SHARE:
Như kinh Duy-ma-cật nói, “Từ gốc vô trụ (tánh Không), lập tất cả pháp”.
Trung luận (phẩm Quán Tứ đế) nói, “Bởi vì có nghĩa Không. Tất cả pháp được thành. Nếu không có nghĩa Không. Tất cả đều chẳng thành”.
Kinh Hoa Nghiêm, như các kinh điển Đại thừa, lấy tánh Không làm nền tảng. Tánh Không trong kinh này là Pháp thân của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na, và toàn thể vũ trụ là hiện thân của Ngài. Pháp thân Tỳ-lô-giá-na chính là pháp thân của Phật Thích Ca.
Những vị thấy được pháp giới Tỳ-lô-giá-na đều đã đạt đến và an trụ trong tánh Không tức Pháp thân, dầu chưa hoàn toàn rốt ráo. Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ nhất nói, “Thiên vương Thanh Tịnh Công Đức Nhãn được giải thoát môn biết tất cả pháp vô tướng, không sanh diệt, không đến đi, vô công dụng hạnh”,“Thần Phước Kiều Quang Âm được giải thoát môn pháp giới thanh tịnh vô tướng vô tánh”.
Cuối phẩm Nhập Pháp giới, lâu các của Đức Di-lặc hiển bày rõ ràng nhất về pháp giới sự sự vô ngại; đây là chỗ ở của bậc đã chứng hoàn toàn tánh Không:
“Đại lâu các này là chỗ ở của bậc đạt Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Là chỗ ở của bậc vô phân biệt tất cả pháp
Là chỗ ở của bậc rõ pháp giới vô sai biệt.
Là chỗ ở của bậc biết tất cả chúng sanh đều bất khả đắc.
Là chỗ ở của bậc biết tất cả pháp vô sanh…”.
Chính những vị Bồ-tát đã đắc từng phần Pháp thân tánh Không đã nói lên những bài kệ tán thán Phật trong những phẩm đầu.
Bồ-tát Nhất Thiết Huệ thừa oai lực của Phật, quán sát khắp mười phương rồi nói kệ:
… Quán sát nơi các pháp Đều không có tự tánh
Tướng chúng có sanh diệt Chỉ là danh thuyết giả.
Tất cả pháp vô sanh. Tất cả pháp vô diệt
Thấu hiểu được như vậy Chư Phật thường hiện tiền.
Pháp tánh vốn không tịch Vô thủ cũng vô kiến
Tánh Không tức là Phật . Chẳng thể nghĩ lường được.
(Tu-di đảnh Kệ tán thứ 14) Thiên vương Thanh Tịnh Huệ Danh Xưng nói:
Rõ biết pháp tánh là vô ngại
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi
Nơi cảnh giới Phật chẳng nghĩ bàn
Khắp chúng đồng quy biển giải thoát
Như Lai ở đời vô sở y
Hiện trong các cõi như vang bóng
Pháp tánh rốt ráo không khởi sanh.
(Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ 1) Đại Bồ-tát Pháp Hỷ Huệ Quang Minh nói:
Pháp thân vốn vô sanh
Mà thị hiện xuất sanh
Pháp tánh như hư không
Chư Phật trụ trong đó
Không trụ cũng không đi
Mọi nơi đều thấy Phật
Vô thể vô sở trụ
Cũng không có chỗ sanh
Không tướng cũng không hình
Chỗ hiện đều như bóng.
(Như Lai hiện tướng thứ 2) Vũ trụ này là thân Phật Tỳ-lô-giá-na, cũng tức là Pháp thân:
Pháp thân cùng khắp đồng pháp giới
Khắp ứng chúng sanh đều hiện tiền.
(Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ 1) Sự biểu lộ ra vũ trụ này là sự ứng hiện của Pháp thân tánh Không:
Phật như hư không vô tự tánh
Thân Phật hiện khắp mười phương cõi
Nhưng vẫn bất động không đến đi.
(Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ 1) Sự ứng hiện mà“bất động, không đến không đi”này, nói theo Bát-nhã Tâm kinh, là Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Ứng hiện chính là tức thị, thời gian chấm dứt nơi đây.
Ứng hiện tức là hiện tiền, không gian trở thành vô ngại.
Tánh Không có rất nhiều định nghĩa, nhiều cách để tiếp cận. Nhưng có lẽ dễ hiểu nhất, tánh Không là không có tự tánh, vô tự tánh. Sự vật không có tự tánh nên không thể tự giữ nguyên bản chất của mình, do đó mà nó phải thay đổi, tan rã, tiêu hoại. Phiền não không có tự tánh nên có có thể được tịnh hóa, được chuyển hóa hay bị tiêu diệt.
Mọi sự vật đều không có tự tánh, thời gian và không gian đều không có tự tánh. Nghĩa là chúng rỗng không, không có bản chất, không có cốt lõi, do đó không có bản chất nào ở trong để chướng ngại. Sự vật không có tự tánh nghĩa là không ngăn ngại. Vô tự tánh là vô ngại.
Duyên khởi hay duyên sanh là “Cái này có nên cái kia có. Cái này sanh nên cái kia sanh. Cái này không có nên cái kia không có. Cái này diệt nên cái kia diệt”. Sự khởi sanh của cái này tác động đến sự khởi sanh của cái kia, nhưng cái này tương tác với cái kia chỉ theo một chiều.
Còn duyên khởi của tánh Không và trong tánh Không thì đa dạng hơn, nhiều chiều hơn. Sắc tức thị Không nghĩa là một sắc thì không có tự tánh, không có bản chất, cho nên không chướng ngại với tất cả sắc khác. Như thế, một sắc có thể nhập vào (tương nhập) tất cả các sắc khác, đồng thời bao trùm, chứa đựng (tương nhiếp) tất cả các sắc khác. Chính nhờ sự tương nhiếp, tương nhập vô ngại này mà kinh Hoa Nghiêm nói, “Tất cả là một, một là tất cả”.
Trong tánh Không, cái này vô ngại và là tất cả các cái khác (vì đồng một tánh Không vô tự tánh), tất cả các cái khác vô ngại và là một với cái này. Một vô ngại với tất cả, tất cả vô ngại với một. Từ đây, duyên khởi không chỉ giữa cái này với cái kia, mà giữa cái này với tất cả, và giữa tất cả với cái này. Đó là duyên khởi trùng trùng vô tận.
Duyên khởi không còn đi theo một chiều, cái này tác động đến cái kia, làm sanh khởi cái kia. Một sự vật là vô tự tánh nên có tất cả mọi chiều, tương tác trong tất cả mọi chiều. Nghĩa là một sự vật duyên khởi đồng thời với tất cả trong tất cả mọi chiều. Và một sự vật vì vô tự tánh nên nó là tất cả, thế nên tất cả đồng thời duyên khởi với tất cả trong tất cả mọi chiều.
Thế nên, trong kinh Hoa Nghiêm, duyên khởi là đồng thời trùng trùng duyên khởi, là đồng thời trùng trùng vô tận.
Ở đây không còn là một duyên khởi đơn giản, theo một chiều. Mà ở đây toàn bộ vũ trụ đều duyên khởi lẫn nhau, pháp giới trùng trùng duyên khởi. Toàn bộ vũ trụ từng phần nhỏ nhất của không gian (vi trần) và của thời gian (sát-na, niệm) đều duyên khởi lẫn nhau, phản ánh lẫn nhau, nhập và nhiếp lẫn nhau một cách đồng thời và đồng hiện. Một sự vật phản chiếu tất cả sự vật, tất cả sự vật được dung nhiếp trong sự vật ấy lại phản chiếu tất cả sự vật khác. Không còn ranh giới giữa trong và ngoài, giữa chủ thể và khách thể, giữa một và tất cả. Sự phản chiếu vô ngại này do đó nói theo chiều ngang là trùng trùng, nói theo chiều dọc là vô tận.
Lấy thí dụ một sự vật là một tấm gương. Tấm gương thì vô ngại, có thể phản chiếu mọi sự vật là những tấm gương khác. Một tấm gương này nhiếp và nhập vào những tấm gương khác. Mỗi tấm gương được phản chiếu trong một tấm gương sự vật này lại phản chiếu toàn bộ những tấm gương khác của vũ trụ. Sự tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp này là duyên khởi trùng trùng vô tận.
Trở lại với Phật Tỳ-lô-giá-na. Một là tất cả, tất cả là một nghĩa là chỉ một Phật Tỳ-lô-giá-na (mà kinh gọi là Nhất Tâm trong phẩm Thập Địa) là tất cả Phật Tỳ-lô-giá-na hiện thành vũ trụ đa thù. Và tất cả Phật Tỳ-lô-giá-na trong mỗi vi trần trong mỗi niệm là một Phật Tỳ-lô-giá-na.
Bốn pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm đặt nền tảng trên tánh Không. Vì tánh Không là vô ngại nên các pháp giới vô ngại với nhau. Đặc biệt, kinh Hoa Nghiêm nói nhiều về pháp giới thứ tư là Sự sự vô ngại pháp giới. Những kinh khác cũng có nói, nhưng chỉ diễn tả trong vài đoạn, chứ không tập trung nhiều như kinh Hoa Nghiêm.
Sự pháp giới: là thế giới của sự vật và sự việc (sự), thế giới hiện tượng, thế giới của thời gian và không gian, bình thường như chúng ta vẫn thể nghiệm. Thế giới hiện tượng bao gồm những sự vật và sự việc chia biệt nhau, ngăn cách nhau, chướng ngại nhau. Nói gọn, đây là thế giới của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đây là thế giới của không gian cách ngăn và thời gian không thể vãn hồi, mà chúng ta vẫn thường gọi là thế giới sanh tử.
Lý pháp giới: là thế giới của bản thể (lý). Ở đây, bản thể là tánh Không. Thế giới này được gọi là Không hay Niết-bàn. Nếu thế giới Sự là hình tướng sai biệt và phần mảnh cho nên là sanh diệt và sanh tử thì thế giới Lý là không sai biệt, không sanh diệt và toàn thể không phân chia. Đây là một tánh Không hoàn hảo không thể chia cắt, là thế giới của Niết-bàn.
Lý Sự vô ngại pháp giới: Lý hay Không thì dĩ nhiên là vô ngại rồi, vì vô tự tánh, như hư không. Nhưng Sự hay Sắc cũng vô ngại, vì vô tự tánh, không có một bản chất nào để ngăn ngại cái gì, huống là ngăn ngại tánh Không. Lý Sự vô ngại với nhau vì cả hai đều vô tự tánh.
Nhìn sâu hơn, Sự hay Sắc là vô tự tánh nên nó chính là tánh Không. Ở đây, chúng ta nhớ lại Bát-nhã Tâm kinh, “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Nói theo ngôn ngữ của tông Hoa Nghiêm, thì “Sự chẳng khác Lý, Lý chẳng khác Sự. Sự tức là Lý, Lý tức là Sự”. Ngoài Sự không có Lý, ngoài Lý không có Sự. Lý và Sự là đồng nhất; do đó, Lý và Sự vô ngại với nhau. Lý và Sự tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp với nhau.
Một thí dụ: một bọt sóng (Sự) và biển (Lý). Bọt sóng từ biển mà khởi lên, có mặt, rồi lại tan vào biển. Bọt sóng và biển đồng là nước nên vô ngại với nhau. Biển bao hàm tất cả mọi bọt sóng và ngược lại một bọt sóng chứa đựng cả biển lớn vì đồng một vị nước. Nguyên lý Một tức Tất cả, Tất cả tức Một áp dụng vào thế giới Lý Sự vô ngại là: Một Lý là Tất cả Sự, Tất cả Sự là Một Lý. Một Sự là Tất cả Lý, Tất cả Lý là Một Sự.
Trong một vi trần nhiều biển cõi
Nơi chốn riêng khác đều nghiêm tịnh
Vô lượng như vậy vào một cõi
Mỗi mỗi phân rõ không xen tạp
Trong mỗi vi trần những cây Giác
Rủ xuống đủ những thứ trang nghiêm
Cõi nước mười phương đều đồng hiện
Tất cả như vậy vô sai biệt
Trong mỗi trần có vô số chúng
Cùng nhau bao quanh đức Thế Tôn
Siêu việt tất cả, khắp thế gian
Mà không chật chội không tạp loạn.
(Thế giới thành tựu thứ 4)
Thời gian cũng Lý Sự vô ngại:
Vô lượng vô số kiếp
Hiểu chỉ là một niệm
Biết niệm cũng vô niệm
Như vậy thấy thế gian.
(Phổ Hiền hạnh thứ 36)
Một và tất cả duyên sanh vô ngại lẫn nhau. Nói theo ngôn ngữ đời thường thì thời gian và vĩnh cửu là vô ngại, một nguyên tử và tất cả vũ trụ là vô ngại:
Trong một, hiểu vô lượng
Trong vô lượng, hiểu một
Rõ duyên sanh vô ngại
Sẽ thành vô sở úy.
(Quang Minh giác thứ 9)
Sự Sự vô ngại pháp giới: Đỉnh cao nhất của triết học, khoa học, văn chương, tư tưởng của con người cũng chỉ tư duy đến mức Lý Sự vô ngại. Đó là chỉ nói đến lãnh vực tư duy, chứ trong lãnh vực chứng nghiệm thật sự thì điều đó càng khó khăn hơn nữa.
Đến Sự Sự vô ngại thì thoát hẳn mọi tư duy con người có thể vươn tới, đây là kinh nghiệm của những tầng thánh cao nhất.
Một sự là vô tự tánh như những sự khác là vô tự tánh. Vì một sự là vô tự tánh, nghĩa là vô ngại, nên nó chứa đựng, dung nhiếp tất cả các sự cũng vô tự tánh và vô ngại khác mà không làm hư hoại, trộn lẫn.
Nguyên lý Một tức Tất cả, Tất cả là Một bây giờ được nhìn thấy trong thế giới của những sự với nhau. Một sự trùm chứa tất cả sự. Tất cả sự nhập vào trong một sự.
Nói theo Bát-nhã Tâm kinh, thì vì Sắc tức là Không, nên một sắc trùm chứa và nhập vào tất cả sắc. Tất cả sắc nhập vào trong một sắc mà không sắc nào bị hư hoại hoặc trộn lẫn.
Lấy thí dụ bọt sóng và biển ở trên. Một bọt sóng không chỉ bao hàm tất cả biển lớn mà một bọt sóng bao hàm tất cả những bọt sóng, những giọt nước khác của biển cả mà không xen tạp, không trộn lẫn, không làm mất đi không gian, thời gian riêng của những bọt sóng biển khác.
Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm hầu như phẩm nào cũng hiển bày Sự Sự vô ngại pháp giới này. Đặc biệt là đoạn chót của phẩm Nhập Pháp giới, khi Đồng tử Thiện Tài bước vào “lầu các của Đức Di-lặc.” Lầu các đó là thế giới Sự Sự vô ngại:
Chỗ một đầu lông vô lượng cõi
Phật, chúng sanh, kiếp bất khả thuyết
Thấy rõ như vậy đều cùng khắp
Lầu này của bậc Vô Ngại Nhãn
Một niệm nhiếp khắp vô biên kiếp
Quốc độ, chư Phật và chúng sanh.
…
Phật tử ở lầu này
Thấy trong một vi trần
Vô lượng cõi, đạo tràng
Chúng sanh và các kiếp.
Như trong một vi trần
Thấy mọi trần đều vậy
Mỗi mỗi đều trọn đủ
Chốn chốn đều vô ngại.
Phật tử trụ ở đây
Quán khắp tất cả pháp
Chúng sanh, cõi và thời
Không sanh, vô sở hữu.
(Nhập Pháp giới thứ 39)
Bốn pháp giới hiển hiện nhờ thiền định thiền quán càng lúc càng sâu. Quá trình này xảy ra khi thiền định và thiền quán càng đi sâu vào tánh Không hay Pháp giới tánh hay Phật tánh cho đến lúc rốt ráo.
Nếu như kinh Pháp Hoa nói về quá trình Khai Thị Ngộ Nhập thì kinh Hoa Nghiêm cũng thế, cho nên chương cuối cùng của kinh có nhan đề là Nhập Pháp giới. Như những kinh Đại thừa khác, sự thâm nhập này không chỉ có thiền định thiền quán, mà bằng tất cả các pháp Đại thừa ứng dụng lên toàn bộ thân, khẩu, ý; bởi thế kinh nói những biển đại nguyện, biển đại bi, biển đại trí, biển công đức, biển đại hạnh… Bởi vì nhờ những biển này mà hành giả mới có thể tương ưng được với biển Hoa tạng Tỳ-lô-giá-na.
Một thế giới hài hòa là điều mong ước lớn lao nhất và duy nhất của cuộc hiện sinh con người.
Với thần học Tây phương, thế giới hài hòa ấy (vườn Địa đàng) chỉ xảy ra vào lúc bắt đầu của lịch sử loài người, và với chỉ hai con người (Adam và Eva). Sự hài hòa ấy, vườn địa đàng ấy đã mất khi lịch sử con người bắt đầu. Thế nên, với Tây phương, lịch sử là một lời nguyền rủa. Chỉ khi nào lịch sử chấm dứt, con người mới thấy lại “trời mới và đất mới”.
Với Phật giáo thì khác. Thế giới hài hòa ấy vẫn hiện hữu tại đây và bây giờ. Mặc cho thời gian và không gian của con người vẫn cứ rách nát vì chiến tranh, vì bạo lực, vì tham tàn… vì nghiệp và tạo nghiệp vẫn đang tiếp diễn.
Nhưng sự “cứu rỗi” cho con người vẫn hiện hữu tại đây và bây giờ. Vì sự tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp của mọi thế giới, kể cả thế giới nghiệp của con người, vẫn đang xảy ra và mãi mãi xảy ra. Thế giới hài hòa vẫn đang có mặt tại đây và bây giờ, bất chấp thế giới nghiệp của con người có như thế nào và nó cũng chẳng làm hư hoại thời gian và không gian của thế giới nghiệp này. Bởi vì thế giới hài hòa đây không phải là sự hài hòa của những hình tướng mà là sự hài hòa của tánh Không vô ngại.
Nếu dùng chữ “phép lạ” của văn hóa Tây phương thì phép lạ của kinh Hoa Nghiêm vẫn đang xảy ra trong từng khoảnh khắc, trong từng vi trần. Đó là sự giải thoát tối hậu và thọ dụng tối hậu dành cho mỗi chúng ta.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS