Phẩm Thứ Tư: HIỆN CHỨNG

SHARE:

Phẩm Thứ Tư

HIỆN CHỨNG

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con tướng tương tục thứ lớp nhập diệt của tất cả Thanh Văn Duyên Giác, khiến con và các Đại Bồ tát đã khéo biết thì tâm không nghi lầm đối với lạc tận diệt định, chẳng sa vào lầm lẫn của Nhị thừa và ngoại đạo.

Phật dạy: Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ! Đại Bồ tát đến Địa thứ Sáu và Thanh Văn Duyên Giác nhập diệt định. Bồ tát Địa thứ Bảy niệm niệm thường nhập, lìa tướng tự tánh của tất cả pháp, các Nhị thừa chẳng được vậy. Nhị thừa có tác (không phải Vô tác), sa vào năng thủ sở thủ, chẳng đắc tướng vô sai biệt của các pháp, hiểu rõ tự tướng cọng tướng thiện, chẳng thiện mà nhập diệt định, thế nên chẳng thể niệm niệm thường nhập.

Đại Huệ! Bồ tát Địa thứ Tám, Thanh Văn, Duyên Giác thì tưởng phân biệt của tâm, ý, ý thức diệt.

 

Địa thứ Sáu, Hiện Tiền địa, và Thanh Văn, Duyên Giác đều có thể nhập diệt tận định. Nhưng ở Địa thứ Bảy, Viễn Hành địa, Bồ tát “niệm niệm thường nhập” vì tâm luôn luôn ở trong tánh Không, cũng tức là “tướng vô sai biệt của tất cả các pháp”. Trong khi ấy, Thanh Văn và Duyên Giác, mặc dầu ngã đã tịch diệt nhưng pháp chưa hoàn toàn tịch diệt nên phải có chủ ý mới nhập diệt tận định.

Bồ tát từ Địa thứ Bảy trở lên thì niệm niệm thường nhập vì diệt tận định đây là cái diệt tận định xưa nay của pháp tánh vô ngã và vô pháp.

Đến Địa thứ Tám, Bất Động địa hay Vô công dụng địa hay Vô sanh pháp nhẫn, Bồ tát này và Thanh Văn Duyên Giác vì “tưởng phân biệt của tâm, ý, ý thức diệt” cho nên đều có thể nhập Niết bàn, nhưng Bồ tát vì bổn nguyện đại bi lại được sự gia trì của chư Phật nên còn tiếp tục đi nữa_mà kinh điển gọi là a tăng kỳ kiếp thứ ba_cho đến thành Phật.

Vô sanh pháp nhẫn là sanh tử hoàn toàn không có một ý nghĩa nào nữa, không còn một phản ứng lấy bỏ, được mất, hy vọng, sợ hãi… nào nữa đối với sanh tử như huyễn như mộng.

 

Ban đầu từ Sơ địa đến Đệ lục Địa, Bồ tát quán sát ba cõi tất cả duy chỉ là tâm, ý, ý thức tự phân biệt mà khởi, lìa ngã ngã sở, chẳng thấy thảy thảy các tướng của ngoại pháp. Người ngu chẳng biết, do lỗi tập khí xấu ác huân tập từ vô thủy đến nay, từ trong tự tâm biến ra tướng năng thủ sở thủ rồi sanh chấp trước.

Đại Huệ! Tam muội Bồ tát bát địa đắc đồng với Niết bàn của các Thanh Văn Duyên Giác, nhưng nhờ Phật lực gia trì nên trong môn tam muội không nhập Niết bàn. Nếu không được sự gia trì thì không hóa độ tất cả chúng sanh, chẳng thể đầy đủ địa Như Lai, cũng đoạn dứt chủng tánh Như Lai. Thế nên chư Phật nói cho các đại công đức chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, khiến rốt cuộc chẳng nhập Niết bàn. Thanh Văn, Duyên Giác đắm trước lạc tam muội thế nên trong ấy sanh tưởng Niết bàn.

Đại Huệ! Bồ tát thất địa khéo quán sát tâm, ý, ý thức, các chấp ngã ngã sở, sự vô ngã của nhân, pháp, các tự tướng cọng tướng hoặc sanh hoặc diệt, được khéo léo quyết định về bốn vô ngại biện, ở trong môn tam muội mà được tự tại, dần vào các địa, đầy đủ các pháp Bồ đề phần. Đại Huệ! Ta lo các Bồ tát chẳng khéo rõ biết tự tướng cọng tướng, chẳng biết thứ lớp tương tục của các địa mà sa vào các ác kiến ngoại đạo nên nói như vậy.

 

Sơ địa là lần đầu tiên thấy trực tiếp được pháp tánh: tất cả duy chỉ là tâm, một tâm thanh tịnh, năng sở là không thật có, chỉ có phân biệt hư vọng mà thành. Lần đầu tiên thấy được sự thật giải thoát này thì rất hoan hỷ vì đã vào được Pháp thân của chư Phật, cho nên Sơ địa có tên là Hoan hỷ địa.

Sau Kiến đạo vị hay Thông đạt vị này là đến Tu tập vị, tu tập Phật pháp để xóa bỏ tập khí xấu phân biệt chấp trước đã huân tập từ vô thủy đến nay hầu Pháp thân và tất cả công đức của nó hiển lộ hoàn toàn. Từ Sơ địa đến Đệ lục Hiện Tiền địa là tiếp tục quán sát ba cõi duy chỉ là tâm, mọi phân biệt là hư vọng, chấp ngã chấp pháp tiêu tan khá nhiều để chỉ một Chân tâm Không_Như hiện tiền.

Đến Đệ thất Viễn Hành địa phân biệt chấp trước chỉ còn rất ít ở dạng vi tế, nhưng vẫn còn nằm trong nhiễm ô, theo Kinh Hoa Nghiêm. Phải đến Đệ bát Bất Động địa mới thanh tịnh rốt ráo. Nói theo những truyền thống khác là “không tu nữa”, “Vô học”. Nhưng ở đây thay vì nhập Niết bàn, thì Bồ tát vì bổn nguyện đại bi và được sự gia trì của chư Phật mà tiếp tục tiến tới, hoàn thành Mười địa lên đến thành Phật.

Quá trình tiến lên các địa này nhờ vào quán như huyễn. Như huyễn đến đâu thì giải thoát đến đó và giải phóng năng lực vốn có để thành Như huyễn tam muội, nền tảng của các lực, thần thông, tự tại của Bồ tát.

 

Đại Huệ! Trong ấy thật ra không có gì sanh hay diệt, thứ lớp các địa và sự đến đi trong ba cõi, tất cả đều là tự tâm thấy ra. Nhưng các người phàm ngu chẳng thể rõ biết điều ấy nên ta và chư Phật mới nói cho họ như vậy.

 

Trong Pháp thân chỉ có một vị không sanh không diệt, chỉ một vị duy tâm thanh tịnh, con đường các địa giải thoát của thánh và con đường trong ba cõi của phàm chỉ là vọng thấy, như huyễn như mộng. Xưa chưa từng có sanh tử huyễn hóa, nay cũng không thêm Niết bàn tịch diệt.

 

Đại Huệ! Thanh Văn Duyên Giác cho đến Bồ tát trong Đệ bát địa, vì tam muội lạc làm say mê không sáng suốt, chưa khéo rõ duy tâm mà thấy ra, bị tập khí tự tướng cọng tướng che mờ tâm, còn bám trước hai vô ngã, sanh cái biết về Niết bàn, chẳng phải huệ tịch diệt.

Đại Huệ! Các Đại Bồ tát thấy cái lạc của tam muội tịch diệt liền nhớ nghĩ bổn nguyện đại bi, tu hành đầy đủ mười câu vô tận, thế nên không liền nhập Niết bàn, vì nhập Niết bàn thì không sanh quả Phật. Lìa năng thủ sở thủ, rõ thông duy tâm, không phân biệt tất cả pháp, không sa vào tâm, ý, ý thức, vào chấp trước tánh tướng ngoại pháp, nhưng chẳng phải không khởi chánh nhân Phật pháp, hành theo trí huệ mà khởi như vậy, đắc địa tự chứng của Như Lai.

Đại Huệ! Như người trong mộng dùng phương tiện để qua sông, chưa qua thì đã tỉnh, tỉnh rồi suy nghĩ lại điều đã thấy, đó là chân thật hay hư vọng? Rồi lại tự nghĩ: Chẳng phải thật chẳng phải vọng, như thế chỉ là các sự việc thấy nghe hay biết do tập khí phân biệt hội hợp, các hiện ra trong mộng lìa hữu vô của niệm tưởng ý thức.

Đại Huệ! Đại Bồ tát lại cũng như vậy, từ Sơ địa đến Thất địa, tăng tiến cho đến nhập vào Bát địa được vô phân biệt, thấy tất cả pháp như huyễn mộng…, lìa năng thủ sở thủ, thấy lực dụng rộng lớn của tâm, tâm sở, chuyên cần tu Phật pháp, cái gì chưa chứng thì khiến chứng được, lìa vọng tưởng phân biệt của tâm, ý, ý thức, được Vô sanh pháp nhẫn. Đây là Niết bàn Bồ tát đắc, chẳng phải là hoại diệt. Đại Huệ! Trong đệ nhất nghĩa không có thứ lớp cũng không tương tục, xa lìa tất cả cảnh giới phân biệt, đó gọi là pháp tịch diệt.

 

Bồ tát Bát địa không nhập Niết bàn nhờ nhớ nghĩ bổn nguyện đại bi với chúng sanh mà tiếp tục tích tập trí huệ và công đức để đắc Phật quả. Cái gì chưa chứng thì phải chứng vì Phật, theo Kinh Đại Bát Nhã, thì ngoài trí huệ viên mãn còn có “bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, mười lực, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi”.

“Lìa năng thủ sở thủ, rõ thông duy tâm, không phân biệt tất cả pháp, không sa vào tâm, ý, ý thức, vào chấp trước tánh tướng ngoại pháp”, nói theo Kinh Đại Bát Nhã, đây là “học Không”. “Nhưng chẳng phải không khởi chánh nhân Phật pháp”; đây là “bất chứng” Không mà tiếp tục tu hành chánh nhân thành Phật.

Bồ tát Bát địa tiến lên Phật quả vẫn theo con đường Kinh này chỉ dạy là Duy tâm như huyễn, thoát khỏi mọi phân biệt chấp trước huyễn hóa của tâm, ý, ý thức, muốn nắm giữ (thủ) cũng chẳng thể được vì như huyễn như mộng, chỉ có điều vẫn giữ Bồ đề tâm, nguyện thành Phật để độ tất cả chúng sanh.

Như người nằm mộng thấy mình dùng đủ sức, đủ phương tiện để qua đến bờ bên kia mong thoát chết. Nhưng nửa chừng tỉnh giấc mới thấy không có người rớt xuống sông, không có dòng sông sanh tử hiểm nghèo, cũng chẳng có sức lực và phương tiện nào để đeo bám. Thí dụ nằm mộng vượt sông cho khỏi chết này cũng có trong Kinh Hoa Nghiêm khi nói về Bát địa.

“Lực dụng công lớn của tâm, tâm sở” là lực dụng của quán như huyễn, đưa đến Như huyễn tam muội và ý sanh thân.

Niết bàn Bồ tát đắc là Niết bàn vô trụ xứ, là “bản tánh của sanh tử là Niết bàn”. Đâu cũng Niết bàn, đâu cũng là pháp tịch diệt; lúc nào cũng là Niết bàn, lúc nào cũng là pháp tịch diệt, như xưa nay vốn vậy.

 

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bài kệ:

Các trụ cùng Phật địa

Duy tâm vô ảnh tượng

Chư Phật cả ba đời

Đều vẫn nói như vậy.

Thất địa là hữu tâm

Bát địa không ảnh tượng

Hai địa trên gọi ‘trụ’

Ngoài đó chỗ ta đắc.

Tự chứng cùng thanh tịnh

Đây tức là địa ta

Chỗ tối thắng Ma Hê

Sắc cứu cánh trang nghiêm.

Thí như lửa lớn tụ

Ánh sáng tỏa phát khắp

Hóa hiện nơi ba cõi

Đẹp đẽ mà thiện lành.

Hoặc cõi đang biến hóa

Hoặc đã hóa trước kia

Nơi kia nói các thừa

Đều là Như Lai địa.

Thập địa tức là sơ

Sơ tức là bát địa

Đệ cửu tức là thất

Đệ thất lại là bát.

Đệ nhị là đệ tam

Đệ tứ là đệ ngũ

Đệ tam là đệ lục

Vô tướng, thứ lớp gì?

 

Các trụ hay các địa cùng Phật địa đều cùng một pháp thân tánh Không, “duy tâm vô ảnh tượng”. Sở dĩ có các địa khác biệt là phiền não chướng và sở tri chướng, chấp ngã và chấp pháp có sâu cạn, nhiều ít khác nhau và sự làm chúng tiêu tan nhanh chậm khác nhau. Nhưng các địa duy chỉ một vị tánh Không, một địa duy nhất là Phật địa, trong đó các cấp độ phiền não chướng và sở tri chướng, chấp ngã chấp pháp đều không có thật, “vô ảnh tượng”, như huyễn như mộng, duy tâm mà hiện.

Phật địa tối thắng và trang nghiêm như trời Sắc cứu cánh của Ma Hê Thủ La Thiên. Như ánh sáng phát tỏa khắp ba cõi, chỗ nào nói các thừa thì đều là Như Lai địa, tức là Nhất thừa, không chỗ nào mà không cùng một ánh sáng.

Tất cả các địa chỉ có một nền tảng, một địa, tức là Phật địa. Tất cả các địa đều ở trên một nền tảng, một Pháp thân Phật tánh chung nhất. Thế nên Sơ địa tức là Bát địa, Cửu địa tức là Thất địa… Các địa thậm chí cũng chỉ là duy tâm mà hiện, vì Pháp thân thì vô tướng, “ánh sáng tỏa phát khắp”, đâu có thứ lớp gì?

 

 

SHARE:

Để lại một bình luận