SHARE:
Bấy giờ Đại sư đến chùa Bảo Lâm, ở Thiều Châu. Có quan Thứ sử Vi Cừ cùng các quan chức vào núi thỉnh sư đến giảng đường chùa Đại Phạm ở trong thành khai duyên thuyết pháp cho đại chúng.
Sư lên tòa, Vi thứ sử cùng quan chức trên ba mươi người và tăng ni đạo tục trên một ngàn người đồng thời làm lễ xin nghe pháp yếu.
Đại sư nói với chúng rằng: Các thiện tri thức, tự tánh Bồ đề (giác ngộ) xưa nay vốn thanh tịnh. Chỉ dùng tâm này bèn trực tiếp thành Phật.
Tự tánh giác ngộ xưa nay vốn thanh tịnh, chưa từng bị nhiễm ô bởi sanh tử trói buộc. Tự tánh giác ngộ ấy chính là bản tánh của cái tâm hiện giờ của chúng ta. Khám phá ra khuôn mặt xưa nay của cái tâm hiện giờ của chúng ta bèn trực tiếp thấy Phật và thành Phật.
Câu thuyết pháp mở đầu này nói ra toàn bộ pháp yếu của Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng. Tất cả những lời giảng dạy của toàn bộ cuốn kinh là giảng dạy tâm này, tu hành là tu hành tâm này, Khai Thị Ngộ Nhập là khai thị ngộ nhập tâm này, thành chúng sanh hay thành Phật là ở tâm này.
Vậy thì để có thể nghe, ngộ, nhập bản tánh của tâm hay chân tâm, đây cũng là Nền tảng, Con đường, Quả của Đại Toàn Thiện và Đại Ấn của Phật giáo Ấn Tạng, chúng ta cần tập trung tất cả năng lượng vào cái tâm hiện giờ đây của mình.
“Tự tánh hay tự tâm xưa nay vốn thanh tịnh”: Tự tánh vốn có mặt từ xưa nay và mãi mãi về sau, và nó thanh tịnh như vậy suốt cả không gian và thời gian. Vì nó luôn luôn có mặt nên cái gì có mặt, sự vật tư tưởng có mặt đều là có mặt trong nó. Nó luôn luôn có mặt và trùm khắp xưa nay nên không có cái gì có thể ở ngoài nó, một sự vật, một ý niệm, một tình cảm, một kinh nghiệm.
Tóm lại nó là Nền tảng của tất cả mọi thứ hiện hữu. Thấy được Nền tảng của tất cả mọi thứ hiện hữu này gọi là thấy tánh.
Ở sau Lục Tổ thường nói đến lòng tin. Có tin thì mới có thực hành, có thực hành mới có ngày Phật pháp hiện tiền. Có tin thì mới có lúc tương ưng được với lời dạy chỉ thẳng của Lục Tổ. Có tin thì mới thấy một câu nói của Lục Tổ là vàng ròng để mà tôn kính, ngay dưới lời nói mà đại ngộ.
Thế nên, Thiền tông thường nói, “Tin tức nhập”. Kinh Hoa Nghiêm nói, “Tin là mẹ của tất cả các công đức”.
Các thiện tri thức, hãy lắng nghe quá trình và sự kiện đắc pháp của Huệ Năng này.
Thân phụ của Huệ Năng nguyên quán ở Phạm Dương bị giáng chức đày về Lãnh Nam ở Tân Châu làm dân thường. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, còn một mẹ già cô độc, phải dời nhà qua Nam Hải, khổ cực nghèo thiếu, phải làm nghề bán củi nơi chợ.
Lúc ấy có một người khách mua củi, bảo đem đến tiệm. Khách nhận rồi, Huệ Năng lãnh tiền bước ra ngoài cửa, thấy một người khách tụng kinh. Huệ Năng này nghe qua lời kinh, tâm liền mở tỏ.
Mới hỏi khách tụng kinh gì. Khách đáp: Kinh Kim Cương. Lại hỏi: “Ông ở đâu đến mà trì tụng kinh ấy?” Khách đáp: “Tôi từ chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai xứ Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư chủ trì giáo hóa tại đó, đệ tử có trên một ngàn người. Tôi đã đến chùa lễ bái nghe giảng và lãnh thọ kinh này. Đại sư thường khuyên tăng tục nên trì tụng kinh Kim Cương thì tự thấy tánh, thẳng ngay thành Phật”.
Huệ Năng này nghe nói, cũng do duyên đời trước, bèn được người khách cho mười lượng bạc, bảo sung vào việc ăn mặc của lão mẫu và dạy qua huyện Huỳnh Mai tham bái Ngũ Tổ.
Ngài Huệ Năng thuở nhỏ cha mất sớm, phải sống cơ cực, làm nghề bán củi ở một nơi xa thành thị. Chính trong đời sống thường nhật cơ cực đó, một hôm tình cờ nghe một người khách tụng Kinh Kim Cương bèn mở trí, tìm hỏi và định đến nơi để học. Muốn tìm học kinh, rồi lại được người khách cho tiền lo cho mẹ già để ra đi, hẳn là “do duyên đời trước”. Duyên nghiệp đời trước với kinh Kim Cương, với Ngũ Tổ, thế mới thấy rõ ràng đạo Phật là sự tích tập phước đức và trí huệ. Nếu thiếu nhiều một cái, thì “hành do” ngộ đạo sẽ không thành.
Kinh Kim Cương chỉ thẳng bản tánh hay tự tánh rỗng rang bao la như hư không của chúng ta. Thấy được nó, là một với nó thì giải thoát, giác ngộ.
Huệ Năng này an trí mẹ già xong rồi, liền từ giả, chẳng đầy ba mươi ngày, đi đến Hoàng Mai đảnh lễ Ngũ Tổ.
Tổ hỏi: Ngươi là người phương nào? Muốn cầu cái gì?
Huệ Năng này thưa: Đệ tử là dân thường ở Tân Châu xứ Lãnh Nam, từ phương xa đến đảnh lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật chớ chẳng cầu cái gì khác.
Tổ nói: Ngươi là người Lãnh Nam, lại là giống man di, làm sao kham làm Phật được?
Huệ Năng này nói: Người tuy có Nam Bắc, mà Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân mọi rợ này tuy chẳng đồng với Hòa thượng mà Phật tánh nào có sai khác.
Ngũ Tổ còn muốn nói chuyện nữa nhưng thấy chúng môn đồ nhóm hai bên tả hữu, nên bảo ta theo chúng làm việc.
Huệ Năng này nói: Con xin bạch với Hòa thượng, tự tâm đệ tử thường sanh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, đó là phước điền, vậy chẳng hay Hòa thượng còn dạy làm việc gì?
Tổ nói: Kẻ mọi rợ kia, căn tánh thật lanh lợi, ngươi chớ nói nữa, hãy đi ra nhà sau.
Tự tâm, tự tánh, trí huệ, phước điền, ngài đã thấy là một, tuy chưa rõ ràng xác quyết.
Quả thật thật căn tánh ngài thật lanh lợi, đó là “do duyên đời trước”. Sự tu hành của đời trước sang đời này đâu có mất đi. Chắc hẳn ngài là vị tái sanh.
Nói như vậy là quá hay. Nhưng nếu gặp con cháu về sau trong năm phái thì: với Thiền sư Lâm Tế chắc là bị đánh; gặp Thiền sư Vân Môn thì “Tha cho ông ba mươi gậy”.
Con cháu càng nhiều thì càng có phương tiện thiện xảo. Nhưng mọi phương tiện thiện xảo ấy đâu có ra ngoài tự tâm, tự tánh, trí huệ, phước điền.
Chỉ một câu “chẳng lìa tự tánh” này mà niệm niệm thường thấy, thường hành thì mới mong có ngày biết ơn Lục Tổ.
Huệ Năng này lui về nhà sau, có một hành giả sai Huệ Năng bửa củi đạp chày giả gạo. Trải hơn tám tháng, một ngày kia, Tổ chợt thấy Huệ Năng bèn nói: “Ta nghĩ cái thấy của ngươi khá dùng, song e có kẻ xấu hại ngươi, nên chẳng nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng?”
Huệ Năng thưa: Đệ tử cũng biết ý thầy nên không dám ra đến trước giảng đường để người không biết.
Bị gọi là kẻ mọi rợ, cho về nhà sau giả gạo hơn tám tháng mà không dạy bảo gì, với người cầu đạo phù phiếm thì đã xin đi rồi. “Biết ý thầy” là thầy trò thông cảm nhau, dầu mới ở bình diện đời chứ chưa ở bình diện đạo, nhưng phải nói đây là người tri âm với Tổ.
Kinh Pháp Bảo Đàn quý ở chỗ nói cho chúng ta về đạo biểu hiện trong đời sống hàng ngày. Chính cái bình thường hằng ngày này với những nhân vật bình dị đời thường như Lục Tổ đã làm nên sức sống của Thiền từ thuở ấy đến nay. Thế nên phải tin rằng ngày nào còn có đời sống đời thường thì ngày đó còn có Thiền, vì Thiền hiện diện trong mọi ngõ ngách của đời sống con người. Có một sự việc gì của đời sống ra khỏi Thiền đâu; có một tướng nào ra khỏi tánh đâu?
Một hôm Tổ gọi các môn nhân tề tựu lại mà bảo: “Ta nói cho chúng đệ tử: người đời sự sống chết là việc lớn. Các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền mà chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử. Mê mờ tự tánh thì phước nào cứu được?
Các ông hãy mỗi người tự xem trí huệ, cần từ nơi bản tâm vốn có tánh trí huệ Bát nhã mà làm một bài kệ mà trình cho ta xem. Nếu ngộ đại ý (Phật pháp) ta sẽ trao truyền y, pháp làm Tổ sư đời thứ sáu.
Hãy nhanh chóng lên chớ có trì trệ, còn nếu để suy nghĩ tính toán chen vào thì chẳng ích lợi.
Người thấy tánh thì ngay nơi lời nói mà thấy. Nếu được như vậy thì như người quơ gươm giữa trận cũng vẫn thấy tánh”.
Thiền tông cũng như tất cả các tông phái Phật giáo khác, mục đích tu hành là thoát khỏi sanh tử khổ đau. Người ta giải thoát khỏi sanh tử khi thấy và sống được với cái không sanh không tử vốn thường hằng hiện diện trong mọi thời gian không gian. Cái không sanh không tử đó được gọi bằng rất nhiều tên: Niết bàn tự tâm, Phật tánh, pháp tánh, Pháp thân, Chân Như, tánh Không, bản tánh, tự tánh, trí huệ Bát nhã…, cho đến những từ về sau như bổn lai diện mục, vô vị chân nhân, một mắt lẻ của sa môn….
Khi ngộ được đại ý Phật pháp là ngộ được cái thực tại ban sơ và tối hậu đó, thì lúc nào cũng thấy nó dù cấp bách hỗn loạn như khi múa gươm giữa trận. Lúc ấy không cần suy nghĩ tính toán mà nói ra lời nào, cho đến làm kệ đều hợp với Pháp vì đều lưu xuất từ tự tánh trí huệ.
Đại chúng được lời thầy phân rồi, đồng lui ra nói với nhau rằng: “Chúng ta chẳng nên lóng tâm dụng ý mà làm kệ trình lên Hòa thượng, không ích gì đâu. Thượng tọa Thần Tú hiện là thầy giáo thọ, chắc là làm được. Chúng ta có làm kệ tụng cũng uổng tâm lực mà thôi”. Những người ấy nghe nói vậy đều yên lòng, nói rằng, “Chúng ta sau này nương theo sư Thần Tú, đâu cần làm kệ cho phiền phức”.
Lúc ấy sư Thần Tú suy nghĩ, “Các người ấy không làm kệ là vì ta là thầy giáo thọ của họ. Ta nên làm bài kệ trình Hòa thượng, nếu không trình kệ thì ngài do đâu mà biết cái thấy hiểu sâu cạn trong tâm ta thế nào? Ý trình kệ của ta để cầu pháp thì tốt, còn cầu làm Tổ là xấu, cũng như tâm phàm muốn đoạt ngôi thánh. Còn chẳng trình kệ thì rốt rồi chẳng được pháp. Thật rất khó! Rất khó!”
Trước thiền phòng Ngũ Tổ có ba gian hành lang, ngài tính mời quan Cung phụng là Lư Trân vẽ bức biến tướng Kinh Lăng Già và Ngũ Tổ huyết mạch (sự kế truyền của năm vị Tổ) để lưu truyền cúng dường.
Sư Thần Tú làm kệ xong, đã mấy lần muốn trình nhưng mỗi khi đến trước nhà Tổ thì trong lòng hoảng hốt, mồ hôi ra ướt cả mình, dự định trình kệ không thành. Trước sau trải qua bốn ngày, mười ba phen mà trình kệ chẳng được.
Sư Thần Tú mới suy nghĩ chi bằng chép bài kệ trên vách hành lang, nếu Hòa thượng tình cờ xem thấy mà khen hay thì ta liền ra lễ bái rồi thưa, “Đó là Tú làm”. Còn như ngài nói chẳng được thì thật uổng ở núi mấy năm, thọ sự lễ bái của người mà tu chẳng ra đạo gì.
Đêm ấy canh ba, sư chẳng cho ai biết, tự mình cầm đèn, ghi bài kệ trên vách hành lang phía Nam, trình bày chỗ thấy của tâm mình.
Kệ rằng:
Thân là cây Bồ đề (giác ngộ)
Tâm như đài gương sáng
Giờ giờ siêng phủi sạch
Chớ để lấm bụi trần.
Chúng ta thấy nhân cách ngài Thần Tú thật đáng làm giáo thọ cho thiền đường của Ngũ Tổ. Trình kệ là để cầu pháp chứ không phải để cầu ngôi Tổ: cầu pháp là tốt, còn cầu làm Tổ là xấu. Về sau đạo phong và danh tiếng ngài vang khắp cả nước, là người đầu tiên được triều đình phong cho danh hiệu Thiền sư.
Cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh này là do Pháp Hải, môn đồ của Lục Tổ ghi chép, rồi về sau còn có sự thêm bớt của những người khác trong tông môn nên có sự hạ thấp ngài Thần Tú. Chẳng hạn có ai biết ngài Thần Tú “trong lòng hoảng hốt, mồ hôi ra ướt mình, mười ba phen trình kệ chẳng được, canh ba đêm ấy lén lên viết kệ”?
Nhưng ở đây chúng ta cần bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt ấy để học pháp, cái cốt lõi, cái nền tảng của pháp Thiền Huệ Năng mà về sau lịch sử gọi là “Nam đốn, Bắc tiệm”. Chúng ta cần dựa trên Bốn Y: y vào pháp không y vào người; y vào kinh liễu nghĩa, không y theo kinh bất liễu nghĩa; y vào nghĩa không y vào lời; y vào trí không y vào thức.
So sánh giữa hai bài kệ của hai ngài, chúng ta cần hiểu sự khác biệt của hai pháp tu để thực hành cho cuộc đời hiện tại.
Một điều nữa, đoạn này có nhắc đến Kinh Lăng Già. Kinh này do Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền cho đệ tử để tu và dùng nó để kiểm nghiệm sự tu hành. Đến Ngũ Tổ thì dùng Kinh Kim Cương. Như vậy sự tu chứng của Thiền không lệ thuộc hẳn vào một cuốn kinh nào.
Sư Thần Tú viết bài kệ rồi trở về phòng, không ai hay biết. Sư lại suy nghĩ, “Nếu ngày mai Ngũ Tổ thấy kệ mà hoan hỷ, tức là ta với pháp có duyên; bằng ngài nói chẳng được thì đó là vì ta còn mê, nghiệp chướng đời trước còn nặng, chẳng hợp đắc pháp. Quả thật thánh ý khó dò”. Ở trong phòng lo nghĩ, nằm ngồi chẳng yên, cho đến canh năm.
Tổ vẫn biết sư Thần Tú chưa vào được cửa đạo, chưa thấy tự tánh.
Trời sáng Tổ gọi Lư cung phụng đến, bảo vẽ biến tướng và họa đồ vào vách hành lang phía Nam. Bỗng thấy bài kệ ấy, ngài bảo, “Quan cung phụng chẳng cần vẽ nữa, thật nhọc công ông ở xa đến đây. Kinh nói: ‘Phàm hễ có tướng đều là hư vọng’. Hãy lưu lại bài kệ này cho người trì tụng. Y theo kệ này tu thì khỏi sa vào đường ác, y theo kệ này tu thì có lợi ích lớn.
Ngài dạy các môn nhân thắp hương lễ kính, thảy tụng bài kệ ấy thì được thấy tánh. Các môn nhân tụng kệ đều khen, “Lành thay!”
Canh ba Tổ gọi sư Thần Tú vào thất, hỏi rằng: “Bài kệ ấy phải ông làm chăng?” Sư Tú thưa: “Thật do con làm, nhưng chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa thượng từ bi, xem cho đệ tử có chút trí huệ chăng?”
Ngũ Tổ nói: Ông làm kệ ấy chưa thấy bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong nhà. Như chỗ thấy hiểu ấy mà cầu Vô thượng Giác ngộ thì rốt ráo không thể được.
Vô thượng Giác ngộ là cần ngay dưới lời nói mà biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình vốn chẳng sanh chẳng diệt, trong tất cả mọi thời đều niệm niệm tự thấy. Muôn pháp không trệ ngại, một chân tất cả chân, vạn cảnh tự như như, tâm như như ấy là cái chân thực. Cái thấy như vậy tức là tự tánh Giác ngộ Vô thượng.
Bài kệ của sư Thần Tú còn vướng kẹt trong tướng, tướng tâm như tấm gương, tướng có ta lau chùi, tướng có bụi bặm. Vì còn vướng mắc nơi tướng cho nên chưa thể vào nhà Pháp thân tánh Không tánh Như, mà chưa vào được nhà Pháp thân tánh Không tánh Như thì không thể rốt ráo được Giác ngộ Vô thượng. Giác ngộ Vô thượng là rốt ráo Pháp thân.
Theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa, thì vào nhà Pháp thân là “Sơ Hoan hỷ địa, vì đã tương ưng với Chân Như bất động”.
Theo ngài Ngũ Tổ, vào nhà là “thấy biết bản tâm, bản tánh không sanh không diệt của mình”. Đây là cái thấy biết trực tiếp nên “trong tất cả mọi thời đều niệm niệm tự thấy”. Khi ấy tâm và cảnh là một như như, một tướng thế gian (như một sự vật, một khởi niệm) là chân và tất cả đều chân. Hành giả không sống trong các tướng tạo thành sanh tử nữa, mà sống trong Chân Như, nghĩa là thấy gì, nghe gì, ngửi gì, nếm gì, xúc chạm cái gì, nghĩ gì, đều là Chân Như cả.
Vậy ông hãy lui ra, suy nghĩ một hai ngày, rồi làm bài kệ khác đem cho ta xem. Nếu bài kệ của ông vào được cửa đạo, ta sẽ phó truyền y pháp cho.
Sư Thần Tú làm lễ lui ra, trải qua mấy ngày mà làm kệ chẳng xong, trong lòng bứt rứt, thần ý chẳng an, dường như trong mộng, đi ngồi chẳng vui.
Cách hai ngày sau, có một đồng tử đi ngang qua phòng giã gạo, xướng đọc bài kệ, Huệ Năng này vừa nghe, biết bài kệ chưa thấy bản tánh. Tuy chưa được Tổ chỉ dạy, nhưng đã sớm biết đại ý, mới hỏi đồng tử tụng kệ gì vậy.
Đồng tử nói: Người man di này không hay biết gì hết. Đại sư có nói, người đời sanh tử là việc lớn, vì muốn truyền y bát nên ngài dạy các môn nhân mỗi người làm một bài kệ để ngài xem. Nếu ai ngộ được đại ý, ngài sẽ truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú có chép bài kệ Vô tướng ở vách hành lang phía Nam. Đại sư bảo mỗi người đều tụng, nếu y theo bài kệ ấy mà tu thì khỏi sa vào đường ác, y theo bài kệ ấy thì có lợi ích lớn.
Huệ Năng này nói: Tôi cũng cần tụng bài kệ ấy để kết nhân duyên đời sau. Này thượng nhân, tôi ở đây giã gạo đã trên tám tháng mà chưa từng ra đến pháp đường, mong thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ để lễ bái.
Đồng tử dẫn ta đến trước bài kệ để lễ bái. Huệ Năng nói: Huệ Năng này chẳng biết chữ, xin thượng nhân đọc giùm.
Khi ấy có quan Biệt giá ở Giang Châu, họ Trương tên Nhật Dụng, cất tiếng đọc lớn. Huệ Năng này nghe rồi, bèn nói: “Tôi cũng có một bài kệ, xin quan Biệt giá viết giùm cho”. Quan Biệt giá nói: “Ngươi cũng biết làm kệ nữa sao, việc này thật ít có”.
Huệ Năng này nói với quan Biệt giá rằng: “Muốn học Giác ngộ Vô thượng, chẳng nên khinh người sơ học. Có kẻ bực hạ hạ mà có trí bực thượng thượng. Có người bực thượng thượng mà lại chôn lấp ý trí mình. Nếu khinh người thì có vô lượng vô biên tội.
Quan Biệt giá nói: Ngươi hãy đọc kệ, ta sẽ chép cho. Nếu ngươi đắc pháp phải độ ta trước, chớ nên quên lời.
Huệ Năng đọc bài kệ rằng:
Bồ đề (giác ngộ) vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào vướng trần ai?
Chép bài kệ ấy rồi, đồ chúng đều kinh hãi, ai cũng khen ngợi mà nói với nhau: Lạ thay! Chẳng thể lấy hình dạng bên ngoài mà nhìn người. Làm sao lâu nay chúng ta có thể sai khiến vị Bồ tát xác phàm ấy.
Ngũ Tổ thấy mọi người lạ lùng kinh hãi, e có người làm tổn hại, bèn lấy giày xóa hết bài kệ rồi nói: Kệ này cũng chưa thấy tánh. Chúng nhân đều cho là phải.
Bài kệ của ngài Huệ Năng là cái thấy rõ ràng tánh Không. Nếu nói theo Ấn Tạng là Cái Thấy, Con Đường và Quả, nói theo Trung Hoa là Cảnh, Hạnh, Quả.
Cái Thấy là thấy Pháp thân tánh Không, đây là Nền tảng. Con đường là đi trong tánh Không ấy, và Quả là sự chứng ngộ trọn vẹn tánh Không. Về phần người tu, cái Thấy là thấy tánh Không Nền tảng. Thiền định là tham thiền sâu rộng hơn tánh Không ấy, không bao giờ lìa nó. Hạnh là sống trọn vẹn cái Thấy tánh Không ấy trong toàn bộ thân thể, giác quan và tâm ý của mình. Cuối cùng là Quả, tức là quả vị chứng đắc tánh Không.
Bồ đề, Giác ngộ vốn không cây. Giác ngộ là tánh Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện. Vô tướng thì không có tướng nào để định hình. Vô tác thì không cần lau chùi, phủi sạch gì cả, vì tánh Không thì thanh tịnh bổn nhiên.
Gương sáng chẳng phải đài. Bản tâm hay bản tánh thì như hư không, như tấm gương lớn vô biên, vô hạn mà mọi hiện hữu, mọi kinh nghiệm tốt xấu, mọi tướng đều ở trong nó. Tấm gương ấy không ô nhiễm, không có vật gì dính được nào nó. Nó chứa tất cả bóng mà không có bóng nào dính được vào nó. Tấm gương tâm chứa tất cả hiện hữu ấy xưa nay chưa từng lìa chúng ta một cọng tóc, luôn luôn hiện diện trước mắt mỗi chúng ta.
Xưa nay không một vật. Nó chưa từng bị nhiễm ô bởi sanh tử, mà sanh tử là các vật, các tướng. Trong nó không có tướng sanh tử, nghĩa là “thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương).
Chỗ nào vướng trần ai. Nó là Không, Vô tướng, Vô nguyện, tất cả cái gì xảy ra trong nó, một sự vật, một biến cố, một niệm tưởng đều là Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Chúng ta cần tham thiền về cái thấy này, cho đến lúc thật thấy được nó mà không qua ý niệm, ngôn ngữ, liên tưởng, hình dung.
Cũng cần phải nói rằng dù làm được bài kệ có một không hai trong lịch sử như vậy, ngài Huệ Năng vẫn chưa thực sự chứng ngộ, chưa thực sự thấy tánh. Ngài chỉ mới tiếp cận Pháp thân chứ chưa vào Pháp thân, chưa vào Mười địa. Sự việc này chỉ xảy ra khi Ngũ Tổ giảng cho Kinh Kim Cương và ngài thốt lên năm lần “Nào ngờ…”.
Ngay hôm sau, Tổ lén đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng mang đá trên lưng để giã gạo, nói rằng: Ngươi cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư!
Rồi Tổ hỏi: Gạo đã trắng chưa?
Huệ Năng này đáp: Gạo trắng đã lâu, chỉ còn thiếu sàng.
Tổ lấy gậy gõ nơi cối ba lần rồi bỏ đi.
Huệ Năng này liền hiểu ý Tổ, đến canh ba thì vào thất.
Đọc tới đây, chúng ta đều cảm động. Một Bồ tát tái sanh để làm lợi lạc cho chúng sanh nhưng một khi đã vào sanh tử năm ấm thì còn khổ nhọc như thế. Huống hồ là chúng ta phần lớn đều bị tái sanh vì nghiệp của mình.
Và chúng ta còn cảm động hơn khi nghĩ đến những vị đại sư đã khó nhọc ra đời để duy trì và mở rộng Phật pháp đến với chúng sanh chúng ta.
Kinh Lăng Nghiêm nói nấu cát dù có bao lâu cũng không thể thành cơm. Nhân địa là gạo mới thành cơm. Nhân địa là bản tánh chẳng sanh chẳng diệt mới thành quả địa là giải thoát và giác ngộ. Ngài Huệ Năng tu đúng trên nhân địa là bản tánh chẳng sanh chẳng diệt, nhưng gạo ấy còn chưa sàng để thành gạo nấu cơm. Nghĩa là ngài đã tu xong Mười Tín, Mười Trụ, Mười Hạnh, Mười Hồi Hướng và đang ở Bốn Gia hạnh vị, sàng gạo xong thì vào Mười địa Pháp thân. Vào Pháp thân là thấy Pháp thân, là thấy tánh, là ngộ, từ đây mới có giải thoát và giác ngộ.
Tổ lấy cà sa trùm quanh ta, không cho người thấy, rồi nói Kinh Kim Cương cho. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên không chỗ trụ mà sanh tâm), Huệ Năng này ngay nơi lời nói đại ngộ, thấy biết tất cả muôn pháp chẳng lìa tánh mình. Mới bạch với Tổ rằng:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay,
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp.
Khi tâm thức đã chín muồi như trái chín, đụng vào là rụng. Những phiền não chướng và sở tri chướng cở thô và cở trung đã sạch như gạo trắng, những lớp màn ngăn che với tự tánh Pháp thân được vẹt ra, đây là đại ngộ, trực tiếp thấy Pháp thân, thấy tự tánh.
Cách sửa soạn để giảng cho ngài Huệ Năng của Ngũ Tổ giống như một quán đảnh: chỉ có hai thầy trò, phủ áo cà sa lên người đệ tử, và giảng cho cuốn kinh mà vì nó đệ tử bỏ nhà ra đi, trải qua những năm tháng tha thiết tìm cầu. Khi đệ tử đã sẳn sàng thì đạo lực của thầy qua lời nói của mình phá tan tấm màn che còn lại, để lộ ra Pháp thân tự tánh.
Không phải chỉ câu kinh làm cho ngộ, mà là sự chuẩn bị của đệ tử đã đủ. Như không khí thì luôn luôn có nhưng không có ai để ý, chỉ khi chuẩn bị đầy đủ thì mới nhận ra nó và dùng được nó.
Vậy thì ngài Huệ Năng đại ngộ là đại ngộ cái gì? Ngài đại ngộ thực tại chẳng sanh chẳng diệt thường hằng hiện hữu trong tất cả thời gian và không gian, thường trực hiện tiền mà các kinh điển gọi bằng vô số từ như Niết bàn, Pháp thân, Chân Như, Như Lai Tạng…. Thực tại ấy là chung cho chư Phật, nên được gọi là “mẹ của chư Phật”, chung cho các Bồ tát đã vào địa, và thực tại ấy vẫn có sẳn nơi chúng sanh nên được gọi là bản tâm, bản tánh của chúng sanh.
Chúng ta thấy ngài lập đi lập lại chữ “nào ngờ” và “vốn”, cho thấy tự tánh vốn có sẳn trước mắt, cho nên ngộ là ngộ cái đang có sẳn, thấy tánh là thấy cái tánh đang có trước mắt. Tu hành không phải là tạo lập ra, sửa sang thêm bớt hơn thua gì cả vì tự tánh vốn đã, đang và sẽ như vậy. Tu là lìa những cái đang che khuất tự tánh, bởi thế suốt cuốn kinh ngài hay nói “lìa tướng”. Lìa tướng thì đây là tánh.
Thấy biết tất cả muôn pháp, sự vật, thân tâm, thế giới xưa nay chẳng lìa tánh mình, nghĩa là xưa nay mình và tất cả đều ở trong tánh, chưa từng cách hở mảy may. Như xưa nay các bóng vẫn ở trong gương, bóng chính là gương. Xưa nay tất cả sóng vẫn ở trong đại dương, sóng chính là đại dương. Toàn tướng tức tánh là vậy.
Sự diễn tả ban đầu về việc kinh nghiệm thực tại ấy có thể khác nhau tùy theo các cửa vào khác nhau nhưng thực tại ấy vẫn là một, nhà Như Lai vẫn là một như xưa nay vẫn thế. Có điều lần đầu tiên trực tiếp thấy nó, dầu với ngài Huệ Năng có vẻ như đã quen thân, vẫn vở ra niềm hoan hỷ vô bờ. Kinh Hoa Nghiêm nói về Hoan hỷ địa: “Vì đã tương ưng với Chân Như bất động nên sanh nhiều vui mừng. Vì đã chuyển và rời tất cả cảnh giới thế gian mà hoan hỷ, vì thân cận tất cả chư Phật mà hoan hỷ, vì xa lìa hạng phàm phu mà hoan hỷ, vì gần bậc trí huệ mà hoan hỷ, vì dứt hẳn các đường ác mà hoan hỷ, vì làm chỗ y chỉ cho tất cả chúng sanh mà hoan hỷ, vì thấy tất cả Như Lai mà hoan hỷ, vì sanh vào cảnh giới Phật mà hoan hỷ, vì vào trong tánh bình đẳng của tất cả Bồ tát mà hoan hỷ.”
Như vậy, ngộ là ngộ Pháp thân, thấy tánh là thấy Pháp thân và ngộ thì phải từ Hoan hỷ địa trở lên. Ngộ là thấy và sống được Căn bản trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí…, trí này thấy biết trực tiếp Pháp thân.
Chúng ta cần học những câu nói diễn tả thực tại của ngài, không phải bằng ý thức so đo phân biệt, cái đã tạo ra sanh tử, mà bằng sự tha thiết đạt đến trí huệ với nỗ lực thiền định và thiền quán lâu ngày để có ngày vở ra mà kêu lên: “nào ngờ” như ngài. Các câu nói ấy tuy dễ hiểu bằng ý thức, nhưng chúng chính là những công án để tham thiền, bởi vì người nào cũng phải tự trả lời những câu hỏi muôn đời của nhân loại, “Tôi là cái gì? Tôi từ đâu sinh ra? Mục đích của đời sống là gì? Chết đi về đâu?” Với người nào phá thấu qua mới nếm được cam lồ của sự bất tử, như ngài đã nói, “uống nước nóng lạnh tự biết”. Cứ quan sát cho kỹ, chẳng kể gì đến năm tháng, để thấy biết có pháp gì lìa khỏi tánh mình hay không?
Tự tánh vốn thanh tịnh là sao? Cái gì là tự tánh vốn chẳng sanh diệt? Tại sao tự tánh vốn tự đầy đủ? Tại sao tất cả đều chuyển động, vô thường mà tự tánh lại không động lay? Có sanh thì có tử, tại sao tự tánh hay sanh muôn pháp, chẳng lẻ hay sanh để rồi hay tử?
Cứ hỏi cho đến lúc tự tánh trả lời, trả lời bằng cách hiện tiền trước mặt.
Tổ biết Huệ Năng ngộ được bản tánh, mới dạy rằng: “Chẳng biết bản tâm, học pháp không ích. Nếu biết bản tâm mình, tức gọi là Trượng phu, là thầy của trời và người, là Phật.”
Học pháp là để biết bản tâm. Biết bản tâm là mục tiêu của tất cả các tông phái Phật giáo.
Đại Ấn (Mahamudra) nói: “Hãy nhìn thẳng tâm”. Đại Toàn Thiện (Dzogchen) nói: “Tâm ông là Phật” (Padmasambhava).
Biết bản tâm hay bản tánh là biết tất cả các pháp.
Canh ba thọ pháp, mọi người đều chẳng hay. Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: “Ngươi là Tổ đời thứ sáu, hãy khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau, chớ để dứt mất. Hãy nghe kệ ta đây:
Có tình gieo giống xuống
Nhân đất quả bèn sanh
Không tình cũng không giống
Không có tánh cũng sanh”.
Tuy là đại ngộ thấy biết được bản tâm, nhưng chưa phải là biết hết nên còn được truyền pháp đốn giáo, là phương tiện thiện xảo của Thiền tông. Đại ngộ mới chỉ là nhất niệm tương ưng với bản tâm Pháp thân, sau đó còn phải niệm niệm tương ưng cho đến khi viên mãn, thế nên Tổ dạy, “khéo tự hộ niệm.”
Bản tâm không chỉ là trí huệ tánh Không mà còn là đại bi trùm khắp. Thế nên sau khi căn dặn hãy khéo tự hộ niệm (trí huệ), còn nhắc nhở “rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau, chớ để dứt mất” (đại bi).
Bài kệ cũng dạy trí huệ và đại bi không lìa nhau nơi hành động của chư Phật, chư Bồ tát. “Có tình gieo giống xuống, nhân đất quả bèn sanh”: tình đây là tâm đại bi, gieo giống Phật pháp cho chúng sanh trổ quả. Nhưng tình ấy, đại bi ấy là một với tánh Không, “không tình cũng không giống”, nên hành động đại bi ấy không có người làm và người nhận vì cả hai không có tự tánh, nên thật không có sanh, “không tánh cũng không sanh”.
Tổ lại nói: “Xưa Đại sư Đạt Ma mới đến xứ này người đời chưa biết tin nên phải truyền y này để làm vật tin, nối truyền nhau từ đời này sang đời khác. Pháp thì lấy tâm truyền tâm đều khiến tự ngộ, tự hiểu biết. Từ xưa Phật với Phật chỉ truyền bản thể, sư với sư kín trao bổn tâm. Y là cái mối của tranh lấy, tới đời ngươi chớ nên truyền nữa. nếu truyền y này thì tánh mạng nguy hiểm như sợi tơ treo. Ngươi hãy đi nhanh kẻo e có kẻ hại ngươi.
Ở đây chúng ta không đặt ra vấn đề y bát. Vì theo kinh điển hệ Pali, kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Trường Bộ, Đức Phật không nói ai là vị kế thừa ngài làm đạo sư mà “Pháp và Luật, ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là đạo sư của các ông.”
Chính nhờ không có vị kế thừa và y bát mà Phật giáo đã không giới hạn vào một quốc gia nào, một tông phái nào để nở hoa khắp thế gian. Nếu y cứ vào y bát thì chẳng lẽ chỉ Thiền tông là chính thống, còn các tông khác ở Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam…đều không có giá trị?
Ngũ Tổ không đặt trọng tâm vào y bát mà đặt vào nội dung cốt lõi, sự sống đích thật của Phật giáo là bản thể, bản tâm hay Pháp thân chư Phật. Chính cái này mới là không sai lạc, không thất truyền, không thể bị đời làm hư hỏng. Chính cái này mới có con đường Phật giáo là Khai Thị Ngộ Nhập. Tất cả mọi tông phái dù khác nhau về phương tiện tu hành, đều có mục đích là Khai Thị Ngộ Nhập bản tâm Phật tánh vốn có sẳn nơi mỗi người.
Huệ Năng bạch rằng: Con nên đi đâu?
Tổ đáp: Gặp Hoài (Hoài Tập, nay ở Quảng Tây) thì dừng, gặp Hội (Tân Hội, Quảng Đông) thì ẩn.
Vào canh ba, lãnh được y bát rồi bạch rằng: Huệ Năng vốn là người Lãnh Nam, chẳng biết con đường nào nơi núi này, làm sao ra đến sông Cửu Giang?
Ngũ Tổ nói: Ngươi chẳng cần lo, ta đưa ngươi đi.
Tổ đưa ta thẳng đến trạm Cửu Giang, bảo ta lên thuyền, rồi Tổ cầm lấy chèo. Huệ Năng này nói: Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo mới phải. Tổ nói: Ta độ ngươi mới phải.
Huệ Năng này nói: Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Tiếng độ tuy là một mà chỗ dùng không giống nhau. Huệ Năng con sanh nơi biên giới, giọng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp, nay đã được ngộ thì chỉ nên lấy tự tánh tự độ.
Tổ nói: Như vậy! Như vậy! Phật pháp về sau do ngươi mà thịnh hành. Ngươi đi ba năm thì ta sẽ tạ thế. Nay ngươi hãy đi, gắng sức qua hướng Nam, nhưng chẳng nên vội nói, vì Phật pháp không dễ hưng khởi.
Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Khi thấy tánh rồi thì lấy tự tánh tự độ, tự tánh bây giờ là vị thầy nội tâm, là vô sư trí, tự nhiên trí.
Ngộ rồi thì lấy tự tánh tự độ, nghĩa là không phải ngộ là hết tu, mà còn phải tự độ, tự tu trên nền tảng tự tánh đã thấy được. Thế nên con đường Đại thừa chung cho các tông phái nói rằng sau Kiến đạo vị hay Thông đạt vị là Tu tập vị cho đến khi không tu nữa, Vô học hay Vô sanh pháp nhẫn.
Huệ Năng từ giả Tổ rồi, cất bước qua hướng Nam, trong hai tháng tới núi Đại Dữu Lãnh.
Khi Ngũ Tổ trở về, mấy ngày chẳng ra giảng đường, đồ chúng nghi bèn đến hỏi thăm: “Hòa thượng có chút bệnh hay chút buồn chi chăng?” Tổ nói: “Bệnh thì không có, nhưng y pháp đã về phương Nam rồi”. Đồ chúng hỏi: “Ai được truyền thọ?” Tổ nói: Năng ấy được.” Chúng mới hay biết.
Có vài trăm người muốn đoạt y bát đuổi theo. Trong số đó có một nhà sư họ Trần, tên Huệ Minh, trước kia làm Tứ phẩm tướng quân, tánh tình thô lỗ, quyết lòng tìm kiếm, đi trước dẫn đầu, đuổi kịp Huệ Năng.
Huệ Năng này ném y bát lên tảng đá mà nói rằng: “Y này là vật biểu tín, há dùng sức mà tranh được sao?” Đoạn ẩn mình trong đám cỏ rậm.
Huệ Minh đi đến, nắm dở lên mà chẳng nhúc nhích, mới kêu lên rằng “Hành giả! Hành giả! Tôi vì pháp mà đến, chẳng phải vì y mà đến.”
Huệ Năng bèn bước ra, ngồi trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ, thưa rằng: “Xin hành giả thuyết pháp cho tôi nghe.”
Huệ Năng này nói: “Ông đã vì pháp mà đến thì hãy dẹp dứt các duyên, chớ sanh một niệm, tôi sẽ nói cho ông.”
Huệ Minh im lặng một lúc. Huệ Năng này nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chính khi ấy, cái đó là khuôn mặt xưa nay của Minh thượng tọa.”
Huệ Minh ngay lời nói đại ngộ. Lại hỏi rằng: “Ngoài lời và ý ẩn mật vừa nói, lại còn ý mật nào nữa chăng?”
Huệ Năng nói: “Điều tôi nói với ông đó chẳng phải là mật. Nếu ông soi lại (phản chiếu) thì cái mật ấy ở ngay nơi ông.”
Huệ Minh nói: “Huệ Minh này tuy ở Huỳnh Mai nhưng thật chưa rõ được mặt mày chính mình, nay nhờ ơn chỉ bày, giống như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Nay hành giả tức là thầy của Huệ Minh vậy.”
Huệ Năng nói: “Ông đã như thế thì tôi cùng ông đồng thờ một thầy Huỳnh Mai. Hãy khéo tự hộ trì.”
Huệ Minh lại hỏi: “Sau này Huệ Minh nên đi xứ nào?”
Huệ Năng nói: “Gặp Viên thì dừng, gặp Mông thì ở.”
Huệ Minh làm lễ rồi từ giả.
Sư Huệ Minh trước làm tướng nên có phần thô lỗ muốn đuổi theo ngài và nhanh hơn ai biết, đuổi kịp. Tuy là vậy nhưng đã là người xuất gia, thì cũng có tâm cầu đạo nên mới hăng hái đuổi theo như vậy. Cho nên khi kêu lên, tôi vì pháp mà đến, chẳng phải vì y, ngài liền bước ra.
Dẹp dứt các duyên, chớ sanh một niệm, đây là giai đoạn chuẩn bị. Sau đó là chỉ thẳng.
Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đây là cái tâm tánh bổn nguyên, khuôn mặt xưa nay, tâm vô niệm hằng hằng hiện diện trong từng khoảnh khắc. Chỉ cần chẳng nghĩ xuôi ngược mà soi chiếu lại nơi mình, nó bèn lộ diện, vì nó luôn luôn có mặt, không lúc nào dứt.
Thật ra, chẳng phải khi chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác thì tâm vô niệm này mới có, mà dù khi nghĩ thiện nghĩ ác thì tâm vô niệm vẫn có, vì mọi ý nghĩ, mọi niệm đều sanh từ tâm vô niệm. Chẳng phải không có sóng mới là đại dương mà khi có sóng vẫn là đại dương, vì không sóng nào không từ đại dương và có thể lìa đại dương.
Khi đã trực tiếp thấy biết, đã ngộ cái tâm vô niệm bao la vô biên như đại dương này, thì phải sống với nó, phải hộ niệm nó, chánh niệm tỉnh giác với nó, cho đến khi ta là đại dương, ta là tất cả sóng mà chẳng có sóng nào làm đại dương động lay, biến chất cả.
Huệ Minh trở lại dưới núi nói với những người đuổi theo rằng: Ta đã lên tới chỗ cao vọi kia mà không thấy dấu vết gì cả, phải theo lối khác.” Chúng kia đều cho là thật. Về sau Huệ Minh đổi tên là Đạo Minh vì tránh tên của thầy.
Sau đó Huệ Năng này đến Tào Khê, lại bị người xấu đuổi theo nên lánh nạn ở chung với đám thợ săn nơi huyện Tứ Hội, trải qua đến mười lăm năm. Khi ở với họ cũng tùy nghi thuyết pháp.
Đám thợ săn thường bảo ta giữ lưới. Mỗi khi thấy các loài sanh mạng lọt vào ta đều thả ra hết. Mỗi lúc ăn ta lấy rau gởi nơi nồi nấu thịt, có người hỏi thì nói chỉ ăn rau luộc ở bên thịt mà thôi.
Một ngày kia suy nghĩ đến thời nên hoằng pháp, chẳng thể ẩn trốn mãi. Bèn đi đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn.
Mười lăm năm ở ẩn với đám thợ săn, không phải chỉ để lẩn trốn mà cái chính là để “khéo tự hộ niệm” trong mọi hoàn cảnh để làm viên mãn cái đại ngộ ban đầu. Các vị thiền sư về sau cũng thế, vào núi hai, ba mươi năm để tiệm tu.
Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói trong Thiếu Thất Lục Môn rằng có Lý nhập và Hạnh nhập. Đại sư Liên Hoa Sanh, vị truyền Phật giáo vào Tây Tạng ở thế kỷ thứ 8 nói phải đi xuống với cái Thấy từ trên đỉnh cao trong khi đi lên với Hạnh từ dưới chân núi. Kinh Lăng Nghiêm nói Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm trừ.
Một thí dụ là Quốc sư Đại Đăng Nhật Bản (thế kỷ 13) sau khi ngộ đã sống với những người ăn xin dưới gầm cầu suốt hai mươi năm, sau đó thầy ngài giới thiệu về làm quốc sư.
Qua đó cho thấy ngộ hay đại ngộ chỉ là vào cửa, còn phải ở lâu trong nhà mới thuần thục biết và sử dụng mọi thứ trong nhà, chưa kể là phải kiếm thêm tài sản cho con cháu.
Lúc ấy có gió thổi làm lá phướng động. Một vị tăng nói, “gió động”, một vị tăng khác nói, “phướng động”, hai bên nghị luận mãi không dứt.
Huệ Năng này bước tới, nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướng động, mà là tâm nhân giả động.”
Chúng đều kinh hãi. Ấn Tông mời ta ngồi trên, gạn hỏi những điều sâu kín. Thấy Huệ Năng này lời nói giản dị, nghĩa lý xác đáng mà chẳng do văn tự, Ấn Tông nói rằng: “Hành giả hẳn chẳng phải là người thường. Lâu nay tôi cũng có nghe y pháp của Tổ Huỳnh Mai đã về phía Nam, có phải là hành giả chăng?”
Huệ Năng này nói: “Không dám.”
Sư Ấn Tông khi ấy làm lễ, rồi xin đem y bát của Tổ truyền lại cho đại chúng xem.
Một chuyện trước mắt là gió động hay phướng động đối với người thường không thể giải quyết, nhưng đối với người đã chứng ngộ “thật tướng của tất cả các pháp” thì trả lời dễ dàng, vì đây là “tâm bình thường” vậy.
Sanh tử là thấy những chuyển động, do đó có thời gian. Thấy gió động hay phướng động đều là cái thấy của sanh tử thấy có ra sanh tử. Còn cái thấy được thực tại thì: “Nào ngờ thực tại (tự tánh) vốn chẳng sanh diệt; nào ngờ thực tại vốn không động lay”.
Ấn Tông lại hỏi: “Tổ Huỳnh Mai khi phó chúc, ngài chỉ bày trao truyền như thế nào?”
Huệ Năng này đáp: “Dạy trao thì không có, chỉ luận về thấy tánh, chẳng luận về thiền định, giải thoát.”
Ấn Tông hỏi: “Tại sao không luận thiền định, giải thoát?”
Huệ Năng đáp: “Vì hai pháp ấy chẳng phải Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai (bất nhị).”
Ấn Tông lại hỏi: “Thế nào là ‘Phật pháp là pháp chẳng hai’?”
Huệ Năng nói: “Pháp sư giảng kinh Niết Bàn, đã biết Phật tánh là pháp chẳng hai của Phật pháp.
Như Cao Quý Đức Vương bạch Phật rằng: Người phạm bốn giới trọng cấm, làm năm tội nghịch và những người nhất xiển đề thì đoạn dứt thiện căn Phật tánh chăng? Phật nói: Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường. Phật tánh thì chẳng thường, chẳng phải vô thường, thế nên chẳng đoạn dứt, gọi là chẳng hai. Lại một là thiện, hai là chẳng thiện. Phật tánh thì chẳng phải thiện chẳng phải chẳng thiện, đó gọi là chẳng hai.
Năm uẩn và mười tám giới phàm phu thấy là hai, còn người rõ trí thấu rõ tánh chúng không hai. Cái tánh không hai này tức là Phật tánh.
Ấn Tông nghe nói, hoan hỷ chấp tay mà nói: Tôi giảng kinh giống như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa giống như vàng ròng.
Nhân đó Ấn Tông xuống tóc cho ta và nguyện thờ ta làm thầy. Huệ Năng này bèn ở dưới cội cây Bồ đề mà khai mở pháp môn Đông Sơn.
Thiền định và giải thoát chắc chắn là hai pháp của Phật pháp. Ở đây Lục Tổ bác bỏ điều ấy vì ngài muốn khai mở kiến giải cao tột của Thiền tông.
Thiền định và giải thoát vẫn là những phương tiện để đạt đến cứu cánh là Phật đạo. Nhưng thiền định và giải thoát, mỗi cái chưa bao gồm được thấy tánh; còn thấy tánh thì bao gồm cả thiền định và giải thoát. Thấy tánh thì vừa là phương tiện vừa là cứu cánh. Cứu cánh không ngoài phương tiện, phương tiện chính là cứu cánh. Phương tiện và cứu cánh là không hai. Đây chính là cái Thiền gọi là Đốn môn.
Thấy tánh tức là thấy Phật tánh, và Phật tánh là pháp chẳng hai của Phật pháp. Trong Phật tánh, không có thường và vô thường, không có thường và đoạn, không có tốt và xấu, không có năm uẩn khác với mười tám giới, vì Phật tánh vốn thanh tịnh, chưa từng bị nhiễm ô bởi những ý niệm của thức phân biệt, như hư không không hề bị nhiễm ô bởi các hiện tượng sự vật và các ý niệm phân biệt của con người.
Nhưng điểm then chốt là phải thấy trực tiếp cái chẳng hai này. Cái ấy gọi là Phật tánh.
Qua sự kiện ngài Huệ Năng luận nghĩa Kinh Niết Bàn, chúng ta thấy mặc dù ban đầu ngài không biết chữ, nhưng khi làm một vị thầy, ngài đã rành thông nhiều kinh điển, nhiều tông phái.
Sự giảng nghĩa của ngài Huệ Năng, theo lời của sư Ấn Tông, là như vàng ròng, bởi vì đây là sự khác biệt giữa một người giảng kinh y trên ý thức phân biệt ngôn ngữ văn tự và một người trên tự tâm sáng tỏ và mở khắp.
Tính không hai của các pháp này có trong hầu như tất cả kinh Đại thừa như Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật… Ở đây ngài Huệ Năng xiển dương nó, hiện thực nó thành một điểm quan trọng của Thiền tông. Về sau, chẳng hạn như Thiền sư Đạo Nguyên (1200-1253), sơ tổ tông Tào Động Nhật Bản chủ trương tu chứng không hai, ngồi thiền và ngộ không hai, ngay khi tu là đang chứng, ngay khi ngồi là đang ngộ. Đây là một điểm căn bản làm nền móng cho tông Tào Động khiến nó có thể sống bên cạnh lối tu tham công án để chứng ngộ của tông Lâm Tế.
Huệ Năng này đắc pháp ở Đông Sơn, chịu đủ mọi cay đắng, sanh mạng giống như sợi tơ treo. Ngày nay được cùng Sử quân, quan chức, các tăng ni đạo tục đồng ở trong hội này, nếu chẳng phải nhân duyên nhiều đời trước thì cũng trong đời quá khứ từng cúng dường chư Phật, cùng trồng thiện căn, nên mới được nghe pháp Đốn giáo và nguyên nhân đắc pháp như trên.
Giáo pháp ấy là các bậc thánh trước truyền lại, chẳng phải do Huệ Năng này tự biết. Muốn nghe giáo pháp của các bậc thánh trước thì mỗi người hãy tịnh tâm ý mình, nghe mà mỗi người tự trừ bỏ những nghi hoặc thì như các đại thánh đời trước không khác.
Chúng nhân nghe pháp vui mừng rồi đảnh lễ lui ra.
Ngài Huệ Năng lúc đó đã là Lục Tổ, nhưng khi xuất gia, ngài không tự tiện tự cạo đầu lấy, mà đúng như pháp, thọ giới ở một vị pháp sư, dù chưa chứng ngộ như ngài. Những chi tiết này cho chúng ta thấy nhân cách ngài hoàn hảo, dù một thiên kỷ rưỡi đã qua, cũng không có ai tìm thấy lỗi lầm nào nơi ngài.
Đối với giáo pháp, ngài có đức hạnh như vậy, mà đức hạnh là sự biểu lộ của trí huệ. Ngài nói ngài không tự biết pháp, mà đó là do các bậc thánh trước truyền lại từ Đức Phật. Ngài chỉ chứng ngộ những gì Đức Phật dạy. Một vị tăng, dầu là Thánh tăng, đều luôn luôn dùng đời mình để phụng sự Pháp, vì Pháp luôn luôn cao hơn Tăng, như Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng mà Đức Phật đã chỉ ra.
Học ngài Huệ Năng, chúng ta không chỉ học trí huệ nơi ngài, mà học tất cả Phật pháp biểu lộ nơi tâm, ngữ, thân của ngài. “Tự tánh vốn tự đầy đủ” nên trong nó đầy đủ tất cả các đức hạnh.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS