ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

13. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Trong bối cảnh những năm cuối cùng của thế kỷ XX, trong bối cảnh các nước Đông phương đang tìm lại giá trị văn hóa của mình, thiết tưởng chúng ta phải tìm lại đâu là những nét chính của văn hóa Phật giáo, bởi vì không nghi ngờ gì, Phật giáo là cột trụ lớn nhất trong 3 cột trụ “Tam giáo đồng nguyên” đã chống đỡ cho đất nước vững vàng cho đến ít nhất là tới đầu thế kỷ XX.

Trong một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ đề cập đến văn hóa Phật giáo nuôi dưỡng cho con người những đức tính gì, bởi vì rõ ràng hơn đâu hết, đức tính con người là sự biểu lộ trực tiếp của văn hóa qua con người ấy. Những đặc tính chính yếu của một con người sống trong văn hóa Phật giáo là:

Biết tôn trọng, khoan hòa với toàn thể đời sống

Có thể nói cái đầu tiên và cái cuối cùng của đạo Phật nằm trong câu nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Chỉ việc nuôi dưỡng, giữ gìn cái nhìn “mỗi người là một vị Phật sẽ thành” cũng đủ biến đổi mọi tương giao xã hội thành trăm vạn lần cao đẹp hơn, đủ biến cõi đời thành cõi Phật thanh tịnh.

Nếu có thể nói đến sức mạnh văn hóa bên cạnh những sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học kỹ thuật… thì câu nói “Tôi không dám khinh thường người khác, bởi vì các người sẽ thành Phật” của Thường Bất Khinh Bồ tát là sức mạnh văn hóa đem lại sự đoàn kết hòa hợp, niềm tin tưởng lẫn nhau, lòng khoan dung rộng mở, niềm tin tưởng sâu xa vào cứu cánh tối hậu Chân Thiện Mỹ của mỗi con người. Đó là động lực đích thực cho mọi nền văn minh nhân loại.

Đạo Phật không chỉ tôn trọng con người mà còn tôn trọng tất cả chúng sanh, tất cả vạn vật, tóm lại là toàn bộ đời sống. Thái độ tôn trọng này khi nhìn về chính mình thì trở thành sự tự tôn trọng. Không tự khinh mình, đó là nền tảng của mọi giới luật tự giác. Tự tôn trọng mình như một vị Phật sẽ thành, khi ấy mọi điều ác dầu nhỏ nhặt đều bị đình chỉ, và tất cả mọi điều thiện đều có thể đơm bông kết trái cho đến chỗ hoàn thiện.

Một trí thông minh tỉnh giác tự biết chính mình, tự biết giải quyết những phiền não trong cuộc sống

Tất cả mọi khốn khổ ta gây ra cho mình và cho người khác đều là do không tự soi rọi lại chính mình, không thấu hiểu tiến trình phiền não ở nơi mình. Những tham lam trái đạo lý, những nổi giận nóng nảy, những thành kiến méo mó, sự chấp trước, sự không thể cảm thông với người khác… tóm lại là toàn bộ vô minh tham sân si đã gây ra mọi hỗn loạn, mọi điên đảo thống khổ cho mình và cho người.

Một trí thông minh biết quán xét đâu là phiền não, cái gì là nguyên nhân của phiền não đó, biết giải thoát ra khỏi phiền não đó bằng cách tận diệt nguyên nhân gây ra phiền não, một trí thông minh lành mạnh như vậy là căn bản giải quyết mọi khổ đau đang tàn phá cuộc đời. Khi đang nổi giận, chỉ thấy việc mình đang giận, nguyên nhân của mối khủng hoảng này, thì cơn giận đã lùi xa.

Trí thông minh soi rọi đó, là kết quả của một nền văn hóa hướng đến trí huệ tự giác của đạo Phật, nó sẽ trở thành một bản năng tự thức ở mỗi con người, và tiến xa hơn nó sẽ nhổ hẳn gốc rễ của khổ đau, phiền não. Tâm hồn con người không còn là một bãi chiến trường cho những tham vọng xung đột nhau, ngổn ngang những ham muốn mâu thuẫn, những lo âu và hối tiếc, mà là một mặt biển yên bình cho bình minh của bình an và tịnh lạc.

Sự tự chế đưa lại an bình và trật tự cho gia đình và xã hội

Tự chế là một tiêu chuẩn để dánh giá con người có văn hóa, toàn bộ văn minh nhân loại đã đặt căn bản trên sự tự chế ngự, tự khắc phục: chế ngự để vượt qua khỏi bản năng của động vật, khắc phục sự trì trệ lười biếng, chế ngự những đam mê buông thả…Một trong 10 danh hiệu của Phật là bậc Điều Ngự, bậc tự điều phục mình, bậc chế ngự được mình. Tự chế ngự là tự hoàn thiện, đó là căn bản cho một xã hội trật tự và an bình.

Từ Bi Hỷ Xả

Cuộc đời không phải là sự tự phòng thủ, tranh đoạt lẫn nhau, dù là giành giựt nhau một cách hợp pháp, văn minh. Cuộc đời là sự dung hòa của các phần tử trong cái toàn thể: đó là ý nghĩa của Từ Bi Hỷ Xã. Cuộc đời không chỉ là pháp luật, không chỉ là cơ chế: cuộc đời là sự biểu lộ của tình thương. Xã hội không có tình thương chỉ là một bộ máy cơ khí , dầu bộ máy có tinh vi và cao cấp đến đâu cũng không đủ sức cưu mang nuôi dưỡng con người.

Tình thương chính là giới luật: vì tình thương mà tôi không ăn cắp, không nói dối, không tà dâm, không sát hại…Một xã hội sống trong Từ Bi Hỷ Xã là môt xã hội thấm nhuần tình thương giữa người với người, cho đến cỏ cây sinh vật (Từ Bi), một xã hội luôn luôn phấn khởi trong niềm vui bao la vì lợi ích chân thật cho người khác (Hỷ), một xã hội an hòa vì dễ dàng tha thứ, dễ dàng dung hợp, dễ dàng hy sinh (Xả).

Tính dũng mãnh tích cực trong đời sống

Đạo Phật tạo cho con người tính tích cực dũng mãnh: tích cực vì điều thiện cho mình và cho người, dũng mãnh để tự chiến thắng, dũng mãnh vì sự lợi lạc cho khắp cả.

Đời sống Phật giáo khởi đi từ những lời nguyện. Động cơ mọi việc làm của người Phật tử không phải là tham, sân, si mà là nguyện lực làm lợi ích và tốt đẹp cho người khác, đó là cái dũng để phụng sự cuộc đời.

Cũng từ cái Dũng để phụng sự cho đời ấy mà vua quan và nhân dân đời Trần đã 3 lần đánh lui quân Nguyên Mông xâm lược, giữ gìn cho đời sống nhân dân được vẹn toàn và chánh pháp được tồn tại.

Sự tự tin tự chủ

Đời sống vật lý, sinh lý và tâm lý con người, theo đạo Phật, đều đặt trên định luật nhân quả. Không có một việc xấu nào có thể đến với ta nếu ta không từng gây ra việc xấu cho người khác. Không có một may mắn, một việc tốt nào sẽ đến với ta nếu hiện giờ ta không gieo nhân cho việc tốt đó. Không oán trời không trách người, không đổ thừa cho hoàn cảnh, đó là sự tự tin và tự chủ của người nắm vững cuộc đời mình theo định luật nhân quả.

Đặt con người trước sự tự do lựa chọn tốt xấu, đặt con người trước trách nhiệm là tác nhân sáng tạo ra cuộc đời mình trong đời này cũng như đời tới, là ý nghĩa nhân bản của đạo đức Phật giáo.

Sự dễ dàng dung hòa đoàn kết

Nhờ vào tính cách vô ngã, không chấp thủ của người chịu ảnh hưởng Phật giáo, mà người ấy dễ dàng sống dung hòa với mọi cá nhân khác biệt, dễ dàng đoàn kết để tiến tới những ích lợi thống nhất của tập thể.

Tính hướng thượng giải thoát

Đạo Phật nhằm đưa con người đến một đời sống cao rộng hơn, bao la hơn, tự do hơn, nghĩa là tinh thần hơn. Đời sống tự tại vô hạn đó gọi là Niết Bàn. Thay vì mãi mãi bị ràng buộc, loay hoay điên đảo trong một bản ngã chật chội và không thật, thì con người được hướng đến một đời sống vô ngã, và vì vô ngã cho nên là vô tận.

Thay vì con người bị giới hạn bởi thời gian, giới hạn bởi sự sinh ra và cái chết, thì con người được chỉ dạy cho đâu là đời sống không có thời gian, không giới hạn, trong đó không còn sự sinh diệt. Thay vì mãi mãi bị chi phối bởi những buồn đau, được mất, có không của hoàn cảnh vật chất, nhờ đạo Phật, con người có thể đạt đến sự tự tại, mà mọi thứ hình thức vật chất dầu thô phù hay vi tế  đều không còn ảnh hưởng được nữa.

Bởi vì điều khẳng định của đạo Phật là: tất cả mọi thế giới thô trược hay vi tế đều vô thường, ngày nào con người còn làm nô lệ cho 3 cõi vô thường đó, ngày ấy con người còn phải mang gánh nặng của đau khổ, sinh ra để chết, được để mất, hội tụ để chia lìa.

Cũng bởi tính cách của giải thoát này mà đạo Phật vẫn tồn tại và được tích cực nghiên cứu mãi cho đến thời đại này, nhất là ở Tây phương, nơi sự tiến bộ vật chất đã lên đến cao độ nhưng hạnh phúc của con người vẫn là điều bí ẩn dấu mặt giữa sự phồn hoa muôn màu của sắc tướng.

Trong bối cảnh văn hóa Tây phương đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, không đủ sức làm nền tảng cho một xã hội tiêu thụ và dư dả vật chất, kết quả là chủ nghĩa cá nhân, sự ích kỷ lãnh đạm đối với người khác, phá hoại môi trường thiên nhiên, tính bạo lực và bạo động ngay cả ở trẻ con, sự tan rã của đời sống gia đình, sự tầm thường hóa những giá trị thiêng liêng căn bản cho con người… đã làm cho đời sống con người trở nên khô khan, trần tục, duy kỷ, cô độc, kết quả là hỗn loạn, bế tắc và phá hoại.

Cũng vì thế mà đã hơn nửa thế kỷ nay, các nhà trí thức Tây phương sáng suốt nhất đã thành khẩn tìm hiểu về Minh Triết phương Đông.

Trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, đạo Phật sẽ mãi mãi đóng góp cho dân tộc từ ngày lập quốc. Sở dĩ nói rằng đạo Phật sẽ có những đóng góp, bởi vì khác biệt với triết lý, đạo Phật có sức mạnh thực hành.

Bằng vào đời sống thực hành mà văn hóa không chỉ là ước mơ trong trí óc hay là những ngôn ngữ đẹp đẽ trên đầu môi, mà hiện thực trong đời sống. Ví dụ bất kỳ một triết lý có lương tri nào cũng khuyên nhủ con người hãy đừng ích kỷ, hãy sống vì mọi người, nhưng làm thế nào để phá vỡ tính duy kỷ, làm thế nào để sống vô ngã vị tha thì những triết lý đều bất lực không có phương pháp thực hành.

Bằng vào sức mạnh thực hành của mình mà đạo Phật thể hiện cho con người những lý tưởng văn hóa. Chân Thiện Mỹ không phải là nói suông hay ước mơ hão huyền mà phải trở thành hiện thực bằng những pháp môn thực hành hiệu quả.

SHARE:

Để lại một bình luận