SHARE:
TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI
– Tenzin Gyatso –
Việt dịch: Thiện Tri Thức 1998
(Đại học Harvard)
Lịch sự, lịch thiệp, ngoại giao là những phẩm chất đáng biểu dương thật, nhưng chúng nằm ở bề ngoài. Trong khi một tâm hồn cởi mở, thẳng thắn và thành thật cho phép chúng ta đi sâu rất nhiều trong những mối liên lạc của chúng ta. Để những mối dây tình bạn có thể kết chặt, trước hết cần phải hiểu nhau. Không vậy thì khó mà thiết lập một không khí tin cậy, trở nên gần gũi và còn nan giải hơn là duy trì hòa bình. Những phẩm chất của tấm lòng thì thiết yếu để tiếp thông tốt đẹp. Ngày nay, những mối tương quan đã phi nhân bản thêm đôi chút. Điều này kéo theo một sự thiếu tôn trọng đối với con người, và người ta đi đến chỗ nhìn con người như họ không hơn gì bánh xe trong bộ máy.
Nếu chúng ta đến chỗ mất đi ý nghĩa về giá trị con người, đó sẽ là một thảm họa thật sự. Không có một tài sản nào có thể so sánh với một con người. Tiền bạc được tạo ra để phụng sự con người, ngược lại là không đúng. Nếu chúng ta chỉ mong mỏi sự phát triển vật chất mà không để ý đến những giá trị và phẩm giá con người, chúng ta chỉ rút ra được sự phiền muộn, stress, khổ tâm và tuyệt vọng.
Chúng ta hãy ý thức hơn sự kiện làm người có nghĩa là gì. Chúng ta hãy nhớ rằng điều ấy nói lên vô số khả tính. Sự cương quyết, can đảm, tự tin là những yếu tố mạnh mẽ của thành công. Không có chúng, công việc đơn giản nhất cũng thất bại. Với sự can đảm, nghiêm túc và chăm chỉ, các bạn có thể thực hiện những điều vượt quá tưởng tượng, cái không thể trở thành cái có thể. Ý chí thì vô cùng quan trọng.
Làm thế nào phát triển nó ? Trong lãnh vực này, kỹ thuật cơ khí thì bất lực, tiền bạc cũng thế. Người ta chỉ có thể trông chờ vào năng lực bên trong của mình đặt nền tảng trên một ý thức rõ ràng về giá trị và phẩm giá của con người. Khi người ta hiểu đàn ông và đàn bà thì quý giá hơn bất cứ thứ tài sản vật chất nào ra sao, người ta biết được giá trị của đời người. Lòng bi và lòng tốt với tất cả ý nghĩa của chúng khởi từ đó.
Bản chất con người là hướng về hạnh phúc và từ chối khổ đau. Mỗi người làm tất cả những gì có thể làm để đạt đến đó và điều ấy là hoàn toàn chính đáng. Về mặt này, dù chúng ta giàu hay nghèo, thông thái hay ít học, Tây phương hay Đông phương, có tôn giáo hay không tôn giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo… chúng ta không khác biệt, chúng ta đều như nhau.
Ví dụ, về phần tôi, tôi đến từ Đông phương và chính xác hơn là từ Tây Tạng. Trong xứ ấy, những hoàn cảnh sống rất khác với các bạn ở Tây phương. Nhưng tự trong nền tảng của tôi, tôi là một người ; các bạn cũng thế ; chúng ta giống nhau. Nếu nhìn trái đất nhỏ bé này từ không gian, chúng ta sẽ không thấy có biên giới nào. Mọi hàng rào hoàn toàn là nhân tạo. Chúng ta tạo ra những phân biệt từ màu da, từ nơi chốn địa lý… và từ đó chúng ta có cảm giác bị chia cách. Vì thế mà có những xung đột, tranh cãi, cả đến những cuộc chiến tranh. Trong một cái nhìn rộng lớn hơn, tất cả chúng ta là anh chị em của nhau.
Khi sống với đồng loại, cần có một thái độ anh em đối với những người khác ; đó là một điều tốt đẹp cho họ và cho chính chúng ta. Đời sống hàng ngày trôi chảy thanh bình hơn, chúng ta cũng duy trì sự bình an của mình. Nói thế không phải là chúng ta thành công trong mọi sự ; tự nhiên phải có nếm mùi thất bại, nhưng sự thanh thản của chúng ta sẽ không bị chao động. Khi người ta thiết yếu quan tâm đến số phận của những người khác, thất bại không thể làm chúng ta mất vững chãi, những vấn đề không bao giờ là không thể vượt qua được. Các bạn không mất sự bình tĩnh trước các trở ngại và những gì tham dự vào đời sống hàng ngày của các bạn tự để cho sự bình an và không khí thanh bình toát ra từ các bạn xâm chiếm lấy.
Trái lại, nếu các bạn nhường chỗ cho căng thẳng và giận dữ, sự yên bình của bạn sẽ chấm dứt. Những tình cảm xung đột cháy bùng, ham muốn và tức giận quấy rầy giấc ngủ các bạn, bạn không thể ăn gì ngay trước những món ăn sở thích. Các bạn muốn thỏa mãn sự giận dữ của mình. Những người thân, những con mèo, những con chó của bạn cũng phải chịu đựng việc đó. Thậm chí bạn sẵn sàng tống bạn bè ra khỏi cửa. Thanh bình bị hủy hoại. Đó là kết quả của giận dữ. Chúng ta biết tất cả những điều đó. Tất cả đều nặng nề, những sự bùng nổ của sân hận, không mang lại cho chúng ta một cởi mở nhẹ nhàng nào, lại làm cho hỗn loạn. Những bạn bè, người chung quanh, người thân cũng tránh chúng ta.
Thái độ bên trong là cái quyết định trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống xã hội.
Những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật mở cho chúng ta không gian. Kỳ diệu biết bao ! Những lãnh vực này đã làm tôi say mê từ tuổi thơ ấu, chúng đầy sự bổ ích cho nhân loại. Nhưng sự khám phá bên trong cũng xứng đáng cho những cố gắng của chúng ta. Trong lãnh vực tâm thức, còn những khoảng không gian bao la để khám phá, thám hiểm. “Tôi là ai ? Bản chất của tâm thức tôi là gì ? Một ý tưởng tốt lành tử tế có lợi ra sao ? Một tư tưởng ác tâm có lợi ích gì ?” Hãy thường trực sự đối thoại này với chính các bạn. Chớ bỏ qua những câu hỏi này.
Sự suy nghĩ này sẽ làm rõ chiều kích của tâm thức các bạn, nó thật sự là một kẻ phá đám và cần thiết phải làm chủ nó. Các bạn sẽ nhận ra rằng chiều kích kia là lợi lạc cho các bạn, cho những người khác, và nó xứng đáng được phát triển rộng rãi hơn nữa. Tự kiểm nghiệm theo cách ấy thì hoàn toàn thú vị. Tôi chỉ là một nhà sư Phật giáo, và mặc dầu kinh nghiệm của tôi không phải là đặc biệt, tôi có thể thưởng thức những lợi lạc của một thái độ từ bi, kính mến đối với những con người. Đã nhiều năm, tôi thử trau dồi những đức tính này và mặc dầu những hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy rằng con đường đi ấy đã làm tôi thành một người sung sướng. Nếu tôi để thì giờ để thở than cho số phận mình, điều ấy không mấy hiệu quả. Một người trĩu nặng buồn phiền không có sức mạnh nào đối với thực tại. Nhưng biết chấp nhận những cú của số phận không có nghĩa là buông tay. Chúng ta làm mọi cách để vượt lên bi kịch của chúng ta bằng cách hoàn toàn bình an và vững vàng. Tôi nói với các bạn kinh nghiệm của tôi như tôi đã làm thế khắp nơi chỗ nào tôi đã đến. Với tất cả các bạn của tôi, tôi nói sự quan trọng của từ và bi. Những từ này có thể đã bị làm ô danh, nhưng cái mà chúng chứa đựng thì đầy giá trị. Vả lại, nói đến tình thương, lòng bi mẫn và lòng tốt thì dễ dàng. Nhưng đó không phải là những danh từ. Chúng chỉ có ý nghĩa thật sự khi chúng diễn dịch ra trong mỗi một cử chỉ của đời sống thường nhật. Lúc đó người ta mới biết tất cả giá trị của chúng. Hãy thử áp dụng chúng nếu bạn muốn, còn không thì chớ nghĩ đến nữa.
Ban đầu khi đến Tây phương, tôi không có mục tiêu rõ ràng nào, nếu không nói là để thay đổi cảnh quan. Dần dần, tôi đi đến chỗ khuyến khích sự thực hành từ bi và cổ vũ cho những trao đổi giữa các tôn giáo để có một sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn. Thời gian sau này, tôi đã gặp những đại diện của các tôn giáo khác nhau. Những điểm căn bản chung đã kết nối họ : tình thương và tình anh em. Tất cả hướng về cùng một mục đích : hạnh phúc của nhân loại. Dầu có những sự khác biệt triết lý, tôi thành thật kính trọng tất cả tôn giáo khi chúng truyền vào cho các tín đồ của mình những phương pháp để đạt được bình an.
Khi người ta tham thiền về lòng bi, cần phải nhờ đến trí huệ. Trí huệ có khả năng phát triển lòng bi đến vô biên, vì khi làm cho chúng ta thâm nhập bản tánh của những hiện tượng, nó cho phép chúng ta chấm dứt những phiền não ngăn chận sự phát triển của lòng bi. Thật vậy, những phiền não làm biến dạng thực tại bằng cách che phủ thực tại bằng những ý niệm tốt, xấu thái quá so với cái thực sự là. Tóm lại, một khi bạo lực của tham muốn hay thù hận đã qua đi, chúng ta lại thấy cái đã gây ra mối kích động rõ ràng khác hẳn đến nỗi chúng ta tự cười mình. Phương tiện để đoạn tuyệt với cái thấy sai lầm này và để tránh những phản ứng xấu mà nó gây ra cốt ở hiểu thấu thực tại tối hậu của những hiện tượng và khám phá rằng tất cả đều không có tự ngã.
Khi người ta tìm cách thâm nhập thực tại tối hậu của những hiện tượng, sự tìm kiếm liên quan đến hai mặt : con người (ngã) và hiện tượng (pháp). Bản tánh tối hậu thì rất khó chứng nghiệm đối với những hiện tượng, trước tiên chúng ta quan tâm đến sự khám phá bản chất thật của con người.
Để đến đó, câu hỏi đầu tiên đặt ra là : cái gì là con người ? Cái gì là cái ngã ? Triết học Phật giáo chủ trương luận đề vô ngã. Nghĩa là cái ngã không hiện hữu chăng ? Trong trường hợp đó, những cá nhân thì không hiện hữu, và cũng không có người nào để tư duy về vô ngã và cũng không có ai để gởi đến lòng bi. Vậy mà kinh nghiệm lại cho chúng ta một sự cải chính thường trực : có những con người, và họ có một cái ngã. Thế thì, lý thuyết vô ngã này có nghĩa gì ? Chẳng phải đấy là một mâu thuẫn khổng lồ sao ? Hoàn toàn không. Hãy tham thảo kinh nghiệm riêng của các bạn, hãy quan sát cái ngã của các bạn và các bạn sẽ hiểu tại sao đấy không là mâu thuẫn.
Bạn cảm thấy cái ngã của bạn thế nào khi bạn thư giãn ? Bạn có nhận thấy nó như khi đang căng thẳng nóng nảy hay là khác ? Hãy giả thiết, ví dụ người ta đến tố cáo bạn một trọng tội mà bạn không có : “Chính anh đã phạm vào việc ấy !” Bạn thấy gì trong nội tâm khi bạn nghĩ : “Tôi ! Nhưng điều đó không đúng !” Cái ngã này xuất hiện với bạn như thế nào ? Một cách khác để vạch ra cái ngã là gợi lại kỷ niệm về một kẻ thù và nghĩ đến sự sai trái người đó đã làm cho bạn. Lúc ấy kẻ thù hiện ra trong tâm thức bạn rõ ràng như nó hiện hữu thật sự, cụ thể đến nỗi bạn có thể dùng ngón tay để chỉ ra nó. Tất cả những hiện tượng khác cũng như vậy : chúng dường như hiện hữu tự chúng, nhưng chẳng có gì cả. Cái hình như hiện diện tự nó được gọi là “ngã”, và sự không hiện diện của một cái ngã như thế là cái chúng ta hiểu là “vô ngã”, dầu nó thuộc về chủ thể hay hiện tượng khác.
Chúng ta có cái ngã – hay là con người mình – với rất nhiều hình ảnh. Dưới một góc độ, nó hình như thường hằng, nhất tính, hiện hữu bởi những phương tiện riêng của nó ; trong trường hợp này, nó xuất hiện như một thực thể phân biệt với tâm thức và thân thể, như người sử dụng hay người sở hữu tâm thức và thân thể. Hai thứ này bấy giờ được xem là những dụng cụ hay tài sản của nó. Không có luận đề Phật giáo nào chấp nhận thực tại của một cái ngã như thế. Một hay hai phụ phái của trường phái Đại Giảng Luận (Vaibhashika) có vài điểm khác biệt, nhưng đó chỉ là những ngoại lệ.
Dưới một phương diện khác, cái ngã giống như một thực thể có chất thể và tự chủ, nhưng trong trường hợp này nó cũng cùng bản chất với thân và tâm. Quan niệm này đáp ứng đồng thời cho những hình thức của ý thức bẩm sinh và sở đắc.
Người ta có thể nghĩ rằng cái ngã rốt ráo là không thực hữu, nhưng nó hiện hữu bởi tính cách quy ước của nó. Và cuối cùng, có quan niệm bẩm sinh có cái ngã. Quan niệm sai lầm này cho chúng ta thấy cái ngã theo cách rất cụ thể. Cái nhìn sai lầm này không do từ giáo dục cũng không do một hệ thống tư tưởng đặc biệt nào, nó tác động với tất cả mọi người.
Đấy là những hình ảnh chúng ta có về cái ngã, nhưng, theo những luận đề khác nhau của đạo Phật, không có một cái ngã nào như vậy, từ những mức độ thô sơ nhất đến những mức độ tinh tế nhất. Huyền thoại tưởng tượng về sự hiện hữu của nó là điều mà chúng ta gọi là vô ngã.
Thế thì cái tôi được chấp nhận một cách quy ước và cảm thức về nó khi tôi được thuận lợi hay khó khăn do những biến cố là cái gì ? Những học phái tư tưởng Phật giáo trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Với một số phái, đó là ý thức ; với số khác, đó là những khả năng tâm thức ; một số xem thấy trong cái ngã một “tâm thức làm nền tảng cho mọi sự” (a lại gia thức), phân biệt với những khả năng tâm thức.
Những tư tưởng sâu xa nhất nằm trong Trung Đạo của những nhà Hệ Quả Luận (Prasangika-Madhyamika). Theo phái này, con người hay cái ngã là một sự gọi tên, đặt tên suông cho các uẩn của tâm và thân. Hiểu rằng tâm thức là vi tế hơn và tồn tại vượt qua cuộc sống của thân thể, thì cái ngã hay con người chỉ là một sự đặt tên suông cho dòng liên tục của tâm thức.
Cái tôi lập tức đến trong tâm thức ngoài mọi phân tích, khi chúng ta nói : “Tôi đi, tôi ở lại…” không gì khác hơn là cái tôi tương đối, tùy thuộc theo danh xưng này, và đó là tất cả những gì người ta có thể chấp nhận. Bởi vì nó được đặt tên theo những hợp thể tâm và thân, cho nên cái tôi là tùy thuộc. Vậy thì tùy thuộc và độc lập tạo thành một sự phân hai và rõ ràng là mâu thuẫn nhau. Ví dụ, ngựa và người loại trừ lẫn nhau, nhưng không phân hai cũng không rõ ràng mâu thuẫn, như trong trường hợp người chẳng phải là người. Cũng thế, tùy thuộc và độc lập loại trừ lẫn nhau, bởi vì mọi sự được quan sát hoặc là cái này, hoặc là cái kia, và không có một khả năng thứ ba nào.
Cái tôi thì tùy thuộc một cách danh xưng, nó được nhận thấy như một bản ngã độc lập hiện hữu bởi những phương tiện riêng của nó, cái tôi ấy thì không hiện hữu ở bất cứ phương diện nào, bởi thế chúng ta gọi nó là vô ngã của cá thể con người. Nhưng chính từ một nền tảng hiện hữu – cái tôi tương đối – mà chúng ta có thể nói đến một cái vô ngã. Khi người ta đã hiểu rõ vô ngã là cái gì, người ta đương nhiên hiểu sự hiện hữu của nền tảng của nó. Bởi vì tính chất tùy thuộc của một nền tảng hiện hữu như vậy được nêu ra để giải thích nền tảng ấy là không có một hiện hữu riêng biệt, là vô tự tánh, đã rõ ràng tánh Không không thể nhầm lẫn với hư vô.
Khi tánh Không của vô tự tánh sáng tỏ trong bối cảnh của duyên sanh, người ta tránh khỏi quan điểm cực đoan về một sự không hiện hữu. Và khi người ta hiểu rằng một sự vật là không có tự tánh bởi vì nó là một duyên sanh, quan điểm cực đoan chấp hữu được tránh thoát. Người ta phải vượt cả hai nhị biên cực đoan này để có thể có một cái nhìn Trung Đạo. Chính như thế mà những trường phái Phật giáo khác nhau nhận ra bản ngã trong những phương diện thô cũng như tế nhất của nó và dùng nó như một căn bản – hay một cơ sở – để hiểu rõ thực tại. Tất cả những cách thức cảm thấy một cái tôi giả tạo này mà không căn cứ trên tìm tòi hay phân tích là kết quả của tiến trình bẩm sinh từ hồi rất thơ ấu. Những quan niệm sai lầm thô sơ nhất, do bẩm sinh hay do sở đắc về cái tôi thì phân biệt với những quan niệm sai lầm vi tế nhất, bởi vì những cái này vẫn dai dẳng tồn tại trong những lúc mà các bạn biết – khi tri giác về cái đúng không bị thoái hóa – rằng những quan niệm thô sơ nhất là sai lầm. Trái lại, khi các bạn ý thức cái ngã tưởng tượng ở một mức độ rất vi tế và các bạn trụ trong ấy, những mức độ ý thức thô hơn luôn hướng về sai lầm sẽ không hiện hành nữa.
Tổng quát, sự thiền định phân tích, sự tư duy và phán đoán là những phương tiện bạn có để khám phá vô ngã. Trong Trung Đạo Luận, Nagarjuna trình bày vài kiểu phán đoán quyết trạch cho phép khởi từ những quan điểm khác nhau để chứng minh rằng tất cả các pháp đều vô tự tánh. Trong Chương Những Câu Hỏi của Kashyapa, trích từ Kinh Đống Ngọc (Ratnakuta), ngài nói, trong bối cảnh ba cửa giải thoát, rằng các sắc (các hình tướng) không phải không vì tánh Không mà vì chính chúng là Không. Vậy thì, những hiện tượng không phải trống không các vật gì khác, mà trống không tự ngã.
Tâm kinh cũng tuyên thuyết “Sắc tức là Không ; Không tức là sắc”. “Sắc tức là Không” nghĩa là cách thế hiện hữu tối hậu của các sắc là một trống không mọi tự tánh một cách tự nhiên. Biết rằng các sắc là duyên sanh, chúng không tự hữu, tức là tùy thuộc.
Không tức là sắc nghĩa là tính chất tối hậu của tánh Không liên hệ với sự thiếu vắng tự hữu, tự trị của tất cả những gì hiện hữu nhờ vào những yếu tố khác. Nói cách khác, cái Không bổn nhiên vô tự tánh này làm cho các sắc có thể có được, và những sắc là trò chơi của tánh Không bởi vì chúng lập nên từ nó và tùy thuộc vào những nhân duyên. Biết rằng các sắc thật sự là cái không có nền tảng đích thật, Không tức là sắc ; và các sắc xuất hiện như là những phóng tưởng của tánh Không.
Bởi vì các sắc có tính chất là không có độc lập, chúng rốt ráo trống không mọi độc lập, vậy thì chúng là trò chơi của tánh Không. Đấy cũng như lưng và lòng bàn tay. Khi nhìn một phía, có cái Không vô tự tánh, bản tánh tối hậu, khi lật lại, có hình tướng, chất thể của tánh Không. Cả hai chỉ là một thực tại. Vậy thì, sắc tức là Không và Không tức là sắc. Khi thiền quán ý nghĩa của tánh Không theo cách này, người ta tiến từng bước trên những con đường. Trong Tâm Kinh, sự tiến bộ biểu lộ trong thần chú : “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha” (Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua bên kia, hãy ở như thế trong giác ngộ).
Chữ gate đầu tiên liên hệ đến con đường tích tập ; chữ thứ hai, con đường sửa soạn. Trong hai giai đoạn này, sự tiếp cận tánh Không còn mang dấu vết nhị nguyên : có trí huệ, cái soi thấu tánh Không và có tánh Không được soi chiếu. Paragate : “vượt qua bên kia”, chỉ ra sự băng qua từ mức độ thế gian đến mức độ siêu thế gian của con đường thấy (kiến đạo vị). Khi vượt qua giai đoạn này, tri giác nhị nguyên tan biến. Parasamgate : “hoàn toàn vượt qua bên kia” chỉ ra con đường thiền định suốt trong đó các bạn thực hành để làm quen càng ngày càng nhiều với tánh Không mà các bạn đã có một tiếp cận trực tiếp đầu tiên trên con đường thấy. Để kết thúc, cái nhìn chính đáng (chánh kiến) cho phép các bạn siêu vượt vòng sanh tử luân hồi và thực hiện giác ngộ (bodhi), cái trạng thái biến bạn thành một nguồn an lạc và giải thoát cho tất cả.
Câu hỏi : Nếu cái ngã không có, ai là người chuyển di từ đời này sang đời khác ?
Trả lời : Cái ngã đơn thuần, hay cái tôi đơn thuần thì không có tự tánh. Mặc dầu tâm thức liên kết chặt chẽ với vật chất, nhưng vật chất không có đặc tính sinh ra một hiện tượng thuần quang minh và hiểu biết. Phải tìm kiếm nguyên nhân của tâm thức trong cái hiện hữu trước nó, trong một chuỗi thuần quang minh và hiểu biết ở trước. Vậy dòng tâm thức chính nó cũng không có bắt đầu không có chấm dứt. Và chính trên dòng tương tục này mà cái tôi được đặt tên. Cái bị bác bỏ là cái hiện hữu tự nó, cái tự tánh của nó.
Câu hỏi : Ham muốn đóng vai trò gì trong bản chất của cái ngã ?
Trả lời : Chúng ta biết hai loại ham muốn : những ham muốn ảo vọng khởi từ huyễn hóa không liên quan gì với thực tại, và những ham muốn căn cứ trên lý trí và thông minh về cái đang hiện hữu.
Ham muốn nảy sanh từ đam mê đem lại cho chúng ta một số phiền não, còn cái ham muốn do lý trí sinh ra dẫn chúng ta đến giải thoát và toàn giác. Để sống hàng ngày, chúng ta cần đến cái ham muốn có lý trí. Nhưng chúng ta phải học cách kiểm soát những ham muốn phi lý đặt nền tảng trên đam mê.
Câu hỏi : Ngài có nằm mơ lúc ban đêm không ?
Trả lời : Hẳn nhiên có. Vả lại, khi người ta thực hành thiền định, trong trạng thái mộng người ta phải học nhận biết đó chính là giấc mộng.
Để kết luận, tôi muốn nói với các bạn sinh viên mà tương lai sẽ dựa vào họ, rằng nếu sự thu hoạch kiến thức là một điều tốt đẹp lớn lao, thì tâm thức áp dụng kiến thức đó lại còn quan trọng hơn. Nếu chúng ta dùng trí thông minh của mình mà không đặt tấm lòng vào đấy, tất cả khoa học của chúng ta chỉ phụng sự cho việc làm tăng thêm khổ đau. Cần thiết giữ gìn một sự thăng bằng hòa điệu giữa trí thông minh và tính mẫn cảm.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS