Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Hàn – Boep Joeng Sunim

SHARE:

GƯƠNG THIỀN

(Thiền Gia Quy Giám)

 Tây Sơn Đại Sư ( 1520 ~ 1604 ) Tào Khê Thối Ẩn thuật

 Thị Giới: dịch Việt – THIỆN TRI THỨC 2016

1. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Việt
2. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Anh – Hyon Gak Sunim
3. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Hàn – Boep Joeng Sunim
4. Lời Tựa Của Tây Sơn Đại Sư
5. GƯƠNG THIỀN (Thiền Gia Quy Giám)
6. LỜI BẠT Của Một Người Đệ Tử Của Tây Sơn Đại Sư
7. CHÚ THÍCH

Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Hàn

Boep Joeng Sunim

Thiền Gia Quy Giám được viết ra do Đại Sư So Sahn Hyu Jeong. Như được đề cập trong lời nói đầu của chính đại sư, cũng như trong lời bạt do đệ tử của ngài là ngài Sam Yong, cuốn sách nầy không phải hoàn toàn là sáng tác của đại sư. Ngài góp nhặt tinh túy trong giáo lý của đức Phật từ hơn năm mươi bộ Kinh Luận, cũng như những lời dạy và giai thoại của các vị Tổ. Đầu tiên ngài chỉ viết xuống trực tiếp những lời từ các nguồn tài liệu đầu tiên đó. Những năm sau đó, ngài viết thêm chú giải, những bài kệ ngắn, và những lời bình để giúp những đệ tử gặp khó khăn trong việc hiểu những giáo lý cốt lỗi.

 

Qua Thiền Gia Quy Giám chúng ta có thể có được cái nhìn tồng quan sự khác nhau giữa Thiền và Giáo về giáo lý và phương pháp thực hành ở Đại Hàn khoảng bốn trăm năm trước. Đại sư nói về quan điểm của ngài về Thiền và Giáo như sau:

 

Thiền là tâm Phật, Giáo là lời Phật.

Đức Thích Ca Mâu Ni là cội nguồn của cả Thiền và Giáo, sự khác nhau trong thực hành bắt đầu từ ngài Ma Ha Ca Diếp và ngài A Nan. Thiền dùng không lời đề hiền bày ý nghĩa nằm bên sau lời, trong khi đó Giáo dựa vào lời đề hiền bày ý nghĩa bên sau lời. Do đó Tâm chính là giáo lý của Thiền, và Lời là giáo lý của Giáo. Pháp chỉ có một vị, nhưng sự khác nhau giữa thề nghiệm và nhận hiều – bằng khái niệm – cách biệt như trời và đất.

 

Như vậy ngài cho chúng ta thấy rõ ràng rằng tu Thiền và tu theo kinh điển không phải là hai mà chỉ là một. Đồng thời ngài cũng nói lên một cách rõ ràng sự ưu tiên của kinh nghiệm giác ngộ, và do đó ngài đã ngầm gán cho cho Thiền tính ưu việt trong việc thể hiện giáo lý cốt tủy nhất của Phật Giáo.

 

Thêm vào đó, Đại Sư So Sahn cũng trình bày rõ ràng quan điểm của ngài về Tịnh Độ Tông, bời vì truyền thống niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà đã bị nhiều thành viên tu Thiền lãng quên hoặc ngay cả còn khinh thị vào lúc bấy giờ. Phê phán một cách tế nhị cái gọi là “Thiền chính thống,” ngài nhấn mạnh lại vai trò của giới luật. Việc nầy không nhằm mục đích buộc người tu Thiền vào khuôn phép, nhưng mục đích là làm thức tỉnh những người tu Thiền giả tạo cho rằng hết thảy đều không – ngay cả giới luật – ngoài sự giác ngộ.

 

Những cố gắng của ngài đưa đến kết quả là bản văn ngắn gọn và rõ ràng nầy không những được coi như chiếc gương soi riêng của Thiền mà còn là một tấm gương soi chung cho tất cả người học Phật. Độc giả chính của tác phẩm nầy dĩ nhiên là những hành giả đã buớc vào đời sống tu sĩ. Nó còn mở ra một con đường bảo đảm một đời sống minh triết cho người tại gia muốn sống với một tâm thức trong sáng và từ bi.

 

Tác giả thường được gọi là Đại Sư So Sahn vì phần lớn cuộc đời ngài sống ở Núi Myo Hyang, ngày nay ở Bắc Triều Tiên. Một trong những tên gọi truyền thống của núi nầy là So Sahn (Tây Sơn), và ngày xưa có nhiều ngôi chùa lớn ở đó, với nhiều trăm tăng sĩ thực hành thiền quán. Trên giấy tờ, ngài tự xưng Baek Hwa Do, để ghi nhớ ngôi chùa mà ngài đã trải qua một số tu tập miên mật nhất, chùa Baek Hwa trong dãy núi Kim Cương. Ngài cũng tự xưng là Do Eun sau khi từ nhiệm chức vụ Giám Luật cho các tông phái Thiền và Luật. Pháp danh của ngài là Hyu Jeong và pháp tự là Cheong Heo.

 

Ngài sinh ngày hai mươi sáu tháng Ba năm 1520 tại Anju, một thị trấn thuộc tỉnh Pyong-Ahn ngày nay thuộc Bắc Hàn. Ngài mất mẹ từ lúc lên chin tuổi và mất cha vào năm sau. Một vị quan tiếp nhận đứa trẻ mồ côi thông minh với tài năng viết lách cừ khôi nầy, và nhìn thấy đứa trẻ bước vào ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Triều Tiên lúc bấy giờ là Song Kyun Kwan ở Seoul, một ngôi trường đào tạo về Khổng Giáo được thành lập năm 1308. Đứa trẻ lúc bấy giờ mới mười hai tuổi.

 

Ngài du hành về miền Nam đến tỉnh Jeolla với sư phụ, nhưng vị sư phụ ngay sau đó trở về Seoul vì song thân qua đời. So Sahn ở lại một mình, và một hôm, ngài tổ chức một cuộc du hành cùng với những người bạn từ ngôi trường trong làng. Trong cuộc du hành, trước tiên ngài đến học kinh Phật với ngài Sung In ở núi Ji Ri. Nhìn thấy con đường nội tâm mà kinh điển chỉ ra, ngài lập tức thực hành tham Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Bu Yong Yong Kwan. Lúc đó ngài mười tám tuổi. Đến hai mươi mốt tuồi ngài giải ngộ, và thọ giới để trở thành một tăng sĩ.

 

Sau tám năm liên tục tu học, một ngày kia khi đang đi qua làng, ngài thình lình giác ngộ khi nghe tiếng gà gáy. Ngài viết một bài kệ nói lên sở ngộ:

 

Người xưa há không bảo

Tóc bạc tâm không bạc

Vừa nghe tíếng gà gáy

Việc suốt đời trọn nên.

 

Ngài So Sahn dễ dàng vượt qua cuộc sát hạch toàn quốc rất khó khăn để được gia nhập vào đời sống tu sĩ, và không lâu sau được bổ nhiệm lãnh đạo Thiền tông, và sau đó lãnh đạo Giáo tông. Sau ba năm phục vụ, ngài xin từ chức và lui về sống ẩn tu trên núi Kim Cương.

 

Lúc bấy giờ, một bài thơ của ngài So Shan gây nhiều tranh luận trong quần chúng, có người còn nghi ngờ rằng ngài có nhúng tay vào một số mưu đồ chính trị lúc bấy giờ. Nhưng khi ngài bị đưa vào để thấm vấn trước vị vua đầy uy quyền, triều đình chẳng tìm thấy gì ngoài sự kích động trước bản chất đơn giản và lòng tư bi tỏa sáng trong cung cách của ngài. Với giọng nói nhún nhường và dịu dàng của ngài, sự việc liền sáng tỏ rằng vị tăng sĩ nầy không có ý muốn nào trong những sự việc thế tục, và ngài được chính vua Seon Jo ra lịnh tha bổng. Từ đó, nhận ra sự liên hệ nhân duyên, ngài giữ mối quan hệ bạn bè với vị vua trong nhiều năm sau đó.

 

Nhưng một biến cố xảy ra cho đất nước đã giao phó cho ngài So Sahn một trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo về nhân dân Triều Tiên. Đó là một nhiệm vụ không phải dành cho tu sĩ, nhưng ngài So Sahn nhận lãnh (mặc dù miễn cưỡng và với một tâm thức không vui) một cách trang trọng để trở thành một nhân vật lịch sử được yêu mến nhất cho đến ngày nay.

 

Vào năm 1592, Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên và tiến hành những cuôc hành quân đẫm máu khắp bán đảo, tiêu hủy hoặc cướp đi những tác phẩm lớn nhất của đất nước gởi về Nhật. Nhân dân Triều Tiên, từ lâu chú trọng việc học Khổng giáo hơn là rèn luyện quân sự, hoàn toàn bất lực trước cuộc tấn công dữ dội. Những người xâm lăng ngang nhiên cướp bóc và di chuyển qua các đô thị, các làng mạc những phụ nữ, vô số tác phẩm văn hóa và những nghệ nhân lớn nhất để đưa về Nhật. Đất nước đứng trước vực thẳm suy vong.

 

Cho đến thời điểm nầy, Phật giáo, mà từ nhiều thế kỷ được coi là quốc giáo cho đến khi chính quyền Nho giáo được dựng lên, đã bị những người lãnh đạo Nho giáo chèn ép. Nhưng với nhiều ngàn tăng sĩ trong những tu viện lớn, chính quyền không còn chọn lựa nào khác: Sự rèn luyện và tổ chức có kỷ luật cao của những cộng đồng tu sĩ Phật giáo là khả năng duy nhất cho chính quyền Nho giáo – đã liên tục bỏ chạy trước sự xâm lăng càng ngày càng siết chặt của quân Nhật – để trang bị cho một cuộc chống đỡ có hiệu quả. Đó là một khối nhân lực không thể coi nhẹ.

 

Những người lãnh đạo Nho giáo thỉnh cầu vị tu sĩ có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ đem khối tài nguyên nầy ra giúp tổ quốc nhưng cơ hội thuyết phục thật rất nhỏ. Làm thế nào những người được rèn luyện trong giáo lý từ bi và không tổn hại có thể bị thuyết phục tham gia vào việc bảo vệ quốc gia – một thực thể thế tục được coi là một phần của thế giới giả tạo của những biểu hiện của luân hồi?

 

Đại sư So Sahn được biết như là người hòa giải những khuynh hướng trái ngược. Ngài đã thống hợp các tông phái Thiền và Giáo, mặc dù có những sự khác biệt gốc rễ sâu xa. Liệu ngài có thể hòa hợp nỗi hiểm họa sống còn của quốc gia với truyền thống tu viện đặt nền tảng trên giáo lỳ từ bi và không tổn hại, không sát hại bất cứ một sinh mạng nào?

 

Ở tuổi sáu mươi chín với con tim trĩu nặng do quyết định của mình, ngài đã đi khắp nơi trong nước để thành lập một đội quân vì công lý và trung nghĩa với hàng ngàn tăng sĩ. Tinh thần kỹ luật, sự ngoan cường và lòng hy sinh của họ cho một mục đích duy nhất là những tính chất đã làm thay đổi chiều hướng cuộc xâm lăng. Quân Nhật bị áp đảo khi nhìn thấy những đoàn quân tu sĩ hành quân qua các làng mạc bảo vệ tổ quốc của họ nhưng không có những hành động tàn bạo với kẻ xâm lăng. Những người tấn công may mắn khi rơi vào tay đoàn quân của ngài So Sahn không bị chém hay đem ra hành hạ (như thói quen đối xứ với hầu hết tù nhân lúc bấy giờ), nhưng được đối xử với tình người và lòng từ bi. Còn phải nói rằng sự anh dũng phi thường của “đoàn quân tu sĩ” nầy ngang ngữa với những người xâm lăng Nhật bản, và còn trội hơn trong nhiều trận đánh lớn.

 

Đại sư So Sahn và đoàn quân tu sĩ lớn lao của ngài liên tục là một cái gai đối với quân Nhật, và góp phần lớn lao trong việc rút sớm của các lực lượng Nhật ra khỏi bán đảo Trìều Tiên. Khi hòa bình được hoàn toàn tái lập, ngài So Sahn được đề cử vào chức vụ cao nhất của Phật Giáo Triều Tiên. Đại tướng Lee Yo-Song, vị chỉ huy trưởng đội quân tăng viện Trung hoa cho Triều Tiên, đã viết những giòng sau đây để tán dương ngài:

 

Từ bỏ tiếng tăm và vinh dự vì lợi ích của việc tu Đạo,

Đại Sư đứng lên vì hiểm họa của quốc gia.

Ngay sau khi Hán Thành được lấy lại và vị vua trở về cung điện, đại sư lại xin từ chức vì tuổi già, và tiến cử hai người đệ tử, ngài Sam Yong và ngài Cheo Yeong. Từ chối những tước hiệu triều đình và những ban thưởng uy quyền thế tục trong chính phủ mới, ngài trở về đời sống tu sĩ, vân du đây đó trong những chốn xa xăm của những rặng núi Kim Cương, núi Ji Ri và núi Myo Hyang như một đám mây. Người ta nói rằng lúc nào ngài cũng có hơn ngàn đệ tử đi theo, chờ đợi từng lời dạy của ngài, trong số đó có trên bảy mươi vị đắc pháp.

 

Vào ngày hai mươi ba tháng Giêng năm 1604, đại sư ban cho đệ tử vân tập ở chùa Won Jeok Sah ở núi Myo Hyang một thời Pháp. Sau đó, ngài liếc nhìn bức hình của ngài treo trên tường, ngài ngừng giảng, viết xuống một bài kệ. Sau khi viết xong giòng cuối cùng, ngài nhập Niết bàn trong khi vẫn ngồi thằng trong tư thế thiền định:

 

Tám mươi năm trước, cái đó là ta

Tám mươi năm sau, ta là cái đó?

 

Tác phẩm của ngài gồm có Gương Thiền (Thiền Gia Quy Giám), Tìm Hiểu Thiền Và Giáo, Tấm Gương Của Ba Tông Phái, Bàn Thờ Của Mây Và Nước, và Cheong-heo Toàn Tập gồm bốn cuốn.

 

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn Thiền Gia Quy Giám là trong kỳ Thiền thất ở trung tâm Do Seol Zen Center tại chùa Hae In Sah. Lúc đó, tôi mượn một bản in ronéo từ một vị sư già. Tôi thấy mỗi lời trong đó đều như sống, là “sinh cú” chân thật mà ngài đã dạy cho đệ tử, một pháp thoại nghiêm túc có thể áp dụng cho mọi hành giả tu Đạo.

 

Thời gian đó ở Đại Hàn chưa có máy photocopier nên tôi vội vã xuống làng lân cận để tìm mua một cuốn tập học trò, và bắt đầu chép lại bằng tay vào buổi tối với cây bút chì nhỏ gọt bằng dao. Khi tôi chép được nửa cuốn, vị sư già cho tôi mượn sách thấy đèn sáng trong phòng tôi. Khi tôi nói vời ngài việc tôi đang làm, ngài mỉn cười nói: “Nếu anh thích cuốn sách nầy quá, anh có thể giữ nó.” Những giọt nước mắt lăn trên má, tôi phục xuống bái tạ ngài. Tôi vẫn cảm ơn lòng lân mẫn của ngài cho đến khi tôi viết những lời nầy.

 

Từ đó, lúc nào tôi cũng muốn giúp những bạn đồng tu đọc cuốn sách nầy.

 

Vào mùa Thu năm 1961, tôi bắt đầu dịch tác phẩm gốc của ngài So Sahn từ tiếng Hán sang tiếng Đại Hàn ở chùa Hae In Sah. Sách tham khảo của tôi là tác phẩm gốc Tỉm Hiều Thiền Và Giáo, một tác phẩm tiếng Hán khác của chùa Won Jeok Sah, và bản tiếng Hàn ở chùa Song Gwang Sah. Tôi được sách tấn hơn nữa bởi những sự tương đồng giữa xưa và nay: Hoàn cảnh Phật Giáo Đại Hàn đã thúc giục tác giả viết cuốn sách nầy bốn trăm năm trước vẫn còn rất thích hợp với hoàn cảnh Phật Giáo Đại Hàn ngày nay.

 

Bản dịch của tôi được Boep Tong Sah xuất bản lần đầu vào năm 1962 với tựa đề Seonhak-ganhaeng-hoe. Lần tái bản là vào năm 1971 do Hong Boep Won, và nhà xuất bản được chuyển sang Jeong Um Mun Goh vào năm 1976. Bản dịch nầy đã được in ra nhiều lần và đã được đọc trong cũng như ngoài Phật Giáo, dĩ nhiên chỉ vì ngài So Sahn đã ban cho những lời dạy nghiêm túc.

 

Những ấn bản Hàn ngữ tương tự cuốn sách nầy gần đây lan tràn với tên của nhiều người dịch và nhiều nhà xuất bản. Gần đây, khi duyệt lại bản dịch nầy, tôi may mắn có dịp đọc lại bản gốc. Dù chúng ta có nghĩ rằng chúng ta hiểu đến mức nào, những tác phẩm cổ điển lớn luôn luôn truyền cảm hứng mới cho chúng ta mỗi khi chúng ta đọc lại. Tôi cũng đã có cơ hội sửa chữa một số sai lầm trong bản dịch trước. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến nhà xuất bản Dong Jjok Nara đã cho tôi cơ hội so sánh bản dịch trước với bản dịch mới từng chữ một, để có một bản dịch hoàn hảo và sáng sủa hơn.

 

“Học kinh Phật, nếu không quán xét nơi tâm, dù học 84,000 bộ kinh cũng không ích gì.”

 

Đó là lời dạy của Đại Sư So Sahn, và với lòng biết ơn sâu xa đối với ngài, tôi gởi gắm chúng vào việc thực hành và quan trọng nhất, sự giác ngộ của tất cả mọi người đang có bản lục nầy.

 

Chùa Kil Sang Sah, Hán Thành

Tỳ kheo Boep Joeng Sunim

SHARE:

Để lại một bình luận