KHỔ THƠ THỨ BA: SỰ TƯƠNG TỰ VỚI TÂM QUANG MINH

SHARE:

Giới thiệu
Nếu chúng ta đã đắm mình trong kinh điển hay luận giảng Đại thừa vào lúc nào đó trong đời, bấy giờ chắc chắn chúng ta cần hiểu bồ đề tâm, bodhicitta, cây bồ đề và bồ đề thế này bồ đề thế kia. Về thực tại – nghĩa là thực tại bất nhị của Dzogchen – bồ đề là một từ gợi ý bản tánh của tâm như được kinh nghiệm trong lát cắt bí mật không có thời gian, không gian của tri giác trong hiện tại. Từ quan điểm của thiền giả thanh tịnh, người đang tri giác, người là một phần của cõi Phật, tất cả kinh nghiệm được biết như là tâm quang minh, bồ đề tâm, cái tại đây và bây giờ. Bồ đề tâm nguyện được dùng trong đại thừa Phật giáo để chỉ tâm Phật; nó không có nghĩa là kinh nghiệm tại đây và bây giờ như trong Dzogchen, nhưng như là tâm giác ngộ mà bồ tát tìm sự hoàn thành qua hoạt động công đức và vô niệm. Nó trở thành từ then chốt trong bộ tâm quang minh của những lời dạy Atiyoga và là tầm nhìn căn bản và đầu tiên về Dzogchen. Dù tâm quang minh đã được trình bày trong khổ thơ thứ ba, cần nhớ rằng Longchenpa đã vượt khỏi sự xếp loại phân ba của atiyoga (tâm, tạng và lời dạy bí mật) trong sự trình bày tâm kim cương của ngài.
Bản tánh của tâm bồ đề quang minh thường được diễn tả là “không có thời gian”, và khái niệm “tâm không có thời gian” gợi ý một trạng thái vượt khỏi ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng sự nguy hiểm trong đó là trong tâm bị điều kiện hóa của chúng ta trong thời đại hậu Thiên Chúa giáo này, “không có thời gian” dễ được hiểu là vĩnh cửu, một hằng số không bắt đầu hay chấm dứt, và sa lầy vào những khái niệm của hố sâu thường kiến. Vùng cát lún của những trí năng này hăm dọa tất cả chúng ta, những người vào cuối thế kỷ hai mươi, đã giũ sạch những giả định Thiên Chúa giáo ngây thơ, không phát triển về bản tánh của hiện thể và bản tánh của tâm. Sự đối trị cho cả hai, sự mệt mỏi trí thức và sự thờ ơ hiện sinh đặc trưng cho những thái độ đương thời là một việc làm lành mạnh thêm những cảm thức về cái bây giờ, và sự làm mạnh mẽ ấy được hỗ trợ bằng sự chỉ thẳng bản tánh của tâm, nó luôn luôn là một dẫn nhập vào tánh giác hiện tiền.
Sự trình bày này về cốt lõi tâm kim cương vẫn bị mắc kẹt trong trí năng trừ khi chúng ta có thể giải cấu trúc – một cách kinh nghiệm qua không thiền định hơn là một cách trí năng với những tư tưởng suy lý – những khái niệm bao gồm trong đó, và thả cho tự do những câu như “tính không gian nội tại”, “như nhau không đứt đoạn”, và trước hết nhất là “tính tự phát”, để chỉ nó. “Không có thời gian”, “bổn nguyên”, “vốn” và “nguyên sơ” là những từ đồng nghĩa của thanh tịnh từ ban đầu, từ then chốt nói lên phẩm tính của phương thức treckcho, và quê nhà duy nhất của thanh tịnh từ ban đầu là cái tại đây và bây giờ, nó luôn luôn ở với chúng ta, thường trực đẩy trạng thái tự nhiên của hiện thể vào trong ánh sáng ban ngày, không bao giờ từ chối, không thể trốn thoát, nền tảng quyết định của tất cả cái biết của chúng ta.
Sự tương tự của điểm ảnh toàn đồ (hologram) thì ở ngoài khuôn khổ văn hóa của Longchenpa – nó nằm trong văn hóa chúng ta. Trong khi “khối cầu tối hậu”, “khối cầu độc nhất” của Dzogchen, “thig-le” của tantra – yoga và anuyoga, “trứng vũ trụ” của siêu hình học thời đại mới, nói với chúng ta, thì tế bào đơn nhất của một toàn đồ trong đó toàn thể toàn đồ được chứa đựng, thế giới vi mô trong đó thế giới vĩ mô được chứa đựng, do đó thế giới vĩ mô và thế giới vi mô bằng nhau, là một hình ảnh mạnh mẽ. Một hình ảnh thậm chí còn gần hơn với quê nhà, rõ ràng đối với một đứa trẻ sử dụng điện thoại di động, là điểm ảnh không thể thấy của màn hình tinh thể lỏng, hay điểm ảnh của một ảnh toàn đồ. Dù cho điểm ảnh này không chứa đựng xu hướng để phát sanh lại cái toàn bộ từ phần tử, bản thân một điểm ảnh đơn nhất, đồng nhất trong bản tánh với mọi điểm ảnh khác trong màn hình hay ảnh in, tuy nhiên mang một mảnh độc nhất và tách biệt khiến điểm ảnh thành duy nhất. Từ “điểm ảnh”, bởi thế, là một tương đương tiềm năng và tuyệt hảo của từ thig-le (Tây Tạng) và Bindu (Sanskrit) như được dùng trong Dzogchen và là một tương tự tuyệt hảo cho tâm quang minh, tâm giác ngộ – bản tánh của tâm – cho bản thân thực tại.

TƯƠNG TỰ VỚI TÂM QUANG MINH
“Mọi sự cùng đến trong tâm quang minh”.
Bởi vì tâm quang minh không loại bỏ bất kỳ cái gì,
Nên tất cả kinh nghiệm là của tâm quang minh.

Tương tự cho tâm quang minh là “giống như bầu trời”.
Bởi vì tâm ấy không có nguyên nhân và không thể bị đối tượng hóa,
Nó không nơi chốn, không thể diễn tả và vượt khỏi ý niệm hóa,
Thế nên “tính như không gian của bầu trời” là một ẩn dụ thích hợp.
Nếu ẩn dụ không biểu thị cái gì đặc biệt,
Làm sao nó có thể gợi ra cái gì rõ ràng?
Hãy hiểu rằng bầu trời là một ẩn dụ cho thanh tịnh tự nhiên.
Cái được gợi ra là hiện diện nội tại như bầu trời của tâm quang minh,
Không thể nói, bất chấp minh họa và diễn tả;
Đó là tạng bao la của sáng tỏ nội tại, tịnh quang bất động,
Tính tự phát không do tạo tác, không địa vị hay chiều kích –
Nó là pháp thân, trung tâm mở trống của trái tim quang minh.

Nó được biểu lộ bởi bất cứ cái gì sanh khởi như là tính sáng tạo,
Ở điểm khởi đầu của nó không có căn cứ hay người sáng tạo;
Cái sanh khởi, chỉ là gán tên,
Tan biến vào pháp giới trống không khi được nhận diện.
Đồng hóa và tính như nhau trong trắng không phân biệt,
Thoát khỏi nhị nguyên của tri giác, nó là tạng bằng phẳng như không gian.

Thực tại chiều kích số không của tánh giác tự phát sanh trong bây giờ,
Được phát lộ bằng tương tự – giống nhau, gợi ra và bằng chứng,
Tinh túy được chỉ ra bởi ba tia chớp, đẹp đẽ trên bầu trời,
Đồng hóa mọi sự không phân biệt hay loại trừ.
Trong không gian như thai tạng của khoảng bình đẳng bao la này,
Trong bây giờ, mọi sự luôn luôn là như nhau,
Không phân biệt thời gian hay định lượng:
Đó là cái thấy Samantabhadra Vajrasattva.

Tâm quang minh giống như mặt trời:
Bản tánh của nó là tịnh quang, vĩnh viễn không hợp tạo;
Không gì có thể che tính tự phát sáng ngời suốt qua của nó,
Và là thực tại vô niệm, thay đổi tạo tác là không thể được.

Pháp thân là tánh Không, báo thân là sáng tỏ.
Và hóa thân là rạng rỡ, tạo thành ba thân,
Chúng vượt khỏi một và khác,
Và bởi vì trong cái bây giờ tiềm năng của nó được rèn trong tự phát,
Những khuyết điểm và lầm lỗi tối tăm không thể che ám nó;
Bản sắc nó bất biến và vô thời,
Tràn ngập, thấm nhuần chư Phật và tất cả chúng sanh,
Đồng nhất là “tâm quang minh tự phát sanh”.

Sáng tạo của tâm quang minh ấy xảy ra như là bất kỳ sự gì,
Như tư tưởng và không tư tưởng, như biểu hiện và tiềm năng,
Như những tri giác khác biệt và đa dạng của các chúng sanh!

Những sự vật xuất hiện nhưng không hề kết tinh;
Mọi sự như ảo ảnh, mộng và tiếng vang,
Như hiện hình, phản chiếu trong nước và những lâu đài trong bầu trời.
Như ảo giác, những sự vật hiển hiện rõ ràng,
Nhưng chúng không thực sự hiện hữu.

Hãy biết mọi kinh nghiệm là không gốc rễ, không căn cứ,
Chỉ xuất hiện tình cờ bất chợt,
Chỉ xảy ra thoáng qua, gián tiếp và ngẫu nhiên.

Trong bản tánh tự phát của tâm quang minh,
Trò phô diễn không kết tinh, sanh tử và niết bàn lưu xuất một cách huyễn thuật,
Được đồng hóa thu hồi tức thời vào pháp giới như hư không của nó:
Hãy biết trò phô diễn ấy không hề lìa khỏi sự toàn thiện tự nhiên bổn nguyên của nó.

Tại đây và bây giờ mọi sự ở trong khối cầu của tâm quang minh:
Toàn thiện trong nhất thể của nó, toàn thiện trong sự bao gồm tất cả của nó,
Mọi sự toàn thiện trong thực tại tự nhiên, không tạo tác của nó,
Là toàn thiện, nó là tánh giác tự phát sanh trong cái bây giờ.

Bởi vì tâm quang minh không thể thấy cũng không vô hình,
Không trong không ngoài, sanh tử và niết bàn không thể hiện hữu cụ thể,
Nhưng bởi tính sáng tạo năng động của nó, trò phô diễn vô số,
Những chiều kích vật chất và tâm linh, sanh tử và niết bàn, tỏa sáng.

Những sắc tướng ngay lúc khởi đầu đều vốn trống không,
Vô sanh nhưng xuất hiện là sanh,
Xuất hiện, nhưng không có cái gì đã được sáng tạo;
Không có cái gì kết tinh, dù nó có vẻ như thế,
Và ảo ảnh không kết tinh ấy là sắc của tánh Không.
Dù trong sự vững chắc bề ngoài, không có cái gì thực tồn tại,
Vì không nền tảng và không biến đổi là bất cứ cái gì xuất hiện,
Và tuy nhiên nó xuất hiện, nó không bao giờ có bản chất,
Và như thế nó được đặt tên một cách đơn giản “vô tự tánh”.

Bởi vì những hiện tướng tự xuất hiện trong tính sáng tạo,
Chúng được nói, một cách tượng trưng, là “đồng bộ”;
Sanh khởi trong tính sáng tạo, ngay khoảnh khắc khởi đầu
Không có sanh khởi hay không sanh khởi có thể nói có xảy ra, không có thời gian hay không gian,
Thế nên “tính sáng tạo” chỉ là một lời tượng trưng không chỉ định cái gì;
Bởi vì không có cái gì thoái hóa hay thăng hoa,
Làm sao nó lìa một mảy may khỏi tâm quang minh?
—o0o—
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Post: Thường An

SHARE: