SHARE:
Akong Tulku Rinpoche
Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris
Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001
Cuốn sách này được hồi hướng cho sự nở hoa
của lòng khiêm hạ, bình an và trí huệ trong thế giới
Bài Thực Tập số 5
CẦU VỒNG
Trong những thực tập trước, người ta đã làm việc trên tâm thức nhờ những đối tượng “bên trong”, như hơi thở, những cảm giác và một quán tưởng phát sinh của lòng bi. Với “Cầu vồng”, người ta sắp tập trung trên những đối tượng “bên ngoài” mình, và cố gắng tri giác bản tánh thật sự của chúng. Những đối tượng này có thể thuộc về một trong ba phạm trù sau đây :
• những đối tượng có giá trị (như một đá quý) ;
• những đối tượng không có giá trị buôn bán và không thuộc về chúng ta (như một viên sỏi hay một cọng cỏ) ;
• những đối tượng thuộc về chúng ta, có giá trị hay không (tất cả mọi thứ người ta quan niệm “thuộc về tôi” hay “thuộc về chúng ta”).
Thực tập này có một mục tiêu phân ba :
1. Làm cho chúng ta khám phá khuynh hướng của tâm thức bám chặt vào những đối tượng và hiển lộ cho chúng ta thấy sự bám luyến này ngăn cản chúng ta thấy những sự vật đúng như chúng là.
2. Làm cho chúng ta ý thức về vô thường, sự không có tính “cứng đặc” của mọi vật bao quanh ta, ngay cả với những vật có vẻ cứng đặc nhất và bất động nhất.
3. Làm cho chúng ta thoát khỏi ý kiến sai lầm – của rất nhiều người – rằng chúng ta không thể “quán tưởng”, nghĩa là tưởng tượng về những sự vật, không thể tự tạo một hình dung thuộc tâm thức. Ở đây, đối tượng ở trước mặt chúng ta, thường trực trong tầm nhìn, đến độ người ta không có cảm tưởng phải ép buộc nhiều để tưởng tượng ra nó. Thực tập này là một tiếp cận đầu tiên với sự “quán tưởng”. Quán tưởng, là làm ra một hình ảnh thuộc tâm thức rõ ràng và hiện thực một cái gì, nhưng đồng thời hình ảnh đó sáng rỡ và không thể sờ nắm, như một cầu vồng. Chúng ta sẽ trở lại với nó chi tiết hơn trong dịp thực hành bài số 8. Lúc này, người ta học tự tạo một hình ảnh tâm thức của một đối tượng, rồi tiếp theo để cho nó tan biến, một cách rất tự nhiên.
Mô tả thực tập
Thực tập này dạy bạn chuyển hóa bằng tâm thức một vật gì thành cầu vồng. Vậy hãy lấy một đồ vật gì của bạn, không có giá trị nhiều lắm, và đặt nó trước mặt bạn, thế nào cho bạn có thể thấy nó trọn vẹn. Hãy nhìn nó và nghĩ đến trong một lát giá trị nó có đối với bạn. Tiếp theo, vẫn để mắt mở, hãy tưởng tượng trước mặt bạn một phiên bản đúng của đồ vật này, bên cạnh nguyên bản. Rồi tưởng tượng bạn đập vỡ nó, biến nó thành từng mảnh càng lúc càng nhỏ, và cuối cùng thành bụi. Những phần tử còn lại nhỏ, tinh vi đến độ người ta khó thấy chúng.
Hãy tưởng tượng rằng bạn gom tất cả những hạt bụi đó lại, không mất một hạt nào, bấy giờ tự hỏi : “Đồ vật đối tượng ấy đâu rồi ? Mới cách đây vài khoảnh khắc, có một đồ vật ấy ở đó, với một tên và một giá trị riêng. Đồ vật đó đã đi đâu, cả tên và giá trị của nó ?”
Tiếp theo, hãy chuyển hóa bằng tâm thức đống bụi thành một cầu vồng có thể là đủ màu sắc, hay một màu nhưng theo cấp độ đậm nhạt. Tùy theo cái gì bạn thấy dễ dàng nhất. Từ cái cầu vồng bằng bụi này, hãy tạo lại một cầu vồng đồ vật. Bạn trở lại với một phiên bản của đồ vật ban đầu, miễn là cái đồ vật này được làm bằng cầu vồng ; bởi thế nó không thể sờ nắm, không có chút chất thể nào.
Bây giờ hãy nhận ra rằng nó không có một giá trị buôn bán nào.
Để chấm dứt, hãy hòa tan đồ vật bằng cầu vồng trong cái đồ vật nguyên bản luôn luôn ở trước mặt bạn. Hãy nhận xét kinh nghiệm này có thể chuyển đổi sự đánh giá của bạn về đối tượng và giá trị mà nó đã có trước đây trong con mắt bạn như thế nào.
• Quan trọng là giữ hai mắt mở trong suốt thực tập : khi tưởng tượng phiên bản của đồ vật, hãy giữ cái nhìn trên nguyên bản trước mặt bạn, nhưng không chăm chú vào nó. Khi bạn bắt đầu mệt hay co rút lại, hãy dừng một lúc và làm một trong ba thực tập đầu tiên để thư giãn.
Hãy chọn một đối tượng khác vào mỗi lần thực tập. Hãy bắt đầu bằng một vật có giá trị ít và mỗi lần tiến thêm đến một sự vật càng ngày càng quý giá với bạn. Hãy thay đổi một ít về chủng loại đồ vật và hãy tưởng tượng với sự chính xác rõ ràng cách bạn làm nó tan ra từng mảnh : chẳng hạn, nếu bạn chọn một bức tranh bạn có thể cào rách vải, lấy hết sơn đi, biến nó thành bụi, làm vỡ vụn cái khung. Trong trường hợp một tấm thảm, người ta có thể tháo khổ vải, rút những sợi chỉ, tháo ra những sợi tơ… Hãy biểu lộ trí tưởng tượng…
• Hãy thực hành bài thực tập này trong một tuần, khoảng một giờ mỗi ngày.
(Lời nói thêm của người dịch tiếng Việt : Ngài Tilopa, vị sư tổ của phái Kagyu có nói : “Không phải các hình tướng đã trói buộc con vào sanh tử, mà sự bám chấp vào các hình tướng đã trói buộc con vào sanh tử.” Bài kệ kết thúc kinh Kim Cang là : “Tất cả pháp hữu vi. Như mộng huyễn bào ảnh. Như sương cũng như chớp. Hãy quán thấy như vậy.” Kinh Hoa Nghiêm phẩm Thập Nhẫn cũng nói đến các nhẫn : như huyễn nhẫn, như mộng nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn… Kinh Đại Bát Nhã nói đến “bất khả đắc” như là chỗ chứng ngộ của hành giả đối với các hình tướng hiện tượng.
Tóm lại có thể nói mục tiêu các pháp quán tưởng của đạo Phật là nhằm để phá trừ sự chấp tướng này để cho chân lý, thực tại, Pháp thân, Phật tánh… biểu lộ.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS