SHARE:
Việc này trước tiên người học Phật chúng ta cần phải nhận biết cho rõ ràng. Sau khi hiểu rõ mục tiêu giáo học của Phật pháp rồi, cách nhìn của chúng ta đối với kinh điển của Phật giáo sẽ khác đi. Kinh điển của Phật giáo, có thể nói là tủ sách có số lượng rất lớn ở thế gian này. Tất cả học thuyết trên thế gian này, kể cả học thuyết của các tôn giáo, điển tích cũng không vượt qua Phật giáo. Vậy thì kinh điển của Phật giáo nhiều đến như vậy, trong đó rốt cuộc là nói về những vấn đề gì? Việc này chúng ta không thể không biết, người học Phật rất nhiều, người đọc kinh cũng rất đông, thậm chí đến người giảng kinh cũng rất nhiều. Tôi đã từng gặp qua một vị giảng kinh là một vị cư sĩ tại gia, giảng cũng rất nổi tiếng, thường giảng giải kinh Phật trong rất nhiều các trường đại học, cao đẳng. Có một lần tôi gặp ông ấy, tôi liền hỏi ông ấy là: “Hiện tại ông giảng đều là kinh luận quan trọng của Đại thừa, vậy toàn bộ Đại Tạng kinh rốt cuộc là nói về cái gì? Ông có thể dùng một câu nói trả lời cho tôi không?”. Sau khi nghe tôi hỏi, ông ấy cũng suy nghĩ rất lâu nhưng không trả lời được, thế là ông hỏi ngược lại tôi.
Tôi nói với ông ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm nói ra tất cả kinh, chỉ nói một sự việc, nếu như dùng danh từ của Phật giáo để nói thì trong kinh Bát Nhã đã nói là “chư pháp thật tướng”. Chư pháp là tất cả pháp, thật tướng chính là chân tướng, câu nói này nếu dùng lời hiện đại mà nói, chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Vũ trụ chính là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, nhân sanh chính là con người chúng ta. Do đây mà biết, nội dung của tất cả kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng chính là nói chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt của chính chúng ta, cũng chính là con người của chúng ta. Tôi bảo ông ấy nghĩ lại xem, tôi nói cái đáp án này ông có vừa ý hay không? Nếu như không biết kinh Phật đã nói về cái gì thì chúng ta đối với kinh điển của Phật sẽ không có cách gì hiểu được, mở quyển kinh ra bạn sẽ nghĩ tưởng lung tung, càng nghĩ càng sai, càng nghĩ càng thấy Phật pháp cùng với đời sống của chúng ta đều không có liên quan gì, liền cho nó là huyền học, vậy có lợi ích gì chứ?
Cho nên, nhất định phải nhận biết rõ ràng là, không luận kinh điển Đại thừa hay Tiểu thừa, cạn hay sâu thì mỗi câu mỗi chữ đều có liên quan mật thiết với sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Sau đó mới biết được, tiên sinh Âu Dương Cảnh Vô vì chúng ta nói ra: “Phật pháp là cái mà người đời nay cần phải cớ”, chúng ta liền sẽ đồng ý lời nói này, liền có thể khẳng định ông nói rất chính xác. Cho nên, mỗi câu mỗi chữ của kinh điển có liên quan mật thiết với đời sống của chúng ta. Vậy thì do đây có thể biết, Phật pháp nhất định không phải là mê tín. Chúng ta học Phật bước vào từ chỗ nào? Phải bắt đầu từ đâu? Việc này rất quan trọng. Hôm qua đã nói sơ qua một chút về ý nghĩa biểu pháp của danh hiệu chư Phật Bồ tát, việc này nhất định phải hiểu thì mới biết được giáo học của Phật pháp là phương pháp viên mãn, ở trong Phật pháp chúng ta gọi là phương tiện khéo léo, dùng lời hiện đại mà nói chính là cảnh giới nghệ thuật cao độ.
Giáo học của Phật giáo mấy ngàn năm qua đã hướng đến nghệ thuật hóa Phật giáo. Tất cả danh hiệu của chư Phật, tượng chư Phật đều là biểu thị tánh đức trong chân tâm bổn tánh của chúng ta vốn dĩ đầy đủ. Phàm hễ là danh hiệu của Bồ tát cho đến tượng của các ngài đều là biểu thị tu đức, cũng chính là nói với chúng ta là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải nên tu học thế nào mới có thể khiến cho tánh đức của chúng ta hoàn toàn hiển lộ ra, để nhận được thọ dụng ở ngay trong cuộc sống. Như vậy có thể thấy được giáo dục của Phật đích thực là siêu việt hơn tất cả giáo dục của thế gian. Tôi nghĩ các vị đồng tu chính mình đều đã đích thân trải qua cảm thụ này. Chúng ta đã từng học qua tiểu học, trung học, đại học, học qua rất nhiều giáo trình, sau khi tốt nghiệp thì có được mấy thứ có thể áp dụng ngay trong cuộc sống này? Nếu như học những thứ này mà không thể dùng được, các vị thử nghĩ xem, chúng ta đã lãng phí hết bao nhiêu thời gian, hao tổn bao nhiêu tâm lực? Có học mà không có dùng thì loại giáo dục như vậy là không tốt rồi, đó không phải là một loại giáo dục tốt nhất. Giáo dục tốt nhất quyết định không lãng phí một giây, một phút thời gian của chúng ta, để những gì chúng ta đã học được lập tức có thể áp dụng được ngay trong cuộc sống, đây mới gọi là giáo dục tốt. Phật pháp thì có thể đạt đến được mục tiêu “giáo dục chí thiện viên mãn” này.
—🍀💦🍀—
HT. TỊNH KHÔNG
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2019
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS