SHARE:
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con tánh tự giác của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến con và các Đại Bồ tát được thiện xảo trong sự tự ngộ và làm người ngộ.
Phật dạy: Đại Huệ! Như chỗ ông hỏi, ta sẽ nói cho ông.
Đại Huệ: Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác là làm ra hay chẳng làm ra, là quả hay nhân, là tướng hay sở tướng, là thuyết hay sở thuyết, là giác hay sở giác, tất cả những điều như vậy là khác hay chẳng khác?
Phật dạy: Đại Huệ! Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, chẳng phải quả chẳng phải nhân, chẳng phải tướng chẳng phải sở tướng, chẳng phải thuyết chẳng phải sở thuyết, chẳng phải giác chẳng phải sở giác. Vì sao thế? Những điều ấy đều có lỗi vậy.
Đại Huệ! Nếu Như Lai là làm ra tức là vô thường, nếu là vô thường thì tất cả pháp làm ra lẽ ra phải là Như Lai. Ta cùng chư Phật đều không chấp nhận. Nếu chẳng phải là pháp làm ra tức là không có thể tánh, chỗ tu các phương tiện đều không có gì, vô ích, đồng như sừng thỏ, con của gái đá, vì chẳng phải do nhân làm ra mà thành.
Nếu chẳng phải nhân chẳng phải quả tức là chẳng phải có chẳng phải không, nếu chẳng phải có chẳng phải không tức vượt khỏi bốn câu. Nói bốn câu chỉ là thuận theo thế gian mà có lời nói. Nếu vượt khỏi bốn câu mà riêng có lời nói thì giống như con của gái đá. Đại Huệ! Con của gái đá chỉ có trong lời nói chẳng ở trong bốn câu, vì chẳng ở trong bốn câu nên không thể đo lường. Những người có trí nên biết Như Lai có tất cả câu nghĩa như vậy.
Đại Huệ! Như ta đã nói “các pháp vô ngã”, vì trong các pháp không có ngã tánh nên nói vô ngã, chứ chẳng phải không có tự tánh của các pháp. Câu nghĩa của Như Lai nên cũng biết như vậy. Đại Huệ! Thí như trâu không có tánh ngựa, ngựa không có tánh trâu chứ chẳng phải không có tự tánh. Tất cả các pháp lại cũng như vậy, không có tự tướng, nhưng chẳng phải có tức là có, chẳng phải các người ngu có thể biết được. Vì sao không biết? Vì phân biệt vậy. Tất cả pháp Không, tất cả pháp vô sanh, tất cả pháp vô tự tánh, thảy cũng như vậy.
Như Lai hay Phật tánh chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, chẳng phải quả chẳng phải nhân, chẳng phải tướng chẳng phải sở tướng… vì các thứ hai đầu (nhị biên) ấy đều do thức phân biệt hư vọng.
Nói các pháp vô ngã chẳng phải không có tự tánh của các pháp. Các pháp có tự tánh mà ở trên gọi là Pháp tánh, nhưng tự tánh ấy là vô tự tánh, là tánh Không, là tánh vô sanh. Đây là điều ý thức phân biệt của người bình thường không thể biết. Đây là điều hiển nhiên đối với tự giác thánh trí.
Nói theo Kinh Lăng Nghiêm, Như Lai tức là tất cả các pháp, đồng thời chẳng phải tất cả các pháp. Như Lai lìa khỏi bốn câu ‘tức là’ và ‘chẳng phải’.
Đại Huệ! Như Lai và uẩn chẳng khác chẳng không khác. Nếu chẳng khác thì lẽ ra là vô thường, vì năm uẩn là pháp được làm ra. Nếu khác thì như hai sừng trâu có khác và chẳng khác. Cùng giống nhau nên chẳng khác, dài ngắn không như nhau nên có khác. Như sừng phải khác sừng trái, dài ngắn chẳng đồng, sắc tướng mỗi cái khác, nhưng cũng không khác. Như uẩn, giới, xứ…, tất cả pháp cũng như vậy.
Uẩn, giới, xứ cho đến tất cả các pháp và Như Lai, hay Phật tánh, hay Pháp thân, hay Như Lai tạng tánh thì chẳng khác chẳng phải không khác. Chẳng khác vì tất cả các pháp là biểu hiện của Như Lai hay Pháp thân. Chẳng phải không khác vì các pháp thì có sanh diệt mà Như Lai thì không sanh không diệt. Chẳng khác vì cùng một tánh, mà khác vì các pháp thì có tướng, Pháp thân thì vô tướng. Như sóng và đại dương, sóng không khác với đại dương mà cũng khác với đại dương.
Đây là chỗ người xưa nói, “Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân, rỡ rỡ hoa vàng đều là Bát nhã”. Khi thấy mà không có phân biệt, thì cái thấy vô phân biệt ấy hiện tiền, vì cái thấy ấy là nền tảng luôn luôn hiện diện có trước khi có phân biệt, đang có ngay khi phân biệt, và vẫn có khi phân biệt chấm dứt. Cái thấy vô phân biệt ấy là Đại Viên Cảnh Trí, tức Pháp thân, làm nền tảng cho cái thấy bình đẳng, Bình đẳng tánh trí; cho cái thấy những sự xuất hiện như huyễn, là Diệu quan sát trí; cho sự thành tựu những công việc trong thế giới hình tướng như huyễn là Thành sở tác trí.
Đại Huệ! Như Lai là y vào giải thoát mà nói, Như Lai và giải thoát chẳng phải khác chẳng phải không khác. Nếu khác thì Như Lai bèn tương ưng với sắc tướng, tương ưng với sắc tướng tức là vô thường. Nếu không khác thì lẽ ra không thấy có sai biệt nơi những người tu hành, nhưng có sai biệt nên chẳng phải không khác.
Như Lai chẳng phải khác với giải thoát, nếu khác với giải thoát tức là chưa giải thoát, tương ưng với sắc tướng vô thường. Nếu không khác thì giải thoát có những cấp bậc mà cao nhất là sự giải thoát của A La Hán, tương đương với Bồ tát Đệ bát địa, vẫn chưa đồng với giác ngộ của Như Lai.
Chúng ta cần học cái thấy của Như Lai, không còn đặt vấn đề giải thoát hay chẳng giải thoát, vì cái thấy của Như Lai là tất cả đều vốn giải thoát, sanh tử cũng giải thoát mà Niết bàn cũng giải thoát, vì các pháp xưa nay là tánh Không vậy.
Trí và sở tri (cái được biết) cũng như thế, chẳng khác chẳng không khác. Nếu chẳng khác chẳng không khác, tức là chẳng phải thường chẳng phải vô thường, chẳng phải tác chẳng phải sở tác, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, chẳng phải giác chẳng phải sở giác, chẳng phải tướng chẳng phải sở tướng, chẳng phải uẩn chẳng phải khác uẩn, chẳng phải thuyết chẳng phải sở thuyết, chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng phải cùng chung chẳng phải không cùng chung. Vì nghĩa ấy nên vượt khỏi tất cả suy lường. Vượt khỏi tất cả suy lường nên chỉ có trên lời nói, chỉ có trên lời nói nên không có sanh. Vì không có sanh nên không có diệt, không có diệt nên như hư không.
Đại Huệ! Hư không chẳng phải làm ra, chẳng phải được làm ra. Chẳng phải làm ra (nhân) chẳng phải được làm ra (quả) nên xa lìa phan duyên, xa lìa phan duyên nên vượt ngoài tất cả pháp hý luận. Vượt ngoài tất cả các pháp hý luận tức là Như Lai. Như Lai tức là thể Chánh đẳng giác, Chánh đẳng giác vĩnh viễn xa lìa tất cả căn, cảnh giới.
Trí của Phật và cái được biết của trí ấy (Niết bàn, Pháp thân, Phật tánh, Chân Như…) thì chẳng khác chẳng không khác với bất cứ cái gì vì vượt tất cả suy lường, phân biệt, vượt khỏi tất cả động niệm dù chút ít, vì tất cả suy lường phân biệt chỉ có trên lời nói. Và cái chỉ có trên lời nói thì không sanh, vì không sanh nên không diệt, rốt ráo như hư không.
Hư không không thể là chỗ phan duyên của thức phân biệt. Thức phân biệt theo danh tướng chỉ là hý luận. Dừng hý luận, dứt thức phân biệt thì toàn khắp là Như Lai, thể Chánh đẳng giác. Như Lai hay thể Chánh đẳng giác này vĩnh viễn xa lìa tất cả căn và cảnh giới. Cho nên căn và cảnh giới chỉ là những hý luận che khuất Như Lai.
Tu là thấy mọi thứ chỉ là hý luận, như mộng như huyễn và thấy trực tiếp cái không gì có thể phan duyên này là gì.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:
Vượt khỏi các căn lượng
Chẳng quả cũng chẳng nhân
Tướng và sở tướng thảy
Trọn đều lìa như thế.
Uẩn, duyên và Chánh giác
Một khác, chẳng ai thấy
Đã không có người thấy
Làm sao khởi phân biệt?
Chẳng làm, chẳng chẳng làm
Chẳng nhân, chẳng chẳng nhân
Chẳng uẩn, chẳng không uẩn
Cũng không lìa các vật.
Chẳng có một thể pháp
Như kia phân biệt thấy
Nó cũng chẳng phải không
Tánh các pháp như vậy.
Đối với có thành không
Đối không nên thành có
Không đã không thể nắm
Có cũng không thể nói.
Chẳng rõ ngã, vô ngã
Chỉ bám nơi ngữ ngôn
Người kia chìm nhị biên
Tự hoại, hoại thế gian.
Nếu thấy được pháp này
Liền lìa tất cả lỗi
Đó gọi là chánh quán
Chẳng báng Đại đạo sư.
Thế gian sống trong căn và vọng kế suy lường của ý thức, cho nên thấy có sự phân biệt căn bản của kiếp người là không gian và thời gian, là nhân và quả. Vượt khỏi căn và suy lường của ý thức là giải thoát khỏi không gian và thời gian, khỏi nhân và quả, khỏi tướng và sở tướng…
Chánh giác, Như Lai là không có tất cả phân biệt, là tất cả mà chẳng phải tất cả. Đây là pháp “tất cả duy tâm hiện”, “liền lìa tất cả lỗi, đó gọi là chánh quán”.
Trong chánh quán này, thấy “tánh các pháp như vậy”: vì tất cả duy tâm hiện, tất cả pháp đều lìa. Bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu mà thấy tất cả duy tâm hiện, tất cả pháp đều lìa, thì đây là chánh quán, tức là cái thấy của giải thoát.
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Như trong kinh Phật nói sự nhiếp thọ bất sanh bất diệt, nói rằng đây tức là danh hiệu khác của Như Lai. Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con bất sanh bất diệt ấy là vô pháp, vì sao nói là danh hiệu khác của Như Lai? Như Thế Tôn dạy, tất cả các pháp chẳng sanh chẳng diệt, nên biết đó là sa vào kiến hữu vô. Bạch Thế Tôn! Nếu pháp bất sanh tức là chẳng thể giữ, không có chút pháp nào, thì ai là Như Lai? Xin Thế Tôn giảng nói cho con.
Phật dạy: Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ! Ta nói Như Lai chẳng phải là vô pháp, cũng chẳng phải giữ lấy (nhiếp thủ) bất sanh bất diệt, cũng chẳng đợi duyên cũng chẳng phải vô nghĩa. Ta nói vô sanh tức là ý sanh Pháp thân, một tên khác của Như Lai. Tất cả ngoại đạo, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát thất địa chẳng rõ biết nghĩa ấy.
Thí như Đế Thích, đất, hư không cho đến tay chân, tùy mỗi mỗi vật mà có nhiều tên, chẳng phải vì có nhiều tên mà có nhiều thể, cũng chẳng phải vô thể. Đại Huệ! Ta cũng như thế, ở nơi thế giới Ta Bà này có ba a tăng kỳ trăm ngàn danh hiệu, những người phàm tuy nghe tuy nói nhưng chẳng biết đó là tên khác của Như Lai. Trong số đó hoặc có người biết là Như Lai, hoặc biết là Vô sư, hoặc biết là Đạo sư, hoặc bậc Thắng Đạo, hoặc Phổ đạo, hoặc biết là Phật, hoặc Ngưu Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Tỳ Nữu, hoặc Tự Tại, hoặc biết là Thắng Giả, hoặc Ca Tỳ La, hoặc như mặt trăng, hoặc như mặt trời, hoặc Như Vương, hoặc Như Tiên, hoặc Thức Ca, hoặc Nhân Đà La, hoặc như sao sáng, hoặc Đại Lực, hoặc như nước, hoặc Vô Diệt, hoặc Vô Sanh, hoặc Tánh Không, hoặc Chân Như, hoặc biết là Đế, hoặc Thật Tánh, hoặc Thật Tế, hoặc Pháp giới, hoặc Niết bàn, hoặc Thường Trụ, hoặc Bình Đẳng, hoặc Vô Nhị, hoặc Vô Tướng, hoặc Tịch Diệt, hoặc Cụ Tướng, hoặc Nhân Duyên, hoặc Phật tánh, hoặc Giáo Đạo, hoặc Giải Thoát, hoặc Đạo Lộ, hoặc Nhất Thiết Trí, hoặc Tối Thắng, hoặc Ý Thành Thân… thảy những tên như thế, đầy đủ ba a tăng kỳ trăm ngàn danh hiệu, chẳng tăng chẳng giảm.
Trong thế giới này và các thế giới khác, có những người biết ta như trăng trong nước không vào không ra. Chỉ những phàm phu tâm bị chìm trong nhị biên chẳng thể hiểu biết, nhưng cũng đều tôn trọng, thừa sự, cúng dường không khéo hiểu danh tự câu nghĩa, chấp trước lời dạy, mờ tối với cái chân thật, cho vô sanh vô diệt là không có thể tánh, mà không biết đó là danh hiệu khác của Phật, như Nhân đà la, Đế kiệt la…
Như Lai hay Phật tánh, Pháp thân… chẳng phải không có pháp, tức là không hiện hữu, cũng chẳng phải là giữ lấy bất sanh bất diệt, nghĩa là không hoạt động.
Nếu sự hoạt động của các Bồ tát là ý sanh thân, thì hoạt động của Phật là ý sanh Pháp thân, tức là hoạt động của toàn thể Pháp thân, hoạt động mà là vô công dụng hạnh, như huyễn. Sự việc này từ Bồ tát Đệ bát địa mới có thể rõ biết.
Phật ở cõi Ta Bà này có ba vô số trăm ngàn danh hiệu, cũng có nghĩa là có chừng ấy Hóa thân. Vô số Hóa thân ấy như trăng trong nước, vốn không vào không ra, nhưng nơi nào có nước thì nơi đó có trăng hiện. Đây là Như huyễn tam muội của Pháp thân toàn phần. Như Kinh nói, đâu đâu cũng là Pháp thân Phật, đâu đâu cũng là Báo thân Phật, đâu đâu cũng là Hóa thân Phật. Với những Bồ tát ở các địa cao, thì không có mắt tai mũi lưỡi thân ý nào ở ngoài Ba thân Phật, không có sắc thanh hương vị xúc pháp nào không phải là Ba thân Phật.
Vì tin nơi lời dạy, mờ tối với cái chân thật, nơi tất cả pháp như lời nắm nghĩa, các phàm phu kia nói như thế này: nghĩa như lời nói, nghĩa và lời không khác. Vì sao thế? Vì nghĩa không có thật thể. Người ấy không hiểu tự tánh của âm thanh lời nói, cho rằng lời tức là nghĩa, không có thể riêng biệt của nghĩa.
Đại Huệ! Người ấy ngu si, không biết lời nói thì sanh diệt, nghĩa chẳng sanh diệt. Đại Huệ! Tất cả lời nói đều sa vào văn tự, nghĩa thì chẳng sa, vì lìa hữu lìa vô, vô sanh, vô thể vậy. Đại Huệ! Như Lai không nói pháp sa vào văn tự, vì văn tự về hữu hay vô đều chẳng thể đắc, nói gì cũng chẳng rơi vào văn tự.
Lời nói thì sanh diệt, nghĩa chẳng sanh diệt. Với người thường, sống trong sanh diệt, nên lời nói của họ là sanh diệt. Phật thì sống trong nghĩa chẳng sanh diệt, cho nên mượn lời nói sanh diệt để chỉ bày nghĩa chẳng sanh diệt. Do đó mà lời Phật chẳng sa vào văn tự. Như thế lời nói của Phật cũng như nghĩa của Phật, cũng chẳng sanh chẳng diệt, do đó mà nói “bốn mươi chín năm chưa từng nói một chữ”. Một cách chính xác, lời nói của Phật là Hóa thân của Phật.
Đại Huệ! Nếu có người nói pháp mà sa vào văn tự, đó là nói hư dối. Vì sao thế? Vì tự tánh của các pháp lìa văn tự. Thế nên, Đại Huệ, trong kinh ta nói “Ta cùng chư Phật và chư Bồ tát không nói một chữ nào không đáp một chữ nào”. Vì sao như thế? Vì tất cả các pháp lìa văn tự, nhưng chẳng phải ta không theo nghĩa mà phân biệt nói.
Đại Huệ! Nếu không nói thì giáo pháp đoạn dứt, giáo pháp đoạn thì không có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, chư Phật. Nếu tất cả đều không có thì ai nói cho ai? Thế nên, Đại Huệ! Đại Bồ tát không nên dính mắc văn tự, và tùy nghi thuyết pháp.
Tự tánh của các pháp hay nghĩa của các pháp thì chẳng sanh diệt, mà văn tự thì sanh diệt, cho nên sa vào văn tự bèn mất nghĩa. Ở trong nghĩa chẳng sanh diệt, tức Đệ nhất nghĩa bất động, thì có nói pháp cả đời vẫn chưa từng có một chữ.
Với người thường, nói liền mắc vào văn tự, vào sanh diệt. Thế giới sanh tử sở dĩ có là do thức phân biệt và ngôn ngữ văn tự phân biệt. Thấy rõ điều này bèn ở trong đại trí và đại bi. Với người giải thoát, có nói bao nhiêu cũng không mắc vào văn tự, sanh diệt. Không mắc vào văn tự, sanh diệt, đây là sự tu hành lợi mình lợi người, vì tâm không lìa khỏi tự tánh của các pháp, của mình, của người, của thế giới.
Ta cùng chư Phật đều tùy theo phiền não, sự hiểu, và tham muốn thảy thảy chẳng đồng của chúng sanh mà khai diễn cho họ, khiến họ biết các pháp là do tự tâm thấy, không có cảnh giới ở ngoài, xả bỏ hai phân biệt, chuyển hóa tâm, ý, ý thức, chứ chẳng phải để thành lập chỗ thánh trí tự chứng.
Đại Huệ! Đại Bồ tát nên theo nghĩa, chớ mượn văn tự, nương văn tự thì sa vào ác kiến, chấp trước tự tông mà khởi lời nói, chẳng thể khéo biết tất cả pháp tướng văn từ chương cú, đã tự tổn hoại mà cũng hoại người, chẳng thể khiến người tâm được hiểu ngộ.
Nếu có thể khéo biết tướng của tất cả pháp, văn từ cú nghĩa đều thông đạt, thì có thể khiến tự mình thọ cái lạc vô tướng, cũng có thể khiến người an trụ Đại thừa. Nếu có thể khiến người an trụ Đại thừa thì được tất cả chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác và chư Bồ tát nhiếp thọ. Nếu được tất cả chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, và chư Bồ tát nhiếp thọ thì có thể nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Nếu có thể nhiếp thọ tất cả chúng sanh thì có thể nhiếp thọ tất cả chánh pháp. Nếu có thể nhiếp thọ tất cả chánh pháp thì chẳng đoạn hạt giống Phật. Nếu chẳng đoạn hạt giống Phật thì được chỗ thù thắng tịnh diệu.
Đại Huệ! Đại Bồ tát sanh chỗ thù thắng tịnh diệu muốn khiến chúng sanh an trụ Đại thừa, dùng mười lực tự tại hiện các hình tướng, tùy hợp với họ mà nói pháp chân thật. Chân thật pháp là không khác, không biệt, chẳng đến chẳng đi, tất cả hý luận đều diệt dứt.
Biết các pháp là do tự tâm thấy, không có ngoại cảnh, xả bỏ hai phân biệt, khi ấy tâm, ý, ý thức tự chuyển hóa trở lại bản tánh của chúng, hoàn nguyên năng lực hóa hiện như huyễn của chúng bấu lâu bị phân tán tê liệt trong sự chấp thật thế giới sắc tướng. Không phân biệt, chấp trước thì thánh trí tự chứng vốn có sẳn tự nhiên hiện tiền chứ chẳng cần thành lập một tự chứng thánh trí nào cả.
Vướng vào văn tự, chương cú, tướng, các pháp tức là sa vào sanh tử, tâm thức đọng cứng trong đó. Còn khéo biết nghĩa chẳng sanh chẳng diệt mà chúng chỉ bày thì tự mình có thể hưởng thọ cái lạc vô tướng và giúp người khác an trụ Đại thừa. Chỉ cần buông xả sự chấp trước vào danh và tướng của sanh tử thì ngay lúc đó người ta hưởng thọ cái lạc vô tướng và vô danh của sanh tử.
Hưởng thọ được cái lạc vô tướng vô danh của sanh tử, biết được Đại thừa là gì và giúp người khác an trụ Đại thừa, đó là đi con đường Bồ tát và được chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác và chư Bồ tát nhiếp thọ.
Con đường Bồ tát là sự hợp nhất của Không và Lạc.
Thế nên, Đại Huệ! Thiện nam tử, thiện nữ nhân chẳng nên như lời mà chấp trước vào nghĩa. Vì sao thế? Vì pháp chân thật lìa văn tự vậy.
Đại Huệ! Thí như có người dùng ngón tay chỉ vật, đứa bé nhìn thấy ngón tay mà không nhìn thấy vật. Người ngu si cũng như vậy, theo ngón tay ngôn thuyết mà sanh chấp trước, cho đến hết đời cũng không thể xả bỏ được ngón tay văn tự để nắm Đệ nhất nghĩa.
Thí như hài nhi đáng ra ăn đồ ăn chín, có người không hiểu phương pháp nấu chín mà cho ăn đồ sống bèn phát cuồng loạn. Bất sanh bất diệt lại cũng như thế, không có phương tiện tu thì không tốt. Thế nên hãy khéo tu phương tiện, chớ theo lời nói như nhìn đầu ngón tay.
Đại Huệ! Thật nghĩa là vi diệu tịch tĩnh, là nhân Niết bàn. Lời nói thì hợp cùng vọng tưởng khiến chuyển trôi trong sanh tử. Đại Huệ! Thật nghĩa thì từ nghe nhiều mà được, nghe nhiều là khéo nơi nghĩa chẳng phải khéo nơi lời nói. Khéo nơi nghĩa thì chẳng theo tất cả ác kiến ngoại đạo, tự mình không theo cũng khiến người khác không theo. Đó gọi là người nghe nhiều nơi nghĩa. Người muốn cầu nghĩa nên thân cận và nên xa lìa những người trái ngược là chấp trước văn tự.
Những người theo lời nói mà chẳng khéo rõ nghĩa thì “lời nói hợp cùng vọng tưởng khiến chuyển trôi trong sanh tử”. Bởi thế phải khéo tu phương tiện, mà gom lại là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán đồng thời về duy tâm như huyễn. Phương tiện căn bản nữa là một vị thầy chỉ cho chúng ta thế nào là tâm thế nào là huyễn, thế nào là đúng thế nào là sai, cái nào là thật, cái nào là giả, cho đến ngày chúng ta tìm được thật nghĩa bất sanh bất diệt, là vị thầy nội tâm luôn luôn có mặt cùng ta trong mọi hoàn cảnh đời sống.
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ nương oai thần Phật lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Như Lai diễn nói bất sanh bất diệt thì chẳng đặc biệt. Vì sao thế? Tất cả ngoại đạo cũng nói tác giả bất sanh bất diệt, Thế Tôn cũng nói hư không, Niết bàn cùng phi số diệt (phi trạch diệt) bất sanh bất diệt. Ngoại đạo cũng nói tác giả làm nhân duyên sanh ra thế gian, Thế Tôn cũng nói vô minh ái nghiệp sanh ra các thế gian. Cả hai đều nói nhân duyên, chỉ có danh tự là khác. Nhân duyên của các vật ở ngoài cũng lại như vậy. Thế nên Phật nói và ngoại đạo nói không có khác biệt. Ngoại đạo nói rằng vi trần, Thắng diệu, Tự tại, Sanh chủ… chín thứ như vậy là bất sanh bất diệt. Thế Tôn cũng nói tất cả các pháp bất sanh bất diệt, hoặc hữu hoặc vô đều chẳng thể đắc. Bạch Thế Tôn! Các đại chủng bất hoại vì tự tướng của chúng bất sanh bất diệt, đi khắp các nẻo mà chẳng bỏ tự tánh. Thế Tôn nói tuy có đổi khác một ít, nhưng tất cả không gì chẳng phải là ngoại đạo đã nói, thế nên Phật pháp đồng với ngoại đạo. Nếu có chẳng đồng, xin Phật diễn giảng, có chỗ nào vượt thắng trong lời Phật nói? Nếu không có sai khác thì ngoại đạo tức là Phật bởi vì họ cũng nói bất sanh bất diệt vậy. Thế Tôn thường nói trong một thế giới không có nhiều Phật, nhưng theo lời nói ở đây thì phải có.
Đâu là sự khác biệt trong bất sanh bất diệt của ngoại đạo và Phật. Ngài Đại Huệ nêu lên bốn vấn đề. Thứ nhất, tác giả, đấng sáng tạo của ngoại đạo thì bất sanh bất diệt như Phật nói về Niết bàn. Thứ hai nhân duyên sanh ra thế giới, cũng giống nhau. Thứ ba, ngoại đạo nói chín thứ sanh ra thế giới là bất sanh bất diệt, Phật cũng nói các pháp là bất sanh bất diệt. Thứ tư, ngoại đạo nói tự tánh của bốn đại thì bất sanh bất diệt, Phật cũng nói bốn đại biến khắp mà chẳng làm ngại nhau.
Ngài Đại Huệ càng hỏi chúng ta càng thấy rõ ý chỉ duy tâm tạo của Kinh.
Phật dạy: Đại Huệ! Chỗ ta nói bất sanh bất diệt thì chẳng đồng bất sanh bất diệt của ngoại đạo, đó là luận bất sanh vô thường. Vì sao thế? Chỗ nói của ngoại đạo là có thật tánh tướng bất sanh bất biến. Ta chẳng sa vào hữu vô như vậy. Pháp ta nói chẳng hữu chẳng vô, lìa sanh lìa diệt.
Sao là chẳng phải vô? Vì thấy thảy thảy sắc như huyễn mộng. Sao là chẳng phải hữu? Vì tự tánh của sắc tướng chẳng phải là có, vì thấy mà chẳng thấy, vì nắm giữ mà chẳng nắm giữ. Thế nên ta nói tất cả các pháp chẳng phải hữu chẳng phải vô.
Nếu biết duy chỉ là tự tâm thấy, tức thì trụ nơi tự tánh, phân biệt không sanh, những tạo tác thế gian đều vĩnh viễn dừng dứt. Phân biệt chỉ là sự việc của phàm phu, chẳng phải của hiền thánh. Đại Huệ! Cảnh giới cho vọng tâm phân biệt thì không thật, như thành Càn thát bà, người huyễn được tạo ra trong đó. Đại Huệ! Thí như trẻ nhỏ thấy thành Càn thát bà và người huyễn buôn bán vào ra trong đó, tất cả đều do tâm phân biệt mà nói có sự ấy thật, cái thấy của người ngu là sanh và chẳng sanh, hữu vi vô vi cũng lại như thế. Như người huyễn sanh, như người huyễn diệt, người huyễn kỳ thật bất sanh bất diệt. Các pháp cũng như vậy, vốn lìa sanh diệt.
Bất sanh bất diệt của ngoại đạo là bất sanh nhưng vô thường vì y cứ trên thức phân biệt và tướng, cả hai đều sa vào hữu vô nên vô thường. Sở dĩ nói ngoại đạo quan niệm bất sanh vô thường vì cái sanh ra các pháp là Tác giả thì bất sanh bất diệt, nhưng các pháp thì có sanh diệt. Như vậy là một nửa thì bất sanh bất diệt và một nửa thì sanh diệt.
Bất sanh bất diệt của Phật chẳng phải là không có: có nhưng như huyễn như mộng. Chẳng phải là có, vì tất cả pháp đều là tánh Không, vô tự tánh, không thể nắm giữ.
Bất sanh bất diệt Đức Phật nói là xưa chưa từng sanh nay cũng không từng diệt, nghĩa là thức và tướng xưa chưa từng sanh nay cũng không từng diệt, như huyễn như mộng. Tánh bất sanh bất diệt mà tướng cũng bất sanh bất diệt, cái bất sanh bất diệt này là trọn vẹn chứ không một nửa như ngoại đạo. Với ngoại đạo, thiên đường thì bất sanh bất diệt còn thế gian thì sanh diệt. Với đạo Phật, Niết bàn là bất sanh bất diệt mà sanh tử cũng bất sanh bất diệt, vì như huyễn như mộng.
Thấy sắc, thấy tướng đó chỉ là tự tâm thấy, tức thì trụ nơi tự tánh, phân biệt không sanh, tướng thế gian vĩnh viễn dừng dứt, đây là an trụ chân tâm, có chỗ nào mà không có chân tâm này, thế giới chúng sanh đều như huyễn mộng, như thành Càn thát bà có người huyễn vào ra. Cứ mở mắt mà nhìn thành phố này, người qua kẻ lại xe cộ ngược xuôi, nhà cao nhà thấp… thấy nó là thành Càn thát bà, người huyễn qua lại, bèn tức thời giải thoát, trụ nơi tự tánh vốn có xưa nay.
Lúc này mới hiểu “thấy mà chẳng thấy, nắm mà chẳng nắm” là gì, “thành Càn thát bà và người huyễn ra vào kỳ thật bất sanh bất diệt” là gì. Lúc này mới cười được như cái cười của Đức Phật ở đầu kinh.
Đại Huệ! Phàm phu hư vọng khởi kiến sanh diệt, thánh nhân thì chẳng vậy. Nói hư vọng là chẳng như pháp tánh, khởi kiến điên đảo. Kiến điên đảo là chấp pháp có tánh, chẳng thấy tịch diệt. Vì không thấy tịch diệt nên không thể xa lìa phân biệt hư vọng.
Thế nên, Đại Huệ! Cái thấy vô tướng là thù thắng, chẳng phải cái thấy tướng. Tướng là nhân của sanh, nếu không có tướng ắt không có phân biệt, bất sanh bất diệt tức là Niết bàn. Đại Huệ! Nói Niết bàn tức là thấy chỗ như thật, lìa bỏ tâm, tâm sở phân biệt được thánh trí nội chứng của Như Lai. Ta nói đây là Niết bàn tịch tịnh.
Kiến điên đảo là thấy các pháp có tánh chứ không phải là vô tánh tịch diệt. Kiến điên đảo đưa đến cái thấy sanh diệt, cái thấy phân biệt hư vọng này là sanh tử. Kiến không điên đảo là thấy các pháp không có tánh, vô tánh, tịch diệt. Kiến không điên đảo này đưa đến cái thấy bất sanh bất diệt, cái thấy không phân biệt vô tướng này là Niết bàn.
Tướng là nhân của sanh, có sanh là có sanh tử. Không có tướng thì không có sanh, không có sanh tử, đây là Niết bàn vốn sẳn. Không có tướng là do thấy tánh của các pháp là tịch diệt, cho nên không có phân biệt thành tâm, tâm sở, đây là Niết bàn vô tướng xưa nay vốn tịch tịnh.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:
Để trừ chấp có sanh
Thành lập nghĩa vô sanh
Ta nói vô nhân luận
Người ngu không thể hiểu.
Tất cả pháp vô sanh
Cũng chẳng phải không (có) pháp.
Như thành Càn, huyễn mộng
Tuy có mà không nhân.
Không, vô sanh, vô tánh
Vì sao ta nói thế?
Lìa các duyên hòa hợp
Trí huệ chẳng thể thấy.
Vì thế nên ta nói
Không, vô sanh, vô tánh;
Thảy thảy duyên hòa hợp
Tuy hiện mà chẳng có.
Phân tích: không (có) hòa hợp
Chẳng như ngoại đạo thấy
Như mộng và tóc rũ
Bóng ngựa và thành Càn
Không nhân mà vọng hiện
Thế sự đều như thế.
Chiết phục luận có nhân
Bày ý chỉ vô sanh
Nghĩa vô sanh nếu còn
Pháp nhãn hằng bất hoại.
Thế gian chấp có sanh nên có sanh tử. Đức Phật tuyên bố nghĩa vô sanh để phá tan sanh tử hư vọng. Vô sanh vì không có nhân, không có căn cứ, nền tảng, cho nên cái thấy có sanh tử là như thấy thành Càn thát bà, như thấy huyễn, như thấy mộng. Vô sanh nhưng chẳng phải là không có pháp. Có các pháp nhưng các pháp ấy như huyễn như mộng. Không có pháp là sa vào Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ một bề tịch diệt, không chứng được vừa tịch diệt vừa chiếu soi, “tất cả pháp vô sanh, cũng chẳng phải không pháp”.
Đạo Phật là Không, vô sanh, vô tánh. Sở dĩ như thế bởi vì các duyên hòa hợp, nhưng thật ra là Không, vô sanh, vô tánh, nên tuy hiện mà chẳng có, như huyễn. Phân tích đến cùng các duyên hòa hợp thì thấy là không có sự hòa hợp nào cả, tức là Không, vô sanh, vô tánh. Không có nhân mà vọng hiện nên là như mộng, như tóc rũ, như bụi trên đồng trống mà tưởng là bóng ngựa.
Thế sự sanh tử là không nhân mà vọng hiện, vọng hiện nên như huyễn, đây là cái thấy vô tướng, cái thấy hết vô minh, giải thoát. Pháp nhãn này vẫn hằng chẳng hoại như vậy, chỉ cần tìn, thấy và hộ trì cái thấy ấy thì vẫn hằng ở trong giải thoát.
Ta nói luận vô nhân
Ngoại đạo đều kinh sợ
Do đâu, nhân là đâu?
Lại vì đâu có sanh?
Hòa hợp ở chỗ nào?
Mà lập vô nhân luận?
Quán sát pháp hữu vi
Chẳng nhân, chẳng vô nhân.
Luận sanh diệt của kia
Chỗ thấy theo diệt ấy
Vì không (có) nên chẳng sanh?
Vì đợi nơi các duyên?
Vì có tên, không (có) nghĩa
Xin vì con tuyên nói.
Chẳng (phải) vô pháp (là) bất sanh
Cũng chẳng vì đợi duyên
Chẳng (phải) có vật (nên) có danh
Cũng chẳng (phải) danh vô nghĩa.
Tất cả các ngoại đạo
Thanh Văn và Duyên Giác
Chẳng phải chỗ Thập Trụ
Đây là tướng vô sanh.
Xa lìa các nhân duyên
Không có người năng tác
Chỉ duy tâm kiến lập
Ta nói là vô sanh.
Các pháp chẳng nhân sanh
Chẳng vô cũng chẳng hữu
Lìa năng sở phân biệt
Ta nói là vô sanh.
Duy tâm, không chỗ thấy
Cũng lìa khỏi hai tánh
Như vậy chuyển sở y
Ta nói là vô sanh.
Ngoại vật có chẳng có
Tâm không có chỗ nắm
Tất cả kiến đều đoạn
Đó là tướng vô sanh.
Vô sanh vì không có nhân để sanh ra, vô nhân. Ngoại đạo thì có nhân sanh, cho nên có quả diệt. Luận sanh diệt như vậy là do thấy có tướng, mà “tướng là nhân của sanh”.
Chẳng phải không có pháp là bất sanh, cũng chẳng phải đợi có duyên rồi mới sanh, cái bất sanh này chẳng phải là một thực thể tĩnh lặng và sẽ dần dần sanh theo thời gian. Về mặt danh tự, chẳng phải có vật nên có danh, cũng chẳng phải là danh vô nghĩa, không chỉ cái gì cả. Tóm lại thấy có sanh đó nhưng như huyễn như mộng nên vẫn là bất sanh, luôn luôn là bất sanh như vậy trong tất cả mọi thời gian không gian. Danh vẫn có nhưng chẳng phải để chỉ vật thật, cũng chẳng phải là vô nghĩa vì không có gì. Danh để chỉ cái như huyễn như mộng, cái sanh mà bất sanh, cái biến đổi mà bất biến đổi. Vì “chỉ duy tâm kiến lập, ta nói là vô sanh”.
Cái duy tâm sở hiện nên có mà không có, sanh mà chẳng sanh mà ngoại đạo, Nhị thừa, Bồ tát Thập Trụ chưa thể rõ. Sở dĩ như vậy vì mọi lập luận, thực hành của những vị này vẫn nằm trong hai tánh Biến kế sở chấp và Y tha khởi hay Duyên khởi. Chuyển được sở y là Biến kế và Y tha bằng quán “duy tâm không chỗ thấy” bèn lìa phân biệt năng sở, tất cả kiến đều đoạn, bèn vào cái chân thật vô sanh vốn luôn luôn có đó nhưng bị che khuất bởi Biến kế và Y tha.
Các câu Không, vô tánh
Nghĩa ấy đều như vậy
Chẳng vì không (có) nói Không
Vô sanh nên nói Không.
Nhân duyên cùng hội tụ
Thế nên có sanh diệt
Nhân duyên mà phân tán
Sanh diệt tất không có.
Nếu lìa các nhân duyên
Ắt trọn không có pháp
Tánh một cùng tánh khác
Do phàm ngu phân biệt.
Pháp hữu vô chẳng sanh
Cùng, chẳng cùng cũng vậy
Chỉ trừ các duyên hợp
Trong ấy thấy khởi diệt.
Chẳng phải vì không có mà nói Không. Vì vô sanh cho nên nói là Không.
Nhân duyên là căn bản của thân tâm, con người, thế giới, đây là Y tha khởi. Trên nền tảng duyên sanh Y tha khởi này, người đời phân biệt (Biến kế sở chấp) mà thành ra sanh diệt, đến đi, tăng giảm, còn mất… của sanh tử.
Cũng nền tảng duyên sanh này người tu hành thấy là vô sanh, do đó mà giải thoát. Cái thấy như thật vô sanh này là Viên thành thật tánh. Cái thấy Viên thành thật tánh này chẳng phải được tạo ra, tu tập, nó đã có sẳn từ vô thủy đến nay. Chẳng qua là bị che khuất bởi hai tánh vọng tưởng là Biến kế và Y tha khởi mà không thấy. Như không phải hoa đốm diệt mà có hư không.
Cho nên tu là dẹp hết các vọng tưởng: “tất cả pháp vô sanh”.
Theo tục giả ngôn thuyết
Vòng nhân duyên nối nhau
Nếu lìa vòng nhân duyên
Nghĩa sanh chẳng thể đắc.
Ta nói chỉ vòng khoen
Vô sanh nên chẳng sanh
Lìa các lỗi ngoại đạo
Phàm ngu chẳng thể hiểu.
Nếu lìa vòng nhân duyên
Mà riêng có pháp sanh
Đó là luận vô nhân
Phá hoại nghĩa duyên sanh.
Như đèn chiếu sáng vật
Vòng khoen hiện như vậy
Đó là lìa vòng khoen
Mà riêng có các pháp.
Vô sanh tức vô tánh
Thể tướng như hư không
Lìa duyên sanh cầu pháp
Lìa người ngu phân biệt.
Lại còn có vô sanh
Chỗ đắc pháp của thánh
Kia sanh tức vô sanh
Đó là vô sanh nhẫn.
Thế gian này là vòng xích nhân duyên nối nhau, vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc… Vòng duyên sanh ấy cũng là vòng nhân quả, nghiệp báo. Vòng duyên sanh này nằm trong phạm vi Y tha khởi. Cần biết rằng tánh Không không bác bỏ nhân quả của vòng duyên sanh. Tánh Không chứa nhân quả và duyên sanh, nhưng trong đó ai thấy được tánh Không là thực tướng của vòng duyên sanh thì giải thoát, chứ không phạm gì đến nhân quả duyên sanh vốn là hoạt động của tục đế hay là chân lý quy ước và tương đối.
Tu hành là chặt đứt vòng xích duyên sanh nối nhau ấy. Ở trong kinh này sự chặt đứt đặt vào thức. Một khoen xích thức đứt thì cả vòng 12 duyên sanh đứt.
Sanh diệt, sanh tử là vòng 12 duyên sanh này: “nếu lìa vòng nhân duyên, nghĩa sanh chẳng thể đắc”. Chỉ bằng cái thấy vượt khỏi sự phân biệt của thức hư vọng, người ta thấy thật tướng của vòng duyên sanh là “vô sanh nên chẳng sanh”. Tại sao là vô sanh? Vì vô tánh, vô tự tánh nên vô sanh. Tại sao là vô tự tánh? Vì chỉ là sự chiếu hiện của tâm, vì chỉ là sự phân biệt hư vọng của thức, thế nên như huyễn như mộng.
Cũng vòng khoen nhân duyên này mà thấy có tự tánh, thấy là thật, bèn có các pháp, các vật, có sanh tử. Người bình thường thì chỉ thấy có các pháp, các vật, có sanh tử mà không thấy nền tảng của chúng là duyên sanh. Bậc Thanh Văn, Duyên Giác thấy sâu hơn, sanh tử này chỉ là duyên sanh, nhưng vẫn cho duyên sanh là thật, sanh tử là thật, do đó ra khỏi sanh tử, chặt đứt duyên sanh, chẳng liên hệ gì đến chúng sanh đang khổ đau.
Bồ tát thì thấy thật tướng của duyên sanh là vô tánh, vô sanh, như huyễn vì là sản phẩm của thức phân biệt hư vọng. Biết là huyễn cho nên không còn bị ảnh hưởng của sanh tử mà giải thoát. Sự giải thoát này không lìa bỏ sanh tử và chúng sanh mà lìa bỏ cái thấy cho sanh tử và chúng sanh là có thật, và do đó mà có thể độ chúng sanh như huyễn. Thế nên Như huyễn tam muội là mạng sống và sức mạnh của Bồ tát.
Chỗ đắc của Bồ tát là vô sanh nhẫn: kia sanh tức vô sanh. Sanh tử, chúng sanh sanh mà thật là vô sanh, vì chỉ là thức biến. Sống được cái vô sanh nhẫn ‘đang sanh tức vô sanh’ này trong mỗi phút mỗi giây là cuộc đời Bồ tát, sống trong cái lạc vô tướng mà độ thoát chúng sanh.
Tất cả các thế gian
Không gì chẳng vòng xích
Nếu biết được như vậy
Người ấy tâm đắc định.
Vô minh cùng ái nghiệp
Đó là vòng xích trong
Hạt giống, bùn, bánh xe…
Là vòng xích bên ngoài.
Nếu nói có pháp khác
Do từ nhân duyên sanh
Mà lìa nghĩa vòng xích
Đó chẳng phải giáo lý.
Pháp sanh nếu không có
Cái gì làm nhân duyên
Lần lượt mà sanh nhau
Đó là nghĩa nhân duyên.
Tính cứng, ướt, nóng, động
Do người ngu phân biệt
Chỉ là duyên, không (có) pháp
Nên nói vô tự tánh.
Như thầy thuốc trị bệnh
Lý luận không sai khác
Nhưng vì bệnh chẳng đồng
Phương thuốc sai khác nhau.
Ta vì các chúng sanh
Hoại diệt bệnh phiền não
Biết căn cơ mạnh yếu
Diễn nói các pháp môn.
Chẳng vì phiền (não), căn khác
Mà có thảy thảy pháp
Duy chỉ một Đại thừa
Bát chánh đạo trong mát.
Tất cả các thế gian đều là vòng xích nhân duyên sanh. Không ai, kể cả bậc thánh đều sống trong đó, nhưng do cái thấy về vòng xích nhân duyên ấy mà có giải thoát, và giải thoát cao hay thấp. Tánh Không và duy tâm không phải bác bỏ bừa nhân quả, nhưng người ta thoát khỏi nhân quả bằng cách thấy tánh Không hay cái thấy duy tâm như huyễn. Nghĩa là người ta vượt khỏi nhân quả bằng trí huệ thấy nhân quả là tánh Không hay như huyễn.
Người đời thì bị trói trong vòng nhân duyên sanh kiềm tỏa ấy vì phân biệt hư vọng mà vọng thấy nhân duyên sanh là vật, là tướng tạo thành sanh tử. Bậc thánh Nhị thừa thì thấy duyên sanh nhưng duyên sanh này chỉ đưa đến khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, cho nên lìa bỏ để giải thoát, đến quả A La Hán, tương đương về mặt tánh Không với Bồ tát địa thứ bảy, thứ tám, và nhập Niết bàn.
Bậc Bồ tát thì thấy sâu hơn, duyên sanh tức chẳng sanh, cho nên Niết bàn của Bồ tát là vô trụ xứ Niết bàn. Cùng với bổn nguyện đại bi, Bồ tát thấy sanh tử và Niết bàn đều như huyễn vì do tâm tạo, cho nên ở nơi vô trụ xứ Niết bàn, sanh tử Niết bàn bình đẳng như mộng như huyễn mà độ chúng sanh. Đây là Đại thừa, đi hết mười địa để thành Phật.
Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Tất cả ngoại đạo vọng nói vô thường, Thế Tôn cũng nói “các hành vô thường, là pháp sanh diệt”. Con chưa biết nói như vậy là tà hay là chánh? Nói vô thường lại có mấy thứ?
Phật dạy: Đại Huệ! Ngoại đạo nói có bảy thứ vô thường, chẳng phải pháp của ta. Bảy thứ là gì? Đó là: 1 – Có người nói trước khởi rồi xả bỏ gọi là vô thường, vì sanh rồi chẳng sanh là tánh vô thường. 2 – Có người nói hình xứ biến hoại gọi là vô thường. 3 – Có người nói sắc là vô thường. 4 – Có người nói sự biến đổi của sắc là vô thường. Tất cả các pháp tương tục chẳng dứt, khiến cho biến đổi tự nhiên về diệt, giống như trước là sữa, sau đó biến thành váng sữa, tuy chẳng thể thấy nhưng ở trong pháp hủy hoại tất cả pháp. 5 – Có người nói vật là vô thường. 6 – Có người nói vật và không có vật là vô thường. 7 – Có người nói chẳng sanh là vô thường, ở khắp trong tất cả các pháp.
Trong số đó, vật và không có vật là vô thường, nghĩa là tướng năng tạo sở tạo đều hoại diệt, còn tự tánh của đại chủng thì bản lai không có khởi. Chẳng sanh là vô thường nghĩa là các pháp thường, vô thường, hữu, vô, tất cả đều không có khởi, cho đến phân tích thành vi trần cũng không thấy gì. Vì chẳng khởi nên nói là vô sanh, đó là tướng chẳng sanh vô thường.
Nếu chẳng hiểu điều ấy tức sa vào nghĩa ‘sanh vô thường’ của ngoại đạo. Có vật vô thường là ở chỗ chẳng phải thường chẳng phải vô thường mà tự sanh phân biệt. Nghĩa ấy thế nào? Người ấy lập ra một cái vô thường, tự nó không hoại diệt nhưng có thể hoại diệt các pháp. Nếu không có cái vô thường hoại diệt tất cả pháp thì rốt rồi pháp chẳng diệt, thành ra như không có, như gậy, búa có thể phá hoại vật mà không tự hoại.
Đại Huệ! Hiện thấy vô thường cùng cả thảy pháp, không có năng tác sở tác sai biệt thì sao nói cái này là vô thường, cái kia chịu vô thường vì không có gì sai biệt. Năng tác sở tác đáng ra đều thường, vì chẳng thấy có nhân nào làm cho các pháp thành không có. Đại Huệ! Các pháp hoại diệt thật cũng có nhân, chỉ vì chẳng phải phàm ngu hiểu được.
Đại Huệ! Nhân khác không thể sanh ra quả khác, nếu có thể sanh thì tất cả các pháp khác đều sanh lẫn nhau, pháp kia pháp này năng sanh sở sanh đáng lẽ không có khác biệt. Hiện thấy có khác biệt, làm sao nhân khác sanh ra quả khác? Đại Huệ! Nếu có một pháp là tánh vô thường thì cũng đồng với cái được làm ra, thì bản thân nó cũng vô thường. Vì bản thân nó vô thường cho nên các pháp vô thường cũng đều là thường. Đại Huệ! Nếu tánh vô thường ở trong các pháp, thì đáng lẽ cùng các pháp sa vào ba thời, cùng với sắc quá khứ đồng thời đã diệt, cùng với sắc vị lai chẳng sanh, cùng với sắc hiện tại mà hoại.
Tất cả ngoại đạo cho rằng thể tánh bốn đại chủng là chẳng hoại, tức là đại chủng khác với sắc do đại chủng tạo, vì lìa khác và chẳng khác, tự tánh của nó cũng chẳng hoại diệt. Đại Huệ! Những cái năng tạo sở tạo trong ba cõi, cái gì cũng là tướng sanh trụ diệt, sao lại có riêng tánh vô thường có thể sanh ra vật mà chẳng hoại ư?
Nói rằng trước tạo rồi xả bỏ là vô thường thì chẳng phải đại chủng tạo ra nhau, vì mỗi cái khác nhau, chẳng phải tự tướng tạo, vì không có cái khác với nó, cũng chẳng phải cùng tạo vì trái lìa nhau. Nên biết chẳng phải vô thường trước tạo.
Vô thường hình trạng hoại, đó chẳng phải là năng tạo và sở tạo hoại, chỉ hình trạng hoại. Nghĩa ấy thế nào? Là phân tích sắc cho đến vi trần, chỉ diệt hình trạng dài ngắn… thấy được, chứ không thể diệt cái thể năng tạo sở tạo của sắc. Cái kiến này sa vào Số luận.
Sắc là vô thường nghĩa là hình trạng là vô thường chứ chẳng phải tánh đại chủng. Nếu tánh đại chủng cũng vô thường tức là không có thế sự. Không có thế sự thì phải biết là sa vào kiến chấp của Thế luận, vì thấy tất cả pháp tự tướng sanh tử chỉ có trên ngôn thuyết.
Vô thường chuyển biến là sắc biến đổi chứ chẳng phải đại chủng biến đổi. Thí như lấy vàng làm đồ trang sức, đồ trang sức có biến đổi mà vàng không đổi.
Đại Huệ! Thảy thảy ngoại đạo như vậy hư vọng phân biệt mà thành các kiến vô thường. Họ nói rằng lửa không thể đốt cháy các tự tướng của lửa, mỗi cái chỉ phân tán; nếu có thể thiêu cháy thì năng tạo sở tạo đều đoạn diệt.
Ngoại đạo là các triết gia của các học phái Ấn Độ thời xưa. Nhưng những kiến chấp ấy vẫn còn trong triết học và khoa học ngày nay vì không thể vượt khỏi tâm, ý, ý thức thì mọi kiến giải đều nằm trong giới hạn con người, nghĩa là trong bốn câu hý luận. Chung quy cũng chỉ vì lý luận theo tự tướng cọng tướng, đặt cơ sở lý luận trên tướng mà tướng thì không thật, như huyễn như mộng vì do thức tạo.
Những sự bác bỏ ở trên không phải chỉ để phủ nhận suông các kiến ngoại đạo, mà suy nghĩ kỹ sẽ đưa chúng ta đến tánh Không của đạo Phật.
Đại Huệ! Ta nói các pháp chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Vì sao thế? Vì chẳng nắm giữ ngoại pháp, vì ba cõi duy tâm, vì chẳng nói các tướng, vì các đại chủng thảy thảy sai khác đều chẳng sanh chẳng diệt. Vì chẳng phải năng tạo sở tạo, vì tất cả thể tánh của hai thứ năng thủ sở thủ đều theo phân biệt mà khởi, vì như thật mà biết tánh của hai thủ, vì rõ thông duy chỉ là tự tâm hiện, vì lìa hai thứ kiến hữu vô ở bên ngoài, vì lìa kiến hữu vô tức là chẳng phân biệt năng tạo sở tạo vậy.
Đại Huệ! Các pháp thế gian, xuất thế gian, xuất thế gian thượng thượng, duy chỉ là tự tâm, chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Không thể rõ thông như vậy bèn sa vào ác kiến nhị biên của ngoại đạo.
Đại Huệ! Tất cả ngoại đạo chẳng thể hiểu rõ ba pháp ấy, y vào tự phân biệt mà khởi ngôn thuyết chấp trước tánh vô thường. Đại Huệ! Cảnh giới ba pháp ấy và ngôn ngữ phân biệt của chúng thì các người ngu chẳng thể biết được.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:
Trước tạo rồi xả bỏ
Hình trạng có chuyển biến
Sắc vật thảy vô thường
Ngoại đạo vọng phân biệt.
Các pháp không hoại diệt
Tánh các đại thường trụ
Thảy thảy kiến ngoại đạo
Như vậy nói vô thường.
Các chúng ngoại đạo kia
Đều nói ‘chẳng sanh diệt
Các đại tự tánh thường’
Cái gì pháp vô thường?
Năng thủ cùng sở thủ
Tất cả chỉ là tâm
Hai thứ theo tâm hiện
Không có ngã, ngã sở
Các pháp Phạm Thiên thảy
Ta nói chỉ là tâm
Nếu mà lìa khỏi tâm
Tất cả chẳng thể đắc.
Tất cả duy tâm hiện, chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Không có đại nào, pháp nào, Phạm Thiên, Đế Thích nào có thể ra ngoài tâm, ra ngoài sự chiếu hiện của tâm.
Duy tâm là gom tất cả mọi cái thấy được, nghe được, ngửi được… về tâm. Tâm bao trùm tất cả, và tất cả có hiện là hiện trong tâm. Phát minh được tâm và sự chiếu hiện của nó là con đường giải thoát và giác ngộ.
Hãy quán sát xem có cái gì không phải là tâm? Và vì tâm là tánh Không vô tự tánh nên các pháp là bất khả đắc, như huyễn.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS