SHARE:
Những ý niệm như vô ngại, đồng thời, đồng hiện, sẵn đủ, viên mãn… không chỉ có trong kinh Hoa Nghiêm mà có trong tất cả kinh điển, nhất là Đại thừa. Nhưng ở trong kinh Hoa Nghiêm, những ý niệm đó được nhìn thấy ở mức độ cao rộng nhất, vi tế nhất. Thế nên, kinh Hoa Nghiêm được cho là kinh cao nhất của các thừa và được Đức Phật thuyết ngay sau khi ngài giác ngộ.
Sự vô ngại của Tánh không, quang minh, như huyễn, của thân Phật ở mức độ rộng lớn nhất, vi tế nhất đưa đến những đặc tính sau đây:
Đồng thời
Kinh thường nói: “Ba đời chỉ là một niệm”, “Trong một niệm chứa cả ba đời”,… nghĩa là một niệm, một khoảnh khắc, là đồng thời với cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Sự đồng nhất, đứng về mặt thời gian, là đồng thời.
Phẩm Thập Hồi Hướng nói: “Trí vi tế đem bất khả thuyết kiếp làm một niệm; trí vi tế đem một niệm làm bất khả thuyết kiếp; trí vi tế thấy tất cả kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai trong một niệm”. Thấy được như vậy, làm được như vậy vì một niệm và tất cả kiếp của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai là đồng thời.
Kinh Hoa Nghiêm vẫn dựa trên nguyên lý duyên sanh, duyên khởi chung cho Phật giáo. Nhưng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm không phải duyên khởi theo thời gian tuyến tính, mà duyên khởi trong đồng thời. Một duyên khởi thì tất cả duyên khởi. Một và tất cả đồng thời duyên khởi.
Chính trong sự đồng thời như vậy mà thời gian không có nữa. Nhân thì duyên khởi đồng thời với quả, nhân quả đồng thời. Nhân chính là quả. Đây cũng là một lý do để nói kinh Hoa Nghiêm thuộc về Quả thừa, thay vì là Nhân thừa. Hay nói theo Phật giáo Trung Hoa, là Viên giáo.
Tại sao duyên khởi hay duyên sanh là đồng thời? Vì duyên sanh đặt nền tảng trên tánh Không. Thế nên duyên sanh là vô sanh. Vô sanh là không có thời gian, và không có thời gian nên đồng thời. Duyên sanh đặt trên nền tảng vô sanh, nên duyên sanh là đồng thời.
Trang đầu tiên của kinh, khi diễn tả đức Phật, đã nói về tính đồng thời của Phật:
“Lúc đó, Đức Thế Tôn ngự trên tòa sư tử thành vô thượng chánh giác: trí Phật chứng nhập tất cả thời gian ba đời đều bình đẳng, thân Phật khắp đầy tất cả thế gian, tiếng Phật thuận khắp cõi nước mười phương”.
Về mặt thực hành tính đồng thời, chúng ta trích một đoạn để thấy sự thực hành đồng thời với tất cả chúng sanh là thế nào:
“Bồ-tát ở nhà nên nguyện tất cả chúng sanh biết nhà tánh Không, khỏi sự bức bách. Lên trên lầu gác nên nguyện tất cả chúng sanh lên lầu chánh pháp, thấy suốt tất cả. Nếu có bố thí nên nguyện tất cả chúng sanh xả bỏ được sở hữu, lòng không bám luyến”.
“Tự quy y Phật nên nguyện tất cả chúng sanh nối thịnh giống Phật, phát tâm vô thượng. Tự quy y Pháp nên nguyện tất cả chúng sanh sâu vào kinh tạng trí huệ như biển. Tự quy y Tăng nên nguyện tất cả chúng sanh thống lý đại chúng, tất cả vô ngại” (Phẩm Tịnh hạnh, thứ 12).
Thực hành đồng thời với tất cả chúng sanh như vậy, tâm chúng ta sẽ dần dần rộng mở để tương ưng với pháp giới, một pháp giới mà tất cả là đồng thời.
Đồng hiện
Như Lai trang nghiêm cõi rộng lớn
Đồng với tất cả số vi trần
Phật tử thanh tịnh đều khắp đầy
Mưa bất tư nghì Pháp vi diệu.
Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Thân Phật không đến cũng không đi
Bao nhiêu quốc độ đều hiện rõ.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Trong kinh nói đến sự đồng hiện này bằng những từ: hiện khắp, cùng khắp, đầy khắp, khắp đến, thấy khắp…
Nếu đồng thời không có thời gian thì đồng hiện nghĩa là không có không gian, không có sự ngăn ngại, chia cắt trong không gian.
Lưới trời Đế-thích làm bằng vô số hạt ngọc trong suốt. Có một cái gì hiện ra trong một hạt ngọc thì tất cả các hạt ngọc khác đều có hiện ra. Đó là đồng hiện. Đồng hiện là không có sự ngăn ngại, che chướng giữa các sự vật. Các sự vật là tánh Không, trong suốt và vô ngại. Thế nên các sự vật trùng trùng phản chiếu lẫn nhau, trùng trùng đồng hiện một cách vô ngại.
Nếu đồng thời là sự giải thoát và giác ngộ về mặt thời gian, thì đồng hiện là sự giải thoát và giác ngộ về mặt không gian. Không có sự cách hở ngăn ngại, không có các tướng che chướng.
Đồng hiện cũng phá tan ảo tưởng về duyên sanh duyên khởi theo lối tuyến tính: cái này có thì cái kia có, cái này sanh ra cái kia, cái này sanh trước cái kia sanh sau, cái này thanh tịnh trước cái kia thanh tịnh sau… Đồng hiện là không có đến không có đi, không có một không có khác; nghĩa là duyên sanh được hiểu ở nghĩa vi tế nhất, là vô sanh, tịch diệt.
Thân Phật thường hiển hiện
Đầy đủ khắp pháp giới
Như Lai khắp hiện thân
Thế gian đều vào khắp.
Phật tùy tâm chúng sanh
Hiện khắp ở trước họ
Quang minh chiếu vô biên
Thuyết pháp cũng vô lượng
Phật tử tùy trí mình
Vào được, quan sát được.
Thân Phật vốn vô sanh
Mà thị hiện xuất sanh
Pháp tánh như hư không
Chư Phật trụ trong đó.
Không trụ cũng không đi
Mọi nơi đều thấy Phật
Quang minh chiếu cùng khắp
Danh tiếng nghe khắp cõi
Vô thể, không chỗ trụ
Cũng không có chỗ sanh
Không tướng cũng không hình
Chỗ hiện đều như bóng.
Tất cả thân chư Phật
Đều có tướng vô tận
Dầu thị hiện vô số
Sắc tướng không cùng tận.
(Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Sự đồng hiện, sự vô ngại giữa tất cả các pháp được nói rất nhiều trong kinh, chẳng hạn, phẩm Quang Minh giác nói:
“Như nơi đây đang thấy Đức Thế Tôn ngồi tòa sư tử Liên Hoa tạng, có mười Phật sát vi trần số Bồ-tát vây quanh, trong trăm ức Diêm-phù-đề khác cũng đều có Như Lai an tọa như thế cả”.
Trong pháp giới Hoa Nghiêm, mọi sự là đồng hiện, như Bồ-tát Văn-thù:
“Và trong mỗi cõi, do thần lực Phật, mười phương đều có những Đại Bồ-tát cùng mười Phật sát vi trần số Bồ-tát đồng đến chỗ Phật, những vị ấy là Bồ-tát Văn-thù… Bấy giờ, ở tất cả những chỗ ấy, trước mỗi Đức Phật, Văn-thù-sư-lợi đồng thời nói lên kệ rằng”.
Sự đồng thời và đồng hiện này cho thấy một điều nữa, là pháp giới Hoa Nghiêm không có trung tâm. Trung tâm của kinh Hoa Nghiêm là Phật Tỳ-lô-giá-na, mà Phật Tỳ-lô-giá-na thì ở khắp tất cả chỗ, trong mỗi vi trần cũng như trong mỗi sát-na, mỗi niệm, cho nên “không có trung tâm hay trung tâm ở khắp tất cả” là một đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm.
Lòng sùng mộ của người thực hành kinh Hoa Nghiêm hướng về một Phật Tỳ-lô-giá-na, nhưng đồng thời hướng về tất cả Phật Tỳ-lô-giá-na ở khắp pháp giới. Hướng về một đồng thời hướng về tất cả, vì một đồng thời đồng hiện thành tất cả.
Sự không có trung tâm này được bồ-tát ứng dụng để tu. Tu tất cả, tu khắp cả mà vẫn trụ trong pháp tánh không động lay. Việc này được diễn tả, chẳng hạn như trong phẩm Quang minh giác:
Tối sơ cúng Phật ý nhu nhẫn
Nhập thiền định sâu quán pháp tánh
Khiến mọi chúng sanh hướng giác ngộ
Do đây mau thành quả vô thượng.
Mười phương cầu chân lòng không tán
Vì tu công đức cho tròn đủ
Hai tướng có không đều dứt trừ
Người này chân thật thấy được Phật.
Qua khắp các cõi nước mười phương
Nói rộng diệu pháp hưng lợi ích
Trụ nơi thật tế chẳng động lay
Công đức người này đồng với Phật.
Như trong hư không vô lượng cõi
Không đến, không đi khắp mười phương
Sanh thành diệt hoại không chỗ y
Phật khắp hư không cũng như vậy.
Sẵn đủ
Sẵn đủ nghĩa là vốn có sẵn, vốn hoàn hào, vốn toàn thiện, vốn viên mãn.
Mỗi chúng sanh đều sẵn đủ Phật:
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Tâm, Phật và chúng sanh
Cả ba không sai khác.
(Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).
Phật ở đây là Phật Tỳ-lô-giá-na, Phật đã thành, nghĩa là trí huệ sẵn đủ, công đức trang nghiêm sẵn đủ… khắp cả pháp giới, cho nên gọi là biển Quả.
Phật Tỳ-lô-giá-na
Hay chuyển chánh pháp luân
Pháp giới các cõi nước
Như mây đều cùng khắp.
Tất cả biển thế giới
Trong tất cả mười phương
Nguyện và thần lực Phật
Chuyển pháp luân khắp chỗ.
Như Lai oai lực lớn
Phổ Hiền nguyện tạo thành
Trong tất cả cõi nước
Diệu âm đều khắp đến.
Thân Phật vô sai biệt
Đầy khắp cả pháp giới
Đều khiến thấy sắc thân
Tùy cơ khéo điều phục.
(Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Phật ở đây là sự viên mãn trí huệ và công đức, viên mãn Chân Không và Diệu Hữu. Nói cách khác, Chân Không đồng thời đồng hiện với Diệu Hữu, bởi vì Chân Không và Diệu Hữu vốn sẵn đủ.
Sự hoàn hảo, toàn thiện, viên mãn này, biển Quả này sẵn đủ trong mỗi vi trần, trong mỗi niệm:
Thân Như Lai vi diệu
Sắc tướng chẳng nghĩ bàn
Người thấy lòng vui mừng
Cung kính tin Phật pháp.
Tất cả tướng thân Phật
Đều hiện vô số Phật
Vào khắp mười phương cõi
Trong mỗi mỗi vi trần.
Vô lượng vô biên Phật
Của mọi biển quốc độ
Đều ở trong mỗi niệm
Mỗi đều hiện thần thông.
(Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Trong mỗi vi trần, trong mỗi niệm và trong mỗi tâm niệm đều đầy đủ tất cả Phật. Đây gọi là sự toàn thiện, viên mãn, vốn sẵn đủ của tất cả các pháp, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất. “Toàn cả ba cõi chỉ là nhất Tâm” (phẩm Thập địa) cho nên toàn cả ba cõi chỉ là Phật, sẵn đủ Phật, đầy đặc Phật.
Khi nói rằng tâm sẵn đủ Phật, đầy đặc Phật thì bất cứ hoạt động nào của tâm, bất cứ động dụng nào của tâm cũng đều là Phật. Như vậy, bất cứ khởi niệm nào cũng đều là Phật. Đó là điều mà hành giả Hoa Nghiêm cần phải khám phá. Như khi nguyên liệu là vàng thì sản xuất ra món gì, dầu khác biệt nhau thế nào cũng đều là vàng. Như sóng khởi lên từ đại dương, dù sóng to hay nhỏ, trắng hay vàng… sóng ấy đều là đại dương.
Toàn cả pháp giới đều bằng vàng. Nhưng không thể tường tượng, không thể hình dung hơn, là trong mỗi vi trần, trong mỗi niệm đều chứa tất cả số vàng tạo ra vũ trụ bằng vàng này. Pháp giới lý sự vô ngại là như vậy.
Và tới mức không thể nghĩ bàn, là một vi trần chứa tất cả mọi vi trần khác, nghĩa là chứa vô lượng vũ trụ bằng vàng khác. Một nhân với tất cả, và tất cả nhân với tất cả.
Nếu dùng thuật ngữ duyên khởi, thì đây là sụ duyên khởi trùng trùng vô tận. trùng trùng vô tận vì đồng thời, đồng hiện, không trung tâm và vốn sẵn đủ.
Với các đặc tính này, chúng ta thấy rõ hơn khía cạnh Diệu Hữu trong Chân Không Diệu Hữu của Đại thừa. Chứng ngộ được Diệu Hữu này là giải thoát và giác ngộ theo Viên giáo của kinh Hoa Nghiêm.
Chứng ngộ được đồng thời, hay đồng hiện, hay không trung tâm, hay toàn thiện sẵn đủ là chứng ngộ được Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na. Trí và Bi đồng thời, đồng hiện, vì trí và bi sẵn đủ trong Phật pháp thân Tỳ-lô-giá-na. Nguyện hạnh và công đức đồng thời, đồng hiện vì chúng sẵn đủ trong Phật pháp thân Tỳ-lô-giá-na. Chân Không và Diệu Hữu đồng thời, đồng hiện vì chúng sẵn đủ trong biển Quả Tỳ-lô-giá-na.
Khi ấy một cử chỉ đồng thời, đồng hiện với tất cả pháp giới là một cử chỉ Phật. Một tư tưởng đồng thời, đồng hiện với tất cả pháp giới là một tư tưởng Phật. Một hoạt động không trung tâm như pháp giới không trung tâm là một hoạt động Phật. Một vi trần hay một niệm viên mãn sẵn đủ là một vi trần Phật hoặc một niệm Phật.
Nếu trong thời kỳ thuyết pháp thứ hai nói về tánh Không và giải thoát giác ngộ là nhờ tánh Không, thì thời kỳ thuyết pháp thứ ba nói về Như Lai tạng, Phật tánh, tức Chân Không Diệu Hữu. Sự giải thoát giác ngộ theo thời kỳ thứ ba này thì không những chứng ngộ tánh Không mà còn cả diệu hữu. Chứng ngộ sự vô ngại của diệu hữu là giải thoát.
Sở dĩ có đồng thời, đồng hiện, không trung tâm và viên mãn sẵn đủ vì kinh Hoa Nghiêm dạy về tánh khởi, hay Chân Như duyên khởi, Như Lai tạng duyên khởi… ở mức độ cao nhất. Khi nói tánh khởi, như trong phẩm của Bồ-tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức, nghĩa là tất cả mọi sự, trong đó có tất cả mọi phương tiện tu hành, đều lưu xuất từ tánh hay Chân Như. Thế nên mỗi pháp môn tu hành đều có tánh hay Chân Như, nơi mỗi pháp môn phương tiện đều có cứu cánh là Phật Tỳ-lô-giá-na. Phương tiện và cứu cánh đồng thời, đồng hiện, sẵn đủ; nhân và quả đồng thời, đồng hiện, sẵn đủ. Đó là sự tu hành của kinh Hoa Nghiêm, và được gọi là viên tu.
Mọi phương tiện pháp môn đều dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…, nơi tất cả những cái ấy đều có Phật Tỳ-lô-giá-na. Trong tất cả thân tâm và những hoạt động của thân tâm này đều có Phật Tỳ-lô-giá-na. Nói theo quan kiến tánh khởi, thì sáu căn, sáu trần, sáu thức đều là sự biểu lộ của Phật Tỳ-lô-giá-na. Vấn đề của hành giả là áp dụng tất cả mọi pháp môn (tất cả đều là Bồ-đề phần) một cách đồng bộ để tương ưng được với Nền tảng của mọi pháp môn là Phật Tỳ-lô-giá-na. Đó gọi là ngộ pháp tánh, tức là tánh của tất cả các pháp. Tánh của tất cả các pháp thì phải có nơi mỗi một pháp.
Pháp luân vi diệu của Phật dạy
Tất cả đều là Bồ-đề phần
Nếu được nghe rồi ngộ pháp tánh
Những người như thế thường thấy Phật.
(Quang minh giác, thứ 9).
Bốn đặc tính của kinh Hoa Nghiêm, đồng thời, đồng hiện, không trung tâm, sẵn đủ đưa đến một đặc tính nữa là luôn luôn hiện tiền. Những vị chứng ngộ có được sự xác quyết là pháp giới Hoa Nghiêm luôn luôn hiện tiền trước mắt mỗi chúng ta.
Bồ-tát Nhất Thiết Huệ nói kệ:
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu thấu hiểu như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Tôi quán tất cả pháp
Thảy đều thấu hiểu rõ
Nay thấy được Như Lai
Quyết định thoát nghi ngờ…
Bồ-tát Tinh Tấn Huệ nói kệ:
Pháp tánh vốn thanh tịnh
Vô tướng như hư không
Không sao có thể nói
Người trí quán như vậy.
Xa lìa ý tưởng pháp
Chẳng chấp một pháp nào
Đây cũng không chỗ tu
Thấy được Đại Mâu-ni
Như ngài Đức Huệ nói
Đây gọi là thấy Phật
Chỗ tất cả các hạnh
Thể tánh đều tịch diệt.
(Tu-di đảnh kệ tán, thứ 14).
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS