BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

BÌNH GIẢNG VỀ

PHỔ KHUYẾNTOẠ THIỀN NGHI

 

Hakuyu Taizan Maezumi – Tiền Giác Bác Hùng (1931-1995)

 

Đầu đề bản văn của Đạo Nguyên, Phổ khuyến toạ thiền nghi, có thể dịch ra một số cách. Một số dịch giả dịch là Khuyến khích phổ quát những nguyên lý của ngồi thiền. Ở đây nó được dịch là những nguyên lý của ngồi thiền. Trước hết cần hiểu rằng Đạo Nguyên không chỉ cho một bài thuyết pháp về hành ngồi thiền như thế nào, mà thực ra ngài yêu cầu mọi người đều làm việc đó. Hơn nữa, ngài dùng từphổ khuyến để nói đến tính phổ quát của những nguyên lý này, cho tất cả không trừ một ai. Dĩ nhiên, khi chúng ta ngồi như thế nào, chúng ta nói “chỉ ngồi”. Nhưng chỉ xếp đặt thân trong một tư thế ngồi thì rất không đủ. Zazen nghĩa đen là “ngồi thiền”. Và khởi lên câu hỏi “Thiền là cái gì?”. Sự thực hành của chúng ta cần phải là ngồi thiền thực sự, và chúng ta phải làm rõ điều này. Nhưng ngồi thiền thì ai làm cũng được. Để ngồi thiền, người ta không cần cái gì khác hơn thân này. Cái này hoàn toàn đủ.

 

Khi Đạo Nguyên từ Trung Hoa trở về, ngài không hài lòng lắm với loại thực hành Thiền đang thịnh hành ở Nhật. Ngài cảm thấy nó kém chính xác, kém sức sống như nó cần có. Chẳng hạn, bản thân ngài Vinh Tây phối hợp những nguyên lý của Thiền với những giáo lý của Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông. Thế nên nó không thực sự là Thiền như đã được dạy và thực hành.

 

Nhưng Đạo Nguyên, sau đại ngộ với Đại sư Thiên Đồng Như Tịnh, tin chắc rằng chỉ riêng ngồi thiền cần được áp dụng. Khi viết bài này, Đạo Nguyên không chỉ muốn cổ vũ sự thực hành ngồi thiền, mà còn khuyến khích người ta hành loại ngồi thiền chân chánh mà chính ngài đã kinh nghiệm và thấu hiểu sâu sắc.

 

Ngài nói điều quan trọng nhất một cách tức thời, trong hai câu đầu hay trong đoạn đầu, đó là tính cách viết của Đạo Nguyên. Lão sư Yasutani một lần đã nói với tôi rằng lão sư Harada thường nhấn mạnh ý nghĩa những lời mở đầu của Phổ khuyến toạ thiền nghi.Tazunuru ni sore…”, “Sau khi tìm kiếm triệt để…”

 

Chúng ta hãy khảo sát trọn Phổ khuyến toạ thiền nghi.

           Nói một cách căn bản, nền tảng của Đạo là toả khắp trọn vẹn.

 

Ý nghĩa của đoạn mở đầu này, cùng với lời mở tôi vừa đề cập ở trên, thì đại khái như thế này: “Sau khi triệt để tìm kiếm chân lý, Đạo Nguyên chứng ngộ rằng bản tánh sâu xa của Đạo vốn là viên mãn và toàn khắp”. Bản tánh ở đây được dịch như một danh từ. Chúng ta có thể đọc “bản tánh của Đạo” là “Đạo nền tảng”. Nó là nền tảng vì nó phổ quát; nó là toàn khắp; nó là trọn vẹn. Nó là tánh Không, Phật tánh.

           Nó là đời sống của chúng ta!

 

Chúng ta có thể nói Đạo là toả khắp một cách hoàn hảo, nhưng có lẽ “tự do” thì rõ ràng hơn. Với tiếng Nhật “toả khắp một cách hoàn hảo” cũng có nghĩa “tác động vô ngại” và tác động này là hoạt động và tích cực. Trước khi chúng ta đi xa hơn, hãy để tôi giải thích hai mặt của sự thực hành và của đời sống chúng ta: cái nội tại, hay cái tuyệt đối và cái kinh nghiệm hay cái tương đối. Cái nội tại ám chỉ một thực tại tối hậu; cách thế sự vật thực sự là gì, dù chúng ta có ý thức đến nó hay không. Cái kinh nghiệm hay cấp độ tương đối ám chỉ cái chúng ta kinh nghiệm là “thật” một cách trực tiếp và có ý thức.

 

Thế nên xem đoạn này từ bối cảnh kinh nghiệm, nếu chúng ta không thực hành ngồi thiền và thực hành Đạo một cách đúng đắn, thì chúng ta mất điểm cốt yếu. Như vậy chúng ta tạo ra một hố sâu giữa chính mình và cái bên ngoài – và chúng ta không thể nhận ra Đạo.

 

Nhưng khi khảo sát từ bối cảnh nội tại, chỉ hiện hữu như chúng ta đang là thì hoàn hảo, viên mãn, trọn vẹn. Không có gì thiếu, không có gì thừa. Cũng không phải thiếu và thừa là đồng nhất. Mỗi chúng ta là khác biệt, nhưng hoàn hảo và trọn vẹn.

 

Tất cả chúng ta đi vào Thiền để tìm ra chân ngã của mình, ý nghĩa đích thực của đời sống và cái chết. Nhưng ở đây nói, “nói một cách căn bản, nền tảng của Đạo là toả khắp trọn vẹn…”. Đạo là gì? Trong từ ngữ kỹ thuật, nó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong tiếng Trung Hoa, nó được dịch là “Đạo tối thượng”, “Đạo vô song” hay “Trí huệ toàn hảo”, và có nghĩa là giác ngộ. Gíac ngộ là từ đồng nghĩa với đạo. Đạo vô thượng, sự giác ngộ trọn vẹn, vốn là hoàn hảo tự thân nó.

 

Và rồi chúng ta hỏi, “Cái gì là trí huệ? Cái gì là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?”. Nó chính là đời sống chúng ta. Chúng ta không chỉ có trí huệ ấy; chúng ta thường trực sử dụng nó. Khi trời lạnh, chúng ta mặc thêm áo. Khi trời nóng, chúng ta cởi bớt áo, khi đói, chúng ta ăn. Khi buồn chúng ta khóc. Khi vui, chúng ta cười. Đó là trí huệ hoàn hảo, trí huệ Ba-la-mật.

 

Và trí huệ hoàn hảo này không chỉ ở con người, mà ở mọi sự mọi vật. Chim bay, chó chạy, núi cao, lũng thấp. Tất cả đều là trí huệ toàn hảo. Bất kể chúng ta có chứng ngộ nó hay không, chúng ta luôn luôn ở giữa Đạo. Hay nói nghiêm ngặt hơn, chúng ta không là gì khác hơn Đạo.

 

Dĩ nhiên, luôn luôn có những nhân và duyên khiến chúng ta là thế này mà không là thế nọ. Luật nhân quả áp dụng cho mọi người, không ai tránh thoát được. Thế nên chìa khoá là làm sao chứng ngộ Đạo. Đạo này rốt cuộc không là gì khác chúng ta. Và chứng ngộ rằng Đạo là toàn khắp, hoàn hảo và trọn vẹn, chúng ta đâu còn lo gì?

 

Trong tông Tào Động, có sự nhấn mạnh nhiều hơn vào sự vốn chứng ngộ hay giác ngộ căn bản và nền tảng, nó không là gì khác hơn chính đời sống chúng ta. Bấy giờ điều chúng ta cần làm là chăm sóc nó và không làm nó ô nhiễm hay hư hỏng. Bấy giờ bất cứ điều gì chúng ta làm đều trở thành hành vi của Phật (Phật sự).

 

Đó là điều dòng đầu ám chỉ khi nói: “Nói một cách căn bản, nền tảng của Đạo là toả khắp trọn vẹn; làm sao nó có thể phụ thuộc vào thực hành và xác chứng?”.

           Thừa của chư tổ vốn không hạn hẹp;

           Tại sao chúng ta lại phải cần tiêu phí nỗ lực kéo dài?

 

Thừa ở đây là bản tánh sâu thẳm của đời sống, nó vốn hoàn toàn tự do, không lệ thuộc hay hạn hẹp. Thừa ấy không gì khác hơn là đời sông của chúng ta, và như vậy đời sống chúng ta cũng vốn tự do, không hạn hẹp. Dĩ nhiên, chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta phải sống trong những điều kiện nào đó, mà trong một nghĩa, là một sự giới hạn. Nhưng trong giới hạn luôn luôn có tự do. Dù bạn đi đâu hay làm gì, cách nào đời sống của bạn cũng bị hạn hẹp. Chớ nhìn vào những hoàn cảnh giới hạn để tìm kiếm tự do của bạn. Bạn sẽ không tìm ra nó. Bạn luôn luôn có thể tìm thấy tự do bên trong giới hạn.

           Chắc chắn Toàn thể Hiện thể thì vượt xa khỏi nhiễm ô; ai có thể tin vào một phương pháp để chùi sạch nó?

           

Chúng ta có đủ mọi loại nhiễm ô, nhưng nói chung nó vượt ra khỏi những nhiễm ô. Riêng điều này là một công án tuyệt vời!

 

Toàn thể Hiện thể. Cái gì là Toàn thể Hiện thể? Lần nữa, nó không gì khác hơn tự thân của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta phải vượt khỏi mọi loại nhiễm ô. Không cần phải lau chùi bụi nhiễm ô như vậy. Không kỳ diệu sao?

 

Có một đoạn nổi tiếng trong Pháp Bảo Đàn Kinh, bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng và sư Thần Tú.

 

Bài kệ của ngài Thần Tú là:

                       Thân là cây bồ đề

                       Tâm là đài gương sáng

                       Thường siêng lau chùi chúng

                       Chớ để bám bụi trần.

 

Và bài kệ của Lục tổ đáp lại:

                       Vốn không có (cây) bồ đề

                       Cũng không đài gương sáng

                       Xưa nay không một vật

                       Chỗ nào bám bụi trần?

 

Bạn thấy không? Không phải là chuyện phủi bụi hay làm gương. Chân ngã của bạn, bản tánh của bạn, Phật tánh – đó là Đạo. Đạo, toàn thể hiện thể, và trọn vẹn, toàn thiện, tự do, toàn khắp.

Nó chưa từng lìa khỏi chính nơi này; vậy thì ích gì khi hành hương để thực hành nó?

 

Điều này rất quan trọng: Đạo luôn luôn ở đây; luôn luôn ngay ở đây và ngay bây giờ. Luôn luôn, bạn có đi đâu, bạn có ở đâu, nó cũng ngay ở đây và ngay bây giờ, trọn vẹn, tự do, toàn khắp. Không kỳ diệu sao? Đó là đời sống của chúng ta. Chỉ hãy là như vậy, hãy là như vậy. Chớ làm ô nhiễm nó hay làm dơ khoảnh khắc này, ngay ở đây và ngay bây giờ.

Và tuy nhiên nếu có một sợi tóc phân biệt, khoảng cách thì như trời xa đất…

 

Nghĩa là hiện hữu cá nhân hay hiện thể của chúng ta thì tuyệt đối và rõ ràng như mũi tên trên mặt bạn. Mỗi chúng ta thì hoàn hảo và tự do. Đây là một xác nhận rất mạnh mẽ đời sống chúng ta.

 

Điểm then chốt của sự thực hành của chúng ta là không phải trở thành cái gì khác hơn cái mà chúng ta đã vốn là, như một vị Phật hay một người giác ngộ, mà chứng ngộ bay rõ biết sự kiện rằng chúng ta vốn bẩm sinh nội tại là Đạo, tự do và trọn vẹn. Nếu chúng ta thực hành để trở thành cái gì khác, chúng ta chỉ đặt một cái đầu khác trên cái đầu của chúng ta, làm cho chúng ta thành con ma. Một cái đầu đích thật là đủ rồi!

 

Thế thì, làm sao chúng ta chứng ngộ hay thấu hiểu rằng đời sống chúng ta thì trọn vẹn và tự do? Hay nếu chúng ta chứng ngộ điều đó, thì chúng ta chứng ngộ điểm đó rõ ràng thế nào? Làm rõ vấn đề này là lý do tại sao chúng ta thực hành.

 

Đạo Nguyên nói, “Học Đạo giác ngộ là học chính mình. Và học chính mình là quên chính mình”. Quên chính mình không phải là tạo ra bất kỳ một khoảng cách nào giữa chính mình với Đạo. Bấy giờ cái gì tạo ra kinh nghiệm của chúng ta về sự ngăn cách?

 

Cái tạo ra ngăn cách luôn luôn là cái thức quy ngã giới hạn của chúng ta. Hoàn toàn không có gì sai lầm trong thức. Thức là một tác dụng đơn giản, thuần tuý của thân tâm, và không phải là một cái gì đúng hay sai, vấn nạn hay không vấn nạn. Nhưng rắc rối của chúng ta là chúng ta đã cho tác dụng thức của mình quá nhiều giá trị, quá nhiều quyền hành. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hình dung ra mọi sự bằng thông minh, bằng suy nghĩ, bằng những ý niệm và những tư tưởng của chúng ta. Đó là tại sao chúng ta bị rắc rối khốn khổ.

 

Thế nên, khi thực hành ngồi thiền, hãy dẹp những ý niệm và những tiên kiến này. Hãy dừng lại toàn bộ tiến trình phân tích và tạo thành ý niệm.

 

Khi một chút thích hay không thích nhỏ nhất sanh khởi, tất cả bị mờ rối và tâm bị lạc mất.

           

Khi bạn bắt đầu có những ý tưởng thích hay ghét, đúng hay sai, tốt hay xấu, ngộ hay mê, bấy giờ bạn đánh mất tâm. Tâm này lại đồng nghĩa với Đạo.

 

Dù các ông hãnh diện vì cái hiểu của mình và no nê với cái thấy, tìm ra trí huệ tỏ biết chỉ trong một cái nhìn, dù các ông đạt Đạo và rõ tâm, sanh ra tinh thần xông lên tới tận trời, thì các ông chỉ mới quanh quẩn nơi ngoại vi cổng vào và còn thiếu cái gì đó của con đường cốt tử của giải thoát.

           

Dù đạt ngộ rất rõ ràng, sự đạt đó vẫn chỉ là một sự bắt đầu. Có một Thiền ngữ, “Đầu đã lọt qua, nhưng thân còn kẹt lại”. Đạt ngộ, thị kiến rõ ràng, trí huệ thấy toàn thể thế giới không gì ngoài chính mình, một cái hiểu như vậy chỉ là sự bắt đầu. Và chừng nào bạn còn bị kẹt ở mức độ này, bạn đã rơi vào biển thuốc độc và không bao giờ có thể tự giải thoát.

 

Hãy xem câu chuyện Bạch Ẩn, ngài khi hai mươi bốn tuổi đạt được một cái ngộ rất rõ ràng khi nghe tiếng chuông chùa buổi chiều. Một cảm giác vui thích khủng khiếp và ý nghĩ không có ai trong vòng một trăm năm qua đã đạt một cái ngộ rõ ràng như vậy đã chiếm giữ lấy ngài. Về lâu sau, nghĩ lại thời trẻ, ngài viết về kinh nghiệm này “tự phụ và kiêu hãnh nổi lên như sóng biển”. Về sau, ngài gặp Shoju Roshi, vị này làm ngài hoàn toàn xẹp xuống và giúp ngài đạt một chứng ngộ còn rõ ràng hơn.

 

Chúng ta phải thận trọng về việc chúng ta tiến bộ như thế nào trong thực hành. Đạo Nguyên cảnh cáo việc đạt một chứng ngộ nhỏ và sớm thoả mãn và tự phụ. Khi làm vậy, chúng ta tự cột trói mình thay vì giải thoát.

 

Dù trường hợp của Đức Thích-ca, bẩm sinh thông tuệ, chúng ta có thể thấy dấu vết của sáu năm ngồi thẳng.

 

Đức Phật được sinh ra trong hoàng tộc, xuất sắc trong mọi thứ học tập, văn chương và thể thao. Dù tài nghệ phi thường và tính khí vĩ đại, Ngài vẫn có sáu năm chiến đấu. Thế thì chúng ta cần thực hành khó nhọc.

 

Theo một cách điều này có vẻ mâu thuẫn, vì Đạo Nguyên đã viết rằng thật ra đây không phải là một vấn đề thực hành hay giác ngộ. Nếu như vậy, thì tại sao chúng ta phải thực hành? Nhưng chúng ta lại phải trở về với hai phương diện của sự thực hành: Từ bối cảnh nội tại, dĩ nhiên chúng ta nói rằng tự nền tảng chúng ta đều là những vị Phật và không cần thứ gì như thực hành hay giác ngộ, bởi vì cách nào thì đó cũng là chân tánh của chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta chỉ tin điều đó một cách lý thuyết; chúng ta không biết điều đó một cách trực tiếp, mắt thấy tai nghe. Trực tiếp ý thức điều đó và biết nó trọn vẹn là lý do cho chúng ta thực hành.

 

…và trong trường hợp của con người ở Thiếu Lâm, dù ngài có tâm ấn, chúng ta vẫn nghe tiếng tâm chín năm ngồi đối diện với vách tường. Khi những người xưa còn phải như vậy, người ngày nay sao có thể không cần cầu Đạo?

           

Cái gì là tâm ấn? Nó là một từ đồng nghĩa với Đạo và việc tâm truyền tâm. Trong một nghĩa, không có cái gì để được truyền. Chứng ngộ chính là sự trao truyền; một vị thầy chỉ chứng nhận sự chứng ngộ. Nghĩa là, bạn trao truyền chính bạn cho chính bạn – bằng cách chứng ngộ rằng chính thân này, chính tâm này, chính chỗ chúng ta đang đứng này không là cái gì khác Phật. Có điều gì có thể hơn nữa?

 

Chúng ta nhấn mạnh sự quan trọng của một vị thầy vì vị ấy thực sự biết trau truyền là gì và làm sao gìn giữ nó.

 

Thế nên, hãy ngừng sự thực hành trí thức tìm kiếm đuổi theo ngôn ngữ; hãy xoay ánh sáng lại và soi chiếu. Thân tâm sẽ tự rơi mất, và khuôn mặt xưa nay của các ông sẽ xuất hiện. Nếu các ông muốn được như thế, hãy khẩn thiết thực hành như thế.

 

Chớ phí thời gian cho hiểu biết trí thức thay vì thực sự thực hành, những hoạt động trí thức sẽ là một loại trở ngại.

 

Đạo Nguyên nói “xoay lại”. Đây là chìa khoá. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, sự xung động chúng ta là tiến về phía trước. Tuy nhiên, thay vì tiến tới, nếu chúng ta bước lui và cẩn thận xem xét sự thực hành trong chính khoảnh khắc này thì sao? Chúng ta tự làm cho mình nhiễm ô như thế nào? Chúng ta tạo ra những lỗ hổng. Những lỗ hổng này do dự quy ngã, ý thức thói quen của chúng ta tạo ra, chúng phân cách chúng ta với cái gọi là những cái ở bên ngoài hay những người khác. Đây là thức phân biệt.

 

Dĩ nhiên, sự nhận biết những cái khác biệt cũng là một vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt trong tham công án, các bạn xử lý mối tương quan giữa cái một và những cái khác theo một cách rất đặc biệt – nhưng chỉ sau khi đã chứng ngộ cái một. Không có nền tảng chứng ngộ này, chúng ta sẽ tạo ra đủ loại phán đoán giá trị, những cái này ngăn cách chúng ta với chính chúng ta và với những cái bên ngoài. Cách nào đó thì những phán đoán giá trị là cần thiết, nhưng cũng chính vì chúng mà chúng ta tạo ra những rắc rối. Thế nên, việc phải làm là lùi lại và không phóng tới. Bấy giờ hãy khảo sát và soi chiếu chính bạn một cách cẩn thận.

 

“Thân tâm sẽ tự rơi mất”. Các bạn không cần quan tâm về chuyện thân tâm tiêu mất. Khi các bạn thực hành như Đạo Nguyên chỉ dạy, điều đó sẽ xảy ra. Thế nên trước hết các bạn ngồi, rồi vào định. Rồi, trong định, cái thức quy ngã, hạn hẹp kia sẽ biến mất. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn và vũ trụ là một. Điều đó tự động xảy ra.

“Thân tâm sẽ tự rơi rụng mất, và khuôn mặt xưa nay của các ông sẽ xuất hiện”.

“Khuôn mặt xưa nay” hay bản lai diện mục nghĩa là giác ngộ.

“Nếu các ông muốn được như thế, hãy khẩn thiết thực hành như thế”.

“Như thế” cũng có nghĩa là giác ngộ. Nếu muốn đạt đến giác ngộ, các bạn phải thực hành giác ngộ không trì hoãn. Và thực hành giác ngộ là ngồi thiền.

           

Một phòng yên tĩnh là thích hợp cho việc tham thiền. Hãy ăn uống điều độ. Hãy để qua một bên mọi lo toan và ngừng dứt mọi việc. Chớ nghĩ tốt hay xấu. Chớ để ý đúng sai. Hãy ngừng mọi động tâm, mọi đánh giá. Không có tư tưởng thành Phật. Tham thiền chẳng liên quan gì đến ngồi hay nằm.

           

Trải một tấm đệm lên chỗ bạn thường ngồi và đặt một cái gối trên đó. Hãy ngồi trong thế kiết già hoặc bán già. Kiết già là trước để chân phải lên đùi trái và chân trái lên đùi phải. Trong bán già, bạn chỉ đặt chân trái lên đùi phải. Y áo và thắt lưng cần nới lỏng và xếp có trật tự. Rồi đặt tay phải lên chân trái và tay trái lên tay phải, ngửa lên và ngón tay cái chạm nhau. Ngồi thẳng như thế, không nghiêng hai bên hay trước sau. Hãy chắc rằng hai tai thẳng đứng với hai vai và mũi trên một đường thẳng đứng với rốn. Đặt lưỡi lên vòm miệng, môi răng ngậm lại. Mắt luôn luôn khép hờ, và thở nhẹ qua mũi.

 

“Tham thiền” là học thiền. Tham thiền thường để chỉ cuộc hỏi đáp riêng tư mặt đối mặt với một vị thầy. Nó còn được gọi là Nhật thất, vào phòng thầy để hỏi đáp về Pháp. Nhưng Đạo Nguyên cũng nói bản thân ngồi thiền là tham thiền. Điều này quan trọng! Bản thân ngồi thiền cũng quan trọng như những lời dạy riêng của một vị thầy. Trong từ tham thiền (sanzen), tham là đi sâu – bạn phải thực sự đi sâu vào chính bạn. Thực sự trở thành chính bạn là bình đẳng với mọi sự. Đó là tham thiền, và đó là ngồi thiền.

Một phòng yên tĩnh là thích hợp cho việc tham thiền.

 

Khi đã quen ngồi, âm thanh không quấy rầy chúng ta nhiều, nhưng nếu sự ngồi thiền đã vững vàng, tiếng động có thể quấy rầy chúng ta. Một âm thanh đều đều, đồng hồ tích tắc, thì ít quấy nhiễu nhưng nhạc hay tiếng nói thì làm xao lãng, vì chúng thay đổi luôn và làm lung lay sự chú ý. Tuy nhiên, dù một phòng yên tĩnh là tốt, nhưng hãy làm một cách tốt nhất dù bạn ở nơi đâu.

           Hãy ăn uống điều độ.

 

Điều độ là quan trọng. Và tốt hơn là tránh ngồi ngay sau khi ăn. Ít nhất một giờ sau hãy ngồi.

           Hãy để qua một bên mọi lo toan và ngừng dứt mọi việc.

 

Ngồi và nghĩ đến mọi thứ thì không phải là ngồi thiền, đó là giấc mộng ban ngày. Thế nên khi ngồi, hãy dẹp qua một bên mọi lo toan và mọi việc, chỉ cố gắng ngồi cho tốt.

 

Tôi hay nói “chỉ ngồi”, nhưng bạn có thể thấy hơi khó làm. Thế nên bạn có thể làm dần dần. Trước hết hãy cố gắng làm cho bạn trống không. Nếu bạn đang làm trên công án hay trên hơi thở, hay trọn vẹn đặt mình vào công án hay vào hơi thở. Hãy để việc ấy hoàn toàn xâm chiếm bạn.

 

Nếu bạn thực hành chỉ quản đả toạ, cái này thật là khó. Rất có thể bạn không “chỉ ngồi” mà “chỉ nghỉ”, “chỉ tưởng tượng” hay chỉ một cái gì khác. Thế nên để bỏ qua mọi thứ và thực sự chỉ ngồi, bạn phải cắt đứt sự bám níu vào những giác quan.

 

Khi nghe một âm thanh, thay vì ở ngoài nó rồi chống lại nó, hãy chỉ trở thành âm thanh đó. Bạn thực sự là âm thanh đó, nó sẽ không quấy nhiễu bạn nữa. Cái “tôi” nghe âm thanh trở thành một với âm thanh, để chỉ còn âm thanh. Đây gọi là tự làm trống không bạn.

 

Với một công án, tiến trình cũng như vậy. Thực sự đặt mình vào công án, rồi bạn sẽ quên mình đi. Đó là cái chúng ta gọi là “nhân không”, không có người hay chủ thể trống không. Nhưng còn pháp, còn đối tượng. Thế nên tiếp theo, hãy làm trống không cả nó nữa! Lại như trên, khi thực sự là như thế, bạn không ý thức “là như thế”. Đây là một trạng thái định: cả người và pháp đều không, chủ thể và đối tượng đều không. Đây gọi là cái chết lớn. Diễn tả cái chết lớn, Đạo Nguyên nói, “thân tâm rơi rụng mất”. Khi thân tâm tự nhiên biến mất, bạn vượt khỏi giới hạn của thức hữu hạn.

Chớ nghĩ tốt xấu. Chớ để ý đúng sai. Hãy ngừng mọi hoạt động tâm, mọi đánh giá.

           

Ngồi thì dẹp tư tưởng qua một bên. Điều này không phải là chúng ta từ chối giá trị của thức; Đạo Nguyên không yêu cầu chúng ta thành gạch đá. Không có tư tưởng nào, chúng ta vẫn có thể vận hành sáng tỏ, như một tấm gương. Tấm gương ở đó và chỉ phản chiếu cái gì trước nó. Khi vật biến mất, phản chiếu cũng thôi. Không một dấu vết còn lại, nhưng gương vẫn ở đó. Đây là trạng thái của tâm suốt cuộc ngồi thiền. Có khó đấy, nhưng hãy tự khuyến khích mình ngồi như vậy.

 

Tôi thường so sánh tâm với một cái ao. Khi nước trong lặng, mặt trăng tròn sáng hiện hình. Khi nước xao động vì gió, sóng nổi lên và làm méo mó hình phản chiếu. Gió những tư tưởng, ý kiến, ý niệm làm nổi sóng trong tâm.

 

Dù chúng ta không là gì khác hơn Phật tánh, không gì khác hơn vô, không gì khác hơn tâm, chúng ta cũng không thể nhận biết điều này vì tâm chúng ta có đủ loại sóng. Nhưng luôn luôn cái ao vẫn phản chiếu, và chúng ta là như vậy.

 

Chỉ khi yên bình chúng ta thấy được hình mặt trăng rõ ràng trên mặt ao. Bấy giờ chúng ta nhận biết mặt trăng thực sự là gì. Sự nhận biết này luôn luôn tức thời, thình lình không phải dần dần, thứ lớp. Nhưng một khi sự nhận biết này xảy tới, nếu chúng ta không tiếp tục ngồi, nó sẽ nhạt nhoà – trừ phi nó đã cực kỳ rõ ràng. Và khi chúng ta có loại sáng tỏ đó, bấy giờ chúng ta không thể thôi thực hành.

 

Thực hành như cách này, bạn sẽ chứng ngộ chân tánh, hay như Đạo Nguyên nói, “Khuôn mặt xưa nay của bạn sẽ biểu lộ”. Tiến trình này tự động xảy ra.

Chớ có ý định thành Phật…

 

Nếu có ước mong gì, ngay khi đó bạn đã tạo ra một kẽ nứt. Ngay đó có nhị nguyên. Thế nên khi ngồi thiền, bạn không cần hy vọng cái gì cả. Chỉ làm như vậy… “còn không luyến chấp cả việc ngồi yên”.

 

Một mặt, ngồi thiền không chỉ là ngồi yên. Mặt khác, bạn phải thực sự thực hành liên tục từ sáng đến tối. Bất cứ cái gì bạn làm phải là ngồi thiền. Loại thực hành vững chắc, đầy uy lực này không liên quan gì đến tư thế thân thể; đúng hơn nó là thực hành ngồi thiền trong mỗi hoạt động suốt cả ngày.

Đạo Nguyên nói tiếp:

           Hãy hít thở nhẹ nhàng qua lỗ mũi.

 

Một số vị thầy nhấn mạnh kỹ thuật thở, nhưng Đạo Nguyên chỉ nói: “Hãy hít thở nhẹ nhàng qua mũi”. Những người cảm thấy khó ngồi thiền, ráng sức thở sâu hay chậm, nên chỉ thở thôi, như Đạo Nguyên dạy. Cẩn thận điều thân mà không quá nhấn mạnh vào kỹ thuật thở, chúng ta có thể ngồi rất tốt.

 

Về mắt, chỉ nhìn xuống một điểm khoảng một thước trước mặt bạn. Hãy để tia nhìn qua đầu mũi, đến điểm trên sàn, cách khoảng một thước. Khi bạn giữ như vậy, mắt thường khép hờ. Nhưng nếu bạn đối diện với bức tường hay mí mắt bạn thõng xuống tự nhiên, bạn có thể nhắm mắt nhưng không hôn trầm hay xáo động.

 

Lưỡi đưa lên vòm miệng, để cho không khí trong miệng có ít chỗ thôi. Một ngậm lại, răng chạm nhẹ. Làm như thế, bạn tự nhiên giảm lượng nước miếng tiết ra.

 

Thân cần thẳng đứng, không nghiêng về phía nào. Ngồi thẳng, cân bằng. Nếu bạn ngồi với tư thế xấu, thân bạn sẽ đau. Nhưng ngồi lâu, tư thế tốt sẽ cho thân bạn thích ứng và bạn ngồi được dễ chịu hơn.

 

Dù Đạo Nguyên không đề cập tư thế của tay, việc này vẫn quan trọng. Hãy để bàn tay bạn nghĩ tự nhiên trên chân, hai cánh tay và bàn tay tạo thành một vòng tròn. Cẩn thận chớ đặt tay quá cao ở bụng dưới. Bắp thịt vai không nên dùng để đỡ tay mà phải được nghỉ tự nhiên. Đặt đầu ngón tay cái ngang khoảng mức rốn và nếu ngồi kiết già hay bán già, hãy để tay trên lòng bàn chân hay gót; nếu ngồi cách khác thì chỉ đặt tay lên đùi.

 

Hãy chú ý phần lưng dưới, bụng dưới, chỗ đùi giao nhau, bàn chân và bàn tay – tất cả những cái này cùng ở trong một vùng chung, và vùng này tạo thành trung tâm của thế ngồi. Mỗi chúng ta có cơ cấu xương thịt hơi khác nhau, nhưng chúng ta có thể chỉnh tư thế cho đúng. Thế nên hãy ngồi chắc chắn, mạnh mẽ – nhưng không căng thẳng. Ngồi chắc, mạnh đòi hỏi thân bạn không căng thẳng. Khi bạn thực sự ngồi mạnh mẽ, bạn giống như đang phát điên; nếu có ai chạm vào bạn, tia lửa điện sẽ xẹt ra!

 

Khi làm chỉ quản đả toạ, hãy ngồi như toàn thể đời sống bạn dựa vào đó, như bạn đang quyết tử đấu kiếm tay đôi. Bạn cần thư giãn về mặt thân thể, nhưng ở trong một trạng thái cảnh giác cao độ. Khi chúng ta ngồi, hai loại chướng ngại có thể xảy ra; tâm tán loạn và hôn trầm. Và cách để loại bỏ hai chướng ngại ấy khi ngồi là tập trung vào ngồi thiền như thể đi vào cuộc chiến đấu sống còn.

 

Khi bạn thực sự tập trung, nó bao gồm toàn bộ thân tâm bạn. Năng lực sanh ra do tập trung có thể giữ thân bạn ấm, dù trong mùa đông tuyết lạnh. Thế nên khi bạn ngồi, xin hãy chú ý tỉnh giác.

 

Một khi đã điều chỉnh thân, hãy hít vào và thở ra một hơi thở đầy. Lắc lư thân qua phải và qua trái rồi ngồi yên. Hãy nghĩ đến cái không suy nghĩ. Làm sao bạn nghĩ đến cái không suy nghĩ? Không suy nghĩ (vô niệm). Đây là nghệ thuật thiết cốt của ngồi thiền.

           

“Hãy nghĩ đến cái không suy nghĩ. Làm sao nghĩ đến cái không suy nghĩ? Không suy nghĩ”. Đạo Nguyên trích lời nổi tiếng của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm. Chúng ta có thể hiển nhiên cho nó có nghĩa là chúng ta cần thôi bám nắm những tư tưởng và chỉ ngồi. Trạng thái không bị quy định ấy là một trạng thái không tư tưởng. Thế thì cái gì là trạng thái không bị quy định? Chớ phát triển hay bám nắm vào bất kỳ tư tưởng nào.

 

Không bám giữ những ý tưởng, ý kiến, cảm xúc – mọi hình thức suy nghĩ – là rất quan trọng. Chính trạng thái không bị quy định, không trang hoàng thêm thắt đó của tâm là trạng thái không suy nghĩ, trạng thái vô niệm. Hãy ngồi trong trạng thái đó. Thậm chí chớ nghĩ đến chuyện thành Phật. Cố gắng thành Phật, giác ngộ là một chướng ngại.

 

Loại tiên kiến này là một chướng ngại. Bởi vì chúng ta đâu có biết giác ngộ là gì cho đến khi nào chúng ta kinh nghiệm trực tiếp. thế nên chúng ta nghĩ về giác ngộ thì đó chỉ là một ý tưởng, mà giác ngộ không phải là ý tưởng.Ngay khi chúng ta hình thành một ý tưởng, lúc đó có một cái hố mở ra. Bằng cách ngồi, chúng ta tự làm trống không khỏi cái ta và những cái của ta. Như thế tương quan chủ thể – đối tượng bị loại bỏ và bạn là một. Bản thân ngồi thiền biểu lộ thực tại tối hậu. Đó chỉ là chỉ quản đả toạ.

 

Xin hiểu rằng khi nói không suy nghĩ không phải là chối bỏ công dụng của tâm thức chúng ta. Thức vẫn vận hành sống động với những tư tưởng, ý niệm. Nhưng công dụng này bị giới hạn, bị quy định và nếu chúng ta không bỏ qua công dụng bị quy định này của thức – những tư tưởng, ý niệm sanh khởi – thì chúng ta chỉ thấy mình ở trong những tư tưởng, ý niệm ấy, và khi nào còn như vậy, chúng ta còn giới hạn mình lại.

 

Khi không thấy rõ điều này, chúng ta cứ tưởng những rắc rối có nguồn gốc ở ngoài chúng ta. Nhưng không phải vậy: nếu có khó khăn rắc rối nào, đó là do chúng ta tự làm ra.

 

Luôn luôn là như vậy. Trong một nghĩa hẹp, nó như vậy và trong nghĩa rộng nó cũng như vậy. Nhưng đôi khi khó hiểu việc đó. Chẳng hạn, nếu căn nhà trong chung cư cạnh cửa chúng ta bắt lửa, thì cả chung cư cũng cháy. Chúng ta có thể trách những người khác, nhưng nếu nhìn sự việc trong một bối cảnh rộng hơn, họ cũng là một phần của chúng ta. Cuối cùng, không có ai hết để trách móc.

 

Khi chúng ta thực sự thấy bản tánh của tự ngã, bấy giờ “của tôi” thì đồng với “của anh” và “của họ” và thậm chí “của nó” ( ‘nó’ chỉ sinh vật và đồ vật). Đó là trạng thái không suy nghĩ. Thế thì, khi chúng ta rõ ràng về chính mình, bấy giờ hãy chỉ là như chúng ta là – và rồi hiện thể của bạn trở thành một cái gì tuyệt đối.

 

Ngồi thiền tôi nói đây không phải là học thiền định. Nó đơn giản chỉ là pháp môn của nghĩ ngơi và an lạc, sự chứng ngộ ngay khi thực hành của giác ngộ vô thượng. Nó là sự biểu lộ của thực tại tối hậu.

 

Từ được dùng ở đây là thực hành – chứng ngộ. Thực hành chính là bản thân chứng ngộ. Chúng ta đang thực hành chứng ngộ hay chứng ngộ sự thực hành của chúng ta. Đó là ngồi thiền.

 

Đây là có niềm tin sâu xa vào sự kiện bạn không là gì khác hơn Tam bảo. Và có niềm tinh ấy, rồi hãy ngồi, làm việc, tham cứu. Thế thì bất cứ điều gì bạn làm không là gì khác hơn Phật sự, diễn nói và biểu lộ Pháp. Có cái gì để phiền trách? Có cái gì để thất vọng? Có cái gì để bực mình? “Sự chứng ngộ ngay khi thực hành của giác ngộ vô thượng” là sự biểu lộ của thực tại tuyệt đối. Đó là ngồi thiền; đó là chính bạn. Ngồi thiền của bạn và một cái toàn thể, và khi như vậy bạn cùng trở thành tối hậu và tuyệt đối.

           

Những vướng mắc, hầm bẫy không bao giờ có ở chỗ này. Một khi nắm được tâm yếu, bạn giống như con rồng vào nước, con cọp vào rừng. Bạn phải biết rằng chỉ ngồi đó thì chánh pháp tự biểu lộ và ngay từ đầu, hôn trầm và phóng dật đã bị dẹp bỏ.

           

Những ý tưởng của chúng ta là những vướng mắc, những hầm bẫy và trạng thái mà những vướng mắc, hầm bẫy không bao giờ chạm đến được. Chúng ta tự mắc bẫy của mình với những ý tưởng định kiến của chúng ta.

 

Bất kể bạn có một vị thầy tốt như thế nào hay bạn có những ý tưởng hay ở đâu, nếu bạn bám vào, bạn bèn mắc bẫy! Những nhà sư theo Phật đã biết điều này: Mở đầu kinh Pháp Hoa, khi Đức Phật khai diễn kinh trên núi Griddrakuta, năm trăm nhà sự đã đứng dậy bỏ đi.

 

Khi bạn ngồi, đứng lên, hãy chuyển động nhẹ nhàng và yên lặng, bình an và tỉnh giác. Chớ đứng lên đột ngột. Khi xem lại quá khứ, chúng ta thấy rằng sự siêu việt khỏi mê và ngộ, và cả sự chết khi đang ngồi hoặc đang đứng, tất cả đều hoàn toàn nương dựa vào sức mạnh của ngồi thiền.

           

Bây giờ việc này xảy ra, bạn sẽ ngạc nhiên chúng ta có thể huấn luyện mình như thế nào. Tam tổ Tăng Xán đứng mà chết. Nhiều nhà sư ngồi mà chết. Thậm chí một số ngồi trong lửa khi chết. Chúng ta có câu, “Giải thoát tâm, thâm chi lửa trở thành mát”. Đó là một câu thơ một nhà sư đã làm ngay trước khi thiêu.

 

Lão sư Morita Goryu, trụ trì chùa Vĩnh Bình (Eihei-ji) năm hoặc sáu thế hệ trước, có một khối u cần cắt khỏi cổ và yêu cầu không dùng thuốc tê, Bác sĩ ngạc nhiên, nhưng lão sư Morita không cử động hay kêu lên khi mổ. Chúng ta có thể tự huấn luyện rất nhiều. Ở đây Đạo Nguyên nói, “Chết khi đang ngồi hoặc đang đứng, tất cả đều hoàn toàn nương dựa vào sức mạnh của ngồi thiền”. Ngài đang nói về định lực.

 

Thêm nữa, việc làm cho ngộ xãy ra nhờ một ngón tay, một cờ phướn, một mũi kim hay một cái vồ, và ngộ với sự giúp đỡ của một tiếng hét, một nắm tay, một cây gậy thì người suy nghĩ phân biệt không hiểu được. Nó phải vượt khỏi thấy và nghe của con người – nó chẳng phải là một nguyên lý có trước kiến thức và tri giác của con người sao?

           

Đây là chỗ kẹt của chúng ta. Chúng ta cố gắng hiểu giác ngộ bằng tâm phân biệt của chúng ta; nhưng tư tưởng phân biệt, suy diễn chính là cái trói buộc chúng ta. Câu hỏi thực sự là làm sao vượt qua, làm sao siêu việt sự phân hai này. Nhưng tất cả chúng ta đều phải bắt đầu với tâm phân biệt ấy.

 

Tất cả chúng ta đều muốn giải thoát, tự do và an lạc. Nhưng điều đó chưa đủ. Đó chỉ là tinh thần Thanh Văn, tinh thần chỉ muốn giải thoát cho mình. Dĩ nhiên, tinh thần Thanh văn cũng có thể giải thích cách khác, nhưng đó là một cách giải thích. Nhưng Bồ-tát lại là cái gì khác. Đó là chăm lo cho những người khác hơn cho mình. Bắt đầu bằng chúng ta đều là một, bất kể chúng thấu hiểu điều đó đầy đủ thế nào, thì nó cũng tiến triển tốt đẹp. Nghĩ đến những người khác trước tiên, chúng ta làm cái gì cho họ; rồi cách này hay cách khác, sớm hay muộn việc đó sẽ làm lợi lạc cho chúng ta. Đạo Nguyên nói rằng chỉ có người ngu mới nghĩ rằng lo cho những người khác là hao tổn chính mình. Không phải như vậy. Làm lợi lạc cho những người khác và cho mình đều là một việc.

 

Tôi thực sự khuyên bạn có ước vọng mạnh mẽ, bao trùm và những lời nguyện hoàn thành Phật đạo cùng với tất cả chúng sanh. Rồi với ước vọng sâu thẳm đó, chúng ta khuyến khích sự thực hành của chúng ta. Chúng ta chỉ tiếp tục, và những kinh nghiệm ngộ sâu xa sẽ xảy ra cách này hay cách khác. Ở đây Đạo Nguyên kể ra một số thí dụ:

 

“Việc làm cho ngộ xảy ra nhờ một ngón tay”. Đây là chuyện “Ngón tay của Câu Chi” trong Vô Môn quan và cũng trong Bích Nham lục. Câu Chi được hỏi điều gì, ngài chỉ đưa lên một ngón tay. Khi sắp chết, ngài nói với các đệ tử, “Ta được một ngón tay Thiền từ Thầy Thiên Long, và ta dùng nó suốt đời không hết”. Rồi đưa một ngón tay lên, ngài chết.

 

Một thí dụ ngài Đạo Nguyên nêu ở đây đều là những trường hợp ngộ nổi tiếng: A-nan và cây phướn trước chùa; “bước thêm một bước ở đầu cây sào trăm trượng” của Thạch Sương; mũi kim của Kanadeva”(K.150-250s. TL- người Nam Ấn. Tổ thứ 15của Thiền tông Ấn Độ); cái vồ của Văn-thù; tiếng hét của Mã Tổ; cây gậy của Đức Sơn. Tất cả đều là những trường hợp của chư Bồ-tát và chư Tổ đạt ngộ khi tiếp xúc với những sự việc. Trong những trường hợp này không có chỗ cho sự phân hai, không có chỗ cho suy nghĩ. Bạn chỉ hét lên, “AAAHH”. Thế là đủ. Cái toàn thể này, cái tuyệt đối này, đó là cái bạn cần đích thân thể nghiệm lấy. Thế nào? Lại là cùng một nguyên lý quên chính mình đi, thực sự trờ thành một hiện hữu toàn thể.

 

“Thật vậy, người có thần thông cũng chẳng hiểu được”. Một số người say mê thần thông. Tôi đã nghe ngày nay vẫn có ít người sở đắc những năng lực siêu nhiên. Bằng cách tăng cường định lực, bạn có thể huấn luyện mình theo con đường đó nếu bạn muốn. Nhưng vấn đề là sự sở đắc thần thông không cho chúng ta trí huệ khiến chúng ta tự giải thoát mình và những người khác khỏi sự trói buộc của sanh tử. Câu kệ chúng ta tụng mỗi tối nói, “Sanh tử sự đại”. Quan tâm đến việc sống và chết của chúng ta, đó là mục tiêu thực hành.

Với ngộ thì thông minh hay kém thông minh chẳng là vấn đề gì, trí bén hay trí lụt không có phân biệt.

           

Bất kể thông minh hay chậm lụt, nữ hay nam, chúng ta có cùng cơ hội, có cùng may mắn để tự thực hiện, và việc ấy hoàn toàn do mỗi chúng ta. Chẳng có gì phân biệt ở đây hết.

Nếu bạn tập trung nỗ lực một cách chuyên nhất, tự thân việc này là thương lượng với Đạo. Hành và chứng là một và vốn vô nhiễm.

           

Cái làm ô nhiễm là những ý tưởng quy ngã, chấp ta. Khi tới lúc, chúng ta thức dậy; khi tới lúc, chúng ta ăn. Mọi sự bình thản trôi đi; đó là cái dụng của trí huệ. Cái gì xuất hiện mỗi ngày, chúng ta chỉ tuỳ thuận với nó.

 

Bấy giờ “hành – chứng là một và tự nhiên vô nhiễm”. “Tiến tới trong thực hành là một vấn đề của sự bình thường”, đây là một trong những câu quan trọng nhất của Phỗ khuyến toạ thiền nghi. Tiến tới bất kể chúng ta thành tựu nhiều bao nhiêu, đó vẫn là bình thường. Đó vẫn là chuyện hằng ngày. Từ bình thường có liên hệ từ nguyên với tính trật tự, và tính trật tự thì cực kỳ quan trọng. Trật tự của tâm, trật tự của thân, trật tự của đời sống hàng ngày, trật tự của môi trường chung quanh, trật tự của những nhóm, trật tự của xã hội, đất nước, thậm chí của mặt trăng – mọi thứ. Bất kể chúng ta đi xa bao nhiêu, chúng ta chỉ là cái chúng ta là. Thế nên chúng ta không cần phải mất đầu, hay đặt thêm một cái đầu khác lên đầu chúng ta. Chúng ta chỉ cần bình thường. Nếu chúng ta có thể sống mỗi ngày như thế, thì không có vấn đề gì cả. Bấy giờ thực hành – chứng ngộ tự nhiên không nhiễm ô.

           

Nói chung thế giới này và những thế giới khác đều tốt, cả cõi Tây phương và cõi Đông phương đều nắm giữ ấn Phật và sự ưu việt của tông phái này được phổ biến, tất cả chỉ là hiến mình cho việc ngồi thiền, dấn thân toàn bộ vào việc ngồi yên. Dù có nói rằng có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu tâm thức khác biệt, thì tất cả họ đều phải tiếp xúc với Đạo chỉ trong toạ thiền. Tại sao lại bỏ chỗ ngồi trong nhà bạn để lang thang vô ích đến những nơi bụi bặm của những xứ khác? Nếu bạn bước lầm một bước, bạn bèn lạc khỏi Đạo mà nó vốn ở ngay trước mắt bạn.

          

 Ở đây Đạo Nguyên lại nhấn mạnh việc ngồi thiền. “Thế giới này” là nơi đức Thích-ca ở, cõi Tây phương là của đức A-di-đà, cõi Đông phương là của đức Dược Sư. Mỗi cõi có những vị Phật khác nhau. Hàng ngàn vị Phật đang tại thế, chăm sóc cho chúng ta và mọi sự. Chúng ta liên hệ với các ngài như thế nào?

 

Ấn Phật là gì? Đó là hiểu đời sống chúng ta là tỉnh giác và trí huệ. Mọi sự tuỳ thuộc vào sự tận tay của chúng ta dành cho thiền.

 

Nếu tất cả chúng ta ngồi như thế, đạt ngộ sẽ đơn giản như ăn ba bữa mỗi ngày. Nhưng vì chúng ta không ngồi như thế, việc ấy không dễ xảy ra. Thế nên ít ra khi ngồi, chúng ta cố gắng thực sự ngồi cho tốt, như núi bất động.

Dù có nói rằng có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu tâm thức khác biệt, thì tất cả họ đều phải tiếp xúc với Đạo chỉ trong ngồi thiền.

 

Dù mỗi chúng ta là khác biệt, chúng ta đều cần thực hành, thâm nhập vào ngồi thiền và thấy đạo.

Tại sao lại bỏ chỗ ngồi trong nhà bạn để lang thang vô ích đến những nơi bụi bặm xứ khác?

 

Khi đọc dòng này, chúng ta nghĩ rằng Đạo Nguyên đang nói về đi xa để thực hành. Nhưng có ý nghĩ khác. Đôi khi những đối tượng của những giác quan của chúng ta được gọi là “sáu bụi bặm” (sáu trần). Khi chúng ta bị quy định bới cái chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, nghĩ và cảm nhận, đó là bụi. Thế nên thay vì ở trong trạng thái bị điều kiện hoá, chúng ta phải chỉnh đốn lại.

 

Chỗ ngồi của Đạo Nguyên đề cập ở đây là toà kim cương, nơi Đức Phật ngồi. Đó là sự ngồi thiền của chúng ta. Chính cái toạ cụ chúng ta ngồi là toà kim cương, chỗ của Phật. Thế thì chúng ta khỏi cần đi đâu cả. Chỗ ngồi của Như Lai luôn luôn ở chính ngay đây và chính lúc này.

Nếu bạn bước lầm một bước, bạn bèn lạc khỏi cái vốn ở ngay trước mắt bạn.

           

Có một câu chuyện trong kinh Pháp hoa, về chàng thanh niên nghèo khổ là đứa con đã bị lạc lâu ngày của một ông trưởng giả giàu có. Lang thang cả đời, nghĩ mình là một gã ăn xin, cuối cùng anh đến trước nhà cha mình. Cha anh nhận ra anh ngay tức khắc, nhưng chỉ khi người con trở nên thoải mái trong nhà cha thì cha anh mới tuyên bố anh là con và để lại tài sản cho anh. Cũng vậy, chúng ta lầm tin mình là nghèo khó vĩnh viễn, và sự thực hành của chúng ta là trở về nhà và biết chúng ta thực sự là ai.

 

Bạn đã có may mắn tiên quyết là được làm người. Chớ phí thời gian cho những chuyện không đâu. Bạn đang duy trì công việc thiết cốt của Phật đạo. Ai lại thích thú một cách lãng phí với những tia li ti từ viên đá lửa? Ngoài ra, sắc và chất thì giống như sương trên cổ, mạng số thì như tia chớp – trống không trong phút chốc, tan biến trong một chớp sáng.

           

Được sanh làm người thì quý giá và hiếm có biết bao nhiêu! Là người, chúng ta có thể là Phật.

 

Đoạn kết của kinh Kim cương nói, “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, ảnh; như sương như tia chớp – hãy thấy chúng như vậy”. Một đời người, từ bảy mươi đến một trăm năm, so với thời gian vô cùng, thì rất ngắn. Thời gian để chúng ta thực hành thì rất giới hạn. Thế nên thời gian chúng ta có ngay bây giờ là thực sự quý giá. Chúng ta phải suy nghĩ về chính chúng ta, làm sao chúng ta có một thực hành mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn. Và không chỉ làm cho chính mình hạnh phúc và hài lòng, mà hãy chia sẻ cái hiểu, sự tự do và an lạc với người khác.

 

Những người học Thiền đáng kính, đã lâu mò mẫm con voi là gì, xin chớ nghi ngờ về con rồng đích thực. Hãy cống hiến tất cả năng lực của mình cho một con đường chỉ ra một cách trực tiếp cái tuyệt đối. Hãy tôn kính người đạt đạo, họ thì vượt khỏi thói thường. Hãy hài hoà với giác ngộ của chư Phật; nối tiếp dòng chánh định của chư Tổ. Hãy thực hiện thường trực theo cách đó và bạn chắc chắn là một người trong các vị. Kho tàng của bạn sẽ tự nó mở ra, và bạn sẽ dùng tuỳ thích.

           

Trong đoạn chót này, Đạo Nguyên tóm lại ngồi thiền là gì và nó giúp được gì cho chúng ta. Ở đây có câu chuyện ngụ ngôn những người mù sờ voi. Mỗi người sờ một chỗ và nói con voi giống cái này cái nọ. Mỗi người bị giới hạn và chấp lấy trí giác giới hạn của mình, rồi lọt vào kết luận sai lầm.

 

Chúng ta có những ý tưởng, hiểu biết và quan niệm khuôn theo cái ta, và chúng ta dính cứng vào chúng để phán đoán, đo lường đến độ không thể chấp nhận cái gì khác. Một cái chứa đựng lớn hơn có thể chứa đựng nhiều hơn, nhưng sự thực hành của chúng ta thì không có đáy. Chúng ta làm được điều đó bằng cách quên tự ngã. Học Phật đạo, trao truyền chánh định của chư Tổ, chúng ta thành không có đáy.

 

“Chớ nghi ngờ về con rồng đích thực”. Con rồng thật tượng trưng cho tự do. Chúng ta bị trói buộc bởi bất kỳ cái gì chúng ta bám chấp, thậm chí cả giác ngộ. Chúng ta có thể bị trói buộc bởi ngộ, giải thoát, ngay cả an lạc, khi đó chúng ta không có ngộ, giải thoát hay an lạc. Tương tự, như những ngưòi mù, chúng ta chấp chặt vào những tri giác hạn cuộc của chúng ta về con voi, về thực tại, và chúng ta mất con rồng thật, đó là đời sống đích thật.

 

Có một câu chuyện về “con rồng thật”. Có một người tên là Shoko rất mê rồng. Phòng anh ta treo đầy những bức tranh rồng. Thế rồi có một con rồng thật trên trời rất cảm kích bởi tình yêu rồng của Shoko. Nó muốn đến thăm anh và cho anh thấy rồng thật là gì. Một đêm, nó đến thăm anh và thò đầu vào một cánh cửa sổ và đuôi vào một cánh cửa sổ khác. Shoko quá sốc, anh ngất xỉu.

Đã lâu quen với những bắt chước, chớ nghi ngờ cái gì là thật. Hãy cống hiến tất cả năng lực của mình cho con đường trực tiếp chỉ ra thực tại.

           Đó là ngồi thiền. Đó là cái chúng ta đang làm.

Hãy tôn kính người không còn học và giải thoát khỏi hành động.

           

Không học, đó là giải thoát. “Giải thoát khỏi hành động” nghĩa là không làm. Không làm cái gì cả dù làm mọi sự, làm cái gì cần thiết nhưng không làm nó. Nói cách khác, hoàn toàn đắm mình vào sự việc nào bạn đang làm.

 

Đạo Nguyên nói khi bạn gặp người diễn bày Pháp, chớ nghĩ về giai cấp của họ, chớ nghĩ đến bề ngoài của họ, chớ nghĩ đến hạnh kiểm của họ mà chỉ tôn kính trí huệ Bát-nhã, mỗi ngày, hãy lễ lạy người ấy ba cái, ba lần như vậy mỗi ngày. Chớ khởi lên trong bạn những thất vọng, những rối rắm hay xao động. Hãy làm bạn trống không và không bị điều kiện hoá càng nhiều càng tốt; hãy lắng nghe cẩn thận.

Hãy hài hoà với sự giác ngộ của chư Phật.

           

Có lẽ tốt hơn “hãy hài hoà”, chúng ta nên nói “hãy trở thành một”. Thành một với giác ngộ cả chư Phật, chính chúng ta thành Phật. “Hãy nối tiếp dòng chánh định của chư Tổ”. Hãy ngồi thực sự và tự trở thành “ngồi thiền”. Nhưng không phải bạn đang làm việc ngồi thiền, mà ngồi thiền làm việc ngồi thiền. Đó là chánh định. Và khi bạn vào chánh định, ngay đó dòng chư Tổ được biểu lộ, được nối tiếp.

Hãy thực hiện thường trực theo cách đó và bạn chắc chắn là một người trong các vị.

           

“Theo cách đó” có thể đọc là “bởi vì nó là cái như vậy này”. “Bởi vì nó đã là như vậy, hãy chỉ làm nó theo cách như vậy, hay hãy chỉ như vậy”. Và khi chúng ta thực sự làm điều đó, kho tàng tự động mở ra và bạn sẽ dùng tuỳ thích. Đó không phải là cái gì xảy ra trong tương lai, mà nó luôn luôn ở ngay dây, ngay lúc này.

Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kho tàng đó.

SHARE:

Để lại một bình luận