Phẩm Thứ Ba: VÔ THƯỜNG – Phần 1

SHARE:

Phẩm Thứ Ba

VÔ THƯỜNG

Phần 1

Bấy giờ Phật bảo Đại Bồ tát Đại Huệ rằng: Nay sẽ nói cho ông tướng sai khác của thân do ý thành (ý sanh thân, ý thành thân). Hãy nghe kỹ! Hãy nghe kỹ! Khéo suy nghĩ đó!

Đại Huệ bạch: Thưa vâng.

Phật dạy: Đại Huệ! Ý thành thân có ba thứ. Sao là ba thứ? Đó là nhập tam muội lạc ý thành thân, Giác pháp tự tánh ý thành thân, Chủng loại câu sanh vô tác hành ý thành thân. Các người tu hành nhập sơ địa rồi lần lượt chứng đắc.

Nhập tam muội lạc ý thành thân là địa thứ ba, thứ tư, thứ năm, nhập vào tam muội, lìa hết thảy tâm, tịch nhiên bất động, biển tâm chẳng khởi sóng chuyển thức, rõ cảnh là do tâm hiện đều không chỗ có.

Giác pháp tự tánh ý thành thân là trong địa thứ tám rõ các pháp như huyễn, đều không có tướng, tâm chuyển sở y, trụ định như huyễn và các tam muội khác, có thể hiện vô lượng thần thông tự tại, như hoa nở bày, nhanh chóng như ý, như huyễn như mộng, như bóng như hình, chẳng phải bốn đại tạo mà tương tự bốn đại, tất cả sắc tướng đầy đủ trang nghiêm, vào khắp các cõi Phật, rõ tánh các pháp.

Chủng loại câu sanh vô tác hành ý sanh thân là rõ thông tướng pháp tự chứng của chư Phật.

Đại Huệ! Ba thứ thân tướng ấy phải chuyên cần quán sát.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Đại thừa ta phi thừa

Phi thanh cũng phi chữ

Phi đế, phi giải thoát

Cũng phi cảnh vô tướng.

Nhưng nơi Đại thừa này

Tam ma đề tự tại

Thảy thảy ý thành thân

Trang nghiêm hoa tự tại.

Chúng ta cần để ý những câu hỏi của Bồ tát Đại Huệ càng lúc càng sâu hơn, càng vi tế hơn, đụng chạm đến phần gốc rễ của sanh tử, đó là khối chủng tử tập khí vô minh sống trong tạng thức mà có giết, có phá hòa hợp, có ôm lòng ác làm chảy máu thì mới tịnh hóa được

Nhập tam muội lạc ý thành thân là vào được Pháp thân ở địa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Pháp thân này chính là chân tâm thường trụ bất động, “biển tâm chẳng khởi sóng làm chuyển thức, rõ cảnh là do tâm hiện đều không chỗ có”. Nhờ quán huyễn, tức là năng lực của tâm bất động thanh tịnh này mà có ý sanh thân.

Giác pháp tự tánh ý thành thân là ở địa thứ tám, Bất động địa, rõ các pháp như huyễn, thật sự thấu rõ Không, Vô tướng, Vô nguyện, đây là tự tánh của các pháp. Cùng với sự thấu rõ tánh Không như huyễn, có sự chuyển y ở Tạng thức, chuyển thức thành trí khiến Tạng thức hoàn nguyên năng lực. Thức chấp sự vật là có thật chuyển thành trí thấy tất cả là như huyễn. Năng lực của trí như huyễn là năng lực tạo ra ý sanh thân, là sự hóa hiện các thứ thân tùy theo ý.

Tóm lại, các thứ ý thành thân là đều do chứng được như huyễn, chuyển thức thành trí, mà có năng lực của Như huyễn tam muội. Khi ý không còn bị phân tán, hư hao do phân biệt, bấy giờ ý hoàn nguyên sức mạnh, là một phần của Chân tâm Pháp thân và có công dụng là thân do ý sanh, do ý thành. Thân do ý sanh này là Báo thân và Hóa thân, tức là Sắc thân so với Pháp thân, của một vị Bồ tát trong Thập địa.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói có năm nghiệp vô gián. Sao là năm thứ? Nếu người làm rồi thì đọa vào ngục A Tỳ?

Phật dạy! Hãy nghe kỹ! Sẽ nói cho ông.

Đại Huệ nói: Thưa vâng.

Phật bảo Đại Huệ: Năm vô gián là giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, ôm lòng ác nghịch làm thân Phật ra máu. Đại Huệ! Sao là mẹ chúng sanh? Đó là ái, tham vui dẫn đến thọ sanh, như mẹ nuôi dưỡng. Sao là cha? Đó là vô minh khiến sanh vào xóm làng sáu xứ. Đoạn dứt hai căn bản này gọi là giết cha mẹ. Sao là giết A La Hán? Đó là các tùy miên kẻ thù, như độc của chuột phát ra, rốt ráo đoạn chúng gọi là giết A La Hán. Sao là phá hòa hợp Tăng? Đó là các tướng khác nhau của các uẩn tích tụ, rốt ráo đoạn trừ gọi là phá hòa hợp Tăng. Sao là ác tâm làm thân Phật ra máu? Đó là tám thức nơi thân vọng sanh suy nghĩ hiểu biết, thấy tự tướng cọng tướng ở ngoài tự tâm, dùng tâm ác ba vô lậu giải thoát, rốt ráo đoạn dứt tám thức nơi thân Phật, gọi là lấy ác tâm làm thân Phật ra máu.

Đại Huệ! Đó là năm vô gián ở trong, nếu có người làm bèn đắc hiện chứng thật pháp vô gián.

 

Ở đây Kinh nói năm vô gián ở trong cho những người tu hành biết mà làm để có được sự giải thoát không gián đoạn (vô gián).

Giết cha vô minh, giết mẹ tham dục khiến không còn sự nuôi dưỡng bằng vô minh tham dục để khỏi phải sanh trong sanh tử. Đoạn trừ các tập khí ngũ ngầm (tùy miên) là những kẻ thù, phá sự hòa hợp hư giả của các uẩn, tịnh hóa tám thức vọng sanh các tướng như huyễn, đây là công việc của người tu hành phải làm. Giải trừ sanh tử bằng ‘tất cả do tâm mà hiện’, nên như huyễn, các tướng hòa hợp tan rã đến đâu thì thân Phật, tức Pháp thân, hiện ra đến đó.

Thân Phật hay Pháp thân này là thật pháp vô gián. Thay vì sự không gián đoạn của sanh tử thì đây là sự vô gián của Niết bàn. Tất cả đều do sự tịnh hóa thức ở nơi tâm này bằng cách quán như huyễn. “Biển tâm chẳng khởi sóng thức chuyển”, thì đây là thân Phật, là Pháp thân thanh tịnh vô gián.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Nay nói cho ông năm vô gián bên ngoài, khiến ông và các Bồ tát khác nghe nghĩa này rồi trong đời vị lai chẳng sanh nghi hoặc. Sao gọi là năm vô gián bên ngoài? Đó là vô gián nói trong các kinh giáo khác, nếu có tác giả thì không thể hiện chứng ba giải thoát. Chỉ trừ Như Lai, các Đại Bồ tát và các Đại Thanh Văn, thấy có người tạo nghiệp vô gián, vì muốn khuyến phát khiến họ sửa đổi lỗi mà dùng lực thần thông chỉ ra các việc đồng như vậy, họ liền hối trừ mà chứng giải thoát. Đấy đều là hóa hiện, chẳng phải thật tạo.

Nếu có người thật tạo nghiệp vô gián thì hết đời nơi hiện thân này cũng không được giải thoát. Chỉ trừ biết được thân, tài sản, chỗ ở đều là tự tâm hiện, lìa kiến chấp phân biệt ngã, ngã sở, hoặc ở đời sau thọ sanh chỗ khác, gặp thiện tri thức, lìa lỗi lầm phân biệt, mới chứng giải thoát.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kê:

Tham ái gọi là mẹ

Vô minh tức là cha

Biết rõ được cảnh giới

Đó tức gọi là Phật.

Tùy miên là La Hán

Uẩn tụ, hòa hợp Tăng

Đoạn chúng không ngừng nghỉ

Gọi là nghiệp vô gián.

 

Vô gián bên ngoài được nói trong các kinh giáo khác, đó là sự tương tục cho là thật có. Nếu cho người làm, tác giả, là thật có thì không thể hiện chứng ba giải thoát là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Các bậc giác ngộ hóa hiện ra các việc đồng như vậy để chỉ cho thấy chúng như huyễn như mộng mà được giải thoát.

Làm sao đoạn trừ được vô gián bên ngoài? Đó là tất cả cái bên ngoài đều là tự tâm hiện, lìa mọi phân biệt ta, người, chúng sanh, thế giới. Mở mắt ra mà thấy tất cả tướng bên ngoài đều chỉ là tự tâm hiện, như huyễn như mộng, ngay khi ấy là sự vô gián của tâm thanh tịnh hay Pháp thân.

Hiện chứng trước mắt không có chút pháp nào, không có chút ngã nào, đó là hiện chứng giải thoát, Pháp thân. Đây là cái hiện chứng ban đầu của Sơ địa. Rồi tiếp tục giết sạch, phá sạch không gián đoạn các tập khí phân biệt để lên các địa mà viên thành Phật đạo.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con thể tính của chư Phật.

Phật dạy: Đại Huệ! Biết rõ hai vô ngã, trừ hai thứ chướng, lìa hai thứ tử (phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử), đoạn hai phiền não, đây gọi là thể tánh Phật. Đại Huệ! Thanh Văn, Duyên Giác đắc các pháp ấy rồi cũng gọi là Phật. Ta vì nghĩa ấy nên chỉ nói một thừa.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Khéo biết hai vô ngã

Trừ hai chướng, hai não

Và tử chẳng nghĩ bàn

Nên gọi là Như Lai.

 

Lìa và đoạn các thứ nhiễm ô ấy, thì đây là thể tánh Phật chưa từng bị nhiễm ô. Cái thể tánh Phật một thừa này ai cũng có, cho nên chúng sanh, Nhị thừa, Bồ tát thừa nếu sạch các che chướng thì gọi là Phật.

Nhưng làm thế nào để lìa, để đoạn? Thấy biết cả thảy mọi chướng ngại ấy là duy tự tâm hiện, như huyễn như mộng, đi sâu đến gốc rễ tập khí lỗi lầm, đây là quá trình tịnh hóa. Tịnh hóa này được đặt trên nền tảng thể tính của chư Phật, vốn không có hai thứ ngã, hai thứ chướng… như ánh sáng căn bản vốn không có vật gì. Thế nên không theo vật mà quán chúng như huyễn bèn trở lại ánh sáng căn bản.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn: Như Lai vì mật ý gì mà nói lên giữa đại chúng những lời này: Ta là tất cả chư Phật quá khứ. Lại nói trăm ngàn sự sanh của mình: Ta vào thời ấy là vua Đảnh Sanh, làm voi lớn, làm chim anh vũ, làm Nguyệt Quang, Diệu Nhãn….

Phật dạy: Đại Huệ! Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác y vào ý bí mật bốn bình đẳng mà giữa đại chúng nói lời như vầy: Ta thời xưa là Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp.

Sao gọi là bốn? Đó là: chữ (tự) bình đẳng, ngữ bình đẳng, thân bình đẳng, pháp bình đẳng. Sao gọi là chữ bình đẳng? Đó là ta có tên là Phật, tất cả Như Lai cũng có tên là Phật. Tên Phật không khác, đó là chữ bình đẳng.

Sao là ngữ bình đẳng? Đó là ta nói sáu mươi bốn thứ phạm âm, tất cả Như Lai cũng nói như vậy. Tánh phạm âm như Ca Lăng Tần Già, không tăng không giảm, không có sai biệt, gọi là ngữ bình đẳng.

Sao là thân bình đẳng? Đó là ta và chư Phật pháp thân, sắc tướng cùng các tướng tốt tướng phụ không có sai khác, ngoại trừ để điều phục thảy thảy chúng sanh mà hiện thân tùy loài, đó là thân bình đẳng.

Sao là pháp bình đẳng? Đó là ta và chư Phật đều đồng chứng đắc pháp ba mươi bảy Bồ đề phần, đó là pháp bình đẳng. Thế nên Như Lai, Ứng, Chánh đẳng Giác ở giữa đại chúng nói lời như vậy.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Ca Diếp, Câu Lưu Tôn

Câu Na Hàm là ta

Y nơi bốn bình đẳng

Nói cho các Phật tử.

 

Khi đắc hoàn toàn Pháp thân bèn là tất cả chư Phật quá khứ vị lai, vì tất cả đồng một Pháp thân. Trong pháp thân có tất cả những đời khi còn làm Bồ tát, nói ra vì tất cả các cuộc đời đó đã trở thành một vị pháp thân.

Bốn bình đẳng là sự bình đẳng của Pháp thân: tên gọi đồng, lời nói đồng, pháp thân và báo, hóa thân đồng, pháp được chứng đắc đồng. Pháp được chứng đắc là ba mươi bảy Bồ đề phân, gồm tất cả Phật pháp. Trong kinh này tất cả Phật pháp ấy được thực hành trên nền tảng duy tâm.

Pháp thân Phật tánh khi được chứng đắc rốt ráo thì đồng một tánh, đồng những tướng được biểu lộ. Như đại dương đồng từ thủy đến chung, đồng trong mọi chỗ, đồng trong những biểu lộ thành sóng.

Một chữ “đồng” này mà tham thiền cho thấu thì sẽ biết Đại Lạc là gì.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói, ta từ đêm thành Tối Chánh Giác, cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng giữa ấy không nói một chữ, cũng không đã nói cũng không sẽ nói, không nói là Phật nói. Thế Tôn y vào mật ý gì mà nói lời ấy?

Phật nói: Đại Huệ! Y vào hai mật pháp mà nói lời ấy. Sao là hai pháp? Đó là: tự chứng pháp và bản trụ pháp. Sao là tự chứng pháp? Đó là pháp chư Phật chứng ta cũng đồng chứng, không tăng không giảm. Chỗ hành của chứng trí, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng phân biệt, lìa tướng danh tự.

Sao là bản trụ pháp? Đó là bản tánh pháp như vàng trong mỏ, dù Phật ra đời hay không ra đời, pháp trụ pháp vị, pháp tánh pháp giới đều trọn vẹn thường trụ.

Đại Huệ! Thí như có người đi trong đồng trống, thấy có con đường cũ dẫn đến một thành cổ, liền đi theo vào đó nghỉ ngơi du hý. Đại Huệ! Ý của ông thế nào? Người kia có làm ra con đường ấy và mọi thứ vật trong thành không?

Bạch rằng: Thưa không.

Phật dạy: Đại Huệ! Ta cùng chư Phật chứng Chân Như, pháp tánh thường trụ thì cũng như vậy. Cho nên nói từ khi thành Phật cho đến Niết bàn, trong khoảng giữa ấy không nói một chữ, cũng không đã nói cũng không sẽ nói.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Từ đêm thành Chánh Giác

Đến đêm Bát Niết bàn

Giữa hai thời điểm ấy

Ta đều không nói gì.

Pháp tự chứng, bản trụ

Nên nói mật nghĩa này

Ta cùng chư Như Lai

Không có chút sai khác.

 

Tại sao trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật không nói một lời nào? Vì pháp tự chứng thì đồng với chư Phật, đây là pháp bản trụ có sẳn, pháp tánh thường trụ, không tăng không giảm, không sanh không diệt, không dơ không sạch, lìa tướng phân biệt, lìa ngôn thuyết. Pháp tánh xưa nay vốn như vậy, dù Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không, pháp tánh pháp giới đều trọn vẹn thường trụ.

Tâm thì sẳn đủ thường trụ xưa nay. Nó không là gì cả nên không thể nói, nó là tất cả trọn vẹn nên không có khe hở nào để ngôn ngữ, hành động (nghiệp), niệm sanh hay niệm diệt nào lọt vào. Bản trụ pháp hay pháp tánh của tâm thì luôn luôn hiện tiền bất cứ không gian nào, thời gian nào. Chỉ cần lìa tướng, thấy tướng là như huyễn thì liền hiển hiện.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, xin nói cho con tướng hữu vô của tất cả pháp, khiến con và các Đại Bồ tát lìa tướng ấy, sớm đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ Bạch: Thưa vâng.

Phật dạy: Đại Huệ! Chúng sanh thế gian đa số sa vào hai kiến là kiến hữu, kiến vô. Sa vào hai kiến cho nên chẳng phải ra khỏi mà tưởng là ra khỏi.

Sao là cái thấy có? Là cho rằng thật có nhân duyên mà sanh ra các pháp chứ chẳng phải không thật có, thật có các pháp từ nhân duyên sanh chứ chẳng phải không có pháp nào sanh.

Đại Huệ! Nói như thế tức là nói không có nhân.

Sao là cái thấy không? Là cho rằng tham sân si đã thọ nhận mà vọng kế nói là không. Đại Huệ! Và có những người phân biệt rằng có tướng mà chẳng nhận các pháp là có. Lại có những người cho rằng chư Như Lai, Thanh Văn, Duyên Giác không có tham sân si nên vọng kế rằng không có chư vị. Trong đó ai là người hoại diệt?

Đại Huệ bạch Phật: Người thấy tham sân si là có nhưng sau đó cho là không là người phá hoại.

Phật bảo: Tốt thay! Ông hiểu câu hỏi của ta. Người ấy phá hoại không chỉ vì cho rằng không có tham sân si, mà còn phá hoại Như Lai, Thanh Văn, Duyên Giác. Vì sao thế? Vì phiền não ở trong và ở ngoài đều chẳng thể đắc, thể tánh của nó chẳng phải khác chẳng phải không khác. Đại Huệ! Tánh tham sân si ở trong hay ở ngoài đều chẳng thể đắc, vì không có thể tánh vậy, vì không thể nắm vậy. Thanh Văn, Duyên Giác cho đến Như Lai bản tánh vốn giải thoát, không có cái trói buộc và cái làm nhân cho sự trói buộc. Đại Huệ! Nếu có cái trói buộc và cái làm nhân cho sự trói buộc, nói như vậy gọi là kẻ phá hoại.

Đó là tướng hữu và tướng vô. Ta y vào ý mật nghĩa ấy mà nói: Dù khởi ngã kiến lớn như núi Tu Di chứ đừng khởi không kiến, ôm giữ tăng thượng mạn. Khởi kiến chấp không ấy gọi là người phá hoại, và sa vào cái thấy tự tướng cọng tướng, vui ham trong đó mà không rõ các pháp duy tâm mà hiện. Vì không rõ cho nên thấy có ngoại pháp, sát na vô thường chuyển tiếp sai khác, tướng uẩn giới xứ tương tục chuyển dời, khởi rồi lại diệt. Hư vọng phân biệt như vậy, lìa tướng văn tự (của Kinh) cũng thành kẻ phá hoại.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Hữu vô là hai biên

Cho đến tâm hành chuyển

Tịnh trừ hành chuyển ấy

Tâm bình đẳng tịch diệt.

Chẳng nắm giữ cảnh giới

Chẳng diệt, không chỗ có

Có Chân Như diệu vật

Như chỗ hành các thánh.

Vốn không mà có sanh

Sanh rồi bèn lại diệt

Nhân duyên có và không

Kia chẳng trụ Pháp ta.

Chẳng (phải) ngoại đạo, chẳng (phải) Phật

Chẳng ta, chẳng chúng khác

Sao lấy duyên thành có

Mà lại nói được không?

Ác kiến nói có sanh

Vọng tưởng chấp có, không

Nếu biết không gì sanh

Cũng lại không gì diệt

Thấy đời đều không tịch

Cả hữu vô đều lìa.

 

Thấy có hay chấp có thật có nhân duyên và từ nhân duyên có thật đó sanh ra các pháp có thật. Đây là chấp hữu, thấy các pháp là có thật, trong khi thực tại là vô sanh, không từng có pháp nào sanh ra cả.

Thấy không hay chấp không là thấy các sự vật có tự tánh, do đó bị nhiễm ô thành tham sân si… nhưng lại cho ngang rằng chúng là không. Thấy có tướng, bị nhiễm ô bởi tướng rồi giải tan tướng ấy không phải bằng tánh Không mà nhận ẩu chúng là không, đây là bác bỏ nhân quả, lỗi lầm đoạn diệt này sẽ khiến sa đọa vì bác bỏ nhân quả của sanh tử và bác bỏ luôn Niết bàn vốn giải thoát nhân quả.

Cả hai cái chấp có, chấp không đều sai lầm. Chúng đều bắt đầu từ sự phân biệt một cách vô thức_đây là vô minh cùng sanh từ lúc mới ra đời_khiến thấy có tướng, tích tập tướng mà thành sanh tử. Chấp có là tiếp tục con đường tích tập tướng. Chấp không là vẫn tiếp tục con đường thấy tướng và tích tập tướng nhưng tự hại mình bằng cách phủ nhận.

Để thoát khỏi hai con đường hai biên này, phải rõ các pháp duy tâm mà hiện, như huyễn như mộng nên không rơi vào có cũng không rơi vào không. Quán huyễn là phải đi sâu vào tận tạng thức, để biết “tánh tham sân si ở trong hay ở ngoài đều chẳng thể đắc, vì không có thể tánh vậy”. Phải “tịnh trừ tâm hành chuyển”, nghĩa là làm việc ở tạng thức, với tập khí lỗi lầm của nó.

Nếu biết không gì sanh

Cũng lại không gì diệt

Thấy đời đều không tịch

Cả hữu vô đều lìa.

Hãy tham thiền về câu kệ này để dừng mê lầm vi tế mà giải thoát.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại thỉnh bạch Phật. Bạch Thế Tôn! Xin nói cho tướng các tông thú, khiến con và các Đại Bồ tát khéo thông đạt nghĩa ấy, không theo những lối hiểu sai lầm hư vọng, sớm đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật nói: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ bạch: Thưa vâng.

Phật dạy: Đại Huệ! Tất cả Nhị thừa và các Bồ tát có hai thứ tướng tông pháp. Hai thứ là gì? Đó là tướng tông thú pháp và tướng ngôn thuyết pháp. Tướng tông thú pháp là tướng tự sở chứng thù thắng, lìa văn tự ngữ ngôn phân biệt, vào vô lậu giới, thành tựu các hạnh của các địa, vượt khỏi tất cả tư duy hiểu biết bất chánh, hàng phục ma, ngoại đạo, sanh ánh sáng trí huệ. Đó gọi là tướng tông thú pháp.

Tướng ngôn thuyết pháp là nói chín bộ các thứ giáo pháp, lìa khỏi các tướng một khác, hữu vô… dùng phương tiện thiện xảo tùy tâm chúng sanh khiến vào pháp này, gọi là tướng ngôn thuyết pháp. Ông và các Đại Bồ tát phải chuyên cần tu học.

Bấy giờ Thế Tôn lại thuyết bài kệ:

Tông thú cùng ngôn thuyết

Tự chứng và giáo pháp

Nếu hay khéo thấy biết

Chẳng theo kia vọng hiểu.

Chỗ người ngu phân biệt

Chẳng phải tướng chân thật

Kia há chẳng cầu độ?

Không pháp gì thể đắc.

Quán sát các hữu vi

Sanh diệt thảy tương tục

Nuôi lớn thêm hai kiến

Điên đảo không biết gì.

Niết bàn lìa tâm ý

Chỉ một pháp này thật

Thấy đời đều hư vọng

Như huyễn mộng, cây chuối.

Không có tham sân si

Lại cũng không có người

Theo ái sanh các uẩn

Như điều thấy trong mộng.

 

Tông thú là chứng được tự tâm vốn thanh tịnh, rồi theo đó dùng ngôn thuyết, lời nói giảng nói cho người vào pháp tự tâm. Một cái là ở tự tâm, một cái biểu hiện nơi lời nói độ cho người.

“Sanh ánh sáng trí huệ”, vì trí huệ ở đây là trí huệ bổn nguyên tức Như Lai tạng, nên ánh sáng là ánh sáng căn bản, ánh sáng bổn nguyên. Tu hành là quán các pháp như huyễn để hiển lộ ánh sáng bổn nguyên này. Cần biết rằng cái quán chiếu nhỏ bé của chúng ta đều phát sanh từ ánh sáng bổn nguyên vốn tự soi chiếu này.

“Vào vô lậu giới”, cuộc sống hàng ngày đi đứng nằm ngồi, ăn uống nói năng, làm việc nghỉ ngơi đều ở trong vô lậu giới, trong ánh sáng bổn nguyên, nghĩa là trong pháp tánh thường trụ, trong duy tâm vô sanh. Phải tham thiền khẩn thiết, miên mật để vào được vô lậu giới mà giải thoát.

Không pháp gì để đắc, vì tất cả là ánh sáng bổn nguyên. Mọi cái thấy thế gian, mình người đều như huyễn như mộng mà độ người, người huyễn làm việc huyễn, đây là Như huyễn tam muội trong ánh sáng bổn nguyên.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con tướng phân biệt hư vọng. Phân biệt hư vọng này làm sao mà sanh? Do đâu mà sanh? Nhân gì mà sanh? Do ai mà sanh? Vì sao gọi là phân biệt hư vọng?

Phật bảo: Hay thay! Hay thay! Ông vì thương xót thế gian trời người mà hỏi nghĩa này để lợi ích cho nhiều người, để an lạc cho nhiều người. Hãy nghe kỹ! Hãy nghe kỹ! Hãy khéo suy nghĩ! Sẽ nói cho ông.

Đại Huệ bạch: Thưa vâng.

Phật dạy: Tất cả chúng sanh nơi thảy thảy cảnh, không thể rõ thông tự tâm hiện, suy tính năng thủ sở thủ, hư vọng chấp trước, khởi các phân biệt sa vào cái thấy hữu vô, tăng trưởng tập khí hư vọng của ngoại đạo. Khi tâm và tâm sở tương ưng khởi lên, bèn chấp nghĩa các thứ ở ngoài có thể đắc, suy tính chấp trước ngã và sở ngã, thế nên gọi là phân biệt hư vọng.

Đại Huệ bạch rằng: Nếu là như thế, tánh cả thảy thứ nghĩa bên ngoài lìa hữu vô mà khởi các tướng thấy. Bạch Thế Tôn! Đệ nhất nghĩa đế cũng lại như vậy, lìa các căn lượng tông, nhân, thí dụ. Bạch Thế Tôn! Vì sao với cả thảy thứ nghĩa nói khởi phân biệt, còn trong đệ nhất nghĩa không nói là khởi? Phải chăng lời Thế Tôn có trái lý, vì một chỗ nói khởi, một chỗ nói chẳng khởi.

Bạch Thế Tôn! Lại nói phân biệt hư vọng sa vào hai kiến hữu vô, thí như huyễn sự thảy thảy chẳng thật, phân biệt cũng thế, lìa tướng hữu vô. Vì sao lại nói sa vào hai kiến? Nói như thế há chẳng sa vào kiến thế gian sao?

Phật dạy: Đại Huệ! Phân biệt không sanh không diệt. Vì sao thế? Vì chẳng khởi tướng phân biệt hữu vô, vì các pháp thấy được ở bên ngoài đều không có, vì rõ duy tự tâm mà có hiện. Chỉ vì người ngu phân biệt tự tâm thảy thảy các pháp, bám trước thảy thảy các tướng mà nói như vậy. Khiến họ biết những cái được thấy đều là tự tâm, đoạn dứt tất cả kiến chấp ngã, ngã sở, lìa các ác nhân duyên năng tác sở tác, rõ biết duy tâm, chuyển ý thành lạc, khéo rõ các địa, vào cảnh giới Phật, xả bỏ các kiến phân biệt về năm pháp, ba tự tánh.

Thế nên ta nói hư vọng là phân biệt chấp trước thảy thảy tự tâm sở hiện mà các cảnh giới sanh. Biết rõ như thật tức được giải thoát.

 

Người tu hành phải thực hành từ những điều tưởng như nhỏ nhặt: đã nhận biết năng thủ sở thủ chưa? Đã thấy ngay “khi tâm và tâm sở tương ưng khởi lên” chưa? Đã quán sát được “tâm hành chuyển” chưa?… Chúng là những hiện tướng bên ngoài mà không thấy được thì không thể quán “duy tự tâm hiện nên như huyễn” ở cấp độ sâu, ở tận gốc rễ của tập khí vô minh phân biệt được.

Cảnh chính là tự tâm hiện, như những màu sắc của viên ngọc ma ni chính là viên ngọc. Thấy cảnh tức là thấy tâm, và tâm đó là tánh Không, vô sở hữu, bất khả đắc, vô sanh. Thế nên cảnh bản chất là vô sanh, dường như có sanh mà thật là vô sanh. Như thế tâm cảnh đều vốn là giải thoát. Như huyễn chính là giải thoát vì lìa khỏi tâm, ý, ý thức.

Người bình thường không rõ biết là duy tự tâm hiện, suy tính phân biệt làm năng, chủ thể, và sở, đối tượng. Từ đó phân biệt lớn dần, rộng khắp mà thành ra sanh tử. Cái biết có một chủ thể, một trung tâm, thì cái biết tức trí huệ bổn nguyên ấy bị giới hạn vào một điểm. Cái biết có đối tượng thì bị giới hạn bó hẹp vào đối tượng ấy, có chủ thể, có đối tượng, trí bèn chuyển thành thức, phân mảnh thành thức. Không có chủ thể, không có đối tượng, thì rõ ràng trước mắt cái biết bổn nguyên, trí huệ bổn nguyên. Có thể nói khi ấy thức gồm lại thành trí, toàn thức là trí.

Phân biệt giống như sự huyễn, lìa tướng hữu vô, Bồ tát Đại Huệ nói thế. Đức Phật đẩy lên thêm nữa, thật tướng của “phân biệt là không sanh không diệt”. Tâm không sanh không diệt, cảnh là sự biểu lộ của tâm không sanh không diệt, và phân biệt, dù có hay không cũng không sanh không diệt. Như thế tất cả chỉ thuần là Nhất Tâm, không sanh không diệt. Trong đó, năm pháp, ba tự tánh cũng là dư thừa, vô ích.

“Chuyển ý thành lạc”, chuyển thức thành trí, chuyển sanh tử thành Niết bàn, đây là Đại Lạc. Tánh Không luôn luôn đi cùng Đại Lạc.

 

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Các nhân cùng với duyên

Theo đó sanh thế gian

Tương ưng với bốn câu

Chẳng biết pháp của ta.

Thế (gian) chẳng (phải) hữu vô sanh

Chẳng chung chẳng không chung

Vì sao các người ngu

Phân biệt nhân duyên khởi?

Chẳng hữu cũng chẳng vô

Cũng lại chẳng hữu vô

Quán thế gian như vậy

Tâm chuyển, chứng vô ngã.

Tất cả pháp chẳng sanh

Vì từ duyên sanh vậy

Tạo tác của các duyên

Pháp được tạo chẳng sanh.

Quả chẳng tự sanh quả

Có hai quả là lầm

Vì không có hai quả

Tánh hữu chẳng khá được.

Quán các pháp hữu vi

Lìa năng duyên sở duyên

Quyết định chỉ là tâm

Nên ta nói tâm lượng.

Chỗ tự tánh của lượng

Lìa cả hai duyên, pháp

Tánh diệu tịnh rốt ráo

Ta gọi là tâm lượng.

Cái ngã giả danh đặt

Mà thật chẳng thể đắc

Các uẩn chỉ giả danh

Cũng là sự không thật.

Có bốn thứ bình đẳng

Tướng, nhân và được sanh

Vô ngã là thứ tư

Người tu hành quán sát.

Lìa tất cả các kiến

Cùng năng sở phân biệt

Vô đắc cũng vô sanh

Ta nói là tâm lượng.

Chẳng hữu cũng chẳng vô

Hữu vô đều lìa dứt

Tâm xa lìa cũng lìa

Ta nói là tâm lượng.

Chân Như, Không, Thật Tế

Niết bàn và pháp giới

Thảy thảy thân ý sanh

Ta nói là tâm lượng.

Vọng tưởng tập khí buộc

Thảy thảy từ tâm sanh

Chúng sanh thấy là ngoài

Ta nói là tâm lượng.

Vật thấy ngoài không có

Chỉ tâm thảy thảy hiện

Thân, tài sản, chỗ ở

Ta nói là tâm lượng.

 

Tất cả pháp, dù trong dù ngoài, đều từ các nhân và các duyên mà sanh. Vì nhân duyên sanh cho nên vô tự tánh, tức là tánh Không. Vô tự tánh nên thật ra chẳng sanh.

Tất cả pháp chẳng sanh

Vì từ duyên sanh vậy

Tạo tác của các duyên

Pháp được tạo chẳng sanh.

Quán sát như vậy thì sẽ thấy biết trực tiếp tánh Không, và với kinh Lăng Già, tánh Không ấy được quy về tâm: duy tâm nghĩa là duy Tâm Không. Tâm Không này là nền tảng của sanh tử hư vọng và Niết bàn thật tế, của chúng sanh và các bậc giác ngộ. Tâm Không này được Đức Phật nói là tâm lượng, tức là “Như Lai tạng tâm”.

Tâm lượng này vốn thanh tịnh, vì “lìa cả hai duyên, pháp”. Quán sát được thân tâm, các uẩn, chúng sanh, thế giới là hư vọng, như huyễn, vì do phân biệt tự tâm hiện, bèn an trụ trong tâm lượng vốn hiện diện thanh tịnh suốt ba thời quá khứ hiện tại vị lai.

Trong giây phút này mà “lìa tất cả các kiến, cùng năng sở phân biệt, vô đắc cũng vô sanh, ta nói là tâm lượng”, bèn thấy xưa nay mình vẫn ở trong tâm lượng làm nền tảng cho mọi xuất hiện như huyễn này.

Ngay cả vọng tưởng tập khí trói buộc cũng từ nền tảng tâm lượng vô trụ này mà sanh, khi chứng ngộ được điều đó thì vọng tưởng cũng là giải thoát, như tất cả vật tốt xấu, hoàn hảo hay hư vọng, làm từ căn bản, nền tảng là vàng, thì đều là vàng.

Khi ấy đời sống hàng ngày, thế giới, chúng sanh, mọi âm thanh sắc tướng đều là Chân Như, Không, Thật Tế. Tất cả là tâm không có chút khe hở nào cho phân biệt:

Vật thấy ngoài không có

Chỉ tâm thảy thảy hiện

Thân, tài sản, chỗ ở

Ta nói là tâm lượng.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Lai nói rằng: Như ta đã nói, ông và các Bồ tát chẳng nên y vào lời mà nắm nghĩa. Bạch Thế Tôn! Tại sao chẳng nên y nơi lời mà nắm nghĩa? Sao là lời? Sao là nghĩa?

Phật bảo: Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ thưa: Dạ vâng.

Phật dạy: Đại Huệ! Lời là lấy tập khí phân biệt làm nhân, nương cổ họng, lưỡi môi, hàm, má mà phát ra đủ thứ âm thanh lời nói chữ viết, đàm luận với nhau.

Sao là nghĩa? Đại Bồ tát ở một mình nơi chỗ yên tĩnh, lấy huệ văn, tư, tu suy nghĩ quán sát, hướng đến Niết bàn, cảnh giới của tự trí, chuyển hóa các tập khí, hành thảy thảy hành tướng của các địa, đó gọi là nghĩa.

Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ tát khéo nơi lời, nghĩa, biết lời và nghĩa chẳng phải một chẳng phải khác, nghĩa và lời cũng lại như thế. Nếu nghĩa khác lời, thì đáng lẽ chẳng nhân lời mà hiển được nghĩa, nhưng nhân lời mà thấy nghĩa, như đèn chiếu sáng vật. Đại Huệ! Thí như có người cầm ngọn đèn chiếu sáng vật, biết vật ấy như vậy, ở chỗ như vậy. Đại Bồ tát cũng lại như thế, nhân lời nói mà chứng nhập cảnh giới tự chứng lìa lời nói. Lại nữa, Đại Huệ! Nếu có người y nơi lời mà nắm nghĩa bất sanh bất diệt tự tánh Niết bàn, tam thừa, nhất thừa, năm pháp, tám thức, ba tự tánh… bèn sa vào kiến chấp kiến lập và phỉ báng, lấy sự khác với cái kia khởi ra phân biệt, như thấy sự huyễn suy tính cho là thật. Đó là cái thấy của người ngu, chẳng phải của hiền thánh.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Nếu theo lời nắm nghĩa

Kiến lập ra các pháp

Vì những kiến lập ấy

Chết sa vào địa ngục.

Trong uẩn không có ngã

Chẳng phải uẩn là ngã

Chẳng phân biệt như kia

Lại chẳng phải không có.

Chỗ phân biệt người ngu

Tất cả đều có tánh

Nếu thấy sai lầm ấy

Là thấy được chân thật.

Tất cả pháp nhiễm tịnh

Đều không có thể tánh

Không như chỗ thấy kia

Cũng chẳng không chỗ có.

 

Nghĩa là do văn, tư, tu lời, suy nghĩ quán sát mà phát ánh sáng trí huệ, như ngọn đèn soi chiếu thấy nền tảng của các địa mà tiến lên. Nghĩa là “thật tướng của tất cả các pháp”. Nghĩa là “bất sanh bất diệt tự tánh Niết bàn”.

“Chuyển hóa các tập khí” là “lấy huệ văn tư tu suy nghĩ quán sát” để chuyển hóa năng lực nhiễm ô thành năng lực thanh tịnh của Như Lai tạng.

Nếu theo lời mà không thấy nghĩa bèn lạc vào chỗ kiến lập ra các pháp, tức là lạc vào các tướng của sanh tử, và tiếp tục phân biệt hư vọng. Lời là để chỉ thẳng nghĩa “trong uẩn không có ngã”. Lời là để chỉ ra cái thấy phân biệt của người ngu “tất cả đều có tánh” cho nên lập thành sanh tử. Lời để chỉ thẳng vào “tất cả pháp nhiễm tịnh, đều không có thể tánh”. Lìa cái thấy của người ngu “tất cả đều có tánh”, bèn thấy ra xưa nay chỉ có một cái thấy chân thật “tất cả đều không có thể tánh”, xưa nay duy chỉ là “bất sanh bất diệt tự tánh Niết bàn”. Đó là tâm lượng.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Ta sẽ nói cho ông tướng của trí và thức, ông cùng các Đại Bồ tát nếu khéo rõ biết tướng của trí và thức bèn có thể nhanh chóng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đại Huệ! Trí có ba loại là thế gian trí, xuất thế gian trí, xuất thế gian thượng thượng trí. Sao gọi là thế gian trí? Là kế trước pháp hữu vô của tất cả ngoại đạo phàm phu. Sao gọi là xuất thế gian trí? Là chấp trước tự tướng cọng tướng của tất cả Nhị thừa. Sao gọi là xuất thế gian thượng thượng trí? Là chư Phật, Bồ tát quán thấy tất cả pháp đều không có tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng hữu chẳng vô, chứng pháp vô ngã, nhập Như Lai địa.

Đại Huệ! Lại có ba loại trí, đó là: trí biết tự tướng cọng tướng, trí biết sanh diệt, và trí biết bất sanh bất diệt.

Lại nữa, Đại Huệ! Sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí. Sa vào tướng, vô tướng và lấy các thứ tướng hữu vô làm nhân là thức. Lìa tướng, vô tướng và lìa nhân hữu vô là trí. Có tích tập tướng là thức, không tích tập tướng là trí. Bám tướng cảnh giới là thức, chẳng bám tướng cảnh giới là trí. Ba hòa hợp tương ưng mà sanh là thức, vô ngại tương ưng tự tánh là trí. Có tướng để đắc là thức, không có tướng để đắc là trí, vì đây là cảnh giới tự chứng thánh trí, như trăng trong nước, chẳng nhập chẳng xuất vậy.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Tích tập nghiệp là tâm

Quán sát pháp là trí

Huệ hay chứng vô tướng

Liền tự tại oai quang.

Cảnh giới buộc là tâm

Giác tưởng sanh là trí

Vô tướng và tăng thắng

Trí huệ trong đó khởi.

Tâm ý cùng với thức

Lìa các tưởng phân biệt

Đắc pháp vô phân biệt

Phật tử, phi Thanh Văn.

Nhẫn tịch diệt thù thắng

Trí thanh tịnh Như Lai

Sanh nơi nghĩa tối thắng

Xa lìa các sở hành.

Ta có ba loại trí

Bậc thánh hay chiếu sáng

Phân biệt rõ các tướng

Khai thị tất cả pháp

Trí ta lìa các tướng.

Siêu vượt khỏi Nhị thừa.

Vì các bậc Thanh Văn

Chấp trước các pháp hữu

Trí Như Lai vô cấu

Vì rõ thông duy tâm.

 

Thế gian trí là suy tính phân biệt chấp trước các pháp hữu vô, trôi lăn trong các tướng của sanh tử. Xuất thế gian trí là thấy thế gian là tự tướng cọng tướng và ra khỏi chúng. Xuất thế gian thượng thượng trí là chứng ngộ tất cả pháp đều không có tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng hữu chẳng vô.

Người tu hành muốn hết nghiệp quá khứ đã tạo ra, và tương lai không tạo nghiệp thì phải dùng trí quán sát tất cả pháp đều do tâm sanh, tâm tạo. Tướng có thành vô tướng, tâm có trở lại vô tâm mới tịnh hóa được nghiệp. Sự chuyển hóa làm tiêu tan các tướng, các tâm này là do “tự tại oai quang”, áng sáng của trí huệ bổn nguyên. Chính ánh sáng này làm cho các tướng thế gian thành như huyễn như mộng. Quán tới đâu thì trí huệ hiện ra tới đó, tướng tiêu ở đâu thì vô tướng hiện ra ở đó. Cho tới lúc tất cả duy tâm hiện thì tất cả vô sanh.

Thức thì tạo ra sanh tử, trí thì vốn là Niết bàn vô tướng cho nên không sanh không diệt. Thức là sanh tử, trí là Niết bàn. Người tu hành cần thấy rõ thức, cái tạo ra sanh tử. Sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí. Tại sao thức động, sanh ra rồi diệt? Bởi vì thức lấy phân biệt làm hoạt động của mình. Cho nên sống mà không phân biệt, thấy nghe mà không phân biệt thì đây là trí sống, trí thấy nghe. Biết thức là như huyễn thì đây là Niết bàn.

Thức thì thấy tướng, bám tướng, tích tập tướng. Tóm lại thức là tướng, dù là tướng có hay tướng không. Cho nên muốn đưa thức về nguồn gốc nền tảng trí của nó thì hãy đưa tướng về tánh. Đây là điều Kinh Kim Cương nói, “ Phàm chỗ có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.

Rõ biết duy tâm là biết thức do tâm khởi tạo, nhưng bản chất của tâm là trí huệ bổn nguyên vô tướng, chẳng sanh chẳng diệt nên thật ra thức chẳng sanh, chẳng diệt, tướng chẳng sanh chẳng diệt. Chẳng sanh chẳng diệt là nghĩa căn bản của như huyễn, “như trăng trong nước, chẳng phải vào chẳng phải ra”.

Thế nên quán sát để rõ biết duy tâm như huyễn là giải thoát ngay tự nền tảng.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Các ngoại đạo có chín loại kiến về chuyển biến. Đó là: hình chuyển biến, tướng chuyển biến, nhân chuyển biến, tương ưng chuyển biến, kiến chuyển biến, sanh chuyển biến, vật chuyển biến, duyên minh liễu chuyển biến, sở tác minh liểu chuyển biến.

Tất cả ngoại đạo nhân những kiến này khởi các luận chuyển biến hữu vô. Hình chuyển biến là cái thấy hình đổi thành khác, thí như lấy vàng làm đồ trang sức, vòng, nhẫn, chuỗi đeo cổ mỗi mỗi không đồng, hình trạng có khác nhưng thể vàng không khác. Tất cả pháp biến đổi cũng như vậy. Tất cả các pháp ngoại đạo kế trước đều chẳng phải ‘như vậy’ cũng chẳng phải ‘khác vậy’. Phải biết rằng chỉ bởi phân biệt mà có tất cả sự chuyển biến, thí như chấp bơ và sữa, rượu và quả khác nhau. Ngoại đạo nói đấy đều có chuyển biến mà thật không có, hoặc hữu hoặc vô. Đó là tự tâm thấy chứ không có vật bên ngoài. Người phàm ngu mê, từ tập khí phân biệt của mình mà khởi, chứ thật không có một pháp nào hoặc sanh hoặc diệt, như do mộng huyễn thấy có các sắc, như nói con của người gái đá có sống chết.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Hình, xứ, thời chuyển biến

Đại chủng và các căn

Trung ấm thứ lớp sanh

Vọng tưởng, chẳng minh trí.

Chư Phật không phân biệt

Duyên khởi và thế gian

Thế gian là các duyên

Như thành Càn thát bà.

 

Duyên minh liễu chuyển biến là sự chuyển biến của các điều kiện rõ ràng. Sở tác minh liễu chuyển biến là sự chuyển biến của cái được tạo tác rõ ràng.

Thấy có hình, tướng, nhân, tương ưng, kiến, sanh, vật, duyên, sở tác, bèn thấy có chuyển biến. Thấy có các thứ chuyển biến ấy là do phân biệt hư vọng.

Thấy tất cả các đồ bằng vàng đều là vàng, thấy sự không khác này là thấy Viên thành thật tánh. Thấy bơ và sữa, rượu và quả không khác, đây là thấy Viên thành thật tánh.

Không thấy có cái gì chuyển biến là thấy tất cả vô sanh. Đây là trí chẳng sanh chẳng diệt.

Nói đứa con của người gái đá có sống chết là một sự hài hước đối với người trí. Như nói sanh tử có khổ đau hạnh phúc là một sự hài hước đối với người giải thoát vậy.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Xin Như Lai giảng nói cho con nghĩa sâu kín và giải nghĩa tướng nơi tất cả các pháp, khiến con và các Đại Bồ tát khéo rõ sự chấp trước sâu xa, chẳng sa theo lời nắm nghĩa, lìa văn tự ngữ ngôn hư vọng phân biệt, khắp vào tất cả cõi nước chư Phật, lực thần thông tự tại, ấn tổng trì, giác huệ khéo trụ trong mười nguyện vô tận, dùng vô công dụng đạo mà biến hiện thảy thảy, ánh sáng chiếu soi như mặt trời mặt trăng, như ngọc ma ni (chiếu ra) đất nước lửa gió. Trụ nơi các địa, lìa kiến phân biệt, biết tất cả pháp như huyễn như mộng, nhập Như Lai vị, hóa độ chúng sanh, khiến họ biết các pháp hư vọng không thật, lìa phần hữu vô, đoạn chấp sanh diệt, chẳng bám trước ngôn thuyết, khiến chuyển sở y.

Phật dạy: Hãy nghe kỹ! Sẽ thuyết cho ông. Đại Huệ! Sự chấp trước sâu xa theo lời nắm nghĩa với tất cả pháp, số ấy vô lượng. Đó là chấp trước tướng, chấp trước duyên, chấp trước hữu chẳng phải hữu, chấp trước sanh chẳng sanh, chấp trước diệt chẳng diệt, chấp trước thừa chẳng thừa, chấp trước vi vô vi, chấp trước tự tướng các địa, chấp trước tự phân biệt hiện chứng, chấp trước tông hữu vô của ngoại đạo, chấp trước tam thừa nhất thừa.

Đại Huệ! Các chấp trước ẩn kín ấy có vô lượng thứ, đều là phàm phu tự phân biệt chấp mà thành chấp trước ẩn kín. Các phân biệt ấy như tằm nhả tơ làm kén, lấy tơ vọng tưởng tự quấn và quấn người, tham lam thích thú kiên cố sâu kín chấp trước hữu vô. Đại Huệ! Thật ra trong đây không có tướng sâu kín hay chẳng sâu kín, vì Đại Bồ tát thấy tất cả pháp trụ tịch tĩnh vậy, không có phân biệt vậy. Nếu rõ các pháp chỉ do tâm thấy, không có vật ngoài, đều đồng vô tướng, quán sát tùy thuận như thế, phân biệt chấp trước sâu kín hoặc hữu hoặc vô đều thấy là tịch tĩnh, thế nên không có tướng sâu kín hay chẳng sâu kín.

Đại Huệ! Trong đây không có trói buộc cũng không có giải thoát, người không rõ chân thật mới thấy có trói buộc có giải thoát. Vì sao thế? Tất cả các pháp hoặc hữu hoặc vô, tìm thể tánh chúng không thể đắc vậy.

Lại nữa, Đại Huệ! Phàm phu ngu si có ba loại trói buộc sâu kín là tham, sân, si cùng ham thích đời sau và tham vui. Bị sự trói buộc sâu kín này khiến các chúng sanh tiếp tục sanh trong năm đường. Nếu sự trói buộc sâu kín này bị đoạn dứt bèn không có tướng trói buộc hay chẳng trói buộc. Lại nữa, Đại Huệ! Nếu có chấp trước ba duyên hòa hợp, các thức trói buộc sâu kín lần lượt khởi lên. Có chấp trước tức có trói buộc sâu kín, nếu thấy ba giải thoát bèn lìa ba hòa hợp của thức thì tất cả các sâu kín đều trọn chẳng sanh.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Chẳng thật, vọng phân biệt

Gọi là tướng sâu kín

Nếu hay như thật biết

Lưới sâu kín đều đứt.

Người ngu chẳng thể rõ

Theo lời mà giữ nghĩa

Thí như tằm trong kén

Vọng tưởng tự quấn buộc.

 

Cái sâu xa ẩn kín là tập khí phân biệt chấp trước vào các pháp. Tập khí chấp trước có hai: vào tướng và vào danh của tướng. Cả hai bổ sung hỗ trợ nhau để sự phân biệt chấp trước càng thêm thô nặng và chìm sâu ẩn kín trong tạng thức. Các niệm phân biệt chấp trước như tằm nhả tơ để trói buộc mình và người.

“Chấp trước tự tướng các địa”, vì thật ra chỉ có một địa là Phật địa, nhưng vì có phân biệt chấp trước vi tế sâu kín nhiều ít khác nhau ở hàng Bồ tát Thập địa mà Đức Phật đã lập ra mười địa.

Thấy chân thật là thấy tất cả pháp trụ tịch tĩnh, không có tướng dầu tế hay thô, dầu động hay tĩnh. Không phân biệt chấp trước nơi toàn bộ tám thức thì thấy ngay tất cả pháp trụ tịch tĩnh, không có trói buộc không có giải thoát. Không phân biệt chấp trước thì ba hòa hợp (căn trần thức) chẳng khởi, các sóng thức không khởi thì đây là biển giác “tất cả các sâu kín đều trọn chẳng sanh”. Sống trong biển giác ấy thì tập khí sâu kín dần dần tiêu.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói, “Do thảy thảy phân biệt của tâm mà có các pháp, chứ các pháp không có tự tánh, đấy đều là vọng kế mà thôi”. Bạch Thế Tôn, nếu chỉ là vọng kế chứ không có các pháp thì các pháp nhiễm tịnh đều hoại vì không thật có?

Phật dạy: Đại Huệ! Chính thế, chính thế! Như ông nói đó. Tất cả người ngu phân biệt các pháp nhưng tánh các pháp chẳng phải do đó mà có. Đó chỉ là vọng chấp, không có tánh tướng, nhưng các bậc thánh lấy thánh huệ nhãn thấy biết như thật có tự tánh của các pháp.

Đại Huệ bạch: Nếu các bậc thánh dùng thánh huệ nhãn thấy có tự tánh của các pháp, chẳng phải thiên nhãn hay nhục nhãn, chẳng đồng với chỗ phân biệt của người ngu thì làm sao người ngu lìa được phân biệt, vì họ không thể rõ biết pháp của các bậc thánh?

Bạch Thế Tôn! Những người kia chẳng phải điên đảo mà cũng chẳng phải không điên đảo. Vì sao thể? Vì họ không thấy được pháp thánh nhân thấy, vì cái thấy của bậc thánh xa lìa tướng hữu vô vậy. Bậc thánh cũng không như phàm phu phân biệt mà có đắc, bởi vì đó chẳng phải là cảnh giới của mình. Bậc thánh cũng thấy có tánh tướng các pháp, như người vọng chấp mà hiển hiện, nhưng không nói có nhân hay không nhân để phải sa vào cái thấy tánh tướng của các pháp.

Bạch Thế Tôn, các cảnh giới khác đã không đồng với cảnh giới thánh này, như thế thành lỗi ‘vô cùng’, vì ai có thể biết tánh tướng của pháp? Bạch Thế Tôn, tánh tướng các pháp chẳng do phân biệt thì làm sao nói bởi phân biệt mà có các pháp? Bạch Thế Tôn, tướng phân biệt khác, tướng các pháp khác, nhân chẳng tương tự thì làm sao các pháp lại do phân biệt? Lại vì sao phân biệt của phàm phu chẳng có như thật, mà nói lời rằng, “Vì khiến chúng sanh xả bỏ phân biệt mà nói cái thấy tướng pháp do phân biệt thì không phải pháp như thật”. Bạch Thế Tôn! Vì sao muốn chúng sanh lìa kiến hữu vô do chấp trước pháp mà lại chấp trước cảnh giới thánh trí để sa vào kiến hữu? Vì sao không nói pháp tịch tĩnh không vô mà nói sự việc tự tánh thánh trí?

 

Ngài Đại Bồ tát Đại Huệ vì các Đại Bồ tát thời ấy và chúng sanh đời sau mà hỏi liên tục đủ mặt. Càng hỏi thì chúng ta càng rõ ràng “Duy tâm sở hiện”.

Đức Phật dạy cho người phàm “do các thứ phân biệt của tâm mà có các pháp, chứ các pháp không có tự tánh”. Ở đây Đức Phật dạy “tánh các pháp chẳng phải do phân biệt mà có, cho nên các bậc thánh thấy có tự tánh của các pháp”.

Tự tánh của các pháp là Viên thành thật tánh, còn các pháp mà người phàm thấy chỉ là Biến kế sở chấp tánh hay vọng kế mà có ra. Cái thấy của thánh là thấy tánh. Cái thấy của phàm là thấy tướng hư vọng.

Ngài Đại Huệ hỏi tiếp, “bậc thánh cũng thấy tánh tướng các pháp, các pháp cũng hiển hiện”, nhưng các pháp có là do phân biệt hư vọng của chúng sanh, còn với bậc thánh thì không có phân biệt, vậy thì “tánh tướng các pháp chẳng do phân biệt”, cảnh giới thánh trí ấy khác với của chúng sanh như thế nào?

 

Phật dạy: Chẳng phải ta không nói pháp tịch tĩnh, Không, cũng không sa vào hữu kiến vì đã nói sự việc tự tánh thánh trí. Vì sao thế? Ta vì chúng sanh từ vô thủy đến nay kế trước vào hữu, trong pháp tịch tĩnh mà nói sự thánh, nay họ nghe rồi chẳng sanh sợ hãi, có thể như thật chứng pháp tịch tĩnh Không, lìa các mê loạn, nhập lý duy thức, biết cái thấy của mình không có pháp ngoài, ngộ ba giải thoát môn, được như thật ấn, thấy tự tánh của pháp, rõ cảnh giới thánh, xa lìa tất cả chấp trước hữu vô.

Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ tát chẳng nên thành lập luận tất cả các pháp trọn đều chẳng sanh. Vì sao thế? Vì tất cả pháp vốn không có mà tông kia có nhân là tướng sanh vậy. Lại nữa, Đại Huệ! Tất cả pháp chẳng sanh, lời ấy tự hoại. Vì sao thế? Tông kia có đối đãi mà sanh vậy. Lại tông kia đã vào trong tất cả pháp, có tướng hữu vô mà cũng cho là chẳng sanh. Thế nên nói tất cả pháp chẳng sanh, tông ấy tự hoại.

Không nên lập như thế, vì các phần có nhiều lỗi lầm, xoay vần trong các nhân khác nhau. Như luận bất sanh, ‘tất cả pháp không, vô tự tánh’ cũng lại như vậy.

Đại Huệ! Đại Bồ tát nói tất cả pháp như huyễn như mộng, thấy mà chẳng thấy vậy. Tất cả đều là tướng mê loạn, chỉ trừ người ngu mới sanh sợ hãi. Đại Huệ! Phàm phu ngu si sa đọa vào kiến hữu vô, chớ khiến họ sanh kinh sợ xa lìa Đại thừa.

 

Pháp của Đức Phật là chứng pháp tịch tĩnh, Không, tức là ba giải thoát môn Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện. Trong kinh này chứng pháp như thật ấy bằng cách thông rõ sự thật duy thức, “biết cái thấy của mình không có pháp ở ngoài”.

Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức, không có gì ngoài tâm thức nên không cần lập ‘tất cả pháp chẳng sanh’. Vì tâm thức là Không nên tất cả pháp vốn không có, do đó không cần lập ‘tất cả pháp chẳng sanh’.

Tất cả pháp duy chỉ là tâm thức nên không phải là không có gì cả. Tất cả pháp duy chỉ là tâm thức nên có mà như huyễn như mộng. Trong tánh Không không phải là không có gì cả, không phải không có nhân quả, nhưng tất cả đều như huyễn như mộng.

Bậc thánh cũng thấy tánh tướng các pháp, nhưng không như người ngu vọng chấp mà hiển hiện, và sa vào chấp thật, chấp có chấp không. Bậc thánh thấy tánh tướng các pháp, nhưng là như huyễn, do đó giải thoát. Chỉ bậc Phật mới chứng trọn vẹn vừa thấy tánh của các pháp là tánh Không, đồng thời thấy tướng sai biệt của tất cả các pháp. Điều này được gọi là Nhất thiết trí trí.

Chỉ một câu, “tất cả pháp như huyễn như mộng, thấy mà chẳng thấy vậy”, y theo đó mà tu, thì sẽ có ngày “nhập lý duy thức”, biết duy tâm là “như thật ấn, thấy tự tánh của pháp, rõ cảnh giới thánh, xa lìa tất cả chấp trước hữu vô”.

 

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Không tự tánh, không thuyết

Không sự, không chỗ y

Người ngu vọng phân biệt

Ác giác như tử thi.

Tất cả pháp chẳng sanh

Chỗ ngoại đạo thành lập

Vì kia có chỗ sanh

Chẳng phải duyên mà thành.

Tất cả pháp chẳng sanh

Người trí chẳng phân biệt

Tông kia từ nhân sanh

Cái biết ấy liền hoại.

Thí như mắt có bụi

Vọng tưởng thấy vòng tóc

Các pháp cũng như vậy

Người ngu vọng phân biệt.

Ba cõi chỉ giả danh

Không có thật thể pháp

Do chỉ giả thi thiết

Phân biệt vọng so lường.

Các sự tướng giả danh

Động loạn nơi tâm thức

Phật tử đều vượt qua

Du hành vô phân biệt.

Không nước giữ tướng nước

Ấy do khát ái khởi

Ngu thấy pháp cũng vậy

Các thánh thì không thế.

Thánh nhân thấy thanh tịnh

Sanh trong ba giải thoát

Xa lìa với sanh diệt

Thường hành cảnh vô tướng.

Tu hành cảnh vô tướng

Cũng lại không hữu vô

Hữu vô trọn bình đẳng

Thế nên sanh thánh quả.

Sao có pháp hữu vô?

Như sao thành bình đẳng?

Nếu tâm chẳng rõ pháp

Trong ngoài đều loạn động

Rõ rồi tức bình đẳng

Tướng loạn tức thời diệt.

 

 “Không tự tánh, không thuyết, không sự, không chỗ y”, không phân biệt hư vọng thì cái ấy ở ngay trước mắt.

Không tự tánh vì do duyên khởi. Nhưng duyên khởi mà không chỗ y, nên khởi mà thật ra không khởi, tất cả duy chỉ là Một Tâm, rỗng không, sáng suốt. Có pháp, có ba cõi chỉ là do tâm phân biệt mà thành loạn động, sóng thức khởi thì tướng hiện ra. Biết tất cả chỉ là tâm thì không phân biệt, không loạn động. Đó là cái thấy thanh tịnh của bậc thánh, xa lìa các tướng sanh diệt, thường hành chỗ vô tướng bình đẳng, thường du hành trong vô phân biệt.

Vọng tưởng phân biệt ở nơi tâm này, “tu hành cảnh vô tướng” ở nơi tâm này, và “thánh quả” cũng là nơi tâm này.

Chỉ cần quán sanh tử là như huyễn, và như huyễn nên chẳng sanh chẳng diệt. Chẳng sanh chẳng diệt, đây là Niết bàn.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói: Nếu biết cảnh giới chỉ là giả danh, đều không thể đắc, ắt không có cái được nắm nên cũng không có người nắm, người nắm và cái được nắm cả hai đều không có nên không khởi phân biệt, gọi đó là trí. Bạch Thế Tôn! Tại sao trí kia không đắc được cảnh? Vì chẳng hiểu nghĩa một, khác, tự tướng, cọng tướng của tất cả pháp nên nói là chẳng đắc? Vì các pháp tự tướng cọng tướng các thứ khác nhau nên che kín lẫn nhau mà chẳng đắc chăng? Vì núi cao, vách đá, hàng rào, màn rèm che chắn mà chẳng đắc chăng? Vì rất xa, rất gần, quá già, quá nhỏ, các căn mờ tối không đầy đủ mà nói chẳng đắc chăng? Nếu chẳng rõ nghĩa một khác, tự tướng cọng tướng của các pháp mà nói là chẳng đắc thì đó chẳng gọi là trí, mà nên gọi là vô trí, vì có cảnh giới mà không biết vậy. Nếu vì thảy thảy tự tướng cọng tướng chẳng đồng của các pháp che đậy lẫn nhau mà gọi là chẳng đắc, thì đó cũng là chẳng phải trí, vì biết cảnh giới mới gọi là trí chứ chẳng phải không biết. Nếu vì núi cao, vách đá, hàng rào, màn rèm che chắn hay vì rất xa, rất gần, quá già, quá nhỏ, mờ tối mà không biết thì đó cũng là chẳng phải trí vì có cảnh giới mà trí không đầy đủ nên không biết vậy.

Phật dạy: Đại Huệ! Cái thật là trí chẳng phải như ông nói. Chỗ ta nói chẳng phải là nói sự che đậy. Ta nói cảnh giới chỉ là giả danh chẳng thể đắc vì rõ chỉ là cái được thấy của tự tâm, sự hữu vô của pháp ngoài, trí huệ trong đó rốt ráo không có gì đắc. Vì không đắc nên sở tri chướng chẳng khởi, vào ba giải thoát môn, trí thể cũng mất. Chẳng phải như giác tưởng của tất cả phàm phu, từ vô thủy đến nay huân tập hý luận, kế trước ngoại pháp hoặc có hoặc không thảy thảy hình tướng. Biết như vậy gọi là chẳng biết, chẳng rõ các pháp chỉ là tự tâm thấy, bám trước ngã ngã sở, trí phân biệt cảnh, không biết ngoại pháp, cho là có là không, tâm ấy trụ trong đoạn kiến. Vì khiến họ xả lìa phân biệt như vậy, nên nói tất cả pháp chỉ do tâm kiến lập.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Nếu có các sở duyên

Trí huệ chẳng quán sát

Đấy không trí, chẳng trí

Gọi là người vọng kế.

Vô biên tướng che nhau

Chướng ngại và xa gần

Trí huệ không thấy được

Đó gọi là tà kiến.

Già nhỏ, các căn tối

Cho thật có cảnh giới

Chẳng thể sanh trí huệ

Đó gọi là tà kiến.

 

Trí huệ là thấy cảnh chẳng thể đắc, vì pháp ở ngoài thì không có, chỉ do tâm kiến lập. Cho nên trí huệ là không thấy có tướng, tà kiến là thấy tướng. Chẳng phải không thấy vì các tướng che khuất nhau, chẳng phải vì các căn yếu hay bệnh. Trí huệ là không thấy có tướng, hay là cái thấy không tùy thuộc tướng, nhân duyên. Như tấm gương thấy, phản chiếu tất cả các bóng, nhưng chẳng thấy bóng nào cả, chẳng có bóng nào là thật sự của gương. Sao lại nói bóng che lấp gương?

Trí huệ là thấy hai mặt tánh tướng cùng một lúc: tánh của một vật là tánh Không, và tướng của vật đó sai khác với tướng của các vật khác. Nói một cách khác, trí huệ là thấy các pháp là như huyễn đồng thời thấy tướng khác nhau của chúng.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Phàm phu ngu si từ vô thủy đã hư dối, ác tà phân biệt một cách huyễn hoặc, chẳng rõ pháp như thật và pháp lời nói, chấp trước các tướng ở ngoài tâm và lời nói phương tiện, chẳng thể tu tập pháp chân thật thanh tịnh lìa khỏi bốn câu.

Đại Huệ bạch rằng: Đúng thế, đúng thế! Đúng như Thế Tôn dạy. Xin nói cho con pháp như thật cùng pháp ngôn thuyết, khiến con và các Đại Bồ tát được khéo léo hai pháp này, không vào chỗ ngoại đạo và Nhị thừa.

Phật dạy: Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ! Chư Như Lai ba đời có hai thứ pháp là ngôn thuyết và pháp như thật. Pháp ngôn thuyết là tùy tâm chúng sanh mà nói đủ các thứ phương tiện để dạy. Pháp như thật là người tu hành lìa các phân biệt hiện ra nơi tâm, không sa vào một khác, cùng không cùng, vượt khỏi tất cả tâm, ý, ý thức, ở nơi cảnh giới tự giác thánh trí, lìa các tướng thấy nhân duyên, tương ưng, tất cả ngoại đạo Thanh Văn Duyên Giác sa vào nhị biên đều không thể biết. Đó gọi là pháp chân thật. Hai thứ pháp này ông và các Đại Bồ tát hãy khéo tu học.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Ta nói hai thứ pháp

Ngôn giáo và như thật

Giáo pháp chỉ phàm phu

Như thật cho hành giả.

 

Chấp trước các tướng cho rằng chúng ở ngoài tâm và lời nói phương tiện để chỉ những sự việc quy ước và tương đối là thật, tức là người đời phàm phu.

Người tu hành chỉ tu pháp như thật, lìa các phân biệt hiện ra nơi tâm bằng cách biết tất cả do tự tâm hiện, như hoa đốm giữa hư không, như lông rùa sừng thỏ, không thể phân biệt chấp trước, không có lời nói, thường trực an trụ trong tự giác thánh trí.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Như Lai có lần nói các thế luận, chú thuật, chỉ có thể thu nắm tài lợi thế gian, chẳng được pháp lợi. Chẳng được pháp lợi thì chẳng đáng thân cận, thừa sự, cúng dường. Vì sao Thế Tôn dạy như vậy?

Phật dạy: Đại Huệ! Các luận thế gian chỉ trang sức văn, câu làm mê lầm người ngu, tùy thuận lời nói hư vọng của thế gian, chẳng như nghĩa, chắng xứng với chân lý, chẳng thể chứng nhập cảnh giới chân thật, chẳng thể rõ biết tất cả pháp, thường sa vào nhị biên, tự mất chánh đạo, cũng khiến người khác mất lối, luân hồi trong các nẻo mãi chẳng ra khỏi. Vì sao thế? Vì không rõ các pháp chỉ do tâm hiện, chấp trước ngoại cảnh tăng thêm phân biệt. Thế nên ta nói thế luận làm đẹp văn, câu, nhân, dụ, chỉ làm lừa dối người ngu, chẳng thể giải thoát hoạn nạn sanh lão bệnh tử, lo buồn…

Đại Huệ! Thích Đề Hoàn Nhơn giảng rộng các luận, tự tạo các luận. Người thế luận kia có một đệ tử hóa làm thần rồng đi đến cung trời Đế Thích, lập luận tông, nói rằng: Kiều Thi Ca! Tôi cùng ông tranh luận, nếu ông thua tôi thì tôi sẽ phá bánh xe một ngàn căm của ông, còn nếu tôi thua thì sẽ cắt mỗi mỗi cái đầu để chịu phục. Nói xong, bèn dùng pháp luận đánh bại Đế Thích, phá bánh xe một ngàn căm, rồi trở lại nhân gian.

Đại Huệ! Ngôn luận thế gian nhân, dụ trang nghiêm, thậm chí có thể hiện hình rồng, dùng văn từ tinh xảo làm mê hoặc chư thiên và A Tu La, khiến họ chấp trước vào các kiến sanh diệt… huống gì loài người. Thế nên, Đại Huệ, không nên thân cận, thừa sự, cúng dường, vì những người kia có thể làm sanh ra nhân khổ. Đại Huệ! Thế luận chỉ nói cảnh giới do thân biết. Đại Huệ! Thế luận kia có trăm ngàn câu chữ, lại trong đời vị lai ác kiến trái lìa nhau, tà chúng phân tán, phân thành nhiều bộ phái, mỗi phái chấp chặt nhân của mình. Đại Huệ! Chẳng phải các ngoại đạo khác có thể lập giáo pháp, chỉ có Lô Ca Da dùng trăm ngàn câu, nói rộng vô lượng tướng nhân sai biệt, chẳng phải chân lý như thật, lại cũng không tự biết đó là pháp thế gian mê lầm.

 

Thế luận không rõ các pháp ở ngoại cảnh chỉ do tâm hiện, rồi lấy một cái ở ngoại cảnh ấy làm nhân mà lập luận. Như thế không thể nào ra khỏi các kiến hữu vô. Trong lập luận dùng nhiều ngôn từ hay đẹp dễ làm người khác bị mê hoặc mà không biết rằng cái nhân ở ngoại cảnh ấy chỉ là một cái vô thường sanh diệt. Nhân ngoại cảnh vô thường sanh diệt ấy hẳn là nhân của khổ đau, sanh tử. Như Kinh Lăng Nghiêm nói, “không thể nấu cát thành cơm được”.

 

Bấy giờ Đại Huệ bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu các luận do Lô Ca Da tạo, với đủ thứ văn tự, nhân, dụ đẹp đẽ, chấp trước tự tông chứ chẳng phải pháp như thật, gọi là ngoại đạo, thì Thế Tôn cũng nói sự việc thế gian, tức là dùng đủ thứ văn, câu, ngôn từ mà rộng nói cho trời người… ở mười phương các cõi nước đến tụ hội, chẳng phải pháp tự chứng thánh trí. Vậy Thế Tôn cũng đồng với ngoại đạo nói chăng?

Phật dạy: Đại Huệ! Ta không nói thế luận cũng không nói đến, đi. Ta nói các pháp chẳng đến chẳng đi. Đại Huệ! Đến là sanh do sự tích tập, đi là hoại diệt. Chẳng đến chẳng đi, tức là chẳng sanh chẳng diệt. Đại Huệ! Chỗ nói của ta, chẳng đồng với ngoại đạo sa vào trong phân biệt.

Vì sao thế? Vì không có chỗ bám trước đối với hữu vô ngoại pháp, rõ chỉ là tự tâm, không thấy hai thủ, chẳng hành cảnh tướng, chẳng sanh phân biệt, nhập Không, Vô tướng, Vô nguyện ba môn mà giải thoát vậy.

 

Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi là sự thật mà Phật giáo chỉ bày. Đây là giải thoát, Không, Vô tướng, Vô nguyện. Có sanh có diệt, có đến có đi, có sanh có tử là do phân biệt. Không phân biệt, đó là không sanh không diệt, không đến không đi, không sanh không tử.

Khi rõ chỉ là tự tâm biến hiện, chẳng sanh phân biệt, chẳng bám giữ thì bấy giờ Không, Vô tướng, Vô nguyện hiện tiền.

 

Đại Huệ! Ta nhớ có lần ở một chỗ nọ, có thế luận bà la môn đến, rồi hỏi ta rằng: Ngài Cồ Đàm! Tất cả là được tạo tác chăng? Lúc ấy ta đáp: Bà la môn! Tất cả là được tạo tác, đó là thế luận thứ nhất. Lại hỏi tiếp: Tất cả chẳng phải được tạo tác chẳng? Ta đáp: Tất cả chẳng phải được tạo tác, đó là thế luận thứ hai.

Người ấy lại hỏi: Tất cả là thường chăng? Tất cả là vô thường chăng? Tất cả sanh chăng? Tất cả chẳng sanh chăng? Ta đáp: Đó là thế luận thứ sáu. Người ấy lại hỏi: Tất cả là một chăng? Tất cả là khác chăng? Tất cả là cùng chăng? Tất cả là không cùng chăng? Tất cả đều do thảy thảy nhân duyên mà sanh ra chăng? Ta đáp: đó là thế luận thứ mười một.

Người ấy lại hỏi: Tất cả là hữu ký (có thể giải thích) chăng? Tất cả vô ký chăng? Hữu ngã chăng? Vô ngã chăng? Có thế giới này chăng? Không có thế giới này chăng? Có thế giới kia chăng? Không có thế giới kia chăng? Có giải thoát chăng? Không có giải thoát chăng? Là sát na chăng? Chẳng phải sát na chăng? Hư không, Niết bàn cùng phi trạch diệt là được tạo tác chăng? Chẳng phải được tạo tác chăng? Có trung ấm chăng? Không có trung ấm chăng?

Ta đáp rằng: Bà la môn! Những cái đó đều là thế luận của ông, chẳng phải ta nói. Bà la môn! Ta nói nhân các ác tập khí hý luận từ vô thủy mà sanh ba cõi, chẳng rõ duy chỉ là tự tâm hiện mà nắm giữ ngoại pháp, thật ra không có gì có thể đắc.

Theo ngoại đạo nói, ngã và căn, cảnh, cả ba hòa hợp mà cái biết sanh. Ta chẳng như vậy. Ta không nói nhân, không nói không có nhân, chỉ duyên nơi vọng tâm tợ như có năng thủ sở thủ mà nói duyên khởi, chẳng phải ông và những người bám nắm ngã mà có thể nghĩ lường.

Đại Huệ! Hư không, Niết bàn và phi trạch diệt chỉ có con số ba, vốn vô thể tánh, huống gì là nói được tạo tác hay chẳng phải được tạo tác. Đại Huệ! Bấy giờ thế luận bà la môn ấy lại hỏi ta rằng: Do vô minh, ái nghiệp làm nhân duyên mà có ba cõi chăng? Hay không có nhân chăng? Ta nói: Hai cái ấy cũng là thế luận. Lại hỏi: Tất cả các pháp đều vào tự tướng và cọng tướng chăng? Ta đáp: Đó cũng là thế luận. Bà la môn! Cho đến có một chút chuyển động phân biệt ngoại cảnh của tâm thức đều là thế luận.

 

Khi người Bà la môn hỏi một câu, Đức Phật trả lời đó là thế luận thứ nhất, cho đến câu hỏi thứ mười thì đó là thế luận thứ mười…, nếu thật sự đủ chú tâm, khẩn thiết thì người hỏi đã thấy ra câu hỏi của mình chỉ là vô ích, hý luận không nhắm vào cái gì cả mà ngộ ra tất cả vốn vô sanh. Thế luận là phân biệt hư vọng cái không có, vô sở hữu.

Tất cả mọi câu hỏi và trả lời đều là thế luận vì y vào các tướng sanh diệt hữu vô mà không biết các tướng chỉ là tự tâm hiện. Các ác tập khí hý luận có không ham thấy đối tượng mà sanh ba cõi, như mắt mỏi mệt bèn thấy có hoa đốm giữa hư không, nói hoa đốm có hay không đều là hý luận, thế luận.

Có chút chuyển động phân biệt nào của tâm thức thì đều là thế luận. Vừa khởi niệm là có chủ thể và đối tượng, là bắt đầu vòng quay của thức, bắt đầu lạc ra ngoài Không, Vô tướng, Vô nguyện vốn sẳn và bao trùm cả ba cõi hư vọng.

 

Đại Huệ! Bấy giờ bà la môn kia lại hỏi ta rằng: Cái gì chẳng phải là thế luận chăng? Tất cả từ ngữ của luận, các thứ văn, câu, nhân, dụ đẹp đẽ của ngoại đạo, không gì chẳng từ pháp của tôi mà ra. Ta đáp: Có. Nhưng chẳng phải chỗ của ông, chẳng phải thế gian không có, chẳng phải không nói các thứ văn câu nghĩa lý tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Người kia lại hỏi: Có cái gì được thế gian chấp nhận mà chẳng phải là thế luận chăng? Ta đáp: Có, nhưng chẳng phải ông cùng tất cả ngoại đạo có thể biết. Vì sao thế? Vì hư vọng phân biệt sanh chấp trước pháp bên ngoài. Nếu có thể rõ thông các pháp hữu vô… tất cả đều do tự tâm thấy, chẳng sanh phân biệt, chẳng bám nắm ngoại cảnh, trụ nơi tự xứ. Trụ tự xứ là nghĩa không khởi. Không khởi cái gì? Không khởi phân biệt. Đây là pháp ta, chẳng phải ông có.

Bà la môn! Nói tóm lại ở chỗ nào mà tâm thức qua lại, sanh diệt, mong cầu bám luyến, nếu thọ, nếu thấy, nếu xúc chạm, nếu trụ, nếu thảy thảy tướng hòa hợp tương tục, với ái, với nhân mà sanh kế trước, thì đều là thế luận của ông, chẳng phải pháp ta.

Đại Huệ! Người thế luận bà la môn hỏi ta như thế, ta đáp như thế, mà chẳng hỏi tự tông thật pháp của ta, im lặng bỏ đi, nghĩ thế này: Sa môn Cù Đàm không có gì đáng tôn trọng, nói tất cả các pháp không có sanh, không có tướng, không có nhân, không có duyên, duy chỉ là tự tâm phân biệt mà thấy, nếu có thể hiểu như vậy thì phân biệt chẳng sanh. Đại Huệ! Nay ông cũng lại hỏi ta nghĩa ấy, ‘vì sao người thân cận các thế luận chỉ được tài lợi, không được pháp lợi’.

 

Nếu có thể rõ thông tất cả các pháp đều do tự tâm thấy, chẳng sanh phân biệt, chẳng bám nắm những cái được thấy vì chúng như huyễn như mộng, ngay đó trụ nơi tự xứ, tức là bản tâm chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng khởi chẳng chìm. Đây là pháp Phật.

Vừa động niệm phân biệt, bèn có đủ thứ thế luận, đủ thứ sắc tướng của thế gian sanh tử, rồi hòa hợp với đủ thứ phiền não mà tạo ra một cảnh giới xung đột, khổ đau.

 

Đại Huệ! Bạch rằng: Tài và pháp được nói đó, có nghĩa là gì?

Phật dạy: Lành thay! Ông vì chúng sanh đời vị lai mà suy nghĩ nghĩa ấy. Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ. Ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ! Tài là cái gì xúc chạm được, cảm nhận được, cầm nắm được, nếm được, khiến bám níu ngoại cảnh, sa vào nhị biên, tăng trưởng tham ái, sanh lão bệnh tử, lo buồn khổ não. Ta và chư Phật gọi là tài lợi, do thân cận thế luận mà có được.

Pháp lợi là gì? Là rõ pháp là tâm, thấy hai vô ngã, chẳng nắm giữ tướng, không có phân biệt, khéo rõ các địa, lìa tâm, ý, ý thức. Tất cả chư Phật đều quán đảnh, thọ hành đầy đủ mười nguyện vô tận, nơi tất cả pháp được tự tại, đó gọi là pháp lợi, vì không sa vào tất cả các kiến nhị biên phân biệt hý luận đoạn thường.

Đại Huệ! Thế luận ngoại đạo khiến những người si sa vào nhị biên là thường và đoạn. Nhận luận vô nhân tức là khởi thường kiến, cho nhân hoại diệt tức là sanh đoạn kiến. Ta nói không thấy sanh, trụ, diệt, gọi là được pháp lợi. Đó là tướng sai khác giữa hai thứ tài và pháp. Ông và các Đại Bồ tát nên chuyên cần quán sát.

Bấy giờ thế Tôn lại nói bài kệ:

Điều phục nhiếp chúng sanh

Lấy giới thắng các ác

Trí huệ diệt các kiến

Giải thoát được tăng trưởng.

Ngoại đạo hư vọng nói

Đều là luận thế tục

Vọng kế tạo, được tạo

Không thể tự thành tựu.

Ta chỉ một tự tông

Chẳng bám trước năng sở

Nói cho các đệ tử

Khiến lìa khỏi thế luận.

Pháp năng thủ, sở thủ

Chỉ tâm, vô sở hữu

Cả hai do tâm hiện

Đoạn thường bất khả đắc.

Nhẫn chút tâm chuyển động

Đó tức là thế luận

Người phân biệt chẳng khởi

Người ấy thấy tự tâm.

Đến là thấy sự sanh

Đi là sự chẳng hiện

Rõ ràng biết đến đi

Chẳng khởi lên phân biệt.

Hữu thường cùng vô thường

Được làm, không được làm

Cõi này và cõi khác

Đều là pháp thế luận.

 

 “Rõ pháp là tâm, chẳng nắm giữ tướng, không có phân biệt, không thấy sanh trụ diệt” gọi là được pháp lợi. Có chút tâm chuyển động bèn có chút phân biệt, bèn có chút khả đắc, có chút sanh tử. Người phân biệt chẳng khởi, người ấy thấy tự tâm, đến và đi chỉ là vọng thấy, pháp năng thủ sở thủ chỉ là tâm, không chỗ có vì cả hai đều do tập khí nơi tâm mà hiện, được như vậy là được pháp lợi. Cái pháp lợi này hàng ngày vẫn ở trước mắt. Biết nó là cái một vị đầu tiên và cuối cùng của tất cả Phật pháp thì hãy nắm lấy huệ mạng ấy mà sống.

Năng thủ, sở thủ, chỉ là tâm, cả hai do tâm hiện, do đó là vô sở hữu, bất khả đắc. Chỉ cần tin và quán sát để thật sự thấy “chỉ là tâm, do tâm hiện, nên vô sở hữu, bất khả đắc” bèn vào Mười địa, thoát khỏi sanh tử.

 

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Phật nói Niết bàn, những pháp gì là Niết bàn mà các ngoại đạo có đủ thứ phân biệt.

Phật dạy: Đại Huệ! Niết bàn mà các ngoại đạo phân biệt đều không tùy thuận với thật tướng Niết bàn. Hãy nghe kỹ! Hãy nghe kỹ! Ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ! Hoặc có ngoại đạo nói: Thấy pháp là vô thường, chẳng tham cảnh giới, uẩn giới xứ diệt, tâm tâm sở chẳng hiện trước mặt, chẳng nghĩ nhớ cảnh giới quá khứ, hiện tại, vị lai, như đèn tắt, như hạt giống hư, như lửa diệt, các nắm giữ chẳng khởi, phân biệt chẳng sanh, khởi tưởng đó là Niết bàn. Đại Huệ! Chẳng phải kiến hoại mà gọi là Niết bàn. Hoặc cho rằng đến một phương khác gọi là đắc Niết bàn, lìa tưởng cảnh giới giống như gió dừng. Hoặc cho rằng chẳng thấy người biết và cái được biết gọi là Niết bàn. Hoặc cho rằng chẳng khởi phân biệt kiến thường vô thường, gọi là đắc Niết bàn. Hoặc có người nói, phân biệt các tướng làm phát sanh khổ mà không biết đó là do tự tâm hiện. Vì không biết nên sợ hãi tướng mà cầu vô tướng, sanh yêu thích sâu sắc, chấp đó là Niết bàn.

Hoặc cho rằng biết các pháp trong ngoài tự tướng cọng tướng ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai có tánh chẳng hoại, tưởng là Niết bàn. Hoặc suy tính ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng cùng tất cả pháp không có hoại diệt, tưởng là Niết bàn. Lại có ngoại đạo không có trí huệ suy tính có thần ngã, linh hồn tối cao, tác giả chuyển biến làm ra tất cả vật, cho đó là Niết bàn. Hoặc có ngoại đạo cho rằng phước và chẳng phải phước dứt tận, hoặc cho rằng chẳng phải do trí huệ mà các phiền não dứt hết. Hoặc nghĩ rằng Tự Tại (Isvara) là thật tác giả, cho là Niết bàn. Hoặc cho rằng chúng sanh xoay vần sanh lẫn nhau, cho đó là nhân, không có nhân nào khác, những người ấy không có trí nên không rõ biết, vì không rõ biết nên chấp đó là Niết bàn. Hoặc nghĩ tính rằng chứng được con đường chân thật, hư vọng phân biệt cho đó là Niết bàn. Hoặc suy tính câu na (đức) và cái làm ra câu na cùng hòa hợp, giữa tánh một và tánh khác, cùng và chẳng cùng, chấp đó là Niết bàn. Hoặc suy tính các vật từ tự nhiên sanh, như màu lông của chim khổng tước, như gai nhọn, như chỗ sanh các thứ quý báu, những sự ấy đâu có ai tạo tác, bèn chấp tự nhiên là Niết bàn. Hoặc cho có thể hiểu 25 đế là đắc Niết bàn. Hoặc có người nói giữ được sáu hạnh hộ trì chúng sanh là đắc Niết bàn. Hoặc có người nói Thời sanh thế gian, Thời tức là Niết bàn. Hoặc chấp có vật là Niết bàn. Hoặc suy tính không có vật là Niết bàn. Hoặc suy tính chấp trước có vật không vật tưởng là Niết bàn.

Đại Huệ! Lại có người khác với những ngoại đạo kia nói, dùng nhất thiết trí rống lớn tiếng sư tử mà nói: có thể rõ thông duy tâm mà có hiện, chẳng nắm giữ ngoại cảnh, xa lìa bốn câu, trụ kiến như thật, chẳng sa vào nhị biên, lìa năng thủ sở thủ, chẳng vào các lượng, chẳng bám trước chân thật, trụ nơi pháp thánh trí hiện chứng, ngộ hai pháp vô ngã, lìa hai phiền não, tịnh hai thứ chướng, lần lượt tu các địa, nhập vào Phật địa, đắc các đại tam muội như huyễn…., vĩnh viễn siêu khỏi tâm, ý, ý thức, gọi là đắc Niết bàn.

Đại Huệ! Các ngoại đạo kia hư vọng chấp trước tính lường chẳng như chân lý, những điều bậc trí lìa bỏ, đều sa vào nhị biên, tạo ra tưởng Niết bàn. Trong đây không có hoặc trụ hoặc xuất, các ngoại đạo kia đều y vào tự tông mà sanh cái biết hư vọng, trái nghịch chân lý, không thành tựu gì, chỉ khiến tâm ý rong ruỗi qua lại. Tất cả không ai đắc Niết bàn. Ông và các Bồ tát nên xa lìa.

 

“Chẳng phải kiến hoại mà gọi là Niết bàn”  mà là thấy các kiến đều do tâm tạo, thì đây là Niết bàn dung nhiếp cả sanh tử lẫn Niết bàn.

Chung quy các thứ Niết bàn của ngoại đạo đều rơi vào chấp hữu vô, chấp thường đoạn, chấp có nguyên nhân không có nguyên nhân, chấp có làm ra hay không làm ra… đều khởi từ vọng tưởng phân biệt, vọng kế chấp trước.

Còn Niết bàn Phật giáo là rõ thông duy tâm mà có hiện, nên không có ngã không có pháp, xa lìa hay siêu khỏi mọi vọng tưởng của tâm, ý, ý thức, đắc Như huyễn tam muội. Đây là vô sanh đích thực, vì không diệt cái sanh như huyễn.

Duy tâm mà có hiện, xa lìa mọi vọng tưởng của tâm, ý, ý thức, tu như vậy liên tục cho đến ngày giải thoát. Giải thoát là không có những vọng tưởng về sanh tử và Niết bàn: sanh tử chưa từng sanh, Niết bàn chưa từng diệt.

 

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ:

Kiến Niết bàn ngoại đạo

Mỗi mỗi phân biệt khác

Đó chỉ là vọng tưởng

Không phương tiện giải thoát.

Xa lìa các phương tiện

Chẳng đến chỗ không buộc

Vọng sanh tưởng giải thoát

Mà thật không giải thoát.

Chỗ ngoại đạo thành lập

Mỗi chấp thủ khác nhau

Họ chẳng có giải thoát

Ngu si vọng phân biệt.

Tất cả ngoại đạo si

Vọng thấy tác, sở tác

Chấp trước luận hữu vô

Thế nên không giải thoát.

Người ngu ưa phân biệt

Chẳng sanh huệ chân thật

Lời nói, gốc ba cõi

Chân thật diệt nhân khổ.

Thí như bóng trong gương

Tuy hiện mà không thật

Tập khí trong gương tâm

Người ngu thấy có hai.

Chẳng rõ duy tâm hiện

Nên khởi phân biệt hai

Nếu biết chỉ là tâm

Phân biệt liền chẳng sanh.

Tâm tức là thảy thảy

Vốn lìa tướng của tưởng

Tuy thấy mà không thấy

Như người ngu phân biệt.

Ba cõi chỉ phân biệt

Ngoại cảnh trọn không có

Vọng tưởng thảy thảy hiện

Người ngu chẳng thể biết.

Kinh kinh nói phân biệt

Chỉ là khác danh tự

Nếu lìa khỏi ngôn ngữ

Nghĩa ấy bất khả đắc.

 

Ngoại đạo thì phân biệt tạo thành vọng tưởng, rồi dựa vào vọng tưởng ấy mà lý luận hư vọng, nên gọi là hý luận, thế luận.

Thảy thảy tướng do tưởng phân biệt mà hiện ra như bóng hiện trong gương. Bóng ấy tuy hiện mà không thật vì chỉ là tập khí trong gương tâm, cho nên hiện mà thật chẳng hiện. Gương tâm thì vốn xa lìa, không từng ô nhiễm, vốn là giải thoát. Gương tâm càng sáng thì bóng hiện càng như huyễn.

Nếu biết các xuất hiện chỉ là tâm, các bóng hiện ấy chỉ là tâm thì phân biệt liền chẳng sanh vì tất cả là mình thì phân biệt chỗ nào? Khi ấy người ta chứng biết toàn thể gương tâm, Viên thành thật, Như Lai tạng, Phật tánh là gì. Khi ấy thấy toàn bô gương tâm mà không phân biệt: “tuy thấy mà không thấy”, vì “ba cõi chỉ phân biệt, ngoại cảnh trọn không có”. Tất cả là Một, Một là tất cả, đây là Duy Tâm.

 

SHARE:

Để lại một bình luận