QUÁN TƯỢNG PHẬT VÀ BỒ TÁT (TƯỢNG QUÁN)

SHARE:

Đại Sư Vân Thê Liên Trì (1532-1612) có pháp danh là Châu Hoằng, hiệu Liên Trì, người đời Minh. Tuổi trẻ thông minh học rộng, có căn duyên với pháp môn Niệm Phật. Năm 17 tuổi, Ngài đã được bổ làm Giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiêm toàn. Năm 32 tuổi, Đại sư xuất gia, học đạo với Tiếu Nham thiền sư, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?”. Một hôm, đang đi tham cứu bỗng chợt tỉnh ngộ, làm bài kệ rằng:

“Hai chục năm qua việc đáng nghi
Ngoài ba ngàn dặm gặp sao kỳ!
Đốt hương, liệng kích dường như mộng
Ma, Phật, tranh suông lẫn thị phi!”.

Niên hiệu Long Khánh thứ Năm, Đại sư đi khất thực ngang qua đỉnh Vân Thê, thấy cảnh nước non cực kỳ u nhã, quyết ý cất am ở tu. Bộ Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao do Ngài trước tác, dung hòa cả sự lý, gồm nhiếp khắp ba căn, lời dẫn giải vô cùng uyên áo.

Đại sư sinh thời cũng tu các công đức để phụ trợ Tịnh nghiệp, như truyền giới pháp, khai những ao phóng sinh. Ngài lại thẩm định nghi Thủy Lục, hành Du già Diệm Khẩu để cứu khổ U minh, truyền bá Văn Giới Sát, khiến người quy hóa làm lành rất nhiều.
Năm Vạn Lịch thứ 40, cuối tháng 06, Đại sư vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu, nói: “Tôi sắp đi nơi khác!”. Rồi Ngài trở về chùa thiết tiệc trà từ giã đại chúng. Mọi người không hiểu là duyên cớ gì. Đến chiều mùng 01 tháng 07, Ngài vào Tăng đường bảo: “Mai này tôi sẽ đi!”.

Qua chiều hôm sau, Đại sư kêu mệt rồi vào tư thất ngồi kiết già nhắm mắt. Chư Tăng, các đệ tử tại gia và những người cố cựu trong thành đều hội đến. Ngài mở mắt ra nhìn mọi người nói: “Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ, và chớ phá hoại quy củ của tôi!”. Nói xong, hướng về Tây chấp tay niệm Phật mà qua đời. Thọ được 81 tuổi.

Nguồn: HT.Thích Thiền Tâm (nguồn tư liệu về 13 vị Tổ của Tịnh độ tông) – https://phatgiao.org.vn/
—☀☀☀—

☀Kinh:
Này A Nan, Vi Đề Hy! Khi thấy tướng hoa tòa rồi, kế tiếp nên quán hình tượng Phật. Việc ấy như thế nào? Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tất cả tâm tưởng của chúng sanh. Cho nên khi tâm các ngươi tưởng Phật, tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình; tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển Chánh Biến Tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh. Vì thế các ngươi nên một lòng hệ niệm quán kỹ đức Đa Đà A Dà Độ, A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà kia.

☀ Giảng:
Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, phần nhiều chưa thấy chân thân của Phật, chỉ thấy hình tượng, nên trước tiên đức Thế Tôn dạy về môn tượng quán. Câu “việc ấy như thế nào” có những ý nghĩa; Việc quán Phật như thế nào? Tại sao phải tu môn Phật tưởng? Đoạn trước bà Vi Đề Hy chỉ hỏi đức A Di Đà, nay Như Lai lại nói chúng chư Phật là muốn hiển thị chư Phật đồng một pháp thân. Danh từ “pháp giới” đây, hàm ba ý nghĩa: tâm cùng khắp, thân cùng khắp, và không chướng ngại. Pháp Thân vẫn tự tại khắp nơi nên khi chúng sanh dùng tịnh tâm tưởng Phật, thì Phật thân tùy ứng. Trạng thái này như gương trăng tròn sáng trên nền trời cao, vẫn không có ý tư riêng, nếu nước lặng trong thì muôn dòng đều hiện bóng. “Tâm ấy” chỉ cho tâm quán Phật của hành giả, vì do quán tưởng Phật nên tướng hiện trong tâm, tức nơi tâm đủ tướng hảo của Phật. Chúng sanh y theo lời dạy, tâm này, nên gọi “tâm này làm Phật”. Vì e hành giả tưởng lầm môn Phật “tâm ấy là Phật”. Trí huệ của Như Lai đầy khắp quán khi thành do từ bên ngoài mà được, nên lại nói pháp giới bao la, sáng suốt không chướng ngại, biết các Pháp một cách chính xác gọi là “biển Chánh Biến Tri”. Đức của Phật vô biên, nay chỉ lược cử một Chánh Biến Tri để nhiếp tất cả các thứ khác. Và vì muôn đức của Như Lai sở dĩ được thành tựu khởi thỉ đều do sự phát tâm tu hành, nên gọi “từ nơi tâm tưởng mà sanh”.

Buộc tâm chuyên chú một cảnh gọi là “hệ niệm”. Đa-đà-a-dà-độ, Trung Hoa dịch là Như Lai, A-la-ha là Ứng Cúng, Tam-miệu Tam-phật-đà là Chánh Biến Tri. Đây là lược cử 3 đức hiệu trong mười hiệu của Phật.

☀Kinh:
Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ trước phải tưởng hình tượng làm sao cho khi nhắm mắt, mở mắt đều thấy một bảo tượng như sắc vàng Diêm Phù Đàn, ngồi trên tòa sen kia. Lúc thấy Phật tượng rồi tâm nhãn tự được mở mang rõ ràng sáng suốt. Bấy giờ hành giả thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm, như: bảo địa, bảo trì, hàng bảo thọ, trên cây có mành báu chư thiên che phủ, các lưới báu giăng khắp giữa hư không.
Khi thấy cảnh tướng rất rõ ràng như nhìn vào bàn tay rồi lại tưởng hai hoa sen lớn, một ở bên tả, một ở bên hữu của Phật, cả hai đều giống như tòa sen trước. Xong lại tưởng hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngôi tòa sen bên trái, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi tòa sen bên mặt, thân tướng đều rực rỡ như sắc vàng Diêm Phù Đàn.

☀Giảng:
Tướng hảo của Tây Phương Tam Thánh rất nhiệm mầu, hàng phàm phu thô tâm không thể thấy hết được, nên phải mượn hình tượng tiêu biểu cho chơn thân, dùng phương tiện từ dễ đi vào khó. Câu “ngồi trên tòa sen” tức chỉ cho hoa đã diễn tả ở đoạn trước.Câu “bấy giờ hành giả…” đến “giữa hư không”, ý bảo dù đã thấy tượng Phật, cũng nên chú tâm đến y báo ở Tây Phương, đừng cho quên mất. Theo ngài Nguyên Chiếu, tòa sen của hai vị Bồ Tát tuy giống như hoa tòa của Phật, nhưng cứ nơi thân lượng, phải hơi nhỏ hơn; kinh văn trên đây chỉ nói đại lược song học giả phải hiểu phần thâm ý.

☀Kinh:
Phép quán này thành rồi, lại tưởng thân tướng của Phật và Bồ Tát đều phóng ánh sáng vàng, chiếu các cây báu. Nơi mỗi gốc cây đều có tượng Phật và hai vị Bồ Tát ngồi trên tòa sen, như thế cho khắp cả bảo độ.

Quán như thế xong, hành giả lại tưởng tiếng nước chảy, ánh sáng, các cây báu, những loài chim: phù, nhạn, oan ương nói pháp mầu, cho đến khi xuất định, nhập định hằng được nghe thấy. Pháp mầu này dù cho khi xuất định, hành giả phải ghi nhớ đừng quên, và cần phải hợp với Tu-đa-la. Nếu pháp không hợp với Khế Kinh, gọi là vọng tưởng; như hợp, gọi là tưởng thấy thế giới Cực Lạc về phần thô.
Đây là môn tưởng thứ tám. Phép quán này tu thành, trừ diệt tội trong vô lượng ức kiếp sanh tử, ngay hiện đời hành giả tất chứng được Niệm Phật tam muội.

☀Giảng:
Tưởng mỗi gốc cây đều có tượng Phật, Bồ Tát, gọi là Đa Thân Quán, tiêu biểu cho sự thần thông ứng hiện của Tam Thánh ở Tây Phương. “Tu-đa- la”, Trung Hoa dịch là Khế Kinh. Môn tượng quán nếu thành, tất sẽ thấy chơn thân, nên nói “hiện đời chứng được Niệm Phật tam muội”.
——-☀☀☀——-

ĐẠI SƯ VÂN THÊ LIÊN TRÌ TỔ THỨ TÁM TỊNH ĐỘ TÔNG (1535 – 1615) – TỊNH ĐỘ NGŨ KINH – QUYỂN HẠ
H.T Thích Thiền Tâm dịch

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: