SHARE:
Ông nói cỡi lừa mà tìm lừa phải chăng là đại bệnh? Sơn tăng nói với ông: chẳng cần tìm! Người linh lợi lập tức nhận được, trừ xong cái bệnh đi tìm tâm cuồng liền dứt.
Đã biết được con lừa mà cỡi nó chẳng chịu xuống, đây là bệnh rất khó trị. Sơn tăng nói với ông chẳng cần cỡi! Ông liền là lừa, khắp mặt đất là một con lừa ông làm sao cỡi? Nếu ông cỡi, bảo đảm với ông là bệnh vẫn còn; nếu chẳng cỡi thì mười phương thế giới rỗng thênh thanh tịnh.
Loại bỏ được hai thứ bệnh này thì trong tâm vô sự, gọi là đạo nhân, còn có việc gì! Vì thế Triệu Châu hỏi Hòa thượng Nam Tuyền: Thế nào là đạo? Tuyền đáp: tâm bình thường là đạo.
(Xuất xứ: Cổ Tôn Túc ngữ lục)
—
Thuyết minh:
Đây là pháp ngữ của thiền sư Thanh Viễn, đời Bắc Tống Thiền sư Thanh Viễn (1067-1120), họ Lý, hiệu Phật Nhãn, người Lâm Cung (nay là huyện Cung Lai, tỉnh Tứ Xuyên).
Thuở bé xuất gia, sau đắc pháp với thiền sư Ngũ tổ Pháp Diễn, cùng với hai vị đệ tử của Pháp Diễn là Phật Quả Khắc Cần, Phật Giám Huệ Cần làm huynh đệ. Đương thời gọi ba người này là Tam Phật, Tam Kiệt, Sư trụ trì các tự viện như Long Môn ở Thư Châu (nay là vùng Tiềm Sơn, An Huy).
THỐN TY BẮT QUẢY
寸絲不掛
Tấc tơ chẳng dính
Tịnh cư ni Huyền Cơ ở Ôn Châu. Khoảng giữa niên hiệu Cảnh Vân đời Đường được độ. Sư thường tập định trong hang đá, núi Đại Nhật. Một hôm Sư chợt nghĩ:
– Pháp tánh lặng lẽ vốn không đến đi, chán chỗ ồn náo, cần chỗ yên tịnh, đâu phải là người đạt đạo?
Sư bèn đến tham vấn ngài Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
– Từ đâu đến?
Đáp:
– Từ núi Đại Nhật đến.
– Mặt trời lên chưa?
– Nếu mặt trời lên, ắt tan núi Tuyết! (Tuyết Phong)
– Ngươi tên gì?
– Con tên Huyền Cơ.
– Một ngày dệt được bao nhiêu?
– Tấc tơ chẳng dính.
Sư bèn lễ bái lui ra. Vừa đi năm, ba bước, Tuyết Phong gọi:
– Góc ca-sa chấm đất!
Sư xoay đầu nhìn lại.
Tuyết Phong nói:
– Hay lắm! Tấc tơ chẳng dính!
—
Thuyết minh:
Đây là mẩu đối thoại giữa thiền sư ni Huyền Cơ nổi tiếng và thiền sư Tuyết Phong nghĩa Tồn, vào đời Đường.
Thiền sư ni Huyền Cơ (?-?), sống vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIII. Xuất gia khoảng niên hiệu Cảnh Vân, đời Đường, từng tu học Phật pháp tại núi Đại Nhật, tương truyền Ni sư là đệ tử của thiền sư Vĩnh Gia Chân Giác, từng theo chân Ngài du phương, trụ Ôn Châu (Nay trong tỉnh Chiết Giang).
—o0o—
300 TẮC THIỀN NGỮ – CHUNG HỌC TỬ
Thông Thiền dịch
NXB Thời Đại, 2004
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS