậy có luôn mang đến điều tốt đẹp? Giả sử tôi đã từng tin rằng tranh luận từ một trường hợp đơn lẻ là một sai lầm (một khiếm khuyết trong tư duy phê phán), nhưng giờ đây, sau khi đối thoại với những người thường xuyên sử dụng chiến lược ấy, tôi nghĩ, “Vâng, có lẽ mọi thứ vẫn ổn”. Như Siegel đã cho thay trong phê bình của ông đối với lập trường của Paul, tư duy phê phán ngày nay đang gặp phải nguy cơ. Nó không có một chỗ dựa nhận thức luận.

Chiến lược tốt nhất của Paul ở đây có thể là phải chấp nhận kết quả này. Có lẽ những gì ta cần không phải là một chỗ dựa nhận thức luận, mà như Martin gợi ý là một chỗ dựa đạo đức. Đó là điểm quan trọng theo quan niệm của nhà triết học dụng hành C. S. Peirce. Ông cho rằng đạo đức học là phân ngành nền tảng của triết học và mọi lĩnh vực của nhận thức. Nếu không có cam kết đạo đức về chân lý, khoa học và mọi lĩnh vực khác của nhận thức sẽ làm đường lạc hướng. Nếu không có một cam kết vì sự thiện hảo đạo đức, tư duy phê phán chỉ là một công cụ khác mà thôi. Từ viễn tưởng ấy, mục đích của tư duy phê phán theo nghĩa mạnh không những hay bao giờ cũng tạo ra luận cứ tốt nhất mà còn để kết nối với những luận cứ khác nhằm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, ít bạo lực hơn, bớt đi sự hung bạo và bớt đi sự vô cảm với nỗi đau xung quanh ta. Điều đó không có nghĩa là ta nên rửa sạch chất keo nhận thức luận vốn kết dính các lập luận của ta; đúng hơn, chúng ta nên học cách đàm luận theo những phương cách khác nhau, không phải tất cả đều tuân theo các tiêu chuẩn của lập luận. Nhìn theo cách này, tư duy phê phán rộng lớn hơn lập luận và thậm chí còn khác biệt so với lập luận vốn được bổ sung những đức tính trí tuệ và đạo đức. Nó trở thành kiểu tư duy có thể “để cho người khác/cái khác như nó là, nói như Derrida, trong tất cả tính dị biệt của họ. Đó là cách hướng tư duy phê phán vào chính mình và nhận ra rằng sự tốt đẹp của nó là phụ thuộc vào cam kết đạo đức. Nó đòi hỏi phải giữ cho cánh cửa đối thoại được mở ngỏ và dấn thân với người khác về các vấn đề của cuộc sống hằng ngày và sự khác biệt văn hóa. Nó chắc chắn đòi hỏi một sự sẵn lòng để đặt sang một bên – ít nhất là tạm thời – các môn học truyền thống và thậm chí có thể là cả tư duy phê phán nữa. Nhưng, khi đó, ta phải lưu ý rằng ta chắc chắn nên quay trở lại và xem xét quyết định này một cách phê phán. Tư duy phê phán và sự thiện hảo đạo đức là bện chặt vào nhau.

McPeck có thể gặp khó khi trả lời một thử thách như vậy bởi vì ông tin rằng các phân ngành hiện đang được giảng dạy trong nhà trường là thực sự quan hệ với đời sống hằng ngày. Cuộc đối thoại – đàm luận vượt xa lập luận – mà tôi tin là cần thiết cho ý tưởng của Martin có thể không được hoan nghênh trong các môn học truyền thống. McPeck khẳng định (trong cùng một công trình bao gồm chương sách của Martin): “Kiến thức môn học nhà trường không bị cô lập, không tách biệt với, cũng không phải là không liên quan với đời sống hằng ngày. Đúng hơn, đó chính xác là những gì nó nói về… Điều quan trọng của kiến thức môn học nhà trường là nhằm soi sáng cho tất mọi người về cuộc sống hằng ngày của họ”.

Có lẽ McPeck muốn nói rằng kiến thức nhà trường nên giống như ông đã mô tả nó, nhưng những người trẻ tuổi đều nói với chúng ta nó bị cô lập và chẳng liên quan gì đến sống hằng ngày. Xa hơn, nhiều nhà nữ quyền, nhà hậu hiện đại và các nhà triết học dụng hành nhấn mạnh rằng đó không phải là một vấn đề thi hành. Có thể có một điều gì sai lầm tận nền tảng với một hệ thống vốn tuyên bố sự đầy đủ trong một tập hợp các môn học, và điều gì đó cũng không hợp lý với những môn học khẳng định tính phổ quát khi chúng được xây dựng phần lớn từ trải nghiệm của một bộ phận nhỏ nhân loại. Ta sẽ tìm hiểu những khẳng định này sâu hơn trong các chương tiếp theo. Ở đây ta chỉ cần lưu ý rằng nếu các nhà phê bình trên đúng, các cuộc đàm luận mà McPeck và những người khác xướng xuất người trẻ đi vào ắt không phải là những đàm luận có giá trị tiềm tàng và khả dĩ duy nhất. Chúng thực sự có thể là một phần của một lập trường xem xã hội là trung tâm mà một số nhà chủ trương tư duy phê phán thúc giục ta hãy vượt qua.

—o0o—

TƯ DUY LOGIC VÀ TƯ DUY PHÊ PHÁN
TRIẾT HỌC GIÁO DỤC ( PHILOSOPHY OF EDUCATION ) – Nel Noddings
Dịch: Nguyễn Sỹ Nguyên
Hiệu đính: Mai Sơn
NXB Khoa Học Xã Hội

Ảnh nguồn internet

Post: Thường An

SHARE: