SHARE:
NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại
John Daido Loori
300 CÔNG ÁN TRONG CHÁNH PHÁP
NHÃN TẠNG CỦA ĐẠO NGUYÊN, tắc 129
Đề tài chánh
Khi Tào Sơn đang ngồi thiền định(1), một nhà sư hỏi(2), “Thầy suy nghĩ về cái gì mà ngồi yên bình thản?”(3)
Tào Sơn nói, “Ta suy nghĩ không suy nghĩ”(4).
Nhà sư nói, “Làm sao thầy suy nghĩ không suy nghĩ?”(5).
Tào Sơn nói, “Không suy nghĩ”(6).
Bình giảng
Hãy trụ trong không phải suy nghĩ cũng không phải không suy nghĩ. Suy nghĩ là theo đường thẳng và chuỗi, một sự tách lìa khỏi thực tại là chủ thể của ý nghĩ, và như thế là một trừu tượng hơn là bản thân thực tại. Không suy nghĩ là đè nén. Nó cắt đứt tư tưởng vào khoảnh khắc chúng sanh khởi, làm tâm thành một trái núi lớn không thể thâm nhập – chết đặc, không đáp ứng.
“Không suy nghĩ” không có những mép bờ như vậy. Nó là tâm vô biên của đại định, không bám giữ không buông bỏ, những tư tưởng. Nó là sự biểu lộ của Phật tâm trong đó nhị nguyên ta và người, nghĩ và không nghĩ, tan biến. Đây là pháp Chân Như, nó là chánh niệm của tất cả chư Phật mười phương.
Tụng
Khi bánh xe pháp chuyển
Nó luôn đi trong cả hai hướng
Điểm đứng yên là trung tâm của nó, và từ đây
Tất cả vô số hoạt động của chúng ta phát khởi
Hơn là cho thân thể sự thanh thản
Hãy cho tâm sự thanh thản
Khi thân và tâm cả hai đều thanh bình
Mọi xuất hiện như chúng vốn là:
Toàn thiện, viên mãn, không thiếu hụt cái gì.
Gợi ý thêm
(1) Vị ấy đang làm gì? Thậm chí Phật Ca-diếp đã không đạt đến nó bằng hàng trăm kiếp ngồi thiền.
(2) Tại sao nhà sư không để cho ông già ở một mình?
(3) Hử? Ông suy nghĩ gì, thượng toạ, khi hỏi một câu như vậy?
(4) Vị ấy không tốt lắm. Điều đó thật sự không thể giải thích; Ngài chỉ khiến nhà sư suy nghĩ.
(5) Bây giờ cả hai cùng một hố. Hãy chỉ ngậm miệng và ngồi.
(6) Tốt bụng biết bao. Nhưng hãy nói, ấy là nghĩa gì?
Có nhiều loại thiền định, và trong Phật giáo, những trường phái khác nhau dùng những hình thức khác nhau để phát triển tập trung và quán chiếu: hơi thở, hình ảnh, âm thanh, hay cử chỉ. Trong Thiền Phật giáo, hình thức chúng ta dùng để trực tiếp thấy vào bản tánh của tự ngã là toạ thiền, ngồi thiền.
Ở tu viện Zen Mountain, chúng ta đi vào hai phương pháp ngồi thiền: nghiên cứu công án và chỉ quản đả toạ. Sự soi chiếu vào trong của công án là một loại thiền định được nhắm hướng và chú tâm. Trong đó học trò sử dụng joriki, định lực được phát triển trong ngồi thiền, để thâm nhập công án là đối tượng chú ý trong thiền định. Shikantaza, chỉ quản đả toạ – chỉ ngồi – thì ít tập trung vào một điểm hơn nghiên cứu công án. Nó là ngồi thiền đặt nền tảng trên đức tin – tin vào sự giác ngộ của Đức Phật, tin vào Phật tánh của chính mình, tin vào tiến trình của bản thân thực hành. Nhiều học trò trong dòng Tào Động của thiền ngồi chỉ quản đả toạ. Dù tiến trình khác biệt, cả hai hình thức nhằm vào một điều: nghiên cứu và chứng ngộ thật tánh của tự ngã.
Đáng lưu ý trong tất cả văn học Thiền, có rất ít về ngồi thiền thực sự là gì. Tôi còn nhớ khi ban đầu tôi không tìm thấy những lời dạy đặc biệt nào. Mọi người nói ngồi thiền kỳ diệu như thế nào và quan trọng như thế nào, và mọi người đều làm, nhưng có rất ít về làm sao thực sự thực hiện nó.
Trong những vị thầy đã viết về chỉ quản đả toạ, vị đầu tiên đã tập trung vào nó là đạo sư Trung Hoa thế kỷ mười hai Hoằng Trí. Trong thế kỷ mười ba, Đạo sư Đạo Nguyên sử dụng nhiều diễn tả thơ ca đẹp đẽ của Hoằng Trí về mặc chiếu – mà ngài gọi là chỉ quản đả toạ – để phân tích tỉ mỉ về hình thức ngồi này. Không may, nhiều năm sau đó, chỉ quản đả toạ trở nên bị đồng hoá một cách đặc biệt với tông Tào Động, trong khi công án được nghĩ là chỉ dùng trong tông Lâm Tế. Quan điểm đơn giản hoá này có thể dễ dàng bị bác bỏ bởi sự kiện rằng Hoằng Trí cũng là tác giả sưu tập Thong Dong Lục, một tổng tập gồm một trăm công án để tu cho dòng Tào Động, trong khi chính Đạo Nguyên gom góp ba trăm công án trong Chánh pháp nhãn tạng của ngài. Người kế vị của ngài, Thiền sư Oánh Sơn, không chỉ viết Toạ thiền dụng tâm ký, một cẩm nang cho ngồi thiền, mà còn viếtTruyền quang lục, một bộ những công án căn cứ trên kinh nghiệm giác ngộ của những vị thầy trong dòng Tào Động. Hơn nữa, sau khi học trò hoàn tất nghiên cứu công án, bấy giờ họ thực hành chỉ quản đả toạ. Thế nên rõ ràng là những hành giả của một trong những phái thiền này đã sử dụng cả hai cách ngồi trong hành trình tu tập.
Dù học trò có làm việc với những công án hay mặc chiếu như Hoằng Trí đã viết, thì mục tiêu tối hậu của cả hai là chứng ngộ, nhưng thực sự chứng ngộ ấy không thể tách rời khỏi hiện thể bẩm sinh của mình, tánh giác tức thời trong từng khoảnh khắc của mình. Như Đạo Nguyên luôn luôn chỉ ra, thực hành và giác ngộ là một thực tại. Một mặt, những công án chế ngự nghi để chúng ta có thể phá vỡ qua cách thức suy nghĩ bị điều kiện hóa của mình. Ở mặt kia, chỉ quản đả toạ đặt nền trên đức tin rằng thực hành và giác ngộ là một. Những công án có thể được thấy ra và đi xuyên qua, nhưng chỉ quản đả toạ không thể đo lường bằng bất kỳ tiêu chuẩn nào. Học trò thực hành chỉ quản đả toạ mà hỏi, “Tôi ở đâu? Tôi còn cách chứng ngộ bao xa?” là đánh mất điểm cốt lõi của chỉ quản đả toạ. Trong một tập thể tu tập như chúng ta, nơi một số người làm việc trên chỉ quản đả toạ và những người khác ngồi với những công án, người ta không tránh khỏi sự so sánh mình với những người khác. Đối với những học trò làm việc trên những công án, phá thấu qua là cốt yếu. Tôi cần nói về kiến tánh (kensho) cho họ biết rằng chuyện ấy là có thể; để khuyến khích họ. Nhưng khi tôi đề cập đến phá thấu qua, mọi người chỉ quản đả toạ nói, “Khi nào thì tôi thấy nó?’. Chỉ quản đả toạ không thể được đo lường theo cùng cách, nhưng điều này không có nghĩa môt kỹ thuật thì tốt hơn cái kia.
Như với mọi cái khác, cả hai cách tiếp cận đều có những khuyết điểm của chúng. Những hành giả công án mắc kẹt với những kết quả và thành tựu. vượt qua những công án trở thành một loại chạy đua, và tiến trình bị bỏ quên. Trong chỉ quản đả toạ, học trò rất dễ ru ngủ trong một trạng thái tự mãn, tin rằng “Bởi vì tôi vốn đã giác ngộ, tôi không cần phải làm gì”. Người nghĩ vậy ngồi thiền với những tỉnh giác và không cố gắng, mà không biết không cố gắng trong chỉ quản đả toạ thực sự là gì. Cái gì là cố gắng của không cố gắng?
Khi các bạn làm chỉ quản đả toạ, bạn không cố gắng tập trung vào cái gì đặc biệt, hay không xua đi những tư tưởng. Bạn chỉ đơn giản cho phép mọi sự đúng như chúng là. Những tư tưởng đến, đi và bạn chỉ đơn giản trong chừng chúng, giữ tỉnh giác trên chúng. Cần một số cương quyết và kiên trì để ngồi, để không bị giấc mơ ban ngày dẫn dắt. Nhưng dần dần, những tư tưởng bắt đầu chậm lại và cuối cùng, chúng thôi khởi lên. Khi tư tưởng biến mất, người suy nghĩ biến mất. Đây là đại định của thoát bỏ thân và tâm.
Chúng ta làm việc trên hơi thở, với một công án hay chỉ quản đả toạ cuối cùng đều dẫn đến đại định. Dấu chỉ đầu tiên thường là một mất cảm thức về thân. Điều này xảy ra rất thường trong sesshin (tiếp tâm) bởi vì những thời ngồi thiền lâu. Khi bạn ngồi một lúc mà không chuyển động thân, nó thôi nhận thông tin từ ngoại biên qua những giác quan, như áo quần, hay ngứa nơi bắp chân. Thế nên, dù bạn biết thân có ở đó, nhưng bạn không cảm thấy nó. Một số người sợ hãi ở điểm này và một cách không ý thức thân họ co lại và xác nhận lại những biên bờ của thân. Rồi họ dần dần lại đi đến chỗ ấy và dần dần học cách tin vào nó và mỗi lần tiến thêm một ít. Tiếp theo là mất cảm thức về tâm. Tâm dựa vào những tư tưởng, nhưng khi tư tưởng biến mất, tâm biến mất, tự ngã biến mất. Hành động phản xạ nói, “Tôi ở đây, tôi ở đây, tôi ở đây” là biểu lộ cả cái ta. Đây là khi chúng ta nhận thức rằng chúng ta thường trực tái sáng tạo chính mình.
Đôi khi trong lúc ngồi thiền, người ta có cái mà chúng ta gọi là makyo: một tâm ảnh hay ảo ảnh. Có khi đó là một mùi hương hay âm thanh. Học trò có người nghĩ điều này nghĩa là họ chứng ngộ – nhất là hình ảnh liên quan tới Thiền, như Phật ngồi trên đài sen vàng – và họ vội vã rời chỗ độc tham để được xác nhận. Vị thầy thường nghe và nói đại loại, “Có lẽ anh, chị ngồi không thẳng. Hãy ngồi thẳng. Chớ lo, nó sẽ biến đi thôi”. Không kể hoặc chúng ta bám vào một tư tưởng thông thường hay tư tưỏng giác ngộ. Dù cái gì đó cũng là bám níu.
Có một công án nổi tiếng của một đạo sư ẩn sĩ ngày xưa. Ngài đã thực hành thiền, nhiều năm, sống một mình trong núi. Một hôm ngài nấu cháo và trong hơi nước, Bồ tát Văn-thù-sư-lợi hiện ra, bằng một giọng trầm vang thuyết pháp cho ngài. Ẩn sĩ già lập tức cầm cái thìa đập lên và nói, “Đi đi!”. Nói cách khác, chớ để thêm một cái đầu lên cái đầu bạn đã có sẵn. Bất cứ cái gì mà chúng ta nắm lấy trên con đường – bất cứ cái gì – đều là ngõ cụt, bởi vì phút giây chúng ta bám lấy, chúng ta tạo ra hai cái: đối tượng để bám giữ và người bám giữ. Đó không phải là một sự thân gần với định; đó không phải là sự thân gần với chỉ quản đả toạ.
Một trong những tắc của Đạo Nguyên về chỉ quản đả toạ có nhan đề “Toạ thiền châm”. Nó thường dịch là “Những lời khuyên cho toạ thiền”, nhưng Carl Bielfeldt dịch là “Kim châm của ngồi thiền”, nó là một hình ảnh đẹp của chỉ quản đả toạ. Một kim là một dao mổ nhỏ: một dụng cụ phẫu thuật chính xác và rất nhọn dùng để cắt lìa mọi vật thể quá độ. Đó là điều xảy ra trong chỉ quản đả toạ. Chúng ta cắt lìa mọi thứ chúng ta bám níu vào. Những tư tưởng liên tục sanh khởi, nhưng chú ý của chúng ta làm chúng tan biến.
Trong tắc “Học qua Thân và Tâm”, Đạo Nguyên nói, “Cấp độ không suy nghĩ (vô niệm) thì vượt khỏi nhận thức quy ngã. Nếu ông đạt đến cấp độ vô niệm, ông sẽ chứng ngộ thật tánh quang minh của tâm. Vô niệm phải trở thành con mắt qua đó ông thấy những hiện tượng. Hoạt động của mỗi vị Phật đặt nền trên vô niệm”. Thế thì vô niệm này là cái gì? Trong “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo”, Đạo Nguyên trích dẫn: “Một cổ Phật (Tào Sơn) nói, ‘Suy nghĩ không suy nghĩ’. Đây là chánh niệm; ngồi đến rách đệm thiền cũng là chánh niệm”. Ngài phân biệt rất rõ ràng ‘không suy nghĩ’ với ‘không được suy nghĩ’. Thế thì Đạo Nguyên ám chỉ cái gì khi ngài nói về chánh niệm?
Trong công án này, có nói, “Khi Tào Sơn đang ngồi thiền định.” Tào sơn là người kế vị của Thạch Đầu và là thầy của Vân Nham, vị này lại là thầy của Động Sơn, một trong những vi lập ra tông Tào Động. Sự thực hành của Tào Sơn là ngồi yên bình thản, đó là truyền thống của Phật giáo được truyền thẳng đến ngài qua ba mươi sáu thế hệ bắt đầu với đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nhưng ngồi yên vững bình thản là gì?
Thêm một số ghi chú để làm sáng tỏ công án. Ghi chú cho dòng đầu nói, “Vị ấy đang làm gì? Thậm chí Phật Ca-diếp đã không đạt đến nó bằng hàng trăm kiếp ngồi thiền”. Dòng kế tiếp nói, Một nhà sư hỏi và ghi chú nói, “Tại sao nhà sư không để cho ông già ở một mình?’
Thầy suy nghĩ về cái gì mà ngồi yên bình thản? Ghi chú nói, “Hử? Ông suy nghĩ gì, thượng toạ, khi hỏi một câu hỏi như vậy?”. Dòng tiếp nói, Tào Sơn nói, “Ta suy nghĩ không suy nghĩ”. Ghi chú nói, “Vị ấy không tốt lắm. Điều ấy thực sự không thể giải thích; ngài chỉ khiến nhà sư suy nghĩ”. Đó là điều xảy ra với những công án. Học trò đọc câu hỏi và khi họ không hiểu liền, họ bắt đầu suy nghĩ về nó bởi vì đó là cách tất cả chúng ta đều được dạy để giải quyết vấn đề. Đó là cách chúng ta kiếm được những ngôi sao vàng sơ cấp và những điểm A ở trường trung học – bằng tư tưởng theo đường thẳng, theo chuỗi. Nhưng suy nghĩ không giúp thấy một công án. Để mở nó ra, cần một phương diện khác của thức. Chúng ta cần làm cạn kiệt tiến trình suy nghĩ tuyến tính ấy, và khi cuối cùng tâm ngừng vận hành, chứng ngộ công án xuất hiện. Nó giống như một bước nhảy lượng tử. Đó là một cách dùng tâm rất khác. Không suy nghĩ (vô niệm) không phải là trí thức cũng không phải là tiềm thức hay vô thức.
Trong dòng kế tiếp, nhà sư hỏi, “Làm sao thầy suy nghĩ không suy nghĩ?”. Ghi chú nói, “Bây giờ cả hai cùng một hố. Hãy chỉ ngậm miệng và ngồi”. Không có cuốn cẩm nang nào nói cho bạn làm sao vượt khỏi suy nghĩ và không suy nghĩ. Bạn chỉ phải ngồi, và chính qua tiến trình ngồi, bạn sẽ thấu hiểu không suy nghĩ của Tào Sơn. Dòng tiếp nói, Tào Sơn nói, “Không suy nghĩ”. Ghi chú nói, “Tốt bụng biết bao. Nhưng hãy nói, ấy nghĩa là gì?”. Thật vậy, ấy nghĩa là gì?
Trong bình giảng có nói, “Hãy trụ trong không phải suy nghĩ cũng không phải không suy nghĩ”. Suy nghĩ là một mặt. Nó là tuyến tính, theo chuỗi. Mặt kia, bạn có không suy nghĩ, nó là thức để trống. Chúng ta gọi trạng thái này là “mắt nhìn từ cỗ áo quan” hay “sống trong hang quỷ” hay “mắc kẹt trên đỉnh núi”. Thiền của Đạo Nguyên và Thiền của Tào Sơn và Thiền của những đạo sư vĩ đại thì không bỏ thế giới; nó biểu lộ Pháp trong những hoạt động hàng ngày của chúng ta. Suy nghĩ thì rơi vào một mặt; không suy nghĩ rơi vào mặt kia. Làm sao chúng ta thoát khỏi hai cực đoan này? Tào Sơn nói, bằng không suy nghĩ. Không suy nghĩ không có những biên bờ như vậy. Nó là tâm vô biên của định, không bám giữ cũng không từ bỏ những tư tưởng. Nhưng điều này không có nghĩa là đè nén tư tưởng.
Trong những năm thực hành, tôi đã thấy một số học trò Tây phương cố gắng mạnh mẽ làm yên tâm bằng cách rào nó trong một hàng rào dày để mọi sự ở ngoài. Tôi đã gặp những học trò đã làm việc trên Vô mười hay mười hai năm, họ như những bình chứa sẵn sàng nỗ tung bởi vì đã đè nén những thứ cần khởi lên và để buông thả. Không có cách có thể thấy Vô nếu bạn đè nén hay bám nắm một cái gì. Tâm phải thực sự trống không trước khi bạn có thể là Vô. Khi cuối cùng tâm trống không, mọi cách nhìn nhị nguyên về sự vật sẽ tan biến; suy nghĩ, không suy nghĩ; lấy, bỏ; hiện hữu, không hiện hữu. Tất cả đều đi hết. Đây là pháp của Trung đạo; nó là sự thực hành ‘chỉ ngồi’.
Tôi nhớ khi tôi đến độc tham lần đầu tiên với lão sư Soen Nakagawa (Trung Xuyên Tống Uyên), tôi nói với ngài, “Xin dạy con”. Ngài nói, “Ông đã có ngồi trước đó chưa?”. Tôi nói, “ “Không”. Tôi đã ngồi vài năm nhưng tôi muốn có được lời dạy của ngài như một kẻ sơ học hoàn toàn. Tôi đã hỗn hợp mọi thứ. Tôi không có ý niệm thiền định thực sự là gì. Ngài nói với tôi, “Hãy đặt tâm vào đan điền”. Và ngài cầm cây gậy dài và chọc vào đan điền của tôi, khoảng nửa tấc dưới rốn. Rồi ngài nói, “Hãy đặt tâm vào đan điền và tụng tán”. Ngài có một giọng tán tụng đẹp, sâu, từ yết hầu. Ngài tụng trước, “Namu dai bosa. Ông hiểu không?”. Tôi nói, “Dạ, hiểu”. Ngài nói, “Bây giờ ông làm đi”. Và bằng một giọng cao, tôi nói, “Namu dai bosa”. Ngài nói, “Không, không, không. Đan điền”. Chọc lại. “Nammu dai bosa”, Tôi tụng, “Namu dai bosa”. Ngài nói, “À, khá tốt. Ngày đêm, Namu dai bosa” và ngài rung chuông. Tôi hiểu nó theo nghĩa đen và tụng ca Namu dai bosangày và đêm. Tôi thức dậy buổi sáng, đi ngủ Namu dai bosa. Ban đầu tôi không hiểu đặt tâm vào đan điền có nghĩa gì, nhưng tôi tiếp tục làm. Hàng năm trời trôi qua và rồi nó bắt đầu: một cảm giác ấm ở nữa tấc dưới rốn, một cảm giác tăng lên. Đó là khi việc ngồi của tôi bắt đầu thay đổi. Nó càng sâu thêm nhiều. Tôi bắt đầu nhận thức từ chính kinh nghiệm của mình rằng đan điền là trung tâm tâm linh của thân thể, và về sau tôi tìm thấy bằng chứng nó cũng là trung tâm thể lý.
Mới đây tôi đọc bài rất thú vị trong New York Times với đầu đề: “Não ẩn giấu và phức tạp trong bụng gây ra đau bao tử và hồi hộp”. Bài báo nói:
Bụng có một tâm thức riêng của nó – hệ thống thần kinh bụng – giống như đại não trong đầu, những nhà nghiên cứu nói như vậy. Hệ thống này gởi và nhận những xung động, thu nhận những kinh nghiệm, đáp trả những xúc cảm; những tế bào thần kinh của nó bị ảnh hưởng của cùng một truyền dẫn thần kinh. Bụng có thể xáo trộn não cũng như não có thể xáo trộn bụng… Nó được xem là một thực thể đơn nhất; nó là một mạng thần kinh, truyền dẫn và protein, chúng truyền nhanh những thông điệp giữa những tế bào thần kinh giống như những tế bào trong não. Chính não là mạng phức tạp cho phép nó hoạt động độc lập, học, nhớ và như tục ngữ nói, “bụng cảm thấy”. Não và bụng giữ vai trò chính trong hạnh phúc và bất hạnh của con người. Nhưng ít có người biết có chuyện này.
Trong bài báo có hình ảnh bụng, thật lạ lùng chưa! Nó là đan điền. Nhưng bạn không cần bằng chứng khoa học để kinh nghiệm sự kiện là chỉ đặt chú ý vào đan điền thì thân thể bạn ổn định và tâm thức yên lặng.
Bài tụng bắt đầu: Khi bánh xe pháp chuyển, nó luôn luôn đi trong cả hai hướng. Điểm đứng yên là trung tâm của nó, và từ đây, tất cả vô số hoạt động của chúng ta phát khởi.Chuyển bánh xe pháp đồng thời cả hai hướng là sự hoà lẫn những khác biệt: tốt/ xấu, suy nghĩ/ không suy nghĩ, lên/ xuống, ta/ người, trên núi/ trong đời, thực hành của nhà sư/ thực hành của cư sĩ, và vân vân. Tâm chúng ta là nhị nguyên và khuynh hướng chúng ta là luôn luôn nhìn sự vật theo nhị nguyên ấy. TrongTham đồng khế (Sandokai) “Sự đồng nhất của Tương đối và Tuyệt đối”, chúng ta tụng, “Cái tuyệt đối và cái tương đối trùng hợp như cái hộp và cái nắp của nó…Giống như bàn chân trước và bàn chân sau khi bước. Trong bóng tối có ánh sáng nhưng chớ tìm kiếm ánh sáng ấy. Trong ánh sáng có bóng tối, nhưng cố gắng hiểu bóng tối ấy”. Đó là những khái niệm khó mà hiểu, nhưng có thể được kinh nghiệm một khi tâm ngừng chuyển động. “Khi bánh xe pháp chuyển, nó luôn luôn đi trong cả hai hướng” ám chỉ cấp thứ năm của Đạo sư Động Sơn nơi nhất thể được đạt đến, nơi tuyệt đối và tương đối, ta và người, đây và kia, suy nghĩ và không suy nghĩ trở nên hợp nhất.
Hơn là cho thân thể được thanh thản, hãy cho tâm sự thanh thản. Khi thân và tâm cả hai đều thanh bình, mọi sự xuất hiện như chúng vốn là: toàn thiện, viên mãn, không thiếu hụt cái gì. Nếu chúng ta có thể từ bỏ con đường và tin những sự vật như chúng vốn là, pháp Như được biểu lộ. Người ngồi thiền sâu, hoặc họ làm việc trên công án hay chỉ quản đả toạ, luôn luôn biểu lộ thực tại này. Nó bày tỏ trong cách họ tương tác với những người khác; nó bày tỏ trong cách sống cuộc đời họ. Rốt ráo, nó đều cô đọng nơi ngồi thiền. Chỉ ngồi.
Xin hãy nhận lấy sự thực hành ngồi thiền này. Bạn không cần những chỗ dựa đặc biệt nào để làm nó. Bạn không cần những giáo huấn phức tạp hay những tu viện và những vị thầy. Bạn chỉ cần một góc yên tĩnh để an thân bạn, an tâm bạn và nếm trải hơi thở bạn. Rồi chỉ để hơi thở tự thở. Hãy suy nghĩ về cái không suy nghĩ. Đây là pháp Như, nó là sự chứng ngộ của Thích-ca Mâu-ni vào giây phút giác ngộ: tất cả chúng sanh đều toàn thiện và viên mãn, không thiếu hụt cái gì cả. Hãy tin điều đó. Hãy tin tiến trình ngồi thiền. Nếu bạn có sống một trăm ngàn năm, bạn cũng sẽ không bao giờ tìm thấy trong đời này cái gì thần lực hơn, chữa lành hơn, ban thần lực hơn sự thực hành đơn giản của việc ngồi thiền. Xin chớ xem nhẹ nó. Nó là một quà tặng không thể tin nổi.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS