MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG

ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG

 

Zoketsu Norman Fischer

 

Hôm nay tôi muốn nói về ngồi thiền, thiền định của Thiền. Ở đây Đạo Nguyên bắt đầu như thế trong Phổ khuyến toạ thiền nghi, bản văn nền tảng về ngồi thiền:

Đạo vốn hoàn hảo và hiện hữu khắp. Làm sao nó có thể phụ thuộc và thực hành và chứng ngộ? Thừa pháp thì tự do và vô ngại. Cần gì nỗ lực tập trung? Thật vậy, toàn thân thì khỏi hẳn bụi bặm thế gian. Ai có thể tin vào một phương tiện chùi sạch nó? Nó không hề lìa khỏi người ta, ngay chỗ người ta hiện hữu. Rời đây hay kia để thực hành phỏng có ích gì?

 

Ngồi thiền là một hoạt động căn bản là vô ích và vô mục đích. Một người sùng mộ việc ngồi không phải bởi vì nó giúp cho cái gì hay nó là bình an hay thú vị hay bởi vì Đức Phật nói nó làm việc ấy – dù chúng ta có thể tưởng tượng nó giúp đỡ hay nó bình an hay thú vị – mà chỉ bởi vì người ta tôn sùng nó. Bạn không thể phản bác hay chứng minh nó hay biến nó thành cái gì tốt đẹp. Bạn chỉ làm nó bởi vì bạn làm nó. Thậm chí nó không có vấn đề thích hay không thích. Ngồi thiền vì ngồi thiền. Chim hót, cá lội, và người ta sùng mộ ngồi thiền thì ngồi thiền với lòng sùng mộ mọi lúc dù nó không cần điều đó.

 

Đời sống chúng ta đã tốt đẹp theo cách của nó. Mọi sự xảy ra là một biểu lộ của sự giác ngộ bổn nguyên của chúng ta dù chúng ta không biết điều đó. Chúng ta không cần có một điều kiện khác hay tăng thêm hay giảm bớt cái gì. Cơn mưa tử tế của Pháp rơi mọi lúc đều đặn và tự do trên mọi sự, và mỗi sự vật nhận mưa và dùng nó theo cách riêng, khác của mình. Toàn bộ thế giới mở ra trong sự phô bày hỗ tương toàn hảo và đẹp đẽ của những năng lực. Có lẽ chúng ta khó khăn hân thưởng điều này nhưng cuối cùng chúng ta chỉ là con người và tại sao chúng ta lại không có khó khăn? Sự khó khăn của chúng ta là thế này: tâm chúng ta không thể thấy sự khác biệt mà không so sánh, không phê phán và không lấy bỏ. Chúng ta muốn hoặc là mọi sự đều như nhau, nó là vậy mặc dù chúng ta không thể kinh nghiệm như vậy, hay nếu những sự vật phải khác nhau thì chúng ta tranh đấu để sắp hàng chúng.

 

Loại khó khăn này chẳng dính dáng gì tới biết và suy nghĩ, cũng không liên hệ gì đến hiện thể thực sự của chúng ta. Chừng nào hiện thể thực sự của chúng ta vẫn được quan tâm, thì có khó khăn hay không, chúng ta vẫn tốt. Bấy giờ có gì ngu ngốc hơn ý tưởng trau dồi tôn giáo, hơn tư tưởng chúng ta cần thay đổi thân phận chúng ta để trở nên thánh hơn, bình an hơn hay thông thái hơn. Thật vậy, những tư tưởng như thế chỉ đưa chúng ta khỏi thánh tính, an lạc và trí huệ, chúng là tinh tuý thực sự của mỗi khoảnh khắc đời sống chúng ta. Những phẩm tính này hiện hữu với chúng ta bất kỳ nơi nào chúng ta hiện hữu ngay trong hiện tại. Nỗ lực để sở đắc chúng nào có ích gì? Những nỗ lực như vậy chỉ dẫn dắt chúng ta vào chiều hướng sai lầm. Có lần có người hỏi Đạo sư Vân Môn, “ ‘Ngồi đúng và chiêm ngắm thực tại’ có nghĩa là gì?”. Vân Môn nói, “Một đồng tiền mất trong dòng sông được tìm thấy trong dòng sông”.

 

Chúng ta cần cảm nhận chân lý của những sự việc này để ngồi thiền. Nếu không cảm nhận được, sự ngồi thiền của chúng ta sẽ rất chụp giựt ham hố. Mọi sự khác trong đời sống chúng ta là ham hố bởi vì cảm thức tự ngã mạnh mẽ, quen thuộc luôn luôn đòi hỏi có được cái gì tốt từ mọi việc chúng ta làm. Chúng ta trở nên cạn kiệt vì những hoạt động ấy. Nhưng ngồi thiền là cái gì khác. Nếu chúng ta không cảm nhận tính vô ích nền tảng của nó, cái này đến từ tính vô sự vốn hoàn hảo của đời sống, chúng ta sẽ biến nó thành cái gì bận rộn chụp giựt, cũng như mọi việc khác ta làm.

 

Một câu chuyện khác từ Đạo sư Vân Môn:

Có lần một nhà sư hỏi, “Cái gì là tự ngã của con?’. Thiền sư Vân Môn nói, “Tôi, ông sư già này, đi vào bùn và nước vì ông”. Nhà sư nói, “Thế thì con cần bẻ xương và xé thân làm trăm mảnh để biết ơn”. Thiền sư hét lớn. Ngài nói, “Nước của toàn thể đại dương ở trên đầu ông ngay lúc này. Nói đi! Nói đi!. Nhà sư không nói được. Thiền sư Vân Môn trả lời thay, nói từ quan điểm của nhà sư, “Con e rằng ngài không nghĩ con là nguyên sơ chân chất”.

 

Vấn đề là chúng ta không có khả năng ngồi thiền vô ích, vô sự bởi vì tâm chúng ta không thể chấp nhận tính nguyên sơ chân thật và vốn hoàn hảo căn bản của đời sống chúng ta. Thực sự chúng ta rất cưỡng chống với thực tại này. Chúng ta ghét bỏ bởi vì nó quá đơn giản và chúng ta cứ dai dẳng nghĩ chúng ta cần thêm nữa. Điều này không phải là một chi tiết hay một tình cờ của tâm ta; thậm chí nó không phải là một thói quen; nó là bản chất sâu xa của tâm ta. “Thức” tiếng Sanskrit là vijnana, có nghĩa là phân chia hay cắt. Để có cái mà chúng ta gọi là kinh nghiệm, chúng ta phải phân chia hay cắt mãnh thực tại. Tính nguyên sơ chân chất hay tính vốn hoàn hảo là tính toàn thể, tính không thể phân chia, thế nên nó không thể là một kinh nghiệm. Và thậm chí nếu chúng ta thực hành ngồi thiền và có một kinh nghiệm ngộ, chúng ta lập tức làm mình rối rắm. Một kinh nghiệm như vậy có thể là một bắt đầu hứa hẹn, nhưng chúng ta phải cẩn thận buông bỏ nó, không định nghĩa định danh nó, không biến nó thành một kỷ niệm yêu quý, thành một cái móc cho bản sắc cá nhân.

 

Đạo Nguyên tiếp tục trong Phổ khuyến toạ thiền nghi :

Thế nhưng, nếu có chút trái ngược nhỏ nhất, Đạo liền xa cách như trời với đất. Nếu có chút thích hay không thích sanh khởi, Tâm rơi mất trong mê mờ. Giả như người ta kiêu hãnh vì hiểu biết và tự phụ vì ngộ của mình, thoáng thấy trí huệ suốt qua mọi vật, biết Đạo và sáng tỏ Tâm, phát nguyện xông tới trời. Người ta đang dạo chơi ở những biên bờ nhưng vẫn cón thiếu cái gì trong đại đạo của giải thoát hoàn toàn.

 

Ngài nói tiếp:

Thế nên các ông cần ngưng sự thực hành căn cứ trên hiểu biết trí thức, theo lời theo chữ, và học bước thụt lùi, nó xoay ánh sáng vào trong để soi sáng chính các ông. Thân và tâm tự chúng sẽ rơi mất, và khuôn mặt bổn nguyên của các ông sẽ biểu lộ. Nếu các ông muốn đạt được tính Như, các ông cần thực hành tính Như không trì hoãn.

 

Cái “bước thụt lui” này là một lời nói nổi tiếng của Đạo Nguyên. Nó là cái đối nghịch với biết hay kinh nghiệm – hay đúng hơn, “ở trước” biết hay kinh nghiệm. Không ở trước trong thời gian mà trong chiều sâu. Ở đây, mọi ngôn ngữ đều bất lực với chúng ta bởi vì tôi đang cố gắng diễn tả cái không liên hệ gì với không gian và thời gian, và mọi ngôn ngữ của chúng ta được xây dựng trên những ẩn dụ của không gian và thời gian. Một học trò có một hình ảnh tốt đối với chuyện đó. Anh nói thức thì giống như cắt một củ hành. Cạnh của lưỡi dao tiếp xúc với lớp da ngoài củ hành và tức thời cắt nó, và củ hành bi phân chia. Mỗi khoảnh khắc chúng ta chia cắt thế giới như vậy, và cảm thấy tách biệt và cô đơn trong đó, bị phân chia khỏi chính mình, phân chia khỏi mọi sự, bị lưu đày, lạc lõng. Và có người khác thêm vào – “Chúng ta kêu khóc vì điều này, cũng như chúng ta kêu khóc khi chúng ta chia cắt củ hành và giải phóng chất nước của nó vào không khí”. Bước thối lui là khi cạnh của lưỡi dao chạm với da củ hành. Vào chính khoảnh khắc ấy, không có sự chia cắt – thậm chí không có phân chia giữa con dao và củ hành, để cho củ hành là củ hành. Chỉ có một vật tiếp xúc chính nó, tiếp xúc hoàn toàn với chính nó. Đây là đời sống của chúng ta hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại như thế nào – một vật tiếp xúc với chính nó không quá khứ không tương lai, và cả không hiện tại. Đây là bước thối lui. Dừng nghỉ trong cái bắt đầu nguyên sơ của hành động của thức.

 

Khi tôi nói điều này, có vẻ như tôi muốn hiểu rằng tất cả chúng ta cần cẩn thận phân tích tâm chúng ta và cẩn thận xem chừng mỗi hành vi của thức. Dù đây là một thực tập có ích, chỉ có thể được làm giữa và sau sự tu hành thiền định cẩn thận, thì nó vẫn là một thực tập căn bản là phù phiếm bởi vì nó đặt nền trên một ý niệm không gian thời gian của thức. Có thể nói trong Thiền, một đầu mút ngón tay không thể chạm đến nó, một lưỡi dao không thể cắt chính nó. Thật vậy, khoảnh khắc đầu tiên không thể phân chia của thức không thể thành lập trong tách biệt; nó thấm khắp toàn bộ thức. Toàn thể hành vi cắt củ hành, thậm chí những giọt nước mắt, là cái bắt đầu.

 

Trong thực hành Thiền, chúng ta làm hai điều: Chúng ta chỉ ngồi thiền và chú ý vào đời sống chúng ta. Chúng ta ngồi với một tinh thần ngồi không để làm gì, đi vào nó không phải như tự ngã chúng ta mà như ai đó lớn lao hơn chúng ta và bao trùm chúng ta. Chúng ta không cố gắng đảm đương cái gì về bất cứ cái gì. Chỉ ngồi, như Đạo Nguyên nói, “thẳng lưng đúng như thế, không nghiêng bên trái bên phải, không ngả về trước về sau”. Chỉ quyết tâm ở đó mà không có ý niệm lên hay xuống, trong hay ngoài, ta hay người, cho đến khi chuông hay bạn ngã ra chết, bất kể ai là người đến đầu tiên. Và rồi khi đứng lên và tiếp tục cuộc sống thì chỉ tỉnh giác và giản dị. Hãy luôn luôn biết, như bạn đã khám phá một cách cần mẫn trong ngồi thiền, rằng cái gì đi qua trong tâm bạn chỉ là cái đi qua trong tâm bạn, rằng những tư tưởng và cảm nhận chỉ đơn giản là những tư tưởng và cảm nhận. Cái thực sự đang đi qua, những sự kiện mà những tư tưởng và cảm nhận quy chiếu vào và định nghĩa, thực ra không được biết. Chớ quên điều đó và khi bạn quên nó hãy tự nhắc nhở rất nhiều lần. Hãy chắc chắn bạn giữ được cảm thức hài hước. Chớ vướng vào thì bạn bỏ mất cái gì đang xảy ra. Thế nên hãy chuyển động qua những sự vật, chỉ thẳng tiến, không có quá nhiều cân nhắc.

 

Khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta xem xét tư thế và chú ý hơi thở. Khi thở vào chúng ta biết đây là hơi thở vào và khi thở ra biết đây là hơi thở ra. Chúng ta hiến mình sùng mộ, sáng tạo và thương yêu lớn lao cho hơi thở và chúng ta để mọi sự khác đi mà không chối bỏ hay chôn vùi cái gi. Khi quên, chúng ta tự nhớ lại và trở lại. Nhưng chúng ta chớ biến hơi thở thành một cái gì. Không có những thứ to chuyện trong ngồi thiền bởi vì mọi sự trong đời sống chúng ta và trong toàn thế giới đều to chuyện – thế nên có gì là đặc biệt đâu? Nếu mọi sự đều là một chuyện lớn thì không có gì là chuyện lớn cả. Thế nên chúng ta chớ lo lắng về ngồi thiền của mình và chớ nghĩ chúng ta đang làm đúng hay sai. Chúng ta chỉ làm nó. Đoạn đối thoại Thiền mà tôi thích, mà tôi trích ra bất cứ lúc nào tôi có cớ, là câu nói của Thiền sư. Khi một học trò hỏi, “Ngồi thiền là gì?”, ngài đáp, “Nó là không-ngồi thiền”. Học trò nói, “Làm sao ngồi thiền có thể là không ngồi thiền?”, Triệu Châu đáp, “Nó sống!”

 

Trong Phổ khuyến toạ thiền nghi, Đạo Nguyên nói, Ngồi thiền mà tôi nói đến thì không học thiền định. Nó đơn giản là cánh cửa Pháp của sự an nghỉ và lạc phúc, sự thực hành – chứng ngộ của giác ngộ vô thượng. Nó là sự biểu lộ của thực tại tối hậu. những cạm bẫy không bao giờ có thể đến đó. Một khi nắm được tâm yếu, bạn giống như con rồng khi hút nước, như con cọp khi vào núi. Vì bạn phải biết rằng chỉ ngồi thiền như thế, Chánh pháp sẽ tự biểu lộ và ngay từ đầu, hôn trầm và phóng dật bị gạt qua một bên.

 

Thực tại tối hậu” nghe có vẻ là một ý niệm khá tán dương, nhưng thực sự thực tại tối hậu ở đâu? Nó ở dưới tấm đệm ngồi thiền của tôi? Nó chôn sâu trong óc não tôi? Nó trong đám mây hay dưới đại dương? Tôi nghĩ nó ở trong mọi chỗ ấy và mọi nơi khác. Thế nên ngồì thiền hay không ngồi thiền không phải là sự chuẩn bị cho cái gì khác. Ngồi thiền của tôi, ngồi thiền của anh, ngồi thiền của Đức Phật đều như nhau – những biểu lộ của thực tại tối hậu. Nó không phải là một vấn đề thiền định hay không thiền định. Nó là sự việc kỳ diệu bởi vì nó là một sự việc không thể hư hỏng. Những cạm bẫy không bao giờ có thể đạt đến nó. Thực tại là thực tại, bất kể người nào có làm hay không làm nó. Bạn không cần hiểu nó – bạn không thể hiểu nó. Tất cả điều bạn cần là tin nó. Một khi bạn ngồi xuống và có tự tin thật sự vào việc ngồi xuống – không phải bởi vì nuó là cái gì kỳ diệu mà chỉ bởi vì nó không là gì cả và không ích lợi gì cả – không ích lợi một cách tối cao – bấy giờ bạn có tự tin thật sự vào đời sống của bạn. Sự vật chắc chắn là sẽ lìa bỏ ngày mai. Bạn có thể bị ghét bỏ, làm nhục và mất việc hay danh tiếng, chồng hay vợ, hay thân thể bạn. Nhưng vẫn hiện hữu thực tại tối hậu, nó vẫn là đời sống đích thực và nguyên sơ chân chất và bạn có thể mang lấy nó, hiện hữu với nó và nhìn sâu vào nó để biết nó là gì.

 

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ lịch sử mà chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta cần ý thức và năng động trong thế giới của chúng ta. Không ai trong chúng ta không biết sự kêu gọi hành động này. Và tuy nhiên, nếu chúng ta không thực hành ngồi thiền, dù chúng ta gọi nó là ngồi thiền hay cái gì khác và làm nó như thế nào, chúng ta không thể hành động chính xác và cẩn thận. Đã có nhiều hành động – quá nhiều hành động. Điều chúng ta cần không phải là hành động thêm nữa, chúng ta cần hành động giác ngộ. Và điều này nghĩa là buông bỏ hành động.

SHARE:

Để lại một bình luận