SHARE:
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Như Lai vì sao thọ ký cho các bậc A La Hán đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Tại sao lại nói không chứng pháp Bát Niết bàn mà chúng sanh đắc thành Phật đạo? Lại vì sao nói từ lúc mới thành Phật cho đến lúc nhập Bát Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy Phật không từng nói một chữ? Lại nói Như Lai thường ở trong định, không có giác không có quán?
Lại nói các Phật sự đều là hóa hiện mà làm? Lại nói các thức sát na biến hoại? Lại nói thần Kim Cương thường theo hộ vệ. Lại nói tiền tế chẳng thể biết mà có Bát Niết bàn. Lại nói có ma và nghiệp ma. Lại có dư báo, tức là con gái Bà la môn tên Chiên Giá và con gái ngoại đạo tên Tôn Đà Lợi, việc Phật đi khất thực mà bát không trở về… Thế Tôn đã có nghiệp chướng như vậy, làm sao thành được Nhất thiết chủng trí? Đã thành Nhất thiết chủng trí, tại sao chẳng lìa được những lỗi như vậy?
Phật dạy: Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ! Ta vì Niết bàn vô dư nên bí mật khuyến khích các Bồ tát cõi này và các cõi khác tu hành Bồ tát hạnh vì tâm họ ưa cầu Niết bàn Thanh Văn, khiến họ xả bỏ tâm ấy tiến tu đại hạnh nên nói như vậy. Lại biến ra Hóa Phật và các Hóa Thanh Văn mà thọ ký riêng, đó chẳng phải là Phật pháp tánh. Đại Huệ! Thọ ký cho Thanh Văn là bí mật thuyết. Đại Huệ! Phật cùng Nhị thừa không có khác biệt, vì đoạn hoặc chướng mà cùng một vị giải thoát, chứ chẳng phải trí chướng. Trí chướng thì cần phải thấy pháp vô ngã thì tánh mới thanh tịnh. Phiền não chướng là thấy nhân vô ngã thì xả bỏ ý thức, đó là lúc ban đầu đoạn tập khí trong tạng thức, pháp chướng (hay sở tri chướng) giải thoát mới được vĩnh viễn thanh tịnh.
Niết bàn Thanh Văn là Niết bàn vô dư. Vì muốn các Bồ tát tránh nhập Niết bàn ấy. Đức Phật khuyến khích các Bồ tát tu hành Bồ tát hạnh để đạt đến tự tâm Niết bàn vô trụ xứ. Vì phương tiện để dạy hàng Thanh Văn. Đức Phật dùng Hóa thân Phật chứ không phải là Phật pháp tánh hay Phật pháp thân. Phật pháp tánh thì dạy về pháp tánh hay pháp thân để thành Phật. Pháp tánh hay pháp thân thì luôn luôn Niết bàn, chỗ nào thời nào cũng Niết bàn, cho nên không đợi nhập Bát Niết bàn mới đắc.Trong pháp tánh hay pháp thân này, cũng không có chúng sanh tách biệt với Phật, không có sanh tử tách biệt với Niết bàn.
Phật cùng Nhị thừa không có khác biệt trong sự giải thoát, do đã đoạn phiền não chướng, tức là chấp ngã trong ý thức hay mạt na thức. Nhưng Phật hơn hàng Nhị thừa ở chỗ đoạn hết sở tri chướng hay chấp pháp. Do đó không chỉ gọi là giải thoát mà còn gọi là giác ngộ. Hàng Nhị thừa mới đoạn chấp ngã trong ý thức còn thành Phật thì phải đoạn chấp pháp ở trong A lại da hay tạng thức để trở lại Như Lai tạng bổn nguyên. Chính nhờ trở lại Như Lai tạng bổn nguyên mà Phật có năng lực “biến hóa” như huyễn thành ý sanh thân Hóa thân Phật. Đây là năng lực của Như huyễn tam muội.
Ở phẩm thứ 6, đã hiểu nghĩa sát na tức là hiểu nghĩa Pháp thân, thì đến phẩm Biến hóa này, tức là sự biến hóa từ nền tảng Pháp thân bất sanh bất diệt.
Đại Huệ! Ta y nơi pháp bổn trụ mà nói mật ngữ này, không khác với chư Phật đời trước và đời sau nói, cũng đầy đủ các văn tự như vậy. Đại Huệ! Cái biết chân chánh của Như Lai không có vọng niệm, chẳng đợi suy nghĩ rồi mới nói pháp, vì Như Lai từ lâu đã đoạn bốn loại tập khí, lìa hai loại tử, trừ hai chướng ngại.
Đại Huệ! Ý, ý thức và năm căn thức, bảy thức ấy tập khí làm nhân, ấy là tánh sát na, lìa thiện vô lậu mà cũng chẳng phải pháp lưu chuyển. Đại Huệ! Như Lai tạng là nhân của sanh tử lưu chuyển, của khổ lạc và của Niết bàn, phàm ngu không biết vọng chấp là không.
Đại Huệ! Như Lai biến hóa có lực sĩ Kim Cương thường theo hộ vệ thì chẳng phải Phật chân thật. Như Lai chân thật lìa các căn lượng, Nhị thừa ngoại đạo không thể biết được, trụ trong pháp lạc hiện tại, thành tựu trí nhẫn, không cầu lực sĩ Kim Cương hộ vệ. Tất cả hóa Phật không từ nghiệp sanh, chẳng phải tức là Phật cũng chẳng phải không phải Phật. Thí như thợ gốm hòa hợp các thứ mà làm ra đồ sứ, hóa Phật cũng vậy, đầy đủ các tướng mà diễn nói pháp, nhưng chẳng thể nói cảnh giới thánh trí tự chứng.
Lại nữa, Đại Huệ! Các người phàm ngu thấy sáu thức diệt bèn khởi đoạn kiến, không hiểu tạng thức thì khởi ra thường kiến. Đại Huệ! Bản tế của tự tâm phân biệt là bất khả đắc, lìa phân biệt ấy liền được giải thoát, bốn loại tập khí đoạn, lìa tất cả lỗi.
Cái biết của Như Lai thì không có vọng niệm, không suy nghĩ rồi mới biết. Không có bốn loại tập khí, lìa phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử, lìa hai chướng ngại phiền não và sở tri. Tóm lại đây là sự tịnh hóa rốt ráo mọi lỗi lầm. Cái biết ấy là trí huệ bổn nguyên.
Sát na là do tưởng sai lầm rằng các thức chuyển động mà thật ra chẳng có sự lưu chuyển của thức. Thấy rõ “sát na chẳng phải pháp lưu chuyển”, không có sự lưu chuyển của thức thì cũng không có sự lưu chuyển của sanh tử. Hóa thân Phật là Như huyễn tam muội.
Như Lai biến hóa là Hóa thân Phật trong cõi sanh tử như huyễn, có đi đứng, có thân tướng, cho nên có lực sĩ Kim Cương thường theo hộ vệ, nhưng thật ra Hóa thân Phật sống trong sát na mà chẳng phải sát na. Pháp thân Phật không có hình tướng, ở khắp mọi thời gian không gian thì không cần ai hộ vệ. Hóa thân Phật ở trong cõi sanh tử như huyễn nên cũng như huyễn, có thuyết pháp cũng chưa từng nói một chữ. Hóa thân như huyễn cho nên không có dư báo, không có chuyện ôm bát không trở về.
Điều quan trọng cho người tu hành chúng ta là cần đạt đến tánh như huyễn này, để thấy thân nghiệp báo này là hóa thân như huyễn, và do đó không còn gây nghiệp (hành động), làm mà không làm, nói mà không nói và nghiệp báo còn lại có xảy ra cũng là như huyễn.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:
Tam thừa chẳng phải thừa
Không có Phật Niết bàn
Tất Như Lai thọ ký
Nói lìa các lỗi ác.
Thành tựu trí cứu cánh
Cùng vô dư Niết bàn
Dụ dỗ người khiếp nhược
Y mật ý kia nói.
Trí chư Phật sở đắc
Diễn nói đạo như thế
Chỉ đây, chẳng đâu khác
Nên kia không Niết bàn.
Các kiến dục, sắc, hữu
Bốn loại tập khí ấy
Ý thức từ đó sanh
Tạng, ý cũng ở trong.
Thấy ý thức, nhãn thức…
Vô thường nên nói đoạn
Mê ý, tạng, cho thường
Tà trí gọi Niết bàn.
Vọng tưởng phân biệt diệt là Niết bàn. Niết bàn ấy vốn có, là bản tánh thanh tịnh của Như Lai tạng. Không biết sanh tử chỉ do tập khí lỗi lầm mà có, từ đó cho Niết bàn là đoạn hay là thường đều là mê tâm theo cảnh.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thấy biết lập biết, tức gốc vô minh. Thấy biết không thấy, đó là Niết bàn”. Thấy biết mà lập biết, tức là lập ra phân biệt, đó là gốc vô minh. Thấy biết mà không có cái thấy phân biệt, đây là Niết bàn.
“Chỉ đây, chẳng đâu khác, nên kia không Niết bàn”, đây là Niết bàn duy tâm vô trụ xứ.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS