SHARE:
Phát Bồ-đề tâm là phát sanh một ý nguyện đạt đến giác ngộ để cứu thoát tất cả chúng sanh. Đây là Bồ-đề tâm nguyện. Hành động thực hiện điều đó là Bồ-đề tâm hạnh hay thực hành Bồ-tát hạnh.
Đạt đến giác ngộ là đạt đến tánh Không hay Pháp thân một cách trọn vẹn, đây là phương diện trí huệ. Cứu thoát tất cả chúng sanh là tâm đại bi. Như vậy, con đường Bồ-tát là đi trong trí huệ và đại bi. Trí huệ và đại bi làm phát sanh phương tiện thiện xảo, mà phương tiện thiện xảo căn bản nhất là Báo thân và Hóa thân để làm việc trong sanh tử.
Trong bài này, chúng ta tìm học về Bồ-đề tâm theo con đường Bồ-tát hạnh của Đồng tử Thiện Tài trong phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39 của kinh Hoa Nghiêm. Trong phẩm này, Đồng tử Thiện Tài trải qua 110 vị thiện tri thức, ở chỗ nào Thiện Tài cũng hỏi, “Bạch đức thánh, tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, mà chưa biết Bồ-tát học Bồ-tát hạnh thế nào, tu Bồ-tát đạo thế nào?”.
Ban đầu, khi gặp Bồ-tát Văn-thù, ngài nói bài kệ:
Lành thay tạng công đức
Có thể đến gặp ta
Phát khởi tâm đại bi
Siêng cầu Vô thượng giác.
Đã phát nguyện rộng lớn
Diệt trừ khổ chúng sanh
Vì khắp các chúng sanh
Tu hành Bồ-tát hạnh.
Nếu có các Bồ-tát
Chẳng chán khổ sanh tử
Thời đủ đạo Phổ Hiền
Tất cả không hoại được…
Vô lượng chúng sanh đây
Nghe ngươi nguyện đều mừng
Đều phát tâm Bồ-đề
Nguyện học hạnh Phổ Hiền.
“Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử, ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, cầu hạnh Bồ-tát. Này thiện nam tử, nếu có chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ-đề, đây là rất khó. Đã có thể phát tâm Bồ-đề rồi, lại cầu Bồ-tát hạnh, việc này càng khó gấp bội”.
Khi gặp Cư sĩ nữ Hưu Xả, Thiện Tài được dạy:
“Này thiện nam tử! Bồ-tát chẳng vì giáo hóa điều phục một chúng sanh mà phát Bồ-đề tâm. Chẳng vì giáo hóa chúng sanh trong một thế giới nhẫn đến vô số thế giới mà phát bồ-đề tâm. Chẳng vì cúng dường một Đức Phật nhẫn đến vô số Đức Phật mà phát Bồ-đề tâm. Chẳng vì nghiêm tịnh một thế giới nhẫn đến vô số thế giới mà phát Bồ-đề tâm. Chẳng vì trụ trì giáo pháp của một Đức Phật nhẫn đến vô số Đức Phật mà phát Bồ-đề tâm.
Mà chính vì muốn giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh không để sót nên phát Bồ-đề tâm. Vì muốn cúng đường tất cả chư Phật không để sót nên phát Bồ-đề tâm. Vì muốn nghiêm tịnh tất cả cõi Phật không để sót nên phát Bồ-đề tâm. Vì muốn hộ trì chánh pháp của tất cả chư Phật không để sót nên phát Bồ-đề tâm. Bồ-tát dùng vô lượng trăm ngàn vô số phương tiện như vậy mà phát Bồ-đề tâm.
Này thiện nam tử, Bồ-tát hạnh vào khắp tất cả pháp, vì đều chứng được. Vào khắp tất cả cõi, vì đều nghiêm tịnh. Vì thế, thiện nam tử, khi nghiêm tịnh tất cả thế giới thì nguyện tôi mới hết. Khi dứt hết phiền não tập khí của tất cả chúng sanh thì nguyện tôi mới mãn”.
Vì Bồ-đề tâm nguyện trùm khắp toàn bộ pháp giới, vì Bồ-đề tâm hạnh làm việc khắp tất cả pháp giới nên một Bồ-tát có thể nhập pháp giới. Lời nguyện Bồ-đề tâm ảnh hưởng toàn bộ pháp giới làm tất cả đều rung động, vui mừng.
Lời nguyện Bồ-đề tâm bao trùm tất cả không gian, kéo dài suốt tất cả thời gian. Thế nên phát Bồ-đề tâm chính là chấp nhận sự thách thức với tất cả khổ đau và tất cả giải thoát an vui của tất cả chúng sanh. Thách thức trong việc khai phá tất cả kho tàng Phật tánh và Phật pháp ở trong hiện thể của mình đồng thời thách thức đối với khổ đau mê mờ của chúng sanh suốt hết không gian và thời gian. Chấp nhận thách thức vĩ đại và cao cả ấy là một Bồ-tát. Thế nên các kinh thường nói sự phát tâm Bồ-đề của một người làm rung động cả ba cõi.
Với Bồ-đề tâm, một hành giả phát huy tất cả những thiện căn tiềm ẩn trong Phật tánh của mình:
Trí huệ: Đó là trí huệ tánh Không, nhân vô ngã và pháp vô ngã, trí huệ thấy thật tướng của tất cả các pháp.
Đại bi: Mở rộng khắp pháp giới, không gian và thời gian vô tận và đi sâu vào cuộc đời từng chúng sanh. Đạt đến đồng thể đại bi là thể nhập với pháp giới.
Nối kết với các bậc giác ngộ: “Được trí huệ của Như Lai chiếu đến. Dòng Nhất thiết trí tương tục chẳng dứt. Thân và tâm chẳng rời Phật pháp. Thần lực tất cả chư Phật gia hộ. Quang minh tất cả Như Lai chiếu đến”.
Giới: “Chư Bồ-tát trì giới đại bi, giới ba-la-mật, giới đại thừa, giới tuơng ưng với Bồ-tát đạo, giới vô chướng ngại, giới chẳng lui sụt, giới chẳng bỏ Bồ-đề tâm, giới thường dùng Phật pháp làm cảnh sở duyên, giới thường chú tâm vào Nhất thiết trí, giới như hư không, giới dựa vào tất cả thế gian, giới không mất, giới không tổn giảm, giới không khuyết không tạp, giới không hối, giới thanh tịnh, giới ly trần, giới ly cấu”.
Chỉ cái giới như vậy, chúng ta thấy gồm đủ tất cả định huệ, chỉ quán, tất cả sáu ba-la-mật, Bồ-tát hạnh…
Nguyện: Cuộc đời Bồ tát đi trong lời nguyện.
“Bạch đức thánh! Tôi trước đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, vì muốn thờ tất cả chư Phật, vì muốn gặp tất cả chư Phật, vì muốn thấy tất cả chư Phật, vì muốn nghe pháp của tất cả chư Phật, vì muốn thọ pháp, hiểu pháp, hộ pháp của tất cả chư Phật, vì muốn đồng một thể với tất cả chúng Bồ-tát, vì muốn đồng một thiện căn với tất cả Bồ-tát, vì muốn viên mãn ba-la-mật của tất cả Bồ-tát, vì muốn thành tựu hạnh tu hành của tất cả Bồ-tát, vì muốn xuất sanh nguyện thanh tịnh của tất cả Bồ-tát, vì muốn được pháp tạng vô tận trí huệ đại quang minh của tất cả Bồ-tát…”.
Đức Phật Thích-ca nói, “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Phát Bồ-đề tâm là thực hiện sự việc “Phật sẽ thành” này, trở thành một Phật tử, một người con của chư Phật.
“Nếu có người phát được Bồ-đề tâm thời là chẳng dứt mất tất cả Phật chủng. Thời là nghiêm tịnh tất cả cõi Phật. Thời là thành thục tất cả chúng sanh. Thời là thấu rõ tánh tất cả pháp. Thời là tỏ ngộ tất cả nghiệp chủng. Thời là viên mãn tất cả các hạnh. Thời là chẳng dứt tất cả đại nguyện… Thời được tất cả Như Lai nhiếp giữ. Thời được tất cả chư Phật nhớ nghĩ. Thời bình đẳng với tất cả Bồ-tát. Thời được tất cả hiền thánh khen mừng. Thời được tất cả Phạm vương kính lễ. Thời được tất cả Thiên vương cúng dường. Thời được tất cả Dạ-xoa thủ hộ. Thời được tất cả La-sát hầu hạ… Thời làm cho tất cả cõi chúng sanh đều được an ổn.
Việc làm ở đời: “Trưởng giả Vô Thượng Thắng nói: Ta ở trong tất cả nơi đó vì tất cả chúng sanh mà thuyết pháp. Làm cho họ bỏ phi pháp, dứt tranh luận, trừ chiến đấu, thôi giận tranh, phá oan kiết, mở trói buộc, khỏi lao ngục, thoát sợ hãi, không sát sanh nhẫn đến không tà kiến. Đều làm cho họ cấm chỉ tất cả nghiệp xấu ác, những sự chẳng nên làm, khiến họ thuận làm tất cả pháp lành, khiến họ học tất cả kỹ nghệ, làm lợi ích ở thế gian. Vì họ mà phân biệt các thứ luận khiến cho họ hoan hỷ, cho họ dần dần thành thục. Tùy thuận ngoại đạo, vì họ mà giảng thắng trí, cho họ dứt kiến chấp, cho họ nhập Phật pháp. Nhẫn đến tất cả Phạm thiên cõi Sắc, ta cũng vì họ mà nói pháp siêu việt.
“Ta cũng vì tất cả chúng sanh mà giảng nói Phật pháp, Bồ-tát pháp, Thanh văn pháp, Độc giác pháp. Ta giảng nói địa ngục súc sanh, chúng sanh địa ngục súc sanh, nghiệp đạo hướng địa ngục, súc sanh. Ta giảng nói cõi người, khổ vui của cõi người, nghiệp đạo hướng cõi người….
“Ta thuyết pháp vì muốn khai hiển công đức của Bồ-tát, vì làm cho chúng sanh bỏ lìa khổ hoạn sanh tử, thấy biết những công đức diệu kỳ của Nhất thiết trí, vì cho họ thấy biết pháp không chướng ngại, vì muốn bày rõ nhân duyên sanh khởi thế gian, vì muốn bày rõ thế gian tịch diệt là vui, làm cho chúng sanh bỏ những tưởng chấp, vì làm cho họ chứng pháp vô y của Phật, vì làm cho họ diệt hẳn các phiền não, vì làm cho họ có thể chuyển Phật pháp luân”.
Có thể kể nhiều, rất nhiều, những đức tính cao đẹp trong Bồ-đề tâm mà một Bồ-tát phải có. Những đức tính ấy được phát huy rộng lớn bao trùm cả pháp giới nên kinh gọi là các biển: biển trí huệ, biển đại bi, biển đại nguyện, biển công đức, biển đại hạnh… Thế nên kinh nói bồ-đề tâm là “tất cả Phật pháp”.
Bồ-đề tâm là tất cả hạt giống Phật tánh nằm sẵn trong tâm, phát huy cho chúng nở hoa trọn vẹn, đó là sự thực hành. Tâm và cảnh là một, nên tất cả mọi hoàn cảnh của một con người đều là mọi cơ hội để phát huy những hạt giống trong tâm. Pháp giới là sự tròn vẹn, viên mãn, thanh tịnh của tâm cảnh nhất như.
Như vậy, thực hành Bồ-đề tâm là thực hành tất cả Phật pháp. Ở đây, trích ra một số ít câu Bồ-tát Di-lặc ca ngợi Bồ-đề tâm:
“Bồ-đề tâm như hạt giống có thể sanh tất cả Phật pháp. Bồ-đề tâm như ruộng tốt vì có thể sanh trưởng pháp trắng sạch cho tất cả chúng sanh. Bồ-đề tâm như đại địa vì có thể giữ gìn tất cả thế gian. Bồ-đề tâm như nước sạch vì có thể rửa sạch phiền não dơ bẩn.Bồ-đề tâm như gió lớn vì vô ngại ở khắp thế gian. Bồ-đề tâm như lửa mạnh vì có thể đốt tiêu tất cả kiến chấp. Bồ-đề tâm như mặt trời trong sáng vì chiếu khắp tất cả thế gian. Bồ-đề tâm như con đường lớn vì dẫn vào thành đại trí. Bồ-đề tâm như khu vườn vì ở trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc. Bồ-đề tâm như ngôi nhà vì an ổn tất cả chúng sanh. Bồ-đề tâm là chỗ về vì lợi ích tất cả thế gian. Bồ-đề tâm là chỗ dựa vì tất cả Bồ-tát hạnh nương dựa vào đó. Bồ-đề tâm như cây như ý vì có thể mưa tất cả công đức trang nghiêm. Bồ-đề tâm như áo lông ngỗng vì chẳng dính bụi sanh tử. Bồ-đề tâm như chỉ trắng vì tánh xưa nay thanh tịnh…
“Này thiện nam tử! Bồ-đề tâm thành tựu vô lượng công đức như vậy. Tóm lại, phải biết bồ-đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp. Vì sao thế? Vì nhân nơi Bồ-đề tâm mà xuất sanh tất cả Bồ-tát hạnh. Chư Như Lai ba thời từ Bồ-đề tâm mà xuất sanh. Vì thế, nếu có ai phát tâm Vô thượng Bồ-đề tức là đã xuất sanh vô lượng công đức, có thể nhiếp giữ khắp đạo Nhất thiết trí”.
Bồ-đề tâm tánh xưa nay vốn thanh tịnh. Đây là điều được các luận sư về sau gọi là Bồ-đề tâm tuyệt đối, tức là Phật tánh vốn sẵn đủ, chưa từng nhiễm ô. Còn Bồ-đề tâm tương đối là Bồ-đề tâm nguyện và Bồ-đề tâm hạnh của từng người theo con đường Bồ-tát. Gọi là tương đối vì Bồ-đề tâm ấy được phát khởi và thực hành trong không gian và thời gian tương đối.
Theo kinh Hoa Nghiêm, Bồ-đề tâm tuyệt đối là nền tảng trên đó Bồ-đề tâm tương đối phát khởi, như Bản giác là tánh giác vốn có sẵn so với Thủy giác là cái giác của sự tu hành cá nhân. Cho đến một lúc nào, Bồ-đề tâm tương đối có phát khởi và có thực hành gặp gỡ và hòa nhập làm một với Bồ-đề tâm tuyệt đối chính là Pháp thân, thì đó là sự thành tựu của Bồ-đề tâm tương đối, vì xưa nay vốn chỉ có một Bồ-đề tâm tuyệt đối là Pháp thân tánh Không mà thôi.
Nói một cách khác, xưa nay chỉ có một pháp giới Hoa Nghiêm Minh-Không thanh tịnh, và sự phát tâm Bồ-đề của một cá thể được thành tựu khi nó gặp gỡ và hòa nhập làm một với tâm Bồ-đề tuyệt đối là pháp giới vốn đã viên thành của chư Phật.
Bồ-đề tâm tương đối là Bồ-đề tâm phát trong sanh tử, Bồ-đề tâm tuyệt đối thì chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm của Niết-bàn tánh Không. Tu Hoa Nghiêm thì sanh tử tức Niết-bàn, thế giới chúng sanh là pháp giới, Bồ-đề tâm tương đối tức là Bồ-đề tâm tuyệt đối. Niết-bàn ấy là vô trụ xứ Niết-bàn, tức là pháp giới. Kinh nói, “Cầu sự thị hiện việc làm của Bồ-tát tại thế gian, cầu sự tùy thuận của Bồ-tát với tâm của chúng sanh, cầu môn sanh tử – Niết-bàn của Bồ-tát, cầu sự quán sát hữu vi vô vi tâm không chấp trước của Bồ-tát”.
Thậm chí đến mức Niết-bàn đầy trong mỗi vi trần:
Phật tử ở lầu này
Thấy trong một vi trần
Vô lượng cõi đạo tràng
Chúng sanh và các kiếp.
Như trong một vi trần
Tất cả trần cũng vậy
Các thứ đều đầy đủ
Xứ xứ đều vô ngại.
Cuối đoạn nói về Bồ-đề tâm, Đức Di-lặc dùng những thí dụ đề nói Bồ-đề tâm tương đối cũng là Bồ-đề tâm tuyệt đối:
“Như vương tử mới sanh, được tất cả các quan đều tôn trọng, vì là dòng vua tự tại. Cũng vậy, Đại Bồ-tát ở trong Phật pháp phát Bồ-đề tâm thì được các bậc tôn túc tu Phạm hạnh, bậc Nhị thừa đều tôn trọng, vì đại bi tự tại”.
“Như vương tử dầu chưa được tự tại nơi tất cả các quan, nhưng đã đủ vương tướng nên chẳng đồng với tất cả các quan, vì dòng dõi tôn thắng. Cũng vậy, Đại Bồ-tát dầu chưa được tự tại trong tất cả nghiệp và mê lầm nhưng đã đủ tướng Bồ-đề nên chẳng đồng với tất cả bậc Nhị thừa, vì là chủng tánh Phật…”
“Như kim cương không gì có thể tiêu diệt, cũng vậy, tất cả pháp không thể tiêu diệt Bồ-đề tâm. Như kim cương, tất cả vật khác không làm hoại được, mà kim cương lại có thể làm hoại các vật, thể tánh của nó vẫn không tổn giảm”.
“Như trên tòa kim cương trong đại thiên thế giới có thể giữ vững chư Phật ngồi đạo tràng, hàng ma thành Vô thượng Chánh đẳng giác, tất cả những tòa khác không kham được. Cũng vậy, Đại Bồ-tát có thể giữ vững tất cả hạnh nguyện, các môn ba-la-mật, các nhẫn, các địa, hồi hướng, thọ ký, tu các pháp trợ đạo, cúng dường chư Phật, nghe pháp, thọ hành của Bồ-tát, tất cả tâm khác không có công năng này”.
Cuối cùng, Thiện Tài gặp lại Bồ-tát Phổ Hiền, ngài vẫn dạy về Bồ-đề tâm, kết thúc cuộc hành hương học đạo tu Bồ-tát hạnh của Thiện Tài. Khi Bồ-đề tâm của Thiện Tài hoàn toàn đồng với Bồ-đề tâm của Bồ-tát Phổ Hiền, nghĩa là đồng với Bồ-đề tâm của chư Phật, Thiện Tài thành Phật:
“Ngay lúc đó, Thiện Tài lần lượt được những biển hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, đồng với Phổ Hiền, đồng với chư Phật một thân sung mãn tất cả thế giới, đồng quốc độ, đồng hạnh, đồng chánh giác, đồng thần thông, đồng chuyển pháp luân, đồng biện tài, đồng ngôn từ, đồng âm thanh, đồng lực vô úy, đồng chỗ trụ của Phật, đồng đại từ bi, giải thoát tự tại chẳng thể nghĩ bàn đều đồng”.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS