CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

5. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI

  1. Tác phong

Đi chơi với bạn, có thể một người hay nhiều người, nhưng thấy người nào thản nhiên vứt giấy, bao bừa bãi, chúng ta thấy là không đẹp. Dĩ nhiên, kiếm thùng rác vứt vào thì mất công và mệt nhọc hơn. Ngồi vào bàn ăn ta thấy anh nào, cô nào húp xì xụp, bỏ thêm gia vị loạn cả lên, giấy chùi miệng vứt lung tung, gọi bồi bàn với giọng kẻ cả hách dịch, chẳng để ý gì đến ai, ta sẽ thấy là không đẹp.

Cái đẹp (mỹ) gắn liền với cái tốt (thiện), và cái tốt ở đây là không làm bẩn. Ngược lại, anh nào, cô nào giả bộ làm vẻ kiêu kỳ, chê cái này cái nọ, giả bộ sang trọng để dư cả đống đồ ăn, ta cũng thấy là không đẹp. Sự không đẹp này cũng là một cách hoang phí, và do đó, phá hoại tài sản trái đất. Cái không đẹp cũng lại là cái không tốt, không thiện. Ăn uống là một bản năng, mà nếu thiếu nó chắc chúng ta đã chết khi sinh ra mới chỉ vài ngày. Nhưng càng lớn lên, càng “văn minh” hơn, ăn uống không còn là một bản năng nguyên sơ, thô sống. Ăn uống để có dịp hòa mình với gia đình, để chuyện trò, để thưởng thức ngoại cảnh và âm nhạc, văn hóa.

Bất kỳ con người nào cũng phát xuất từ một cơ sở sinh vật, động vật và giáo dục là làm cho con người biết chế ngự bản năng động vật của mình, thăng hoa lên thành văn hóa, văn minh. “Phát ra mà đều trúng tiết thì gọi là hòa. Hòa là đạo thông suốt của thiên hạ” (Trung Dung). Phát ra mà đều trúng tiết, đấy là cái gốc của văn minh theo quan niệm của người xưa. Và nay chắc cũng chẳng ai thấy điều đó sai.

Vượt thắng được con người bản năng hoang dã của mình, “điều ngự” (chữ của Phật giáo) được nó, làm chủ nó như một phương tiện, đó là tự chủ, là tự do. Vượt thắng bản năng, thăng hoa nó, lấy nó làm nhiên liệu cho sự nở hoa của nhân cách con người, đó là cái đẹp của văn minh. Chẳng hạn, những mẫu thời trang đều cố tình tôn tạo vẻ đẹp, và cố tình che giấu những bộ phận mang tính bản năng nhất thay vì phơi bày những bộ phận đó như một động vật không áo quần. Một mặt khác, người ta tự nhiên sợ người xì ke hay say rượu vì lúc đó bản năng hoàn toàn chiếm ngự người kia.

Trong đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình tùy thuộc phần lớn vào sự tiết chế bản năng của cả hai người, nếu để cho thú tính thắng văn minh thì sự rạn nứt là tất yếu. Hiện nay, có những bạn trẻ “sống thử”, “sống chung”. Những kẻ ăn ở trước như vậy thường không lâu bền, không tiến đến được hôn nhân, vì cả hai đều không có sự tôn trọng người kia và gia đình cha mẹ người kia, vì cả hai đều đã phơi bày cho nhau thấy nhu cầu bản năng chiến thắng nhu cầu con người, nhu cầu tình dục chiến thắng nhu cầu tình yêu.

Đó là chưa kể đến phá thai, nạo hút (VN hiện nằm trong những quốc gia giữ kỷ lục về chuyện này) dẫn đến khó có con sau này. Y học hiện đại quan niệm thân thể và tâm hồn là một (psychosomatique). Đây cũng là một cái nhìn Phật giáo: Thân và tâm là một thể. Thân đã có sự mất mát thì tâm hồn cũng mang một vết sẹo cả đời. Ai dám nói thân tôi thì tan nát nhưng tâm hồn tôi vẫn nguyên vẹn!

Cái đẹp là sự tiết chế, sự điều độ, đều hòa. Một trong năm đức tính được Socrate xem là cần thiết cho con người là sự tiết chế, điều độ (moderation, Hy Lạp: sophrosune). Với Khổng giáo là trung dung, trung hòa. Với Lão Trang là chí hòa, thiên quân. Với Phật giáo là trung đạo. Trong khi trung dung của Khổng giáo là “ở giữa để dung hòa hai bên đối cực thì Phật giáo là ở giữa và vượt lên để dung hòa hai bên đối cực”. Khổng giáo kém hơn Phật giáo là ở chỗ vượt lên này.

Chỉ nói sơ qua một đức tính con người là tiết chế, điều độ, còn rất nhiều những tính cách khác tạo thành cái đẹp trong phong cách con người. Chỉ xin kết luận đoạn này bằng câu nói của Ban Tổ chức cuộc thi “Thiếu nữ Ả rập điển hình” năm 2007: “Đức hạnh chở che và tôn vinh sắc đẹp”(Tuổi Trẻ 30-7-07).

  1. Tình cảm

Tình cảm cao đẹp tạo ra vóc dáng, khuôn mặt tươi đẹp và ngược lại, tình cảm thấp xấu tạo ra vóc dáng, khuôn mặt xấu. Đây cũng là nguyên lý thân tâm tương ứng (psychosomatique). Chẳng hạn tình cảm “làm mẹ” tạo ra sự dịu dàng, trìu mến, thậm chí thanh khiết trên khuôn mặt người mẹ. Như nữ tài tử Angelina Jolie khi qua Việt Nam xin con nuôi: nhìn cô bồng đứa con, ai cũng thấy là đẹp, cái đẹp của bà mẹ hiền, tình cảm tích cực tạo ra cái đẹp, tình cảm tiêu cực tạo ra cái xấu. Ai giận lâu thì khuôn mặt trông xấu đi.

Với Tagore, cái đẹp của em bé là cái đẹp của thân tâm người mẹ thời thiếu nữ:

Thời con gái, trái tim mẹ nở như một đóa hoa

Con đã lượt quanh nó như một mùi hương dịu nhẹ

Sự tươi mát mềm mại của con

Nở trên chân tay trẻ trung của mẹ

Như ánh sáng trong bầu trời trước buổi bình minh

(Sự bắt đầu – Trăng non)

Ở đàn ông, những tình cảm như anh hùng (chữ của người Tây phương thường để dịch chữ Bồ tát), nghĩa hiệp (tính cách hiệp sĩ của người Tây phương hoặc “vì nghĩa” của người Đông Á), can đảm, mạnh mẽ, nghiêm nghị, cương trực…tạo thành cái đẹp đàn ông, ở đàn bà thì kiên nhẫn, dịu dàng, khoan dung, mẫn cảm…tạo thành cái đẹp phái nữ.

Y học hiện đại nói rằng, trong người nam vẫn có những yếu tố nữ, trong người nữ có những yếu tố nam. “Các con đực và các con cái có những hoóc-môn của cả hai giới tính, tuy với những tỷ lệ ngược nhau và chính các hoóc-môn đực có tác động kích thích hoạt động tính dục ở phái nữ” “Nam tính không chỉ do nhiễm sắc thể Y (tạo thành nam) quyết định, mà cả X (tạo thành nữ) nữa”. Cho nên lý tưởng là cả hai loại tình cảm đặc trưng của cả hai phái đều có và được thăng hoa phát triển đến cao độ.

Kinh Dịch nói: “Một âm một dương gọi là Đạo”. Một người đàn ông anh hùng mà không khoan dung thì dễ trở thành tàn bạo, vũ phu. Một người đàn bà rộng lượng mà không nghiêm khắc sẽ trở thành dễ dãi, ba phải. Giáo dục, và rộng hơn, văn hóa, là để cho con người phát triển những tình cảm cao đẹp mà nếu thiếu chúng, con người không thể trở nên “người” hơn, cao cả hơn, văn minh hơn đã đành mà còn có nguy cơ rơi xuống những loài động vật. Những nhà khoa học lớn đều có những tình cảm rất cao đẹp, và cụ thể họ yêu nghệ thuật như Einstein, Heisenberg, Bohr… Trong sự phát triển của con người, trong cái đẹp của con người, chỉ số xúc cảm (EQ) là một yếu tố không thể thiếu.

Với Phật giáo, có rất nhiều cách để huấn luyện và thăng hoa tình cảm. Chỉ lấy một ví dụ: quán tưởng hay chiêm ngưỡng một hình ảnh Phật hay một vị Bồ tát (hẳn là phải đẹp). Nhờ lòng sùng mộ, trong khi nhìn, dù chỉ là một bức tượng, những tình cảm tốt vốn có hạt giống trong chúng ta sẽ nảy nở và phát triển cho đến lúc chúng ta trở thành như vị đó. Đây là nguyên lý chúng ta nghĩ đến cái gì nhiều thì chúng ta trở thành cái đó.

Vũ trụ theo quan niệm Đông Á gồm có ba lãnh vực. Lãnh vực vật lý tự nhiên là thiên nhiên, đây là lãnh vực Địa. Lãnh vực con người, đây là lãnh vực Nhân. Thứ ba là lãnh vực của cái gì siêu nghiệm, siêu việt, cái vô hình vô tướng, đây là lãnh vực Thiên. Thiên là chiều kích tâm linh ở trong mỗi người. Mỗi người đều có đủ cả ba lãnh vực đó. Thế nên tình cảm xét trong toàn diện là tình cảm đối với thiên nhiên, tình cảm đối với con người, tình cảm đối với cái siêu việt, cái thể hình vô hình vô tướng của tất cả mọi sự vật. Người nào có đầy đủ tình cảm với cả ba lãnh vực ấy là một người toàn diện. Giá trị hay cái đẹp của con người được đánh giá bằng mức độ tình cảm đối với ba lãnh vực vốn tương thông ấy.

  1. Thông minh

Ai cũng thấy người đẹp phải là mặt mày sáng sủa, nghĩa là thông minh. Sống với người ít thông minh, ít khôn ngoan, ít biết điều, thì thật là khổ. Có những nhà khoa học, những nhà kinh tế chính trị, những nhà nghệ thuật có bề ngoài “xấu”, nhưng nơi họ toát ra một cái gì sáng sủa, thông minh, và do đó đẹp. Sống ở cấp độ tư duy thì “khí” người ta phải thanh ra, phải được nâng cấp lên. Đây là điều Mật tông Phật giáo nói rõ khi chủ trương muốn chuyển hóa con người phải chuyển hóa khí (wind, TT: rlung). Lão giáo cũng nói: “Tính hóa khí, khí hóa thần”. Người xưa nói ba ngày không đọc sách (nghĩa là không hoạt động tư duy) thì soi gương thấy mặt mình xấu đi là như vậy.

Muốn gọi là trí thông minh, tư duy, trí năng, trí quyển… hay là gì nữa cũng được, vấn đề là chúng ta phải làm sâu sắc nó, mở rộng nó, đưa nó đến ánh sáng thay vì chốn tối tăm. Chính điều này làm nên cái đẹp của hiểu biết. Trí thông minh không chỉ là những kỹ năng để sống ở đời. Nó còn phải hiểu thấu những lãnh vực tâm lý con người, xã hội, bản chất của thế giới hiện tượng.

Thông minh không chỉ ở thế giới thường nghiệm (nói theo Phật giáo là thế giới Sự) mà còn thông minh đối với cái phổ quát, cái toàn thể, cái siêu việt hình tướng (Lý). Với Phật giáo, thông minh phải được đẩy lên đến mức độ trí huệ. Đây cũng là sự phát triển tất yếu của con người.

Cái biết theo truyền thống Đông phương thiên về thực hành chứ không chỉ lý thuyết. Do đó ta có từ “học hành, học tập”. Đạo đức mà chỉ kêu gọi, không có cách thức thực hành, cách thức để đem vào đời sống thì chỉ là “đạo đức giả”. Chẳng hạn lòng Nhân được Khổng Tử chú ý nhiều nhất, ông cũng dạy cho mỗi học trò tùy theo hoàn cảnh sống và trình độ, tâm tính mà mỗi người mỗi khác. Với Phật giáo, cái biết khởi từ nghe dạy hoặc đọc (Văn) rồi suy nghĩ, tư duy (Tư) sau đó là thực hành, làm theo (Tu) để cho điều ấy hiển lộ, hiện hữu trong cuộc sống. Thế nên với Đông phương, lý tưởng không phải là trở thành nhà bác học, mà là con người minh triết (chữ dùng của nhà triết học Pháp F.Jullien).

Ba lãnh vực trên làm cho con người trở nên đẹp và đây là điều phải đào luyện, phải học hành suốt cả đời. Cái đẹp đó xứng đáng là ý nghĩa cho cuộc đời. Chúng ta thử phân tích cái đẹp của A. Einstein.

Con người, theo Phật giáo, có ba thành phần chính: thân, khẩu, ý hay thân, ngữ, tâm. Ngữ là năng lực thể hiện, chẳng hạn người ta kết thúc cuộc thi hoa hậu bằng những câu hỏi để họ thể hiện con người bên trong của mình. Tâm là cái khó thấy, nhưng nó biểu lộ nơi cử chỉ, hành động (Thân) và nơi năng lực thể hiện bản thân (Ngữ). Cái đẹp theo Phật giáo bao gồm cả ba phương diện này.

Về thân, Einstein không đẹp trai như tài tử, chỉ có vẻ thông minh nơi đôi mắt và một vẻ dí dỏm khôi hài. Khi về già, về bề ngoài, nếu nói ông giống một ông bồi bàn hay một tiều phu cũng không quá đáng, Nhưng ông còn vẻ đẹp của khẩu hay ngữ, là những công trình ông nói hay viết. Về phần tâm, tâm ông hẳn phải tập trung và sáng tỏ để tìm hiểu cái gì, nguyên lý nào đằng sau thế giới vật lý (lãnh vực Chân). Niềm đam mê khám phá ấy cộng với một tấm lòng hiền hòa, tin yêu con người, trung thực, trách nhiệm, vui vẻ, ngây thơ và dí dỏm (lãnh vực Thiện), hai cái đó đã tạo thành cái đẹp (Mỹ) của ông.

Chúng ta phải nhìn sâu rộng như thế để nhìn chính chúng ta. Chớ tưởng rằng chúng ta “văn minh” hơn người xưa. Bây giờ chúng ta có nhiều phương tiện gấp trăm, gấp ngàn lần những người đã sống cách đây hơn trăm năm. Nhưng chưa chắc chúng ta đã văn minh bằng họ, chưa chắc chúng ta có được một nhân cách đẹp như họ. Chưa chắc chúng ta đã có những tình bạn đẹp  như họ, tình nghĩa vợ chồng keo sơn như họ, nghĩa khí và trung thực như họ, chí lớn và một sự thông minh bao quát như họ, sống có mục đích và lý tưởng như họ, lòng thương dân như họ… Chưa chắc chúng ta cầm được một tách trà để uống với một cung cách văn minh như họ. Tóm lại, văn minh không phải là xài đồ đắt tiền. Văn minh là một trạng thái tinh thần, một nhân cách, một sự phát triển cao của toàn bộ con người mình.

  1. Cái đẹp

Phim truyền hình Hàn Quốc và Việt Nam:

Xin nói trước rằng tôi coi chưa tới ba bộ phim Hàn Quốc trên truyền hình, mà bộ nào cũng xem từ nửa chừng hay gần cuối. Nhưng cũng xin có vài nhận xét sơ bộ:

  1. Màu sắc. Trang trí nội thất của họ, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nơi làm việc: một nền trắng pha xám hay vàng (có lẽ màu chủ đạo của người Hàn Quốc là màu trắng, như quốc kỳ của họ chẳng hạn), đồ vật và các thứ trang trí có màu khác nhưng không nhiều màu, hòa hợp và tôn vinh nền trắng lên. Đây là cái gout của châu Âu, Pháp, Ý mà người ta hay gọi là “ton sur ton”. Y phục cũng thế, chưa chắc là đắt tiền hơn ta, nhưng giản dị mà lịch sự, sang trọng hơn ta. Phái nữ mặc trang nhã, lịch sự, không hở hang như ta. Cũng phải nói rằng cả hai phái chưa chắc đã đẹp bằng ta, mặc dầu có cao to hơn. Trong khi đó cách trang trí và cách ăn mặc (cả trong phim và ngoài đời) của ta rườm rà, nhiều màu sắc, như muốn khoe của. Người ta thường nhận thấy những người sơ khai thường mặc màu chói, nguyên chất, hoa hòe, như các thổ dân xưa kia.
  2. Cử chỉ và tình cảm được tiết chế. Họ không nói nhiều như trong phim của ta, không hoa chân múa tay nhiều như ta, những cảnh rất bi thương họ không khóc lóc, quá bi lụy như ta, những lúc giận dữ họ không quăng ném la hét như ta. Nói theo gout phim Pháp, họ sống nội tâm nhiều hơn ta.

Tiết chế cử chỉ và tình cảm nói lên tính chất cao cấp của một người, Phật giáo có “oai nghi”, tức là những điều luật áp dụng cho thân khẩu ý để cho con người “đàng hoàng” hơn, đẹp hơn, cao cấp hơn.

  1. Lễ phép. Bật truyền hình lên thấy một cảnh nào đó ở nhà hay chỗ làm, chúng ta biết ngay ai là cha, là con, là con gái, bạn gái, là mẹ, là cấp trên, cấp dưới. Khi từ giã cha mẹ dù con có làm tổng giám đốc vẫn cúi đầu lễ phép chào, nhân viên đối với trưởng phòng cũng thế. Tóm lại, dù bất cứ cảnh nào cũng phản ánh trật tự tôn ti (rõ nhất là của Khổng giáo). Tính nghiêm cẩn, không khinh suất (một trong những giá trị gia đình và xã hội Đông Á) là một nét chính của nhân cách Hàn Quốc.

Chỉ nhận xét sơ qua ba điều trên, phải thành thực công nhận là ta chưa bằng họ, không lịch sự, sang trọng, đứng đắn và văn minh bằng họ. Nếu cảm quan về cái đẹp là một phương diện để biết trình độ một con người hay một xã hội, thì qua trình độ thẩm mỹ này, chúng ta hẳn nhận ra trình độ xã hội của chúng ta thua họ. Chính trình độ này giải thích cho chúng ta hiểu vì sao cũng chỉ bằng một thời gian 30 năm sau một cuộc chiến tranh tan nát như chúng ta, họ đã ở trong mười nước giàu và văn minh nhất thế giới. Để nhận xét về “trình độ” ở trên không bị rơi vào võ đoán, thiếu trách nhiệm, chúng ta có thể lấy một con số thực tế về chỉ một phương diện giáo dục đại học: “Thanh niên của ta vào đại học khoảng 10%, ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan 41 % và Hàn Quốc tới 89%” (TTCT 19-8-07).

  1. Kết

Không biết tự bao giờ, có lẽ trong quá trình tiến hóa của con người, cái đẹp trở thành một tính chất không thể thiếu của xã hội con người. Càng văn minh, người ta càng đam mê và càng đòi hỏi cái đẹp trong mọi lãnh vực của con người và xã hội. Cái đẹp gắn liền với văn minh, như khẩu hiệu “Hãy giữ cho thành phố sạch đẹp”. Cũng phải thôi, vì chữ văn minh của người Á châu có nghĩa là cái đẹp (văn) và sự sáng (minh). Nhưng một khuynh hướng mạnh mẽ nhất của con người là hướng đến những gì bền vững, trường cửu. Vì thế con người cũng muốn xây dựng cho mình một cái đẹp bền vững, ít ra cũng kéo dài cho được đến cuối đời. Cái đẹp không chỉ ở thân thể mà còn tâm hồn, và cái đẹp ở tâm hồn thì bền vững hơn, sâu xa hơn, căn bản hơn, nên cái đẹp của tâm hồn là cái nền giữ gìn cho cái đẹp thân thể ở bên ngoài.

Đi xa hơn nữa, có thể có một cái đẹp vĩnh cửu không? Đạo Phật bảo rằng có, nếu chúng ta không chỉ hài lòng với những tầng lớp bên ngoài, bề mặt để đi đến cái Tối Hậu. Cái tối hậu ấy ở trong tâm thức mỗi người, nó là cội nguồn của mọi đức tính và khiến cho con người đẹp đến rốt ráo và có một đời sống đẹp đẽ nhất. Cội nguồn đó Phật giáo gọi là Như Lai tạng. Chính vì đạt đến cội nguồn tối hậu của tâm thức, mà lịch sử loài người đã có một con người đẹp toàn hảo như Đức Phật ngày xưa và một người đẹp như Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày nay, Việt Nam ta cũng có những con người đẹp như các vua đời Lý, đời Trần, như Từ Đạo Hạnh (tương truyền là người sáng tạo ra môn rối nước), như Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVIII, người được xem là Trần Nhân Tông thứ hai)…Họ đã khai thác Như Lai tạng để làm nên cuộc đời “đẹp đẽ, giàu có và sang trọng” của họ.

SHARE:

Để lại một bình luận