Lời Nói Đầu

SHARE:

Lời Nói Đầu

Trước hết, tôi muốn được cám ơn Namkhai Norbu Rinpoche, người trước tiên giảng giải cho tôi sự trọng yếu của ba lời tuyên bố này của Garab Dorje để hiểu Dzogchen (Đại Toàn Thiện, Đại Viên Mãn) như một tổng thể (Dotter Valley, California, 1980) ; và sự giúp đỡ vô giá của ngài trong việc dịch những bản văn này, đặc biệt là Das-rjes. Tôi cũng cám ơn Rinpoche đã viết đề tựa cho cuốn sách này. Hơn nữa, tôi biết ơn những trao truyền tôi đã nhận được về bản văn của Patrul Rinpoche cũng được dịch trong cuốn sách này, từ một số đạo sư của truyền thống Nyingma, nhất là H. H. Dudjom Rinpoche, Lama Gonpo Tsedan Rinpoche, và Lama Tharchin Rinpoche.

 

Tôi đã dịch bản văn của Patrul Rinpoche này, nguyên văn là mKhas-pa sri rgyal-poi khyad-chos, “Lời Dạy Đặc Biệt của Đức Vua Thông Thái và Vinh Quang”, là một trong những bình giảng nổi tiếng nhất ở Tây Tạng về ba lời tuyên bố này, khi tôi đang sống ở Baudha tại thung lũng Kathmandu, Nepal (mùa xuân 1978). Tôi cám ơn Ami Lord Palmo đã tốt lòng trao cho tôi bản sao bản văn này, đã đem nó theo từ Tashi Jong ở Himachal Pradesh. Với nhiều tách trà trong những giờ buổi sáng sớm ở khách sạn Bir, trong vài ngày, tôi đã hoàn tất bản dịch. Nhưng rồi tôi đã bỏ qua một bên khoảng vài năm. Trong thời gian đó tôi đọc một số bản dịch khác của bản văn đó của Sogyal Rinpoche, Tulku Thondup, và của Keith Dowman. Vài năm trước đây, tôi lấy bản dịch của tôi ra đọc lại, dựa theo những bản dịch để đưa những từ ngữ kỹ thuật Phật giáo Tây Tạng vào. Khi xem lại bản dịch để xuất bản, tôi nảy ra ý bao gồm vào đó một bản dịch của Das-rjes, được xem là đại diện cho bản văn thực sự, di chúc cuối cùng của Garab Dorje. Nỗ lực này được gợi hứng từ chương trình của tôi trở lại những bản văn nguyên gốc của truyền thống Dzogchen, và không chỉ dựa vào những diễn giải của những đạo sư mới đây của truyền thống này, mặc dù chúng có tuyệt hảo bao nhiêu. Đây cũng thường là trường hợp ở Tây Tạng.

 

Bản văn sau này, khác với tác phẩm của Patrul Rinpoche, hóa ra được viết bằng một thứ tiếng Tây Tạng khó hiểu, cực kỳ ngắn và tỉnh lược, giống với những ghi chú cấp đại học. Hơn nữa, sự trình bày Thekchod và Thodgal được trộn lẫn với nhau trong bản văn, thay vì tách biệt rời như trong truyền thống Terma sau này. Trong ba buổi chiều ở một chỗ ẩn cư tại James-town, Colorado (tháng 7, 1987), Namkhai Norbu Rinpoche đã rộng lượng dành vài giờ để chúng tôi cùng xem lại bản dịch này. Có thể thấy những kết quả của việc làm này trong bình giảng giữa dòng và những ghi chú theo sau bản dịch. Vì sự khó khăn ngôn ngữ của bản văn và sự cần thiết phải chen vào những ghi chú trong bản tiếng Tây Tạng, cũng như một số đoạn được thêm vào trong dấu ngoặc của dịch giả để dễ đọc và dễ hiểu, tôi quyết định phương pháp tốt nhất là cung cấp một bản dịch trôi chảy và không bị đứt đoạn bởi những ghi chú, và theo như vậy với một bản dịch nguyên nghĩa chặt chẽ cùng với một bình giảng giữa các dòng ở chỗ cần thiết.

 

Như một minh chứng cho phương pháp dịch thuật của tôi, trước hết được phát triển trong một cuộc hội thảo về phiên dịch những từ ngữ kỹ thuật Phật giáo với Giáo sư Edward Conze vào năm 1967-1968 (Đại học Washington, Seatle), xin xem phần có tựa đề “Ghi chú về Dịch Thuật những Từ Ngữ Kỹ Thuật Dzogchen”. Một bảng thuật ngữ về Dzogchen bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Anh có ở phần cuối sách, nhưng những giải thích tại sao tôi dịch một vài từ ngữ Tây Tạng theo cách tôi làm sẽ được tìm thấy trong những ghi chú và bình giảng. Tôi loại bỏ những giải thích này khỏi những bản dịch để đọc giả khỏi nặng nề. Cuốn sách này chủ yếu là một trình bày những lời dạy về Dzogchen trong hai bản văn này hơn là một nghiên cứu ngữ văn hay lịch sử về nguồn gốc của truyền thống Dzogchen. Có một số tiểu sử cuộc đời Garab Dorje được giữ gìn trong truyền thống Nyingma và trong chi tiết chung không đồng nhất với nhau. Vì vậy về tiểu sử tôi chỉ đưa vào một bản dịch : cuộc đời của Garab Dorje trong Lo-rgyus chen-mo của Zhangton Tashi Dorje (1097-1167) nằm trong bộ Bi-ma snying-thig của Longchen Rabjampa (cuốn 7, chương III). Có lẽ đây là một tiểu sử xưa cổ nhất về cuộc đời của Garab Dorje. Tôi cũng tham khảo bản tiểu sử trong Dra bag chen mo (không rõ tác giả), tiểu sử nổi tiếng của Vairochana dịch giả, có trễ nhất là thế kỷ mười ba, nhưng nó chứa đựng những tài liệu cổ hơn nhiều. Tôi cũng đưa vào ở đây một Guru Sadhana ngắn về Garab Dorje do Khyentse Chokyi Lodro Rinpoche (1896-1959) viết, dành cho những hành giả. Sad-hana này được Sogyal Rinpoche từ mẫn ban cho khi ngài viếng thăm cuộc nhập thất mùa xuân ở Merigar, Ý, tháng Tư 1985.

 

Bởi vì nhiều bản văn ban đầu còn tồn tại của truyền thống Dzogchen có từ thế kỷ thứ mười và mười một, một số học giả hiện đại có ý kiến rằng Dzogchen thực ra được phát minh ra vào thời gian đó bởi một số Lama Nyingma và Bošn không dè dặt. Theo luận cứ này, những Lama đó muốn cho những giáo thuyết không chính thống của họ được người Tây Tạng chấp nhận, đã gán những bản văn ấy cho là của những nhân vật lịch sử anh hùng thời sơ kỳ, đặc biệt là Padmasambhava và Vimalamitra sống ở thế kỷ thứ tám. Tuy nhiên lý thuyết này rơi vào một sai lầm chung với các học giả hàn lâm mà sự hiểu biết của họ chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu những bản văn được viết ra, họ cho rằng một ý tưởng hay một thực hành không hiện hữu cho đến khi nào nó được viết ra trong một số bản văn. Dĩ nhiên cách tiếp cận này bỏ qua và không để ý sự quan trọng của truyền thống khẩu truyền trong sự chỉ dạy tâm linh. Thực tại của truyền thống khẩu truyền này tôi đã tự thân kinh nghiệm lần đầu trong những năm sống với những Lama Tây Tạng ở Ấn Độ và Nepal. Do đó tôi không nghi ngờ gì về việc những giáo lý Dzogchen có ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám với Padma-sambhava, Vimalamitra và Vairochana, đúng như được tuyên bố trong truyền thống, và đã có từ trước nữa ở Ấn Độ và Uddiyana. Dzogchen không phải là cái gì được sáng tạo ra từ hư vô trong thế kỷ thứ mười. Một số bản viết tay ở thư viện Đôn Hoàng trong thế kỷ thứ mười chứng tỏ sự hiện diện của nó vào thời gian này. Và dù cho có thể làm cho rõ ràng xác thực rằng Dzog-chen là một phong trào độc lập có mặt lần đầu ở thế kỷ thứ mười với Nubchen Sangye Yeshe, Shenchen Luga và những vị khác, thì khoảng cách hai trăm năm này giữa thế kỷ thứ tám và thế kỷ thứ mười là quá nhỏ so với chân lý phổ quát của những giáo lý Dzogchen như một con đường đến giải thoát và giác ngộ. Chân lý tâm linh vượt khỏi lịch sử. Tôi đề cập đến một số vấn đề ngữ văn và lịch sử trong phần “Những nguồn gốc lịch sử của Dzogchen”, nhưng một xem xét những vấn đề ấy cần phải dành cho một thảo luận sau này.

 

Tất cả mọi dịch thuật từ Tây Tạng là của tôi, ngoại trừ những chỗ khác được chỉ ra. Những chữ nước ngoài trong bản văn là tiếng Tây Tạng, nếu khác cũng được chỉ rõ xuất xứ. Những chữ Tây Tạng chuyển tự theo hệ thống Wylie được đặt trong dấu ngoặc hay viết nghiêng không dấu ngoặc ; những chữ gốc tên người và tựa của bản văn được viết hoa. Trong phần dịch, những đoạn tôi thêm vào và giải nghĩa được để trong dấu ngoặc. Những dấu ngoặc đứng chỉ một ghi chú bằng tiếng Tây Tạng được xen vào bản văn gốc.

 

Cuối cùng, trong việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách này, tôi cảm ơn biên tập của tôi là Micheal Taylor vì những gợi ý và bình luận mở rộng của ông. Tôi cũng gởi lời cám ơn đến Arthur Mandelbaum, Bob Kohut, Charles Stein, Andrea Loseries-Leick, Tina Smith, và Andy Lukianowicz đã đọc soát lại bản thảo và cho nhiều gợi ý bổ ích. Hơn nữa tôi cũng đặc biệt cám ơn Brooke Henley đã kiên nhẫn đánh bản thảo này vào dĩa và Robert Knight cố gắng nhập bản văn vào máy tính.

 

Mặc dù toàn bộ bản văn của cuốn sách này, Những Chữ Vàng, được viết và hoàn thành năm 1990, sự xuất bản bị trễ gần bốn năm do những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của tôi với người xuất bản ban đầu. Bởi thế tôi biết ơn nhà xuất bản Snow Lion đã cho ra mắt cuốn sách. Hơn nữa, bởi vì cuốn sách đã bị trì hỗn khá lâu, chương “Những Nguồn Gốc Lịch Sử của Dzogchen” không có sự tiếp xúc với những công trình mới nào trong lĩnh vực này từ năm 1990. Tôi xin lỗi về điều này. Tuy nhiên, như là một dịch giả, tôi hy vọng rằng những bản dịch Dzogchen này sẽ có ích lợi rất nhiều cho những hành giả hiện đại đang du hành trên con đường xưa cổ này.

 

Vajranatha (John Myrdhin Reynolds)
Freehold, New Jersey, tháng Giêng 1995

SHARE:

Để lại một bình luận