KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT GIẢNG GIẢI

SHARE:

[Kinh văn] “Lại nữa, thiện nam tử! Nói hằng thuận chúng sinh là: Tận pháp giới hư không giới, mười phương biển cõi hết thảy chúng sinh, đủ thứ sự khác biệt, đó là: Sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh bằng ẩm ướt, hóa sinh ra. Hoặc có chúng sinh nương đất nước gió lửa mà sinh. Hoặc có chúng sinh nương hư không và các cây cối mà sinh. Đủ thứ loài sinh, đủ thứ sắc thân, đủ thứ hình trạng, đủ thứ tướng mạo, đủ thứ thọ lượng, đủ thứ tộc loại, đủ thứ danh hiệu, đủ thứ tâm tánh, đủ thứ tri kiến, đủ thứ dục lạc, đủ thứ ý hành, đủ thứ oai nghi, đủ thứ y phục, đủ thứ ăn uống.
Ở nơi đủ thứ thôn xóm, tụ lạc, thành ấp, cung điện, cho đến tất cả trời rồng tám bộ chúng, người, chẳng phải người, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng. Các loại như vậy, con đều tùy thuận họ mà chuyển. Đủ thứ thừa sự, đủ thứ cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ sư trưởng, và A La Hán, cho đến Như Lai, đồng nhau không khác biệt. Đối với các bệnh khổ, thì làm thầy thuốc hay. Đối với kẻ thất đạo, thì chỉ cho họ chánh đạo. Ở trong đêm tối, thì làm ánh sáng. Đối với kẻ bần cùng, thì khiến cho họ được phục tạng. Bồ Tát lợi ích tất cả chúng sinh bình đẳng như vậy, tại sao?
Vì nếu Bồ Tát tùy thuận chúng sinh, tức là tuỳ thuận cúng dường chư Phật. Nếu đối với chúng sinh tôn trọng hầu hạ, tức là tôn trọng hầu hạ Như Lai. Nếu khiến cho chúng sinh sinh hoan hỉ, tức là khiến tất cả Như Lai hoan hỉ. Tại sao? Vì chư Phật dùng tâm đại bi mà làm thể. Do đó, đối với chúng sinh mà khởi đại bi, nhờ khởi đại bi, mà sinh bồ đề tâm. Nhờ sinh bồ đề tâm, mà thành Đẳng Chánh Giác. Ví như ở nơi hoang dã cát đá, có cây đại thụ to lớn, nếu rễ được nước, thì cành lá hoa quả đều sum sê tươi tốt. Cây bồ đề ở nơi sinh tử hoang dã, cũng lại như thế, tất cả chúng sinh là rễ cây, chư Phật Bồ Tát là hoa quả. Nhờ nước đại bi lợi ích chúng sinh, mà có thể thành tựu hoa quả trí huệ chư Phật Bồ Tát. Tại sao? Vì nếu các Bồ Tát dùng nước đại bi lợi ích chúng sinh, thì sẽ thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cho nên bồ đề thuộc về nơi chúng sinh. Nếu không có chúng sinh, thì tất cả Bồ Tát trọn không thể thành Vô Thượng Chánh Giác.
Thiện nam tử! Ngươi đối với nghĩa nầy, nên hiểu như vậy. Nhờ tâm bình đẳng đối với chúng sinh, mà được thành tựu viên mãn đại bi. Nhờ tâm đại bi tuỳ thuận chúng sinh, mà được thành tựu cúng dường Như Lai. Bồ Tát tuỳ thuận chúng sinh như vậy. Dù cõi hư không có thể hết, cõi chúng sinh có thể hết, nghiệp chúng sinh có thể hết, phiền não chúng sinh có thể hết, nhưng tuỳ thuận của con đây không khi nào hết được. Niệm niệm liên tục không gián đoạn, thân miệng ý nghiệp không nhàm mỏi.”
——-💎💎💎——-

[Giảng giải] Thiện nam tử, tôi lại nói về đạo lý hằng thuận chúng sinh: Chúng sinh là chúng duyên hòa hợp mà thành, tận pháp giới hư không giới, mười phương cõi nước chư Phật, hết thảy chúng sinh đủ thứ giống loài khác biệt, đó là: Sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh ẩm ướt, hóa sinh ra. Chúng sinh do chúng duyên hòa hợp mà sinh, mỗi loài có duyên của mỗi loài, cho nên có đủ thứ giống loài khác nhau. Nói về thai sinh, trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Thai do tình mà có”, thành thai như thế nào? Do có ái tình, cho nên thành thai. “Trứng do tưởng mà sinh”, trứng sinh là do tưởng sinh ra, như gà mẹ ấp trứng thì nghĩ tưởng, lâu dần trứng gà biến thành gà con. “Ẩm ướt do hợp mà cảm, hóa do lìa mà ứng”: Sinh bằng ẩm ướt là nhờ ẩm ướt với ẩm ướt tương hợp với nhau mà sinh ra, hóa sinh ra là do có sự biến hóa, như loài nhộng biến thành bướm, loài chuột biến thành dơi, lìa khỏi bản thể của nó, biến hóá thành giống loài khác.
Hoặc có chúng sinh nương đất nước gió lửa bốn đại mà sinh ra. Hoặc có chúng sinh nương hư không, hoặc nương hoa cỏ cây cối mà sinh ra. Đủ thứ vô lượng loài sinh, đủ thứ sắc thân khác nhau, đủ thứ hình trạng khác nhau, đủ thứ tướng mạo khác nhau, đủ thứ thọ lượng dài ngắn khác nhau, đủ thứ giống loài khác nhau, như hổ thì có giống loài của hổ, hưu thì có giống loài của hưu. Đủ thứ tên khác nhau, đủ thứ tâm tánh khác nhau, như tâm tánh của loài hổ thì thích làm hại chúng sinh, tâm tánh của loài hưu thì nhân từ, chỉ ăn cỏ, chẳng ăn thịt chúng sinh, có loài gan lớn, có loài gan nhỏ, có loài thấy người là bỏ chạy, có loài thấy người là muốn ăn.
Đủ thứ tri kiến khác nhau, đủ thứ dục lạc khác nhau, thích đồ vật cũng khác nhau. Đủ thứ những việc làm cũng khác nhau, đủ thứ thái độ oai nghi cũng khác nhau, đủ thứ y phục khác nhau, người thì mặc y phục của người, súc sinh thì mặc y phục da lông, phi cầm thì mặc y phục lông.
Đủ thứ sự ăn uống khác nhau, có loài thì ăn thịt sống, có loài thì ăn cỏ, có loài ăn phân, đủ thứ đồ vật. Mỗi loài ở chỗ của mỗi loài, thôn xóm, tụ lạc, thành ấp, cung điện, cho đến tất cả trời rồng quỷ thần, người, chẳng phải người. Không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng. Đủ thứ các loại như đã nói ở trên như vậy, tôi đều biến hóa ra thân của họ, để giáo hóa họ, phục vụ họ, cúng dường họ, như kính cha mẹ, như thờ sư trưởng, và A La Hán, cho đến giống như cúng dường Phật, đồng nhau không có sự khác biệt.
Chúng sinh thường có tám vạn bốn ngàn thứ bệnh tật, Bồ Tát bèn dùng tám vạn bốn ngàn thuốc hay, để đối trị tám vạn bốn ngàn thứ bệnh tật. Cho nên nói: “Làm thầy thuốc hay”. Thầy thuốc hay là bác sĩ tinh thông y thuật, họ đối với bệnh chúng sinh giống như đối với bệnh của chính mình. Dùng đủ thứ phương pháp để chữa lành cho họ. Chúng sinh có lúc đi sai đường, tuy họ có mắt, nhưng chẳng biết đường nào chánh, đường nào tà, cho nên có lúc đi lầm vào đường tà, Bồ Tát bèn chỉ dẫn họ đi trên con đường chánh. Giống như hiện tại có rất nhiều thanh thiếu niên, chẳng biết đi trên con đường chánh, chỉ biết lười biếng, uống rượu, hút xì ke ma túy, đi trên con đường sai lầm, lúc đó Bồ Tát dùng đủ thứ phương pháp, dẫn dắt chúng sinh đi về con đường chánh.
Đối với chúng sinh ở trong đêm tối, đêm tối biểu thị người chẳng minh bạch Phật pháp. Người chẳng minh bạch Phật pháp, đều đang ở trong đêm tối, minh bạch rồi, thì đắc được ánh sáng; chẳng minh bạch Phật pháp, thì sẽ làm việc điên đảo. Minh bạch rồi, thì mới biết đi trên con đường chánh đại quang minh, cho nên đối với chúng sinh chẳng minh bạch Phật pháp, thì khiến cho họ minh bạch, để họ được ánh sáng.
Đối với những người bần cùng, thì khiến cho ho đắc được vàng, bạc, lưu ly, bảo tạng. Bô Tát bình đẳng không phân biệt lợi ích tất cả chúng sinh như vậy, tại sao vậy? Vì nếu như Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, luôn luôn tùy thuận chúng sinh, hay tuỳ thuận chúng sinh, tức là tùy thuận chư Phật, tức cũng là cúng dường chư Phật, vì “tâm, Phật và chúng sinh, cả ba không khác biệt”. Đối với tất cả chúng sinh đều cung kính hầu hạ, tức cũng là tôn trọng cung kính cúng dường Như Lai.
Nếu khiến cho tất cả chúng sinh đều sinh tâm hoan hỉ, tức là khiến cho tất cả Như Lai cũng sinh tâm hoan hỉ. Cho nên người xuất gia nói: “Giữ miệng nhiếp ý thân đừng phạm, chớ não tất cả các hữu tình”. Đừng khiến cho tất cả chúng sinh sinh phiền não. “Khổ hạnh vô ích sẽ xa lìa” đừng tu khổ hạnh vô ích. “Như vậy hành giả sẽ độ đời”, được như vậy thì mới có thể giáo hóa chúng sinh. Cho nên khiến cho chúng sinh hoan hỉ, thì chư Phật Như Lai cũng hoan hỉ. Tại sao vậy? Vì chư Phật với chúng sinh là một thể, Phật cũng tức là chúng sinh, chúng sinh cũng tức là Phật; Phật là chúng sinh đã thành Phật, chúng sinh là chúng sinh chưa thành Phật, chúng ta với Phật như nhau, tương lai là bình đẳng, cho nên Phật giáo khác với các tôn giáo khác, tức cũng là vì Phật giáo rất là bình đẳng.
Tại sao chúng sinh hoan hỉ thì Phật hoan hỉ? Vì chư Phật Như Lai dùng tâm đại bi làm bổn thể. Vì chúng sinh mà sinh tâm đại bi, nhờ tâm đại bi, mà sinh tâm bồ đề. Nhờ sinh tâm bồ đề tâm, mới thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. Ví như, ở nơi hoang dã cát đá, có cây đại thụ to lớn, nếu rễ được nước, thì cành lá hoa quả đều sum sê tươi tối. Hiện tại chúng sinh ở trong sinh tử hoang dã cát đá, cây bồ đề tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đắc đạo ở dưới cội bồ đề, cũng giống như cây bồ đề rất lớn ở nơi sinh tử hoang dã cát đá. Tất cả chúng sinh đắc được lợi ích, mới có thể thành tựu vô lượng vô biên hoa trí huệ của chư Phật Bồ Tát.
Tại sao vậy? Vì chư Phật Bồ Tát dùng nước đại bi, để lợi ích chúng sinh. Nước đại bi là tâm tánh từ bi, đối với tất cả chúng sinh đều từ bi thương xót, nên gọi là nước đại bi. Bồ Tát Quán Thế Âm và tất cả Bồ Tát tụng Chú Đại Bi, gia trì nước đại bi, lợi ích chúng sinh. Tay cầm cành dương và tay cầm tịnh bình của Bồ Tát Quán Âm là hợp dụng, dùng cành dương nhúng nước trong tịnh bình. Bồ Tát Quán Âm thường niệm Chú Đại Bi, gia trì nước đại bi trong tịnh bình, dùng nước đại bi nầy lợi ích chúng sinh. Cho nên phải dùng nước đại bi lợi ích chúng sinh, để tăng thêm quả vị, thì sẽ thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là tiếng Phạn, dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh đẳng là quả vị Bồ Tát đắc được. Hàng nhị thừa đắc được giác ngộ, chứng được quả vị Thanh Văn, hoặc Duyên Giác, đây chỉ là tự giác, chẳng phải là Chánh đẳng. Chánh đẳng là Bồ Tát, tuy đắc được Chánh đẳng, nhưng chưa đắc được vô thượng, cho nên Bồ Tát gọi là Hữu thượng sĩ. Phật gọi là Vô thượng sĩ, vì Phật đắc được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mới thành tựu quả vị Phật. Nếu Bồ Tát chẳng lợi ích chúng sinh, chẳng dùng nước đại bi giáo hóa chúng sinh, thì trọn không thể thành Phật, cho nên phải tự lợi lợi tha, mới có thể thành Phật.
Do đó bồ đề thuộc về nơi chúng sinh, bồ đề là từ chúng sinh mà ra. Nếu không có chúng sinh, thì tất cả Bồ Tát trọn không thể thành Phật. Tại sao vậy? Vì chẳng có chỗ đi làm công đức. Chúng sinh thì ở trước Tam Bảo làm công đức, Bồ Tát thì ở trước chúng sinh làm công đức. Bồ Tát lợi ích chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, chấm dứt sinh tử, bỏ mê về giác.
Thiện nam tử! Ngươi đối đạo lý và ý nghĩa nầy, nên hiểu như vậy. Vì Phật, chúng sinh và tâm là ba mà một, một mà ba. Phật, chúng sinh và tâm là ba thứ không thể nghĩ bàn, nhưng tâm, Phật và chúng sinh cả ba không khác biệt. Phật, tâm và chúng sinh là một thể, ở trong vô hình là một. Ngươi có tư tưởng giải thích đạo lý nầy như vậy, thì mới có thể thành tựu viên mãn tâm đại bi, dùng tâm đại bi tùy thuận chúng sinh, thì được thành tựu công đức cúng dường Như Lai. Bồ Tát tùy thuận chúng sinh như vậy, dù cõi hư không chẳng còn nữa, cõi chúng sinh chẳng còn nữa, nghiệp chúng sinh chẳng còn nữa, phiền não chúng sinh chẳng còn nữa, nhưng tùy thuận của con đây không khi nào hết được. Bổn lai cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, phiền não chúng sinh, vĩnh viễn không thể nào hết, cho dù chúng không còn nữa, nhưng nguyện lực nầy của con không bao giờ hết. Tâm niệm nầy, niệm niệm liên tục không gián đoạn, thân miệng ý ba nghiệp vĩnh viễn hành trì nguyện lực nầy, vĩnh viễn không nhàm mỏi

Trích: Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật Giảng Giải Tập 25; Hòa Thượng Tuyên Hóa; chùa Kim Quang (Lưu hành nội bộ)

Post: Thường An

 

SHARE: