NGƯỜI BẢY TRÊN NẤC THANG TIẾN HÓA

SHARE:


Tiểu đề này được gợi ra do chữ hóa kép bởi chữ nhơn và chữ thất là bảy. Chữ hóa nói lên tính chất biến hóa trong câu “dĩ chí” để đi tới, nghĩa là con người hiện tại chưa phải con người toàn diện, chưa phải là nơi an nghỉ còn phải tiến hóa nữa mới đạt Đạo làm người.
Đây là chỗ cần phân biệt hai chữ hóa và dịch. Hóa chỉ hàng dọc như bảng dưới sẽ thấy có 7 nấc, 7 bình diện khác nhau, mỗi lần sang một bình diện mới thì có tâm trạng mới. Còn dịch là hàng ngang, biểu thị những khả năng: Mỗi lần hiện thực được một khả năng thì có biến dịch. Thí dụ khoa học làm được xe máy, rồi ô tô, rồi tàu bay: Đó là ba khả năng được thực hiện, có biến dịch. Anh có thể học 3, 4, 5 khoa giật bằng đủ cả; đó là bấy nhiêu biến dịch, nó nằm ngổn ngang, cộng lại với nhau: Nếu biến hóa thì không cộng nữa nhưng là tổng hợp, đưa anh lên một tâm thức mới. Mỗi tâm thức, mỗi “địa” có nhiều giá trị mới, nhiều khả năng mới hẳn, thí dụ từ thảo mộc lên đến động vật là biến hóa, còn trong động vật có trăm ngàn thứ giống đó là biến dịch. Từ con vật lên con người biến hóa ra lý trí: lý trí có từng trăm khoa học: biến dịch. Lên đến tâm linh là bình diện khác có biến hóa. Thế giới hiện đại có nhiều biến dịch, chưa có biến hóa. Lược đồ biểu trưng bảy nấc biến hóa phải cố tiến lên cho đến cùng, đến đợt thứ bảy, Kinh Dịch bảo “thất nhật đắc”, đến ngày thứ bảy mới đắc. Đắc cái chi, thưa mới đắc cái Đạo con người tâm linh toàn diện. Cũng như câu: “Minh triết đã xây nhà mình, người đã đẽo 7 cột của nó”: “la sagesse a édifié sa demeure. Elle a taillé ses sept pilliers” (Proverbe, IX. s). Hoặc câu: “le sol de l’ignorance a sept pas; le sol de la connaissance a sept pas” (Maha Upanisad v.I). Đất Mê lầm có 7 bước, đất Minh trí có 7 bước. Hoặc những biểu tượng chim Bồ Nông (Pelican) xé ngực nuôi 7 con cũng đều là những biểu tượng thuộc dòng Truyền thống về sự biến hóa của con người trầm mặc trong thái cực như sau:

1) Đợt đầu là vật chất bất trị. Trong con người có thể là xác thân biểu thị bằng 64 quẻ, nghĩa là chia ra nhỏ hẹp chi li quá nên chưa xuất hiện. Đấy là đợt bất phân (xem lại bài Nhân bản tâm linh) có thể là phách, ảnh hưởng khu vực…
2) Đợt hai là thảo mộc có thể là Vía, số Kiểu (cái ngăn lấp) đã rút xuống một nửa là 32, có thể tương đương với khí prana bên triết Ấn, tương tự với khí hạo nhiên trong Mạnh Tử, nhằm cùng một mục đích ràng buộc người với vũ trụ, và ảnh hưởng phong tục xã hội…
3) Đợt ba là Hồn, tương đương súc vật làm bằng chất tinh vi hơn vía nên được biểu thị bằng 16 kiếu, có thể nói là kết bởi cái tinh túy, cái lý của khí hạo nhiên âm dương chi tư khí. Đây chính là cơ sở cho những hiện tượng thần thông cách cảm…
4) Đợt bốn là Trí, cốt cán cho cái tôi tiểu ngã, của lý trí ý thức, nên bớt dày đặc hơn vía một nửa. Nhờ đợt này con người củng cố cái tôi bằng phân biệt, bằng tư duy lập thành ý hệ. Nó là cái đặc trưng của con người.
5) Đợt Tâm bước vào tâm linh của tuệ; sáng láng thêm nhiều chỉ còn có tư tưởng của đợt chân nhơn. Nhờ vậy hội thông đã ở trong tầm với của tay.
6) Đợt sáu là Tính là đợt của thánh nhơn, của con trời làm trung điểm tụ họp cho những con người bé nhỏ đang sống trong xã hội có nền tảng thống nhất.
7) Đợt cuối cùng là Thiên, là “thái cực tức vô cực”.

Về đợt thái cực sẽ nói dưới (ở Mệnh) đây bàn ít lời bậc thánh nhơn cũng là con trời, biểu thị bằng nét dọc trung tâm ăn thấu tới thái cực. Các nét dọc khác có trong lược đồ chỉ đi lên tới âm dương, hoặc tứ tượng hay bát quái là hết. Chúng biểu thị cho những trạng thức dưới, hoặc dưới nữa thì cho sự vật. Khi nói người là con trời, hoặc nói nhơn linh ư vạn vật thì không có ý nói về bản thể siêu linh cho bằng về trình độ tiến hóa. Vì nếu về mặt siêu hình thì vật nào cũng là con Trời cả: “Vạn vật bổn hồ thiên”. Nhưng xét về trình độ tiến hóa thì người cao nhất. Chính các nét dọc chỉ Thiên và chúng xác định tầm vóc cao thấp rộng hẹp khác nhau của những quẻ ở các đợt và làm nên những thập tự nhỏ bé để chỉ bấy nhiêu những tính riêng của vạn vật; chỉ có nét dọc giữa gọi là Trung Dung, nghĩa là Trung với cái Thường Hằng; (Dung) biểu thị bằng chọc vào thái cực, mới đáng gọi là con Trời chính cống. Và đó là đợt ta gọi là Mệnh mà chúng ta sẽ bàn ở tiểu đề dưới. Ở đây cần nhấn mạnh điểm này là đó chỉ có ý làm một lối minh họa ý niệm tiến hóa của quan niệm con người, chứ không có ý bảo sự thực đúng y như thế. Lược đồ chỉ muốn y nói rằng đây chưa phải là ngày nghỉ “an tức nhựt” chưa đến lúc “nhập ư thất”. Vì thế đừng câu chấp từ ngữ. Vì có thể nói khác chẳng hạn khi đọc câu: “The Buddha were subjected to six fold powers of evolution” (Central Philo, Murti. 225): “Phật trải qua sáu giai đoạn tiến hóa”, thì ta thấy sự khác chỉ là tiểu dị. Cũng như Kinh Dịch vạch có sáu quẻ mà vẫn nói là thất nhật đắc, là vì sáu hay bảy như nhau, 6 là sáu đợt, còn 7 thì tức là 6 đợt thêm một vòng thái cực lẽ ra không nên vẽ hình, nhưng nếu không vẽ thì làm sao lại có thể hình dung, nên có lúc 6 lúc 7 hay cả 8, 9, 10 cũng thế, chỉ có ý bảo con người còn phải tiến xa lắm. Nói khác đi bảng trên không hề có vẽ ra để biểu thị bản thể sự vật hay con người như thế mà chỉ là sự thử cụ thể hóa, một lối quán tưởng (visualiser) ra con đường đi đến Tính lên Mệnh.

Lối này cũng có thể giúp cho ta tìm lại được ý nghĩa những thể chế thoát thai từ Truyền thống tâm linh nhưng đến nay đã rụng hết ý nghĩa trung thực. Thí dụ: nghỉ ngày Chủ nhật. Tại sao lại như thế. Kinh Thánh nói bóng là ngày Chúa nghỉ, thế rồi ta chỉ quen hiểu theo nghĩa nghi lễ tôn giáo, hay chẳng theo nghĩa nào hết và chỉ theo nghĩa sinh lý là ăn chơi, nhậu nhẹt… mà chính ra là có ý chỉ những lối nghỉ “tọa vong” của Nhan Hồi, hay “trai Tâm” của Lão Trang hoặc “an thổ” của Kinh Dịch, nghĩa là những phút im lặng trở lại tâm hồn, để tìm lại sự tiếp xúc với làn sống mênh mông sáng láng để linh nhuận cho nếp sống trần ai bớt tung cao những làn trần cấu vì tranh vì chấp vì đối vì kháng. Nhưng không may chúng ta đã đặt tin tưởng vào tiếng động nhiều hơn vào sự trầm lặng; đó là căn do gây tai họa cho chúng ta. Vì khi quá dễ dàng chạy theo những trào lưu xáo động trong đời, chúng ta đã đánh mất đi phần tinh thần thanh nhã và đẹp đẽ nhất của đời sống. Muốn tìm lại phần cao quý đó phải biết nghỉ với tâm linh: trở về nguồn suối của sinh linh bất tức. Đấy là con đường Truyền thống đã được minh họa trong thái cực đồ biểu có 7 đợt là chỉ 7 đợt tâm thức qua đó con người phải tiến lên. Đấy là những yếu tố triết Đông mà Jung cho là đang ảnh hưởng mạnh trên Âu châu và đem lại những hình thái biểu lộ Tinh thần có khả năng ngăn chặn đà lăn trên cái dốc chiếm đoạt.
Đó là đại để ít ý niệm về tiến hóa. Trong Nho giáo chúng ta không gặp thấy kiểu trình bày trên 7 nấc, nhưng thường được tóm lại và thể hiện trong chữ Vương mà ta có thể coi như édition de poche và được thể hiện trong lối phục sức của tiên Nho. Trước hết là cái mũ cánh chuồn chỉ nét thiên. Rồi tới hai tay cầm thẻ ngà trước ngực chỉ nét nhơn, sau đến đôi giày vuông chỉ địa. Đó là ý nghĩa tam tài mà chúng ta nên lược khảo lại.

Hãy khởi sự từ giày Vuông. Vuông chỉ đất (địa phương) có lẽ đặc biệt nhất mà Wieger không hiểu nổi ý nghĩa nên kêu là “terre à terre” thật đúng; vì đứng cả hai chân trên đất nên dùng đến hai chữ terre. Bảo là “terre à terre” cũng không thể kêu oan vào đâu được. Có điều Wieger trách Nho giáo thế là vì lúc đó còn đang là thời đại của triết lý duy tâm duy niệm, nên khinh khi những người có chân đứng trên mặt đất. Ngược lại ngày nay, triết học nhận ra những thứ người không đứng trên đất là người thoát thân (désincarné) một thứ mộng du mà Goethe gọi là Ngợm (homunculus). Cho nên mới nổ ra một trào lưu hò trở về với đất. Nietzsche hô “Restez fidèle à la terre mes amis”. Khổng chỉ mủm mỉm đáp: “ca y est voila mes deux pieds déja sur terre, depuis toujours”. Thưa rồi ông ạ, hai chân tôi đã để trên đất và từ lâu rồi.
Nhưng Nho giáo đặc biệt ở chỗ đi giày, nhưng không phải là thợ đóng giày, nên không ai có quyền cấm đi lên quá giày. (Sutor! Ne ultra crepidam: hỡi bác thợ giày, đừng phê bình vượt qua đôi giày, đừng vượt qua tài chuyên môn của chú) và vì thế ta cứ lên nữa lên mãi cho đến Ngực đến Tâm, là Trung, là Tính, là chính con người sơ nguyên cũng là chơn nhơn (L’homme primordial est l’homme véritable) mà vì nhân loại đang trải qua chu kỳ địa bản (cycle terreste) bám sát lấy đôi giày mà không chịu vươn lên nên xa lần thiên quân là nhà thực của con người và sa đọa lẫn lộn vào các vật khác. Cho nên cần phải vượt từ giày đến ngực, tức là cố gắng làm Phục sinh lại con người sơ nguyên bằng thoát dần ra khỏi bánh xe dao động của những vật ở chu vi, của bản năng tình dục để vào Trung cung ôm lấy cây hằng sống hay là Dung: nghĩa là Thường hằng của Trung bất di bất dịch vì đã thoát vòng luân chuyển biến dịch bên ngoài. Và như thế là sẽ phối Thiên được biểu thị bằng mũ cánh chuồn đó là hình ảnh linh động của người lý tưởng đầu đội trời chân đạp đất. Bây giờ đến tiêu điểm thứ ba là Mệnh.

4. Dĩ chí ư Mệnh
Một khi đạt Mệnh là đạt Tâm trạng giống như thần, “chí thành như thần” và tuy chúng ta chẳng thể hiểu gì nhưng đoán chừng là bên trên cả thánh nữa. Kinh Dịch nói: “thần vô phương” tức là thần thì không còn lệ vào phương hướng nào, vào những điều kiện hạn hẹp của khu vực và trở nên người vũ trụ thái công (lhomme universel) làm trung gian giữa đất trời, trở thành một kỹ sư cầu cống của vũ trụ gọi là Maximus Pontifex (người bắc cầu vĩ đại). Người ta dùng danh từ đó để chỉ bậc tư tế thượng phẩm cũng có sứ mạng làm trung gian giữa Đất và Trời cho hai bên thông hội. Đây cũng là một cây cầu bát ngát một mố đặt nơi địa cắm sâu đến giáp đầu quỷ, mố kia bác tới chân thần minh. Nhờ đó mà “quỷ thần chi hội”. Như thế là còn cao hơn thánh nhơn, vì thánh nhơn mới làm nơi tụ hội của loài người, chí như thần nhơn tụ họp quỷ thần thiên địa, đi xuyên qua sáu đợt tâm thức để đạt trạng thái mà Trình Y Xuyên tả bằng câu:
Sung mịch vô trẫm
Vạn tượng xâm nhiên.
(T.V. 214)
“Trống lặng không có điểm, muôn hình la liệt”. Tức là chỗ thông đồng không gián cách giữa ngoại phi ngã và nội giới ngã của trạng thức”. “Nhân tâm thiên lý hồn nhiên nhất thể”. Nắm vững được cái thái nhất ăn ngầm qua vạn vật, với quyền năng huyền diệu bao khắp sáu cõi, trở thành Thiên Mệnh (volonté de Dieu en acte). Đây là miền thần linh u áo, có nói năng chẳng qua là cốt rọi thêm vài tia sáng le lói cho cõi nhân sinh, chứ tuyệt nhiên không dám cho thế này hay thế kia mới là phải. Trong ý hướng đó, ta có thể hỏi Thiên Mệnh có phải là ý muốn, là mệnh lệnh của Thượng đế như dân chúng quen hiểu chăng, hay chính đã là Thượng đế rồi? Thưa rằng nói có hay không cũng đều có thể gây những hậu quả vào thái độ sống của con người.

Vì nếu là thiên ý thì như vậy ta vẫn còn là ta, ta là một ngôi vị, và Thiên cũng là một ngôi vị. Còn như hiểu Mệnh là chính Thiên thì ta hết còn là ta, nhưng ta sẽ hòa đồng với Thiên như giọt nước tan biến vào biển cả. Đấy là những vấn đề đã dằn vặt trí óc con người qua từng bao thế kỷ. Nho giáo có lời đáp nào chăng? Thưa hầu như không. Lục hết bao nhiêu kinh sách cũng chỉ được có một vài câu kiểu “thiên lý tại nhơn tâm”. Đấy là một câu nói rất hàm hồ mông lung làm cho bực mình một cách thú vị như ông Gras nói “délicieusement vague”, cái chỗ bực mình là lơ mơ hầu như không trả lời chi hết, là một câu “đánh trống lảng”: Bởi chữ Tại ở đây vừa có thể hiểu là est hay dans với những hậu quả rất quan trọng. Vì có liên hệ đến vấn đề ngôi vị với vô ngôi vị là vấn đề không những đã làm chảy mực, nhưng cả máu và nước mắt không biết cơ man nào rồi. Ấy thế mà nếu hiểu chữ Tại là động từ “Est” thiên lý chính là nhơn tâm thì bấy giờ là vô ngôi vị, là hòa đồng, còn nếu hiểu là ở trong Thiên lý ở trong tâm con người, thì bấy giờ là thuyết ngôi vị, nghĩa là Thiên là Thiên, người là người. Người cho Thiên trú ở trong tâm, hay là Thiên hạ cố đến ngự trong tâm người, tùy quan điểm mà dịch nghĩa, đó là đại khái chữ Tại với cái nghĩa nước đôi của nó. Vì thế nó không làm thỏa mãn số lớn các học giả Âu Tây thế kỷ 19. Một vấn đề quan thiết đến vận mạng con người mà chỉ nói vỏn vẹn được một câu hàm hồ thì làm sao mà thỏa mãn, cho nên chúng ta phải từ biệt cụ Khổng để đánh một vòng chân trời ghé thăm ngành triết Ấn Độ, đến gõ cửa hai hiền triết Ramanuja và Çankara, tức là hai đại diện cho hai ngành triết đã tiến xa nhất trong triết lý Ấn Độ, may nhờ hai vị rọi cho ta ít tia sáng.

Và đây là chủ trương của Ramanuja: Brahura = Brahma và Jivatman = Jivatman = “Brahma là Brahma” và “Hồn là Hồn”. Không có trộn lẫn được và như thế là chủ trương ngôi vị.
Còn Çankara chủ trương ngược lại: Brahma chính là Hồn và Hồn cũng chính là Brahma và như thế là chủ trương vô ngôi vị. Thế là chúng ta ngã ngửa người ra, chẳng còn biết ông hữu đúng hay vô đúng. Nếu chúng ta có bỏ Ấn Độ để sang Âu Mỹ cầu học thì suýt soát cũng bấy nhiêu: ngôi vị, vô ngôi vị, chỉ thêm được có vô thần nữa là mới mẻ.
Làm thế nào bây giờ? Không lẽ đi không về rồi. Ai cũng bảo học lấy cái hay của người, nhưng trong vấn đề này ngôi vị hoặc vô ngôi vị đàng nào là hay? Xin tạm gác vấn đề thật với không thật ra một bên vì trải qua bốn ngàn năm biết bao triết gia và thần học gia đã tranh luận cũng vẫn chưa giải quyết xong. Đi vào ngõ đó làm chi cho mệt. Vả lại đặt vấn đề thật với không thật là bàn về yếu tính (essence) tức là bàn về chân lý nguội, trái với chủ trương nhân sinh chỉ bàn đến những chân lý nóng có tính cách động đích (dynamique) tức là nhấn vào tri hành đi đôi. Còn tri ròng thì gác sang bên. Và như vậy chúng ta bàn về hay với không hay tức là tìm xem chủ trương nào thuận lợi hơn. Và đây là kết quả đại khái Cả hai chủ trương đều tương đối hay nghĩa là hay cho hạng người này lại dở cho hạng người kia.
Có thể nói chung vô ngôi vị thường được các nhà triết gia huyền niệm chủ trương và bên Ấn được gọi là Jnana Yoga tức là đường Minh triết. Ngược lại ngôi vị là chủ trương của đại quần chúng, ưa đi theo lối Bakti Yoga tức là lối Sùng mộ. Chúng ta cũng cần đi sâu thêm vài ba bước trong nội địa của mỗi chủ trương.

Và đây là đại để những lý do của ngành Minh triết: Mệnh là ý muốn của Thượng đế, mà ý muốn của Thượng đế cũng chính là Thượng đế, vì Thượng đế là đấng đơn thuần không có chi phân biệt được cả. Thượng đế như Đại Dương trong suốt, hồn như giọt nước khi luyện lọc đến độ tinh ròng thì hòa vào biển cả, không còn chi để phân biệt, vì phân biệt hay cá biệt là do vật chất, theo như nguyên lý: “Nguyên do cá thể hóa là vật chất phân lượng” (principle d’individuation est la matière quantifiée). Những hữu thể thiêng liêng tức không lệ thuộc vật chất thì lấy chi để phân biệt. Thế mà tâm, tính, Thiên tất cả tận cùng bằng vô biên không bờ cõi. Vì bờ cõi là do vật chất mới có. Nếu đã không bờ cõi tức là vô cùng mà tất cả vô cùng đều giống nhau ở chỗ không giới hạn được nhau nên chỉ có một. Câu nói “les deux infinis” của Pascal nên để trên bình diện tư tưởng và văn học và lúc ấy có nghĩa vô định (indéfinis) nếu đưa vào siêu hình thì vô nghĩa, vì đã có hai thì cái này hạn chế cái kia, cái kia không phải cái này. Đã không phải thì còn vô cùng ở chỗ nào? Vậy nên: Vũ trụ tận cùng bằng vô cùng, Tâm linh tận cùng bằng vô cùng, Thượng đế tận cùng bằng vô cùng. Mà vì vô cùng không thể có hai được. Nên tất cả quy chiếu vào một đường Thông Cù gọi là Nhất Thể như được trình bày trong thái cực đồ thuyết (xem hình ở bài Tâm Đạo). Vậy những kiểu nói phân chia chỉ là do lý trí hạn hẹp loài người mà phát xuất, chứ chính ra những thứ tận bằng vô cùng thì không thể phân chia trong nội tại (en Soi).

Đó là đại để mấy lý do của các nhà đại hiền triết và huyền niệm là những lý do rất siêu vượt, nên chỉ một số rất nhỏ hội đủ điều kiện để hiểu được.
Nhưng hiện nay con người mới thoát ra khỏi súc vật tính chừng một phần ba nên chưa thể hiểu được, mà giả có bắt phải theo thì chỉ sinh hại, vì lúc đó có thể mất tinh thần trách nhiệm, và tự do biến thành phóng túng, do đó cần một giải pháp khác là ngôi vị dễ hiểu cho đại đa số con người vì trước nhất nó căn cứ trên những ý niệm và hình ảnh trong thế giới hiện tại ai cũng thấy cũng nghe, chỉ việc đem gán vào kiếp sau tất cả toàn bộ không cắt xén thì dễ hiểu: Ai làm lành sau lên cõi phúc có đủ cả khoái lạc, gia đình tụ hội dưới quyền một Thượng đế tử tế không chê vào đâu được… Quan niệm như thế có phải dễ không và thú vị hơn cái lối vô nhân vị mất cả, bị tan hòa vào biển cả.
Đó là đại khái quan niệm thường nghiệm dễ hiểu cho đại chúng nhưng thường triết gia không chấp nhận, vì thực ra nó ngầm chứa mấy khuyết điểm sau đây:
Trước hết có sự lo sợ phải mất cái nhân vị, cái cá tính của mình, thì điều đó biểu lộ một hậu quả của nền triết lý cố định muốn ghì chặt lấy những hình thái hiện tại, và tỏ ra thiếu đức tính siêu thoát trút bỏ căn cơ (détachement fondamental) cứ thích bám víu lấy những dạng thức đang có và từ chối sự tiến hóa, không biết rằng mọi vật trong trần thế hễ đã có là có trong tương đối hết, kể cả hình thái cá vị (individu). Chỉ có Tính có Mệnh mới là siêu việt, nên chỉ cốt sao Suất Tính tức thuận theo Tính Mệnh chứ không đem ý riêng vào đòi giữ lại kiểu này hay là kiểu kia, như thế là giống với nhộng đâm đơn lên Thượng đế xin cho cha truyền con nối hết kiếp này sang kiếp khác được là nhộng. Ồ Thượng đế không rõ; tổ kén này làm rất công phu, nắng mưa không lọt, ấm quá xá mà bắt lột ra cái gì. Nhất định hổng có chịu! Đó là hậu quả của óc cá nhân quá trớn, thích hoạt động riêng, chưa thấm nhuần đủ tinh thần cộng thể, tựu trung còn là tư ý tư dục…

Đó là sơ lược một ít lý do vừa biện hộ cho chủ trương ngôi vị, vừa bộc lộ những bất lợi do đó. Như thế cả hai chủ trương đều có chỗ hay và chỗ không hay. Nhưng cần giữ cả hai lại. Vì con người đi trên đường về quê: nên mang nặng tính chất lưỡng thê, vậy phải có hai chủ trương để đáp ứng cho lưỡng nhất tính mới là khôn sáng.
Thực ra đó là giải pháp của các tôn giáo lớn, vì cứ sự mà nói thì các tôn giáo lớn đều có cả hai lập trường để tùy trình độ mỗi con đạo lựa chọn: Phật giáo tuy có Niết Bàn thái hư vô ngôi vị, nhưng cũng có ngành Quan Âm ngôi vị chết được về tòa sen trong cực lạc thế giới. Kitô giáo cũng vừa có Chúa ngôi vị của các nhà thần học Âu Tây vừa có Chúa vô ngôi vị của các nhà huyền niệm, các thần học gia Chính thống, v.v… “Nhà Cha ta có nhiều chỗ”. Đấy là điều cần đặt nổi bật lên vì có một số học giả không hiểu điều đó dám coi những điều suy luận của mình là chân lý bắt buộc lân nhân phải theo. Đấy là những người bệnh hoạn như Lão Tử nói: “Bất trí tri bệnh” (B.K 71). Không biết mà cho là biết tức là bệnh óc. Một con ruồi bay trước mắt còn chưa hay đòi biết về Thượng đế như một khoa học! Cái biết của loài người bao giờ cũng bị hạn cuộc và vặn vẹo cần được luôn luôn tinh lọc hơn là lo bắt người khác tuân theo cái biết của mình.
Ảnh nguồn internet

🌿🌿🌿🌼🌿🌿🌿
TRÍCH: NHÂN BẢN
TÁC GIẢ: KIM ĐỊNH – NXB HỘI NHÀ VĂN 2017

Post: Thường An

SHARE: