SHARE:
TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI
– Tenzin Gyatso –
Việt dịch: Thiện Tri Thức 1998
(Hội nghiên cứu Thiền, New York)
Buddham sharanam gacchami
Dharman sharanam gacchami
Sangham sharanam gacchami
“Tôi đi tìm Phật, Pháp, Tăng”. Âm nhạc khác với Tây Tạng, nhưng ý nghĩa thì đồng, và chứng tỏ rằng tất cả chúng ta là đệ tử của cùng một đạo sư là đức Phật. Có niềm tin vào những gì Phật thuyết không khiến tôi nói rằng Phật giáo là con đường tốt nhất cho mọi người. Tất cả mọi người không có cùng một thị hiếu, mỗi người có những sở thích của họ và phải được cảm thấy tự do để chọn lựa giữa những tôn giáo khác nhau cái nào thích hợp với mình. Người ta có thể nhờ vào những phương thuốc khác nhau để chữa lành bệnh tật. Một vài thứ thuốc có thể cho những kết quả tốt trong một trường hợp và tỏ ra vô hiệu trong một trường hợp khác. Sẽ là hơi đơn giản khi nói rằng Phật giáo là phương thuốc trị muôn bệnh, nhưng thật sự là truyền thống này chứa đựng những giáo lý rộng rãi và sâu xa. Có những người nghĩ rằng đó không phải là một tôn giáo, mà một khoa học về tâm thức ; với những người khác, Phật giáo là vô thần. Thật vậy, nó là một tiếp cận hợp lý, sâu xa, phức tạp về cuộc sống con người, nó nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân của sự phát triển bên trong hơn là vào ảnh hưởng của các hoàn cảnh bên ngoài. Đức Phật đã nói : “Chính các con là vị thầy của mình, chính nơi con mà mọi sự tùy thuộc vào. Với tư cách là thầy dạy, với danh hiệu là y sĩ, ta có thể đề ra cho các con phương thuốc hiệu quả, nhưng chính các con phải dùng nó và tự chăm sóc mình.”
Đức Phật là ai ? Đó là một người đã đạt đến sự tịnh hóa hoàn toàn tâm thức, lời nói và thân thể. Theo một số bản văn, tâm của Phật, Pháp thân hay thân của chân lý, có thể được xem như chính đức Phật. Lời nói của ngài hay năng lực nội tại như là Pháp, giáo lý. Và thân thể ngài như là Tăng, cộng đồng tâm linh. Và toàn thể tạo thành ba viên ngọc quý : Phật, Pháp và Tăng.
Một vị Phật như vậy có hay không một nguyên nhân ? Có, vị ấy có một nguyên nhân. Vị ấy có thường hằng không ? Thích Ca Mâu Ni, đức Phật đã cá thể hóa, ngài có vĩnh cửu không ? Không. Ban đầu, Phật Thích Ca chỉ là Tất Đạt Đa, một người bình thường trong vòng những tư tưởng và hành động tiêu cực – hoàn toàn như chúng ta. Tuy nhiên, nhờ những giáo lý và những vị thầy, ngài đã thanh tịnh dần dần, và cuối cùng trở thành giác ngộ.
Khi theo cùng một tiến trình nhân quả, tất cả chúng ta cũng có thể thành công như thế. Tâm thức có nhiều chiều kích mà mức độ vi tế nhất là bản tánh của Phật, hạt giống Phật tánh. Tất cả chúng sanh mang trong nó tâm thức vi tế này mà sự thực hành thiền định sâu xa và những hành vi đức hạnh chuyển hóa dần dần thành Phật tánh thanh tịnh. Hoàn cảnh chúng ta đầy hy vọng ; mầm mống giải thoát ở trong chúng ta.
Là những đệ tử tốt của đức Phật, chính yếu là thực hành lòng bi mẫn và ngay thẳng. Khi người ta cố gắng có lòng tốt với những người khác, người ta trở nên ít ích kỷ và sự chia xẻ với những đau khổ của họ khiến ta càng ngày càng chú tâm tới hạnh phúc của mỗi người. Đó chính là nền tảng của giáo lý. Để chạm đến mục đích giáo lý đề nghị với chúng ta, chúng ta phải thực hành thiền định sâu xa và trau dồi trí huệ. Khi người ta lớn lên trong trí huệ, cảm giác đạo đức cũng tự nhiên phát triển.
Đức Phật đã nhấn mạnh nhiều về một sự quân bình chân chính giữa thông tuệ và mẫn cảm – trí huệ và đại bi. Một trí óc tốt và một con tim tốt phải đi song đôi. Khi sự phát triển thông tuệ làm hao tổn trái tim, đó là một nguồn gốc của các vấn đề, và khổ đau tăng thêm trong thế giới. Khi người ta ưu đãi trái tim hơn trí óc, biên giới phân cách chúng ta và những bản năng loài vật bị mờ nhạt. Nhưng nếu người ta cho phép cả hai dòng chảy tuôn một cách hài hòa, người ta có được cùng lúc sự tiến bộ vật chất và sự nở rộ tâm linh. Mong rằng trái tim và trí óc hòa điệu với nhau và chúng ta thực sự biết được bình an và tình bạn giữa gia đình và nhân loại.
Câu hỏi : Chữ dharma có nghĩa là gì ?
Trả lời : Dharma (pháp) là một tiếng Phạn. Nó nghĩa là “nắm giữ”. Trong một nghĩa rất rộng, nó áp dụng cho mọi hiện tượng mà mỗi hiện tượng “duy trì” thực thể riêng của nó. Nhưng, trong văn mạch của dharma và của những tương quan của nó với thế giới, từ này chỉ sự thực hành nó “duy trì, nâng đỡ” cá nhân, bảo vệ người đó khỏi sợ hãi vì sợ hãi nằm trong dòng tư tưởng của y. Sự nâng đỡ hay bảo vệ này, tác động trên những kết quả cũng như những nguyên nhân của khổ đau, nghĩa là vừa trên khổ đau vừa trên tham ái. Những phương tiện mà người ta dùng để đạt đến sự kiểm soát của tâm thức và cho phép chúng ta đạt được điều ấy là Dharma (Pháp). Nhất thời, nó đem những sợ hãi khỏi chúng ta, và về lâu về dài, nó can thiệp trong những tình huống đáng sợ và bi thảm, khi ấy những tham ái độc hại lôi kéo chúng ta khi chúng ta nhường bước cho ảnh hưởng của chúng.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS