SHARE:
Wolf: Tôi xin lấy chính mô tả của ngài là việc thiền định đòi hỏi một mức độ kiểm soát nhận thức cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhận thức phụ thuộc vào vỏ não trước trán, thứ chỉ trở nên đầy đủ chức năng vào cuối giai đoạn dậy thì. Điều này có ngụ ý rằng chỉ có những người trưởng thành mới có thể thực hành thiền định? Nếu không thì phải chăng không thích hợp khi bắt đầu thiền định càng sớm càng tốt để tận dụng sự dẻo dai của não bộ và khiến nó trở thành một phần không thể thiếu của giáo dục? Chúng ta biết rằng việc thu được những khả năng khác, ví dụ như chơi đàn vĩ cầm hay học một ngôn ngữ thứ hai, đều dễ dàng hơn khi còn nhỏ. Vậy trẻ em có thể làm chủ một kỹ thuật đòi hỏi quá nhiều khả năng kiểm soát nhận thức hay không?
Matthieu: Quả thực có những giai đoạn trong sự phát triển cảm xúc của chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng thậm chí trong những giai đoạn đầu, vẫn có khả năng để thực hiện một số loại rèn luyện. Trong tu viện của chúng tôi ở Shechen, chúng tôi thường dạy thiền cho trẻ em và những người trẻ (từ 8 đến 14 tuổi) theo cách không chính thống. Nhưng chúng thực sự tham gia vào những nghi lễ dài trong chùa.
Những nghi lễ này giống như việc hành thiền tập thể và trong suốt thời gian diễn ra luôn có một bầu không khí nhẹ nhàng, tĩnh lặng, giúp cảm xúc được ngơi nghỉ, vì vậy trẻ con bắt đầu được tiếp xúc với những trạng thái tâm trí này ở độ tuổi nhỏ. Tôi chắc chắn rằng việc cung cấp một môi trường xoa dịu tâm trí đem lại rất nhiều lợi ích, hơn là liên tục khuấy lên những làn sóng cảm xúc rối loạn, như thường xảy ra ở phương Tây, với tiếng ồn, bạo lực trên truyền hình, trò chơi điện tử và những điều tương tự.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Phật giáo truyền thống, trẻ nhỏ chủ yếu được dạy qua việc làm gương. Chúng thấy cha mẹ và các bậc đạo sư của chúng cư xử trên cơ sở các nguyên tắc bất bạo động đối với con người, động vật và môi trường. Người ta không thể đánh giá thấp sức mạnh của sự lan truyền cảm xúc, cũng như sự lan truyền cách sống. Những phẩm chất bên trong của một người có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến những ai chia sẻ cuộc sống với họ. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là giúp bọn trẻ có được những kỹ năng trong việc xác định cảm xúc của chúng cũng như của những người khác, và cho chúng thấy những phương pháp cơ bản trong việc đối phó với những cơn bùng nổ cảm xúc.
Wolf: Đây là một trong những mục tiêu của mọi hệ thống giáo dục, để tăng cường khả năng kiểm soát cảm xúc của con người, và một danh mục các công cụ có sẵn để đạt được điều này: khen thưởng và trừng phạt, tạo nên sự gắn kết với các tấm gương, những trò chơi mang tính giáo dục, kể chuyện v.v. Tất cả các nền văn hóa đã công nhận những phẩm chất tốt đẹp của việc kiểm soát cảm xúc và phát triển một loạt các chiến lược giáo dục khác nhau theo hướng này.
Matthieu: Tôi phải nói thêm rằng mặc dù để đạt được sự ổn định lâu dài trong việc kiểm soát cảm xúc chắc chắn đòi hỏi một mức độ trưởng thành nào đó, nhưng vẫn có khả năng bắt đầu quá trình này ngay khi còn nhỏ. Trẻ em luôn tìm thấy những chiến thuật để cân bằng lại cảm xúc và sự an lạc nội tại sau khi trải qua những biến động tình cảm. Trong một cuốn sách có tên The Joy of Living, thiền sư Mingyur Rinpoche kể lại khi còn bé ông rất hay lo lắng và thường xuyên bị hoảng loạn. Khi đó ông sống ở Nubri, trong những dãy núi của Nepal gần biên giới với Tây Tạng. Thiền sư vốn xuất thân từ một gia đình tốt đẹp, đầy yêu thương – cha và ông nội của ông đều là những thiền sư lớn – và không trải qua bất kỳ biến cố đau thương đặc biệt nào, nhưng ông lại có những cơn bùng phát nỗi sợ hãi bên trong không thể kiểm soát được. Đến năm ông sáu hoặc bảy tuổi, ông đã tìm ra cách để giảm bớt những cơn hoảng loạn của mình. Thiền sư thường tìm đến một cái cốc gần nhà và ngồi đó một mình, thiền theo cách riêng trong vài giờ. Ông cảm thấy một cảm giác hoan hỷ, bình yên và nhẹ nhõm, như thể ông đang tắt ngọn lửa đi, và ông thực sự trân trọng phẩm chất của những giây phút chiêm nghiệm đó. Tuy nhiên, điều đó là không đủ để giúp ông thoát khỏi sự lo lắng đang dần xâm chiếm trở lại.
Đến năm 13 tuổi, ông cảm thấy có một khát vọng mãnh liệt được thực hiện một khóa tu chiêm nghiệm và đã tham gia khóa tu truyền thống kéo dài ba năm thường được thực hành trong Phật giáo Tây Tạng. Ban đầu, mọi thứ thậm chí còn trở nên tệ hơn. Vì vậy, một ngày nọ, thiền sư quyết định thế là quá đủ và đã đến lúc ông phải sử dụng tất cả những lời dạy nhận được từ cha mình để đi sâu vào vấn đề của bản thân. Ông đã thiền liên tục trong ba ngày không nghỉ, không rời khỏi phòng và nhìn sâu vào bản chất của tâm trí. Đến cuối của quá trình ấy, ông đã thoát khỏi nỗi lo lắng của mình mãi mãi.
Giờ đây, khi bạn gặp người đàn ông vô cùng tốt bụng, ấm áp và cởi mở này, người tỏa ra sự an lành và an lạc nội tại, thể hiện sự ấm áp và khiếu hài hước tuyệt vời cũng như chỉ dạy với sự trong trẻo về bản chất của tâm trí, bạn sẽ cảm thấy khó mà tin rằng ông đã từng trải nghiệm bất cứ vấn đề gì liên quan đến lo lắng. Ông là một bằng chứng sống về sức mạnh của việc rèn luyện tâm trí và hơn nữa là khả năng để bắt đầu nó từ khi còn là một đứa trẻ.
🌿🌿🌿☀🌿🌿🌿
VƯỢT QUA CÁI TÔI ĐỐI THOẠI GIỮA NHÀ SƯ VÀ NHÀ KHOA HỌC
MATTHIEU RICARD – WOLF SINGER
Người dịch: Lê Trường Sơn
NXB Hà Nội – NXB Thaihabooks
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS