NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP VÀ GIẤC MỘNG

SHARE:

Tất cả kinh nghiệm sanh tử được tạo thành bởi những dấu vết nghiệp. Tính khí, tư tưởng, xúc tình, hình ảnh tâm thức, tri giác, phản ứng bản năng, “lương tri”, và ngay cả cảm thức về bản thân chúng ta đều bị những công việc của nghiệp cai trị, điều khiển.
Thí dụ, bạn có thể thức dậy với một cảm giác buồn chán. Bạn có bữa ăn sáng, mọi sự có vẻ tốt cả, nhưng có một cảm thức buồn chán không biết từ đâu. Trong trường hợp này chúng ta nói nghiệp gì đó đã chín. Những nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên) đã cùng chung nhau theo một cách để buồn chán biểu lộ.
Có hàng trăm lý do để cơn buồn chán này xảy ra trong buổi sáng đặc biệt này, và nó có thể biểu lộ trong muôn ngàn cách. Nó cũng có thể biểu lộ trong đêm như một giấc mộng.
Trong giấc mộng, những dấu vết nghiệp biểu lộ trong thức không bị ràng buộc bởi tâm thức lý tính. Chúng ta có thể nghĩ về tiến trình như vầy: suốt ngày thức soi sáng các giác quan và chúng ta kinh nghiệm thế giới, đan dệt những kinh nghiệm tâm thức và giác quan thành một toàn thể có ý nghĩa của đời sống chúng ta. Vào ban đêm thức rút khỏi những giác quan và ở trong cái nền tảng.
Nếu chúng ta đã phát triển một thực hành mạnh mẽ về sự hiện diện với nhiều kinh nghiệm về bản tánh trống không sáng rỡ của tâm thức, bấy giờ chúng ta sẽ biết và ở trong tánh tỉnh giác thuần khiết, trong vắt này. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, thức làm hiển lộ những che ám, những dấu vết nghiệp và những cái ấy biểu lộ thành một giấc mộng.
Những dấu vết nghiệp giống như những tấm ảnh chúng ta chụp từ mỗi kinh nghiệm. Mỗi một phản ứng nắm lấy hay ghét bỏ với mỗi một kinh nghiệm – với những kỷ niệm, cảm giác, tri giác giác quan, hay những tư tưởng – thì giống như chụp một tấm ảnh.
Trong phòng tối của giấc ngủ, chúng ta chiếu phim. Những hình ảnh được chiếu trong một đêm sẽ được xác định bằng điều kiện phụ vừa mới gặp. Một số hình ảnh hay dấu vết cháy hằn sâu trong chúng ta bởi những phản ứng mạnh mẽ, trong khi những cái khác có từ những kinh nghiệm trên bề mặt, chỉ để lại một chất cặn mờ nhạt.
Thức của chúng ta như ánh sáng của một máy chiếu, làm hiển lộ dấu vết đã được kích thích và chúng biểu lộ như những hình ảnh và những kinh nghiệm của giấc mộng. Chúng ta kết hợp chúng thành một cuộn phim, tâm thức chúng ta làm cho nó thành có ý nghĩa, đưa đến một câu chuyện kể tạo thành từ những khuynh hướng bị quy định và những bản sắc thói quen: đó là giấc mộng.
Cùng tiến trình này tiếp tục xảy ra khi chúng ta thức, tạo ra cái chúng ta thường nghĩ như là “kinh nghiệm của chúng ta”. Trong giấc mộng những động lực thì dễ hiểu hơn, bởi vì chúng có thể được quan sát ngoài những giới hạn của thế giới vật chất và tâm thức lý tính.
Suốt ngày, dù vẫn dấn thân vào cùng tiến trình tạo thành giấc mộng, chúng ta phóng chiếu cái hoạt động bên trong này của tâm thức lên thế giới và nghĩ rằng những kinh nghiệm của chúng ta là “thực” và ở ngoài tâm thức của riêng chúng ta.
Trong yoga giấc mộng, sự hiểu biết về nghiệp được dùng để huấn luyện tâm thức phản ứng khác khi đối với kinh nghiệm, đưa đến những dấu vết nghiệp mới và từ chúng những giấc mộng sanh ra dễ hướng hơn vào hành trình tâm linh. Điều này không phải là sức mạnh cưỡng ép, ý thức dành quyền áp bức vô thức.
@@@
Yoga giấc mộng lại dựa vào tỉnh giác và quán chiếu được tăng cường để cho phép chúng ta có những chọn lựa tích cực trong đời sống. Hiểu cơ cấu năng động của kinh nghiệm và những hậu quả của những hành động đưa tới sự nhận biết rằng mỗi kinh nghiệm bất kỳ loại nào đều là một cơ hội cho thực hành tâm linh.
Thực hành giấc mộng cũng cho chúng ta một phương pháp đốt cháy những hạt giống của nghiệp tương lai trong giấc mộng. Nếu chúng ta an trụ trong tánh tỉnh giác suốt một giấc mộng, chúng ta có thể cho phép những dấu vết nghiệp tự giải thoát khi chúng khởi lên và chúng sẽ không tiếp tục biểu lộ như những trạng thái tiêu cực trong đời sống chúng ta nữa.
Như trong đời sống lúc thức, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta có thể ở trong tỉnh giác bất nhị của rigpa*, tịnh quang của tâm thức. Nếu chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta còn có thể phát triển những khuynh hướng để chọn lựa thái độ tích cực ngay trong những giấc mộng cho đến khi chúng ta có thể vượt khỏi những yêu chuộng và nhị nguyên.
Cuối cùng, khi chúng ta tịnh hóa những che ám đến độ không có gì còn lại, không có phim, không có những ảnh hưởng nghiệp được che dấu, những cái làm nên màu sắc và hình dáng cho ánh sáng của tâm thức chúng ta.
Bởi vì những dấu vết nghiệp là những gốc rễ của giấc mộng, khi chúng hoàn toàn cạn kiệt thì chỉ còn lại ánh sáng thanh tịnh của tánh tỉnh giác: không phim, không câu chuyện, không người mộng và không giấc mộng, chỉ có bản tánh nền tảng sáng ngời là thực tại tuyệt đối. Đây là tại sao giác ngộ là sự chấm dứt của những giấc mộng và được gọi là “tỉnh thức”.
Trích trong Những Yoga Tây Tạng Về Giấc Mộng Và Giấc Ngủ
Tác giả: Tenzin Wangyal Rinpoche
post: Tánh Hải

SHARE: