VỀ MẶC CHIẾU

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

VỀ MẶC CHIẾU

 

Sheng Yen –Thánh Nghiêm (1930-2009)

 

Kiểu thiền định được gọi là “mặc chiếu” là một trong những thực hành của Thiền tông. Mặc chiếu phát sanh từ khoảng thế kỉ thứ mười một, và người cổ vũ vĩ đại nhất là Đại sư Hoằng Trí Chính Giác của Tào Động tông. Tương tự thực hànhmahamudra (đại ấn) ở Tây Tạng. Sự tự thực hành sanh từ Ấn Độ, được gọi làshamatha-vipasshyana hay chỉ- quán. Mục tiêu của thực hành này là một tâm không còn chất nặng những tư tưởng. Điều này dẫn tâm đến hiểu biết sâu xa về trạng thái của chính nó.

Yên lặng và thanh thản người ta quên hết mọi lời

           Trong sáng và sống động nó hiển hiện trước mặt bạn.

 

Trước hết có yên lặng (mặc), rồi đến sáng chiếu (chiếu). Người bình thường tự biểu lộ qua sự liên tục không hề dứt của lời nói và hình ảnh. Điều này là sự lìa khỏi yên tĩnh. Khi nhập thất, chúng ta có luật lệ không nói. Dù vậy, có phải là tâm bạn không có tư tưởng và lời nói không? Trong những buổi phỏng vấn, người ta nói với tôi rằng rắc rối lớn nhất của của họ là họ không thể dừng suy nghĩ. Dù khi các bạn ngồi đây, không nói và yên lặng, bạn có thế nói chuyện với những sự vật trong tâm thức vào mọi lúc. Sau thiền định đi nhanh vào hôm nay, tôi yêu cầu các bạn thư giãn và bỏ mọi tư tưởng xuống. Bạn có thể làm được điều này là bạn đã thành tựu một trạng thái im lặng thanh thản, và bạn đang thực hành ở một cấp cao.

 

Yên lặng sáng chiếu là một kiểu thiền định rất bình an trong đó không có một tư tưởng, nhưng tâm bạn cực kỳ trong sáng. Tôi dùng ba câu để diễn tả trạng thái này: thứ nhất, “sáng sủa và mở rộng”; thứ hai, “không có những tư tưởng phân tán”; và thứ ba, “không có một tư tưởng”.

 

Khi tâm vứt bỏ mọi sử dụng lời nói, nó trở nên sáng và mở, đây là đặc điểm thứ nhất. Tiếp theo, “không có những tư tưởng phân tán” ám chỉ nhất tâm – tập trung toàn bộ vào phương pháp. Nhưng khi bạn cuối cùng quên chính cả phương pháp, và không có tư tưởng nào tồn tại, đó là sự thanh tĩnh đích thực. Rốt ráo, Mặc Chiếu là phương pháp của không phương pháp. Đếm và theo dõi hơi thở là những phương pháp gom tâm, và công án là phương pháp áp dụng áp lực lớn lao để thành tựu một phá thấu thình lình. Mặc chiếu là chỉ bỏ rơi mọi tư tưởng và lời nói và đi thẳng vào trạng thái Thiền.

 

Tôi thường không giới thiệu phương pháp này cho mọi người. Thứ nhất, bạn phải có một thực hành vững chắc để có thực sự lợi lạc về nó; bạn phải ở một cấp độ mà không có vấn đề gì trong việc trở nên an định, khi bạn có thể ngồi với sự tập trung kiên cố, hầu như không có những tư tưởng bên ngoài. Lý do khác là khó mà nói tâm bạn đã thực sự “sáng và mở” hay chưa. Bạn có thể chỉ là lười nhàn, có những tư tưởng rất vi tế, và tin rằng bạn đang thực hành Mặc chiếu. Bạn có thể im lặng mà không có sáng chiếu gì.

 

Chìa khoá nằm trong câu “Trong sáng và sống động nó hiển hiện trước mặt bạn”. Bạn trong sáng và sống động về cái gì? Về mọi sự trong tâm bạn, dù bất động, nó phản chiếu mọi sự, như một tấm gương.

Khi chứng ngộ nó, thời gian không có biên giới.

           Khi đã kinh nghiệm, chung quanh bạn sống lại.

           

Khi hoàn thành được im lặng, thời gian không còn nữa. Chỉ bởi vì những tư tưởng đến và đi mà chúng ta ý thức ra thời gian. Khi không có những tư tưởng, không có thời gian. Thời gian là vô hạn, vô lượng. Một đêm nọ, Đại sư Thái Hư đang thiền định, ngài nghe tiếng chuông chiều. Ngay sau đó, ngài nghe tiếng chuông sáng. Vì ở trong định, một đêm đã qua mà ngài không có cảm thức về thời gian.

 

Dòng tiếp theo nói đến không gian, một cảm thức trong sáng và sống động về chung quanh. Khi tâm bạn động, tỉnh giác của bạn bị hẹp lại vì gom vào những tư tưởng. Nếu bạn có thể thấy và nghe không dùng tâm, và rất tỉnh táo lúc đó, bạn sẽ cảm nhận không gian vô tận. Nhưng đây không phải là một trạng thái đặc biệt cao cấp. Còn cao hơn là trạng thái “không có một tư tưởng”. Trong trạng thái này, những phân biệt bao la hay bé nhỏ không còn tồn tại.

 

Có một lời nói rằng tất cả chư Phật của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đang chuyển Pháp Luân trên đầu một sợi tóc. Khi bạn có thể làm trống không tâm bạn hết mọi tư tưởng, tâm trở nên bao gồm tất cả và không thấy khác biệt giữa vô cùng nhỏ và vô cùng lớn.

Lạ lùng thay, sáng chiếu là tánh giác sáng ngời,

           Đầy kỳ diệu là sự sáng chiếu thuần khiết.

           

Tánh giác sáng ngời soi chiếu là của một vị Phật thấy chúng sanh trong sự hoàn hảo của họ, khác với tỉnh giác bình thường, vẫn mê mờ và thấy thế giới tối tăm. Sự sáng ngời này chiếu ánh sáng của nó lên mọi vật, và chúng trở nên kỳ diệu. Đây cũng giống như bài ca của Milarepa, chúng phát lộ sự hài hoà giữa mọi sự lớn và nhỏ. Đây là sự kỳ diệu của kinh Hoa Nghiêm, trong đó mọi sự được nhìn trong chi tiết, từ mọi quan điểm. Một tâm soi chiếu như vậy có thể thấy vũ trụ trong một hạt cát. Đây là cảnh giới do trí huệ khởi sanh từ samadhi (đại định) tri giác được.

          Hình dáng mặt trăng, một dòng sông đầy sao,

           Những cây tùng tuyết bám, mây bay qua

          những đỉnh núi.

 

Trạng thái Mặc chiếu giống như mặt trăng không bị mây che – trong sáng, êm dịu và mát lạnh. Mặt trăng, hơn là mặt trời, tượng trưng cho giác ngộ, vì nó mát và thanh tĩnh, trong khi mặt trời thì nóng và động. “Một dòng sông đầy sao” ám chỉ Ngân hà, như một dòng sông ánh sáng. “Những cây tùng tuyết bám…”. Tất cả những cái đó là hình ảnh của sáng tỏ và mở rộng.

 

Có bao giờ bạn thấy những đám mây bay qua những đỉnh núi? Điều này tượng trưng tâm giải thoát, dù khi gặp chướng ngại, vẫn không bị chúng trói buộc.

Trong bóng tối, chúng sáng mờ với sáng chiếu.

           Trong hình bóng, chúng sáng soi

             với một ánh sáng rực rỡ.

           

Những dòng này đối nghịch tâm trí huệ, chiếu soi trong bóng tối giữa phiền não và tâm vô minh luôn luôn trong tối. Người trí, dù có vẻ như ngu, thích chỗ tối. Nhưng họ biểu lộ năng lực của họ trong mọi sự họ làm.

             Giống như giấc mơ của một con sếu bay

              trong không gian trống rỗng,

           Giống như nước sáng, lặng của một ao mùa thu,

           Những kiếp vô cùng tan trong khoảng không,

           Mỗi cái không phân biệt với cái khác.

           

Tâm của Mặc chiếu thì bao la, cao và sâu. Nó giống như con sếu bay, cảm thấy sự bao la của không gian trống rỗng, không ý thức đến hiện hữu của chính mình, lặng lẽ thả trôi trong một giấc mơ không có thời gian. Ao mùa thu, dầu rất sâu, vẫn tĩnh lặng đến độ thấy đáy. Trong mùa thu ao không sinh động như trong mùa hè. Những yếu tố hoạt động đã yên, có sự trong sáng, và cuối cũng những chiều sâu có thể thấy.

 

Giấc mơ con sếu vào trong bầu trời và những chiều sâu của ao thu, những kiếp thời gian tan vào khoảng không. Chúng ta gọi nó là “khoảng không” bởi vì cảm thức thời gian đến từ sự kế tục không dứt của những tư tưởng và hình ảnh đi qua tâm ta. Dòng kinh nghiệm này cũng làm sanh khởi một cảm thức về cái ta tách biệt. Nếu bạn có thể ngưng cuộc chạy đua của những tư tưởng qua tâm bạn, và chỉ cố định trên một tư tưởng thường trực của Mặc Chiếu, thời gian sẽ đóng băng. Rồi nếu bạn có thể quên luôn tư tưởng ấy, thời gian sẽ tan biến.

 

Bạn có thể cố định tâm bạn trên một tư tưởng thậm chí một phút? Có nguy hiểm khi dừng chiếc máy bay giữa không khí? Dĩ nhiên. Nhưng bạn phải quyết tâm dừng những tư tưởng bạn lại mà không sợ chết. Nếu bạn sợ, bạn sẽ đầy những tư tưởng. Bạn phải buông bỏ hơn bao giờ mọi sự và tập trung chỉ trên thực hành, bỏ đi mọi tư tưởng đời sống, thân thể, sợ hãi, ham muốn, mọi thứ trừ phương pháp.

Trong sự chiếu sáng này mọi nỗ lực đều quên

           Sự kỳ diệu này hiện hữu ở đâu?

           

Có nhiều kỳ diệu để khám phá trong Mặc Chiếu. Nhưng tâm thực hành không thể là cái tâm đang tìm kiếm, dù mục tiêu là giác ngộ. Bởi vì những tư tưởng còn thì chúng là những chướng ngại. “Mọi nỗ lực đều quên” nghĩa là không có cái gì hiện hữu ngoại trừ bản thân sự sáng chiếu; không có tư tưởng mất hay được cái gì. Sự kỳ diệu nằm trong việc từ bỏ mê lầm tăm tối và với một tâm trong sáng, toả chiếu, chỉ hiến mình cho thực hành.

Sáng tỏ và trong sáng xua tan mê lầm

           Trên con đường của Mặc Chiếu

           Nguồn gốc của cái vô cùng nhỏ.

           

Khi thực hành phương pháp, phiền não và vô minh giảm, trí huệ và lòng bi tăng. Khi phiền não và vô minh đạt đến mức cực kỳ nhỏ, chúng biến mất; khi trí huệ và lòng bi đạt đến mức cực kỳ lớn, chúng cũng biến mất. Thế nên, đối với tất cả chúng sanh, chư Bồ-tát và chư Phật, con đường nhắm đến làm nhỏ phiền não và làm tăng trí huệ. Nhưng ở cấp Phật quả, phiền não cũng như trí huệ đều không hiện hữu.

Chúng thấm nhập vào cái cực kỳ nhỏ,

           Có cái thoi vàng trên khung cửi ngọc bích.

 

Cái thoi vàng và khung cửi ngọc bích được dùng để dệt áo của chư Thiên hay những chúng sanh cõi trời, và tượng trưng trí huệ điều hoà những cõi hiện hữu. Với trí huệ, bản tánh của sự vật nhỏ nhất có thể tri giác trực tiếp.

           Chủ thể và đối tượng tương tác với nhau.

           Sáng và tối tuỳ thuộc lẫn nhau.

           

Những dòng này phản bác những nhị nguyên của suy nghĩ thường tình. Chủ thể và đối tượng tuỳ thuộc lẫn nhau, như ánh sáng và bóng tối. Mặc chiếu xua tan ý tưởng rằng trí huệ chỉ là không có phiền não. Trong kỳ nhập thất này, một người học trò đến với tôi với một tâm trạng rất xúc động, nói rằng lòng bi của cô đã chuyển động mạnh mẽ, rằng cô cảm thấy thương xót cho những người khổ đau và muốn giúp đỡ họ. Từ quan điểm của cô, điều này có vẻ là một kinh nghiệm rất tốt, nhưng tôi quở trách cô, nói rằng, “Cô chỉ mù mờ trong tình cảm. Đây không phải là trí huệ. Trong tâm trí huệ, không có cái gì là người cần thương hại”. Lòng bi không phải là một tình cảm đơn giản; nó đúng là một đáp ứng tự nhiên cho việc giúp đỡ người ta.

           Không có tâm cũng không có thế giới

để nương dựa vào,

           Chúng tương tác, hoà nhập lẫn nhau.

 

Khi sự phân biệt giữa ta và người rơi rụng, khi không có cảm thức cái ta hay thế giới bên ngoài, trong và ngoài trở thành một, và thậm chí cái một ấy cũng tan biến. Khi bạn thực hành dở, bạn thậm chí không thể nối kết hai tư tưởng liên tiếp nhau, huống chi làm tan biến biên giới giữa cái trong và cái ngoài.

 

Những dòng trên diễn tả phương diện bên trong, yên tĩnh của Mặc chiếu. Những dòng sau nói về tác dụng của nó trong thế giới.

           Hãy uống thuốc của những chánh kiến.

           Hãy đánh trống có tẩm thuốc độc.

 

Uống thuốc của những chánh kiến là tự ngấm mình với Pháp; đánh trống tẩm chất độc là giúp đỡ chúng sanh giết mê lầm và phiền não. (Trong huyền thoại Ấn Độ, một cái trống tẩm độc có thể giết kẻ thù nghe tiếng trống, dù ở một khoảng cách xa.). Nhưng khi lòng bi và giúp đỡ hiện hữu thì không có cảm thức cứu độ chúng sanh. Bạn phải dựa vào ba cột trụ của thực hành giới, định, và huệ. Trong ba cái, định sản sinh những kết quả dễ dàng nhất. Người đã phá huỷ quan điểm quy ngã thì trong một thời gian ngắn có thể thông hiểu Mặc Chiếu. Nhưng rốt ráo tinh tuý của sự thực hành này là đơn giản ngồi, chỉ ngồi và tiếp tục ngồi. Đó giống như để bùn bẩn trong ao lắng xuống cho đến khi nước trong đến độ có thể thấy đáy.

           Khi Mặc chiếu là trọn vẹn,

           Giết và cứu sống đều do tôi chọn lựa.

 

Tinh thần Bồ-tát là: con đường giải thoát mình khỏi khổ nằm trong việc làm nhẹ khổ đau cũa những người khác. Dù với lý tưởng này, nếu thực hành của bạn yếu, những hành động thành thật nhất của bạn không thể giúp đỡ. Nhưng khi sự thực hành của bạn đạt đến cấp độ được diễn tả trong bài thơ này, năng lực giúp đỡ tuôn chảy tự nhiên, thậm chí trong những cách có vẻ phi quy ước. “Giết và cứu sống” nghĩa là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo, thậm chí làm tăng thêm phiền não của một đệ tử để đưa nó đến chứng ngộ. Chúng ta giết những phiền não để cứu sống trí huệ; chúng ta cứu sống phiền não để thi hành trí huệ.

Cuối cùng, xuyên qua cánh cửa, người ta đột khởi.

           Trái đã chín trên cành.

           

Khi thực hành được đầy đủ, thiền giả đi qua cánh cửa sanh tử và đột khởi trên con đường của trí huệ. Đã làm việc lâu dài khó nhọc, sự thực hành của y đã chín. Trái của cây Bồ-đề, cây giác ngộ của Phật, đã sẵn sàng để hái. Trong thực hành Thiền, “cửa” này được diễn tả gồm ba ngưỡng phải vượt qua. Ngưỡng thứ nhất được gọi là Tổ sư quan. Bằng tham thiền, và phá xuyên qua bức tường đại nghi, bạn vượt qua ngưỡng cửa này để thấy tự tánh của bạn, hay Phật tánh của bạn. Đây là sự nếm đầu tiên của trái quả, một thoáng thấy giác ngộ, nhưng chưa phải là giải thoát rốt ráo, vì phiền não vẫn còn thâm căn cố đế.

 

Trong bóng tối của tâm, không trăng không sao, một tia sét chớp ngang bầu trời; trong khoảnh khắc thấy mọi sự trong sáng làm choáng váng, rồi bóng tối tiếp tục. Nhưng đã thấy nó một lần, niềm tin của bạn lớn lên, và bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn bỏ mất sự thực hành của bạn.

 

Ngưỡng cửa thứ hai thật sự là nhiều ngưỡng. Nó được gọi là Trùng quan, “lối qua có nhiều lớp”. Cái này giống như một rặng núi với những đỉnh mà bạn phải đi qua, từng cái một. Những đỉnh là những che chướng và những phiền não của bạn. Giai đoạn này cần một thời gian dài, nhưng mỗi đỉnh được vượt qua thì sức mạnh của bạn càng tăng. Khi những phiền não nhẹ hơn, những đỉnh có vẻ ít cao hơn.

 

Ngưỡng thứ ba và cuối cùng được gọi là Lao quan, “lối qua tù ngục”, gọi thế bởi vì người ta qua khỏi nó để vào giải thoát tối hậu khỏi bánh xe sanh tử – những cõi của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Sự giải thoát này gọi là Niết-bàn. Ở cấp độ này, khả năng của Bồ-tát giúp đỡ cho chúng sanh là không ngân ngại.

           Chỉ sự im lặng này là lời dạy tối hậu

           Chỉ sự Sáng chiếu này, sự đáp ứng cho tất cả.

           

Im lặng là lời dạy tối hậu. Sau một tỉ lời, chúng ta vẫn chưa là Pháp. Không có diễn tả về giác ngộ nào có thể đạt đến kinh nghiệm trực tiếp. Im lặng là chính giáo lý siêu vượt lời nói. Sáng chiếu là trí huệ toàn thiện. Chỉ với trí huệ toàn thiện, bạn mới có thể đáp ứng cho tất cả chúng sanh.

Sự đáp ứng thì không nỗ lực.

           Lời dạy, không nghe bằng đôi tai.

Sáng chiếu thì không có nỗ lực bởi vì không có sự thanh tĩnh qua cố gắng. Đáp ứng không nỗ lực là con đường của Bồ-tát. Khi những người khác thấy người đó là đại bi, nó thấy chính nó là người bình thường.

Suốt qua vũ trụ, mọi sự vật

           Pháp ánh sáng và thuyết pháp.

 

Có nói rằng tre xanh và hoa vàng là Phật đang nói Pháp. Có cái nào không là một biểu lộ của Phật pháp? Có một câu chuyện, Đại sư Đạo Sinh nói với một đống đá vì không ai tham dự những buổi thuyết pháp của ngài. Theo sách kể lại, khi ngài nói xong, những viên đá gật đầu tán thưởng. Nhưng thật ra, mọi sự là Pháp thân của Phật, và tâm được sáng chiếu chỉ thấy thế giới sáng ngời và đầy sự sống.

           Chúng chứng nhận cho nhau,

           Trả lời những câu hỏi của nhau.

           Trả lời và chứng nhận lẫn nhau,

           Đáp ứng trong hài hoà toàn hảo.

           

Trong sự trò chuyện này giữa mọi sự, khi mọi sự nói Pháp, sự đáp ứng luôn luôn có mặt. Tâm sáng chiếu bao gồm tất cả. Trong nó, mọi sự đều thân thiện và hài hoà, không thiếu hụt, không quá độ. Đó là một sự trò chuyện hoàn hảo – sự trả lời hoàn hảo cho câu hỏi hoàn hảo; tất cả không có lời nói.

           Khi sáng chiếu mà không có yên tĩnh,

           Bấy giờ có những phân biệt.

           Chứng nhận và trả lời lẫn nhau,

           Làm khởi sanh bất hoà.

           

Khi có sáng chiếu mà không có im lặng, những tư tưởng lọt vào và những phân biệt sanh ra. Những sự vật mất phẩm tính “hiện hữu đúng như thế này” của chúng. Sự đối thoại giữa những sự vật thành bất hoà – những trả lời sai lầm cho những câu hỏi sai lầm.

Nếu trong yên tĩnh mà sáng chiếu mất,

           Tất cả sẽ trở thành lãng phí và thứ cấp.

           

Ở đây nói im lặng mà không sáng chiếu. Đây không phải là trạng thái hoàn hảo, cũng không phải là mục đích của thực hành.

Khi Mặc chiếu trọn vẹn,

           Đóa hoa sen nở ra, người nằm mộng sẽ thức giấc.

Những dòng này rõ ràng nói sự thực hành Mặc Chiếu đúng đắn dẫn đến giác ngộ. Mặc Chiếu là trọn vẹn khi cả yên tỉnh và sáng chiếu đều hiện diện. Nhiều khó nhọc và kiên trì mới đến được điểm này. Cuối cùng, hoa sen Phật vốn sẵn trong bạn sẽ nở ra, và bạn sẽ thức dậy khỏi giấc sâu của sanh tử, giấc mộng của phiền não.

Trăm dòng sông chảy về biển cả,

           Ngàn ngọn núi quay mặt về đỉnh cao nhất.

 

Trăm dòng sông giống như chúng sanh bám vào suy nghĩ và chịu những phiền não. Mỗi dòng sông, theo dòng chảy của riêng nó, đổ vào đại dương trí huệ, mất đi cảm thức về cái ta và làm một với đại dương. Ngàn ngọn núi để chỉ những tâm phân biệt tự thấy mình là tách biệt, nhưng rốt ráo mỗi ngọn nhắm đến đỉnh cao nhất của trí huệ, nó chỉ thấy đỉnh núi vĩ đại của tất cả chúng sanh.

           Như con ngỗng thích sữa hơn nước

           Như con ong bận rộn gom phấn hoa

           Khi Mặc chiếu đạt đến rốt ráo

           Tôi tiếp tục truyền thống nguyên thuỷ của tông phái tôi.

     

Con ngỗng chọn sữa bổ dưỡng hơn nước và con ong bận rộn gom phấn hoa, cả hai biểu thị trí thông minh tự nhiên; bạn có thể nói là trí huệ loài vật. Khi thực hành Mặc Chiếu bạn đang làm như vậy, hoàn thành tiến trình tự nhiên đạt đến trí huệ. Cũng như con ong không lãng phí thời gian tìm phấn hoa trong một đóa hoa héo, hành giả có trí không lãng phí thời gian chỉ ngồi với một cái tâm vô ký. Như con ong không mệt mỏi trong nỗ lực của mình, hành giả nghiêm túc làm việc cho đến khi nếm được mật ong của trí huệ. Khi nhà thơ đưa sự thực hành của mình đến kết quả, người ấy trao truyền và tôn vinh truyền thống của tông phái. Nhưng một cách nền tảng, người ấy trao truyền cái gì và tôn vinh ai? Thật ra người ấy trao truyền phương pháp mà chư Phật đã khám phá, và tôn vinh Phật tánh tiềm ẩn trong tất cả chúng sanh.

           Sự thực hành này được gọi là Mặc chiếu.

           Nó thấu suốt từ cái sâu nhất đến cái cao nhất.

           

Những dòng này nói đến tin – tin vào một truyền thống thực hành đã truyền xuống không gián đoạn từ Đức Phật qua vô số thế hệ. Có ai có thể thực hành nó và không tìm thấy trong nó tất cả Phật pháp, từ cái sâu nhất đến cái cao nhất?

SHARE:

Để lại một bình luận