THƯỢNG ĐẾ CHỈ CÓ CHÚNG TA MÀ THÔI

SHARE:

Hỡi những người con yêu dấu của Thượng đế, bạn có nhận thấy rằng Thượng đế cần bạn? Bạn có nhận ra rằng bạn là cộng sự viên của Người? Khi có một người nào đó đói, Thượng đế muốn làm phép lạ để nuôi người đó. Nhưng thời nay đâu còn manna từ trời rơi xuống nữa. Thông thường, Thượng đế không thể làm gì cho đến khi chúng ta cung cấp cho Ngài những phương tiện, bánh mì và cá, để nuôi người đói. Khi có một người trần truồng, Thượng đế muốn làm phép lạ cho người đó quần áo, nhưng sẽ không có áo hiệu Carducci hay Calvin Klein từ trời rơi xuống. Không có điều đó bởi lẽ bạn và tôi, tất cả chúng ta đã đồng ý làm người cộng sự của Thượng đế, cung cấp cho Thượng đế nguyên liệu để Người thực hiện phép lạ.

Ở Rome, có một nhà thờ nọ có tượng Đức Jesus không có cánh tay. Khi hỏi tại sao, bạn sẽ được cho biết rằng điều đó muốn nói lên Thượng đế cậy dựa vào chúng ta, những cộng sự viên, làm công việc của Người. Không có chúng ta, Thượng đế sẽ không có đôi mắt; không có chúng ta, Thượng đế sẽ không có cánh tay. Thượng đế chờ đợi chúng ta và cậy dựa vào chúng ta.
Sự cộng tác thần nhân của chúng ta được kể lại trong khắp quyển Kinh thánh, và cách riêng trong những sách tiên tri. Tiên tri Jeremiah là một người nhút nhát, nhạy cảm, ông đã chùn bước trước sứ mệnh đòi hỏi phải nói cho đám dân ngoan cố và bướng bỉnh về sự bất tuân liên tục của họ và cảnh báo họ về sự báo thù và sự trừng phạt sắp xảy ra. Thượng đế đã phải cam đoan với ông và vì thế chúng ta mới có câu chuyện hay về việc gọi Jeremiah, khi Thượng đế lên tiếng, “Trước khi ngươi được tạo thành trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi”. Ngày hôm nay chúng ta có thể nói rằng Thượng đế không biết nhiều về môn sinh học, nhưng điều mà Thượng đế muốn cho Jeremiah biết chẳng phải là điều Người đã nghĩ, “Chà, dân Israel quả là đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Ta sẽ phải làm gì đây? Ả, Ta biết sẽ phải làm gì rồi Ta sẽ cắt cử Jeremiah làm tiên tri”. Không, Thượng để bảo cho Jeremiah biết rằng trước khi ông là một ý tưởng trong đầu của cha và mẹ ông, Thượng đế đã biết ông. Ông ta không phải là ý nghĩ đến sau của Thượng đế. Ông đã là một phần trong kế hoạch của Người từ rất lâu rồi. Ông không phải là một sự tình cờ. Không một ai trong chúng ta là ý nghĩ đến sau của Thượng đế. Đôi khi tôi nói rằng một số người trong chúng ta được sinh ra một cách tình cờ, nhưng không ai là tình cờ cả.
Thượng đế đã chọn chúng ta từ rất lâu để chúng ta trở thành một thành phần không thể thiếu trong kế hoạch của Người.
Theo đức tin Kitô giáo, khi chúng ta ngã vào vòng kiểm soát của ma quỷ và làm nô lệ cho tội lỗi, Thượng đế đã chọn Mary, cô thiếu nữ sống trong một ngôi làng nhỏ bé để trở thành Mẹ của Con của Người. Người đã sai một Tổng lãnh Thiên thần đến với cô. Tôi mường tượng điều đó xảy ra như thế này:
Cốc, cốc.
“Xin mời vào”.
“Xin chào, cô là Mary?”
“Dạ, phải”.
“Này Mary, Thượng đế muốn cô trở thành Mẹ của Con của Người”.
“Sao hả? Tôi á!! Trong cái làng này, chuyện to chuyện nhỏ gì người ta cũng biết! Ông muốn tôi làm một người mẹ mà không có chồng ư? Tôi là một cô gái đoan trang, nết na, ông biết đấy. Xin lỗi ông nhé, ông hãy đi sang nhà bên cạnh xem sao?”
Nếu Mary nói như vậy, chúng ta đã gặp rắc rối to. May mắn và kỳ diệu làm sao, Mary đã nói: “Này, tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời sứ thần truyền”, và lúc ấy cả vũ trụ đã thở phào nhẹ nhõm, bởi Mary đã làm cho Đấng Cứu Thế được sinh ra.
Mary là một cô thôn nữ nghèo sống ở miền quê hẻo lánh Galilee, và điều này nhắc nhở chúng ta rằng, thế giới có thể được biến đổi ngay cả từ những nơi và những con người tầm thường nhất. Bạn là tác nhân góp phần làm thay đổi thế giới này. Bạn không nên để sự cao cả của công việc làm cho bạn khiếp đảm. Sự cống hiến của bạn có thể soi đường cho người khác, làm cho kẻ nhút nhát trở nên mạnh bạo, để bảo vệ chân lý giữa những hỗn độn của sự xuyên tạc, sự tuyên truyền và sự lừa dối; để bảo vệ quyền lợi của con người; để bảo vệ công lý, tự do và tình yêu nơi những con người bị chà đạp bởi những bất công, áp bức, hận thù và bạo hành; bảo vệ nhân phẩm, sự cao nhã của con người.
Thượng đế mời gọi chúng ta trở nên những cộng sự của Người để làm việc cho một xã hội mới, nơi con người được coi là có giá trị, nơi con người được coi trọng hơn các đồ vật, hơn của cải; nơi cuộc sống của con người không những được kính trọng mà còn được hết sức kính trọng; nơi con người được bảo đảm mà không sợ bị đói, bị ngu dốt, bị bệnh tật, nơi sẽ có nhiều sự tế nhị hơn, nhiều sự chăm sóc hơn, nhiều chia sẻ hơn, nhiều tình thương hơn, nhiều tiếng cười hơn; nơi chỉ có hòa bình không còn chiến tranh.
Sự hợp tác của chúng ta với Thượng đế đến từ việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Người. Mỗi người và tất cả mọi người được tạo dựng theo cùng một hình ảnh thiêng liêng như vậy. Điều này thật khó tin, một khẳng định gây sửng sốt cho loài người. Đây có vẻ như một chân lý vô hại của tôn giáo trừ khi bạn nói điều đó trong một hoàn cảnh bất công, áp bức và bóc lột. Khi tôi là cha xứ của một giáo xứ nhỏ ở Soweto, tôi thường nói với một bà cụ mà ông chủ da trắng của bà gọi bà là “Annie”, vì tên của bà rất khó đọc, tôi nói thế này, “Thưa cụ, khi cụ đi trên những con đường bụi bặm ở Soweto này và nếu có ai hỏi cụ là ai, cụ có thể trả lời họ là, “tôi là cộng sự của Thượng đế, là đại diện của Thượng đế, là phó vương của Thượng đế-tôi là như vậy đấy…vì tôi được tạo dựng theo hình ảnh của Người.
Đối xử với một người con của Thượng đế kém hơn thế thì đó không những chỉ là một sai lầm; không chỉ là một điều; không chỉ là một nỗi đau; mà đó thực sự là một điều bất kính đối với Thượng đế. Mỗi người chúng ta là “một người mang Thượng đế”, như thánh Phao-lô đã nói. Con người không chỉ có quyền được tôn trọng mà còn phải được kính trọng. Nếu chúng ta coi trọng điều này, chúng ta sẽ không chỉ chào hỏi nhau mà thôi. Thực sự chúng ta phải quỳ gối trước mặt nhau. Những tín đồ Phật giáo đã thi hành đúng điều này, vì họ cúi mình sâu khi chào hỏi nhau, như muốn nói Thượng đế trong tôi nhận chân Thượng đế nơi bạn.
Thượng đế của chúng ta đã nói: “Bởi các ngươi đã làm điều đó cho một trong những người bé mọn nhất trong những người này, thì đó là các ngươi đã làm cho chính Ta. Các ngươi không cần quanh quẩn tìm kiếm Thượng đế. Các ngươi không cần phải hỏi, “Thượng đế ở đâu?” Mọi người ở chung quanh bạn-đó là Thượng đế. Chính vì Thượng đế đã nói điều đó về mỗi người chúng ta, niềm tin của chúng ta vào Thượng đế đòi hỏi sự vâng phục của toàn thể con người trong việc chống lại sự bất công. Vì không chống lại bất công là bất tuân Thượng đế.
Chống lại bất công và áp bức không chỉ là một việc thuần chính trị. Không, nó có tính tôn giáo một cách sâu xa. Bạn có thể tưởng tượng ra điều mà Phúc âm muốn ám chỉ là những con người mà phẩm giá của họ bị chà đạp mỗi ngày, những con người mà mặt mũi của họ đầy bụi bặm như thể họ không đáng giá là gì cả. Bạn có thể nghĩ đến điều gì đó mang tính đánh đổ tình trạng bất công và áp bức không? Tại sao bạn lại cần đến một loại ý thức hệ nào đó trong khi Kinh thánh là thuốc nổ trong hoàn cảnh như thế. Ở Nam Phi khi họ cấm sách báo, chúng tôi đã nói với chính quyền rằng cuốn sách mà đáng lẽ họ phải cấm từ lâu là cuốn Kinh thánh, vì không có gì triệt để hơn, cách mạng hơn khi chúng ta đương đầu với sự ghê gớm của bất công, của áp bức và của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, tôi thường bị chỉ trích là con người “làm chính trị” và dân chúng trong và ngoài nhà thờ nói rằng nơi của chúng ta phải được dành riêng cho những vấn đề tôn giáo. Nhưng chúng tôi đã tham gia vào cuộc đấu tranh, vì chúng tôi là những con người có tôn giáo, không phải là những con người chính trị. Đó chính là vì chúng tôi đang vâng theo các lệnh truyền của niềm tin. Bạn bảo ông Mô-sê là nhà lãnh đạo tôn giáo hay nhà lãnh đạo chính trị? Thượng đế hành động theo tính cách tôn giáo hay tính cách chính trị khi Người giải thoát dân của Người khỏi ách nô lệ? Xuyên suốt Kinh thánh bạn sẽ thấy các tiên tri đã hoạt động thường xuyên, nhân danh Thượng đế và nói thay Thượng đế, và họ đã làm cái điều mà chúng ta gọi là lĩnh vực chính trị.
Điều thú vị là đã biết bao lần các tiên tri nói rằng, nếu tôn giáo không ảnh hưởng đến cách sống của bạn, thì đó là thứ tôn giáo mà Thượng đế loại ra. Tiên tri Isaiah nói việc ăn chay, mà qua đó bạn từ bỏ lương thực nuôi sống mình, nhưng lại không có liên quan đến việc bạn cư xử với láng giềng như thế nào, thì cũng bị Thượng đế loại trừ. Điều Thượng đế muốn là chúng ta phải kiềm chế mình khỏi cái ác và sự áp bức. Điều Người muốn là bạn nới lỏng gông cùm của bất công và giải phóng cho những ai bị chà đạp, là bạn chia sẻ lương thực với người đói, đưa người nghèo không nhà cửa vào trong nhà của bạn và cho người trần truồng có áo quần mặc. Vì thế khi dân chúng dâng lên Người lễ vật và một bản tạp âm ca nhạc và kinh nguyện, Người từ chối với những lời lẽ làm cho những người dâng lễ bị choáng: “Hỡi những người cai trị Sodom, hãy nghe lời của Thượng đế; hỡi người dân thành Gomorrah, hãy lắng nghe những lời phán dạy của Ta: những lễ vật không thể đếm được của các ngươi, chúng có nghĩa lý gì đối với Ta?… Dù các ngươi có dâng lên ta vô số lời kinh nguyện, Ta cũng chẳng nghe đâu. Vì tay các ngươi dính đầy máu”.(Isaiah 1: 10–15)
Tiên tri nói về việc Thánh Linh của Chúa xức dầu cho kẻ Chúa sai đi rao giảng Tin mừng, giải phóng cho tất cả những ai bị áp bức. Và Đức Kitô đã chấp nhận điều này như sự mô tả chương trình của Ngài. Tất nhiên giờ đây, giải phóng dân chúng không chỉ là giải phóng họ về mặt chính trị, mà là giải phóng họ thoát khỏi mọi thứ trói buộc lớn nhất. Vì thế, trong dụ ngôn của ngày phán xét chung, Đức Jesus nói rằng Thượng đế sẽ không xét xử chúng ta xem chúng ta có đi nhà thờ hoặc cầu nguyện không: không quan trọng; nhưng nếu chúng ta đi nhà thờ, nếu chúng ta cầu nguyện, thì nó phải được tỏ ra qua hành động của chúng ta. Khi bạn gặp một người đói, bạn phải cho họ ăn; nếu thấy ai khát, hãy cho họ uống; nếu thấy ai trần truồng, hãy cho họ quần áo; vì nếu bạn làm điều gì đó cho “người nhỏ bé nhất”, thì như chúng ta thấy, bạn thực sự đang làm cho chính Đức Kitô.
Không có thái độ trung lập trong hoàn cảnh bất công và áp bức. Nếu bạn nói mình đứng về phe trung lập thì bạn là kẻ nói dóc, vì bạn đã đứng về phía kẻ có quyền. Thượng đế của chúng ta không phải là một Thượng đế trung lập. Khi tôi còn trẻ, tôi nhận dạng theo trực giác của mẹ tôi về bất cứ ai đã để lại ấn tượng sâu xa nơi tôi. Tôi hy vọng mình sẽ bắt chước mẹ khi lên tiếng thay cho những con người bị coi thường, vì Thượng đế của chúng ta là Thượng đế của những con người bị thua thiệt, Người không cho phép chúng ta quên các quả phụ và trẻ mồ côi.
Thượng đế của chúng ta là một Thượng đế đứng về phía kẻ yếu, và chúng ta là những người tôn thờ vị Thượng đế này, chúng ta cũng phải phản ảnh đặc tính của Người, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc có cùng một sự quan tâm đối với những con người bị đẩy ra bên lề xã hội, và những con người thấp cổ bé họng. Chúng ta phải lên tiếng thay cho họ, những kẻ nghiện ngập và sa cơ lỡ vận, người nghèo, đói khát, bị coi thường.
Khi chúng ta nhìn ra chung quanh, chúng ta thấy con cái của Thượng đế đang chịu đau khổ ở khắp nơi. Người nghèo ngày càng nghèo hơn, kẻ đói ngày càng đói hơn, và khắp thế giới chúng ta thấy con cái của Thượng đế bị áp bức, chịu tù đầy, bị đối xử như con người vô giá trị. Bạn đừng lầm để gọi đó là tình cảnh giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa kẻ có quyền và người bất lực, một hình thức phân biệt chủng tộc toàn cầu.
Số liệu thống kê đang gây nản lòng nhưng chúng cũng có thể làm ta lặng người đi. Chỉ khi nào chúng ta coi những con người trong từng thông điệp ấy là thành viên của gia đình chúng ta, là thành viên của gia đình nhân loại, thì số liệu thống kê ấy mới thực sự có sức sống. Năm 1979 tôi gặp một cô bé đã giúp tôi mang số liệu thống kê về những con người bị tước quyền sống. Tôi thường nói tới câu chuyện của bé vì cuộc đời của bé là cuộc đời của nhiều trẻ trai và gái không chỉ ở Nam Phi mà ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
Tôi đã tới thăm Zweledinga, một trại tị nạn gần Queenstown. Một cô bé chui ra khỏi căn lều nơi bé đang sống với bà mẹ góa và cô chị.
“Con làm gì để kiếm sống?” Tôi hỏi bé trong khi nhìn quanh vào những túp lều của những con người nghèo khó bị dồn lại không có lấy bất kỳ phương tiện kiếm sống nào.
“Chúng con đi vay đồ ăn”, cô bé trả lời.
“Có bao giờ các con trả lại những thứ mà con đã mượn không?”
“Dạ, không”, bé trả lời.
“Con sẽ làm gì khi không thể vay được đồ ăn?” “Chúng con uống nước cho no”.
Những đứa trẻ đang chết-đang chết vì nghèo đói, đang chết vì bệnh đáng ra có thể tránh được. Hãy mường tượng đứa con rất thân yêu của bạn đang tắt thở dần trước mắt bạn vì thiếu đồ ăn hoặc thiếu những thuốc tiêm chủng khá rẻ tiền. Bị suy dinh dưỡng vì không có đủ cái để ăn. Bị dịch tả chỉ vì thiếu nước sạch.
Tôi biết có một điều gì đó được gọi là “sự mệt nhọc của người làm việc thiện”. Đó là khi những người có thể làm việc thiện cảm thấy mất hứng thú vì họ có quá nhiều lời mời gọi—chẳng hạn như tặng tiền-giúp làm giảm nhẹ một thiên tai khác, một thảm hoạ khác, tại cùng những nơi cũ mà họ mới giúp đỡ. Và thực sự họ đã bị kiệt sức. Họ đã làm quá nhiều, và để tiếp tục sống họ phải ngưng không làm nữa.
Có lẽ có một điều giống như thế, được gọi là “sự mệt mỏi của người cộng sự của Thượng đế”, khi chúng ta tìm cách lờ đi lời mời gọi của Thượng đế để giúp đỡ kẻ khác, vì nhìn là phải chứng kiến sự đau khổ của người khác và sẽ cảm thấy đau khổ. Nhưng cũng có một cảm nghiệm khác lớn lao hơn về đau khổ xảy đến khi chúng ta tự khép kín mình trước những thực tại chung quanh. Nó giống như việc lờ vết thương và để nó mưng mủ. Khi chúng ta nhìn thẳng vào sự bất công và tìm cách giải quyết, chúng ta thực sự sẽ cảm thấy ít đau đớn hơn. Vì chúng ta đã vượt thắng được cái tôi và sự thất vọng đang mưng mủ do chúng ta tê liệt (vô cảm). Khi chúng ta rửa vết thương của chúng ta và của người khác…thì cuối cùng nó cũng phải lành.
Một nữ tu thuộc giáo hội Anh giáo tên là Margaret Magdalen thường dùng những ẩn dụ hữu ích để mô tả cách làm mà Đức Jesus có thể đương đầu với mọi nỗi đau và khổ não mà Ngài gặp trong lúc thi hành sứ vụ. Chị nói, Đức Jesus chấp nhận sự đau khổ như là một cái máy rửa chén bát chứ không phải là một cái máy hút bụi. Máy hút bụi hút tất cả bụi bặm và đưa bụi bặm vào trong một cái bao, trong khi máy rửa chén bát làm sạch chỗ bẩn và tống nó ra khỏi ống nước. Giống như một cái máy rửa chén bát, Đức Jesus nhận tất cả những gì đến với Ngài và sau đó chuyển cho Chúa Cha. Chúng ta cũng có thể dâng những đau khổ của chúng ta lên Thượng đế khi chúng ta cố gắng “rửa” nó thay vì “hút” nó như cái máy hút bụi, ém nó lại cho tới khi lòng chúng ta đầy ứ và bị thải hồi.
Vẫn còn nhiều việc cần phải làm để hoàn thành giấc mơ của Thượng đế và hóa giải sự đau khổ tồn tại trong trần gian này. Nhưng trước khi chúng ta có thể nói về sự đau khổ này từ chốn của tình yêu chứ không phải của lòng ghen ghét, của tha thứ chứ không phải của sự báo thù, của lòng khiêm nhu chứ không phải của sự kiêu căng, của lòng quảng đại chứ không phải của tội lỗi, của lòng can đảm chứ không phải của sợ hãi, chúng ta phải học nhìn bằng con mắt của tình yêu.

—🌾🌾🌾—

GIẤC MƠ CỦA THƯỢNG ĐẾ
Biên Dịch: Lưu Văn Hy
Nhà Xuất Bản Thời Đại – 2011

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: