CUỘC SỐNG TỰ NÓ LÀ MỘT TẤM GƯƠNG SOI SỰ THỨC TỈNH CỦA CHÚNG TA

SHARE:

Tôi muốn chia sẻ một số khía cạnh trên hành trình giải thoát của mình. Chúng ta từng nói về sự chuyển biến, từ cái mà tôi gọi là thức tỉnh tạm thời đến thức tỉnh vĩnh viễn. Cũng như hầu hết mọi người, sau lần thức tỉnh ban đầu, rất tuyệt vời, diễn ra năm tôi 25 tuổi, tôi đã trải qua một quá trình giải thoát trong đời mình, kéo dài khoảng bảy năm. Tôi đã nói chuyện về một số điều từng xảy ra với mình. Nhưng tôi muốn mô tả một điều khác, thường hay bị coi nhẹ trong các cuộc thảo luận tâm linh, rằng: chính đời sống, cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể là người thầy quý nhất của chúng ta như thế nào. Tôi sẽ dùng một số kinh nghiệm của chính mình để minh họa cho điểm này.

Có thể nói từ khi chào đời, tôi đã có một bản chất cạnh tranh. Trong phần lớn cuộc đời tôi, nó được thể hiện qua các môn thể thao khác nhau. Năm 13 tuổi, tôi đua xe đạp. Những năm sau này và ở lứa tuổi hai mươi, tôi thi đấu ở hạng mục khá khó. Rèn luyện và thi thố chiếm một phần lớn cuộc đời tôi. Vì thế, khi có khoảnh khắc thức tỉnh năm 25 tuổi và bắt đầu một quá trình hoàn toàn khác trong đời mình, tôi rất kinh ngạc. Tôi thực sự đã không ngờ.

Thời gian trôi qua, tôi có cảm giác rằng nhận thức mà mình đã trải nghiệm vẫn chưa hoàn chỉnh – tôi có thể gọi ra những phần trong tính cách cái tôi của mình không phù hợp lắm với điều tôi từng nhận thức và biết. Tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề này qua thực hành tâm linh, lúc đó chủ yếu là thiền và tự truy vấn bằng cách viết ra.

Phía trên các thực hành tâm linh của chúng ta, chính là cuộc sống. Trong khoảng một năm từ lần thức tỉnh đó, đôi khi tôi bị suy sụp với một loạt các bệnh tật thực sự quật tôi nằm bẹp. Khó khăn về thể chất đã đành, mà còn gặp khó khăn với phần còn lại của tính cách cá nhân của tôi. Một phần lớn bản ngã của tôi trong mười lăm năm trước đó đã được xây nên như một vận động viên có thể chất phù hợp, hơn hẳn 99% những người tôi biết.

Như lẽ thường, tôi đã tạo ra một ý thức thật sự về bản ngã xung quanh việc trở thành một người thắng thế về thể chất. Thắng thế không nhất thiết phải to con, bởi vì tôi không thế. Tôi khá thấp, nhẹ cân, nhưng là một tay đua xe đạp đáng gờm, tôi không cần phải to con mới có lợi thế. Cơ bản là tôi có thể chất phù hợp hơn so với bạn bè, và tôi đã có một cái tôi cỡ bự được xây nên từ ưu thế kiểu này.

Trong lúc đau ốm, cái tôi đó đã bị xóa sổ. Khi đang rũ ra trên giường, thật khó để tự xưng Tôi là vận động viên, mà lại là một vận động viên ưu tú.

Trong giai đoạn đầu bị bệnh, mỗi lần bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút, tôi lại tót lên xe đạp. Điều này tất nhiên khiến cơ thể tôi lại bị đánh gục và tôi ốm tiếp. Hàng tháng trời, tôi cứ hết ốm lại cố gắng rèn luyện thể thao, khiến bản thân ngày càng yếu. Cuối cùng, tôi đã làm mình ốm liệt giường khoảng sáu tháng. Vào cuối giai đoạn đó, tôi đã có một nhận thức lớn lao. Nó không giống như giác ngộ hay thức tỉnh, nhưng là một nhận thức quan trọng. Tôi nhận ra rằng tôi đã không còn là một vận động viên. Tôi không còn đủ tiêu chuẩn để tự đánh giá mình là vận động viên: tôi không khỏe mạnh, không có sức chịu đựng cao, và không còn là một đấu thủ đáng gờm nữa. Con người “vận động viên” kia không còn là tôi.

Khi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi đã có một cảm giác nhẹ nhõm đáng kinh ngạc bởi vì tôi không buộc phải là người có ưu thế về thể chất nữa. Tất nhiên, cái nhìn thức tỉnh thoáng qua lúc 25 tuổi đã cho tôi thấy tôi không thực sự là người đó. Nhưng như trường hợp thường thấy sau trải nghiệm giác ngộ, bản ngã không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Vì vậy, khi khỏe lại, tôi bắt đầu thấy bệnh tật của mình là một món quà thực sự, một dạng ân sủng. Nó đúng là đã hạ bệ tôi xuống như một con cún yếu đuối, và trong quá trình ấy, nó giúp tôi thoát khỏi cái nghĩa vụ Tôi-là-vận động-viên. Thật là nhẹ nhõm khi thực sự không phải là ai hết. Nó cho tôi một cảm giác sâu sắc từ bên trong cơ thể về những gì tôi đã nhận ra năm 25 tuổi – rằng tôi không là ai hết, không sinh, không diệt, và không được tạo ra. Thật tuyệt vời khi cảm nhận điều này – không là ai, không là gì – ở mức độ sâu sắc đến thế của con người.

Giá như tôi có thể báo cáo rằng ý thức bản ngã của cái tôi đã hoàn toàn tan rã và bị nghiền nát vào thời điểm đó. Nhưng khi hơi cảm thấy khá hơn, tôi bắt đầu tập thể dục lại. Tôi luôn yêu thích tập thể dục. Cơ thể tôi thích vận động, và tôi rất khoái hoạt động thể chất. Thật là một niềm vui lớn khi lại nhảy lên chiếc xe đạp của mình – đạp xuyên qua rừng, qua núi, quanh nơi tôi sống. Nó thậm chí còn thú vị hơn trước, bởi vì niềm vui được vận động lại kết hợp với thực tế là tôi không phải cạnh tranh với ai nữa. Tôi không buộc phải có thể chất hơn người; tôi chỉ đạp xe đạp.

Nhưng dần dà, tôi nhận thấy mình không còn chỉ đạp xe và tận hưởng nữa. Tôi bắt đầu thay đổi một cách tinh tế, bước vào một chế độ tập luyện như thể tôi lại là một tay đua xe đạp cạnh tranh. Tôi không còn là một tay đua xe đạp cạnh tranh nữa. Tôi đã giải nghệ vài năm trước. Thế mà tôi thấy mình đang tập luyện như thể chuẩn bị thi đấu. Tôi đã ý thức về quá trình này khi nó xảy ra. Tôi thực sự tự nhủ: “Mình biết lý do duy nhất mình tập luyện là để có thể khôi phục lại cái tôi của mình”. Tôi đã có ý thức về những gì xảy ra, nhưng lại không đủ ý thức để buông bỏ nó. Tôi chưa sẵn sàng từ bỏ việc khôi phục lại cái tôi. Kết quả là, tôi thấy mình tập luyện như thể sắp dự giải Olympic. Và một năm sau tôi lại ốm, nằm bẹp trên giường thêm sáu tháng nữa, với một chứng bệnh ngặt nghèo khác. Một lần nữa, toàn bộ bản ngã xoay quanh ưu thế thể chất đã bị tống khỏi con người tôi, và tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải là một ai đó, không phải thấy mình đặc biệt gì.

Sau trận ốm thứ hai, tôi không bao giờ còn khao khát phục hồi lại con người cũ đó, người có ưu thế thể chất từng là tôi. Tôi vẫn cảm thấy niềm vui khi luyện tập, sử dụng cơ thể của mình, nhưng trận ốm thứ hai này đã tận diệt được xu hướng bản ngã tìm cách khẳng định mình qua hình ảnh cơ thể. Đây là một sự buông bỏ lớn và là niềm vui lớn.

Sẽ rất tuyệt nếu nói rằng tôi đạt được điều này nhờ thực hành tâm linh, truy vấn hoặc thiền. Nhưng trong trường hợp của tôi – mà tôi nghĩ cũng giống với rất nhiều người – giải pháp tuyệt vời nhất cho bản ngã lại được tìm thấy chính trong cuộc sống của tôi. Nó nằm trong từng thớ sợi dệt nên tồn tại của chúng ta, là sỏi đá đường trần, những gì thực sự xảy ra trong trải nghiệm hằng ngày của chúng ta.

Tôi thấy điều này thường bị bỏ qua trong môi trường tâm linh. Nhiều người trong chúng ta đang dùng tâm linh như một cách tránh né cuộc sống, tránh thấy những điều chúng ta thực sự cần phải thấy, tránh phải đối mặt với những hiểu lầm và ảo tưởng của chính mình. Điều rất quan trọng là biết rằng bản thân cuộc sống thường là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Cuộc sống tràn đầy ân sủng – đôi khi đó là ân huệ tuyệt vời, đẹp đẽ, những khoảnh khắc mãn nguyện, hạnh phúc, vui vẻ, nhưng đôi khi đó là ân sủng tàn khốc, như bệnh hoạn, mất việc làm, mất người yêu, hoặc ly dị. Ví dụ như một số người có được bước nhảy vọt lớn nhất trong nhận thức của mình khi cơn nghiện vật họ lê lết, và họ thấy mình bước lên một con đường tồn tại khác. Cuộc sống tự nó có một khả năng phi thường để chúng ta thấy sự thật, để lay tỉnh chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lảng tránh cái gọi là cuộc sống này, ngay cả khi nó đang cố đánh thức chúng ta.

Cuộc sống đang vận động chính là Tạo Hóa. Tạo Hóa dùng những tình huống trong cuộc sống của chúng ta để hoàn thành sự thức tỉnh của Tạo Hóa, và nhiều khi cần đến những tình huống khó khăn để đánh thức chúng ta dậy.

Mỉa mai thay, hầu hết mọi người tiêu phí cả đời mình để tránh những tình huống đau khổ. Chúng ta không thành công, nhưng chúng ta luôn cố gắng tránh khổ đau. Ta có một niềm tin vô thức rằng sự tiến bộ vượt bậc trong ý thức và nhận thức của mình sẽ tới qua những khoảnh khắc đẹp. Quả thật là chúng ta có thể có những bước nhảy vọt trong nhận thức qua những khoảnh khắc đẹp, nhưng tôi muốn nói rằng đa số mọi người có được bước nhảy vọt lớn nhất của họ qua nhận thức ở những thời điểm khó khăn.

Đây là điều mà rất nhiều người không muốn thừa nhận – rằng những khó khăn, khổ sở và đau đớn lớn nhất của chúng ta là một hình thức ân sủng tàn khốc. Chúng là những yếu tố mạnh mẽ và quan trọng trong sự thức tỉnh của chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận chúng. Nếu sẵn sàng quay lại, đối mặt với chúng, chúng ta có thể thấy và nhận được những món quà mà chúng mang tới – ngay cả những món quà đôi khi chúng ta cảm thấy như bị ép nhận. Cho dù tình huống là bệnh tật, cái chết của người thân, ly hôn, nghiện, rắc rối trong công việc, điều quan trọng là phải đối mặt với tình huống trong đời mình để nhìn thấy những món quà tiềm ẩn trong đó.

Trong trường hợp của tôi, thật hay nếu có thể nói rằng sau hai trận ốm mà tôi trải qua, bản ngã của tôi đã tan rã hoàn toàn, rằng nó không cố gắng tự phục hồi nữa, và từ đó tôi ở trong ánh sáng giác ngộ mọi lúc, trong mọi tình huống. Thật không may, nghiệp của tôi hẳn là chưa sạch được thế. Còn rất nhiều thứ đang chờ tôi, trong thực tế còn nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng.

