Giảng văn kinh 12: Tà kiến

SHARE:

ÂM: 

Phục thứ Long vương, nhược ly tà kiến, tức đắc thành tựu thập công đức pháp. Hà đẳng vi thập?

 
Nhất : Đắc chân thiện ý lạc, chân thiện đẳng lữ.
Nhị : Thâm tín nhân quả, ninh quyên thân mạng, chung bất tác ác.
Tam : Duy qui y Phật, phi dư thiên đẳng.
Tứ : Trực tâm chánh kiến, vĩnh ly nhất thiết kiết hung nghi võng.
Ngũ : Thường sanh nhân thiên bất cánh ác đạo.
Lục : Vô lượng phước tuệ, chuyển chuyển tăng thắng.
Thất : Vĩnh ly tà đạo, hành ư Thánh đạo.
Bát : Bất khởi thân kiến, xả chư ác nghiệp.
Cửu : Trú vô ngại kiến.
Thập : Bất đọa chư nạn.
 

Thị vi thập. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, tốc chứng nhất thiết Phật pháp, thành tựu tự tại thần thông.

 

DỊCH: 

Lại nữa Long vương, nếu xa lìa tà kiến thì sẽ được thành tựu mười pháp công đức. Những gì là mười?

 

1.   Được ý vui chân thiện, bạn hữu chân thiện.

 

2.   Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng, trọn không làm ác.

 

3.   Chỉ qui y Phật, không qui y các thiên thần khác v.v…

 

4.   Tâm ngay thẳng, thấy biết chân chánh xa hẳn các sự ngờ vực kiết hung.

 

5.   Thường sanh thân trời người, không rơi vào đường dữ.

 

6.   Phước tuệ vô lượng lần lần thêm nhiều.

 

7.   Xa hẳn đường tà, thực hành Thánh đạo.

 

8.   Chẳng khởi thân kiến, bỏ các nghiệp ác.

 

9.   Trụ tri kiến vô ngại.

 

10. Không bị các tai nạn.

 

Ấy là mười. Nếu hướng về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật mau chứng tất cả pháp Phật, thành tựu thần thông tự tại.

 

GIẢNG: 

Như trước đã nói, tà kiến là không tin lý nhân quả, chấp thường chấp đoạn, chấp thế giới hữu biên… tin tà ma ngoại đạo, tin bình vôi ông táo… Do những kiến chấp đó mà mê mờ rồi tạo nghiệp bất thiện, chiêu cảm quả báo khổ đau. Phật biết rõ nhân không tốt đó, nên dạy chúng ta phải xa lìa tà kiến. Người xa lìa tà kiến được mười công đức như sau:

 

1. Đắc chân thiện ý lạc, chân thiện đẳng lữ: Xa lìa tà kiến thì được ý vui chân thật của người trời. Chẳng những bản thân mình được vui chân thật mà còn được nhiều bạn bè chân thật hiền thiện.

 

2. Thâm tín nhân quả, ninh quyên thân mạng, chung bất tác ác: Người xa lìa tà kiến thì có lòng tin sâu nhân quả, không nghe lời xúi bảo không chân chánh của bất cứ ai, thà chết chớ không làm ác. Vì biết rõ làm ác sẽ thọ nhận quả báo khổ, nên dứt khoát không làm, Phật thường dạy: “Thà chết chớ trọn không phá giới.” Tuy chết mà được sanh về cõi lành gặp Phật pháp để tu, sống mà phá giới đọa vào địa ngục, biết chừng nào ra khỏi khổ đau?

 

3. Duy qui y Phật, phi dư Thiên đẳng: Người xa lìa tà kiến chỉ qui y Phật, Pháp, Tăng chớ không qui y với trời, thần, quỉ, vật… Trong kinh có nói: Lúc Phật đến cung trời Đao-lợi nói pháp cho mẹ Ngài nghe, thì có chư Thiên đến qui y với Phật. Chư Thiên còn qui y với Phật mà chúng ta lại qui y với chư Thiên là sao? Có những lúc Phật một mình ở nơi thanh vắng, chư Thiên đến cầu Phật nghe pháp. Chư Thiên còn cầu pháp với Phật, chẳng lẽ chúng ta lại cầu pháp với chư Thiên? Thế nên, chỉ qui y với Phật, không qui y với thiên, thần, quỉ, vật, ngoại đạo… Có một số Phật tử tuy qui y với Phật, nhưng nghe nói cậu này linh, cô kia linh liền đến để xin bùa hộ mệnh, làm ăn khá giả, tuy qui y Phật mà chưa có chánh tín. Chúng ta muốn trở thành một Phật tử chánh tín là phải dứt bỏ tà kiến.

 

4. Trực tâm chánh kiến, vĩnh ly nhất thiết kiết hung nghi võng: Người xa lìa tà kiến, thường có chánh kiến tâm ngay thẳng nhận định chín chắn, xa hẳn mọi ngờ vực về kiết hung. Chỗ này đa số Phật tử đều kẹt, tuy qui y Phật, Pháp, Tăng mà nghe nói kiết hung lành dữ thì vẫn cứ lo sợ! Nghe ai đoán vận mệnh năm bảy năm về trước, hay năm bảy năm về sau đúng như việc đã xảy ra, liền tới đó đoán vận mệnh! Nếu là Phật tử chân chánh tin sâu nhân quả, biết quả tốt hay xấu, đúng thời tiết nhân duyên nó đến là phải nhận thôi. Vì nhân đã tạo rồi, quả đến là chuyện hiển nhiên, không có gì để sợ, để nghi, thì đoán vận mệnh để làm gì? Hiện nay còn nhiều chùa vấp phải lỗi này, Phật dạy một đường mà Tăng Ni làm một nẻo, nên tu hoài không thành Phật, không hết khổ. Chúng ta tu phải đúng như lời Phật dạy thì mới an vui hết khổ.

 

5. Thường sanh nhân thiên bất cánh ác đạo: Đoạn ly tà kiến thì được sanh cõi người, cõi trời, không sa vào đường dữ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

 

6. Vô lượng phước tuệ chuyển chuyển tăng thắng: Người xa lìa tà kiến thì được phước đức vô lượng, phước đức càng ngày càng tăng trưởng.

 

7. Vĩnh ly tà đạo, hành ư Thánh đạo: Người xa hẳn tà kiến thường hành Thánh đạo. Có nhiều cụ già hay lo lắng: Bây giờ tôi tu không đắc đạo, chẳng biết đời sau tôi có gặp Phật pháp để tu không? Các cụ hãy an tâm. Muốn đời sau gặp Phật pháp để tiếp tục tu, thì ngay bây giờ không tin tà ma, đồng bóng, ngoại đạo, chỉ một lòng tin Tam Bảo, chắc chắn đời sau không bị lạc, vì chủng tử đã sẵn nơi Tàng thức rồi, thì sẽ gặp lại chánh pháp tu nữa.

 

8. Bất khởi thân kiến, xả chư ác nghiệp: Người xa lìa tà kiến thì không khởi kiến chấp về thân năm ấm, nên không tô đắp vun bồi cho nó sung túc để rồi tạo các nghiệp ác chiêu cảm quả báo khổ đau.

 

9. Trú vô ngại kiến: Người dứt được tà kiến, lúc nào cũng thấy biết chín chắn xuyên suốt, không bị những kiến chấp lệch lạc làm ngăn ngại việc học tu của mình.

 

10. Bất đọa chư nạn: Người không còn tà kiến thì không si mê, luôn luôn sáng suốt, lời nói hành động lúc nào cũng hợp với chánh pháp, nên thân khẩu ý không tạo nghiệp ác, vì vậy mà không bị khổ nạn.

 

Đó là mười công đức của người đoạn lìa tà kiến. Người muốn tu tiến hơn, biết hướng về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ được thành Phật. Sau khi thành Phật sẽ chứng được tất cả pháp mà Phật đã chứng, như Tam minh, Lục thông… Vậy chúng ta tu, muốn đời sau an ổn, muốn được gặp Phật pháp luôn luôn để tu hành cho đến ngày thành Phật, thì không thể không biết mười công đức này.

SHARE:

Để lại một bình luận