SHARE:
Bản dịch Thiền Gia Quy Giám nầy là bản dịch Anh ngữ toàn bộ đầu tiên tác phẩm cổ điển vượt thời gian nầy ở phương Tây.
Nếu bạn có dịp vào sâu trong những núi non và thung lũng ở Đại Hàn, hỏi thăm những vị tăng ni, những người ẩn cư và những nhà khổ hạnh tu tập thiền định về bản tóm tắt giáo lý cần thiết, nền tảng nhất ngoài các kinh do Đức Phật dạy, bạn sẽ nghe hầu hết các vị nầy chọn Thiền Gia Quy Giám. Đó là một bản văn được trích dẫn nhiều nhất, được đề cập nhiều nhất trong những trà thất và giảng đường ở các chùa Đại Hàn. Các tăng ni thường được một vị lão sư viết một trong những câu kệ trứ danh trong đó dưới dạng thư pháp để dán lên tường trong am thất, hoặc tặng cho bạn cùng tu thiền như một tặng phẩm quí giá để sách tấn việc tu tập. Như tất cả những tăng ni Đại Hàn khác, thầy tôi, Thiền Sư Seung Sahn, chịu ảnh hưởng sâu xa từ những lời dạy của ngài So Sahn: những lời khích lệ và những mẫu chuyện trong tập sách nầy thường được đề cập trong những lời dạy của ngài. Và khi Thiền Sư Seung Sahn đến Hoa Kỳ, một trong những việc ngài cố gắng thực hiện là khuyến khích một trong những đệ tử thân cận của ngài dịch tác phẩm nầy. (Nó chưa bao giờ được hoàn thành.) Tác phẩm do ngài viết, The Compass of Zen, là một tác phẩm tiếp nối trực tiếp, có thể nói là một tác phẩm tiếp nối tinh thẩn của Thiền Gia Quy Giám, chia sẻ mục đích, sự súc tích, và cả cấu trúc. Trải qua nhiều thế kỷ, Thiền Gia Quy Giám đã được dùng ở các Thiền đường Nhật Bản và Trung Hoa để học hỏi về những chỉ dẫn súc tích cho việc tu tập.
Không phải là một học giả cũng không phải là một dịch giả chuyên môn, tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ cả gan dám đụng đến một bản văn tôn kính như bản văn nầy. Tuy nhiên việc quyết định thực hiện được thôi thúc bằng một sức mạnh hòa nhã của ngài Boep Joeng, một vị Thiền tăng, nhà hoạt động, thi sĩ, và theo ý kiến chung là một đại biểu tâm linh còn sống được tôn kính nhất trong các giáo phái ở Nam Hàn ngày nay. Bản dịch Thiền Gia Quy Giám của ngài, được dịch từ vài thập niên trước từ bản Hán văn sang tiếng mẹ đẻ Đại Hàn, được chính phủ Hàn Quốc chọn làm đại diện cho những tác phẩm nổi bậc trong nền văn chương nghệ thuật Hàn Quốc tại Hội Chợ Sách Frankfurt ở Đức. Bản dịch của ngài được coi là bản dịch hay nhất tử bản Hán văn sang tiếng mẹ đẻ, và bản dịch của tôi “nhìn qua cặp mắt” bản dịch của ngài để có bản Thiền Gia Quy Giám tiếng Anh.
Do đó, những người đựợc rèn luyện nhiều hơn trong lãnh vực cổ học Trung Hoa hay Phật Giáo có lẽ cần tìm hiểu làm sao một người không được chuẩn bị về học thuật trong lãnh vực lại dịch một tác phẩm thuộc loại đó như cuốn Thiền Gia Quy Giám.
Vào một ngày tháng Ba năm 2004, tôi được cho biết là ngài Boep Joeng Sunim muốn gặp tôi tại Gil Sang Sah, một ngôi chùa ở miền bắc trung bộ Hàn Quốc. Lúc bấy giờ tôi đang làm giáo thọ hướng dẫn ở Trung Tâm Thiền Quốc Tế Hán Thành tại Chùa Hwa Gye Sah, và là thư ký thị giả cho Thầy tôi là Thiền Sư Seung Sahn. Liệu tôi có thể dịch tác phẩm nầy sang Anh ngữ để giới thiệu cho thế giới được không?
Việc tôi có thể dốt chữ Hán, và thiếu khả năng về Hàn ngữ, đối với ngài Boep Joeng Sunim không là vấn đề. Có cơ hội được quỳ trước vị Thầy lớn lao nầy, hoặc được nghe bất cứ lời nào của ngài là một dịp may đặc biệt hiềm hoi. Ngài cứng rắn từ chối việc thường xuyên phải vào thành phố. Ngài thích chiếc lều ọp ẹp không ở chỗ nào cố định trong núi rừng của ngài hơn. Ngài cũng cứng rắn từ chối không cho phép dịch những bài viết của ngài sang Anh ngữ, có thể vì ngài biết rằng nó sẽ làm tăng tiếng tăm, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh khổ hạnh của ngài.
Bên cạnh người đệ tử thân cận lặng lẽ pha trà, một loại trà xanh mùi thơm dịu, thật rất khó từ chối yêu cầu của ngài. Dịch lời của ngài Boep Joeng Sunim đã là công việc lớn lao khó lường, phía sau đó lại là một đỉnh núi vĩ đại, cao ngất nhô lên giữa những rặng núi lớn, đó là Đại Sư So Sahn. Đây lại là một tác phẩm gieo giống Phật của ngài. Và tôi chỉ là một Thiền tăng, một người Mỹ sinh trưởng ở New Jersy, sự tu tập và đạo hạnh còn thiếu sót, và là một người không được học tí nào về Hán học cổ điển.
Khi tôi nêu ra một cách thất vọng tên nhiều người đủ tư cách hơn tôi để nhận lãnh trách nhiệm nầy, người nào ngài Boep Joeng Sunim cũng chỉ lắc đầu. Môi ngài mím chặt với danh sách dài thêm. Và lý do bên sau sự cương quyết hòa nhã của ngài trở nên rõ ràng khi ngài nói: “Không phải người nào cũng có thể dịch cuốn sách nầy và đạt được ý nghĩa chân thật của ngài So Sahn. Những người mà con đề cập không phải là những người có tu tập. Những người đó có thể đủ khả năng về mặt nầy hay mặc khác về chữ nghĩa, và có thể hiều tíếng Anh. Nhưng họ không tu tập thiền quán. Chỉ người nào thật sự tu tập thiền quán – và nếu là một Thiền tăng thì càng tốt, phó thác cả thân-tâm, mới có thể tiếp xúc với ý nghĩa chân thật của những lời dạy nầy. Và tốt hơn nhiều nếu tăng sĩ đó thật sự thực hành một cách đúng đắn.”
Như vậy, quan tâm của ngài Boep Joeng Sunim là thiền quán – thuần túy và đơn giản – không phải là sự chuẩn bị về trí thức. Đối với ngài, ý nghĩa bên trong của tác phẩm nầy đối với người tu thiền là quan trọng hơn cả, quan trọng hơn nhiều việc dịch chuẩn xác, cứng nhắc của học giả. Khoảng sáu tháng làm việc, sau khi tiếp xúc với nhiều tình huống, tôi nhận ra rằng việc dịch thuần túy nghĩa đen, chữ qua chữ từ Hán ngữ sang Hàn ngữ sang Anh ngữ chẳng những nhàm chán và thiếu sót, mà còn làm hỏng nhiều điểm chính yếu của lời dạy, ý nghĩa tinh tế và sâu xa của ngài So Sahn, tôi lại tìm đến ngài Boep Joeng Sunim. Đến cách thế nào để tôi vẫn còn giữ được hay đánh mất lòng tin của ngài vào những cố gắng của tôi?
Lời của ngài mở ra cho tôi những ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa hơn của bản văn nầy, và tôi trở lại với công việc bằng một lòng tự tin lớn hơn. Ngài nói: “Tất cả những kinh điển được dịch ở Trung hoa cơ bản có hai vị dịch giả lớn dịch từ Phạn văn sang Hán văn được biết đến nhiều nhất cho đến ngày nay. Ngài Huyền Tráng dịch chữ-sang-chữ, bám chặt vào nghĩa đen rất nghiêm nhặt và thận trọng, kết hợp ‘chính xác’ mỗi chữ Phạn với chữ Trung hoa tương đuơng gần nhất. Còn ngài Cưu Ma La Thập, trong khi dịch đúng, chấp nhận một sự cởi mở hơn, cho phép các bản văn được đọc theo cách khác hơn là một bản dịch quá sát nghĩa đen. Một số người lúc bấy giờ cho rằng bản dịch của ngài không có tính chính thống, ngay cả còn cho rằng không chính xác. Nhưng điều quan trọng đối với ngài Cưu Ma La Thập là làm sao cho bản kinh có thể được chuyên chở theo cách bày tỏ của người Trung hoa, theo cách thức tự nhiên cho họ hơn những bản dịch nghiêm nhặt. Và con biết thế nào không? Những bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập ngày nay được đánh giá cao hơn, và tuyệt đối được những thiền tăng quí chuộng hơn là những bản dịch được coi là ‘chính xác’ của ngài Huyền Tráng.” Sau khi hớp một ngụm trà, ngài nhắm mắt lại và nói với một nụ cười đôn hậu: “Bây giờ con phải trở thành một Cưu Ma La Thập Hoa kỳ.”
Quí vị học giả có thể thất vọng. Nhưng ngài không ngớt thuyết phục tôi nên tạo một bản dịch tiện lợi cho độc giả Tây phương ngày nay hiểu được những điều ngài So Sahn muốn nói. Tôi đã cố gắng bằng mọi giá để tạo một bản dịch mà trong khi vẫn lắng nghe kỹ lưỡng mỗi chữ Hán mà ngài So Sahn viết xuống nhưng đồng thời vẫn không bị nô lệ bởi ý nghĩa quy ước của những từ ngữ đó, đặc biệt là việc ngài đã viết với một văn phong rất trang trọng trong một bối cảnh thời đại và tu viện rất xa với bối cảnh của chúng ta ngày nay ở phương Tây.
Nếu tôi thành công về phương diện nào đó thì khi đọc bản dịch nầy, bạn sẽ không thấy một sự cổ xưa xa cách nói lên bằng một ngôn ngữ cô đọng khó thâm nhập của thời gian cách nay nhiều thế kỷ, nhưng như một vị thầy đang ngồi xếp bằng ngay trước bạn, nói bằng ngôn ngữ của bạn để giúp bạn tu tập ngay trong phút giây hiện tại.
Một ghi chú về chính tả: Độc giả của bản dịch nầy dĩ nhiên là những độc giả trong cảnh ngữ Tây phương. Nhưng đây là một bản văn chứa đựng những câu chuyện liên quan đến những vị thầy, những văn bản, những tên chùa, những địa danh và những giáo lý Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn. Mỗi hệ thống ngôn ngữ nầy có quy luật riêng để chuyển ngữ một cách thích hợp sang Anh ngữ. Không có cách nào để tiêu chuẩn hóa những cách đánh vần tất cả các tên gọi và thuật ngữ để thỏa mãn kinh nghiệm của độc giả ở phương Tây, tất cả họ đến với bản văn nầy từ những truyền thống tâm linh khác nhau.
Những thuật ngữ tiếng Phạn vẫn giữ nguyên chuyển ngữ trong văn thể tiếng Anh tiêu chuẩn. Nhưng “Hàn hóa” việc chuyển ngữ sang tíếng Anh những từ Phật giáo và địa danh chỉ với mục đích “tiêu chuẩn hóa” có thể làm cho nhiều độc giả Tây phương khó hiểu vì từ lâu họ đã quen với những tên đã được tiêu chuẩn hóa bằng khả năng sáng tạo tiếng Anh qua nhiều năm dịch thuật của các học giả tiếng Hán và tiếng Nhật.
Do đó, trong trường hợp những tên và thuật ngữ Đại Hàn và Trung Hoa, một thể loại chữ Trung Hoa tiêu chuẩn, Wade-Giles, đã được tiếp nhận cho những tên và thuật ngữ Trung Hoa, và một thể loại chữ Đại Hàn cho những tên và thuật ngữ Đại Hàn. Tên dùng trong đời sống tu viện cho những vị tăng lớn thường là bốn chữ, và để làm rõ, ở đây tên các vị tăng Trung hoa sẽ có gạch nối giữa các chữ, còn tên các vị tăng Đại hàn sẽ không có gạch nối. Việc này cho người đọc thấy ngay trong mạch văn vị nào ở trong truyền thống nào, mà tôi tin là có tác dụng hơn so với sự cứng nhắc khi sử dụng một kiểu.
Một bản dịch trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ là một phản ánh mờ nhạt của bản chính. Kết quả cao nhất cũng chỉ là đưa ra một tấm guơng phản chiều cho bản chính, và ngay một bản dịch cẩn thận nhất cũng chỉ khá hơn chút ít việc phản chiếu màu sắc và hình dạng của bản gốc. Những hình ảnh trong tấm gương có thể đúng nhưng cũng không bao giờ là kinh nghiệm toàn bộ của bản gốc. Kết cấu, cảm nhận, mùi và vị của bản gốc không thể diễn tả bằng hình ảnh phản chiếu.
Điều nầy là sự thật đối với bất kỳ tác phẩm dịch thuật nào. Điều nầy lại càng đúng hơn đối với việc dịch một tác phẩm nguyên bản về Thiền, một tác phẩm muốn có tác dụng giống như một tấm gương – không tùy thuộc vào chữ hay lời, chỉ thẳng vào chân tánh của chúng ta. Cố gắng dịch một tác phẩm kinh điển, ngay từ khởi đầu đã đầy những sai lầm: sai lầm biết bao khi diễn dịch cái tâm như tấm gương của một vị Đại Thiền Sư. Chẳng phải là chính Thiền sư So Shan nói rằng, trong khi mọi giáo lý dùng ngôn ngữ để chỉ vào thế giới vô ngôn, Thiền dùng vô ngôn để chỉ vào thế giới vô ngôn đó sao? Do đó làm thế nào có thể tin tưởng để chuyển tải cái đó?
Boep Joeng Sunim (b. 1932) có thể không phải là một cái tên quen thuộc đối với người Tây phương, nhưng giáo pháp của ngài và cuộc sống thiền quán một mình, sự khổ hạnh nghiêm nhặt, đức hạnh cũng như sự trong sạch tuyệt vời của ngài, mọi người Đại Hàn đều biết. Mặc dù tác phẩm của ngài được mọi người đọc, không phân biệt tôn giáo, và sách của ngài là những cuốn sách bán chạy nhất trong ba mươi hay bốn mươi năm qua, ngài xa lánh sự giàu có, danh vị, và ngay cả một ngôi chùa riêng, sống trong một túp lều nước và điện không bắt tới nằm sâu trong những rặng núi ở vùng xa. Vị trí của túp lều ngay cả các đệ tử xuất gia của ngài cũng không biết. Sự nghiêm nhặt trong việc giữ giới không sở hữu của ngài thật là khó tin.
Bản dịch của ngài Boep Joeng Sunim là lý do có mặt của bản dịch nầy. Nhưng nền tảng vẫn là bản văn nguyên thủy của ngài So Shan. Bản dịch nầy căn bản được dịch từ bản dịch của ngài Boep Joeng Sunim, nhưng mỗi tiết, mỗi chữ tôi đều quay về đối chiếu trực tiếp với bản Hán văn của ngài So Sahn. Tôi đã gặp nhiều khó khăn với sự diễn đạt có khuynh hướng Đại Hàn của ngài Boep Joeng Sonim, nó đã tạo ra một định kiến nhỏ làm cho ý nghĩa nguyên thủy của bản văn xa rời với cách diễn đạt bằng tiếng Anh.
Để tránh bớt bản văn khỏi sự ô nhiễm do sự vô minh của tôi, tôi thường thỉnh ý vị đại tăng đương thời, ngài Song Dahm, trong trường hợp có nhiều nghĩa khác nhau. Tôi cũng đã hỏi ý kiến nhiều vị tăng khác về những lãnh vực mà kiến thức về Hán văn và Phật giáo của tôi còn yếu kém. Các vị ấy không được đề cập ở đây vì sợ rằng sẽ ghép chung các vị ấy vào sự sai quấy của tôi trong những thiếu sót không tránh khỏi của bản dịch nầy.
Và tôi đã làm việc với bản dịch nầy trên hai năm rưỡi, mỗi ba tháng lại ngưng để nhập thất tham thiền tịnh tu trong ba tháng theo truyền thống mà tôi đã thực hành trong mười sáu năm qua. Cuối ba tháng, trở về từ những núi rừng đầy sương mù, Thiền Gia Quy Giám luôn luôn vẫn chờ, và tôi lại cầm lấy, tươi tỉnh với chin mươi ngày chỉ chuyên ròng tham thiền, để nhìn thẳng vào ý nghĩa của nó và việc dịch Anh ngữ của tôi lại bắt đầu. Cách sắp xếp lịch làm việc nầy kéo dài thời gian hoàn tất công việc cao quý nầy, nó cũng là ý muốn trang trọng của tôi rằng giai đoạn chia sẻ công việc nầy với việc tham thiền đã cho bản dịch một chiều sâu sống động, sự tươi mát, thật sự đặt chân vào cuộc sống mà Đại Sư So Sahn chỉ vào và đặt biệt là sự đáng tin cậy.
Tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ của cô Sohn Jong-In đã lo cho tôi một cái sườn của bản thảo. Tôi cũng đã được hướng dẫn với một bản dịch không xuất bản do một người bạn thân của tôi là Charles Mark Mueller thực hiện nhiều năm trước cho dòng Choye của Phật Giáo Đại Hàn. Đó là một bản dịch đầu tiên đã mở ra cho tôi thế giới của ngài So Sahn, và tôi xin cảm ơn những nỗ lực của anh cũng như việc đã rộng lượng cho tôi những ý tưởng ở nhiều điểm trong bản thảo.
Xin cảm ơn mọi người ở Shambhala Publications, đặt biệt là Jonathan Green, Eden Steinberg và Ben Gleason trong việc đánh giá tác phẩm nầy và sự chuyên môn vô cùng tinh tế về mọi khía cạnh trong việc ấn hành tác phẩm.
Ngày đầu tiên của Kỳ Nhập Thất Tham Thiền Ba Tháng Mùa Đông, 2006
Thiền Đường Joeng Hae Sah, chùa Su Dok Sah, Núi Dok Sueng Sahn, Công Hòa Hàn Quốc.
Hyon Gak Sunim.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS