SHARE:
Phẩm Thứ Năm
NHƯ LAI THƯỜNG, VÔ THƯỜNG
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác là thường hay vô thường?
Phật dạy: Đại Huệ! Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Vì sao thế? Vì cả hai đều có lỗi. Sao là có lỗi? Đại Huệ! Nếu Như Lai là thường thì có lỗi năng tác; tất cả ngoại đạo nói năng tác là thường. Nếu là vô thường thì có lỗi sở tác, đồng với các uẩn là tướng, sở tướng, rốt cuộc đoạn diệt mà thành không có, mà Phật Như Lai chẳng thật đoạn diệt. Đại Huệ! Tất cả các vật được làm ra như bình, áo… đều là vô thường. Như Lai mà như thế thì có lỗi vô thường, tất cả sự tu phước trí đều chỉ là không, vô ích. Lại nữa, các pháp được làm ra đều là Như Lai cả, vì không khác nhân.
Thế nên Như Lai chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Lại nữa, Đại Huệ! Như Lai chẳng phải thường, nếu là thường thì như hư không chẳng đợi nhân mà thành. Đại Huệ! Thí như hư không chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Vì sao thế? Vì lìa các lỗi thường, vô thường, một, khác, cùng với không cùng với… Lại nữa, Đại Huệ! Như Lai chẳng phải thường, nếu là thường tức là chẳng sanh, đồng như sừng thỏ, sừng ngựa, sừng cá, sừng rắn…
Lại nữa, Đại Huệ! Trong nghĩa khác thì có thể nói Như Lai là thường. Vì sao thế? Vì trí hiện chứng là pháp thường, trí chứng là thường nên Như Lai là thường. Đại Huệ! Pháp tánh, pháp trụ, pháp vị chư Phật Như Lai chứng, dù Như Lai có ra đời hay không ra đời, vẫn thường trụ bất biến, trụ trong các pháp sở đắc của tất cả Nhị thừa, ngoại đạo, chẳng phải là không có, nhưng chẳng phải điều phàm ngu có thể biết.
Đại Huệ! Như Lai ấy là do huệ thanh tịnh nội chứng pháp tánh mà có tên ấy, chẳng phải do tập khí hư vọng về tâm, ý, ý thức, uẩn, giới, xứ mà có tên. Tất cả ba cõi đều từ phân biệt hư vọng mà sanh, Như Lai chẳng từ phân biệt hư vọng sanh. Đại Huệ! Nếu có hai cái thường và vô thường, Như Lai không có hai, vì chứng tất cả pháp là vô sanh, thế nên chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường. Đại Huệ! Cho đến có chút lời nói phân biệt sanh, tức có lỗi thường và vô thường. Thế nên hãy diệt trừ hai cái biết do phân biệt, chớ để chút gì còn lại.
Thường và vô thường, đều có lỗi vì thuộc về vật, về tướng, và vật, tướng đều do từ hư vọng phân biệt mà có. Cho nên Như Lai chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
Trong nghĩa khác, Như Lai là thường, như trí là thường không sanh không diệt so với thức là vô thường, có sanh có diệt. Trí là thường vì trí chứng pháp tánh, pháp vị, pháp trụ vốn thường trụ bất biến, dù Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không.
Như Lai là pháp tánh, thường trụ bất biến, cho nên ở khắp tất cả chỗ, trong tất cả chỗ chứng của tất cả Nhị thừa, ngoại đạo, trong tất cả các địa của Bồ tát. Nói cách khác Quả Như Lai có trong tất cả các nhân, và trong tất cả các quả nhỏ khác. Trí có trong tất cả mọi loại thức, trong tất cả mọi niệm phân biệt hư vọng. Như đại dương có trong tất cả mọi làn sóng, mặt trăng phản chiếu trong tất cả mọi chỗ có nước.
“Duy tâm sở hiện”, trong tất cả mọi cái có hiện đều có Tâm, đều là Tâm. Đây là một pháp tu chính yếu của Kinh Lăng Già, tức là Chỉ Quán đồng thời, một trong ba pháp chính của đạo Phật.
Duy tâm sở hiện, vì tâm vốn là vô sanh, cho nên tất cả những sở hiện đều vô sanh, như Kinh nói, “Như Lai chứng tất cả pháp là vô sanh”.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:
Xa lìa thường vô thường
Mà hiện thường vô thường
Hằng quán Phật như vậy
Không sanh khởi ác kiến.
Nếu có thường, vô thường
Tu tập đều vô ích
Để trừ thức phân biệt
Chẳng nói thường, vô thường.
Cho đến có chút lập
Tất cả đều lầm loạn
Nếu thấy duy tự tâm
Tức là không tranh cãi.
Tự tâm vốn xa lìa thường, vô thường, vì tự tâm là tánh Không, Vô tướng, Vô tác. Đây là phương diện Tịch hay là Thể của tự tâm. Nhưng tự tâm thì sống động, chiếu hiện tất cả thường vô thường, tất cả sắc, tướng, hoạt động. Đây là phương diện Chiếu hay là Dụng của tự tâm. Tịch mà vẫn Chiếu, Chiếu mà vẫn Tịch, Không mà vẫn sắc, sắc mà vẫn Không, vô sanh mà vẫn sanh, sanh mà vẫn vô sanh. Chính cái không hai, bất nhị này là cái Thấy đúng, thay vì ác kiến. Sanh tử, thế giới hình tướng là sự chiếu hiện như huyễn của Niết bàn, Niết bàn tịch diệt là bản tánh của sanh tử. Đây là điều Đại thừa nói “sanh tử tức Niết bàn”.
Phân biệt là cái nghiệp tạo nên sanh tử, nên phải “diệt trừ cái biết và lời nói phân biệt, chớ để chút gì còn lại”. Diệt trừ bằng cách thấy duy tự tâm, như huyễn, chẳng thể đắc. Khi bệnh phân biệt đã hết sạch thì tự tâm không còn tranh cãi với huyễn với mộng. Bấy giờ phân biệt là vô phân biệt, thức tức là trí, Biến kế sở chấp không có bốn tướng ngã nhân chúng sanh thọ mạng tức là Viên thành thật.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS