TIỂU SỬ THIỀN SƯ HÁM SƠN

SHARE:

Trích trong Thiền đạo tu tập (The practice of Zen)

của Chang Chen Chi (Trương Trừng Cơ)

Bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi in lần 1, 1972

Tôi sinh ở Toàn Tiêu thuộc quận Nam Kinh. Mẹ tôi một Phật tử mộ Đạo, suốt đời thờ Đức Đại Sĩ Quan Thế Âm. Một hôm bà nằm mộng thấy Đức Đại Sĩ dắt đến một đứa trẻ bà vui mừng ôm lấy. Sau đó bà mang thai, và tôi ra đời ngày 12 tháng 10, 1545.

Vào 1546, khi tôi được 12 tháng, một cơn bệnh hiểm nghèo sắp đưa tôi đến chỗ chết. Mẹ tôi cầu nguyện lên Đức Đại Bi và nguyện rằng nếu tôi hồi phục bà sẽ cho tôi vào chùa làm sư. Khi tôi hồi phục, y như lời nguyện mẹ tôi ghi tên tôi vào chùa Trường Thọ.

Khi tôi lên ba, tôi thích ngồi một mình hơn là lo đi chơi với trẻ con khác. Ông tôi thường than, “Thằng bé này như một cái sào gỗ!”.

Khi tôi lên bảy, mẹ tôi cho tôi đi học. Lúc ấy tôi có một người cậu thương tôi lắm. Một hôm trước khi tôi đi học về, cậu chết. Khi tôi thấy cậu nằm bất động trên giường, cố dối tôi về cái chết của cậu, mẹ tôi nói: “Cậu ngủ, con muốn đánh thức cậu dậy cũng được”. Nghe vậy tôi gọi cậu mấy lần, nhưng cậu chắng đáp. Thấy vậy mợ tôi quá đau khổ, gào lên, “Hỡi Trời ơi! Mình đã đi đâu rồi?”. Bàng hoàng quá tôi hỏi mẹ, “Cậu nằm ngay đó mà sao mợ lại bảo cậu là cậu đã đi?”. Lúc ấy mẹ tôi nói. “Cậu con chết rồi ”. “Chết rồi về đâu?”. Tôi hỏi bà và từ đó câu hỏi ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi.

Ít lâu sau, mợ tôi sinh một đứa con. Khi mẹ tôi dẫn tôi đến thăm đứa bé mới sinh lần đầu tiên tôi hỏi, “Đứa bé này vào bụng mợ bằng cách nào?”. Mẹ tôi vỗ vai tôi nói, “Vớ vẫn! Thế mày vào bụng mẹ bằng cách nào?”.

Từ hôm đó trở đi, mối nghi lớn về sinh tử ám ảnh tư tưởng tôi. Nó dính chặt trong tâm trí và nè nặng như chì trong tim tôi.

Khi lên tám tôi được gửi trọ lại nhà một người họ hàng ở bên kia sông đề gần trường học hơn. Mẹ tôi cấm không cho về nhà nhiều hơn là mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, một hôm, sau ngày nghỉ hàng tháng tôi không chịu trở lại trường. Khi tôi bảo mẹ tôi là tôi không thể rời bà được, bà nổi xung thiên. Bà đánh tôi và đuổi tôi ra bờ sông. Nhưng tới đó tôi cũng không chịu rời bà để lên đò. Đang cơn giận, mẹ tôi túm lấy tóc tôi, ném xuống sông, rồi quay về nhà mà không một lần ngoái lại. Bà tôi có mặt gần đó kêu cứu nhờ đó tôi thoát chết. Cuối cùng, khi tôi về nhà, mẹ tôi hét, “Để cái đồ vô tích sự đó sống làm gì! Thà nó chết chìm còn hơn!”. Sau đó bà đánh đòn tôi và định đuổi tôi đi. Lúc ấy tôi cho rằng mẹ tôi quá nghiêm khắc và tàn nhẫn, nên tôi quyết từ rày không về nhà nữa.

Sau đó tôi được biết rằng mẹ tôi nhiều lần đứng khóc một mình trên bờ sông. Khi bà tôi biết việc đó; bà quở trách mẹ tôi. Lệ tuôn trào lên má, mẹ tôi đáp, “Con phải làm cho nó vượt qua được cái tình quá đa cảm để cho nó có thể học hành nghiêm nghị ”.

Khi tôi lên chín, tôi vào chùa học. Một hôm tôi chợt nghe một ông tăng tụng Phổ Môn Phẩm. Nhờ đó tôi biết rằng Đức Quan Thế Âm có thể cứu chúng ta khỏi tất cả những khổ đau của thế gian này. Nhận thức được vậy, tôi rất phấn khởi và mượn kinh để tôi có thể đọc và nghiên cứu riêng.

Vào một dịp sau này, khi tôi đi theo mẹ tôi trong khi bà đảnh lễ Đức Quan Âm tôi nói, “Mẹ có biết kinh của Bồ Tát Quan Âm không?”. Mẹ tôi nói, “Không”, nghe vậy tôi lập tức tụng kinh cho bà nghe. Bà thích thú lắm và hỏi tôi, “Con học ở đâu vậy?”, vì cách và giọng tôi tụng kinh giống y như một ông tăng già vậy.

Vâo 1555 tôi lên mười Mẹ tôi bắt tôi học dữ quá khiến tôi buồn lắm.

Tôi hỏi bà, “Tại sao con phải học?”.

Bà đáp, “Để đạt được một địa vị cao trong chính phủ”.

Tôi hỏi, “Thế sau này con có thể đạt được địa vị như thế nào?”.

Bà đáp, “Con có thể bắt đầu bằng một địa vị thấp và rồi biết đâu có thể lên tới Tể Tướng”.

Tôi nói, “Dù cho con có trở thành Tể Tướng đi, rồi sao nữa?”.

“Người ta chỉ có thể lên tới đó”.

“Làm một công chức cao cấp thì có ích gì? Làm việc cực khổ cả đời để chẳng được gì thì thật là vô ích. Con muốn đạt được một cái gì đó có giá trị vĩnh cửu”.

Mẹ tôi la, “Ôi, một đứa con vô tích sự như mày rồi chỉ còn làm một ông tăng du phương mà thôi”.

Tôi hỏi, “Làm một ông tăng có lợi ích gì?”.

Bà nói, “Một ông tăng là một đệ tử của Phật và muốn đi đâu trên thế gian cũng được. Ông ta là một người tự do thật sự. Ở đâu thiên hạ cũng cúng dường và phục dịch ông ta”.

“Con thấy có vẻ hay lắm. Con muốn làm một ông tăng”.

Mẹ tôi đáp, “Ta e con không có tài cán để làm vậy”.

Khi ấy tôi có vẻ ngạc nhiên, mẹ tôi nói tiếp: “Trên thế gian này có rất nhiều Trạng Nguyên, nhưng Phật và Tổ thì hy hữu lắm”.

Tôi quả quyết, “Con có khả năng đó, con e mẹ không chịu cho con đi”.

Mẹ tôi đáp, “Nếu con có khả năng, ta sẽ cho con theo đường con”.

Tôi ôm ấp trong lòng lời hứa đó của bà.

Một năm vào 1556, khi tôi mười một tuổi, có vài người đội nón lá, với đòn gánh trên vai, đến gần nhà tôi. Lập tức tôi hỏi mẹ, “Mấy người lạ ấy là ai vậy?”.

Bà đáp, “Họ là những tăng sĩ du phương”. Tôi thích lắm và quan sát họ cặn kẽ. Khi họ gần đến nhà chúng tôi, họ đặt đòn gánh xuống và nghỉ ở một gốc cây kế cận. Họ hỏi chúng tôi xem có thể kiếm được ở đâu chút đồ ăn. Mẹ tôi bảo họ đợi và lập tức nấu cơm cho họ, phục dịch họ một cách hết sức tôn kính. Sau khi ăn, mấy ông tăng đứng dậy gánh gậy của họ, nhưng chỉ giơ một tay lên cám ơn. Tuy nhiên, mẹ tôi gạt đi, nói: “Xin đừng cám ơn tôi”. Mấy ông tăng lên đường không nói lấy một lời. Lúc ấy tôi nói với mẹ tôi, “Mấy ông sư này có vẻ vô lễ! Họ chẳng buồn nói cảm ơn mà chỉ đi tỉnh bơ”. Mẹ tôi giải thích, “Nếu họ cảm ơn ta, ta sẽ được ít phước đi với cái việc thiện này”. Lúc đó tôi tự nhủ thầm là hành vi của họ chứng tỏ ưu thế của tu sĩ. Cuộc gặp gỡ này khuyến khích cái quyết định làm tăng của tôi hơn bao giờ hết. Trở ngại duy nhất là lúc ấy tôi chưa có cơ hội.

Vào 1557 tôi mười hai tuổi. Thường tôi không thích hòa lẫn vào người thế tục hoặc can dự vào công việc của họ. Mỗi khi cha tôi lo ước hôn cho tôi, tôi lặp tức ngăn ông. Một hôm tôi nghe một ông tăng từ Kinh Đô nói rằng ở Bảo Ân Tự có một vị cao tăng tên Tây Lâm. Lập tức tôi muốn đến với ngài. Tôi xin phép cha đi, nhưng ông từ chối. Tôi liền xin mẹ cam thiệp cho. Bà lý luận tốt hơn nên để cho con theo ý nguyện và giúp nó thực hiện. Tháng 10 năm ấy, tôi được gửi đến chùa. Ngay khi Đại Sư thấy tôi, ngài hài lòng, nói, “Thằng bé này không phải thường. Nếu mà nó chỉ trở thành một ông tăng bình thường thì thật là phí ”. Lúc ấy thầy Vô Cực đang giảng kinh trong tự viện. Đại Sư đem tôi đến. Khi thầy Triệu Văn Túc thấy tôi, ngài thích lắm nói, “Thằng nhỏ sau này trở nên Bậc Thiên Nhân Sư vậy”. Đoạn vỗ vai tôi nói, “Con muốn làm quan lớn hay Phật?”. Tôi đáp, “Dĩ nhiên làm Phật”. Đoạn ngài quay về những người khác nói, “Không được xem thường đứa bé này. Phải dạy dỗ nó cẩn thận”.

Mặc dù tôi không hiểu lấy một chữ trong khi nghe thuyết pháp, lòng tôi trở nên tha thiết và nhiệt thành như thể tôi hiểu một cái gì nhưng không bầy tỏ bằng lời nói được.

Vào năm 1564, khi tôi vừa được mười chín tuổi, nhiều bạn tôi được vinh dự đậu kỳ thi hương. Các bạn tôi cũng thúc tôi đi thi. Khi thầy Vân Cư nghe việc đó, ngài lo tôi xiêu lòng mà dấn vào thế sự; do đó, ngài khuyến khích tôi tu đạo và nỗ lực tham Thiền. Ngài thuật cho tôi nghe nhiều tiểu sử của các cao tăng thời xưa, và cho tôi xem tập sách Cao Tăng Truyện. Trước đó tôi đã đọc xong Trung Phong Truyện, tôi cảm động và phấn khởi đến nỗi tôi thở dài tự nhủ, “Ồ, đó chính là điều mình thích làm!”. Sau đó tôi quyết định hiến cả đời cho Đạo Phật. Rồi tôi xin Đại Sư thí phát.

Gạt bỏ thế sự và việc học, tôi hiến thân cho việc nghiên cứu Thiền, nhưng chẳng đi được đến đâu. Rồi tôi chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà ngày đêm không gián đoạn. Không bao lâu, Đức Phật Di Đà hiện thân trước tôi trong một giấc mộng, ngồi trên trời cao về hướng mặt trời lặn. Thấy gương mặt và đôi mắt rực ánh từ bi của ngài trong sáng linh động, tôi phủ phục dưới chân ngài, lòng cảm thấy vừa yêu thương, vừa đau khổ, vừa hạnh phúc. Tôi tự nhủ, “Thế còn các Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí ở đâu? Tôi muốn thấy các ngài”. Lập tức Quan Thế Âm và Đại Thế Chí để lộ bản thân phía trên của hai ngài. Nhờ thế tôi thấy rõ Tam Tôn và thâm tín rằng nỗ lực biện đạo của mình sẽ thành công.

Mùa đông năm ấy, tự viện chúng tôi mời thầy Vô Cực tới giảng Triết Lý Hoa Nghiêm. Khi giảng đến Thập Huyền Môn – Hải Ấn sâm la thường trụ xứ- tôi hốt nhiên ngộ được cái yếu chỉ của pháp giới viên dung vô tận. Quá hâm mộ ngài Thanh Lương [người sáng lập Hoa Nghiêm Tông] nên tôi nhận một danh hiệu ngài và lấy tên tự là Trừng Ấn. Rồi tôi trình bày chỗ hiểu lên thầy Vô Cực. Ngài bảo tôi, “À thế là con muốn theo con đường Hoa Nghiêm! Hay! Nhưng con có biết tại sao ngài lấy hiệu là Thanh Lương. [Trong và Mát] không? Bởi vì ngài thường ở trên núi Thanh Lương, núi hè thì mát mùa đông thì băng giá”. Từ lúc ấy dù khi đi hay đứng, tôi đều thấy trước mặt một thế giới kỳ diệu của băng tuyết. Tôi quyết sẽ đến trụ ở ngọn núi ấy; không gì trên thế gian có thể mê hoặc tôi được nữa. Cái khao khát lìa bỏ thế giới này không ngớt bừng dậy trong tôi.

Vào ngày 16 tháng Giêng, 1565, khi tôi hai mươi tuổi, Đại Sư qua đời. Vài hôm trước khi ngài thị tịch, ngài cho gọi tất cả tăng chúng và dạy: “Ta đã tám mươi ba tuổi. Chẳng bao lâu ta sẽ lìa bỏ cõi này. Ta có khoảng tám mươi đệ tử, nhưng kẻ sẽ nối tiếp Đạo Pháp của ta chính là Hám Sơn. Sau khi ta đi, các con phải nghe lệnh chú ấy chỉ vì đừng sơ hốt mệnh lệnh của chú ấy chỉ vì vấn đề tuổi tác ”. Vào ngày mùng bẩy Tết Đại Sư tôi, đắp y, gọi từng chúng vào phòng từ biệt. Chúng tôi đều hết sức ngạc nhiên về hành động này. Ba hôm sau ngài giải quyết mọi việc và lập di chúc. Lúc ấy ngài chỉ có vẻ ốm nhẹ. Chúng tôi đem thuốc cho ngài, nhưng ngài không nhận, nói, “Ta sắp đi rồi uống thuốc để làm gì chứ?”. Đoạn ngài cho họp tất cả chúng trong tự viện và bảo họ tụng danh hiệu Đức Phật A Di Đà cho ngài. Chúng tôi tụng như thế năm ngày năm đêm. Tràng hạt trong tay, ngài ngồi kiết già, bình tĩnh niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà mà thoát. Không lâu sau khi ngài thị tịch căn phòng mà ngài đã ở suốt ba mươi năm bị lửa cháy rụi, như thế báo một điềm triệu cho các môn đồ của Ngài.

Vào tháng mười năm đó Thầy Vân Cốc mở một “Thiền Hội”. Ngài chiêu tập năm mươi ba trưởng lão danh tiếng khắp nước để hiển thị và truyền bá giáo lý thiền định qua pháp môn tu tập thực tiễn. Nhờ sự tiến cử của Thầy Vân Cốc tôi được nhập hội. Thoạt đầu tôi không biết phải dụng công như thế nào và rất khổ sở vì sự vô minh của mình. Sau khi đốt hương dâng thầy, tôi xin ngài chỉ dạy. Trước tiên ngài dạy tôi tham công án “Ai là kẻ niệm danh hiệu Phật Di Đà?”. Tôi thiền định suốt ba tháng kế tiếp tham công án này mà không hề khởi vọng niệm; như thế là tôi chìm trong một giấc mộng. Suốt thời kỳ này tôi chẳng chú ý tới bất cứ ai trong hội hoặc bất cứ gì xẩy ra quanh tôi. Nhưng trong vài ngày đầu dụng công tôi quá bất an và nóng ruột. Vì quá phát phẫn tham cứu như thế, một mụn nhọt mọc trên lưng tôi sưng to và nhức nhối vô cùng. Thầy tôi động lòng thương hại tôi lắm. Tôi bèn khoác một khăn choàng quanh vai và thành tâm cầu nguyện Hộ Pháp, khấn nguyện như sau, “Tai ách này là một nghiệp chướng tiền kiếp mà kiếp này tôi phải trả. Nhưng để tôi có thể hoàn thành được thời tham Thiền này, xin ngài đình hoãn tội nghiệp này đến một thời sau. Trước ngài là nhân chứng, tôi hứa xin trả nghiệp sau Thiền kỳ này, và xin nguyện tụng thập bộ Hoa Nghiêm để tỏ lòng biết ơn”. Tôi nguyện như vậy. Cảm thấy quá mệt mỏi, chiều ấy tôi đi ngủ, cho đến lúc hết giờ Thiền mà vẫn không thức dậy. Hôm sau thầy hỏi, “Bệnh con ra sao?”. Tôi đáp, “Con chẳng cảm thấy khó chịu gì nữa”. Ngài bèn nhìn lưng tôi và thấy rằng mụn đã khỏi. Tất cả tăng chúng đều xúc cảm vì khâm phục và kinh ngạc. Vì thế tôi mới hoàn thành được Thiền kỳ.

Khi Thiền Hội chấm dứt, lúc nào tôi cũng cảm thấy vẫn còn nghiễm nhiên toạ Thiền, ngay cả khi đi lại trong chốn chợ triền.

Vào 1566 tôi hai mươi mốt tuổi. Mùa đông năm ấy tôi nghe thầy Vô Cực giảng kinh Pháp Hoa. Tôi đã quyết định đi ẩn để tu Thiền trong một thời kỳ và tìm kiếm một Thiền hữu thích hợp, nhưng không tìm ra được. Tuy nhiên, một hôm tôi gặp một du tăng tên Diệu Phong, có vẻ là một người lạ lùng và thành thật. Nhưng vài hôm sau ông lẳng lặng rời tự viện đi; có lẽ ông sợ thân thiện với tôi quá có thể cản trở sự tự do của ông.

Vào 1571 tôi hai mươi sáu tuổi. Năm đó tuyết rơi dữ, và khi đến Giang Châu tôi ốm nặng. Sau khi ốm một thời gian, tôi phải đi khất thực ngoài phố, nhưng chẳng ai cho gì tôi cả. Tôi thắc mắc tự hỏi, “Tại sao không ai chịu cho tôi thực phẩm?”. Bỗng nhiên, tôi nhận ra rằng tôi còn một ít tiền bạc trong túi. Tôi bèn qui tụ tất cả những tu sĩ và đạo sĩ không kiếm được thức ăn vì tuyết, và mua thức ăn cho họ trong một quán ăn, tiêu hết cả số tiền tôi có. Sáng hôm sau khi tôi ra phố lần nữa, tôi xin được đồ ăn chẳng chút khó khăn. Tôi quá hoan hỉ đến nổi tự thán, “Bây giờ sức mạnh tôi đủ để chống lại sức nặng ngàn cân!”.

Vào năm 1574 tôi hai mươi chín tuổi. Tôi lại gặp Diệu Phong ở kinh sư lần nữa. Tháng chín năm ấy chúng tôi đi Hà Đông. Vị Trưởng quan Trần công trở thành thí chủ chân thành của chúng tôi. Ông cúng một số tiền để làm khuôn ấn loát sách Triệu Luận. Tôi điều khiển và kiểm soát việc ấn loát cho ông.

Tôi đã từng gặp khó khăn không hiểu nổi luận “Vật Bất Thiên” của Triệu, nhất là phần về Toàn Lam và Yển Nhạc mà tôi đã thắc mắc bao năm nay. Nhưng lần này khi xem đến chỗ vị Phạm Chí già trở về nhà sau khi làm tăng cả đời và nghe hàng xóm la, “Ồ, xem kìa cái người ngày xưa vẫn còn!” và vị Phạm Chí trả lời, “Không đâu, trông tôi có thể giống người xưa ấy nhưng thật ra tôi không phải là hắn”. Tôi hoát nhiên ngộ. Đoạn tôi tự nhủ, “Thật ra, vạn pháp nào có lai khứ! Ôi, chân lý này đúng biết nhường nào!”. Tôi lập tức rời chỗ ngồi ra lạy Phật. Đang khi đảnh lễ tôi cảm thấy, “Chẳng có động khởi”. Tôi bèn vẹt màn cửa và ra đứng ở bục bên ngoài. Một cơn gió bỗng thổi qua cây cối trong sân, cuốn lá bay lên trời. Tuy nhiên, trong khi nhìn lá bay, tôi chẳng cảm thấy có gì động cả. Tôi tự nhủ: “Đây chính là ý chỉ của Toàn Lam và Yển Nhạc. À giờ đây ta hiểu rồi!”. Từ đó trở đi, vấn đề sinh tử -mối nghi “sinh tùng há lai, tử tùng há khứ”- hoàn toàn thấu suôt. Tôi liền làm một bài kệ:

 

Sinh tử ngày đêm,

                                    Nước trôi hoa tạ.

                                    Hôm nay mới biết,

                                    Lỗ mũi hướng hạ.

 

                                    Sinh tử trú dạ,

                                    Thuỷ lưu hoa tạ.

                                    Kim nhật phương trí,

                                    Tỉ khổng hướng hạ.

 

Buổi sáng ngày thứ hai sau kinh nghiệm này, Diệu Phong vào thấy tôi hoan hỉ, thốt lên, “Ông đắc được gì vậy?”. Tôi đáp, “Đêm qua thấy hai con trâu sắc húc nhau trên bờ sông cho đến khi cả hai đến nhào xuống sông. Đến nay tuyệt chẳng còn nghe gì về chúng”. Diệu Phong nói, “Mừng cho ông đã có đủ ‘vốn’ để trụ trên núi rồi”.

Không lâu sau đó Thiền Sư Pháp Quang mà lâu nay tôi rất hâm mộ cũng đến. Tôi rất hoan hỉ có dịp này để gặp và học hỏi với ngài. Sau khi trao đổi vài lời tôi rất cảm kích và xin ngài thuỳ thị. Ngài bảo tôi phải tham Thiền bằng cách ly tâm, thức, cảm thụ, và tôi cũng phải lìa cả hai con đường học cả thánh lẫn phàm. Tôi được lợi rất nhiều nhờ lời dậy của ngài. Khi ngài nói, tiếng sang sảng như trống trời. Lúc ấy tôi nhận ra rằng lời nói và cách cư xử của bậc đã thực sự ngộ Chân Tâm hoàn toàn khác với lời nói và cách cư xử của kẻ thường nhân.

Một hôm sau khi đọc mấy bài thơ của tôi; thầy Pháp Quang thở dài, “Đây thật là thơ hay. Biết tìm ở đâu ra những vần tuyệt diệu như vậy? Vâng, những bài thơ này hay, nhưng vẫn còn một lỗ hổng chưa được khai mở”, ngài cười. Tôi hỏi, “Thưa thầy, thầy có khai mở lỗ hổng ấy chưa?”. Ngài đáp, “Ba mươi năm nay tôi bẫy cọp và bắt rồng, nhưng hôm nay một con thỏ ra khỏi bụi cỏ làm tôi sợ muốn chết!”. Tôi nói, “Thầy đâu có phải là người bẫy được cọp bắt được rồng!”. Thầy giơ phất trần định đánh tôi, tôi liền giựt lấy và nắm râu dài của thầy nói, “Thầy bảo là một con thỏ, nhưng thật ra đó là một con ếch!”. Thầy cười và để tôi đi.

Một hôm Thầy nói với tôi, “Ông không cần phải đi đến một nơi xa để kiếm một Thiền Sư. Hy vọng ông sẽ trở lại với lão già này để chúng ta có thể cùng mục ngưu”. Tôi nói với Thầy, “Tài trí, hùng biện và kiến giải Phật học của thầy chẳng hề sút kém Đại Huệ. Tuy nhiên, thầy có nhiều hành động lạ thường làm con không hiểu nổi. Con để ý thấy tay thầy luôn luôn đong đưa, và miệng thầy không ngớt lẩm bẩm như thể đang đọc hoặc tụng cái gì. Tóm lại, hành động của Thầy có phần giống một người điên. Tại sao lại như vậy?”. Thầy Pháp Quang nói, “Đó là Thiền bệnh của tôi. Khi kinh nghiệm ‘Ngộ’ đến lần thứ nhất, tự động và lập tức thơ và kệ vuột khỏi miệng tôi, giống một con sông tuôn chảy ngày đêm không ngừng. Tôi không dừng được, và từ đó tôi mắc phải Thiền bệnh này”. Tôi hỏi, “Người ta có thể làm gì khi nó mới phát?”. Ngài đáp, “Khi Thiền bệnh này mới thoạt phát, phải lập tức lưu ý đến nó, một Thiền Sư phải chữa cho đệ tử lập tức bằng cách phải đánh hắn thật đau và đánh cho bệnh đó thoát ra. Đoạn Thiền Sư phải làm đệ tử ấy ngủ. Khi dậy hắn sẽ khỏi bệnh vào lúc đó”.

Vào năm 1575 tôi ba mươi tuổi. Tôi đi Ngũ Đài Sơn với Diệu Phong. Chúng tôi ở phía bắc Long Môn. Vào ngày 3 tháng 3 chúng tôi dọn sạch tuyết ở một căn nhà cũ có mấy phòng và ở đó. Những rặng núi đầy tuyết phủ vây chỗ ở của chúng tôi. Đây đúng là nơi mơ tưởng hằng bao nhiêu lâu nay. Tôi thấy an lạc như thể là tôi vào Niết Bàn. Cả thân tâm thấy nhẹ nhàng an ổn.

Một thời gian sau Diệu Phong đi Nguyệt Đài tôi ở lại một mình. Tôi định tâm vào một ý tưởng và không nói với ai cả. Nếu có ai đến cửa thì tôi chỉ nhìn mà không nói gì cả. Một thời gian sau, bất cứ khi nào nhìn thiên hạ, tôi thấy họ như những khúc gỗ chết khô. Tâm tôi rơi vào một cảnh giới mà tôi không nhận ra lấy một chữ. Hồi mới bắt đầu Thiền kỳ này, khi nghe tiếng bão hú và tiếng băng đập vào núi, tôi rất xao động. Tiếng huyên náo như thể là tiếng hàng ngàn binh sĩ và ngựa lâm trận. [Sau] tôi hỏi Diệu Phong về việc ấy. Sư đáp, “Tất cả cảm tình phát xuất từ tâm; không phải ở ngoài tới. Ông không nghe các bậc cổ đức nói – Ba mươi năm nghe tiếng nước chảy, mà không chuyển ý căn thì thế nào cũng chứng Quan Âm Viên Thông”. Tôi bèn lên cầu gỗ trơ vơ ngồi Thiền ở đó mỗi ngày. Thoạt đầu tôi nghe tiếng suối chảy rất rõ, nhưng dần dần tôi chỉ nghe thấy, nếu tôi muốn nghe.

Nếu tâm động, tôi còn nghe thấy tiếng nước, nếu tâm tĩnh tôi chẳng nghe gì cả. Một hôm, trong khi ngồi trên cầu, tôi quên là mình có thân. Nó đã biến mất cùng với các âm thanh chung tôi. Từ ấy tôi không còn bị tiếng động gì quấy rầy nữa.

Thức ăn thường ngày của tôi là cháo cám, cỏ hoang và nước cơm. Khi tôi mới đến núi này có người cho hai, ba thưng gạo, có thể ăn được hơn sáu tháng. Một hôm sau khi ăn cháo xong đi kinh hành. Bỗng nhiên tôi đứng lặng, thấy mình không còn thân tâm. Tôi chỉ thấy một Toàn Thể chiếu diệu – biến tại, viên mãn quang minh. Như đại viên kinh mà sơn hà đại địa chỉ là ảnh hiện trong ấy. Sau khi bừng tỉnh khỏi kinh nghiệm ấy, tôi thấy thân tâm “trạm nhiên” như thể không có, bèn làm kệ:

 

                                   Hốt nhiên, tâm thôi vọng động;

                                    Nội thân, ngoại cảnh – trạm nhiên,

                                    Sau lần chuyển thân,

Thấu thoát cái không lớn.

                                    Ôi! Vạn pháp thung dung lai khứ!

Từ đó trở đi, cả kinh nghiệm nội lẫn ngoại lại trở nên trong suốt. Các âm thanh, tiếng nói, hình ảnh, cảnh vật, sắc tướng, và đối tượng không còn là trở ngại nữa. Tất cả những mối nghi trước đây đều tiêu tán. Khi tôi về trù phòng, tôi thấy cái nồi lớn phủ đầy bụi. Nhiều ngày đã trôi qua suốt cái kinh nghiệm ấy mà tôi không hay biết, vì chỉ có riêng mình với mình.

Mùa hè năm ấy Tuyết Lương từ bắc đến thăm tôi, nhưng Sư chỉ ở lại có một ngày, vì không chịu nổi cái lạnh lẽo và ảm đạm nơi chốn ẩn cư cô quạnh của tôi.

Vào 1576 tôi ba mươi mốt tuổi. Mặc dù tôi đã đạt được kinh nghiệm “Ngộ” này, không có thầy để chứng cho. Vì thế, tôi đọc kinh Lăng Nghiêm [surangana] với hy vọng khảo sát lại cái kinh nghiệm “Ngộ” của mình bằng Kinh này. Vì tôi chưa từng đọc kinh này với thầy nào cả, nên tôi không biết trong kinh nói gì. Tôi quyết định đọc kinh, chỉ dùng trực giác, và dừng đọc bất cứ khi nào lý luận trí thức dù chỉ rất nhỏ khởi dậy. Tôi đọc kinh như thế suốt tám tháng và liễu tri được nghĩa thú của kinh.

Vào tháng mười năm ấy thí chủ của tôi, Hồ binh sứ, mời tôi ngụ ở nhà ngài. Bạn ngài, Cao tiên sinh yêu cầu tôi víết cho một bài thơ. Tôi đáp, “Hiện giờ trong tâm tôi không có lấy một chữ. Làm sao tôi làm thơ được?”. Tuy nhiên, cả tiên sinh và Hồ binh sứ khẩn khoản nài nỉ tôi viết cho một bài thơ. Họ khẩn khoản mãi, tôi không từ chối được. Tôi bèn liếc qua vài sách thơ cổ kim để kích thích tư tưởng. Trong khi tình cờ lật những trang sách, tâm tôi bỗng tập trung vào cảm hứng. Nguồn thơ lai láng, nên chỉ vài phút sau, khi Hồ binh sứ trở lại, tôi nhận ra đã viết có đến hai mươi bài thơ. Bỗng tôi nhận ra sự nguy hiểm của việc này và tự cảnh giới: “Coi chừng, đây đúng là con ma ngôn ngữ, cái tư tưởng tập quán của ngươi đang mê hoặc ngươi đấy!”. Lập tức tôi ngừng viết. Tôi chỉ đưa một bài thơ cho Cao tiên sinh và giữ bí mật những bài còn lại. Tuy nhiên, hình như tôi không ngừng được sự tuôn trào của cảm hứng mà tôi đã khơi. Như thể là tất cả thơ, sách vở ngôn cú mà tôi từng học hoặc thấy trong đời tôi đồng loạt hiện tiền, tràn đầy không gian. Dù cho tôi có ngàn miệng khắp thân thể đi nữa, tôi cũng không nói hết cho được. Bàng hoàng, tôi không còn phân biệt được đâu là thân đâu là tâm. Tự quan sát, tôi có cảm tưởng như tôi sắp bay vọt. Tôi không biết phải làm gì.

Sáng hôm sau tôi tự nghĩ, “Đây đúng là cái mà thầy Pháp Quang gọi là Thiền bệnh. Hiện mình đang bị rơi vào đó. Ôi, ai có thể chữa khỏi cho mình? Bởi vì không có ai ở đây có thể chữa được, thôi thì chỉ còn biết ngủ – ngủ lâu và ngon hết sức. Nếu mình ngủ được vậy hẳn là may mắn biết nhường nào!”. Tôi cài cửa thật chặt và cố vỗ giấc ngủ. Nằm không ngủ được, tôi bèn ngồi kiết già. Chả mấy chốc tôi quên mình là đang ngồi và ngủ thiếp đi một cách ngon lành. Một thời gian sau, thằng tiểu đồng gõ cửa, nhưng không làm tôi trả lời được. Nó cố mở cửa, nhưng thấy cửa đóng kín. Khi Hồ binh sứ trở về, hay chuyện này, ngài sai thằng nhỏ trèo cửa sổ vào. Cuối cùng, vào được trong buồng, họ thấy tôi ngồi đó bất động. Họ thử lay tôi, nhưng không làm thân tôi chuyển được. Lúc ấy Hồ binh sứ thấy một chiếc chuông nhỏ nằm trên bàn. Ngài nhớ một lần tôi dặn ngài trong trường hợp cấp bách chuông được dùng để đánh thức một Thiền giả khỏi cơn thiền định. Lập tức ngài giơ chiếc chuông ngang tai tôi lắc nhẹ nhiều tiếng. Dần dần tôi thức tỉnh. Khi mở mắt ra, tôi không biết tôi đang ở đâu và tại sao tôi lại ở trong vị trí này. Hồ binh sứ nói với tôi, “Từ khi tôi ra đi cái buổi sáng hôm đó, Đại Sư vẫn ngồi trong buồng này. Đã năm hôm rồi”. Tôi nói, “Sao, tôi tưởng chỉ mới khoảng bằng thời gian hơi thở ra vào”. Tôi mặc toạ và bắt đầu quan sát chung quanh, vẫn chưa chắc chắn là tôi đang ở đâu. Đoạn tôi nhớ lại những kinh nghiệm đã qua, và cả các kinh nghiệm ấy lẫn các kinh nghiệm hiện tại hình như là các biến cố trong mộng – không còn đạt đến được hay hiện hữu nữa. Bất cứ gì đã làm phiền não tôi biến mất như mây đen trước một bầu trời trong trẻo. Tất cả không gian trong suốt như thể vừa được tẩy rửa. Tất cả những hình ảnh bóng dáng tan dần vào cái không khoảng khoát thanh tịnh. Tâm tôi quá trống trải, thế gian quá êm đềm, niềm vui quá to tát, chữ nghĩa không thể nào mô tả được. Tôi bèn viết bài thơ như sau:

 

                        Khi nào hoàn toàn bình tịnh,

                        Ta đạt được Chân Giác.

                        Vì mặc chiếu dung nhiếp cả không gian

                        Ta nhìn lại được thế gian,

                        Chỉ toàn đầy mộng huyễn!

                        Ôi! Hôm nay ta thực sự liễu ngộ

                        Giáo lý của đức Phật chân thật dường nào!

 

Vào năm 1579 tôi ba mươi bốn tuổi. Tôi mải miết chép kinh. Trong khi chép, mỗi một nét chữ mỗi một chấm câu, tôi niệm danh hiệu Phật một lần. Bất cứ khi nào các người tăng và tục đến tự viện thăm tôi, tôi nói chuyện với họ trong khi vẫn chép kinh. Nếu có ai hỏi, tôi trả lời không lưỡng lự. Tuy nhiên, công việc của tôi không bao giờ bị cản trở, mà tôi cũng chẳng bao giờ chép sai vì nói chuyện. Tôi làm thế thường ngày như một thói quen, vì trong thâm tâm tôi không còn mảy may dấu tích của động hay tĩnh. Điều này làm nhiều người lân cận hoài nghi lấy làm ngạc nhiên lắm. Nên một hôm họ rủ đông người đến thăm tôi và cố tình làm những việc để rối trí và làm lạc sự chú ý chép của tôi. Sau cuộc viếng thăm tôi cho họ xem bản văn tôi chép; và khi họ thấy bản văn không có lấy một lỗi, họ đều tin. Họ hỏi Diệu Phong về thành tích của tôi. Diệu Phong đáp, “Ồ, có gì đâu! Chỉ vì bạn tôi quá quen với pháp môn định [samãdhi] đặc biệt ấy. Có vậy thôi”.

Trong khi ở núi chép kinh, tôi luôn luôn có những giấc mơ kỳ diệu. Một đêm tôi mơ tôi vào hang Kim Cương. Trên cửa hang bằng đá, có khắc “Đại Trí Điện”. Khi tôi bước vào, một khoảng mênh mông mở rộng. Những lâu đài nguy nga trang nghiêm sừng sững trước tôi. Trong lâu đài ở giữa chỉ có một toạ cụ vĩ đại, trên đó Đại Sư Thanh Lương nằm, trong khi bạn tôi Diệu Phong đứng cạnh làm thị giả. Lập tức tôi sụp lạy trước ngài, đoạn đứng bên trái ngài. Rồi Thanh Lương Đại Sư giảng giáo lý Hoa Nghiêm cho chúng tôi. Trước hết ngài giảng Nhập Pháp Giới Viên Dung Quang Cảnh. Ngài giảng sự tương nhập của vô lượng Phật sát và sự “tương dung” của Chủ, Bạn – Cảnh Giới khứ lai bất động. Ngài giảng đến đâu, cảnh giới hiện tiền lập tức. Nhờ thế tôi hiểu sự tương nhập của thân tâm. Sau bài pháp, Diệu Phong hỏi, “Đây là cảnh giới phi cảnh giới”. Khi tỉnh dậy tôi thấy thân tâm trạm nhiên hài hoà – không còn trở ngại và hoài nghi.

Một đêm khác tôi mơ thấy thân tôi bày lên trời, trôi nổi trên vòm trời cao ngất. Đoạn tôi từ từ đáp xuống một nơi mà tôi chẳng thấy có gì cả. Ở đó mặt đất trong suốt, như một mặt kính pha lê vĩ đại. Tôi nhìn về nơi xa tít có một lâu đài nguy nga, lớn đến nổi choáng cả bầu trời. Tất cả các biến cố, tất cả thiên hạ và hành động của họ, kể cả những chuyện tầm phào nơi chợ triền đều phản chiếu và hiển hiện trong toà lâu đài mênh mông ấy. Ở giữa có một toà to cao, mầu tím. Tôi tự nhủ, “Đây hẳn phải là Kim Cương toà. Sự rực rỡ của toà nhà này, đến mức mà trí tưởng tượng của con người không hình dung nổi. Hoan hỉ được ngắm một cảnh tuyệt như vậy, tôi muốn đến gần lâu đài. Đoạn tôi nghĩ, “Làm thế nào mà những sự thể bất tịnh và tầm thường của thế gian lại được hiển hiện trong toà lâu đài thanh tịnh và thiêng liêng này?”. Ngay khi ý tưởng này khởi lên, toà lâu đài dang xa khỏi tôi. Tôi bèn nói, “Tịnh hay bất tịnh, đều do tâm mình!”. Lập tức toà lâu đài hiện ra gần gũi.

Sau một lát tôi nhận thấy có nhiều tăng thị giả tất cả đều cao lớn duyên dáng và đẹp đẽ đứng trước Đại Toà. Bỗng một ông tăng từ sau toà xuất hiện cầm một cuốn kinh trong tay và nói với tôi, “Thầy sẽ giảng kinh này. Thầy sai tôi đưa kinh cho ông”. Tôi nhận kinh và quan sát, thấy kinh toàn viết bằng chữ Phạn – một ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Tôi bèn hỏi ông tăng, “Thầy là ai?”. Ông tăng đáp, “Di Lặc Bồ Tát”. Theo chân ông tăng tôi leo những bậc lên một bục cao tôi đứng lặng ở đó mắt nhắm, thấy vừa hồi hộp vừa hoan hỉ. Nghe tiếng chuông ngân; tôi thấy Di Lặc Bồ Tát đã lên gần đến Toà. Tôi đãnh lễ. Gương mặt ngài rực rỡ ánh vàng không gì trên thế gian này sánh được. Rõ rệt rằng tôi là khách danh dự và Di Lặc Bồ Tát sẽ giảng kinh này đặc biệt cho tôi. Tôi quỳ xuống và mở kinh ra thì nghe ngài nói, “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Dựa vào Thức là Nhiễm, dựa vào Trí là Tịnh. Nhiễm tất có sinh tử; Tịnh hẳn có chư Phật”. Bỗng nhiên cả thân lẫn tâm thấy trống không, và tôi tỉnh giấc với tiếng ngài còn vẳng bên tai. Từ ấy tôi thấu triệt được sự dị biệt giữa Thức và Trí. Tôi biết tôi đã lên cõi Trời Đâu Suất – Cung điện của Đức Di Lặc.

Một đêm khác tôi mơ thấy như vầy: một ông tăng đến nói với tôi, “Văn Thù Bồ Tát mời ông tham dự mộc dục hội ở Bắc Sơn. Xin theo tôi”. Tôi đi theo và thấy mình ở trong một ngôi điện mênh mông hương trầm ngào ngạt. Tất cả các tăng thị giả đều là người Ấn. Đoạn tôi được hướng dẫn đến chỗ tắm. Sau khi cởi y tôi vừa định xuống hồ thì tôi nhận thấy có người dưới hồ. Quan sát gần hơn, tôi tưởng người ấy là đàn bà. Tôi gớm tởm tần ngần không muốn xuống hồ. Lúc ấy người dưới hồ để lộ thân thể rõ hơn. Bấy giờ tôi mới nhận ra đó là thân thể một người đàn ông, chứ không phải của đàn bà. Tôi bèn xuống hồ và tắm với người ấy. Bàn tay người ấy múc nước lên và rưới lên đầu tôi. Nước ngấm vào đầu và thân thể tôi, chẩy xuống khắp ngũ tạng và rửa chúng như người ta rửa sạch thịt và lòng trước khi nấu. Thân tôi được thanh tẩy đến nỗi tất cả tạng phủ đều biến mất: chẳng còn lại gì nơi tôi ngoại trừ một khung da. Thân tôi trở lên trạm nhiên, trong suốt như pha lê.

Đồng thời người trong hồ đó gọi, “Đem trà”. Lúc ấy một ông tăng Ấn xuất hiện, cầm nửa cái sọ người, trông giống như nửa trái dưa hấu nhưng nhỏ từng giọt tuỷ vào não. Thấy tôi ghê tởm ông tăng lấy tay múc đồ trong sọ ra, hỏi “Cái này là bất tịnh sao?”. Lập tức ông cho vào miệng và nuốt. Ông tiếp tục múc và uống như thế như thể uống một thứ nước ngon ngọt. Khi chỉ còn lại một ít nước và máu trong sọ, người trong hồ nói với ông tăng, “Bây giờ có thể cho thầy ta uống được rồi”. Ông tăng đưa cho tôi cái sọ và tôi uống. Mùi vị nó như một loại cam lồ ngon nhất. Sau khi tôi uống, chất nước ấy chẩy khắp thân thể tôi, đến tận đầu mỗi sợi lông. Sau khi uống xong, ông tăng Ấn lấy tay chà sát lưng tôi. Bỗng nhiên ông vỗ mạnh vào lưng tôi làm tôi tỉnh mộng. Thân thể toát mồ hôi như thể mới tắm. Từ lúc ấy trở đi thân và tâm tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng an ổn khó mà mô tả cảm giác ấy bằng lời nói được. Tôi rất thường trải qua những giấc mộng và điềm lành. Qua những giấc mộng tôi thường gặp các bậc Thiện Tri Thức và nghe chư Phật thuyết pháp. Càng dần tôi càng thâm tín sự chân thật của giáo lý Đức Phật.

Vào 1581 tôi ba mươi sáu tuổi. Tôi nguyện khai một Pháp Hội vĩ đại. Cũng năm ấy Diệu Phong đã thích máu chép trọn Kinh Hoa Nghiêm, Sư cũng muốn lập một Pháp Hội vô phân biệt. Để thực hiện mục đích Sư lên kinh sư quyên tiền. Trong một thời gian ngắn thu được tiền và thực cao tăng khắp nước đến dự Hội. Tất cả các vấn đề quản lý, như chuẩn bị đồ tiếp tế và lương thực, chỗ ở, vân vân, đều do một tay tôi lo liệu. Tôi bận bịu đến nỗi suốt chín mươi ngày đêm tôi không có dịp để ngủ. Vào một ngày tháng mười Diệu Phong đến với năm trăm vị tăng. Tất cả Pháp Hội kể cả trong lẫn ngoài có khoảng một ngàn người. Tất cả tiện nghi, đồ tiếp viện, và thực phẩm đều đâu vào đấy. Suốt cuộc hội không hề có thiếu thốn hay mâu thuẫn.

Trong bẩy ngày đầu tiên chúng tôi tổ chức một hội cầu nguyện cho các sinh linh ở dưới nước cũng như ở trên cạn suốt thời gian này tôi không ăn lấy một hạt cơm, mà chỉ uống nước. Mỗi ngày tôi lo thay năm trăm bàn đồ cúng Phật, tất cả đều hoàn hảo mỹ mãn. Thiên hạ không hiểu làm sao tôi có thể làm được; họ tin rằng tôi phải có thần thông. Nhưng thật ra, tôi biết tôi đủ sức làm vậy nhờ ân điển của Đức Phật.

Vào 1582 tôi ba mươi bẩy tuổi. Mùa xuân năm ấy tôi giảng kinh Hoa Nghiêm trong một trăm ngày. Thính chúng từ mười phương đến trên mười ngàn. Chúng tôi đều ăn ở cùng chỗ và vào cùng giờ, nhưng không một ai gây tiếng ồn hoặc thốt ra một lời trong khi ăn. Tất cả mọi thức trong buổi giảng này đều do mình tôi trông nom, vì thế làm sức khoẻ tôi sa sút. Sau Hội tôi kiểm soát lại quỹ. Còn lại khoảng mười ngàn đồng tiền, tôi trao lại cho tự viện. Rồi tôi ra đi với Diệu Phong, chẳng đem gì theo ngoại trừ một bình bát để khất thực.

Vào 1586 tôi bốn mươi mốt tuổi. Sau một thời gian dài hành cước và làm việc, tôi đã có thể ở yên trong liều mới cất của riêng tôi. Cả thân tâm được ngơi nghỉ nên tôi bắt đầu cảm thấy an lạc kỳ diệu. Một buổi chiều trong khi thiền định tôi thấy rõ rệt cái Toàn Thể Chiếu Diệu, trong suốt, trạm nhiên, trống không, và minh nhiên như một đại dương trong vắt – chẳng có gì hiện hữu! Tôi liền thốt ra bài kệ sau:

 

                        Biển lặng trời thanh tuyết nguyệt quang,

                        Bên trong phàm thánh tuyệt hành tàng.

                        Mắt kim cương mở không hoa rụng;

                        Đại địa đều qui tịch diệt tràng!

 

Sau kinh nghiệm này tôi trở về phòng. Trên bàn tôi có cuốn Kinh Lăng Nghiêm. Tôi tình cờ mở ra và gặp câu văn như sau:

“Rồi ông sẽ thấy cả thân lẫn tâm, cùng với núi, sông, không gian, và trái đất của thể giới bên ngoài thẩy đều ở trong cái chân Tâm linh diệu này”.

Bỗng nhiên chỉ thú của cả cuốn kinh liễu ngộ rõ rệt trong tâm tôi và hiện ra linh động trước mắt tôi. Tôi liền viết một tiểu luận “Lăng Nghiêm Huyền Cảnh”, trong khoảng thời gian một cây nến cháy. Tôi vừa viết xong thì Thiền đường mở cửa. Gọi vị duy na vào, tôi cho ông đọc luận tôi vừa viết. Khi nghe ông đọc tôi cảm thấy như tôi nghe những ngôn ngữ từ một giấc mộng.

Vào 1589 tôi bốn mươi bốn tuổi. Vào năm này tôi bắt đầu đọc Đại Tạng. Tôi cũng giải Kinh Pháp Hoa và Khởi Tín Luận.

Từ ngày rời Ngũ Đài Sơn tôi đã có ý định về thăm song thân, nhưng tôi sợ bị những hệ luỵ thế gian làm mờ mắt. Lúc ấy tôi tự xét mình kỹ lưỡng để quyết định xem tôi đủ sức về thăm cha mẹ hay không. Một buổi chiều trong khi thiền định, tôi ngẫu nhiên thốt ra bài kệ sau:

Ngày sau sóng nổi ngập thái không,

                        Chim cá cùng bơi một kinh trong.

                        Đêm qua trăng bỗng rụng bên trời,

                        Sáng bừng như lẫn ngọc ly long.

 

Lập tức tôi gọi thị giả và bảo ông ta, “Bây giờ tôi có thể về quê thăm cha mẹ được rồi!”.

Báo Ân Tự ở quận nhà tôi, từ lâu nay đã xin trọn bộ Đại Tạng. Vào tháng mười tôi đi kinh sư để xin cho người đồng xứ. Hoàng đế ban cho trọn bộ Đại Tạng. Theo hộ tống đến Long Giang, về đến Báo Ân Tự vào tháng mười một. Trước khi tôi về tới tháp trong chùa phóng quang suốt mấy ngày. Vào ngày kinh về tới ánh sáng biến hình như một chiếc cầu vòng trải từ trời xuống đất. Tất cả đều cho đó là điềm hiếm có và lành.

Trong khi đó mẹ già nghe tin tôi về. Bà sai người đến hỏi xem khi nào tôi về thăm nhà. Để trả lời tôi nói là Triều Đình phái tôi hộ tống kinh, chứ không phải để về nhà. Tuy nhiên, nếu mẹ tôi có thể tiếp tôi một cách vui vẻ không hề khổ não, như thể tôi chưa từng rời bà, thì tôi sẽ ở nhà hai đêm. Khi mẹ tôi nghe những lời ấy, bà thốt lên: “Đây thật là một cuộc gặp gỡ [bất ngờ], giống như tìm lại được một người nhà trong một kiếp khác! Quá hoan hỉ làm sao ta còn có thì giờ để đau khổ? Ồ, ta sẽ rất hài lòng gặp con ta, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Hai đêm ở nhà hơn ta mong mỏi quá nhiều!”.

Khi tôi đến nhà mẹ tôi vui quá. Bà chẳng lộ vẻ buồn khổ gì cả. Nơi bà tôi chỉ thấy niềm vui. Điều này làm tôi ngạc nhiên nhiều lắm.

Vào buổi chiều các huynh trưởng trong họ hàng đến. Một người họ hàng hỏi, “Thầy đến bằng thuyền hay bằng đường bộ?”. Mẹ tôi lập tức trả lời: “Nói bằng thuyền hay bằng đường bộ là ngụ ý gì vậy?”. Người họ hàng nói, “Điều tôi thực sự muốn biết là thầy ấy từ đâu về nhà?”. Mẹ tôi đáp, “Từ không trở về với chúng ta”. Tôi ngạc nhiên nghe bà nói vậy. Trong cơn ngạc nhiên tôi nói, “Chẳng lạ gì mà bà cụ cho tôi đi tu!”. Đoạn tôi hỏi bà, “Từ khi con đi khỏi nhà mẹ có nghĩ tới con không?”. Bà nói, “Dĩ nhiên, làm sao không cho được?”. Tôi bèn hỏi, “Thế mẹ không biết làm gì. Rồi nghe người ta bảo rằng con ở Ngũ Đài Sơn. Mẹ hỏi một thầy tăng nơi đó ở đâu, thầy bảo ở ngay dưới Bắc Đẩu. Thế là mẹ đãnh lễ sao Bắc Đẩu và niệm danh hiệu Bồ Tát. Sau đó mẹ thấy khuây khoả hơn và không còn nghĩ tới con nữa. Rồi thì mẹ cho là con chết rồi – với mẹ không còn khổ não, không còn nghĩ đến con. Bây giờ mẹ gặp con như thể trong một kiếp khác”.

Sáng hôm sau tôi đi thăm mộ tổ tiên và tỏ lòng tôn kính. Tôi cũng chọn địa điểm làm mộ cho song thân. Lúc ấy cha tôi đã tám mươi tuổi. Tôi nói đùa với ông, “Hôm nay con chôn cha như vậy giúp cha khỏi phải trở lại thế gian này lần nữa”. Vừa nói tôi vừa gõ cuốc xuống đất. Mẹ tôi lập tức giựt cuốc khỏi tay tôi và nói, “Để mụ tự đào mồ lấy. Không cần ai lo cho mụ cả”. Rồi bà bắt đầu đào đất một cách vui vẻ.

Tôi ở lại nhà ba hôm. Khi giờ khởi hành đến bà mẹ già tôi vẫn vui vẻ lắm. Đến lúc đó tôi mới nhận thức được hoàn toàn là tôi có bà mẹ là một người đàn bà rất khác thường!

Nhà xuất bản: Kinh Thi

SHARE:

Để lại một bình luận