ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ

SHARE:

Có người hỏi: “Chứng ngộ thình lình nghĩa như thế nào?”

Bạch Ấn trả lời:

Khi tâm phân biệt bỗng chốc vỡ nát và bản tánh ngay đó hiển lộ, cả vũ trụ tràn đầy ánh sáng vô lượng của bản thể. Đó gọi là Đại Viên Cảnh Trí, Pháp thân thanh tịnh. Đây là chứng ngộ thình lình. Ngay đây thức thứ tám A-lại-da chuyển hóa.

Chúng ta hãy tìm hiểu đoạn này từng bước.

🌼 Khi tâm phân biệt bỗng chốc vỡ nát

Nghe có vẻ rất mạnh bạo khi nói tâm phân biệt “bỗng chốc vỡ nát.” Có ai ném viên gạch vào cửa sổ quầy hàng, và cửa sổ vỡ nát. Chúng ta không thể tự hỏi liệu có muốn tâm vỡ nát như thế không. Hầu hết chúng ta không muốn phá vỡ tâm phân biệt bởi vì nhận thấy nếu như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ nói thầm trong một xó. Thông thường chúng ta cần tâm phân biệt để làm việc, để tụng kinh và lao tác hằng ngày, để hiểu biết những chuyện đang xảy ra chung quanh, để lượng giá và phán định việc gì tốt nhất. Do đó, chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa câu “khi tâm phân biệt bỗng chốc vỡ nát.”

Có ai kể cho nghe một câu chuyện ‘tếu’, nếu ngộ nghĩnh, ta lắng nghe, nghiêm túc, và bỗng bật cười. Tâm bạn bỗng chốc vỡ nát ngay lúc đó. Cũng thế, khi bật cười to, mọi sự trôi mất, không còn gì để nắm giữ.

Một chàng thanh niên đi nghỉ hè gọi về nhà cho người em: “Con mèo Oscar khỏe không?”

Cậu em trả lời: “Nó mới chết sáng hôm nay.”

– Trời ơi! Chú có biết là anh thương nó lắm không? Sao chú không báo tin cho anh nhẹ nhàng một chút?

– Phải nói thế nào?

– Chú có thể nói nó đang đi trên mái nhà. Rồi lần sau anh gọi đến, chú bảo nó không leo xuống được, và từ từ như thế, chú mới nói sự thật.

– Được rồi, em hiểu.

– Không sao. Má khỏe không?

– Má đang ở trên mái nhà.

Nếu nghĩ lại truyện này, hoặc một trò đùa khác bạn ưa thích, bạn sẽ biết lĩnh vực tâm thức đột ngột tan vỡ ngay lúc bạn nhìn thấu trò đùa. Chúng ta thường nói: “Cười bể bụng.” Ý Bạch Ấn nói ngộ cũng vỡ tan như thế.

Cười và ngộ có thể nói gần giống nhau.

Một vị tăng hỏi Bá Trượng: “Thế nào là ý Tổ Đạt-ma từ Tây sang?”

Bá Trượng bảo: “Lạy xuống!”

Khi vị tăng cúi lạy, Bá Trượng đạp một cái. Tăng đại ngộ, đứng dậy, vỗ tay cười lớn, bảo:

“Hay thay! Hay thay! Cội nguồn vạn pháp và nghĩa lý vi tế vô lượng có thể nhận ra trên đầu sợi tóc.”

Sự tin Và tăng đảnh lễ Bá Trượng, lui gót.

Về sau tăng nói với hội chúng: “Một cái đạp của Bá Trượng, ta cười hoài không thôi.”

Khi tâm [ý thức] phân biệt vỡ nát, thật ngược đời, không phải tan thành mảnh vụn mà bỗng chốc chuyển thành một tổng thể nguyên vẹn. Sự tan vỡ, đôi khi gọi là bùng nổ, xảy ra do giải tỏa căng thẳng đột ngột nhờ nhất tính xuất hiện. Đột nhiên bùng nổ, nhưng đồng thời, thành tựu hoàn tất. Tất cả thành tựu trước đó bị kìm hãm, trong trạng thái quân bình lo lắng. Tâm đột nhiên khai mở, bùng nổ, nhưng không phải bùng nổ phá hoại mà như đóa hoa nở rộ. Nếu xem một đoạn phim quay nhanh giai đoạn hoa đang nở, bạn sẽ biết hoa bừng nở thế nào. Bạch Ẩn diễn tả kiểu bùng nổ như thế gọi là thấu phá, đóa hoa cười rộ nở tung.

Khi tâm phân biệt bỗng chốc vỡ nát, tức là tan vỡ trong tiếng cười vũ trụ, và “tánh giác bỗng nhiên hiển lộ.” Tâm phân biệt vỡ nát và tánh giác xuất hiện không phải hai. Tánh giác hiển lộ là phương diện thành tựu, là hoa bừng nở.

🌼 cả vũ trụ tràn đầy ánh sáng vô lượng của thể tánh.

Vũ trụ không phải bây giờ mới tràn đầy ánh sáng vô lượng vô biên, mà vốn sẵn có, nhưng đột nhiên chúng ta mới đạt đến lẽ thật này, rằng vũ trụ là sức tỉnh giác vô lượng vô biên, là ánh sáng vô lượng vô biên. Trường Sa bảo: “Tột mười phương thế giới là ánh sáng [thiêng liêng] của mình.” Đây không phải là trạng thái mới mẻ. Vô Môn Huệ Khai gọi sự chuyển tiếp đột biến này là ‘vô môn quan,’ bởi vì khi kiến tánh chắc chắn chúng ta vào cửa, nhưng thật ra ở đó không có cửa để vào. Khi ánh sáng vô lượng vô biên tự thể hiện, có sự chuyển tiếp, nhưng chuyển tiếp này không phải là một bước trong thời gian mà đó là tỉnh ngộ.

Ánh sáng vô lượng này không phải thấy bằng mắt, mà nhờ ánh sáng này chúng ta mới thấy biết. Khi xưa còn mê không thấy ánh sáng này. Đạo Phật gọi là phiền não từ vô minh. …. Lâm Tế khi nói đến ánh sáng này, bảo rằng:

Đạo lưu! Tâm pháp thì vô hình nhưng thông suốt khắp mười phương.
Ở mắt gọi là thấy,
Ở tai gọi là nghe,
Ở mũi gọi là ngửi hương,
Ở miệng gọi là bàn luận
Ở tay cầm nắm.
Ở chân chạy nhảy.

Vốn là một tinh minh, phân ra sáu hòa hợp. Tâm xưa nay là Không, ở chỗ nào ông cũng giải thoát.

Trong Bích Nham Lục tắc 86, Vân Môn dạy chúng: “Mỗi người trọn có ánh sáng liên tục từ xưa đến nay. Khó thấy khó biết. Muốn thấy thì tối mù. Thế nào là ánh sáng của quý vị?” Rồi tự đáp thay: “Nhà bếp và cổng tam quan (Kho trù ba cửa).”

🌼 Pháp thân thanh tịnh

… Trong tắc 1 Bích Nham Lục, khi Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt-ma: “Thế nào là Thánh Đế đệ nhất nghĩa?” tức là đại ý Phật Pháp, Tổ đáp: “Rỗng thênh, không một vật để gọi là Thánh”. Ý Tổ nói là “Pháp thân.”

Pháp thân, vì “không” nên không dung chứa; rỗng thênh vì vô lượng vô biên. Vì không nên tối mù. Như Vân Môn vừa nói, “Muốn thấy thì tối mù.” Bạch Ẩn nói: “Học nhân, nếu dụng công đúng và đầy đủ, ngay lúc ông đập nát hầm tối thức thứ tám A-lại-da, ánh sáng của Đại Viên Cảnh Trí tức thì chiếu soi trùm khắp. Nhưng, lạ lùng thay, ánh sáng này lại tối đen như thùng sơn.”

Bát-nhã-ba-la-mật-đa, một kinh điển căn bản trong nhà Thiền, bắt nguồn từ định của Đại Viên Cảnh Trí, hay Pháp thân. Để thực sự hiểu rõ giá trị Kinh Bát- nhã-ba-la-mật-đa, phải xem kinh trong định, nghĩa là, nên trong định mà tụng kinh. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tán tụng cõi giới của Pháp thân, thân của giáo pháp. Và Pháp thân này, là định nguyên thủy, hay bản tánh.

Có một ẩn dụ đôi khi tôi sử dụng để giúp mọi người hiểu rằng chúng ta luôn ở trong định như sau: Ví như có một ly nước trong, nhỏ một giọt mực xanh vào, giọt mực sẽ lơ lửng trong nước. Mực rõ ràng không phải là nước và nước không phải là mực. Cả hai không rời nhau. Mọi sự mọi vật—sống, chết, người, ta, thế gian, tốt, xấu—đều giống như giọt mực, tất cả đều lơ lửng trong nước tinh khiết của chân tánh tam-muội, là Pháp thân.

Trong nhà Thiền, một truyền thống nói về sự chứng ngộ và những việc liên quan là một loạt tranh thường gọi là “Tranh Chăn Trâu.” Tranh đầu tiên cho thấy một cậu bé, người chăn, chạy loanh quanh tìm trâu. Mỗi bức tranh tiếp theo cho thấy một sự đào sâu dần dần tâm chứng ngộ. Ba bức sau cùng chỉ cho Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân. Bài kệ về Pháp thân ở tranh số 8 như sau:

Người trâu, roi vọt thảy đều không
Trời xanh cao rộng sao với tới
Thiên Lò hồng rực lửa sao dung tuyết
Đến đó mới hay hiệp tổ tông.
Phải dừng ngay đây!
Xấu hổ! Tôi đã từng muốn cứu cả thế gian.
Sốc quá. Không có thể gian hiện hữu để cứu độ.
Từ ngữ không thể nói đến
Người chăn trong cõi này.
Thầy, trò, đều không còn.
Bí ẩn của bí ẩn! Lẽ thật này ai ở đó để nhận?
Ai ở đó để cho?
Một cú đánh, trời thênh thang đột nhiên vỡ nát.
Thánh, phàm, cả hai đều mất không dấu vết
Chỗ bặt lối, mọi con đường đều đến cứu cánh.
Trăng chiếu sáng; gió lành xào xạc
Trong sân chùa.
Sông nào cũng xuôi về biển cả.

🌼 Pháp thân thanh tịnh

“Không” của Pháp thân không phải là một lỗ hổng vũ trụ to lớn. Chúng ta đang thực sự nhìn thấy thế gian trong định ngay hiện tiền. Thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền khi diễn tả tâm định đã nói: “Một hôm, sau bữa tiểu thực, tôi đi dạo. Đang đứng yên, chợt nhận ra không còn thân và tâm. Mọi sự tôi có thể thấy là toàn thể chiếu sáng—hiện hữu trùm khắp, toàn bích, trong sáng và tĩnh lặng. Như thể một tấm gương trùm khắp trong đó phản chiếu sơn hà đại địa.

Chúng ta không nhận thấy sự kiện chúng ta biết thế gian này. Chúng ta bỏ qua sự thật thế giới như thị bởi vì chúng ta biết là như thế. Khi nói: “Mặt trời đang chiếu sáng” hoặc “Con mèo muốn ra ngoài” hoặc “Bữa ăn sáng đã dọn,” chúng ta nên nói, “Tôi biết là…” trước mỗi câu nói. Nhưng nói, “Tôi biết là …” sẽ dư thừa. Không cần phải nói. Mặc dù nói “Tôi biết là…” thì dư thừa, chúng ta không được suy luận tự cái biết là dư thừa. Khi chứng ngộ, chúng ta nhận ra cái biết và luôn luôn là tấm gương trùm khắp trong đó phản chiếu sơn hà đại địa, thiền đường và bồ-đoàn.

Bởi vì chúng ta không nhận thấy cái biết, đó là bản thể của “Tôi biết,” chúng ta chỉ còn lại “cái Tôi” và cảm thấy xa cách với chính mình, xa lánh, lạc lõng. Do đó, mặt trời, con mèo, bữa sáng, sơn hà đại địa dường như tách rời chúng ta, có sự hiện hữu độc lập riêng. Sau đó, chúng ta tìm kiếm chính mình trong sơn hà đại địa, trong thiền đường và bồ-đoàn; Nói tóm lại, chúng ta tìm kiếm chính mình trong kinh nghiệm.

Khi cả thế gian nhìn thấy trong ánh sáng Đại Viên Cảnh Trí, mọi sự vật đều lơ lửng trong trí biết. “Người biết,” không cần hoặc khả dĩ; không có quan điểm nhìn hiện hữu từ đó thấy tất cả. Nhìn thấy là hiện hữu. Tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là Đạo (Pháp thân)?” Triệu Châu đáp: “Cây bách trước sân.” Nhìn thấy cây bách là sự hiện hữu của cây bách. Nhưng không có nghĩa cây bách chỉ đơn giản là phóng ảnh của trí tưởng tượng.

… Nhìn và hiện hữu thì không giống nhau, nhưng cả hai không thể tách rời, và vì vậy không khác nhau. Hiện hữu là hiện hữu và thấy là thấy, nhưng hiện hữu là thấy. Trong Bát-nhã-Ba-la-mật-đa có nói: “Sắc tức là Không.” Sắc là Sắc; Không là Không. Cả hai không giống nhau, như nhau, nhưng không phải hai. Thiền không phải chủ nghĩa độc thần cũng không phải nhị nguyên. Nhìn thấu sự kiện này là nhìn thấu Đại Viên Cảnh Trí.

Người nhìn là Không; không ai nhìn. Chúng ta cài đặt người nhìn sau sự kiện. Người vẽ là thành phần của bức tranh. Kinh nghiệm ngay trước mắt chúng ta là cây bách trước sân; đây là gương treo và phóng ảnh. Một vị thiền sư hỏi tăng: “Thời tiết lạnh hay con người thấy lạnh?” Tăng trả lời: “Chúng ta đều hiện tiền!” Trong ngoài, đến đi, tất cả đều trong định: “ Chúng ta đều hiện tiền.” Hoặc như Bạch Ẩn nói trong Tọa Thiền Hòa Tán: “Đến đi chưa từng rời nhà.” Kiến tánh, chúng ta phá vỡ ảnh phóng chiếu người thấy và vật nhìn thấy, người cảm thấy lạnh và thời tiết lạnh, tức là sự vật diễn ra như đang là, thay vì theo nghĩ tưởng. Chúng ta phá tan mê vọng về một thế giới thực sự hiện hữu độc lập cũng như một chủ thể tồn tại thường hằng.

Thiền giả Ba Tiêu viết:

Không một người
Đi trên đường
Chiều thu này.

🌼 Đây là chứng ngộ thình lình. Ngay đây thức thứ tám A-lại-da chuyển hóa.

Chứng ngộ là bước ngoặt hay chuyển y (paravritti – đột biến), xoay ngược trong thức thứ tám là tàng thức A-lại-da chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí. Chứng ngộ không phải là ý niệm, tư tưởng, cũng chẳng phải cách thức suy nghĩ. Chẳng phải một kinh nghiệm. Cũng chẳng phải một điều gì mới lạ xuất hiện trong tâm. Tâm tự xoay ngược tận nền tảng. Ta có thể nói là lộn ngược giống như lộn ngược chiếc bao tay bên trong ra ngoài. Vẫn là chiếc bao tay đó, nhưng bây giờ khác hẳn. Xoay ngược, đi vòng lại, đòi hỏi nỗ lực lớn, năng lượng lớn, phải làm cho bằng được.

Khi nói công phu đòi hỏi năng lượng lớn, tôi không có ý nói đó là việc làm của pít-tông; không phải kiểu đấm thùm thụp. Chúng ta có thể đập lung tung như máy đập nhưng sẽ không hữu hiệu. Công phu là việc thẩm thấu, tinh tế, chân thành, tuy nhiên lại hiệu quả. Cần thiết phải tinh tấn, và trong thâm tâm mỗi người chúng ta đều biết tinh tấn này là gì— và mỗi chúng ta thà chạy bộ một dặm hơn là tinh tấn như thế. Đạo Nguyên có viết. Ngài nói tinh tấn không phải tự mình áp đặt hay người khác áp đặt mình, mà là tự do và không bị ép buộc. Về sau trong cùng một bài viết, ngài bảo tất cả công phu đều tinh tấn. Ngay cả cố gắng tránh tinh tấn cũng không làm được, vì chính cố gắng là tinh tấn. Ngài viết, “Sự tinh tấn bền bỉ này không phải việc người thế gian tự nhiên ưa thích hay khao khát, nhưng là nơi quy ẩn cuối cùng của tất cả mọi người.”

Không công phu tinh tấn thì không có đột biến. Quy mô của sự đột biến phụ thuộc vào công phu của chúng ta. Công phu nhỏ đột biến nhỏ; công phu lớn đột biến lớn; nếu không công phu, đột biến không xảy ra. Những gì chúng ta phải làm là liên tục đưa bản thân trở lại tâm điểm của công phu.

—🌼🌸🌼—
KIẾN TÁNH VÀ TỨ TRÍ – BẠCH ẨN HUỆ HẠC
Bình giảng: Albert Low
Biên dịch: Thuần Bạch & Huệ Thiện
NXB Hồng Đức, 2020

Post: Thường An

 

SHARE: