HAKUIN EKAKU – THIỀN SƯ BẠCH ẨN HUỆ HẠC (1686 – 1769)

SHARE:

Khi sống trong một ngôi chùa nhỏ ở nông thôn, Hakuin tránh được những nghĩa vụ của người tu sĩ đối với những người bảo trợ có thế lực trong các tu viện lớn. Ông cũng tránh được những can dự của chính quyền vào công việc của tu viện, chẳng hạn như việc kế tục của các trụ trì. Ông có thể hoàn toàn chuyên tâm làm những điều tốt đẹp cho dân làng nơi quê hương ông, con số những tu sĩ tìm tới học ông ngày một gia tăng. Ông tổ chức cuộc sống tu hành theo cách không nhận những đóng góp đều đặn của các mạnh thường quân giàu có. Kết quả là chùa của ông tuy nghèo, nhưng không bị áp đặt bởi bất kỳ một ảnh hưởng xã hội và chính trị nào.
Mặc dù vẫn thường ở tại Shôin-ji nhưng ông không hề từ chối những lời mời đến thuyết giảng trước những cử tọa Zen; hết năm này qua năm khác, ông có những chuyến đi tới những vùng khác nhau của nước Nhật. Những tác phẩm đầu tiên của ông được soạn thảo vài năm trước lễ thụ chức của ông, gồm một tập những câu chuyện cảm hóa dành cho một người bạn bê tha, và một sưu tập các bài thơ và những châm ngôn Zen.
Khi ông ở giữa tuổi ba mươi, những bài viết và thuyết giảng của ông về các bản văn tôn giáo truyền thống, chẳng hạn như tập Heki-gan-roku đã làm ông khá nổi tiếng.
Năm 1737, ông được mời đến thuyết giảng trước một cử tọa tại Rinzai-ji ở Izu, và nhân dịp này, người ta cho công bố một tuyển tập kỷ niệm gồm một trăm bài thơ của các tu sĩ hiện diện khi ông tới thăm, có nhan đề là Jôzan hyakuin. Sau khi ông ra về, các tu sĩ, thầy thuốc, các học giả và ngay cả mật vụ của chính quyền đã đến thăm ông, mặc dù chùa của ông ở nơi hiu quạnh. Loạt bài thuyết giảng quan trọng nhất của ông có lẽ là loạt bài thực hiện năm 1740 tại Shôin-ji. Sau khi các môn đồ của ông nỗ lực sửa sang lại chùa và chuẩn bị đủ lương thực, ông đã dành nhiều dịp chuyện trò về Ki-dô-roku (Những bút lục của Xu-tang) cho trên bốn trăm tu sĩ và người thường. Nhưng khi những câu chuyện này được công bố ba năm sau thì Hakuin đã viết về mình với những lời lẽ miệt thị:
Nếu xem xét thật kỹ đời mình, tôi không thể phát hiện được gì xứng đáng với sự tôn trọng của người khác. Tôi không thể tỏ ra có một phẩm chất gì về đạo đức xứng với đánh giá của họ. Tôi đốt đặc về thơ ca. Tôi chẳng hiểu gì về Zen cả. Tôi là người nhu nhược và lười biếng nhất trên đời. Tôi sống buông thả bất cần đời (…). Người ta ít thấy có sự giống nhau giữa tôi và một thiền sư đích thực (…). Tôi thuộc một trường hợp tuyệt vọng.
Tại sao phải có những lời lẽ tự xóa bỏ mình như vậy? Có thể là Hakuin vẫn duy trì một tính cách tự hạ mình thực sự mà người ta không dễ thấy ở các tu sĩ Rinzai (Lâm Tế), nhưng cũng có thể ông muốn giỡn chơi một kiểu đùa Zen trong đó mọi thứ đều có nghĩa lộn ngược: tu sĩ nào tuyên bố là hiểu Zen thì cần phải tránh xa họ. Ông cũng dành cho các môn đồ của mình một lời cảnh báo chính xác: chớ có trông chờ một sư phụ nào dẫn họ tới đốn ngộ; điều này chính họ phải tự thực hiện, nếu không thì sẽ không có đốn ngộ.
Không biết là bất chấp thái độ này hay do chính thái độ này của ông mà các tu sĩ đến Shôin-ji xin thọ giáo Hakuin nhiều tới mức ngôi chùa này không thể đảm bảo được việc đón nhận họ nữa; cả vùng, trên năm kilômét, trở thành nơi dẫn dắt các môn đồ mới. Nhiều học sinh chủ chốt của ông như Reigen và Tôtei (xem Chương 5) bắt đầu việc tu luyện với Hakuin vào giai đoạn này.
Năm 1741, ông viết lời bình về những bài thơ của vị tu sĩ ở ẩn Trung Hoa Hàn Sơn (tiếng Nhật: Kanzan) cũng như về Tâm kinh, một bản văn Phật giáo phổ cập nhất ở Nhật. Trong khi cuốn kinh này được coi là ý của Bồ tát Kan-non thì Hakuin thử tìm cách khích dậy sự thức tỉnh nơi môn sinh của ông bằng việc giả bộ phê phán bản văn của kinh này: “Kinh ấy nói gì thế nhỉ? Chỉ toàn những thứ mơ hồ, mập mờ… Cái quái gì thế? Một mớ tạp nham rác rưởi vô tích sự!” Sau một trong các đoạn quan trọng nhất của kinh này: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, Hakuin vặn lại: “Một nồi ra-gu ngon lành, tự nhiên lại bỏ vào mấy viên phân chuột làm hỏng bét cả!”
Những lời lẽ thật chướng tai dành cho một bộ kinh được đánh giá cao. Ông giải thích trong những ghi chú của mình : “Tôi chỉ viết để giúp các huynh đệ thôi, những người anh em đang đói và rét trong các túp lều; bởi nếu các huynh không tìm ra được Con Đường không tự biến đổi mình thì cử mãi trong bẫy thôi… Vấn đề là ở chính trạng thái tối tăm nơi các vị. Tôi chỉ có một mục đích duy nhất: làm xuất hiện những con người tài năng tại nơi họ đang ở”. Trong lời bình của ông còn có nhiều phát biểu để người đọc hiểu rằng những cảm nhận và tư tưởng phân biệt của họ đã làm cho họ bị lạc xa những chân lý mà họ đang mang trong chính con người họ. Thế cho nên ông khuyến khích, động viên, và cả chọc tức họ, để giúp họ thức tỉnh. Ông bảo họ phải làm gì mỗi khi gặp phải một đoạn mà họ không hiểu gì cả:
Hãy ngoạm lấy đi! Nhai kỳ tới phần lõi! (…) Nếu những ai đang đi tìm Con Đường mà không thấy được thực tại của con đường đó thì đó là vì từ đầu họ đã cho rằng những sự phân biệt của họ là đúng. Mà chính từ những sự phân biệt ấy mà có vấn đề sinh tử (…) Cứ như là trong giấc mơ thấy rõ có ba cuộc đời, ba thế giới vậy! Khi thức tỉnh, tất cả đều trống rỗng, hằng hà sa số các thế giới chỉ là cái không (vô) (…). Cả trái đất này là nhãn cầu của tu sĩ Phật giáo (…) Hãy dấn thêm một bước nữa!
Không những Hakuin chỉ viết cho các tăng sinh và môn đồ của Zen, mà ông còn gửi thư cho nhiều người ở mọi phương trời, những người đang chăm sóc người bệnh, những phụ nữ cắt tóc đi tu, các học giả, những người quyền quý trong triều, ông soạn các bài ca Zen cho nông dân và dân làng, dùng tiếng lóng dân gian thời đó; ông cải biên một lời rao có âm vận của người bán hàng rong như sau:
Ai ơi một chút lắng nghe
Công hiệu của thuốc chẳng khoe làm gì.
Viên thuốc tròn đích thị danh
Thể nhập thực tính mới nên Phật Đà. (…)
Nhai nó đi, nhai cho thật kỹ
Mua thuốc nào, sao lại không mua?
Vì cho rằng ngôn từ không phải là phương tiện duy nhất để truyền thụ Zen, Hakuin tìm đến hội họa và thư pháp một cách nghiêm túc hơn khi ông đã ở tuổi sáu mươi. Đã khá lâu không sử dụng bút lông để vẽ và viết thư pháp, nhưng sau một thời gian tập lại và sao các bản mẫu, ông thấy có sự bùng nổ đích thực mang tính sáng tạo giúp ông có thể đưa ra được một ngôn ngữ mới thuộc về thị giác cho Zen. Ông không những chỉ vẽ những chủ đề truyền thống theo một phong cách hết sức mới mẻ, mà còn cho ra đời một loạt chủ đề mới. Tác phẩm Khỉ và Rùa của ông chẳng hạn (hình 51) được xây dựng trên cơ sở một niềm tin cổ xưa, cho rằng người ta có thể có được một cuộc đời trường thọ khi được ăn một lá gan khỉ; chuyện này được nói tới một một truyền thuyết kể về một công chúa sống trong một cung điện của Long vương, bị ốm muốn được chữa bệnh theo phương thuốc này. Một con rùa được phái đi vượt qua biển cả tìm một con khỉ và thuyết phục nó ngồi lên mai rùa để đưa khỉ đến xem cung điện của thần biển. Trên đường đi, chúng thấy một con sứa đang khóc. Khỉ ta bèn hỏi sứa tại sao lại khóc thì sứa cho khỉ biết có âm mưu như vậy đang đợi nó. Khỉ giả bộ làm nét mặt buồn rầu và nói với rùa rằng khốn khổ của nó lại để quên lá gan treo trên một cành cây ở nhà. Rùa đồng ý quay trở lại, nhưng khỉ nhảy tót lên, cười khẹc khẹc rồi đi biến.
Trong bức họa của Hakuin, khỉ đang chỉ ngón tay về một cây thông ở xa. Bố cục bức tranh hướng người xem chú ý trực tiếp vào những con vật, cái nhìn mạnh mẽ của con khỉ ứng với vẻ mặt hau háu của con rùa.
[Hình 51. Hakuin (1685-1769) – KHỈ VÀ RÙA – Mực và màu trên giấy. 43,1 x 54,6 – Sưu tập Shinwa-an] Bài thơ Hakuin viết kèm theo góp thêm một nét hài hước cho truyền thuyết thú vị này:
Cây thông kia mọc xa xa,
Quạ ơi, ta sợ gan ta về mày!
Cuộn tranh này ám chỉ những người đi tìm Phật tính ở bên ngoài khi mà trong chính họ đã có, giống như lá gan con khỉ vậy. Hakuin đã tìm cách truyền bá thông điệp này bằng cách dùng tính hài hước của truyền thuyết trên. Bức tranh được vẽ rất đơn giản bằng mực và màu sáng, không đòi hỏi nhiều chăm chút và khéo tay mới thực hiện được. Sự chú trọng đặt vào những yếu tố tường thuật, còn những chi tiết thừa, chẳng hạn như phần phong cảnh thì giảm tới mức tối thiểu. Nếu Hakuin lại xử lý chi tiết hơn trong tranh thì chủ đề muốn truyền tải lại bị các nét tô điểm thêm thắt làm lu mờ đi. Ông muốn đưa ra một cách thể hiện mới và trực tiếp cho câu chuyện đùa nhả này để ngay những người ít có kinh nghiệm Zen cũng thấy được giá trị và thích nó.
Người ta còn thấy một kiểu vận dụng phức tạp hơn về tranh dân gian trong tác phẩm Con cáo đang chạy của ông (hình 53).
[Hình 53. Hakuin (1685-1769) – CON CÁO ĐANG CHẠY – Mực trên giấy, 125 x 44,6 – Sưu tập Shinwa-an] Trong cuộn tranh khổ lớn này, cũng thuộc “thời kỳ đầu” của ông, chủ đề là một con vật gian xảo có thể biến hóa đủ hình dạng, vừa là sứ giả nhân từ của Inari, vị thần trong Shintô (Thần đạo của Nhật) của nghề cá và trồng lúa. Người ta hạt nói rằng bản thân Inari thường đội lốt một con cáo, điều này giải thích tại sao ngư dân lắng nghe tiếng hú của cáo để xem thần báo cho họ biết được mùa hay mất mùa.
Hakuin rất nhạy cảm với những tín ngưỡng của Thần đạo, một tôn giáo bản địa của Nhật, đặc biệt quan tâm tới sự thuần khiết của tâm hồn và tin rằng có các vị thần trên các ngọn núi, trong cây cối, nơi thác nước và ở các con vật (người ta thường thấy có hình các con cáo bằng đá trong các đền thờ Thần đạo). Dù trong Zen, con cáo là một biểu tượng về các tu sĩ giả bộ là đã được đốn ngộ, song ở tranh của Hakuin thì con vật này vừa là hình ảnh tinh nghịch trong văn hóa dân gian, vừa là vị thần tử tế trong Thần đạo.
Trong bức tranh này, nó khoác bên ngoài một cái áo có ghi chữ “gạo đỏ” (dấu hiệu của điềm lành). Trên vai vác một cây sào tre có buộc một bầu rượu gạo, một cái cốc để uống và cánh tay một con quỷ trên đó treo một tanzaku (tấm biển ghi một bài thơ), trên đó có ghi câu: “Miễn phí! Thịt quỷ muối! Con vật buộc quanh thắt lưng một sợi dây, đeo một cây kiếm làm bằng hạt đậu và đốc đếm là một cái lá.
Con cáo biểu hiện ở đây hai vai trò, là sứ giả của các vị thần và là một kẻ lừa gạt. Lời ghi trên tranh gồm nhiều kiểu chơi chữ trong tiếng Nhật nói của thế kỷ XVIII, do đó vừa khó hiểu vừa khó dịch. Chẳng hạn như chữ “hokora” vừa có nghĩa “tự hào” vừa có nghĩa là “nơi thờ cúng nhỏ”:
Byakkora
bakashite okero no
hokora de se

Những con cáo trắng!
Làm ta mê hoặc
Vẫn thấy tự hào?
Nếu nét phức tạp và hài hước đúng là của Hakuin thì phong cách vẽ cho thấy có nét ảnh hưởng của một thể loại biếm họa gọi là toba-e, theo Toba-sôjô (1053-1140), họa sĩ được cho là vẽ cuộn tranh các con vật đang đùa chơi, thuộc thời đại Heian (xem hình 101). Những toba-e, thường thấy trong các sách có tranh minh họa, hay vẽ những nhân vật có những tư thế, điệu bộ phóng đại quá mức, và những cử động bắt chước như thật. Trong một hình rút từ cuốn Toba-e fude-byôchi (Những hình ảnh khôi hài qua các nét vẽ nhịp nhàng, 1772, hình 52) được cho là của nghệ nhân khắc tranh in Ôsaka Hasegawa Mitsunobu, ta thấy bộ đùi như hai cái dùi trống, đầu gối thì u lên, và các ngón chân thì co quắp lại, như thấy ở con cáo của Hakuin.
Vị tu sĩ này có được nguồn cảm hứng từ các nguồn văn hóa dân gian cũng như từ những truyền thống Zen xa xưa. Chính nhờ những hình ảnh này mà ông có thể truyền tải được nhanh chóng và có hiệu quả những gì ông muốn nói với quảng đại quần chúng cũng như với môn đồ của mình.
Trong bức Con cáo đang chạy này, Hakuin đã kết hợp những tín ngưỡng dân gian và Thần đạo để làm nổi bật lên những điểm yếu của con người; suy cho cùng thì con cáo có thể là mỗi chúng ta, khoác lên người những đồ diêm dúa nực cười vô nghĩa lý, suốt đời chạy trốn yêu quỷ và theo đuổi thú vui. Nét hài hước tuyệt vời của hình ảnh này cộng với vẻ dịu dàng thân tình nơi bộ mặt của con cáo đã thu hút chúng ta ngắm nghía bức tranh, và gợi ý để ta tìm ra một kiểu giải đoán của riêng mình cho sự pha trộn giữa giả nhại và đồng tình này.
[Hình 52. Được cho là của Hasegawa Mitsunobu (1730-1760) – MINH HỌA KIỂU TOBA-E, 1772 – Bản in khắc gỗ, 18,1 x 13,1 (cỡ của hình) – Sưu tập tư nhân] Hakuin thường dùng những chủ đề Thần đạo này trong nghệ thuật của ông, và thái độ của ông được thể hiện rất đặc trưng trong lời nói sau: “Giữa các vị thần trong Thần đạo Shintô và những gì chúng ta gọi là Phật chỉ có sự khác biệt giữa phần lõm xuống và phần nhô lên của các ngọn sóng”.
Một ví dụ khác cho thấy Hakuin sử dụng những chủ đề về con vật là bức tranh vẽ hình con chồn (hình 54). Con vật này nổi tiếng là lắm mưu mẹo, dối trá, quỷ quyệt, giống như con cáo vậy; nó có thể chơi các cú nguy hiểm và thường có bề ngoài của một tu sĩ. Trong bức tranh này nó mặc một cái áo thầy tu, đầu đội mũ đỏ của thầy tu; lời ghi trên bức tranh khẳng định việc Hakuin chế diễu những nhà lãnh đạo tôn giáo giả mạo:
Daruma ja to
iute kurashitaga
mitekuryare
mujina na kao shite
yakan dôshin.
Hắn mơ thành Đạt-ma
Sống cuộc đời Thượng tọa
Hãy nhìn cho thật kỹ
Tên tu sĩ mạo danh
Bộ mặt một con chồn!
Dù có thói quen khoan dung đối với những tín ngưỡng của người khác, song Hakuin lại nhiều lần tỏ ra khinh miệt đối với những kẻ tự xưng là đã đạt được satori mà thực ra thì không phải, và những kẻ giảng giải về Zen lại không hiểu đầy đủ về Zen:
[Hình 54. Hakuin (1685-1769) CON CHỒN – Mực và màu trên giấy, 86,8 x 18,4 – Sưu tập Shinwa-an] [Hình 55. Hakuin (1685-1769) NGƯỜI MÙ QUA CẦU – Mục trên giấy, 19 x 66,3 – Sưu tập tư nhân] Trong số những thầy tu dịch chuyển hoài như nước chảy mây trôi này thì tám hoặc chín phần mười đều lên mặt huênh hoang rằng không còn một điều gì phải ngờ ngợ dù nhỏ nhất về ý nghĩa sâu xa của bất kỳ kôan nào trong số một ngàn bảy trăm kôan đã được truyền lại… Nếu hỏi dồn họ chỉ một chút thôi thì thấy ngay họ chẳng thấy gì về chính bản chất của họ, không có lấy một chút giáo dưỡng nào, và họ chỉ là những kẻ vô học lỗ mãng không có khả năng nhìn thấy được gì.
Khái niệm về những người không được ngộ đạt này như là những người không thể trông thấy, đã dẫn Hakuin tới việc sáng tác một trong những bức tranh độc đáo nhất là bức Người mù qua cầu (hình 55).
Gần chùa Shôin-ji có một vực sâu phía trên một con sông, chỉ có thể qua được bằng một cây cầu bằng những khúc gỗ tròn, vừa hẹp vừa nguy hiểm. Hakuin đã thấy đó là một khung cảnh có thể đổi chiếu được với cuộc sống thường nhật chưa được ngộ đạt, và đã nhiều lần vẽ chủ đề này với cùng một bài thơ:
Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh,
Đều như chiếc cầu cheo leo cho những người mù
Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt.
“Tinh thần quyết vượt” là tinh thần được đốn ngộ, không biết sợ trước những nguy hiểm trong đời, bởi người đó thấy và chấp nhận với một tinh thần như nhau đối với tất cả những gì xảy đến. Ngược lại, những người chưa được ngộ đạt tìm mọi cách loay hoay để qua được cầu, tạo ra một phúng dụ tuyệt vời. Một trong số những người mù này đang quơ một cái gậy, tay cầm đôi dép, đi chân không, để bám được chặt vào khúc gỗ. Trước mặt người này là một người mù khác, đang khom mình xuống, lấy đầu ngón tay rờ ràm cây cầu, trong khi người mù thứ ba thì đang lồm ngồm bò bằng cả hai tay lần hai chân, đôi dép treo toòng teng ở đầu gậy để lấy thăng bằng. Những nét nhỏ và những nét có gam mềm mại đủ để Hakuin tạo ra những hình người nổi lên trên một khung cảnh có cấu trúc đơn giản và nổi bật nhất là nét ngang dài vẽ cây cầu. Trong hình vẽ, phía cuối đầu cầu không tới được bờ bên kia của thung lũng góp một nét hài hước mỉa mai của mấy câu thơ mang tính ngụ ngôn ở trên. Thư pháp thanh tao, có phần hơi giống những cái chân con nhện, nét mới lạ và hài hước của chủ đề cũng như sự lấn át của gam màu sẫm là những đặc trưng trong các tác phẩm của ông thuộc “thời kỳ đầu”. Đó là những điều chưa thấy trước đó, và ảnh hưởng của chúng trên nghệ thuật Zen về sau này thật là to lớn.
Một trong những chủ đề ưa thích của Hakuin lúc ông ở tuổi sáu mươi là Otafuku, một ả giang hồ hạng thấp trong văn học dân gian vốn là biểu trưng cho phẩm hạnh của những người phụ nữ lao động, với trái tim nhân ái và một nụ cười lạc quan. Đứng về phía những người thường phải bán thân để nuôi sống gia đình, vị tu sĩ của chúng ta đã vì họ như những vị bồ tát từ chối cõi Niết bàn để cứu nhân độ thế. Ông vẽ Otafuku đang làm những việc khác nhau, chẳng hạn như trong bức tranh “Chăm sóc bệnh nhân trĩ” (hình 56), bà ta đang thực hiện moxa (phép cứu trong đông y) ở vùng mông đít của một khách hàng, quần áo người này mặc được dập chữ “tiền” trong khi trên áo kimono của Otakufu có chữ “thọ”. Câu thơ ghi trên tranh có nghĩa:
Ai cũng biết ông ta bị trĩ
Tôi cứu cho bằng tí lửa hồng.
[Hình 56. Hakuin (1685-1769) CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TRĨ – Mục và màu trên giấy, 35 x 63,1 – Bảo tàng Eisei Bunko, Tôkyô] Otakufu được vẽ ở đây là một người đàn bà bề ngoài không đẹp nhưng thân tình; bà đang làm một công việc chẳng ngon lành gì, mà không một lời ta thán. Còn lão già, do giàu có mà có lẽ ăn lắm, uống nhiều thì đang được “hơ chút lửa” để chữa bệnh. Theo quan niệm dân dã về đạo Phật thì người ta phải sẵn sàng chấp nhận những đau khổ, tật nguyền ở trần gian để tránh khỏi bị những lò lửa khủng khiếp hơn dưới địa ngục. Theo quan điểm của Zen thì sức nóng xua tan đau đớn, có thể sánh ngang với tiếng thét, hoặc việc ban cho một đòn đánh đột ngột, mà thiền sư thường dùng để kích thích sự đốn ngộ nơi môn sinh.
Bức tranh này, thoạt nhìn như được vẽ không mấy chăm chút, song lúc đầu đã được phác họa trước rồi mới dùng bút vẽ đậm lại; người ta có thể còn nhận ra một vài nét sửa lại. Màu được thêm vào sau, với những nét nhẹ nhưng có hiệu quả. Bản thư pháp phía trên bên trái có cùng cấu trúc tam giác cơ bản như tranh vẽ. Lão già thì mặt ngẩng lên nhìn những chữ cuối cùng (nghĩa từng chữ một là “một tí lửa”); nét cuối cùng của chữ viết nhằm thẳng về hướng đôi mắt lé (lác) của lão này, tạm thời như bị lóe không trông thấy gì cho tới khi việc cứu (moxa) có tác dụng.
Có vẻ như kỳ cục khi Hakuin chọn một kỹ nữ đã về già để nhân cách hóa những đức độ của bồ tát, nhưng không một nhân vật nào khác trong văn học dân gian có thể truyền tải được những phẩm chất thương người và lòng trắc ẩn giữa đời thường hoàn hảo như thế. Trên một bức tranh khác, vị tu sĩ này đã thêm vào bài thơ sau:
Otakufu tuy mũi tẹt mí phồng
Mà vẫn có một trái tim nhân hậu.
Gọi bà đến mỗi khi ngài cần tới
Bà sẵn sàng chăm sóc đấng mày râu.
Để giúp đời bỗng nhiên xuất hiện
Bà giảng truyền chân lý Phật đà.
Nếu Hakuin có làm cho chúng ta phải cười thì đó không phải cái cười nhạo, mà là do nhận ra được những điểm yếu trong bản chất người của chúng ta, được như thế đã là một phần của sự hiểu biết về cái ta, vốn là cần thiết cho sự ngộ đạt. Hài hước còn có thêm tác dụng gây ngạc nhiên, thường thúc đẩy một tiếp xúc đột ngột, bất ngờ nhưng được soi sáng, và về mặt này thì nó tương tự như satori. Theo Hakuin thì:
Ngồi (thiền), đó là một hoạt động bao gồm những tiếng cười khoái trá và xuất thần – ôm lấy bụng, bò lăn ra đất, mà cười dài – và khi qua cơn mệt bã người đứng dậy, thì lại nhăn nhở té xuống mà cười sặc sụa.
Hài hước là nét chủ cuối cùng, nó làm cho hình ảnh đáng được ghi nhớ hơn so với những lời thuyết giáo chán ngắt. Một tác phẩm khác cũng thuộc giai đoạn này cũng vẽ một nhân vật gần như lão già trong bức tranh trên. Lần này là Lão ăn mày cụt tay trên chiếc xe lăn (hình 57). Ở đây, sự tàn tật là một trừng phạt dành cho kẻ lơ là với lòng hiếu thảo. Hakuin viết một bài luân lý Khổng giáo làm lời ghi trên tranh:
Xin các ngài phú quý mọi nơi,
Cho kẻ què này một xu rơi!
Lúc còn trẻ đá cha, đạp mẹ,
Trời kia phạt quả báo phải què
Một xu, xin cho con một xu
Để con đi uống nước thần Kôbô.
[Hình 57. Hakuin (1685-1769) LÃO ĂN MÀY CỤT TAY TRÊN CHIẾC XE LĂN – Mực và màu trên giấy – Sưu tập tư nhân] Những lời răn dạy Zen thật nhẹ nhàng của Hakuin không phải không thấm sâu những bài học luân lý nơi những tín đồ của ông, những người rất trọng tôn ti gia đình. Những Phật tử từ lâu đã nói tới luật nhân quả; ở đây, một hành động bất kính gắn liền với một hậu quả bất hạnh. Cũng giống như ở tác phẩm trước, trong bức tranh này cũng thấy những nét phác thảo ban đầu, lại còn có những nét màu cơ bản nhẹ nhàng làm cho bức tranh thêm phần duyên dáng. Một nét rõ hơn cho người xem thấy ngay cái chân liệt của lão ăn mày; và những nét vẽ vòng ngoài của cái ghế lăn cũng được làm cho nổi bật lên. Người lão già quắt lại, cái miệng móm mém răng rụng hết cả, cái bụng thì phình ra, là những biểu hiện bị trừng phạt do tội lỗi của lão gây ra, nhưng vẫn còn được một thị lực chưa tàn tạ. Qua cái nhìn chăm chăm của lão, ta đoán được là lão đã hiểu phần nào về cái ta của lão, mà thường không thấy có ở những người thoạt nhìn thấy có nhiều may mắn hơn, và lão sẵn sàng đi tìm “phương thuốc” của một cao tăng Phật giáo thời xưa là Kôbô-daishi. Như vậy, bức tranh này đã kết hợp đạo đức Khổng giáo với một nét đạo lý Zen, nên dễ đến được với quảng đại quần chúng.
Một trong những bức tranh dị thường nhất của Hakuin là bức vẽ về một chủ đề rất xưa là Trăm con quỷ (hình 58). Một trong những tín ngưỡng cổ xưa nhất của Nhật cho rằng khi đêm xuống thì yêu tinh, quỷ dữ nối đuôi nhau đi trong các phố xá, cho mãi tới khi ánh bình minh đuổi chúng trở về địa ngục. Có rất nhiều cuộn tranh vẽ về đề tài này, ít ra là kể từ thời Muromachi. Nhưng thật cũng lạ khi một tu sĩ Zen lại quan tâm tới chủ đề này. Những hình ảnh các con quỷ đã được những hình thái Phật giáo khác sử dụng để dọa cho những người cả tin sợ (như Hakuin đã nghiệm thấy ở trẻ con) mà ăn ở cho ngay thẳng để tránh khỏi bị những cực hình dưới địa ngục, nhưng vị sư phụ Zen này lại tin là “Tự chúng ta tạo ra địa ngục cho chính mình”. Thiên đàng và Địa ngục chỉ là những ảo ảnh của cái tôi: “Con người say sưa bám lấy miền đất an bình vĩnh cửu thật sự của đức Phật Birushana, rồi trong những cơn hoảng sợ nhất thời, họ kêu khổ, cho rằng đây là địa ngục triền miên”. Ngược lại, người được ngộ đạt “nhìn thấu thiên đàng và địa ngục; thế giới của Phật và cung đình của quỷ dữ cùng tiêu tan ra và biến mất”. Nếu tin như vậy thì tại sao Hakuin lại vẽ chủ đề này?
Câu trả lời có lẽ nằm trong bài thơ dưới đây khi ông luận về Tâm kinh, tại đó người ta nhìn thấy ánh sáng của sớm mai chợt đến như satori, sau một đêm dài chìm trong bóng tối:
Quỷ dữ bên ngoài nhằm cửa phá
Quỷ ở bên trong quyết chẳng lay.
Mồ hôi ướt đẫm hai thân quỷ
[Hình 58. Hakuin (1685-1769) TRĂM CON QUỶ – Mực và màu trên giấy, 34,6 x 365 -Kondai-ji, Kyôto] Chúng đánh nhau giành lấy cuộc đời.
Suốt cả đêm thâu, đến khi trời sáng,
Vang tiếng cười, trong ánh bình minh
Từ thuở đầu chúng vốn thân nhau.
Những con quỷ một mắt, quỷ đánh đàn, quỷ bò sát, và quỷ mỏ chim, tất cả các sinh vật gớm ghiếc đủ loại khác nhau này há chẳng phải chính chúng ta? Việc chúng đánh nhau, gieo cho nhau những khiếp sợ chính cũng là những việc thấy ở chúng ta, ánh bình minh mà chúng phải trốn chạy chính là ánh khai minh, là sự soi sáng. Khi điều này chợt đến, thì chỉ còn có tiếng cười.

—o0o—
Trích: Nghệ Thuật Zen
Tác giả: Stephen Addiss
Người dịch: Tư Tam Định
NXB Văn Hóa Thông Tin 2001

Post: Thường An

SHARE: