SHARE:
Ở bất cứ một trường học nào của các quốc gia trên thế giới cũng đều có dạy môn nầy. Ngày xưa tại Việt Nam ở bậc tiểu học có dạy môn: Công Dân Giáo Dục hay Đức Dục. Cứ mỗi sáng Thầy Cô giáo trước khi dò bài học sinh đều viết lên bảng đen một câu cách ngôn hay tục ngữ. Ví dụ:
– Tiên học lễ, hậu học văn
– Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây
– Nhơn bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí, ấu bất học lão hà vi?
– Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn v.v…
Còn rất nhiều câu rất hay, tuy ngắn gọn; nhưng nội dung rất súc tích, nhằm trưởng dưỡng cái tâm của đứa bé khi bước vào lớp; khi trở về nhà phải chào Thầy như thế nào, phải thưa cha mẹ như thế nào trước khi đến trường và sau khi từ trường về v.v… Người ta trước khi học chữ, phải học lễ nghĩa. Đó là cái đạo làm người ngày xưa. Bây giờ có thể khác. Câu “trọng Thầy mới được làm Thầy” ở nhà trường ít có thực hiện. Học trò bây giờ xem ông Thầy nhiều lúc chẳng ra gì cả. Còn Cô giáo thì khổ tâm hơn. Nếu bị học trò ghẹo, nhiều lúc bỏ dạy. Cái “học đường là lò đúc nhân tài” ấy ngày nay nó biến thái rất nhiều rồi.
Ở bậc Trung Học người ta vẫn còn dạy môn Công Dân Giáo Dục và Đạo Đức Học. Ở Nhật ngay cả khi lên bậc Đại Học vẫn còn học môn học đạo đức của người lớn để ứng dụng vào đời khi phải cần xử sự với thế nhân. Khi nhỏ nếu không đi học, lớn lên chẳng biết làm gì là một câu châm ngôn rất hay, để khuyên rằng chúng ta ai ai cũng phải đi học và “không Thầy đố mầy làm nên” là lẽ đương nhiên. Cái gì không có Thầy mà mình làm được thì ở đây có 2 lối giải thích :
– Một là làm bậy, không đâu vào đâu cả
– Hai là mình quá thông minh biệt chúng, không cần Thầy mình vẫn có thể hơn người.
Do đây mà có người thường hay nói: Phật tại tâm, đâu cần phải đi chùa mới có Phật. Câu nói ấy đúng chứ không sai; nhưng cái tâm nầy theo Chu Tử nói: “nó lại bềnh bồng” khó giữ cho cái tâm nầy ở nhà cho yên tĩnh để trở thành Phật được. Đây là lý do mà đứa bé cần phải đi đến trường và cả người lớn cũng phải như thế nữa. Người tín đồ phải đi chùa. Dĩ nhiên đối với Phật Giáo không bắt buộc; nhưng nếu để được đủ tư cách thì phải thêm điều kiện ắt có phía trước là vậy. Thử hỏi ai trong chúng ta có ai không đi học mà biết chữ đâu? Và có ai trong các vị Tổ Sư, các vị A La Hán, các vị Bồ Tát, các vị Phật không hạ thủ công phu, không tu hành nghiêm mật và thành được những bậc khó có trong đời ấy đâu?
Con người mà không có học là không biết cái đạo lý trong cuộc đời. Cái lý đó không phải là cái lý của kẻ mạnh được yếu thua, mà cái đạo lý, cái luân lý, cái thuần phong mỹ tục. Cái ấy đẹp đẽ như bông hoa, như mùi hương là những thứ mà nó thể hiện trọn vẹn ở một cái thân cây sần sùi để mang hương sắc đến tô điểm cho đời. Còn ta cũng vậy, tuy rằng sống trong thế trần nhiều nhiễu nhương nầy; nhưng cũng có thể mang cái học, cái đẹp của đời của đạo để dâng hiến cho đời thì cuộc đời kia mới thêm tươi mát chứ? Trong kinh có câu rằng:
“Nhứt nhơn tác phước thiên nhân hưởng
Độc thọ khai khoa vạn thọ hương”
Nghĩa là:
Một người làm phước ngàn người hưởng
Một cây trổ hoa mười ngàn cây được thơm lây.
Đó là cây phước đức, cây nhân nghĩa, cây hồng, cây thược dược, cây vạn thọ, cây dạ lý hương, cây hoa quỳnh v.v…
Ngọc dầu quý đến đâu mà không giũa không mài nó cũng không thể sáng và đẹp được. Phải siêng năng, phải dụng công. Cũng như thế đó tâm ta dầu là có Phật tánh đi nữa cũng phải luôn luôn lau chùi thì tánh Phật kia mới sáng. Ta và Phật khác nhau rất nhiều; nhưng giống nhau ở tánh Phật. Cũng giống như sóng và nước không giống nhau; nhưng giống nhau ở tánh ướt. Lửa và củi không giống nhau; nhưng giống nhau ở tánh nóng. Nếu không có củi thì lửa sẽ không cháy; nếu lửa không có thì củi cũng trơ trọi một mình. Trong cái nầy nó chứa cái kia và trong cái kia nó chứa cái nọ. Không có vật nào là tự sinh và chẳng có vật nào sống độc lập cả. Ta không thể sống một mình trong thế gian nầy được. Dầu là kẻ sinh ra sống trong rừng không cần đến quần áo để mặc; nhưng phải cần nước để uống, trái cây và thú rừng để ăn. Nếu không thì sẽ chết và một cái gọi là cá thể độc lập ấy nó chẳng có ý nghĩa gì cả với hệ luận dây chuyền của cuộc sống nầy.
Ngôn ngữ chữ Hán nó biểu hiện trọn vẹn được những định nghĩa nầy nên tại đây chúng ta có thể nghiên cứu tìm hiểu đến ý nghĩa của 2 chữ Đạo (道) và chữ Đức (德).
Chữ Đạo chỉ có 2 bộ ghép lại. Đó là bộ Sước (过) và bộ Thủ (首). Bộ Sước (过) có nghĩa là chợt đi, chợt dừng lại, ý nói có lúc di động, có lúc đứng lại. Bộ Thủ (首) có nghĩa là: đầu, như chúa, chức Tổng Thống, Thủ Tướng, kẻ Trùm trưởng, trước nhất, một thiên bài (thơ). Định nghĩa chung chữ Đạo (道) là con đường cái thẳng, một đạo lý mà ai cũng phải noi theo cái lẽ nhất định ấy.
Đức (德) có bộ sách (彳) và 4 chữ sau là thập (十), tứ (四), nhứt (一) và tâm (心). Bộ sách (彳) có nghĩa là bước ngắn, bước chân trái gọi là sách, bước chân phải gọi là xúc. Chữ thập (十) là mười; chữ tứ (四) là bốn; chữ nhứt (一) là một và chữ tâm (心) là tim, là chỗ nghĩ ngợi, tư tưởng, trong 28 sao có một vì sao tâm và cũng có nghĩa là cái gai nữa. Chữ tâm (心) nầy mới là mấu chốt của vấn đề. Cũng cái tâm ấy nó thành Phật thành Tiên, mà cũng cái tâm ấy làm cho con người bị đọa lạc trầm luân khổ ải. Như vậy chữ Đức (德) có nghĩa là đạo đức là cái đạo để lập thân, đức hạnh, thiện, cái khí tốt. Ngày xưa khi còn nhỏ để học thuộc chữ nầy cho dễ dàng chúng tôi đặt thành bài thơ 2 câu để diễn tả chữ ấy thì sẽ thuộc ngay và không bao giờ quên được.
Con cu nó đậu nhành mè (bộ sách)
Chữ thập (十) chữ tứ (四) nhứt (一) đè chữ tâm (心).
Đó là chữ Đức. Như vậy Đạo Đức có nghĩa chung là con đường đạo lý mà con người muốn lập thân phải noi theo cái lẽ nhất định ấy. Đó là Đạo Đức (道 德). Vậy thì ai muốn lập thân, muốn làm lớn, muốn trở thành kẻ dẫn đầu chúng sanh, cầm đầu thiên hạ thì không thể không đi trên con đường đạo đức ấy được. Mà cái đạo đức ấy ngày xưa phải là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bây giờ thì ngược lại thân không tu, gia không tề mà lo đi trị quốc và bình thiên hạ trước. Cho nên xã hội nó đảo điên, gia đình ly tán là phải.
Nếu Phật không chế ra giới luật thì Tăng Ni, Phật Tử ngày nay lấy đâu mà tu hành, mà đầu tiên bản thân của Ngài phải là người mô phạm trước. Ngài đã là một bậc Thầy của Trời và Người rồi đó, ai ai cũng đều quy ngưỡng; nhưng Ngài luôn khuyên chúng ta rằng: nên nương vào ngón tay để thấy mặt trăng, chứ đừng lầm ngón tay là mặt trăng. Mặt trăng mới là chân lý, không thay đổi. Còn ngón tay chỉ là phương tiện, có thể xê dịch qua lại, cho nên chớ lầm. Bởi vậy Phật dạy rằng:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Kẻ nào dùng hình tướng để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ ấy hành tà đạo
Không bao giờ thấy được thực tướng của Như Lai.
Xem đó thì phương tiện và mục đích nó khác nhau nhiều lắm. Đến đích rồi thì bỏ phương tiện, không cần nhắc nhở đến nữa; nếu chỉ cố chấp vào phương tiện thì mình vẫn bị quay cuồng trong sanh tử, chứ khó thoát khỏi bến mê. Bởi vậy mà Lục Tổ Huệ Năng đi đốn củi trong rừng để kiếm tiền nuôi mẹ già người họ Lư, khi nghe đến câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang liền ngộ ngay là vậy. Nghĩa là “nên sanh cái tâm nầy vào nơi không có chỗ”. Nơi không có chỗ là nơi nào? Là nơi Niết Bàn Diệu Tâm, là nơi tu nhi vô tu, hành nhi vô hành và chứng nhi vô chứng đó. Đó mới thật là đạo đức chân thật của cuộc đời.
Cái đạo đức của một con bò, con ngựa là nhờ hàng rào kẽm gai rào chung quanh thửa ruộng cho nên nó không ăn lúa và hoa mầu của những đám đất chung quanh. Cái đạo đức của con ngựa, con voi là có nhờ dây cương và người nài. Còn cái đạo đức của con kiến là gì? Nó biết thương đồng loại nó lắm đấy. Dĩ nhiên là chỉ loài kiến của nó mà thôi, chứ loài kiến khác là nó cắn liền. Tôi ở Tu Viện Đa Bảo nầy trên núi rừng có cơ hội để xem những con kiến nó làm tổ, chuyên chở đất và tìm thức ăn cho mình thì mới thấy cái ý chí và cái đạo đức của nó cũng cao lắm đấy. Khi chúng tha được con mồi thì chúng cùng khiêng với nhau, khi vào hang chẳng biết thế nào, chắc chắn là chúng ăn chung với nhau chứ; nhưng được một cái là nó chung sức chung lòng. Còn con người thì chắc là khác? Khi được miếng mồi ngon và lớn như thế đa phần chỉ muốn giữ riêng cho mình. Rồi tôi quan sát chúng chuyên chở đất từ dưới lên trên miệng hang. Con nào cũng siêng năng chuyên chở, chẳng có con nào nạnh hẹ với nhau cả. Chỉ có một bầy kiến nhỏ vậy thôi mà nó un thành một ụ cao giữa sân như vậy, thử hỏi nó siêng năng biết là dường nào?
Khi chúng tôi về ở và nhập thất nơi đây lúc nào cũng thấy những con chim lạ, con két, con sáo chúng nó luôn luôn đi có bầy và ít nhất cũng là 2 con chứ ít đi một mình. Khi chúng thấy mình thân cận thì nó gần gũi đến xin ăn, ca hót cho mình nghe. Lúc ấy người và vật không còn nghi kỵ, sợ hãi với nhau nữa. Nghĩa là đã có một lòng tin là những người nầy không bắt nó làm thịt.
Mỗi chiều khi ăn cơm xong chúng tôi đem thức ăn thừa ra để ngoài gốc cây trong rừng cho thú vật. Mỗi sáng ra chúng tôi quan sát thấy chúng ăn sạch nhẵn và rất gọn gàng. Thức ăn nhiều lắm; nếu một con ăn thì con vật ấy ắt phải lớn lắm mới ăn hết đồ ăn như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ là con beo rừng, vì thấy dấu chân lưu lại lớn lắm; nhưng Hòa Thượng Bảo Lạc và Thầy Phổ Huân thì bảo là con Kỳ Đà. Mà con Kỳ Đà và rắn mối ở xứ nầy cũng rất lớn. Có lần tôi bắt gặp ở chùa Pháp Bảo và Thầy Phổ Huân thấy nó ở Đa Bảo nầy dài cũng 8 tấc đến một thước là ít. Nơi đây có rất nhiều giống vật lạ. Chúng còn hồn nhiên với thiên nhiên lắm. Không biết một mai đây khi con người giành hết đất của chúng rồi, thì chúng ở nơi đâu và lấy gì để ăn mà nuôi thân? Các nhà sinh vật học nói rằng ngày xưa những con khủng long rất lớn, như bây giờ chúng ta còn thấy những bộ xương của chúng trong Viện Bảo Tàng vậy; nhưng trải qua mấy triệu năm chúng biến thể để trở thành con rùa và con cá sấu, rất nhỏ, không to lớn như ngày xưa nữa. Xứ Úc nầy cũng có những con vật lạ lùng như thế. Bởi vậy con Kanguru tiếng Tàu kêu là con Đại Thử tức là cái túi lớn, chứ không có chữ khác để dùng khi gọi con vật nầy bằng tiếng Tàu.
Còn đạo đức của người Phật Tử là gì ?
Khi trở thành một người Phật Tử thì nên quy y Tam Bảo và giữ ngũ giới. Đây là nền tảng của một con người có đạo đức. Ví dụ:
Giới thứ nhất ta không giết hại chúng sanh mà còn mua những con vật, con cá để phóng sanh. Hoặc giả ta ăn chay cốt giúp cho lòng từ bi tăng trưởng. Đó là cái đạo đức, cái tình thương đối với muôn loài.
Giới thứ hai không trộm cướp như vàng bạc của quý báu, hoặc nhỏ nhặt như cây kim sợi chỉ, người ta không cho thì mình không lấy. Đó là cái đạo đức ngay thẳng của con người. Hoặc giả đi làm việc không trễ giờ, không cân non nói già v.v… đều là những căn bản đạo đức của con người.
Không tà dâm cũng thế. Chính mình muốn có hạnh phúc thì mình không thể và không nên phá hạnh phúc của kẻ khác để mình được vui. Mình phải đóng vai mình là người kia thì thử hỏi sự khổ sở phải chịu đựng biết là dường nào. Nhưng nhân quả không lâu, mình sẽ gặp lại là nhà mình, con cái mình, vợ mình sẽ có tâm lang chạ, làm cho gia đình ly tán, tình nghĩa vợ chồng sẽ đổ vỡ.
Giới thứ tư không được nói dối cũng thế. Nếu nói chỉ lợi cho mình mà hại người thì không nên nói; nhưng đa phần ai cũng muốn mình đúng chứ đâu có ai nghĩ rằng mình nói sai hay phần sai phải về mình; nhưng đã gọi là cán cân công lý, tuy vô hình nhưng nó cũng tự động xê dịch để cho tương đương với lẽ phải. Khi mình hại người, trước sau gì cũng sẽ có kẻ hại mình. Do vậy mà làm hoặc nói việc gì cũng nên thận trọng để ý.
Giới thứ năm là không được uống rượu cũng thế. Tuy rượu không phải là sát sanh, trộm cắp, tà dâm; nhưng rượu là nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu là tội lỗi khác. Từ việc say sưa mà nhận định sẽ sai lầm và từ sai lầm nầy sẽ kéo sang sai lầm khác; khiến cho gia đình ly tán. Tình nghĩa vợ chồng không còn đằm thắm như lúc ban đầu nữa.
Đây là cái hàng rào đạo đức của con người. Nếu ai giữ tròn nhân cách ấy thì đời đời qua lại chốn nhân thiên sớm thành Phật quả. Nếu không làm được như thế cũng chẳng ai nhân danh là gì để bắt mình phải vào địa ngục, mà chính mình phải vào để trả những nợ xưa mình đã gây và như thế vòng luân hồi sanh tử tử sanh vẫn luôn luôn còn bám sát theo đuổi mãi không cùng.
Đối với người xuất gia giới luật còn nhiều hơn thế nữa. Đây cũng là những giá trị đạo đức cần phải có để giữ gìn và trở thành kẻ mô phạm cho trời người. Nếu không làm như thế, người xuất gia cũng đâu khác gì một người bình thường; do vậy cần phải đứng đắn, là một nhà mô phạm để hướng dẫn mọi người thì phải đi thẳng theo một đạo lý đã được vạch ra như thế. Người xuất gia thời Đức Phật cũng vậy đã có nhiều người làm việc sai trái vì nghiệp duyên và ngày nay cũng thế; nhưng đã là con người, chưa là thánh nhân, do vậy chúng ta không thể đúng hoàn toàn được. Bởi vậy Đức Phật dạy rằng: “Trên thế gian nầy chỉ có 2 hạng người đáng để ý. Đó là hạng người không bao giờ gây ra lỗi lầm và hạng người biết lỗi lầm của mình rồi ăn năn sám hối”. Hạng người thứ nhất chắc chắn không phải là chúng ta rồi. Còn hạng người thứ hai xem ra thử có mặt chúng ta nơi đó không? Có lẽ thỉnh thoảng có mà cũng thỉnh thoảng không. Vì chơn tâm của chúng ta đi dạo chơi nơi khác. Do vậy mà trần cảnh mới dấy động lên những si mê và ngã chấp về còn mất, tốt xấu, có không, hơn thua, lợi danh v.v…
Tôi được nghe 4 câu hò xứ Huế thấy hay hay và ý nghĩa vô cùng:
Trăm năm trước thì ta chẳng có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm chỉ một tấm lòng Từ Bi.
Đúng là như vậy, khi cha mẹ mình chưa sinh ra mình, mình đâu có biết mình mặt mũi là ai. Rồi trăm năm sau nữa, khi mà đã thi thố chiến đấu với cuộc đời nầy bằng danh, bằng lợi, bằng tiền, bằng tình; nhưng cuối cùng rồi cũng 3 tấc đất để vùi lấp xác thân ấy thôi. Đâu còn ai nhắc lại mình của trăm năm trước nữa? Đúng là cuộc đời nầy nó như thế. Có lúc nầy, có lúc kia, lúc còn lúc mất mà những lúc như thế đúng là sắc sắc không không chứ gì? Ngày qua là tỷ phú mà ngày nay trắng tay và ngày mai sẽ được thêm hạnh phúc, ngày mốt lại mất đi, chẳng có cái gì chắc thật cả.
Mến nhau, thương nhau chỉ có tấm lòng mà thôi. Tấm lòng ấy chính là đạo đức của con người đó. Tấm lòng ấy là: giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ. Bao giờ cũng vậy, núi sông, non nước, tình người. Dẫu cho có trở thành là người gì đi chăng nữa thì trước sau vẫn vậy. Có làm quan, làm tướng, làm Tổng Thống, làm Vua thì căn bản vẫn là con người và con người đó phải có đạo đức thì thiên hạ mới noi theo; nếu không, chưa chắc gì mãi bền vững.
Cái đạo đức ấy được biểu hiện qua cách chăn dân trị nước của vua Lê Lợi qua lời khuyên của Quân sư Nguyễn Trãi là: “Dân giống như nước. Kẻ lãnh đạo giống như thuyền. Chính nước đó sẽ chở thuyền đi đến nơi đến chốn và chính nước đó sẽ lật thuyền”. Mà đúng vậy, khi Lê Lợi lên làm vua sau 17 năm nằm gai nếm mật để chiến đấu với quân Minh vào đầu thế kỷ thứ 15, ông ta phải ý thức rõ ràng cái đạo đức của Vua tôi là: “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nghĩa là, có dân rồi mới có vua, cho nên phải coi dân là quý. Không coi dân là trọng mà xem dân như con mình nên gọi là quý. Sau đó mới đến sơn hà xã tắc. Dân còn đói rách, đất nước làm sao an vui? Do vậy mà con người là trên hết. Ông vua nào, chính quyền nào không lo cho con người, tức ông vua đó và chính quyền đó sẽ thất bại.
Rõ ràng ông vua sẽ là địa vị sau cùng cho nên gọi là quân vi khinh; chứ không phải dân vi khinh. Sau khi nắm quyền bính trong tay rồi và nhất là có tiền bạc, thế lực to lớn chẳng ai mà muốn từ bỏ hết. Xưa nay nhân loại đều như thế cả, mà kẻ nào dám từ bỏ ngai vàng như Đức Phật, như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lý Huệ Tông v.v… để đi xuất gia học đạo thì kẻ đó ta phải cúi đầu bái phục, chẳng có lời lẽ ý tứ nào để biện bạch hơn nữa. Cái mà người ta đang có mà người ta từ bỏ mới là khó, chứ cái chưa có, người ta đi tìm cho nó có, nó không phải là điều khó. Có và không, không và có vẫn là những sự kiện hiển nhiên rõ ràng trong cuộc đời; nhưng mấy ai chấp nhận nó một cách dễ dàng?
Ngạn ngữ Ả Rập có câu rằng: “Khi tôi sinh ra trong cuộc đời nầy mọi người đều cười để mừng tôi ra đời trong khi tôi lại khóc, để rồi suốt khoảng thời gian 30 năm, 50 năm hay dẫu 100 năm, một ngày nào đó tôi phải ra đi với trạng thái hồn nhiên buông xuôi hai tay về nơi chín suối, thì mọi người chung quanh tôi đều khóc”. Thế là cuộc đời bắt đầu bằng tiếng khóc, rồi nụ cười và phải làm sao đó để kết cuộc mình tự mỉm cười với mình lúc ra đi để mọi người chung quanh mình khóc, nhằm tiễn đưa mình qua bên kia bờ của cuộc sống.
Đó là cuộc đời; nhưng mấy ai biết rằng khi đứa trẻ sinh ra chưa biết gì mà đã biết tham đâu. Đó là sự thật. Vì biểu hiện của đứa trẻ là nắm bàn tay lại, chứ đâu có đứa trẻ nào khi sinh ra lại xòe bàn tay cho cha mẹ hay mọi người xem đâu. Nếu có, thì đứa bé ấy sẽ là một Thánh Nhân. Vì mới sinh ra đã biết buông bỏ tất cả rồi.
Từ thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Trung Hoa cách đây 3, 4 ngàn năm về trước cũng như thế. Các ông vua nầy là những ông vua minh quân hiền đức; nhưng con cái của các ông không có người nào xứng đáng để truyền, do đó ông đã truyền ngôi cho người hiền, người có đạo đức, chứ không phải là con của mình. Đó là con người có cái đức để trị dân và cùng thời đó có câu chuyện của Hứa Do, Sào Phủ cũng vậy. Một ông vì chữ Hiếu mà vào rừng ở ẩn không chịu ra làm quan, khiến cho kẻ có quyền lực phải đốt rừng, ông Sào Phủ đang làm tổ ở trên cây phải chịu chết trong rừng để tròn hiếu đạo chứ chẳng nhảy xuống khỏi cây. Ông Bá Nha Tử Kỳ cũng thế. Ông Tử Kỳ đang cho trâu uống nước ở hạ lưu của sông, khi nghe ông Bá Nha bảo rằng: Có người mời Tử Kỳ ra làm quan thì Tử Kỳ lên bên trên dòng sông để rửa cho lỗ tai không muốn nghe những điều thị phi ấy nữa. Chốn triều đình là gì, chẳng phải là nơi luồn cúi? Nơi đó có điện ngọc, ngai vàng mà chính nơi đó nhiều khi gian thần, nịnh thần nhiều hơn trung thần. Ai đóng vai là kẻ trung thần để giữ tròn được tiết tháo và đạo đức của kẻ sĩ?
Ngày xưa khi mà Lê Mạt Nguyễn Sơ, bà Huyện Thanh Quan, cụ Nguyễn Du đã đau đớn biết bao khi thấy nước nhà tan nát, nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi nên mới có bài Thăng Long Thành Hoài Cổ hay một tác phẩm đặc sắc của Truyện Kiều qua tác phẩm Thanh Tâm Tài Tử truyện mà với ngòi bút thần kỳ của Cụ Nguyễn Du, đã đem tâm sự của mình gởi gấm vào tác phẩm nầy và cũng do đã đọc được mấy ngàn lần bộ kinh Kim Cang mới rõ được hết chân lý của vũ trụ vạn hữu và mới sáng tác được một tác phẩm giá trị đã hơn 200 năm rồi mà âm hưởng vẫn còn đâu đây như cái đạo đức làm người ấy vẫn mãi còn trong tâm khảm của mọi người con dân nước Việt mình.
Một Đặng Trần Thường, một Ngô Thời Nhậm ở vào thời điểm nhà Nguyễn Tây Sơn đã bại, nhà Nguyễn Gia Long đã thắng và cũng đã khẳng khái để giữ được cái tiết tháo, cái đạo đức của mình khi làm tướng và đã đối đáp như sau:
Ai công hầu, ai khanh tướng; trong trần ai, ai dễ biết ai
Để đối lại rằng:
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Hoặc giả Trần Bình Trọng đời nhà Trần, cách đây cả 800 năm, khi ông bị quân Nguyên Mông bắt thì ông có trả lời một câu rất khẳng khái rằng: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” đã là một bài học đạo đức đáng giá hơn ngàn vàng. Cũng chừng 45 năm trước, khi tôi còn ngồi ghế tại trường Tiểu Học Xuyên Mỹ, Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam, đã học thuộc lòng bài nầy và xin chép lại đây để hầu quý vị. Bài học ấy có tên là Trần Bình Trọng.
Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước
Đem tấm thân bảy thước chống sơn hà
Mãi lo đền nợ nước với tình nhà
Trong tâm khảm nặng tình yêu Tổ Quốc
Nhưng than ôi tài trai dầu thao lược
Hùm thiêng kia không địch một bầy hồ
Vì sa cơ nên bị bắt cầm tù
Tan mộng đẹp anh hùng đành thất thế
Lũ giặc thấy người tài nên rất nể
Đem quan sang tước trọng dụ Ngài hàng
Quân bây lầm dầu dâng cả Ngai vàng
Khó lay chuyển vì lòng ta thờ cố quốc
Hễ bắt được ta thôi chớ nói gì lâu
Cứ đem chém ta không hề than tiếc
Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Đó là cái dũng của một vị tướng nơi sa trường của ngày xưa chứ không phải “được làm vua, thua làm giặc” như bây giờ. Bây giờ tuy sống trong một nước có nhiều văn minh về vật chất hơn ngày xưa; nhưng các dũng khí, cái tiết tháo ấy hầu như không còn nữa. Khi được khi thua vẫn là chuyện bình thường trong cuộc đời, đâu có gì phải hận trời hận người mà sinh ra một loại giặc để quấy phá thiên hạ? Phải có cái Đức của Thánh Nhân, cái Đạo của con người bình thường thì mới soi rọi nội tâm của mình được. Nếu không, chúng ta cũng chỉ là những người “tham sanh, húy tử” – nghĩa là tham sống, sợ chết mà thôi.
Con người ai chẳng biết sự sống là quý; nhưng phải sống như thế nào mới là điều đáng quý. Nếu sống chỉ để mà sống và trở thành chật đất trên quả địa cầu nầy thì quả thật sự sống ấy nó không có giá trị đạo đức và nếu có kéo dài sự sống ấy ra bao lâu đi chăng nữa, thì cũng chỉ để cho thế nhân nguyền rủa mà thôi.
Gương kim cổ vẫn còn đó, mong rằng chúng ta hãy tự rút ra những bài học đạo đức ngày xưa để làm kim chỉ Nam trong cuộc sống của mình.
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
Thích Như Điển
(Nguồn: Thư Viện Phật Học)
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS