SỰ QUÁN ĐẢNH CHO TRÒ PHÔ DIỄN CỦA TÁNH GIÁC

SHARE:


NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ PADMASAMBHAVA
Dịch: Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt
Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. NHỮNG LỜI DẠY DẪN NHẬP
3. LỜI KHUYÊN LÀM THẾ NÀO THỰC HÀNH NHỮNG GIÁO HUẤN SÂU XA
4. TÍNH TỈNH THỨC TỰ GIẢI THOÁT
5. HAI MƯƠI MỐT GIÁO HUẤN TRỌNG YẾU
6. GIÁO HUẤN CHỈ THẲNG CHO BÀ LÃO
7. ĐI XUỐNG VỚI CÁI THẤY TỪ TRÊN CAO
8. VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
9. VÒNG HOA BẰNG VÀNG QUÝ BÁU CỦA NHỮNG GIÁO HUẤN THIỀN ĐỊNH
10. VÒNG PHÁP NHỮNG ĐIỂM TRỌNG YẾU
11. LỜI DẠY VỀ PHỐI HỢP GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TỰU: NHỮNG THỰC HÀNH VỚI VÀ KHÔNG CÓ NHỮNG KHÁI NIỆM
12. GIÁO HUẤN CHO NHỮNG PHỤ NỮ ĐẠT GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
13. SỰ QUÁN ĐẢNH CHO TRÒ PHÔ DIỄN CỦA TÁNH GIÁC
14. NHỮNG DẤU HIỆU VÀ CẤP ĐỘ CỦA TIẾN BỘ
15. CHỈ DẠY VỀ ĐẠT ĐƯỢC GIÁC NGỘ VÀO GIÂY PHÚT CHẾT
16. NĂM TRUNG ẤM
17. KHO TÀNG CỦA HANG HOA SEN PHA LÊ

Sự Quán Đảnh Cho Trò Phô Diễn Của Tánh Giác

 

“Sự giải thích Quán đảnh cho Trò phô diễn của tánh Giác” từ Sự chứng ngộ vô ngại của Samantabhadra

Đến Samantabhadra và Vajrasattva,

Đến Prahevajra và Manjushrimitra,

Đến Shri Singha và tất cả đạo sư khác,

Đến dòng các đạo sư của Ba Thân, con xin đảnh lễ.

Đại sư, mang tên Liên Hoa Sanh, thân thể ngài vô nhiễm bởi những khuyết điểm của sự nhập thai, mà sự biểu lộ rạng rỡ được sanh ra từ một hoa sen tự xuất hiện, là vua chiến thắng những thần phẫn nộ, bậc chinh phục bốn ma, sắc thân ngài như một kim cương, bất biến và bất hoại.

 

Vị vua oai nghiêm này, người đạt được thành tựu tối thượng kỳ diệu, được lòng bi của chư Phật pháp thân kêu gọi và được tất cả chư Phật báo thân quán đảnh. Rồi khi tất cả chư Phật hóa thân đồng ý, ngài xuất hiện như nhiếp chính của Phật Thích Ca Mâu Ni trên lục địa Diêm phù đề nằm ở mặt nam của núi Tu Di. Ngài dạy những đệ tử ở tám đại nghĩa địa, phục vụ như nhiếp chính trên Ngai Kim cương của Ấn độ, và bằng thần lực của những lời nguyện trước kia, ngài đến Xứ Tuyết Tây Tạng khiến những giáo lý của Phật truyền bá và nở hoa.

 

Sau đó, trong Động của Samye Chimphu, ngài ban bốn quán đảnh trọn vẹn cho Vua Trisong Deutsen và Đức bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen. Vào lúc ấy đức vua và đức bà thấy những dấu hiệu kỳ diệu và có được sức nóng của sự thực hành, thế nên do đức tin và sùng mộ, họ thỉnh cầu như vầy: Xin nghe, đại sư. Ý nghĩa là thế nào khi vào lúc đầu, người ta được ban quán đảnh với những thuộc tính và đề mục, bao gồm cái bình, trong mạn đà la bột màu?

 

Đạo sư trả lời: Hãy nghe đây, Vua và Đức bà của Kharchen. Mọi giáo lý của các bậc giác ngộ viên mãn được dạy trong ba cách: nghĩa chưa rốt ráo, ý định được che đậy, và nghĩa rốt ráo. Trong đó, nghĩa chưa rốt ráo có mục đích hướng dẫn một cách phương tiện những chúng sanh với tri giác sai lầm đến những cõi cao hơn. Ý định được che đậy là khi một Bồ tát dùng sự khôn khéo như một phương tiện để giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau của sanh tử.

 

Nghĩa rốt ráo có ba giai đoạn tiệm tiến. Như là quả của mọi giáo lý của các thừa thấp, cái thấy của Trung Đạo thoát khỏi tiêu điểm trụ chấp là an định vào một trạng thái không có những giới hạn. Điều những người theo Kinh điển gọi vắng mặt của khái niệm hóa (vô niệm) là an định vào trạng thái không có người tri giác và cái được tri giác. Đến điểm này không có ban thực sự quán đảnh nào khác hơn là chỉ một dấu hiệu hay chỉ bày.

 

Theo tất cả những tantra của Thần chú Bí mật, người ta được ban quán đảnh cái bình. Lấy cái thấy tánh Không như là quả sẽ tịnh hóa che ám của nghiệp, và được ban cho quán đảnh cái bình mở cánh cửa cho phần bên trong của Thần chú Bí mật, năm trí huệ được chỉ ra qua lời nói. Như vậy nó là một quán đảnh tượng trưng.

 

Quán đảnh cái bình này là quán đảnh đầu tiên. Nó cho phép con tịnh hóa che ám của những phiền não (phiền não chướng), mở cửa cho những giáo lý sâu xa, và là dịp để được cho phép trau dồi bổn tôn và thực hành Sadhana. Kết quả của nó là trở nên có thể làm chủ mọi sự thuộc về pháp khí và nội dung của nó.

Ngài đã nói như thế.

Họ lại hỏi: Xin hãy nghe, đại sư. Vào lúc quán đảnh bí mật, tại sao người ta cần tu hành những kinh mạch và những khí?

Đạo sư trả lời: Hãy nghe đây, đức Vua và Tsogyal. Trong pháp giới Akanishtha, pháp thân và báo thân và cái chúng ta gọi là mạn đà la của kinh nghiệm trí huệ không dựa vào một thân vật chất, thế nên chúng không có những kinh mạch đặt nền trên thân trí huệ tự hiện hữu mà là một khối cầu năm ánh sáng của sự rực rỡ tự nhiên. Chúng không có các khí nghiệp mà được phú bẩm bốn khí trí huệ. Sắc thân của chúng không biến đổi; ngữ của chúng không dứt; và tâm của chúng an trụ trong trạng thái bình đẳng bất động. Với chúng, không cần quán đảnh bí mật, bởi vì phương tiện và trí huệ là không hai.

 

Trong hóa thân, dù nó có một sắc tướng vật chất nhưng giống như một ảo ảnh huyễn thuật, kinh mạch trí huệ có sức mạnh lớn lao, và khí trí huệ có năng lực lớn. Thế nên hóa thân không có sự nhiễm ô của phiền não. Như vậy nó chuyển thành một thân trí huệ bằng đơn giản được chỉ bày sự quán đảnh bí mật tượng trưng.

 

Trong chúng sanh, họ có một sắc tướng do vô minh sanh ra, những kinh mạch của phiền não có sức mạnh lớn, khí nghiệp có năng lực lớn, và những kinh mạch và khí trí huệ đòi hỏi khéo léo để tìm thấy; thế nên, rất quan trọng là tu hành những kinh mạch và khí. Khi người ta tu hành, vô minh lắng xuống thành một trạng thái tiềm ẩn và những kinh mạch của phiền não trở nên tinh sạch; và khi các khí nghiệp được tịnh hóa, toàn thân thể trở thành mạn đà la trí huệ. Thế nên, sự tu hành những kinh mạch và khí khi ở trong thân người sẽ chuyển hóa nó thành thân trí huệ.

 

Trong ba cõi thấp, kinh mạch trí huệ và khí trí huệ tiềm ẩn đến độ không có con đường giải thoát. Những thân thể của hầu hết thú vật hướng xuống dưới, và thế nên chúng có những kinh mạch và khí nặng đục và câm lặng. Những thân thể của hầu hết quỷ đói đều nằm ngang, thế nên chúng có những kinh mạch và khí cho sự khao khát. Những thân thể của hầu hết chúng sanh địa ngục thì đầu chúc xuống, nên chúng có những kinh mạch và khí cho đau đớn. Bởi thế, những chúng sanh trong ba cõi thấp không phải là những pháp khí thích hợp cho những giáo huấn cốt lõi.

 

Trong thân người, một phần tư những kinh mạch và khí thuộc về loại trí huệ, thế nên hãy kiên trì tu hành các kinh mạch và khí của các con!

Ngài đã nói như vậy.

Họ lại hỏi: Xin hãy nghe, đại sư. Vào lúc được ban quán đảnh trí huệ – hiểu biết, cái gì là nghĩa của đẩy mạnh những nguyên tố tinh tuý thanh tịnh?

Đạo sư trả lời: Hãy nghe đây, đức Vua và Tsogyal. Nghĩa của trí huệ – hiểu biết là những khí nghiệp của những xúc cảm phiền não được tịnh hoá bởi tu hành những kinh mạch và những khí, để cho những khí chuyển động đều đặn trong những kinh mạch trống không, làm sanh ra kinh nghiệm tánh Không. Đó gọi là hiểu biết.

 

Vào lúc đó, có các phương pháp khác nhau để đẩy mạnh những nguyên tố tinh tuý, như dựa vào thức ăn bổ dưỡng, mặc áo quần nhẹ, ấm, dùng những trang sức đẹp, dùng đá quý và bạn đồng tu tuyệt vời. Nhờ những cái ấy, người ta sẽ nỗ lực trong những phương pháp đẩy mạnh những nguyên tố tinh tuý thanh tịnh như một con suối chảy đầy trong thung lũng khô.

 

Không để nó tản mác như nước ở một chỗ gồ ghề, người ta cần dẫn những nguyên tố tinh tuý thanh tịnh hướng lên. Điều này sẽ đóng những kinh mạch phiền não, đè nén những khí nghiệp và thúc đẩy mọi kinh mạch và khí của trí huệ.

 

Bindu bất khả hoại của sinh lực trong trung tâm trái tim nâng đỡ mạn đà la trí huệ. Khi dẫn những tinh tuý thanh tịnh, nó sẽ đẩy mạnh mọi phẩm tính tốt đẹp đến độ thân con đầy màu sắc và phát sáng, tiếng nói của con sản sinh ra niềm vui, và tâm con trở nên không có tư tưởng và thanh tịnh. Vào lúc đó, nếu con nối kết điều này với những giáo huấn cốt lõi sâu xa, cấp độ ‘không trở lại’ sẽ có được mà không nỗ lực. Dù nếu con cứ để tự nó, khi ra khỏi đời này, con sẽ có một tái sinh trong Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba.

 

Trong cách này, con trở nên có thể có những hành động và hoạt động đem đến trí huệ nhờ những bindu. Nếu thiền giả thực hành con đường quán đảnh trí huệ và hiểu biết này mà không có quán đảnh và thực hành, y sẽ không hoàn thiện được những phẩm tính của những cấp độ.

Ngài đã nói như vậy.

Họ lại hỏi: Xin hãy nghe, đại sư. Xin giải thích trong chi tiết nghĩa chỉ ra rằng bản tánh của tâm mình là pháp thân, khi ban tất cả bốn quán đảnh đầy đủ hoàn toàn.

Đạo sư trả lời: Hãy nghe đây, đức Vua và Tsogyal. Nói chung, mọi kinh nghiệm thuộc về sanh tử và niết bàn là sự thống nhất của hình tướng và tánh Không, trong khi tính chất trống không là ưu thế. Toàn bộ thế giới này, khắp tất cả mọi phương hướng, đều ở trong không gian bao la. Ở giữa, đất đai, núi non, đều chết và cuối cùng trở nên trống không. Những chu kỳ mặt trăng và sự đổi thay của bốn mùa cũng là những dấu hiệu của sự trống không.

 

Tất cả chúng sanh và những hình thức đời sống cũng sanh ra và chết đi. So sánh với những chúng sanh có một thân vật chất, một số lớn hơn nhiều thì không có. Hơn nữa, đạt niết bàn nghĩa là giải thoát vào không gian pháp giới của tánh Không. Trong cách này, mọi sự trở thành trống không, thế nên mọi cái xuất hiện và hiện hữu là trạng thái của tánh Không. Thế nên, chớ bám dính vào tính nhị nguyên. Không bám nắm cái gì cả, hãy an trụ trong sự tương tục của trạng thái có khắp của chứng ngộ tánh Không không thuộc về phạm trù nào. Hãy ở trong trạng thái thoát khỏi mọi tạo dựng tâm thức.

 

Hãy chắc chắn rằng tánh Không là tinh túy của hầu hết giáo lý. Từ sơ thủy, đó là phẩm tính của cái thấy được mong ước. Nên các con không thấu hiểu nghĩa của tánh Không, các con sẽ rớt vào sự bám níu những đối tượng được tri giác của  sáu nhập và tiếp tục lang thang trong sanh tử. Nếu các con có được sự xác quyết về tánh Không, các con sẽ dừng dứt dòng sanh tử, và mê lầm được tịnh hóa hoàn toàn. Ngược lại, nếu thay vì tánh Không chân thật, các con lạc vào ý niệm về tánh Không, hay không hiểu trạng thái bình đẳng và tản mác trong một trạng thái lười biếng, không có sự lầm lạc nào trầm trọng hơn sự hiểu lầm tánh Không như vậy. Thế nên hãy nương dựa vào một đạo sư để có điểm then chốt của những giáo huấn sâu xa, và kiên trì trong thực hành.

Ngài đã nói như vậy.

Họ lại hỏi: Xin hãy nghe, đại sư. Xin giải thích cho chúng con trong chi tiết nghĩa của cái tối cao nhất trong mọi quán đảnh – quán đảnh sự phô diễn của tánh giác – cũng như những điểm then chốt của thực hành và nghĩa của có được sự làm chủ tánh giác.

Đạo sư nói: Hãy nghe đây, đức Vua và Tsogyal. Người ta nhận bốn quán đảnh nói ở trên một cách tiệm tiến. Người ta đi qua những cấp độ và những con đường lần lượt và không thể ngộ tức thời. Những giáo lý trên con đường thứ lớp được những hóa thân dạy vì lợi lạc của chúng sanh.

 

Quán đảnh trò phô diễn của tánh giác được chư Phật toàn thiện tự nhiên trong bản tánh dạy, và gởi những lưu xuất đại bi từ pháp giới Akanishtha, các ngài dạy sự giác ngộ tức thời cho những người phước huệ cao nhất. Thế nên không thể đạt Phật quả nếu không nhận quán đảnh trò phô diễn của tánh giác.

 

Tất cả chư Phật của quá khứ giác ngộ sau khi nhận quán đảnh trò phô diễn của tánh giác. Người nào trong hiện tại đạt giác ngộ cũng sau khi nhận quán đảnh trò phô diễn của tánh giác. Và các đức Phật cũng sẽ đạt giác ngộ trong tương lai sau khi nhận quán đảnh trò phô diễn của tánh giác. Không thể đạt giác ngộ nếu các con không có quán đảnh ấy.

 

SAMAYA.  ẤN, ẤN ẤN. 

SHARE:

Để lại một bình luận