CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

4. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO

   1.Sự phát triển của con người

   Sinh ra trong một thân thể vật chất nên phải bị thế giới vật lý áp đặt lên những định luật của nó. Thân thể sẽ là một giới hạn suốt đời, kể cả một giới hạn sau cùng là cái chết. Tuy là có cả tâm thức, nhưng tâm thức ấy chưa phát triển, cho đến gần năm tuổi mới tự mình ăn uống, tự mình thải các chất dơ thừa, nhưng cũng chưa tự mình kiếm sống được.

   Tuổi thơ cho thấy sự lệ thuộc vào thế giới vật lý và sinh lý, hầu như hoàn toàn đồng nhất với thế giới vật chất ấy. Càng lớn lên, bằng tâm thức, người ta càng tách lìa để có tự do đối với thế giới vật chất, tách lìa với cuống rốn bào thai vật chất của mình. Cho đến khi già, con người vẫn phải dựa vào thế giới vật lý để sống. Thế giới vật lý và sinh lý vừa là cái giam hãm con người, vừa là dụng cụ và môi trường sống và học tập của con người, đồng thời là một bí mật, một ẩn ngữ cho con người trong suốt cuộc đời.

   Cũng từ rất nhỏ – ngày nay y học nói đến sự giáo dục từ trong bụng mẹ – tâm thức phát triển, biết phân biệt màu này màu khác, cái này cái khác. Sự giáo dục tâm thức từ trong gia đình cho con người hiểu biết và biết đối xử với thế giới và người khác. Đến khi lớn lên, con người phải có văn hóa, nghĩa là căn bản phải biết phân biệt thiện ác, tốt xấu, đúng sai, mặc dù ở cấp độ bình thường sự phân biệt này còn tương đối, mập mờ. Phật giáo có một tiêu chuẩn căn bản để làm người, đó là biết phân biệt thiện ác, tốt xấu,đúng sai…Càng lớn lên nhờ có giáo dục và văn hóa, tâm thức phát triển trong nhiều mặt, con người càng ‘nên người’ hơn, càng có một nhân cách tốt đẹp và đáng kính trọng hơn. Tâm thức phát triển, từ hoàn bị nó, trước hết làm chủ được thân thể này và vươn ra tìm hiểu thế giới và con người bên ngoài.

   So với thân thể, tâm thức được tự do hơn. Không ai có thể ăn uống, hưởng thụ thức ăn uống liên tục cả một buổi. Nhưng người ta có thể ‘nuốt’, hưởng thụ một cuốn sách cả buổi hoặc hơn, và thức ăn này còn ngấm tới cả năm, có khi cả đời.Giới hạn của thân thể thì hẹp. Với tâm thức, người ta có thể ôm trọn văn hóa và văn minh con người từ cổ điển đến nay. Về mặt thân xác, chúng ta vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp được Khổng Tử hay Socrate; về mặt tâm thức, chúng ta có thể gặp hai con người vĩ đại đó qua những lời nói để lại. Với tâm thức, người ta có được nhiều tự do hơn, nhiều không gian hơn, nhiều thời gian hơn. Tâm thức có bề sâu, bề rộng hơn thân thể rất nhiều. Tóm lại thân thể thì bị trị, bị cái khác cai trị (hétéronomie) rất nhiều, còn tâm thức thì phần tự trị,tự mình cai trị ( autonomie) nhiều hơn.

   Lịch sử con người là lịch sử của phát triển thân thể và tâm thức, sự phát triển thân tâm, từ đó có văn hóa và văn minh. Nhưng phát triển về hướng nào? Một cách trực giác và bản năng, ai cũng ngầm hiểu đó là sự phát triển  theo hướng hiểu biết hơn, sáng tỏ hơn (thay vì đi chiều ngược lại là tối tăm, vô minh), theo hướng mở rộng hơn, nhiều tự do hơn và hạnh phúc hơn. Nhìn toàn bộ đời sống từ vật chất vô cơ đến thực vật, động vật, đến con người và đến con người cao cấp, chúng ta thấy đó là chiều hướng đến tự do,thông hiểu, hạnh phúc và hướng thượng. Cái gì có nhiều những cái ấy hơn thì có giá trị hơn. Một cái cây luôn mọc hướng đến ánh sáng, đến khoảng không tự do của bầu trời; một con vật luôn tìm chỗ nằm đem lại cho nó nhiều hạnh phúc. Ánh sáng, tự do, hạnh phúc, tự tại, tự hiện hữu… phải chăng là bản năng của muôn loài?

   Vâng, hướng tiến của con người là như vậy, dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống. Nhưng tới một lúc nào đó, con người – thấy rõ ở những người tiến hoá cao – chạm đến giới hạn của thân tâm mình. Tâm thức ban đầu cho ta một sự tự trị tương đối với thế giới vật chất, nhưng chính nó lại không thể tự trị: nó luôn luôn bị quấy nhiễu bởi những tư tưởng, kỷ niệm, những mặc cảm, những yêu ghét, những bản năng; và sự chia cách giữa nó như một chủ thể và cái khác, cái đối tượng, cái khách thể là một vực thẳm không thể lấp đầy. Thân tâm luôn luôn bị giới hạn, vòng vây giới hạn đó đóng kín con người vào trong hữu hạn tính của mình. Có người vượt qua không nổi ngục tù giới hạn này thì hóa điên, như một số nhà thơ, nhà hội hoạ, nhà văn và cả một số nhà khoa học.

   Có một số rất ít người, chắc là nhờ kỷ luật vững chắc hơn (giới), nhờ tập trung chuyên chú hơn (định), kiên nhẫn bền bỉ hơn (nhẫn), chuyên cần mạnh mẽ hơn (tinh tấn), nhờ tâm thức trong sạch rỗng rang hơn (thiền định và thiền quán), nhờ cái mà cuộc đời gọi là may mắn (phước đức) và còn nhờ rất nhiều cái khác mà bỗng nhiên một tia chớp lóe lên lọt xuống tâm thức hữu hạn của mình, và họ thấy ra giải đáp, chính xác hơn, giải đáp cho một số vấn đề nào đó trong vô số vấn đề của vũ trụ. Tia chớp đó tâm lý học Tây phương gọi là trực giác hoặc tôn giáo Tây phương gọi là “phép lạ”, “ mạc khải”, “ân sủng”… Tia chớp đó xảy ra cho tất cả mọi lĩnh vực hoạt động đã đi đến tận cùng giới hạn của con người mình, lớn hay nhỏ tùy vào nổ lực của mình.

   Chẳng hạn, Louis de Broglie khám phá ra tính chất sóng hạt trong cơ học lượng tử, đã nói đến “những mạc khải mới, những chân trời kỳ diệu và bất ngờ, một sự gặp gỡ với ánh sáng”. Bachelard thì diễn tả: “ Với một ánh sáng khôn tả, nó đặt vào lý trí chúng ta sự an toàn và hạnh phúc. Hạnh phúc sáng suốt đó là dấu hiệu đầu tiên của sự tiến bộ” (Le nouvel esprit scientifique, Paris, 1937).

   Trực giác đó, tia sáng đó đến từ đâu? Từ ngoài lý trí, từ ngoài giới hạn của cái thân tâm mà chúng ta thường biết. Nó đến từ lĩnh vực tâm linh hay siêu thức, một lĩnh vực của con người mà chúng ta ít người chịu bỏ công khám phá. Để rõ ràng hơn, chúng ta hãy xem một người đã thực sự bước vào con đường ánh sáng, bước vào lĩnh vực tâm linh – chứ không ở trong biên giới của thân tâm mà chợt thấy sáng nhờ một tia chớp cũng chỉ phát xuất từ biên giới của lĩnh vực tâm linh – dù chỉ mới là 1/4 con đường, một vị Tu đà hoàn (Nhập lưu, Vào dòng) của Phật giáo. Vì Phật giáo nói rõ ràng nhất về con đường ánh sáng, với Nam tông là bốn bậc, với Bắc tông là mười địa:

   “Cũng như người đi trong đêm tối nhờ trời chớp, nhìn thấy quang cảnh chung quanh rồi giữ lại một lúc lâu hình ảnh ấy trước mắt. Do tia chớp bật sáng lên của tuệ giác, hành giả nhoáng chứng ngộ Niết-bàn một cách rõ ràng và hình ảnh ấy lưu lại trong tâm không còn phai mờ nữa. Người đã thành tựu Niết-bàn lần đầu tiên được gọi là Tu-đà-hoàn (Nhập lưu), có nghĩa là người lần đầu tiên đã bước vào dòng sông chảy đến Niết-bàn “Đức Phật và Phậtpháp, chương Con đường Niết-bàn, Narada Thera, Phạm Kim Khánh dịch”.

   Với Thiền tông là một truyền thống của Việt Nam, “thấy tánh” của một thiền sư ngộ đạo phải từ cấp độ này trở lên, hay nói theo Bắc tông, phải bước vào một địa trong mười địa.

   Hẳn chúng ta có thể hình dung sự phát triển của con người là thế nào. Điều này cũng tương tự với sự phát triển thân xác. Từ em bé (chủ yếu là lĩnh vực vật lý sinh lý), đến thiếu niên và thanh niên (lĩnh vực văn hóa), và cuối cùng đến trưởng thành, đến thành người (lĩnh vực tâm linh). Tây phương chú trọng vào triết học còn Đông phương chú trọng minh triết. Triết học nằm trong lĩnh vực văn hóa, còn minh triết thì đâm rễ vào lĩnh vực tâm linh.

   Cuộc đời con người là tiến đến ánh sáng, đến tự do,đến hiểu biết tận cội nguồn của mọi sự, đến hạnh phúc trường cửu, đến lòng thương yêu vô biên và làm việc vô tận cho người khác. Những người mà loài người gọi là vĩ đại, vĩ nhân, đều có phần nào những yếu tố này. Chúng ta hãy tìm hiểu sự phát triển của Khổng Tử, người được Đông Á gọi là “vị thầy của muôn đời”, Vạn thế sư biểu:

   Khổng Tử nói: “Năm 15 tuổi ta đã để tâm vào việc học”: đây là học văn hóa, nghĩa là học để thành một người trưởng thành, một con người toàn diện và tự do, hạnh phúc. Văn hóa là học để biết mình, biết người và biết thế giới. Văn hóa đó là cầu nối đưa con người từ lĩnh vực vật chất và sinh học đến biên giới của lĩnh vực tâm linh, tinh thần. “Ba mươi tuổi thì lập”: lập đây là đứng được, ổn định được, an trụ được. Lập vào đâu? Lập nơi niềm tin vào sự hiện hữu của cái tâm linh của chính mình, lập nơi con đường ánh sáng của thân tâm mình. “Bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ”: không nghi ngờ là một trong ba tiêu chuẩn của người đã vào dòng (Nhập lưu), hai cái kia là không có “thân kiến” và từ bỏ “giới cấm thủ”. “Năm mươi tuổi thì biết thiên mệnh”: thiên mệnh đây là cái mà trời đất đã phú cho ta, cái tâm linh vốn ở nơi ta từ khi sinh ra cho đến khi chết mà người ta không hề biết. “Sáu mươi tuổi thì tai nghe gì cũng thông thuận”: hiểu và chấp nhận mọi sự ở đời mà không sanh phiền não. Chúng ta nhớ đến Nhu Thuận Nhẫn, cái thứ hai trong ba pháp nhẫn của Đại thừa. “Bảy mươi tuổi dù lòng có khởi điều ham muốn gì thì cũng không trái với Đạo”, không trái với thực tại tối hậu, với cái toàn thể, cái tự do, cái hạnh phúc rốt ráo. Hợp nhất tới mức độ nào, chúng ta không xét ở đây.

   Lý tưởng hướng về tâm linh này cũng là lý tưởng của Phật giáo và Lão giáo. Thế nên, Đông Á mới có tam giáo đồng nguyên. Văn hóa Trung Hoa với Khổng và Lão đã được làm vững chắc hơn, đi xa thấu suốt hơn, khoa học hơn với nhiều con đường (pháp môn) rõ ràng hơn, mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn và tiếp cận với đời thường hơn, dành cho mọi loại thân tâm hơn… đó là nhờ Phật giáo. Nếu người Á châu đánh mất Phật giáo có nghĩa là đánh mất văn hóa,đánh mất linh hồn mình, đánh mất tâm linh mình. Bài học lớn nhất và sự khủng hoảng lớn nhất của Tây phương ở thế kỷ XX chính là đã không nối kết được thế giới vật chất với thế giới tâm linh, đã không thở được hơi thở tâm linh vào cuộc sống hiện đại, rất nhiều vật chất nhưng không có hướng đi, hướng sống, rất nhiều triết học nhưng thiếu sự trầm lặng bình an và hân hoan của minh triết.

   2.Tiếp cận lĩnh vực tâm linh

Thân thể là cái bị quy định, bị lệ thuộc nhiều. Tâm thức thì tự do hơn, nhưng nó cũng bị in vào những mặc cảm, những ẩn ức, những thèm khát giấu kín, những bản năng hiếu chiến, thù hận, oán ghét… Với người muốn tự do nhiều hơn nữa thì sẽ thấy tâm thức là một bãi chiến trường với rất nhiều thế lực của bản năng, của đạo đức văn hóa xung đột bất phân thắng bại, hoặc thắng thì chỉ giả vờ bên ngoài. Một con người văn hóa không thể tự giải thoát: nó không thể thoát khỏi cái lưới tọc mạch khá tinh tường của phân tâm học, luôn luôn phơi bày cho chúng ta thấy những động cơ hèn kém bên dưới những hành động. Tâm thức có rất ít kẽ hở cho sự bình an, sự tự tại.

   Tâm thức không thể tự mình hiện hữu, nó phải dựa vào những đối tượng để hoạt động, để tư duy. Và chính vì phải dựa vào đối tượng, phải suy nghĩ về cái gì khác nó, ngoài nó, nên sự phân cách giữa chủ thể và đối tượng mãi mãi không bao giờ được lấp đầy, được hợp nhất. Tâm thức muốn tìm sự hợp nhất giữa chủ thể và đối tượng, nhưng tâm thức chỉ hiện hữu trong sự phân cách chủ thể – đối tượng. Tâm thức chính là sự phân cách của chủ thể và đối tượng. Thế nên khoa học và nghệ thuật vẫn và sẽ mãi mãi đi tìm. Như Einstein đã từng nói, “cái mãi mãi không bao giờ đạt tới trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học”.

   Tâm thức luôn luôn đi tìm sự bình an, nghỉ ngơi và tự do. Nhưng nghịch lý thay, nó rất sợ sự bình an, nghỉ ngơi và tự do bởi vì nếu không hoạt động, không bị ràng buộc, nó sẽ không hiện hữu nữa, nó sẽ chết. Tâm thức rất sợ hãi cái trống không của chính mình, bởi thế mà nó luôn luôn giả vờ hoạt động, giả vờ bận rộn, luôn luôn tìm cách lấp đầy cái bản thể trống không của mình một cách vô vọng. Tâm thức còn cực khổ hơn thân thể rất nhiều trong việc tự xác định sự hiện hữu của mình. Thân tâm rốt cuộc chỉ là sự lao nhọc vĩnh viễn, một sự lao nhọc để tự mình hiện hữu, nhưng mãi mãi bất khả và vô ích.

   Bởi thế mọi văn hóa, khoa học, nghệ thuật… những hoạt động của tâm thức con người hướng đến cái tuyệt đối vẫn vấp phải một giới hạn, giới hạn của chính tâm thức. Đây là chân lý thứ nhất, Khổ đế của Phật giáo.

   Vậy thì có cái gì vượt ngoài giới hạn của thân tâm, cái gì là hiểu biết mà không có chủ – khách, cái gì thật sự tự do, cái gì là thương yêu vượt ngoài chủ thể và đối tượng, cái gì là hạnh phúc không nhờ nương vào nhị nguyên? Đâu là bản tánh của tâm thức? Đâu là cội nguồn không đáy, sự tự do vô hạn của tâm thức? Nếu không có cái gì vượt ngoài giới hạn của thân tâm khốn khổ, vượt ngoài Khổ đế, thì dù chúng ta có trở thành nhân vật gì, có thành công ra sao, có sáng tạo những thứ gì hay đẹp, chúng ta vẫn nằm trong hư vô chủ nghĩa (mà Phật giáo gọi là Đoạn kiến), chúng ta chỉ là con cái của hư vô, nghĩa là của cái chết.

   Đó là cái mà ở đây gọi là lĩnh vực tâm linh. Dĩ nhiên, theo văn hóa riêng của mình, mỗi chúng ta đều có cách gọi riêng Cái Đó. Nhưng có điều chắc chắn, nếu không hướng đến,không biết được và sống được Cái Đó, thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta chỉ là hư vô, bây giờ là hư vô và mai sau cũng sẽ là hư vô, “bởi vì cát bụi rồi cũng chỉ thành cát bụi”. Phật giáo có rất nhiều tên để gội Cái Đó, và cũng có rất nhiều phương pháp để chúng ta gặp gỡ với Cái Đó, nhưng tất cả mọi tông phái Phật giáo đều đồng ý rằng đi vào tận cùng của thân tâm mình, chúng ta sẽ gặp cái đó, cái nền tảng không nền tảng của thân tâm và thế giới, cái trung tâm không ở đâu cả, cái mà chúng ta vĩnh viễn vốn là.

   Lục tổ Huệ Năng gọi cái đó là tánh, tự tánh: “Bởi vậy Phật nói: ‘Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh’… Kẻ phàm phu chẳng rõ được tự tánh, chẳng biết Tịnh độ ở trong tâm mình mà cầu Đông cầu Tây. Người tỏ ngộ thì chỗ nào cũng vậy, nên Phật có nói: ‘Tùy ở chỗ nào cũng thường an vui’… Này đại chúng! Người đời thân thể ấy là thành; mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là cõi đất, tánh là vua… Giác tánh Phật ở trên cõi tự tâm, phóng ra ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, phá hết các trời lục dục, chiếu vào tự tánh, ba độc dứt liền, các tội địa ngục thảy đều tiêu diệt, trong ngoài sáng suốt không khác gì cõi Tịnh độ Tây phương” ( Phẩm Quyết nghi).

   Tổ Lâm Tế gọi là “vô vị chân nhân” (đạo nhân không nương dựa): “Duy chỉ đạo nhân không nương dựa đang nghe pháp là mẹ của chư Phật. Bởi thế Phật từ không nương dựa vào đâu cả mà sanh. Nếu ngộ ‘không nương dựa’ thì Phật cũng không có sự đắc. Nếu thấy được như vậy thì gọi là kiến giải chân chánh. Người học đạo không rõ do vì chấp vào danh cú, bị các tên ‘phàm, thánh’ ngăn ngại nên mắt đạo chẳng phân minh. Mười hai phần giáo điển đều là lời nói trên bề mặt. Người học đạo không hiểu, bèn theo cái danh cú bên ngoài ấy mà sanh thấy biết, đều là nương dựa, phải rơi vào nhân quả, không ra khỏi sanh tử ba cõi.

   Các ông muốn được đi hay ở, cởi hay mặc, tự do nơi sanh tử, thì ngay đây hãy biết lấy cái người đang nghe pháp, không hình, không tướng, không gốc không rễ, không chỗ trụ, sống động linh hoạt, ứng với muôn thứ mà thi thiết, mà chỗ dùng chỉ là chỗ không. Bởi thế càng kiếm càng xa, càng cầu càng trái, nên gọi là “ Bí Mật’”.

   Cái Đó, Tổ Tỳ-ni-đa-luu-chi gọi là “tâm ấn chư Phật”, Tổ Vô Ngôn Thông nói là “chân tâm vi diệu như thế gọi là chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng, tam muội pháp môn,đời đời truyền nhau”. Cái Đó Tuệ Trung thượng sĩ gọi là “chân diện mục” (khuôn mặt thật), “đồng tử” (đứa trẻ thơ), Trần Nhân Tông gọi là “vô vị chân nhân”, “gương mặt chúa Xuân”, Trần Thánh Tông gọi là con người “sanh như mặc áo, chết như cởi khố, từ cổ chí kim, không đường nào khác”…

   Đạo Phật là Khai, Thị, Ngộ, Nhập Cái Đó. Và chính vì thể nghiệm được, chứng ngộ được cái đó mà những bậc giác ngộ hay dù chỉ mới giác ngộ từng phần (tùy phần giác) đều là những bậc, những con người Chiến Thắng. Chiến thắng hư vô chủ nghĩa của thời đại này và của bất cứ thời đại nào, mặc dù hư vô chủ nghĩa của thời đại này là nặng nề hơn, bởi vì càng nhiều đồ vật con người càng bị hư vô bao bọc.

   Cái Đó luôn luôn nằm ở tâm điểm của mọi kinh nghiệm con người. Tất cả mọi pháp môn, quán hơi thở, bốn niệm xứ, tham thiền, trì chú, tụng kinh, chỉ và quán hay chỉ quán đồng thời… đều để được khai thị và ngộ nhập Cái Đó. Kinh điển Nam và Bắc tông đều nói những pháp môn là những cái bè để qua bờ bên kia sông rồi thì bỏ bè. Đó là những phương tiện rất tốt đẹp cho chúng ta. Nhưng đừng vì những phương tiện ấy mà xưng cao thấp, mà chia rẽ, phân tranh (phi pháp). Bởi vì một ngày nào phương tiện ấy sẽ tan vào trong cứu cánh là Cái Đó. Kinh Kim Cang nói: “ Pháp (môn) còn phải bỏ huống chi là phi pháp”.

   Ở trên chúng ta thấy cuộc đời đi trên con đường tự thực hiện của Khổng Tử, đó là văn hóa Trung Hoa. Nhìn qua Ấn Độ, bốn giai đoạn của đời người theo văn hóa văn minh Ấn Độ cũng là để tự thực hiện như vậy. Văn minh Tây phương cũng là con đường trở nên hoàn thiện, “nên thánh”, cũng đưa con người lên cao hơn để giống như và hợp nhất với thực tại tối hậu, một thực tại tối hậu theo quan niệm Tây phương.

   3.Thực hiện con người toàn diện: Sự tựu thành của văn hóa văn minh

   Những năm đầu đời, con người sống chủ yếu ở cấp độ vật lý và sinh lý, như một loài thực vật, ý thức chưa phát triển, không có tự ý thức về một cái tôi, không phản tỉnh, không phân biệt, như thiên nhiên, thơ ngây và thuần phác. Lớn lên, ý thức phát triển, có văn hóa, có nghệ thuật, có khoa học, có triết học, có pháp luật có văn minh. Con người được mở rộng ra bằng tâm thức đã phong phú, mở ra về thế giới, về người khác và về cái cao siêu. Nhưng tất cả mọi hoạt động trong lĩnh vực con người văn hóa này cũng đến lúc gặp phải giới hạn. Giới hạn của một cái tôi tự ý thức, tách biệt với tất cả. Tôi bố thí, tôi hy sinh nhưng tôi vẫn thấy mình ngụy tín, giả vờ, tự đóng kịch vì tôi không thể nào thoát khỏi một cái tôi ích kỷ, một cái ta ‘thiên nhiên’ và một cái ta đã có văn hóa, đã được văn minh hóa. Cái tôi là điều kiện làm người này – không có nó tôi chỉ là cây cỏ, chỉ là thiên nhiên thuần phác – giờ đây trở thành một giới hạn, một ràng buộc. Và để tiến hóa, tôi phải đi xa hơn, ra khỏi cái tôi của mình, khỏi cái tâm thức chật hẹp của mình.

   Để tự thực hiện trọn vẹn, chúng ta phải vượt lên cao hơn đến tầng tâm linh, nơi cái tôi bắt đầu rơi rụng, lột da, thoát xác. Cái tôi là do những ý tưởng tự quy về một trung tâm không có thực mà tạo thành. Thoát khỏi vách ngăn che chướng này, chúng ta là một với thế giới, với người khác và với cái tự do không có trung tâm bấy lâu nay chưa kinh nghiệm được. Chúng ta thực hiện cái Nguyên Vẹn, cái Vốn Là Chính Mình, cái Một Là Tất Cả, Tất Cả Là Một…

   Ở tầng thứ nhất, như cái trứng nằm trong bụng chim mẹ. Ở tầng thứ hai cái trứng đã được sinh ra. Ở tầng thứ ba, như con chim đủ ngày tháng tự mổ bể vỏ trứng chui ra va tức khắc bay lên bầu trời tự do và thanh khiết như Kim Xí điểu.

   Sự tự thực hiện ở lĩnh vực tâm linh này khiến chúng ta có thể biến những lý tưởng của văn hóa và văn minh thành hiện thực trọn vẹn. Chẳng hạn văn hóa văn minh đề nghị phải yêu thương người khác. Nhưng làm sao có thể hoàn toàn thương yêu người khác khi mọi hành động thân, khẩu, ý đều luôn luôn xuất phát từ “ta và cái của ta” và lại quy về “ta và cái của ta”?

Đã đến lúc chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng nếu chưa thực hiện được con người ở lĩnh vực tâm linh thì con người vẫn chưa phải là con người. Đó vẫn là con người khuyết tật, con người chưa toàn diện. Sự khuyết tật về tâm linh của đồng loại: đó chính là lòng bi, là sự làm việc không mệt mỏi của những người đi trên con đường Bồ-tát.

   Một ý nghĩ nào đó chỉ được thấy lờ mờ ở lĩnh vực vật lý và sinh lý – nói là lờ mờ vì còn mang tính bản năng – Chẳng hạn ở động vật, chúng ta thấy có tình thương, gà mẹ nuôi gà con, có tính đoàn kết, họp lại thành bầy.Ở lĩnh vực tâm lý của con người, tình thương được thấy rõ hơn, vì phát lộ nhiều hơn, và tính đoàn kết, hợp nhất đã tạo thành xã hội. Nhưng ở mức độ tâm thức như vậy, ý nghĩa tình thương và hợp nhất vẫn còn mong manh, không bền vững: bỗng chốc mà tình thương biến thành thù ghét, hòa hợp biến thành chiến tranh. Lịch sử loài người luôn cho thấy tính cách mong manh, không bền vững này. Chỉ có vượt lên ở tầng tâm linh, tình thương và hòa hợp mới thật sự, mới không thể đảo ngược – mà Phật giáo gọi là ‘bất thối chuyển’. Chỉ có ở tầng tâm linh, con người mới thực hiện trọn vẹn mọi ý nghĩa làm người, đối với chính mình, đối với người khác và đối với vũ trụ. Thực hiện được mọi ý nghĩa làm người, đó là con người toàn diện và tự do.

   4.Biện chứng của tiến hóa

Người Đông phương có khuynh hướng chính là hướng vào trong (hướng nội), người Tây phương có khuynh hướng chính là hướng ra ngoài (hướng ngoại). Đã nói là khuynh hướng, nghĩa là một phương diện, thì biết dùng, biết điều chỉnh hài hòa thì đều tốt. Người Việt Nam ta có nói: Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Kinh Dịch nói đến sự hài hòa” Một âm (hướng nội) một dương (hướng ngoại) gọi là Đạo”.Ban đầu cần có sự quân bình, hài hòa của cả hai để tiến bộ, cho đến cuối cùng là sự hài hòa và thống nhất của cả Âm và Dương: bên ngoài và bên trong là một. Lão Tử cũng không chê chuyện đi ra ngoài, mà ở cấp độ cao hơn thì đi ra ngoài là đi vào trong: “Đạo là đi xa. Đi xa là trở về”. Cái cuối cùng của sự đi xa ra ngoài là thấy cái bên trong của mình: Trong Tây du ký, khi Phật bảo Tôn Ngộ Không làm sao nhảy ra khỏi bàn tay Phật. Lần đầu Tôn Ngộ Không ‘đằng vân’ bay thật xa. Nhưng quay nhìn lại thì thấy vẫn trong bàn tay Phật. Cho đến lần thứ ba, hết mức của mình, ông thấy mình ra đến tận cùng biên giới của vũ trụ rồi, thấy có một cái cột, ông bèn tiểu tiện vào đó để làm dấu. Nhưng khi quay về thì thấy cái cột ấy chính là ngón tay Phật. Đi xa tận cùng vũ trụ cũng không thể thoát khỏi Phật tánh của mình. Phước thay thế cho kẻ nào thấy rõ mình là tù nhân vĩnh viễn của Phật tánh!

   Chính vì hai khuynh hướng tự nhiên này mà Đông phương hay nói đến “trở về” và Tây phương hay nói đến “biện chứng”. Chỉ là nói thôi vì Đông phương vẫn có biện chứng, chẳng hạn biện chứng của Kinh Dịch hay biện chứng của Trung Quán luận. Biện chứng của Đông phương chủ yếu hướng vào trong, biện chứng của sự trở về. Biện chứng của Tây phương chủ yếu hướng ra ngoài, là biện chứng của ra đi, tiến bộ, phiêu lưu.

   Ở đây chúng ta nói về biện chứng tiến hóa, tức là theo cái nhìn Tây phương. Về mặt thân tâm, để tiến bộ, phải phủ nhận trạng thái em bé thơ ngây, vô ý thức, vô ngã, con người thiên nhiên để thành chàng thanh niên phát triển về mặt ý thức, tự khẳng định mình là một cái ta tách lìa với người khác và thế giới để tìm hiểu vũ trụ, với sự hăng say khám phá trải nghiệm và học hỏi. Con người, cũng như vũ trụ, đi từ trạng thái sơ khai, đơn giản, vô phân biệt đến trạng thái phức tạp, phân biệt. Đến một lúc nào, sự phát triển của tuổi thanh niên đã đạt đến giới hạn,người ta phải phủ nhận trạng thái thanh niên để trở thành người trưởng thành. Nghĩa là phủ nhận trạng thái phức tạp, phân biệt, hữu ngã để tiến lên một trạng thái đơn nhất, vô phân biệt, vô ngã là sự thành tựu toàn diện con người mình. Trạng thái đơn nhất, vô phân biệt, vô ngã này không phải là trở lại trạng thái em bé sơ khai, không biết gì, mà bao gồm vào nó, tinh lọc nơi nó cái trạng thái phức tạp, phân biệt, hữu ngã của thời thanh niên trước đó. Biện chứng tiến hóa đưa đến một tổng hợp đề là nơi nền tảng người ta là đơn nhất nhưng ở sự thể hiện là phức tạp, vô phân biệt mà có phân biệt, vô ngã mà có ngã. Biện chứng không phải là sự loại bỏ hoàn toàn cái có trước, mà đúng hơn, sự tựu thành, sự tinh lọc thăng hoa cái có trước. Nó không cắt bỏ, loại trừ mà đúng hơn là “tương dung, tương nhiếp” cái có trước.

   Biện chứng tiến hóa đi từ thế giới thiên nhiên, đến thế giới ý thức con người và đến thế giới tâm linh hay siêu thức của con người là như vậy. Bởi vì con người tâm linh là rộng rãi nhất, cao cấp nhất, nơi nó tự biết nó là ánh sáng, là tự do, là vô hạn, nên nó kéo thân thể và tâm thức lên cao và thăng hoa chúng để thành những thực thể tốt đẹp và trường cửu. Lĩnh vực tâm linh là một sự khai sinh, một sự tái sinh toàn bộ con người trong tự do, trong cái đẹp, cái tốt và cái thật.

   Biện chứng là đi từ con người khách thể của thế giới thiên nhiên, phủ nhận con người khách thể thiên nhiên này để đi đến con người chủ thể của thế giới xã hội văn hóa, và rồi phủ nhận con người chủ thể này để đi đến con người toàn diện: vừa có thân thể, vừa có ý thức, vừa có tâm linh. Con người toàn diện hay tâm linh này nói là chủ thể cũng được vì nó bao trùm tất cả; nói là khách thể cũng được vì nó là tất cả. Tóm lại biện chứng là vượt khỏi (giải thoát khỏi) khách thể và chủ thể để đạt đến một cái vừa siêu việt khách và chủ, đồng thời bao trùm cả khách và chủ. Biện chứng của tiến hóa hay của tự thực hiện như thế đưa chúng ta đến những khoảng trời hiểu biết hơn, thương yêu hơn,tự do hơn và giúp ích cho người khác nhiều hơn. Đó là biện chứng đi từ cái hữu hạn đến cái vô hạn, từ trói buộc đến giải thoát, từ khổ đau đến hạnh phúc.

   Qua biện chứng tiến hóa của con người, con người mở một con đường cho mình và cho xã hội giải thoát cuộc đời mình vào Chân như tánh hay Pháp tánh giới, đồng thời kéo theo thế giới thiên nhiên vật chất vào trong ý nghĩa đích thực và tối hậu của nó là Chân như tánh. Con người chưa tiến hóa là con người bị vũ trụ đè nặng, đồng thời nó cũng đè nặng lên vũ trụ bằng những sai lầm mê mờ của mình. Nhưng bằng việc bước vào được lĩnh vực (hay cảnh giới, nói theo Phật giáo) ánh sáng, tự do và tình thương, con người đưa được vũ trụ vào trong bản tánh ánh sáng, tự do và tình thương của chính vũ trụ mà nó cũng đang đi tìm kiếm một cách bản năng trong rất nhiều tối tăm, không tự do và ích kỷ.

   Nói theo cách nói của người xưa, cả hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, con người nối kết được hai cực của trò chơi vũ trụ: nối kết Trời Dương (Tinh Thần, Chân như tánh) với Đất Âm (thế giới vật chất hình tướng). Nói cách khác,con người đưa được cái Nhiều, cái Đa Thù, cái Động, Cái Vật Chất về với (hay đi đến) cái Một, cái Nhất Thể, cái Tĩnh, cái Tinh Thần và cái này thông lưu, tương dung tương nhập vói cái Nhiều, cái Đa Thù, cái Động, Cái Vật Chất. Nói theo ngôn ngữ Đại thừa, con người nối kết và hợp nhất được Sanh Tử với Niết-Bàn. Chính con người hoàn thành cái biện chứng thiêng liêng của vũ trụ bằng cội nguồn của trí tuệ, tình thương và hành động ở nơi chính mình.

   Cũng theo những người đã hiểu biết kho tàng tâm linh, thì kho tàng tâm linh ấy rất ‘rẻ tiền’, không đòi hỏi dụng cụ nên rất bình đẳng: Sự tự do rốt ráo ấy, chúng ta chẳng phải xin xỏ ai cả, kể cả từ một Thượng đế nào đó, chẳng phải bỏ tiền trao đổi gì cả, chẳng phải tranh đấu đòi hỏi tí chút nào. Cái quyền lợi tối hậu và tối thượng đó, sự tự do rốt ráo đó, sự giàu có vô song đó (giàu có đến độ tất cả vũ trụ là của mình), cái hành động luôn là hạnh phúc vì xuất phát từ Cội Nguồn đó, và tất cả những gì gì nữa của kho tàng tâm linh đó không đòi hỏi chúng ta cái gì cả, bởi vì nó ở sát gần chúng ta, gần hơn thân thể của thế giới vật lý, gần hơn con người xã hội và văn hóa, gần hơn cả thân và tâm chúng ta. Bởi vì con người toàn diện và tự do đó là con người thật của chúng ta. Bởi vì Nó chính là chúng ta.

SHARE:

Để lại một bình luận