SHARE:
Làm thế nào để chăm sóc các sinh loài và thế giới trong thế kỷ 21?
Người đàn ông Tây Tạng hai mươi chín tuổi, Orgyen Trinley Dorje – Đức Karmapa thứ 17 – hiện đang thực hiện một chuyến thuyết giảng kéo dài hai tháng tại các Đại Học Hoa Kỳ có uy tín, kể cả Đại Học Harvard, Princeton và Yale. Các vé dành cho tất cả các sự kiện này đã được bán hết tức thì. Vị sư này là ai, là người sau khi viếng thăm các trụ sở của Google và Facebook, đã nói về sự cần thiết đối với một nền văn hóa internet tốt đẹp hơn? Vì sao có rất nhiều người tìm kiếm lời khuyên và hứng khởi của Ngài trong thế kỷ 21?
Mười năm trước, lần đầu tiên tôi được gặp Karmapa thứ 17 tại tu viện của Ngài, ở dưới chân núi Dhauladar, gần Dharamsala, Ấn Độ. Đó là lần đầu tiên tôi viếng thăm Ấn Độ để nghiên cứu tại một ashram (Đạo viện) Ấn giáo trên sông Hằng. Trong thời gian bay, tự nhiên tôi mua quyển ‘Vũ điệu của 17 Cuộc đời’ (Dance of 17 Lives) của Mick Brown, một tường thuật hấp dẫn về cuộc đời và dòng truyền thừa Karmapa. Nó đã để lại một ấn tượng khác thường về một ‘Đức Phật Sống’ và khiến tôi quyết định phải viếng thăm Ngài sau ashram. Mặc dù tôi đến từ một bối cảnh thế tục, vô thần, khi tôi gặp ngài, việc ấy như thể trở về nhà trong vòng tay của người bạn thất lạc lâu năm. Ngài là hiện thân của trí tuệ, tình thương và lòng bi mẫn trong thân tướng con người.
Đức Karmapa từng giảng dạy ở Ấn độ từ năm 2000, sau khi đào thoát khỏi sự giám sát và hạn chế ngày một gia tăng của Trung quốc trong việc chiếm đóng Tây Tạng. Ngày nay, ảnh hưởng và trí tuệ của Ngài trở nên có tính cách toàn cầu với lần đầu tiên Ngài du hành tới Đức vào năm ngoái và chuyến đi thứ ba sang Hoa Kỳ trong tháng này. Một cách kiên định, Ngài nói về tầm quan trọng của lòng bi mẫn đối với động vật, môi trường và sự bình đẳng giới tính.
Về thuyết ăn chay, tiếng nói của Ngài có ảnh hưởng nhất sau khi chính Ngài từ bỏ việc ăn thịt một vài năm trước. Những người Tây Tạng có một truyền thống văn hóa về việc ăn thịt, là điều đã tiếp tục ngay cả khi sống lưu đày, đôi khi dẫn đến sự căng thẳng với người Hindu (người theo Ấn Độ giáo) và Phật tử Tây phương. Tháng Giêng năm 2007, nhân Đại lễ Cầu nguyện dòng Kagyu ở Bodh Gaya, Ấn Độ, tôi có mặt khi Đức Karmapa ban một giáo lý ủng hộ mạnh mẽ thuyết ăn chay bằng cách ngăn cấm tăng ni ăn thịt trong các tu viện của Ngài ở hải ngoại [bên ngoài Tây Tạng]. Khi trích dẫn Kinh điển và luận lý Phật giáo, Ngài nhấn mạnh rằng việc ăn thịt mâu thuẫn với lòng bi mẫn và giới cấm sát sinh. Nhiều người Tây Tạng và Tây phương [là những người] ăn thịt đã bị ‘sốc’ bởi sự trong sáng và sức mạnh trong lời dạy của Ngài về vấn đề này.
Trong tuần này, một lần nữa tại Harvard, Đức Karmapa nói về nỗi khiếp sợ của Ngài khi còn là một đứa trẻ chứng kiến những người du mục Tây Tạng sát hại những con vật bằng cách làm cho chúng ngạt thở từ từ cho đến chết. Ngài tiếp tục mô tả làm thế nào mà công nghệ tập thể và các phương pháp nuôi trồng đã dẫn tới trình trạng nhiều người hoàn toàn mất đi [sự hiểu biết] thịt là gì và làm thế nào thịt trở thành các [sản phẩm] đóng gói trong các siêu thị; và làm thế nào mà một lòng bi mẫn bẩm sinh, tự nhiên ta cảm thấy khi còn bé, một lòng bi mẫn ‘không do giáo dục mà có,’ [một lòng bi mẫn mãnh liệt, tự nhiên] lại là điều mà ta thường đánh mất khi đã trưởng thành.
“Tôi cảm thấy nhớ cái cảm xúc chân thật không tạo tác ở mức độ [tự nhiên mãnh liệt] đó… Theo một nghĩa nào đó thì điều nguy hiểm nhất trong thế giới là sự vô cảm. Không như bạo động, chiến tranh, và bệnh tật, là những điều có thể né tránh được, nhưng con người không thể chống đỡ lại với sự vô cảm một khi vô cảm lên nắm quyền. Tôi khẩn mong các bạn hãy cảm nhận được một tình thương dũng cảm – [tình thương ấy] không giống như một gánh nặng, mà là một sự hiểu biết vui vẻ về sự tương thuộc.”
Văn hóa tu viện Phật giáo Tây Tạng, đối nghịch với giáo lý đạo Phật, cũng có một lịch sử lâu dài về năng lực gia trưởng và sự áp bức phụ nữ. Chỉ trong ít thập niên gần đây, sau áp lực từ các nữ Phật tử Tây phương chẳng hạn như Jetsunma Tenzin Palmo và Tsultrim Allione, việc thay đổi bắt đầu trở thành hiện thực. Mãi cho tới gần đây, các nữ tu sĩ không được giáo dục cùng trình độ như những người nam giới ngang hàng, đã không thể thọ nhận tước vị Lạt ma, Geshe hay Khenpo và thường bị bỏ rơi khỏi hệ thống tulku (hóa thân), với một ít biệt lệ đáng kể. Mới đây, một phụ nữ người Đức, [nữ] Geshe Kelsang Wangmo đã được tặng thưởng tước vị ‘Geshe’ ở Ấn Độ. [Đây là] một thành tựu về học thuật đáng kể đối với tự thân một diễn giả không có gốc gác Tây Tạng, nhất là khi đem so với rất các nhiều chướng ngại đã chặn đường tiến của quý ni sư trong nhiều thế kỷ. Các chướng ngại [giờ] đã bị bẻ gẫy và sẽ có thêm nhiều nữ Geshe hiện ra nơi chân trời.
Đức Karmapa thứ 17 đã có công trong việc nhắm vào sự bất bình đẳng giới tính và phúc lạc của quý ni sư, không chỉ bằng lời nói của Ngài mà nhờ vào hành động [thực tiễn]. Ngài đã nói trong năm này: “Các tu sĩ và nữ tu sĩ thì giống nhau trong việc có thể hộ trì Phật pháp, và [cả hai] đều có trách nhiệm như nhau để làm điều đó. Tuy nhiên đã có một thời kỳ khi mà quý ni sư không thực sự có cơ hội để duy trì giáo lý, và điều này đã là một tổn thất cho tất cả chúng ta.”.
Năm 2014, lần thứ nhất, Ngài đã bắt đầu một cuộc họp thảo luận hàng năm dành cho quý sư cô (thường chỉ được dành riêng cho các tu sĩ nam) và cũng đang đặt những cải cách tiến bộ để bảo đảm quyền thọ cụ túc giới [của nữ tu sĩ]. Hiện tại, phụ nữ trong Phật giáo Tây Tạng có thể thọ giới như các sa di ni, nhưng họ không có cơ hội thọ giới cao cấp hơn mà Đức Phật đã chế ra cho phụ nữ: giới bhikshuni hay Tỳ khưu ni (gelongma). Trong khi việc phụ nữ thọ giới Tỳ kheo vẫn được chấp nhận trong các truyền thống Trung quốc, Hàn quốc, và Việt Nam, và mới đây được tái lập cho quý sư cô trong truyền thống Theravada ở Sri Lanca, thì về lãnh vực này Phật giáo Tây Tạng đã bị tụt hậu.
Ngài cũng đã đảm nhận việc dịch thuật một quyển tiểu sử của quý ni sư từ tiếng Trung quốc sang Tây Tạng, và cũng dự định dịch một tuyển tập các tường thuật về các nữ đệ tử tâm truyền của Đức Phật từ văn học Tây Tạng sang tiếng Tây Tạng phổ thông, để đưa thuở ban đầu trong cuộc đời của quý ni sư này đến với các độc giả Tây Tạng hiện đại.
Những thông điệp này cũng được nói rõ trong quyển sách xuất sắc của ngài, ‘Trái tim Cao quý’, và đây là một biến đổi thú vị [khác với] những nam lãnh đạo tôn giáo ‘truyền thống’ vẫn thuyết giảng về thành kiến giới tính, sự kỳ thị người đồng tính luyến ái và sự không dung thứ. Một vị lãnh đạo tâm linh đích thực Thế kỷ 21 tốt lành, bi mẫn, tinh thông và bao gồm tất cả, là bậc mà mọi người, bất luận dòng giống hay tôn giáo, có thể cảm thấy biết ơn một cách hoan hỉ.
Theo lời của đức Karmapa: “Đó là lúc chúng ta thực sự nhận ra rằng thời đại của thợ săn đã qua đi. Đây nên là một thời đại “nữ tính’ hơn – một thời đại khi phụ nữ thực hiện được những đóng góp to lớn hơn cho xã hội. Nếu chúng ta tiếp tục làm giảm giá trị những gì phụ nữ cống hiến, ta sẽ tiếp tục làm hại phụ nữ và tiếp tục bỏ sót và làm giảm giá trị những đức hạnh này, những gì được coi là “nữ tính.” [Nhưng] đây chính là các đức tính mà thế giới cần hơn nữa vào lúc này.”
Thanh Liên chuyển Việt ngữ. Tâm Bảo Đàn hiệu đính. (5/2015)
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS