ĐẠI NGUYỆN THỨ TƯ: SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG

SHARE:

“Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thủy tham sân si
Tòng thân ngữ ý chi sở sinh
Nhất thiết chúng sinh giai sám hối”.

Dịch nghĩa:

Con xưa đã tạo bao tội ác
Đều do vô thủy tham sân si
Từ thân miệng ý phát sinh ra
Tất cả con nay xin sám hối.

Con người sống trên đời, không sợ phạm phải sai lầm mà chỉ sợ phạm sai lầm mà không biết sám hối. Áo quần chúng ta bị bẩn thì dùng nước để giặt cho sạch, thân thể bẩn dơ thì tắm rửa sẽ cảm thấy thoải mái. Nhưng, những phiền não trong tâm thì chỉ có dựa vào pháp sám hối mới có thể tẩy sạch được.

Sám hối nghiệp chướng là cách để chúng ta “phản tỉnh”, sửa đổi hành vi, biết tự nhìn nhận kiểm điểm sai phạm để chứng minh lần sau sẽ không tái phạm lại. Như một đứa bé vô ý làm rơi vỡ chén trà, người mẹ trách con vì tội cẩu thả định giơ tay đánh. Nhưng đứa bé liền vội thưa: “Thưa mẹ con xin lỗi, lần sau con không sơ ý như vậy nữa”, một tâm niệm sám hối của đứa bé, đã khiến cho người mẹ rút tay lại, cảm thấy không cần phải đánh nữa. Thế nên, sức mạnh của sám hối thật to lớn không gì có thể so sánh được.

Lại nói thêm, sám hối nghiệp chướng chính là một loại tu tập giúp chúng ta tự phản tỉnh trong cuộc sống. Biết xấu hổ là đi gần với sự dũng cảm, người biết sai, biết phản tỉnh mới là người thật sự có sức mạnh. Nho gia có nói “Sai lầm thì không ngại sửa đổi”. Con người không tránh khỏi những sai lầm, khi phạm lỗi thì không nên ngại việc sửa đổi, chỉ khi dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm sửa lỗi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó, biến nó thành động lực để tự mình tiến bộ thì mới có thể khiến chúng ta mỗi ngày một tốt hơn.

🍂 1. Ý nghĩa của sám hối nghiệp chướng

“Sám hối”, là pháp môn tu hành rất quan trọng trong Phật giáo với mục đích sám hối tội lỗi, sai lầm và cầu xin được tha thứ.

“Sám”, là sự nhẫn nhịn chịu đựng, xin nhận tội trước người khác và cầu xin người khác rộng lòng khoan dung tha thứ.

“Hôi”, là ăn năn, hối tiếc, hối hận việc sai lầm đã qua.

Sám hối là bản thân đến trước chư Phật, Bồ tát, sư trưởng, đại chúng bạch lời nhận tội, mong muốn được mọi người tha thứ để tội được tiêu trừ.

“Nghiệp”, là hành động tạo tác bởi thân miệng và ý, nghiệp có ba loại không giống nhau gồm: nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp không thiện không ác.

“Chướng”, tức là trở ngại, chướng ngại, ngăn che. Vì thân miệng ý đã tạo những hành vi bất thiện, việc đó sẽ gây ra chướng ngại trên con đường đạo tiến đến quả Bồ đề của chúng ta, cho nên, nó được gọi là nghiệp chướng.

Chúng ta sống ở đời, mỗi khi khởi thân động niệm, mỗi một lời nói, mỗi một hành động, cử chỉ đều là tạo nghiệp.

Tuy nghiệp có chia ra thiện và ác, nhưng nhìn chung những nghiệp ác của chúng ta thường nhiều hơn. Trong kinh Phạm Võng có nói: “Có tội nên sám hối, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì tội lỗi càng thêm nặng”. Vậy nên, mỗi khi chúng ta nói lời sai, làm việc sai, chỉ cần nhận biết đó là sai lầm thì khi ấy thân tâm liền có thể được thư thái thoải mái. Nếu như làm sai mà không biết phản tỉnh suy xét, cương quyết cho mình là đúng, thậm chí che đậy lỗi lầm của mình, mưu đồ không để người khác nhìn thấy, sẽ khiến cho tội nghiệp càng nặng thêm, như Đức Khổng Tử có nói “Có lỗi mà không sửa đổi, đó thật là lỗi”.

Biết nhận lỗi, biết sám hối như dòng nước pháp từ bi của chư Phật, Bồ tát, có thể rửa sạch mọi lỗi lâm oan khiên, khiến tâm chúng ta được thanh tịnh an lạc, cho nên trong nhà Phật có nhiều pháp môn lễ sám. Như, vua Lương Vũ Đế thời nhà Lương đã vì hoàng hậu Hy Thị mà soạn ra Lương Hoàng Bảo Sám; Quốc sư Ngộ Đạt thời Đường, vì nhiều kiếp kết oan nghiệp mà đời này thụ nhận đau khổ bởi mụn ghẻ hình mặt người, thông qua việc sám hối, cuối cùng ngài đã hóa giải được mỗi oan nghiệp theo mình suốt 900 năm và còn lưu lại một bộ Từ bi Tam muội Thủy sám. Ngoài ra, còn có Dược sư sám, Địa tạng sám, Tịnh độ sám, Pháp hoa sám, Đại bi sám, Bát thập bát hồng danh bảo sám, v.v. Những pháp môn sám hối này đều được lịch đại tổ sư y cứ vào kinh điển, dùng nguyện lực từ bi vì chúng sinh đời sau mà khai mở.

Thường nói, sám hối có thể phân thành hai loại “sự sám” và “lý sám”. “Sự sám”, là có thể thông qua việc làm như lễ bái, bố thí, tụng kinh, chép kinh để sám hối lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và trong hiện tại. “Lý sám”, là lý quán thật tướng các pháp để sám hối diệt tội. Cái gọi là “Tội nghiệp vốn không, tất cả đều do tâm tạo, nếu tâm là không thì tội cũng tự tiêu diệt, tâm không tội diệt cả hai đều là không, đó mới gọi là chân thật sám hối”. Tội nghiệp vốn sinh khởi từ vọng tâm, nếu như vọng tâm của chúng ta ngừng dứt thì tội nghiệp cũng sẽ giống như giọt sương buổi sớm mai, khi ánh sáng mặt trời soi chiếu thì sẽ biến mất không dấu vết.

Bất luận là sám hối trên mặt sự tướng, hay sám hối trên mặt lý tính, khi sám hối, chúng ta phải tin rằng có sự gia trì và nhiếp thụ bởi uy lực của chư Phật, nhờ đó mới cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn và nguyện không còn lặp lại những sai lầm tương tự.

Phương pháp sám hối của tông Thiên thai có phân ra ba loại:

Thứ nhất, là dùng “Giới luật” để sám hối. Người mắc lỗi cần đến trước sư trưởng, chư vị đại đức, chí thành sám hối những lỗi sai của mình, đồng thời nghiêm trì giới luật, ngày đêm tinh tấn tu trì không dám lười biếng để đoạn diệt tất cả các chướng ngại trong tâm ý.

Thứ hai, là pháp dùng việc làm “Công đức” để sám hối. Công đức sám, chính là ta làm nhiều việc thiện hơn, để đem công đức này mà chuộc tội. Ví như, trong quá khứ đã từng sát sinh, giết hại loài vật, hiện tại không những không sát sinh mà còn phải tích cực phóng sinh, bảo vệ chúng; trong

Thứ ba, là dùng pháp “Vô sinh” để sám hối. Tức là hiểu rõ việc sinh tử, tu tập tinh thần vô ngã không chấp trước, cho đến khi khai ngộ trí tuệ, chứng đắc Niết bàn, từ việc hiểu rõ trên mặt sự tướng là có tội, nhưng đứng về mặt tự tính thì tội tính vốn không, như thế chỉ có chứng ngộ và tâm Bồ đề rộng lớn mới có thể diệt sạch được tội lỗi. Ý nghĩa chính của việc sám hối là ở chỗ giải thoát, chúng ta từ trong lao ngục cố chấp vào bản ngã của mình mà đạt được sự an lạc, tự do và an tịnh. Trong nhà Phật “Sám hối” còn được gọi là “Phát lỗ sám hối”. Phát lồ là bày tỏ biểu đạt, nhưng không phải là tự nói với chính mình là “mình sai rồi”, mà phải đem những việc mình đã phạm, nói rõ ràng trước Phật, đại chúng hay một vị thiện tri thức mà không có sự che dấu, thừa nhận sai lầm của chính mình. Trong sám hối, khi tiếp nhận việc xử phạt thích đáng, chúng ta mới nhận được sự tha thứ của mọi người, đem lại sự thanh tịnh vốn có của tâm. Trong kinh Phật nói, biết sám hối những việc sai đã làm thì mới thật là người dũng mãnh, đó là một đức tính đáng quý vậy.

Thời Phật tại thế, có nhiều đệ tử của Ngài, và cả những người ngoại đạo đều ngu muội, cố chấp, nhưng tất cả họ đều nhờ pháp sám hối mà được thanh tịnh, sau đó tự mình đạt được sự giải thoát. Như, cô gái Ma Đăng Già vì mê đắm Tôn giả A Nan, trải qua sự hóa độ khéo léo của Đức Phật mà cô biết sám hối, sau đó tu theo Phật và chứng đắc quả vị A la hán. Lại như, cô gái nghèo khổ Nan Đà, xin được một đồng tiên liền mua dầu cúng Phật, đồng thời do cô biết sám hối những tội nghiệp đã phạm trong quá khứ, nên Đức Phật nói nước của bốn biển cũng không thể dập tắt được ngọn đèn cúng Phật của cô. Những ví dụ trên đều nói về những tội lỗi, sai lầm trong quá khứ của chúng ta, nếu chúng ta biết thành khẩn sám hối thì liền được giải thoát.

Trong kinh Phật di giáo có nhắc đến: “Áo giáp tàm quý là pháp trang nghiêm vô thượng”, tàm quý có nghĩa là xấu hổ, chúng ta biết xấu hổ thì có thể dũng cảm đối diện với những khuyết điểm sai lầm, có thể khuyến tấn chúng ta thăng hoa hướng thiện. Thường khởi tâm tàm quý, phản tỉnh thì tự tính thanh tịnh sẽ dần xuất hiện, nhân cách đạo đức cũng theo đó mà ngày càng viên mãn.

Sám hối có công đức thù thắng như vậy, nhưng một số người lại xem thường và sống lười biếng, phóng túng. Ngày thường họ không nghĩ đến việc sám hối, đều tự cho rằng những việc mình làm là đúng, không có sai lầm, cho nên không dễ dàng gì khởi tâm niệm sám hối. Thường do mấy nguyên nhân sau đây mọi người mới nghĩ đến việc sám hối: Thân thể chịu đau đớn bởi bệnh tật mới nghĩ đến việc sám hối; làm việc không được thành công, luôn gặp trắc trở, mới nghĩ đến việc sám hối; tuổi càng ngày càng lớn, nghĩ đến những việc sai phạm trong quá khứ, mới nghĩ đến việc sám hối; tự cảm thấy mình quá nhỏ bé, có nhiều việc không có sức để làm, mới nghĩ đến việc sám hối.

Chúng ta thường nói “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ tát vốn có trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa rộng, không thể bị chìm đắm trong tham muốn mong cầu mà gây tạo nhân ác để trăm vạn kiếp sau không thể quay đầu. Nhưng chúng sinh lại không nhìn xa, cứ chấp đắm vào năm dục, mê mờ không tự nhận biết được bản thân đã gây trồng bao nhiêu là quả khổ. Tuy là phạm sai lầm, nhưng nếu người phạm sai lầm buông bỏ chấp trước, tha thiết sám hối tạ tội, thật lòng nhận lỗi thì tin chắc đối phương sẽ rộng lượng tha thứ cho họ, mọi sai lầm theo đó được giải quyết một cách thuận lợi, suôn sẻ.

Nhưng, cái cố chấp lớn nhất của con người hiện đại chính là dù chết cũng không nhận lỗi, không có đức tính nhận lỗi. Cho dù họ biết mình có khuyết điểm, cũng không chịu sửa đổi, khiến cho những khuyết điểm này ngăn chặn sự phát triển của bản thân, thật đáng tiếc. Trong lịch sử, Hạng Vũ đã ôm hận thua cuộc trong cuộc giao tranh giữa hai nước Hán – Sở, nguyên nhân là do ông quá tự tin không nghe lời khuyên can của người khác, dẫn đến bạn bè xa lánh, cuối cùng phải tự vẫn ở sông Ô Giang, trước khi chết ông vẫn không chịu nhận sai, còn gào lên: “Trời hại chết ta, không phải do ta không biết dùng binh”. Hạng Vũ cho rằng tự mình không làm sai, tất cả đều là do người khác sai, tính cách không chịu nhận lỗi giống như vậy thì làm sao có thể học tập kinh nghiệm trong thất bại, làm sao tạo được nhân duyên tốt để hướng đến thành công.

Từ việc sám hối, còn có thể phân biệt được mức độ sám hối. Trong kinh nói: “Sám hối cao nhất là lòng tha thiết khẩn cầu sám hối, các lỗ chân lông đều chảy máu, đau khóc thảm thiết, nước mắt có cả máu; sám hối bậc trung là tất cả các lỗ chân lông đều phát nóng, con mắt chứa đầy gân máu, nước mắt nước mũi đều chảy; sám hối bình thường bậc thấp nhất, nước mắt nước mũi lan tràn, phủ phục không đứng dậy được”. Tóm lại, không luận là loại sám hối nào, sám hối phải là nhận thức, phản tỉnh từ trong tâm thì người sám hối mới có thể tiếp tục tiến về phía trước.

Có câu nói “Không sợ vô minh khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm”, cũng chính là không sợ phạm sai lầm mà khi lô phạm sai lầm thì phải biết phản tỉnh. Việc đáng sợ nhất là phạm sai lầm mà không biết hối cải, không biết phản tỉnh. Phản tỉnh, biết nhận sai, biết sửa đổi là tinh thần quan trọng của việc cầu tiến. Trong sinh hoạt hằng ngày, việc ứng xử qua lại giữa người với người, phải thường thường phản tỉnh kiểm soát thân miệng ý của bản thân. Tăng Tử nói: “Ta mỗi ngày phải tự phản tỉnh, nhìn lại mình ba lần”, Tăng Tử là bậc hiền nhân đạo đức mà còn phải phản tỉnh bản thân như thế, huống gì chúng ta là những kẻ phàm phu. Sám hối cũng không phải là việc nhận tội nhất thời, không chỉ là sám hối những tội lỗi đã tạo trước kia, mà phải có sự tu tập công phu sửa đổi quán chiếu ngay tự tâm của mình, chứ không phải là “dũng cảm nhận lỗi, nhưng đến chết vẫn không chịu sửa đổi”. Chúng ta không thể phạm sai lầm, sửa rồi lại phạm, phải giống như ông Nhan Hồi đệ tử của Khổng Tử, “suốt đời không phạm lỗi lần thứ hai”, những tội lỗi đã phạm nhất định không bao giờ tái phạm trong đời.

Vì thế, sám hối không phải là việc chúng ta chỉ nói ra trên miệng để trang sức hình thức bên ngoài, mà phải phản tỉnh, nhận sai, sửa đổi bằng hành động ngay trong đời sống hằng ngày như, làm việc thiện giúp người, để người nhìn thấy thiện ý sửa đổi của mình, thậm chí còn phải phát nguyện trong tương lai sẽ phục vụ cống hiến nhiều hơn nữa, đó mới là chân thật sám hối.

🍂 2. Lợi ích của việc quán chiếu lại mình

Sám hối, chính là quán chiếu cuộc sống. Mỗi người khi phạm lỗi, chỉ cần khởi tâm tha thiết sám hối, phản tỉnh và làm thêm nhiều việc tốt, kết nhiều duyên lành thì có thể diệt trừ được các nghiệp nặng hay nhẹ đã nhỡ gây tạo.

Ví như, chúng ta bỏ một nắm muối vào trong ly nước thì vị rất mặn, nhưng nếu chúng ta đổ thêm một chút nước thì vị mặn tự nhiên sẽ nhạt dần. Có nghĩa, chỉ cần chúng ta làm nhiều việc thiện, tuy nghiệp trước giống như đem muối bỏ vào nước, hiện tại làm việc thiện lại như đổ thêm nước pháp thanh tịnh, tuy nước muối vẫn có vị mặn, nhưng đã không khó uống như trước, thậm chí còn có thể trợ giúp tiêu hóa và làm sạch dạ dày. Do đó có thể thấy, phản tỉnh, nhận sai, sửa đổi, là phương pháp tốt làm thay đổi cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Trong sách Thái căn đàm có nói: “Công danh cái thế, cũng không thể vượt qua chữ kiêu căng; tội nghiệp lớn như trời, cũng không vượt được chữ cải đổi”. Ý nói, cho dù người có công lao to lớn đến đâu nhưng nếu có tâm kiêu căng, ngạo mạn thì công lao, thành tích trước kia cũng sẽ tiêu tán, còn người phạm sai lầm mà biết ăn năn sám hối, biết sửa đổi thì tội lỗi dù to lớn đến đâu cũng có thể được tiêu trừ. Vì thế có câu, “Buông bỏ đồ đao thì ngay lúc ấy liền thành Phật”. Có thể thấy, công đức thù thắng của việc sám hối không gì sánh được, người biết tiếp nhận được lời dạy dỗ, chỉ bảo, dũng cảm thừa nhận lỗi lầm, đồng thời nỗ lực sửa đổi, phần lớn đều là người tiến bộ rất nhanh.

Sám hối, có thể giúp chúng ta được mọi người kính trọng, thăng hoa hướng thượng, làm trong sạch thân tâm, sửa đổi bản thân. Như vậy, việc sám hối có công đức và lợi ích như thế nào với chúng ta?

2.1. Phản tỉnh là tâm nhận biết sai lầm

Ông Tăng Tử mỗi ngày đều tự đưa ra ba việc để phản tỉnh là: “Khi nhận làm việc cho người, ta có thực tâm làm không? Kết giao với bạn bè, ta có thất tín không? Thầy dạy ta những gì, ta có học tập và làm theo không?” Nghĩa là, mỗi ngày đều phải nhiều lần tự nhắc nhở mình, với công việc mình có nghiêm túc và tôn trọng hay không? Kết giao với bạn bè mình có giữ chữ tín hay không? Những kiến thức được thầy cô truyền dạy mình có học tập và thực hành hay không? Một người, mỗi ngày tự mình phản tỉnh thì sẽ hiểu mình và tự phát huy tiềm năng của bản thân.

Có câu chuyện rằng: Một người đàn ông nọ dẫn theo đứa con trai bảy tuổi đến vườn rau của người khác nhổ một ít củ cải đem về. Khi ông ta vừa nhổ mấy củ cải lên, đứa con trai ở phía sau đột nhiên khẽ nói: “Ôi! Cha ơi, có người đang nhìn chúng ta!” Người đàn ông giật mình, mắt liếc nhìn xung quanh, lo lắng hỏi: “Con! Người ở đâu?” Đứa con trai tay chỉ lên trời và trả lời: “Cha à! Mặt trăng kia đang nhìn cha, không phải sao?” Mặt trăng chính là lương tâm của mỗi người chúng ta, chúng ta có thể lừa dối người khác nhưng không thể lừa dối lương tâm của chính mình. Nếu chúng ta muốn sống an lành thì phải thường quán chiếu nội tâm, tiếp đó là ăn năn sửa lỗi, khi biết quay đầu sửa đổi thì cuộc sống tự nhiên sẽ ngày càng tươi sáng.

2.2. Phản tỉnh là phương pháp bỏ ác hướng thiện

Có năng lực phản tỉnh, chúng ta mới có khả năng sửa đổi bản thân. Tứ chính cần trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo có ghi: “Khiến cho việc ác đã sinh đoạn diệt, không cho việc ác chưa sinh sinh khởi, làm cho việc thiện chưa sinh sinh khởi, làm cho việc thiện đã sinh tăng trưởng” đó chính là cách tốt nhất để chúng ta quán chiếu bản thân bỏ ác, hướng thiện ngay trong cuộc sống hằng ngày. Nuôi dưỡng thói quen phản tỉnh và quán chiếu chính mình, hiểu rõ ràng những sai phạm của bản thân, biết nhận lỗi, sửa lỗi thì chúng ta mới có thể nhận được sự khoan dung, tha thứ của mọi người.

Trong sách Tư trị thông giám có ghi chép việc Chu Xử trừ tam hại: Ở Nghi Hưng, Giang Tô nơi Chu Xử sinh sống, người dân đều rất sợ ba việc gây hại, khiến cho trăm họ không thể sống yên ổn. Ba việc gây hại đó là: mãnh hổ đầu trắng, cá sấu và người xấu Chu Xử. Chu Xử tự nhận mình là một trong ba việc gây hại nên ông đã hạ quyết tâm thay đổi bản thân, chăm chỉ học hành, khổ công tự lực phấn đấu, sự sám hối, sửa đổi này về sau đã được mọi người thừa nhận. Do Chu Xử đã biết sai và sửa đổi, tất cả những việc oán trách của mọi người đối với ông trong quá khứ đã hoàn toàn được xóa sạch, không ai còn nghĩ nhớ đến điều hại đó nữa. Người có dũng khí để sám hối sửa đổi, chính là người có quyết tâm cải tà quy chính, cải ác hành thiện.

2.3. Phản tỉnh là sức mạnh để tịnh hóa thân tâm

Mục đích của việc phản tỉnh là yêu cầu bản thân phải sửa đổi để mỗi ngày thêm tiến bộ, phải tự mình thăng tiên, để thân tâm được thư thái tự tại. Trong kinh Tứ thập nhị chương có nhắc đến: “Nếu như phạm tội mà không biết sám hối thì tội ác sẽ ngày càng sâu giống như nước biển; nếu như người biết tội mà có thể sửa đổi thì tội giống như người đang bị bệnh mà toát mồ hôi, bệnh sẽ dần dần thuyên giảm”. Việc phản tỉnh cũng giống như nước sạch, có thể giặt sạch những áo quần nhơ bẩn, tịnh hóa thân tâm của chúng ta.

Có câu chuyện rằng: Bốn người bạn hẹn nhau cùng ngồi thiên và quy định không ai được nói chuyện, lúc đầu mọi người đều im lặng, nhưng trời càng khuya, ngọn nến khi tối khi sáng, có một người nói: “Nến sắp tắt rồi”, tiếp theo một người khác lại nói: “Chúng ta không được nói chuyện”, lại một người bạn nữa đáp lời: “Sao các anh lại nói chuyện?”, người bạn sau cùng cười nói: “Ha ha! Chỉ có một mình tôi là không nói chuyện” kết cuộc cả bốn người đều không thể im lặng. Con người thường chỉ quen nhìn cảnh bên ngoài, chỉ trích những sai lầm, khuyết điểm của người khác và muốn người khác thay đổi. Nếu như chúng ta có thể thường phản tỉnh lại chính mình, yêu cầu chính mình, như thế mới có được sức mạnh để tịnh hóa bản thân.

2.4. Phản tỉnh là nguồn gốc để thành tựu Bồ đề

Người có khả năng phản tỉnh, biết nhận lỗi lầm trong quá khứ, lấy đó để tự cảnh tỉnh mình không tái phạm lần thứ hai, cuối cùng có thể đi đến thành công. Ngược lại, người không chịu nhận lỗi thì vĩnh viễn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ, không có sự tiến bộ, càng không nhận được sự chấp nhận của mọi người xung quanh.

Nhà phát minh Edison, trong quá trình phát minh ra bình ắc quy đã thất bại tổng cộng hơn 25.000 lần, nhưng ông ấy tuyệt nhiên không nản lòng, nói: “Tôi phát hiện ra 24.999 lỗi khiến bình ắc quy không thể hoạt động”. Edison đã nhận được tổng cộng 1.093 bằng sáng chế trong suốt cuộc đời của mình, như: máy hát, film, bút, giấy sáp, đèn huỳnh quang, v.v. Chúng ta có thể tưởng tượng được ông ấy đã trải qua bao nhiêu lần thất bại trong cuộc sống phi thường của mình. Chúng ta cũng biết ơn rằng, trong những lần thất bại ông luôn giữ tinh thần kiên trì, cải tiến và làm việc không biết mệt mỏi. Ông đã trở thành nhà khoa học được mọi người trên thế giới kính trọng.

Ai trên đời cũng đều phạm sai lầm, nhầm lẫn. Nếu mọi người biết phản tỉnh, sửa đổi, mỗi ngày đều có thể nói câu “tôi sai rồi”, “tôi không nên như thế”, khi đó sẽ làm cho tâm ý, nhân cách của bản thân được thanh lọc, cải thiện, khi nhân cách ngày càng thăng hoa, ngày càng hoàn thiện, tự nhiên chúng ta sẽ được mọi người vui vẻ đón nhận. Nếu trong một gia đình, một đoàn thể, cho đến một quốc gia, mọi người luôn biết phản tỉnh, tự hoàn thiện bản thân thì xã hội sẽ mãi an lành, quốc gia mãi thịnh vượng.

🍂 3. Người biết phản tỉnh, nhận sai trong cuộc sống

Chúng ta làm sao để có thể phản tỉnh, sửa đổi lỗi lầm trong cuộc sống? Ngoài việc sám hối trước chư Phật, Bồ tát, chúng ta cũng cần phản tỉnh, thừa nhận và chịu trách nhiệm về sai lầm của mình trước đoàn thể, cơ quan hay trong bất kỳ nơi nào. Bất luận là giữa con cái và cha mẹ, giữa học sinh và thầy giáo, giữa người đứng đầu hay cấp dưới, việc “nhận sai” đều không phân biệt lớn nhỏ, chỉ là chúng ta có dũng cảm để nhận ra sai lầm hay không. Nếu người người có thể thành thật nhận sai thì thế gian này mới có thể an lành và vui vẻ được.

Sau đây tôi sẽ đưa ra một số ví dụ có liên quan đến việc phản tỉnh và nhận sai như sau:

3.1. Sám hối với chư Phật, Bồ tát

Trong kinh có nói “Lễ Phật một lễ, tội diệt hà sa”, nhờ việc lễ lạy, chân thành phát lồ sám hối trước chư Phật mà chúng ta có thể diệt hết những tội ác đã tạo trong quá khứ.

Đại sư Hám Sơn thời nhà Minh xuất gia vào năm 12 tuổi và thụ giới cụ túc năm 19 tuổi, sau khi thụ giới trên lưng ngài mọc ra vết thương lớn, sưng to và rất đau, thầy thuốc ở khắp nơi đến khám nhưng đều bó tay. Đại sư Hám Sơn tự biết đây là do oan nghiệp từ kiếp trước, nên ngài cung kính đến quỳ trước điện Phật, trong tâm thầm phát nguyện: Phải tha thiết sám hối, dùng công đức tụng niệm mười bộ kinh Hoa nghiêm để sám hối nghiệp chướng mình đã tạo trong quá khứ. Quả nhiên, sau khi phát nguyện, vết thương trên lưng ngài vốn không thể trị liệu, nay không cần dùng thuốc mà lại tự khỏi. Qua đó có thể thấy, chỉ cần chúng ta có lòng thành và thật tâm biết lỗi sám hối, nhất định sẽ có được sự cảm ứng.

3.2. Con cái biết nhận lỗi với cha mẹ

Làm con cái khi phạm phải sai lầm, chỉ cần dũng cảm đến trước cha mẹ nhận sai và nói với cha mẹ rằng: “Con xin lỗi, lần sau con sẽ không làm thế nữa” thì nhất định sẽ được cha mẹ tha thứ, khiến cho cha mẹ hài lòng cũng là cách con cái biểu hiện sự hiếu thuận. Ngoài việc biết sám hối nhận lỗi với cha mẹ, con cái còn phải biết sám hối với cha mẹ việc mình không chăm chỉ học tập, kết quả học tập không tiến bộ; sám hối với cha mẹ việc mình không nỗ lực tinh tấn, sự nghiệp không phát triển; sám hối với cha mẹ bản thân chưa hiếu thuận, chưa quan tâm chăm sóc cha mẹ, lại không biết phục vụ và cống hiến cho xã hội. Như thế, khi hiểu được tác dụng của việc phản tỉnh, chúng ta mới có thể tiến bộ.

Tình thương của cha mẹ với con cái rất mực khoáng đạt và bao dung, chỉ cần chúng ta biết nhận sai, biết sửa đổi, cha mẹ sẽ không bao giờ trách phạt hay ghét bỏ, ngược lại còn luôn quan tâm yêu thương và ủng hộ chúng ta.

3.3. Cha mẹ biết nhận lỗi với con cái

Bậc cha mẹ có khi biết rõ mình làm sai, nhưng lại vì cố giữ gìn sự tôn nghiêm mà không chịu nhận lỗi với con cái. Kỳ thật, hành động nhận sai của cha mẹ mới thể hiện được thái độ chịu trách nhiệm, khiến cho con cái biết mạnh dạn thừa nhận sai lầm của mình, đó là một hành động bình thường và đúng đắn. Thừa nhận sai lầm không phải là mất đi cái gì đó, mà lại là nhận được sự tha thứ và tôn trọng của người khác. Ngoài ra, nếu cha mẹ cảm thấy mình thiếu sót trong việc quan tâm, nuôi dưỡng con cái, chưa dành nhiều sự thương yêu chăm sóc thì nên sinh tâm hối hận, mong muốn làm gì đó để bù đắp cho con mình, người luôn nghĩ như thế nhất định sẽ là người cha, người mẹ tuyệt vời trong mắt của con cái.

3.4. Nhận lỗi với chồng hay vợ

Giữa vợ chồng cũng phải thường biết nhận lỗi với nhau. Tôi đã từng nói, vợ chồng sống và đối xử với nhau như điệu nhảy tango, bạn tiến một bước tôi sẽ lùi lại một bước; tôi tiến một bước bạn sẽ lùi một bước. Làm người chồng phải thường nói với vợ rằng: “Vợ à, anh thật ân hận, anh không có nhiều tiền, không thể khiến cho em có cuộc sống tốt hơn, nhiều năm nay phải khiến em chịu bao vất vả, đau khổ”, hoặc nói “Vợ à, anh thật có lỗi với em, trong quá khứ anh chỉ biết đắm chìm trong khói thuốc và men rượu, cuộc sống không được yên lành, em hãy tha thứ cho anh”. Chỉ cần người chồng trực tiếp nhận lỗi với vợ thì một người vợ hiển trí nhất định sẽ tha thứ và càng thêm yêu quý người chồng hơn.

Cũng như vậy, người vợ cũng phải thường nhận lỗi với chống rằng: “Em thật không phải là người vợ giỏi, người mẹ tốt, em không thể lo liệu việc nhà chu toàn, cũng không giỏi cách dạy dỗ con cái. Tuy em không giỏi chăm sóc cho gia đình, nhưng từ trước đến giờ anh không chê trách, lại còn yêu thương và bao dung em”, nếu như người vợ thường biết nhận sai, nhất định sẽ được người chồng thông cảm và thương yêu. Vợ chồng sống với nhau, thường biết nhận sai và thật lòng sửa đổi thì cuộc sống gia đình mới thêm phần mỹ mãn.

3.5. Biết nhận sai với cấp dưới

Có nhiều người không chịu nhận lỗi, phàm làm bất cứ việc gì đều chỉ nhận thấy người khác phạm lỗi còn mình là đúng, kỳ thật không biết nhận sai đó là một lỗi lớn của con người. Nhận sai là tinh thần rất quan trọng trong việc cầu tiến. Làm người lãnh đạo phải thường suy nghĩ mình đã quan tâm, yêu thương cấp dưới hay chưa? Mình có thường giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn hay không? Có để họ phát huy những sở trường hay không? Bản thân có hài lòng với cấp dưới của mình hay không? v.v. Làm người lãnh đạo phải thường tự biết suy xét thì đoàn thể mới có sự đồng thuận và gắn kết.

Từ khi thành lập đến nay, Phật Quang Sơn luôn đề xướng trong Tăng đoàn phải có tính dân chủ, học tập theo cách thức “Ba lần yết ma” (ba lần hỏi và đáp) như thời Đức Phật, tiếp nhận tất cả các ý kiến góp ý và chỉ trích. Vì thế, khi Phật Quang Sơn tổ chức hội họp, khó tránh khỏi việc ý kiến của tôi trái ngược với ý kiến của đại chúng, nhưng chỉ cần đó là điều hợp lý tôi liền tiếp nhận ý kiến, tự sửa đổi. Làm một người lãnh đạo nếu vì giữ sĩ diện cho mình cố chấp không chịu nhận lỗi, không thể bao dung hết mọi việc mà chỉ nghe nhìn ý kiến từ một hướng, lâu dần hình thành nên cách cấp dưới không dám phản kháng, chỉ biết phục tùng, cấp trên thì cứ tuân thủ phép tắc, chỉ biết chỉ trích đổ lỗi cho người khác mà không chịu xem xét lỗi lầm của chính mình. Trong đoàn thể hay bất cứ công ty nào, nếu khư khư, cố chấp không chịu nhận lỗi thì sẽ không có sự sáng tạo đột phá, không thể mở ra một tương lai tươi sáng.

3.6. Nhận sai đối với bậc thiện tri thức

Thầy tốt, bạn hiền đều là những bậc thiện tri thức của chúng ta, thiện tri thức có thể giúp chúng ta sửa đổi hành vi của bản thân, khiến cho chúng ta trưởng thành và khôn ngoan hơn. Nhưng, chúng ta thường phạm phải lỗi “nghe điều thiện lại không để tâm”, lời khuyên bảo của bậc thiện tri thức như gió thổi qua tai, hờ hững, không chịu suy nghĩ và thực hành. Thế nên, chúng ta phải thường phản tỉnh lại. Mình có hổ thẹn với các bậc thiện tri thức hay không? Có làm họ thất vọng không? Có nỗ lực học tập và thực hành trong cuộc sống không? Chỉ cần chúng ta thường có tâm suy xét phản tỉnh, dụng tâm sửa đổi thì cuộc đời lo gì không thành công?

3.7. Nhận sai đối với xã hội

Mạnh Tử nói: “Nhu cầu của một ngày là sự chuẩn bị của hàng trăm việc”, nghĩa là những vật dụng chúng ta dùng trong cuộc sống hằng ngày, đều dựa vào nỗ lực, công sức của biết bao nhiêu người mới hợp thành. Xã hội giống như một cổ máy to lớn vận chuyển liên tục, không luận là người lao tâm hay người lao lực, mỗi người đều có một vai trò rất quan trọng, không phân cao thấp sang hèn. Chúng ta phải thường nghĩ rằng, ta nhận quá nhiều của người khác mà lại cho đi quá ít, có tâm sám hối như thế, tự nhiên chúng ta có thể hết lòng với trách nhiệm công việc, chức vụ mà không chút cẩu thả. Mỗi người đều trân quý tài nguyên của xã hội thì xã hội mới hòa ái, thanh bình, quốc gia mới phát triển, tiến bộ.

3.8. Nhận sai với tín đồ Phật tử

Là một người xuất gia thì cần phải có tâm nhận lỗi đối với tín đồ Phật tử. Người xuất gia nếu cảm thấy mình không thể giải trừ những vấn đề nan giải của mọi người, không thể hóa giải những tai nạn nguy khốn cho mọi người, đó thực là có lỗi với Tam bảo và tín chúng, sau này bản thân phải cố gắng dụng tâm làm nhiều việc thiện để có thể hoằng pháp độ sinh. Phật tử đến chùa lễ Phật đều biết làm phúc cúng dường. Tôi cũng thường khuyên dạy các đệ tử xuất gia, chúng ta cũng phải phục vụ, tạo phúc lành cho Phật tử tại gia, khiến cho những người con Phật thường thân cận Tam bảo, mỗi ngày được thấm nhuần giáo pháp và nâng cao phẩm đức của mình.

🍂 4. Trong cuộc sống nên thường phát nguyện

Phật giáo nhân gian không chỉ đặt nặng về việc sám hối, mà còn chú trọng đến việc phát nguyện, lại từ nơi sám hối đến phát nguyện mà dẫn dắt chúng ta đi đến con đường cao rộng. Trong Ma ha chỉ quán của Đại sư Trí Giả, thời Tùy có nhắc đến năm việc sám hối đó là: Sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng và phát nguyện, chính là nói sau việc sám hối còn phải phát nguyện.

Trong hai thời công phu sáng và tối, chúng ta thường tụng bài Tứ hoàng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, bốn lời sám hối phát nguyện này là cách chúng ta nhổ sạch gốc rễ sinh tử, nên không còn đắm trước bởi tham, giận, ngu si và phiền não. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta sống và hành động theo “Ba việc tốt” và “Bốn việc tặng cho”” cũng chính là sám hối và phát nguyện. Nhưng, trong pháp môn sám hối của Phật giáo, việc quan trọng nhất là phải phản tỉnh, sửa đổi và phát nguyện trong tương lai, làm sao giúp chúng ta cống hiến sức mình để phục vụ gia đình và xã hội.

Cho nên, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày làm sao để chúng ta phát tâm cải ác hướng thiện? Sau đây tôi sẽ đưa ra một số quan điểm để mọi người tham khảo:

Một, lời nói khen ngợi: Trong kinh Chính pháp niệm xứ có nói: “Nước cam lồ và độc dược đều từ nơi miệng con người”, nói lời xấu ác hay tốt đẹp đều do tâm ý của chính chúng ta. Nếu trong miệng hay nói lời tốt đẹp, vừa giúp cho người tăng trưởng căn lành mà cũng có thể giúp mình tăng trưởng đức hạnh. Chúng ta phải thường nói lời tốt đẹp, dù đối với bất kỳ ai, bất kỳ việc gì, đều dùng tâm từ bi hỷ xả, dùng lời nói tốt đẹp để tán thán, đây chính là sám hối.

Hai, tùy hỷ bố thí: Nhìn thấy người đang gặp khó khăn chúng ta phải dốc sức cứu giúp, hoặc chung tay làm việc thiện trợ giúp mọi người như, xây cầu sửa đường, cứu người lúc nguy khốn, bố thí ủng hộ cho văn hóa giáo dục. Tùy vào thời gian, hoàn cảnh và nhân duyên mà hỷ xả bố thí, chúng ta vừa có thể khiến bản thân giảm đi lòng tham, lại có thể ban ơn cho chúng sinh, rộng gieo trồng ruộng phúc, đây cũng là một cách phản tỉnh trong đời sống.

Ba, chăm chỉ phục vụ: Chúng ta nên tham gia các hoạt động từ thiện, phát tâm phục vụ cho đại chúng như: tham gia hoạt động làm sạch đẹp môi trường ở núi rừng hay bờ biển, quan tâm nơi sinh sống của làng xóm xung quanh, dọn dẹp vệ sinh hoặc làm việc công ích cho những viện dưỡng lão, nhà nuôi trẻ, những việc làm này có thể dùng như một việc sám hối. Như trong kinh Pháp cú có câu: “Người có lòng từ bi, thương yêu, cứu giúp chúng sinh nhận được mười một pháp thiện, phúc đức thường theo nơi thân”, bởi vậy phúc báo thường song hành với người có tâm nhân từ yêu vật.

Bốn, vui vẻ thành tựu việc cho người: Luôn biết khen ngợi, tán dương ưu điểm, nói vài lời tốt đẹp hoặc dùng hành động để giúp đỡ người khác. Thành tựu cho mọi người, ai cũng tôn trọng lẫn nhau, cùng khoan dung và cảm thông thì quan hệ giữa mình và mọi người sẽ càng hài hòa thân thiện hơn.

Năm, thường có lòng tri ân và báo ân: Làm người nên có tâm tri ân và báo ân, người mà thường biết cảm ân, tích phúc, tích duyên thì thường có sự tiến bộ hơn; người thường có tâm xấu hổ thì biết nâng cao nhân cách của mình. Vì thế, thường thường có tâm biết ơn cha mẹ, sư trưởng, đại chúng và những người có công thành tựu và giúp đỡ cho chúng ta, cũng là phương pháp tốt để sửa đổi giúp bản thân ngày càng tiến bộ.

Sáu, dũng cảm thừa nhận lỗi lầm: Thay vì ăn năn sám hối, tốt hơn hết chúng ta phải tự gánh vác cho lỗi lầm của mình. Hai mươi lăm năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tổng thống nước Đức là Willy Brandt đến Warsaw, Ba Lan để đặt hoa trước đài tưởng niệm những người Do Thái đã chết trong cuộc chiến này. Ông quỳ gối trước tấm bia thiêng liêng để bày tỏ lòng tiếc thương, đau buồn với những người Do Thái đồng thời có lời tạ tội vì những hành động mà Đức Quốc Xã đã gây ra. Khi đó, ông được giới truyền thông thế giới khen ngợi: “Tổng thống nước Đức quỳ xuống, người dân nước Đức hãy đứng lên”, việc “quỳ gối” của Willy Brandt được ca ngợi là “Lời tạ tội có sức mạnh nhất của Châu Âu trong ngàn năm nay” và lời tạ tội đó đã giúp ông đạt giải thưởng Nobel hòa bình. Có thể thấy, việc thừa nhận sai lầm không làm mất đi bản chất của mình mà còn nhận được nhiều sự tôn trọng, kính phục và sự tha thứ của mọi người dân trong xã hội. Việc này càng chứng minh sức mạnh to lớn không gì sánh được của việc sám hối.

Đa số mọi người đều có chung một căn bệnh thường gặp là, bất kể làm việc gì, điều đầu tiên mọi người sẽ tìm cách bảo vệ chính mình, họ cho rằng chỉ có mình là đúng, người khác là sai, chỉ có mình mới là người tốt, người khác đều là người xấu. Giống như Tào Tháo trong thời đại Tam Quốc: “Ta thà phụ người, chứ không để người phụ ta”, bản thân không thể chịu thua kém, luôn cố chấp cho mình là đúng, lâu dân bạn bè dù tốt cách mấy cũng sẽ biến thành kẻ thù. Nhưng nếu như bản thân biết nhận sai lầm, nhượng bộ thì kẻ địch sẽ biến thành bạn bè.

Tôi cho rằng, mỗi người phải biết ứng xử hài hòa trong mối quan hệ giữa mình và người, phải khiêm nhường, nhẫn nhịn “Anh đúng tôi sai, anh lớn tôi bé, anh có tôi không, anh vui tôi khổ”. Nếu như, mỗi người đều có thể dũng cảm nhận sai và thường phản tỉnh thì vô minh phiền não sẽ không có cơ sở để sinh khởi, ứng xử với người tự nhiên sẽ hòa hợp, không cần tranh đấu, so sánh, không tính toán, cuộc sống sẽ được vui vẻ hạnh phúc. Trên đời này, nếu mỗi người đều có quan niệm như vậy, tôi tin chắc rằng cả thế giới sẽ hài hòa an lạc, giữa con người sẽ không còn tranh chấp hơn thua.

Biết sai nhận sai, sửa đổi sai lầm là việc rất đáng quý, việc sửa đổi sai lầm chẳng những không bị người khác xem thường, ngược lại còn được người khác tôn trọng. Giống như đại tướng Liêm Pha nước Triệu, từ bản tính cống cao ngã mạn chuyển đổi thành tính cách khiêm tốn, hạ mình, tự mình mang roi đến nhà tể tướng Lạn Tương Như để tạ tội, do vậy mà giải trừ được mối hiềm khích, hai người họ cùng nhau mưu bàn việc nước, nước Triệu nhờ thế mà trở nên giàu mạnh. Có thể thấy, chỉ trong một niệm phản tỉnh, nhận sai, có thể sửa đổi con người. Cho nên việc nhận sai không những có lợi cho người mà còn có lợi cho chính mình, thậm chí còn trở thành chìa khóa cho sự thành công trong cuộc đời.
—🍂🍂🍀—

ĐẠI SƯ TINH VÂN
Trích: Mười Đại Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền, NXB. Dân Trí
Chân Như Pháp dịch

Post: Thường An

SHARE: