Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

1. Các Đức Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều phải tu hành Bồ-tát đạo để thành Phật. Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh tròn đủ. Phật là lưỡng túc tôn: đầy đủ Trí huệ và Công đức. Trí huệ thấu đạt Tánh Không và công đức trong việc cứu độ. Trí huệ do tu Bát-nhã mà thành tựu. Phước đức của Phật chẳng phải là phước đức ràng buộc trong tam giới mà là công đức vô lậu. Phước đức đó chỉ có trong việc hóa độ chúng sanh đồng thời lìa ngoài bốn tướng, như kinh Kim Cang nói, nghĩa là phước đức ấy chỉ thành công đức không thể đo đếm qua Bát-nhã Ba-la-mật.

Cho nên nhờ Bát-nhã mà thành tựu Trí Huệ Giác Ngộ, cũng nhờ Bát-nhã mà có công đức vô lậu của một vị Phật, thành tựu Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn. Bởi thế, Bát-nhã là Mẹ sinh ra các Đức Phật. Không có Bát-nhã Ba-la-mật thì chỉ có A-la-hán mà không có Bồ-tát. Không có Bồ-tát đạo thì cũng không có chư Phật.

Ba đời chư Phật đều y vào Bát-nhã Ba-la-mật, chúng ta phải lấy Bát-nhã làm mạng sống của mình. Trong Đại Bát-nhã, phẩm Thường Đề, kể lại sự tích Bồ-tát Thường Đề cầu kinh Bát-nhã như thế nào, hy sinh máu thịt để có Bát-nhã như thế nào. Đó là bài học cho chúng ta để tu hành Bát-nhã.

2. Để hiểu sự “Y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa“, chúng ta học một đoạn kinh Duy-ma-cật:
“Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi ngài Duy-ma-cật: Bồ-tát muốn nương dựa vào lực công đức của Như Lai phải trụ chỗ nào?
Đáp: Phải trụ vào chỗ độ tất cả chúng sanh
Hỏi: Muốn giải thoát chúng sanh, phải làm gì?
Đáp: Phải trừ phiền não cho họ. …(từ phiền não dẫn đến thân tướng) …
Hỏi: Thân tướng lấy gì làm gốc?
Đáp: Tham dục làm gốc
Hỏi: Tham dục lấy gì làm gốc?
Đáp: Phân biệt hư vọng làm gốc.
Hỏi: Phân biệt hư vọng lấy gì làm gốc?
Đáp: Tưởng điên đảo làm gốc.
Hỏi: Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?
Đáp: Không trụ làm gốc
Hỏi: Không trụ lấy gì làm gốc?
Đáp: Không trụ thì không gốc.
Lại nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc không trụ lập tất cả các pháp.”

Y vào Bát-nhã Ba-la-mật như thế là không y vào đâu cả, không trụ vào đâu cả, vì tất cả rốt ráo vốn không trụ không gốc.

Y vào Bát-nhã Ba-la-mật là y vào Tự Tánh Không, niệm niệm chẳng lìa tự tánh Không này. Lục Tổ Huệ Năng nói:

“Giới Định Huệ của ta dùng cho người căn trí lớn. Ngộ tự tánh thì cũng chẳng lập ra Bồ-đề Niết-bàn và cũng chẳng lập ra giải thoát tri kiến. Không một pháp khá đắc mới hay kiến lập muôn pháp. Rõ được nghĩa này cũng gọi là Bồ-đề, Niết-bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. Hễ người thấy tánh, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngăn không trệ, gặp việc bèn làm, gặp hỏi bèn đáp, hiện khắp Hóa thân, chẳng lìa tự tánh tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh.

Tự tánh mình vốn không quấy, không mê, không loạn. Niệm niệm trí Bát-nhã thường soi, hằng lìa tướng các pháp, tự do tự tại, dọc ngang đều được cả thì có cái gì để lập. Tánh mình tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, cũng không theo từng thứ lớp vậy nên chẳng lập tất cả các pháp. Các pháp vốn vẫn tịch diệt, nào có thứ lớp gì!”

Y vào Bát-nhã Ba-la-mật là y vào tánh Giác, mà tánh Giác theo kinh Viên Giác chỉ dạy là:

“Thiện nam tử! Vì thấu đạt tánh Giác nên biết rằng Bồ-tát không bị pháp trói buộc, không cầu pháp giải thoát, chẳng chán sợ sanh tử, chẳng yêu mến Niết-bàn, chẳng kính người giữ giới, chẳng ghét người phá giới, chẳng trọng người học lâu, chẳng khinh người mới học. Tại sao thế? Vì tất cả đều là giác. Ví như con mắt sáng, soi rõ cảnh trước mắt, ánh sáng đó tròn đầy, không có yêu có ghét. Vì sao thế? Vì thể sáng không hai nên không có yêu ghét.

Thiện nam tử! Các Bồ-tát trong hội này và chúng sanh thời mạt pháp tu hành tâm này được thanh tịnh rồi, ở trong chỗ vô tu này cũng không có sự thành tựu. Viên giác chiếu khắp, tịch diệt không hai, trong đó trăm ngàn vạn ức bất khả thuyết hằng hà sa thế giới chư Phật như hoa đốm giữa hư không, lăng xăng khởi diệt, chẳng tức chẳng lìa, không trói buộc, không giải thoát. Mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử Niết-bàn đều như giấc mộng đêm qua.

Thiện nam tử! Vì như giấc mộng đêm qua, nên biết rằng sanh tử và Niết-bàn không khởi, không diệt, không đi, không đến. Chỗ sở chứng kia không được, không mất, không lấy không bỏ, chỗ năng chứng kia không tạo tác, không ngừng dứt, không bỏ mặc, không diệt mất. Trong cái giác này không năng không sở, rốt ráo không chứng cũng không cả không chứng. Tánh tất cả pháp bình đẳng chẳng hoại.

Thiện nam tử! Các Bồ-tát tu hành như thế, lần lượt như thế, tư duy như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, không chút mê muội.”

3. Thiền sư Vạn Hạnh, sau khi làm bài kệ thị tịch, nói với các đệ tử rằng: “Các con muốn ta đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ.”

Đệ tử Đa Bảo của Đại sư Khuông Việt một hôm hỏi ngài: “Thế nào là chung thủy của sự học đạo?”
Thiền sư đáp: “Thủy chung không vật, diệu hư không. Thấu rõ chân như, thể tự đồng.”
Đa Bảo hỏi tiếp: “Làm sao bảo nhậm (giữ gìn)?”
Thiền sư đáp: “Không có chỗ cho ngươi ra tay.”
Đa Bảo nói: “Hòa thượng nói rõ vậy rồi”
Thiền sư hỏi lại: “Ngươi hiểu cái gì?”
Đa Bảo liền hét.

Có một vị tăng hỏi Lục Tổ Huệ Năng: “Ý chỉ của Đại sư Hoàng Mai (Ngũ Tổ), thiệt người nào được?”
Tổ nói: “Người hội (hiểu) Phật pháp được.”
Tăng nói: “Thưa Hòa thượng, ngài được chăng?”
Tổ nói: “Ta chẳng hội Phật pháp.”

Đời Đường thời Hội Xương, Phật giáo bị triều đình áp bức, có một Hòa thượng ẩn tu tên là Thiện Đạo. Hòa thượng thường lấy cây gậy chỉ chúng mà nói: “Chư Phật quá khứ cũng thế ấy, chư Phật vị lai cũng thế ấy, chư Phật hiện tại cũng thế ấy.”

4. Người thấy được Tánh Không và an trụ trong Tánh Không là thấy được “bản chất” Không của tâm thân mình và “bản chất” Không của tất cả thế giới và an trụ trong bản chất Không đồng nhất tất cả. Như thế người ấy là một với Tánh Không của tất cả. Nói thế nghĩa là người ấy là một với tất cả đồng thời xa lìa tất cả. Người ấy là một với tất cả thế giới hiện tượng, từ hiện tượng vi tế như tư tưởng, phiền não tham sân si – khởi lên nơi mình hay nơi tất cả những người khác – cho đến những hiện tượng thô hơn như cái nhà, con chim, cái cây, núi sông, đất đai, bầu trời, vũ trụ … nhưng đồng thời người ấy chẳng dính dáng gì đến tất cả những cái ấy, hoàn toàn xa lìa. Như mình là tánh nước thì mình là tất cả những làn sóng có thể có trên mặt đại dương nhưng đồng thời mình hoàn toàn chẳng dính dáng gì với chúng cả. Sự hiện hữu hay biến mất, đặc tính thế này thế nọ của những làn sóng theo duyên sanh hoàn toàn chẳng ăn nhằm gì đến tánh nước của đại dương cả. Như khi đã là một mặt gương vô hạn, mọi hình bóng có được đều là mình, nhưng những hình bóng đó hoàn tòan không dính dáng gì đến mình với tư cách là mặt gương cả.

Đó là một phần nào của ý nghĩa Quán Tự Tại mà có thể dịch là Thấy cái Tự Tại, hay Tự Tại trong cái Thấy. Thấy Tánh Không, an trụ (hay sống) trong Tánh Không đến mức độ nhuần nhuyễn, không còn cái gì sót lại ở ngoài Tánh Không, đó là con đường của “Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

SHARE:

Để lại một bình luận