Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư

Thần chú là pháp âm, là âm thanh diễn ra từ Pháp tánh hay Tánh Không. Cho nên thần chú có công năng diệt trừ mọi chướng ngại của hành giả và làm cho hành giả tương ưng với pháp tánh hay Tánh Không qua âm thanh của miệng. Thần chú là phương tiện thiện xảo bằng âm thanh để hộ trì tâm thức và đẩy tâm thức đến tận nguồn của nó, đến bản tánh của nó, tức là Tánh Không. Với Đại thừa, phương tiện cũng chính là trí huệ, bởi thế thần chú cũng tức là Bát-nhã. Thần chú là Bát-nhã thể hiện ra bằng phương tiện âm thanh.

Trong lúc ngài Huyền Trang đi Ấn Độ để cầu pháp thỉnh kinh, đoạn đường đi bộ đầy gian nan, sức người không thể vượt nổi. Nhưng mỗi khi sắp xỉu vì đói, gặp bão tuyết, bão cát trên sa mạc, thiếu nước, gặp thú dữ và ma quỷ, ngài được Đức Quán Thế Âm hiện thân ra làm một nhà sư bệnh hoạn đi theo cùng ngài, đọc và dạy cho ngài trì tụng trọn vẹn cả bài Tâm Kinh để vượt qua mọi chướng ngại.

Bát-nhã cũng như trọn bài Tâm Kinh là thần chú vì có công năng phá hoại những chướng ngại và đưa hành giả tương ưng với Tánh Không kim cang bất hoại. Âm thanh đi liền với tánh nghe, bao giờ cũng có một kết quả tâm linh, bởi vậy kinh thường được tụng, chú thì được trì. Trong 260 chữ của Tâm Kinh, chúng ta thấy có 19 chữ Vô, 9 chữ Bất và 7 chữ Không cộng thêm một thần chú. Không nghi ngờ gì những chữ Vô, Bất, Không được lập đi lập lại có công năng phá trừ mọi ngã chấp và pháp chấp, đưa hành giả tương ưng trọn vẹn với Tánh Không.

Trí Bát-nhã là thần chú lớn vì phá tan năm ấm đã nhốt hành giả trong thân tâm chật hẹp, khai mở cho hành giả nhập vào cái lớn Vô Biên, Tánh Không toàn khắp, vắng lặng không ngằn mé. Phá trừ năm ấm tức là phá trừ mọi ma quỷ, chướng ngại của ba cõi.

Bát-nhã là chú đại minh nghĩa là Bát-nhã có công năng phá trừ sự che chướng của năm ấm, giải phóng ánh sáng vô biên của tự tâm tràn khắp pháp giới. Ánh sáng đó tiêu trừ mọi tướng thân tâm và tướng cảnh giới hư vọng. Ánh sáng lớn đó là cái Chiếu của Tánh Không vậy.

Bát-nhã là thần chú cao hơn mọi chú khác, vì Bát-nhã trực tiếp tương ưng với Tánh Không, thực tại chân thường vô thượng.

Bát-nhã là thần chú không gì so sánh được, siêu việt tất cả mọi đẳng cấp vì Bát-nhã là Tánh Không siêu việt tất cả, bao trùm khắp và bình đẳng chiếu soi trong mọi đẳng cấp.

Bát-nhã phá trừ mọi khổ ách, vì Bát-nhã phá trừ tất cả mọi che chướng trong ba cõi. Bát-nhã là thần chú tối thượng, điều đó hoàn toàn chân thật không hư vọng. Như Đức Phật bảo trong mỗi người chúng ta có hạt châu vô giá trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, đó là điều không hư vọng. Bát-nhã chính là hạt châu vô giá đó.

Toàn Bát-nhã Tâm Kinh, câu nào cũng là thần chú. Ngài Huyền Trang đã hành trì cả bài trong khi trên đường hành hương gian khổ. Câu nào cũng thuyết lên chân thật nghĩa, không thi thiết phương tiện, nên câu nào cũng khai mở hạt châu vô giá ấy. Chỉ một câu “Sắc tức thị Không” đủ phá tan mọi che chướng của năm ấm, phá tan địa ngục sanh tử, đạt thấu Tánh Không, thường, lạc, ngã, tịnh. Đâu có sắc tướng thì đó là địa ngục. Đâu phá được năm ấm thì đó là Niết-bàn. Chỉ một câu “Thi chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” mà tu hành theo đó và chứng đắc được nó thì đã đạt được Vô sanh pháp nhẫn tức là Đệ Bát Địa Bồ-tát rồi. Vì theo kinh Đại thừa không thấy có pháp nào sanh ra, không thấy pháp nàp diệt mất là Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Cho nên sử dụng toàn bài Bát-nhã Tâm Kinh như là một thần chú tối thượng của Bồ-tát trên đường Bồ-tát đạo, đó là lợi ích tối thắng, điều này hoàn toàn chân thật, không hư vọng.

SHARE:

Để lại một bình luận