LỜI CHÀO TINH KHÔI

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

28. LỜI CHÀO TINH KHÔI

(Đọc  “Linh Sơn” của CAO HÀNH KIỆN Nobel Văn học 2000)

Tiểu thuyết Linh Sơn, giải Nobel Văn học năm 2000, được Cao Hành Kiện viết từ 1982-1989 ở Bắc kinh và Paris. (Người dịch Hồ Quang Du theo bản tiếng Trung, NXB Văn học). Câu chuyện kể về cuộc du lịch của một nhân vật gần giống tác giả (vốn là nhà văn định cư ở Pháp năm 1987) trở về vùng biên giới Tây Nam hoang vu của Trung Quốc để tìm đến ngọn Linh Sơn huyền thoại. Linh Sơn là ngọn núi tâm linh của mỗi người “Linh trong linh hồn. Sơn trong sơn thủy” (tr.15), “chính tại Linh Sơn này, Đức Phật giác ngộ cho Ma Ha Ca Diếp” (tr.20). Linh Sơn là thực tại tối hậu, hay có thể dùng các danh từ khác như Niết bàn, Phật tánh, Chân tâm…ở tận cùng tâm hồn mỗi người, mà cuộc hành hương trải qua cuộc đời này không có mục đích gì khác hơn là để tìm thấy nó.

Ở Tây phương, có lẽ nhân vật-như tác giả- là người có danh vọng , tiền bạc, nhưng anh ta vẫn thấy thiếu thốn một cái gì, khao khát một cái gì mà thời trẻ ở Đông phương rồi sau này ở Tây phương đã không tìm thấy được, kể cả trong nghề nghiệp vănhọc nghệ thuật của mình. Luôn luôn thấy thiếu thốn trong tâm hồn, không thứ gì có thể thỏa mãn, đó là sự thật đầu tiên mà Phật giáo gọi là Khổ đế, sự bất toại nguyện.

Thế rồi nhân vật trở về “quê hương, mà trước kia từ mảnh đất này ra đi. Ngày nay chỉ cần còn sức, dầu có ở bên kia Thái Bình Dương, người ta cũng đều nô nức trở về”(tr.13). Con đường trải dài theo nhiều địa danh, nghe kể lại nhiều câu chuyện vu thuật, lịch sử pha lẫn truyền thuyết, những chuyện dân gian, những nhân vật thần thoại như Bàn Cổ hoặc những nhân vật có thật như Liễu Tông Nguyên, Hàn Sơn Thập Đắc…cho đến những cuộc đời oan nghiệt của một vùng hoang sơ chưa được khai hóa, dù là khai hóa bằng văn minh truyền thống Trung Hoa. Tất cả diễn ra trong bối cảnh một vùng Tây Nam Trung quốc vừa bước vào thời kỳ đổi mới đã tăng thêm cái số phận tối tăm u uất của kiếp người. Sự khủng hoảng các giá trị: nhân vật không được đứng trong cổ hay kim, không sống được cả trong Tây phương lẫn Đông phương. Con đường đi lơ lửng giữa cổ xưa và hiện đại, giữa Tây phương và Đông phương. Một Đông phương chìm đâu trong tình trạng sơ khai hoang dã, chỉ còn tàn tích là những đền miếu hoang tàn, những câu chuyện vu thuật và huyền thoại. Còn Tây phương thì nhân vật đã bỏ để trở về, Tây phương cũng ngột ngạt vì quá nhiều giá trị phù phiếm và phù du.

Trên đường đi, nhân vật-trong tiểu thuyết, nhân vật này không có tên và rất thường được gọi là “bạn”, có nghĩa nhân vật này là bất kỳ ai- gặp một cô gái, cũng không tên, anh hỏi: “Thế thì đi đâu. Cô bảo cô không biết. Cô muốn tìm nơi mà không ai nhận ra cô, một mình cô men theo bờ sông đi về phía thượng nguồn, chẳng nghĩ gì, một mạch bước đi cho đến khi mệt mỏi, kiệt sức ngã chết trên đường… Bạn hỏi cô có thể qua sông cùng bạn không? Sang bờ bên kia, bên ấy có ngọn Linh Sơn, có thể thấy nhiều điều kỳ diệu, có thể quên hết khổ đau, có thể đạt đến giải thoát, bạn hãy ra sức quyến rũ cô đi”(tr.100).

Cả hai người đều đi tìm Linh Sơn, dù người thì ý thức, người thì vô thức, người thì để sống, người thì để chết. Và họ “rơi vào nhau”, nhưng cũng chẳng ra sao, chẳng thành cái gì. Mỗi người một ngả, theo con đường đơn độc của mình. Hai sa mạc dù có kết hợp tạm thời với nhau qua tình yêu và tình dục thì cũng chỉ làm rộng thêm sa mạc. Hai dòng sông cạn dù có nối kết với nhau một đoạn thì cũng chỉ làm nỗi khát khao đại dương thêm khó chịu đựng, cuộc đời càng thành nỗi oan khiên không thể hóa giải. Tất cả những gì trên thế gian này đều không thể thay thế được Linh Sơn, những hấp dẫn, những tham muốn, những thỏa mãn tạm thời, những gán tên cao đẹp, món đồ mà ta tiêu thụ…tất cả chỉ là những phản ảnh mờ mịt và xa xôi của một Linh Sơn ở nơi “sơn cùng thủy tận”.

Cuối cùng nhân vật cũng đến và thấy được Linh Sơn. Tác giả đã diễn tả khá dài trong bốn trang chót về sự kiện thấy được Linh Sơn , thấy được cái như thực. Đó là những trang văn đẹp đẽ, có thể nói là hiếm hoi và đẹp hàng đầu trong văn học hiện đại. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi sự chính xác của việc trải nghiệm và niềm hân hoan của người tìm thấy thực tại như trong các bài thơ Thiền của các thiền sư trong văn học Việt Nam, vì đơn giản, tác giả là một nhà văn, không phải là một người ngộ đạo.

Ai chẳng đi tìm Linh Sơn

Linh Sơn là nỗi ám ảnh không nguôi của kiếp người. Chẳng hạn nhà thơ Kwang Kyu-Kim, một trong những nhà thơ tiếng tăm của Hàn Quốc đương đại, có một bài thơ “Linh Sơn”: “Trong ký ức ấu thơ tôi mọc lên một ngọn núi huyền bí nơi cố hương. Đó là ngọn Linh Sơn chưa ai trèo lên đó. Và cũng chưa ai nhìn thấy đỉnh núi bao giờ…và một ngày tôi chợt khao khát nhìn thấy Linh Sơn – ngọn núi mà chưa bao giờ trái tim tôi vắng bóng…”(xem trang 183, Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, Nguyễn Quang Thiều dịch, NXB Hội Nhà văn 2002).

Ai mà chẳng mong ước đạt được cái nơi chốn, cái thực thể mà kinh điển Nam tông gọi là “vĩnh cửu”, “không tùy thuộc thế gian sanh diệt”, “chỗ nương dựa tối thượng”, “duy nhất”, “hạnh phúc”, “bất khả diệt”, “vô tận”, “tuyệt đối thanh tịnh”v.v..

Con người luôn luôn đi tìm Linh Sơn, cái hạnh phúc thật sự, không sứt mẻ, héo mòn, cái thực thể không biến đổi vì bất cứ cái gì, đóa hoa bất tử một lần nở là không bao giờ tàn héo. Mọi người đều đi tìm Linh Sơn bằng mọi phương tiện mình có, theo quan niệm mình hình dung. Cái mục đích của đời người và phương tiện để đạt đến cái mục đích đó có thể là sự giàu có, thông minh, quyền lực, danh vọng, tình yêu và tình dục, những hưởng thụ giác quan, thậm chí là những cái xấu ác. Những cái đó khi đã đạt được dù chưa hoàn toàn , đều không phải là Linh Sơn, vì chúng ta chỉ nắm bắt được cái bề ngoài của chúng do chúng ta chỉ sống ở mức cạn cợt bên ngoài. Chúng ta lại cảm thấy một dư vị buồn buồn, một sự trống rỗng thêm lớn. Chúng ta có thể có được những thứ mà mình ao ước, những thứ mà mình nghĩ đó phải là hạnh phúc, nhưng khi có được, nhìn lại chính mình, chúng ta vẫn thấy không thỏa mãn, chẳng phải và chẳng phải, chúng ta vẫn thấy trống rỗng và cô đơn không nguôi. Có lẽ tâm trạng của Siddhatta -người sau này thành Phật Thích Ca-cũng như vậy khi ngài bỏ tất cả những thứ hạng nhất của mình và ra đi, để tìm cái gì đó mà lúc đó cũng chưa biết đặt tên là gì, hình dung thế nào, chỉ biết là tìm cho ra cái gì thoát khỏi sanh lão bệnh tử và thoát khỏi mọi thứ vô thường khác. Sự trở lại với “những câu hỏi siêu hình” của Chế Lan Viên sau hơn 30 năm tạm để qua một bên để lo cho kháng chiến và đang lúc ở trên đỉnh cao của văn chương cách mạng cũng cho thấy rằng “những câu hỏi siêu hình”không phải là một trò chơi hồi mới lớn, mà là sự ám ảnh suốt một kiếp người.

Nỗi khổ lớn nhất của con người là khi nó đi tìm và tìm thấy cái nó nghĩ là Hữu thể (L’Être) thì nó chỉ gặp Hư vô (Le Néant).

Nhưng còn một cái khổ sâu hơn: nó đi tìm cái Tuyệt Đối nhưng nó lại sợ Cái Đó và luôn luôn tìm cách trốn tránh.Cái Đó. Đây là nghịch lý lớn nhất, sự khổ lớn nhất và cũng là cái vô minh có lẽ lớn nhất của con người. Chúng ta đi tìm tự do giải thoát, nhưng có lẽ vì tự do, giải thoát thì bao la quá, mênh mông quá, như không gian vô tận, và nếu đạt được nó, nó cũng chẳng có cái gì để cho chúng ta trao đổi, mua bán, chẳng có một món lợi nào. Thế nên chúng ta sợ nó và trốn tránh nó. Trốn thoát tự do là nhan đề một cuốn sách của nhà phân tâm học nổi tiếng Erich Fromm. Muốn đối diện Cái Đó, chúng ta phải bỏ lại những thứ lỉnh kỉnh, chẳng phải là ta. Chúng ta phải bỏ lại “nhưng cái của ta” ở bên ngoài để vào trung tâm chánh điện. Chúng ta phải một mình, cô đơn-cô đơn theo nghĩa tích cực chứ chẳng phải là một trạng thái bệnh hoạn của tâm thức. Và sự bỏ lại bên ngoài ấy làm cho chúng ta sợ. Và vì sợ cho nên suốt đời chúng ta trốn tránh, không muốn nhìn vào chính mình, luôn luôn làm như bận rộn, luôn luôn giả vờ “năng động sáng tạo”, giả vờ suy nghĩ, giả vờ lo toan cho những ý tưởng cao cả, hay tệ hơn, giả vờ ăn chơi, giả vờ thác loạn…

Hóa ra cuộc sống của chúng ta chỉ giả vờ, giả bộ, sống bằng những mặt nạ (personna, “nhân cách”theo ngôn ngữ hiện thời, nhưng theo tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa là mặt nạ), như để che lấp mối ưu phiền, âu lo tự căn để, che lấp sự trống rỗng và cô đơn luôn luôn nằm dưới đáy tâm hồn. Sự giả bộ này nói theo triết học hiện sinh là sự ngụy tín (mauvaise foi), sự tự lừa dối mình, và dĩ nhiên, với cả người khác. Nói theo triết học hậu hiện đại, đó là “cái giả tạo thế chỗ” (simulacrum): con người thay vì sống với cái thực tại của chính mình, có lẽ vì sợ hãi, nó dùng những cái giả tạo để thế chỗ cho cái thực ấy. Nói đến mặt nạ là những cái dùng để che bên ngoài cái khuôn mặt thực của chúng ta (mà nói theo Thiền tông, khuôn mặt thực là “bổn lai diện mục”). Còn con người thực, cái bổn lai diện mục của ta là gì, là ai chúng ta không biết. Và chúng ta giả vờ, đeo lên mặt nạ để đóng kịch vì chúng ta sợ khuôn mặt thật của chính mình.

Chúng ta sợ sự trống rỗng, sợ cô đơn và luôn luôn tìm cách che lấp chúng. Nếu chúng ta thử ngồi yên, như ngồi thiền chẳng hạn, trong vài phút thôi, chúng ta mới thấy tâm thức mình không chịu nỗi sự trống rỗng cô đơn của chính nó như thế nào, không chịu nỗi, tâm thức luôn luôn tạo ra đủ thứ tư tưởng vô ích chẳng đâu vào đâu, để che lấp, lấp cho đầy môt cách vô vọng sự trống rỗng cô đơn của chính nó.

Thì ra tất cả cuộc đời của chúng ta chỉ là để thoát khỏi sự trống rỗng, cô đơn, sự bao la vô hạn, cái Hiện Hữu tuyệt đối không nương dựa vào bất cứ cái gì. Chúng ta đâu biết rằng sự trống rỗng, cô đơn, sự im lặng, thậm chí cả những cái tiêu cực như sự thất bại, cái chết, là tiếng gọi, là dấu hiệu, là những phản ánh khúc xạ xa xôi của cái chúng ta trọn đời tìm kiếm, Thực Tại Tối Hậu.

Vậy thì dừng lại, không chạy trốn, không giả vờ, không bỏ qua, không đặt tên gán ghép, tâm thức không tự làm méo mó bằng những thứ sợ hãi hay tham lam chụp nắm, thực tại Linh Sơn bèn hiện ra ngay trước mặt. Không phải là Linh Sơn không có, nó luôn luôn có đó, nhưng một cách vô thức chúng ta cứ luôn luôn từ chối sự hiện hữu trước mắt và muôn đời của nó. Và như thế chúng ta đánh mất Linh Sơn vì những “vọng tưởng điên đảo”của mình.

Linh Sơn ở đâu?

Vào thế kỷ thứ IX, Thiền sư Cảm Thành nối pháp Sơ tổ Vô Ngôn Thông, dòng Thiền thứ hai của Việt Nam (dòng thứ nhất là dòng từ Tỳ Ni Đa Lưu Chi). Khi có người đến hỏi: “Thế nào là Phật?” (Thế nào là thực tại tối hậu, thế nào là Linh Sơn?) Sư đáp: “Khắp tất cả chỗ”. Lại hỏi: “Thế nào là tâm Phật?”. Sư đáp: “Chẳng từng che giấu”.

Với nhiều phái triết học và cả tôn giáo, Linh Sơn là một nơi chốn nào đó mà con người phải tìm nơi thời gian, không gian nào đó hay ở ngoài không gian, thời gian, như nhân… vật trong Linh Sơn của Cao Hành Kiện chẳng hạn. Nhưng với Phật giáo Đại thừa mà Thiền tông là một đại diện có lẽ phù hợp nhất với tâm thức Đông Á, thì Linh Sơn “ở khắp tất cả chỗ”, nghĩa là không ở riêng một nơi chốn, thời gian nào và nơi chốn, thời gian nào cũng có mặt. Hơn nữa, Linh Sơn chưa từng che giấu ai cả , mà vẫn thường hiển lộ, chỉ là chúng ta tự che giấu chính chúng ta. Như thế, Linh Sơn hiện hữu mà không cần điều kiện không gian và thời gian đặc biệt. Chỉ việc duy nhất của chúng ta là thấy ra nó, vì nói như các thiền sư, “Từ vô thủy đến nay nó chưa từng cách hở với các ông một mảy lông”.

Chính vì Linh Sơn “khắp tất cả chỗ, chưa từng che giấu”, nghĩa là có mặt khắp không gian và thời gian, khắp mọi nói nín, động tĩnh của thân khẩu ý, mọi sinh hoạt, mọi nghề nghiệp (người ta không cần thất nghiệp để thấy Linh Sơn, và thấy Linh Sơn rồi người ta cũng không cần phải bỏ nghề) mà kinh Pháp Hoa nói: “Ai ai cũng có viên ngọc như ý đeo ở chéo áo”, và sự chuyển thân trong nháy mắt của Long Nữ”. Đó là cái Tại Đây và Bây Giờ thường trụ bình đẳng cho tất cả, bất kể giàu nghèo, học nhiều học ít, trẻ hay già, nam hay nữ.

Bất kể là ai, khi thấy được Linh Sơn thì mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là Linh Sơn, đều là sự thể hiện của Linh Sơn. Người đó thấy cái gì thì cái đó là Linh Sơn; nghe cái gì thì cái đó là Linh Sơn; có ý tưởng gì thì ý tưởng đó là Linh Sơn. Như người xưa nói, “Khi đã có cây đũa thần biến mọi sự thành vàng, thì tất cả thế giới là vàng ròng”. Thế nên Đại thừa nói: “Sanh tử tức là Niết bàn”.

Phải chăng trong thời đại hiện nay, thời của một chủ nghĩa Hậu hiện đại quá đỗi thông minh nhưng cũng quá đỗi bi quan buồn rầu, khi tất cả mọi “đại tự sự” đều đã sụp đổ, Linh Sơn cũng là một đại tự sự và cũng phải sụp đổ? Đại tự sự là những vọng tưởng ước ao trải dài trên lịch sử nhân loại, tuy không thật nhưng vẫn mang chứa cái đẹp, vì đó là những khát khao không cùng của con người mãi mãi mơ tưởng đến Chân Thiện Mỹ, dầu là một hình dung sai lầm và đi một con đường không đến đâu cả, ngoài sự vỡ mộng và buồn chán.

Linh Sơn không phải là một đại tự sự, một vọng tưởng của cá nhân nào đó, mà là thực tại được thầy và kinh nghiệm bằng một tâm cực kỳ thanh tịnh, và được truyền thừa thành dòng thể nghiệm và những dòng đó chính là sự sống đích thực của Phật giáo. Cũng chính vì “khắp tất cả chỗ, chẳng từng che giấu”mà Đại thừa vẫn sống bất chấp mọi đổi thay chóng mặt của thời đại.

Linh Sơn có thể là một đại tự sự, một huyền thoại đối với chúng ta ngày nào chúng ta chưa thấy Nó, chưa sống được với Nó. Nhưng Nó vẫn có đó, con đường đi đến Nó vẫn có đó (một ý nghĩa của chữ đạo là con đường). Nó chính là Thực Tại, “khắp tất cả chỗ” và “chưa từng che giấu”, và ngày nào chúng ta thấy nó, sống được nó, lúc đó mọi đại tự sự, mọi huyền thoại, mọi khổ đau đều biến mất. Và lúc đó, trái núi thiêng của Cao Hành Kiện, tất cả vạn vật, từ vô tình đến hữu tình, dù mỉm cười hay rưng rưng nước mắt, chắc cũng phải mở lời : “Xin chào!”.

SHARE:

Để lại một bình luận