TÂM ẤN: Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên

SHARE:


THỰC TẠI THIỀN, Những Bước Chân Trong Rừng Thiền Việt Nam
Đương Đạo, Thiện Tri Thức

1. TRANG ĐẦU
2. TÂM ẤN CHƯ PHẬT
3. TÂM ẤN: Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên
4. GIẢI THOÁT SANH TỬ
5. THỰC TẠI TRƯỚC MẮT
6. HIỆN TẠI VĨNH CỬU
7. CÁI CHÍNH MÌNH: Bốn Mắt Nhìn Nhau
8. HÀNH ĐỘNG: Từ Tự Do Đến Tự Do
9. NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG
10. CON ĐƯỜNG CỦA SỰ RÕ TÂM
11. TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI
12. LỜI KẾT
13. NHỮNG SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN CỦA THIỆN TRI THỨC

  Tâm Ấn: Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên

Khoảng 300 năm sau Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền sư Vô Ngôn Thông người Việt Nam đắc pháp với Tổ Bách Trượng ở Trung Hoa và lập ra dòng Thiền thứ hai của Việt Nam. Ngài nói với đệ tử Cảm Thành, thế hệ thứ nhất dòng Thiền Vô Ngôn Thông rằng :

“Xưa đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, duyên giáo hóa xong, ngài vào Niết bàn. Chân tâm vi diệu này gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng, tam muội pháp môn, tự ngài trao truyền cho đệ tử là tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm sơ tổ, đời đời truyền nhau, đến tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang, trải bao nguy hiểm, để truyền pháp này cho đến Lục tổ Tào Khê, đắc pháp nơi Ngũ tổ. Khi Tổ Đạt Ma mới đến, vì người đời chưa tin, nên lấy việc truyền y để làm rõ việc đắc pháp. Nay đức tin đã chín muồi, thì y bát là đầu mối của tranh chấp. Ngũ tổ dặn : “Phải dừng lại ở nơi ông, không nên truyền nữa.” Từ đó lấy tâm truyền tâm, không truyền y bát…

 

Ta nhờ ở Bách Trượng mà đắc tâm pháp đó. Đã lâu nghe phương này, hâm mộ Đại thừa cũng nhiều, nên ta về Nam để tìm thiện tri thức. Nay gặp được ngươi, ấy bởi duyên xưa. Hãy lắng nghe ta nói kệ :

Các nơi đồn đãi
Dối tự rao truyền
Rằng thủy tổ ta
Gốc từ Tây thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Gọi đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên
Ngầm hợp lời mật
Muôn ngàn có duyên
Đều gọi tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây thiên cõi này
Cõi này Tây thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên (núi sông)
Chạm, tô thành trệ
Phật, Tổ thành oan
Sai nó mảy may
Mất nó trăm ngàn
Ngươi khéo quan sát
Chớ lừa cháu con
Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn.

Nghe xong lời đó, Sư (Cảm Thành) liền lãnh ngộ.
Có vị tăng đến hỏi Sư : Thế nào là Phật ?
Sư đáp : Khắp tất cả chỗ.
Lại hỏi : Thế nào là Phật tâm ?
Sư đáp : Chẳng từng che dấu.
Lại hỏi : Người học không hiểu.
Sư nói : Lầm qua rồi vậy.”

 

Những người ‘có duyên’ với nó, nghĩa là đã tiếp xúc, đã tương ưng với nó ‘đều gọi’ đó là ‘tâm tông’. Tâm tông là gì ? Tâm ở đây là bản tánh của tâm, thực tại tối hậu nơi mỗi chúng ta, và khi chúng ta kinh nghiệm được Tâm này thì tất cả vũ trụ đều là Tâm. Thí như tất cả vũ trụ làm bằng cùng một chất là vàng, thế thì khi chúng ta thể nghiệm được chất vàng đồng nhất trong tất cả này, chúng ta thấy toàn thể thế giới là vàng ròng. Không còn sự phân biệt ta người, đây kia, tốt xấu, thích ghét… do đó mà không còn phiền não, do đó mà an vui. Chúng ta là vàng, nghĩa là chúng ta là tất cả, và vàng đó ‘khắp tất cả chỗ’ nên vàng không hạn cuộc vào một chỗ nào, không vì một chỗ nào, một hiện tượng nào sanh diệt mà vàng sanh diệt theo, do đó mà giải thoát. Vàng là tất cả, nhưng vàng không riêng là một vật gì cả.

Thực tại đó thì ‘thanh tịnh bản nhiên’, nghĩa là nó chưa từng bị ô nhiễm bởi những phiền não của chúng ta, chưa từng bị ô nhiễm bởi thế giới tạo thành bằng không gian hạn hẹp, chia cắt và thời gian một chiều bó buộc của chúng ta. Nó vẫn hằng hằng như vậy và bởi vì hằng hằng thanh tịnh như vậy, nó luôn luôn mới mẻ, trẻ trung, sung mãn. (Chỉ những cái gì nhiễm ô, đóng khung chết cứng trong tâm, những cái ấy mới nằm trong phạm trù cũ.) Khi chứng ngộ được thực tại đó, chúng ta mới thấy mình chưa từng nhiễm ô, chưa từng có một tư tưởng nào sanh khởi và lưu lại, chưa từng có một ngày bì bõm trong sanh tử, hay nói theo kinh Viên Giác, “mới hay sanh tử Niết bàn chỉ là giấc mộng hôm qua”.

Đứng trong thực tại, nghĩa là ở trong cái ‘thanh tịnh bản nhiên’ này, trong ‘chánh pháp nhãn tạng’ này, mới thấy những sự đến đi, những sự truyền vào, nối tiếp hay đứt đoạn, những sự kiện lịch sử ‘gốc tự Tây thiên, truyền pháp nhãn tạng’… đều chỉ là mộng huyễn bọt ảnh, ‘dối tự rao truyền’. Bởi vì xưa nay đều gồm đủ trong đó, Tây thiên hay Đông thiên đều gồm đủ trong đó, một hoa năm cánh (không phải riêng quốc độ nào) đều gồm đủ trong đó, tất cả không gian đều gồm đủ trong đó, tất cả thời gian đều gồm đủ trong đó :

Thanh tịnh bản nhiên
Tây thiên cõi này
Cõi này Tây thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên

Thiền chỉ là chứng ngộ cho được cái hiện tại vĩnh cửu rõ ràng trước mắt này mà thôi vậy.

* * *

Bởi vì thực tại vốn thanh tịnh như vậy (thanh tịnh bản nhiên), nó không cần tư tưởng của chúng ta nâng đỡ, tô vẽ, thêm bớt gì cho nó cả. Trái lại càng xúc chạm đến nó, càng tô điểm cho nó bằng những ý niệm thì cái thấy nguyên sơ của chúng ta về nó lại càng méo mó, hư giả, ngưng đọng, vướng mắc. Ở mức độ cao hơn, nó không cần quán tưởng, định tâm gì với nó cả. Quán tưởng, tập trung chỉ làm cho nó ngưng đọng, vướng mắc. Tất cả những tạo tác của tâm thức chỉ tạo thêm những màn che, những méo mó giả tạo giữa chúng ta và Nó. Đây là điều mà câu nói, ‘Ngay trên cái nhìn thấy trần trụi mà giải thoát’, hay câu kinh trong kinh Kim Cương ‘thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai’ diễn tả.

Nếu xúc chạm, tô điểm, tạo tác với Nó, những cái trung gian vô ích đó sẽ làm cho Pháp méo mó, và do đó mà hiểu lầm cái mà Phật, Tổ muốn chỉ bày : ‘Phật, Tổ thành oan’. Nói có Pháp (để ý chữ Pháp ở đây viết hoa) để tu, có Pháp để chứng đó là nói oan cho Phật, Tổ. Cái không sanh diệt vốn là không sanh diệt. Nó chẳng dính dáng gì đến những cái sanh diệt. Thế mà khởi lên tư tưởng tu, tu thế này tu thế nọ, rồi cho cái không sanh diệt là cái này cái nọ, kết quả của cái này cái nọ. Tất cả những tư tưởng khởi diệt đó chẳng tạo ra được cái vốn vô sanh, trái lại chỉ đưa hành giả vào trong rừng rậm của sanh diệt. Cái gì có sanh, cái đó phải diệt. Cái không sanh diệt thì cần gì phải có tư tưởng nào sanh, phương pháp nào sanh để rồi những thứ ấy sẽ diệt ? Nếu ở nơi sanh diệt mà tu, thì những cái sanh diệt chỉ có ý nghĩa : cái gì đã hư vọng sanh, phải đưa chúng về diệt ; cái gì sanh diệt đã hư vọng sanh, phải “tu” cho chúng thành tịch diệt để cái không sanh diệt lộ bày. Nếu cứ tạo tác trong sanh diệt để làm ra cái không sanh diệt, đó là : “Sai Nó mảy may, mất Nó trăm ngàn”.

 

* * *

Thực tại không thể làm ra, chỉ có thể quán sát Nó, thấy Nó. Ở đây bài kệ cho chúng ta thấy cách thực hành của Thiền sau khi ngộ được thực tại : ‘ngươi khéo quán sát’. Công thức ‘khéo tự hộ trì’ là một câu nói thường thấy của các Thiền sư dặn dò đệ tử sau khi đã ngộ được Tâm. ‘Khéo tự hộ trì’ hay ‘Ngươi khéo quán sát’ nói lên một điều : sau khi đã thấy được Nó, công việc còn lại không phải là thêm thắt gì vào Nó, mà cứ để nó nguyên trạng, không làm nó biến dạng bởi những tư tưởng ý niệm của mình, và khéo léo hộ trì Nó, quán sát Nó. ‘Ngươi khéo quán sát’ nghĩa là hãy thường thấy Nó. Và ở đây chúng ta thấy vẫn là một nguyên lý của đạo Phật : chúng ta thấy cái gì thì chúng ta là cái đó. Chúng ta thường thấy cái gì thì chúng ta thường là cái đó.

Nếu như trong một niệm chúng ta tương ưng được với Nó (nhất niệm tương ưng) thì sau đó bèn là “niệm niệm tương ưng” cho đến khi nó hoàn toàn tự tại, thoát khỏi mọi che chướng do chúng ta tạo ra mà hiển lộ toàn vẹn. Công phu sau ngộ chỉ là khéo hộ trì, khéo quán sát, thường thấy này.

Nếu ngộ chính là cái Thấy, thấy được Nền Tảng không có tự tánh hay Thật Tánh của tất cả các pháp (hiện tượng) thì Con Đường là hộ trì cái Thấy này, hộ trì nền tảng này, và Quả chính là cái Thấy đó đã thanh tịnh và mở suốt trọn vẹn, Nền Tảng đó đã hiển lộ trọn vẹn. Như vậy, Con Đường và Quả đều nằm trọn trong cái Thấy, cái Nền Tảng. Nhưng vì nghiệp che chướng và cản trở của chúng ta mà rất ít người trong nhân loại có thể chứng đắc cái Thấy, Con Đường và Quả trong một lần, mặc dù chúng rốt ráo chỉ là một. Thế nên trong mức độ chung, bình thường, chúng ta chia ra làm ba : cái Thấy (Nền Tảng), Con Đường (Thiền Định) và Quả. Thiền định hay tham thiền ở đây là khéo tự hộ trì, khéo quán sát, thường thấy vậy. Tóm lại, một khi đã thấy hay nhận biết hay xác quyết Nền Tảng, tất cả sự tu hành, sinh hoạt của chúng ta đều dựa trên Nền Tảng hay cái thấy này, và chính là sống trong Nền Tảng hay cái Thấy này mà cuộc đời chúng ta nở hoa, kết quả.

Nếu khéo quán sát, nếu không lìa khỏi Nền Tảng này – đây là sự tu hành – chúng ta mới khỏi ‘chớ lừa cháu con’. Và kết thúc bài kệ Thiền sư Vô Ngôn Thông đã dùng chính tên mình để chỉ thẳng thực tại :

Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn.

Thực tại chính là sự tịch diệt của mọi tư tưởng, mọi hý luận : sự im lặng tối hậu của tất cả danh tướng cho mọi sự tùy ý biểu lộ tùy theo duyên nghiệp của chúng. Đó là cái chúng ta gọi là giải thoát.

* * *

Tại sao lại : ‘Các nơi đồn đãi, dối tự rao truyền’ ? Chẳng phải trước đó ngài Vô Ngôn Thông đã thuật lại cho Cảm Thành về lịch sử trao truyền của Thiền tông cho đến ngài là tổ thứ mười kể từ Bồ Đề Đạt Ma đó sao ? Chẳng phải Tổ Đạt Ma ‘gốc từ Tây thiên, truyền pháp nhãn tạng, gọi đó là Thiền, một hoa năm cánh, hạt giống liên miên’ là một sự thật lịch sử đó sao ? Tại sao ngài Vô Ngôn Thông lại cho rằng chuyện đó chỉ là chuyện đồn đãi hư vọng (vọng tự huyên truyền) ?

Đứng về mặt sự thật hay chân lý tương đối (tục đế) thì tạm nói là có sự trao truyền xảy ra trong dòng lịch sử. Nhưng đứng về mặt sự thật tuyệt đối, tâm ấn (mà ở đây ngài Vô Ngôn Thông gọi là ‘pháp đó’ hay ‘chánh pháp nhãn tạng’) đâu phải là một vật để có thể trao truyền từ vị này sang vị khác, và sự trao truyền đó đâu phải là một sự việc lập đi lập lại xảy ra trong thời gian. Tâm ấn đó, pháp đó ‘gọi là chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng’ vốn hằng hằng trước mắt, đâu phải là một vật để trao truyền, đâu thuộc ngôn ngữ định danh phân biệt để có thể nói là có người trao và người nhận, có hành động trao nhận diễn tiến theo thời gian. Tâm ấn đó, cái thật tướng vô tướng đó chỉ có thể ‘khai thị’ thì đúng hơn là ‘trao truyền’. Cái ‘khắp tất cả chỗ’, cái ‘chẳng từng che dấu’ há đâu phải là một vật để có thể chuyển giao theo dòng lịch sử.

Chính vì cho chuyện đó là sự đồn đãi hư vọng mà ngài Vô Ngôn Thông đưa đệ tử Cảm Thành từ sự thật tương đối vào sự thật tuyệt đối. Và do đó mà Sư Cảm Thành ‘lãnh ngộ’, thấu hiểu ra được sự thật tuyệt đối tức là tâm ấn này.

Nhưng nếu Thiền sư Cảm Thành biết ơn ngài Vô Ngôn Thông bao nhiêu, thì chúng ta, những kẻ sống sau Sư hơn ngàn năm cũng biết ơn ngài không kém. Biết ơn vì ít ra chúng ta cũng được ngài Vô Ngôn Thông bốc lên khỏi những thăng trầm mai một của lịch sử khiến chúng ta có thể tin được rằng cái thực tại ấy vẫn thường trụ với mỗi chúng ta. Cái ‘khắp tất cả chỗ, chẳng từng che dấu’ ấy vẫn không bị những chuyển dời của lịch sử mà đã đi khỏi mất với chúng ta. Nó đã không vì lịch sử điêu tàn mà hao mòn già cỗi, cũng không vì tiến bộ, phát triển mà tăng thêm trẻ trung, đẹp đẽ. Nó vẫn có đó, ở ‘khắp tất cả chỗ’ và ‘chẳng từng che dấu’ với mỗi chúng ta. Nó vẫn chờ đó – sự chờ đợi của vĩnh cửu – đến một lúc nào, có một vị nào sẽ chỉ thẳng nó cho chúng ta như ngày xưa tổ tiên chúng ta đã làm thế. Hay một lúc nào, những che chướng (phiền não chướng và sở tri chướng) của chúng ta mỏng bớt, tự thân chúng ta sẽ thấy nó. Nhưng hiện giờ, bất chấp những che chướng tạm thời và tự tạo của chúng ta, nó vẫn không hề che dấu, ngăn ngại chúng ta, nó vẫn có đó trước mắt chúng ta, bởi vì nó ‘khắp tất cả chỗ và chẳng từng che dấu’.

SHARE:

Để lại một bình luận