Sau lần đầu tiên tôi thức tỉnh, thầy tôi đã nói với tôi một điều có vẻ rất kỳ quặc vào thời điểm đó. Tôi có thể nói rằng thầy tôi rất vui về những gì đã diễn ra và bà nhận ra có gì đó quan trọng đã xảy đến với tôi. Tuy nhiên, ngay trong buổi gặp đó, bà bảo tôi phải coi chừng một số điều. Bà nói đại ý là: “Đây là những cách khiến con có thể vứt bỏ những gì mình đã nhận thức, né tránh sự thật mà con đã nhận ra. Đây là cách khiến con có thể đưa mình trở lại cơn mê”.

Khi tôi kể chuyện này, mọi người luôn hỏi: “Những cách đó là gì? Chính xác là thầy ông đã nói gì?”. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thầy tôi đã bảo tôi theo những cách đặc biệt đối với tôi. Chúng không nhất thiết phải được phổ biến. Điều khôi hài là thầy bảo tôi đề phòng bốn hay năm điều cụ thể, và chỉ vài năm sau, tôi nhận ra rằng từng điều bà cảnh báo tôi đều đã xảy ra. Tôi đã phạm tất cả những gì bà dặn tôi phải đề phòng.

Và tất nhiên, tôi đã sống qua tất cả những chuyện đó. Làm những điều đó không phải là sai lầm. Trên thực tế, bằng cách sống qua chúng, tôi nhận thấy việc trải nghiệm những sai lầm đó cần thiết như thế nào đối với mình.

Một trong những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của thầy tôi vào thời điểm đó nghe khá kỳ quặc. Bà bảo tôi phải cẩn thận, bởi vì rất nhiều người ở trạng thái như tôi sẽ gặp ai đó, yêu và đi du lịch cùng người đó như một cách để trốn tránh bản thân. Lúc đó tôi nghĩ “Thế là nghĩa lý quái gì?”. Nó dường như quá xa vời và đặc biệt – không chỉ gặp ai đó, mà còn yêu đương và đi du lịch. Nó có vẻ chẳng phù hợp với hoàn cảnh của tôi chút nào.

Nhưng xem kìa, khoảng bốn năm rưỡi sau, tôi gặp một phụ nữ. Đó là một trong những mối quan hệ gần như bám dính. Mọi thứ trong con người tôi đều cần hoặc nghiện hoặc phù hợp một cách đáng ngại và tuyệt đối với cô ấy. Mọi thứ trong cô ấy cũng phù hợp một cách đáng ngại và tuyệt đối với những gì không lành mạnh trong tôi. Mối quan hệ được hình thành xung quanh một số dạng vô thức.

Tôi sẽ không kể cho bạn cả câu chuyện ngớ ngẩn này, nhưng tóm lại là chúng tôi đã đi du lịch ở nước ngoài, và mối quan hệ này, trên thực tế, khó khăn không thể tin nổi. Nó nhấn vào mọi nút cảm xúc của tôi. Nó xô đẩy tôi theo cách mà tôi không bao giờ tin rằng mình có thể bị đẩy đến mức ấy, và tôi đã chịu đựng theo những cách mà tôi không thể tưởng tượng nổi.

Mối quan hệ này là một thảm họa rắc rối, và đi qua nó khiến tôi thành một đống tình cảm đổ nát. Đến một lúc, tôi nhận ra tình hình thật điên rồ. “Mình đang làm gì vậy?”, tôi nghĩ: “Làm sao mình lại đẩy mình đến chỗ này? Rồi mình làm thế nào để thoát khỏi đây?”. Vào thời điểm đó, tôi bắt đầu nhận ra một điều quan trọng – rằng tôi lại đưa mình vào một tình huống vì đã không chân thành với bản thân. Tôi đã để ham muốn và luyến ái kéo mình đi, và tôi đã không thành thật về những gì xảy ra.

Tôi nhận ra rằng cách duy nhất để thoát ra là bắt đầu trung thực một cách sâu sắc và triệt để với bản thân mình, chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc mình đã kết thúc ở đâu. Tôi thấy rằng, cách duy nhất tôi thực sự có thể làm là buông bỏ mọi hình ảnh tôi đã có về bản thân, bởi vì mỗi hình ảnh – cho dù đó là người tốt, hay hữu ích, tử tế, thức tỉnh, khôn ngoan hay ngu ngốc – đều góp phần vào cái đã vô thức lôi kéo tôi rơi vào tình huống này.

