Giảng văn kinh 15: Thập thiện và Từ Bi Hỉ Xả

SHARE:

ÂM: 

Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh bất khởi não hại. Bi trang nghiêm cố, mẫn chư chúng sanh thường bất yểm xả. Hỉ trang nghiêm cố, kiến tu thiện giả tâm vô hiềm tật. Xả trang nghiêm cố, ư thuận vi cảnh vô ái nhuế tâm. Tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần hóa nhất thiết chúng sanh.

 

DỊCH: 

Dùng lòng Từ trang nghiêm, nên đối với các chúng sanh, không khởi tâm não hại. Dùng lòng Bi trang nghiêm, nên thương xót chúng sanh thường không chán bỏ. Dùng tâm Hỉ trang nghiêm, nên thấy người tu thiện lòng không ganh tỵ. Dùng tâm Xả trang nghiêm, nên đối với cảnh thuận nghịch tâm không thương giận. Dùng Tứ nhiếp pháp trang nghiêm, nên thường siêng năng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

 

GIẢNG: 

Người đã tu Thập thiện lại còn dùng lòng Từ trang nghiêm nên không khởi tâm não hại. Tức là phát khởi lòng thương xót cứu giúp tất cả mọi loài, khiến cho họ được an vui, không có tâm làm não hại khiến cho chúng sanh đau khổ. Người đã tu Thập thiện lại còn dùng tâm Bi trang nghiêm, nên thương các chúng sanh không chán bỏ. Tức là đem lòng thương xót chúng sanh đau khổ, dùng mọi phương tiện để cứu giúp. Dù cho chúng sanh có khó độ, khó nói cũng không nhàm chán, không phó mặc bỏ qua. Người đã tu Thập thiện lại còn dùng tâm Hỉ trang nghiêm, thấy người tu thiện không ganh ghét. Nghĩa là đối với chúng sanh ai làm được điều gì tốt đẹp hoặc hưởng được phước báo hơn mình, thì khởi tâm tùy hỉ, chớ không có lòng ganh ghét đố kỵ làm não hại họ. Người đã tu Thập thiện lại còn dùng tâm Xả trang nghiêm, nên đối với cảnh thuận nghịch lòng không thương giận. Nghĩa là trong sự tương giao giữa mình với người, dù cho người có đối với mình tử tế, mình không vì thế mà sanh lòng ái nhiễm, hoặc họ xử sự với mình tệ bạc, mình cũng không vì thế mà oán giận họ. Tóm lại người nào tu Thập thiện mà biết tu thêm Tứ vô lượng tâm thì được những công đức: Lòng không não hại chúng sanh, không nhàm bỏ chúng sanh, không đố kỵ ganh ghét khi thấy chúng sanh hơn mình, không ái nhiễm hay oán ghét đối với cách đối xử ưu ái hay tệ bạc. Và người tu Thập thiện biết tu thêm Tứ nhiếp pháp thì được công đức siêng năng hóa độ chúng sanh.

 

Như vậy, hàng Bồ-tát dù tu hạnh nào cũng lấy Thập thiện làm căn bản. Thế nên Thập thiện là nền tảng mà người tu không thể xem thường.

SHARE:

Để lại một bình luận