Cách duy nhất để thoát ra khỏi mối quan hệ là bắt đầu buông bỏ mọi thứ đã đưa tôi vào đó ngay từ đầu. Tôi sa vào chỗ đó là bởi theo những cách khác nhau, tôi vẫn còn nhận thức bản thân mình từ góc độ cái tôi. Cách duy nhất để thoát ra là buông bỏ con người mà tôi đã muốn trở thành.

Như đã nói, tôi sẽ không kể chi tiết làm bạn chán, nhưng qua quá trình này, đã có một sự tan rã của bản ngã, theo cách sâu sắc hơn, phi thường hơn trước đây tôi từng trải nghiệm. Nó không tan rã như khi bạn ngồi thiền và ý thức bản ngã tan vào một trạng thái hiện diện tuyệt vời. Nó tựa như có ai đó xé toạc các lớp con người tôi, từng lớp một. Nó rất thô bạo. Không đẹp đẽ, không nương tay, và không dễ dàng. Chính là cuộc sống đang giơ cái gương trước mặt tôi và thực sự giữ tôi ở đó nên tôi không thể nhìn đi chỗ khác, cho dù là một giây.

Đây chắc chắn là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, qua quá trình này, cuối cùng tôi đã thấy sẵn sàng để buông bỏ mọi thứ mà tôi tưởng là mình. Tôi có thể buông bỏ mọi ý nghĩ có thể nảy sinh về bản ngã – cho dù đó là một cảm giác tuyệt vời hay khủng khiếp về bản thân, một ý thức về cái tôi hữu ích hay vô dụng. Nhờ để cho trải nghiệm đánh thức mình, làm mình tỉnh giấc, cuối cùng tôi đã có thể buông bỏ. Quan hệ này và sự tan vỡ của nó đã dốc cạn cảm xúc tận đáy. Có cảm giác tôi đã bị vắt như một cái khăn – như thế mọi ý thức bản ngã đã bị vắt khỏi tôi. Nhưng qua trải nghiệm này, tôi cũng bắt đầu cảm nhận điều gì đó kỳ diệu đã xảy ra; tôi bắt đầu cảm thấy ý thức tự do xuất hiện khi nghiệp được vắt sạch khỏi mình.

Với sự thức tỉnh đã có năm 25 tuổi, tôi nhận ra rằng tôi không phải là cơ thể hay tâm trí hay cá tính của tôi; tôi nhận ra rằng đó là một giấc mơ. Nhưng điều tôi chưa nhận ra là, mặc dù biết đó là một giấc mơ, tôi vẫn phải đối phó với nó. Nếu cơ thể, tâm trí và nhân cách vẫn còn chia rẽ, nếu vẫn còn những mâu thuẫn chưa được đáp ứng trong con người của bạn, thì vẫn còn một lực hấp dẫn kéo nhận thức trở về với khổ đau.

Tôi đã thấy là cuối cùng tôi không thể trốn tránh những gì xảy ra trong cơ thể và tâm trí. Tất cả phải được xử lý – mọi thứ. Mọi thứ phải được nhìn thấu suốt. Một khi nhận ra là phải bộc lộ, phải sống trọn vẹn, thì dù khó khăn đến đâu, quá trình này là một trong những quá trình quan trọng nhất của toàn bộ cuộc đời tôi. Giống như trải qua những giai đoạn đau ốm mà tôi mô tả; sau khi nó đã kết thúc, một lần nữa tôi cảm thấy rằng tôi không là ai và không là gì cả. Điều này không chỉ ở tầng nhận thức tuyệt đối, tầng thức tỉnh, mà còn ở tầng thể hiện ra như một con người. Tôi, như một con người, có cảm giác thực sự bên trong mình không là ai, không là gì cả. Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng khi cảm nhận nó hoàn toàn, đó là điều cực kỳ tích cực – khiêm tốn, theo nghĩa tích cực và đẹp nhất của từ này.

Tôi kể câu chuyện này bởi vì ai cũng có một câu chuyện. Mỗi chúng ta đều có những con đường riêng, ở đó cuộc sống đang cố giơ lên một tấm gương, để tẩy bỏ cái bản ngã bị lập trình, tẩy bỏ những bám chấp ra khỏi chúng ta, tẩy bỏ mọi niềm tin, ý tưởng, khái niệm và hình ảnh bản ngã của chúng ta.

Nếu chịu khó nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống luôn trong quá trình đánh thức chúng ta. Nếu chúng ta không hòa hợp với cuộc sống, nếu cố gắng chống lại nó, thì đó thực sự là một chuyến đi gian khó, như cuộc đời tôi có thể chứng thực.

Khi chúng ta không muốn nhìn thấy cái mà cuộc sống đang cố gắng chỉ cho chúng ta, nó sẽ tiếp tục tăng cường độ cho đến khi chúng ta chịu thấy những gì mình cần phải thấy. Theo cách này, chính cuộc sống là đồng minh vĩ đại nhất của chúng ta. Thật sáo mòn khi nói rằng cuộc sống là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Các học viên gật gù như thể đã biết điều đó nghĩa là gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể biết nó có nghĩa gì khi tự mình trải qua nó, khi chúng ta chấp nhận để cuộc sống giơ tấm gương lên cho chúng ta soi vào, thấy bản ngã của mình một cách rõ ràng.

Nghĩ rằng giác ngộ chỉ tới qua những trải nghiệm tuyệt vời là lừa dối mình. Vâng, cũng có những trường hợp ai đó thức tỉnh mà không phải chịu nhiều nghiệp báo. Nhưng hiếm lắm. Đối với hầu hết chúng ta, con đường dẫn đến giác ngộ không phải màu hồng. Chúng ta cần phải thừa nhận điều này, bởi vì nếu khác đi, chúng ta sẽ chỉ để cho mình chu du đến những chỗ cảm thấy dễ chịu, củng cố tưởng tượng của chúng ta về con đường thức tỉnh. Đối với hầu hết mọi người, con đường thức tỉnh có những khoảnh khắc và nhận thức tuyệt vời, sâu sắc. Nhưng nó cũng xù xì, sỏi đá. Đó không phải là điều mà đa số mọi người trông đợi khi nói rằng họ muốn giác ngộ. Sự thật của vấn đề là hầu hết những người nói rằng mình muốn thức tỉnh thực ra lại không muốn thức tỉnh. Họ chỉ muốn phiên bản của họ về thức tỉnh. Thực ra, điều họ muốn là được thực sự hạnh phúc trong trạng thái mơ của họ. Và thế cũng được nếu họ chỉ đi xa tới đó.

Nhưng khao khát thực sự, chân thành hướng tới giác ngộ thì vượt xa cái mong muốn làm trạng thái mơ của chúng ta tốt đẹp hơn. Đó là một thôi thúc theo nghĩa sẵn sàng xả thân cho bất cứ điều gì cần thiết để thức tỉnh. Thôi thúc thực sự hướng tới sự giác ngộ này là lời nguyện cầu trong tâm, đòi hỏi bất cứ điều gì đưa ta đến thức tỉnh trọn vẹn, cho dù nó là tuyệt vời hay khủng khiếp. Đó là một thôi thúc không đặt điều kiện về bất kỳ điều gì chúng ta phải trải qua.

Thôi thúc thực sự này có thể hơi đáng sợ, bởi vì khi cảm thấy nó, bạn biết nó là có thật. Khi buông bỏ tất cả các điều kiện – bỏ ý muốn của bạn rằng thức tỉnh phải như thế nào và con đường thức tỉnh ra sao – bạn đã buông bỏ ảo tưởng kiểm soát của mình.

Tôi không muốn xây nên một ý tưởng khác, rằng thức tỉnh thì phải từng gặp khó khăn. Ngay cả ý đó cũng là một ảo tưởng, một tưởng tượng. Bản thân thức tỉnh không cản những khó khăn, nhưng sự chuyển tiếp từ thức tỉnh tạm thời sang thức tỉnh vĩnh viễn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn ta có thể hình dung.

Trên thực tế, chúng ta phải sẵn sàng chịu mất cả thế giới của mình. Điều đó thoạt nghe có vẻ lãng mạn – “Ồ, vâng, tôi chấp nhận! Tôi sẵn sàng chịu mất cả thế giới của mình”. Nhưng khi cả thế giới của bạn bắt đầu vỡ vụn, và bạn trồi lên từ trạng thái phủ nhận mọi thứ một cách sâu sắc không thể tưởng tượng được thì nó lại là chuyện khác hẳn. Đó là một cái gì đó hoàn toàn thực tế và đầy sỏi đá. Có người chấp nhận được nó, có người không.

Chúng ta không cần có bất kỳ tưởng tượng nào về cái giá của thức tỉnh – cho dù nó là dễ hay khó. Nó có thể dễ, có thể khó. Hoặc dễ và khó. Nó có thể là điều bạn tưởng tượng ra được; hoặc ngoài sức tưởng tượng của bạn. Điều nguy hại khi giảng dạy về vấn đề này nằm ở chỗ đó, nếu tôi kể lại câu chuyện riêng của mình hoặc nói về những điều cụ thể có thể xảy ra dọc đường. Tâm trí bạn có thể chộp lấy nó và nghĩ: “Ổ, cuộc sống sẽ thật sự khó khăn nếu mình thức tỉnh. Mình phải trải qua những lúc rất khó khăn”. Không nhất thiết là như vậy. Bạn chỉ cần sẵn sàng chạm trán chính mình và đối mặt với cái mình không biết sẽ ra sao. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta muốn thả mình vào sự vô định này, vào cái không biết, vào cái không kiểm soát được?

Có lẽ nhiều hơn bạn nghĩ. Ngày càng có nhiều người tôi gặp sẵn sàng tham gia vào hành trình này, con đường dẫn về chốn mà thực ra chúng ta vẫn thường hằng ở đó.

Đây không phải là hành trình để trở thành một cái gì đó. Hành trình này là để không biến thành người không phải là mình, để không lừa dối chính mình. Cuối cùng, nó khá là châm biếm. Rốt cuộc chúng ta đi tới, chẳng đâu khác, chính nơi chúng ta vẫn thường hằng ở đó, ngoại trừ việc chúng ta nhận thức về nơi ấy theo cách hoàn toàn khác. Chúng ta nhận ra rằng cái thiên đường mà mọi người đang tìm kiếm là nơi mình vẫn hằng có mặt.

Phải nói một điều rằng mọi thứ vốn là thiên đường, mọi người vốn đều thức tỉnh, tất cả vốn là Tâm Linh. Đó là sự thật, nhưng, như một thiền sư thông thái đã nói từ xưa: “Nếu vô minh thì không làm được gì cả”.

Tôi nhắc lại, rất cần có một ý thức trung thực nhất định. Mọi thứ vẫn luôn là Tâm Linh trọn vẹn, hoàn hảo, sẵn có. Chúng ta vẫn luôn thường hằng không có gì suy suyển. Nhưng câu hỏi là – chúng ta có biết điều đó không? Chúng ta đã nhận ra chưa? Nếu là chưa, cái gì đang khiến chúng ta nhận thức khác đi?

Và nếu đã nhận ra điều đó, chúng ta có đang sống như thế? Nó trở thành hiện thực chưa? Nó có vận hành trong cuộc sống của chúng ta không?

Và vì vậy, một trong những bước quan trọng nhất là phải hòa hợp với cuộc sống để bạn không quay lưng lại với chính mình theo bất cứ cách nào. Và điều kỳ diệu là, khi không còn quay lưng với chính mình nữa, chúng ta sẽ tìm ra nguồn năng lượng lớn lao, khả năng thông tuệ tuyệt vời, và chúng ta bắt đầu thấy mọi thứ mình cần thấy.
—🍂🍂🍏—

ADYASHANTI
Trích: Hành Trình Giác Ngộ, NXB. Thế Giới
Người Dịch: Phạm Hải Anh

Post: Thường An

SHARE: