NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC

77.Phần nhất, sự tố cáo buồn rầu của ta về những cách thức của thời đại suy đồi này,
Là một sự khiển trách ta có ý định giành cho chính ta.
Sự thương cảm buồn rầu này đã tác động sâu xa đến ta ;
Bây giờ ta tặng nó cho con, nghĩ rằng con cũng cảm thấy như vậy.

Phần thứ nhất của lời dạy này chỉ ra mức độ con người trong thời đại suy đồi này đã rơi vào dưới sự chao đảo của những hành động và thức tình của họ, nêu lên sự mất hướng của cuộc đời bình thường và miêu tả hậu quả phá hoại của cách ứng xử của con người về hạnh phúc mà họ đang tìm kiếm. Phù hợp với giáo lý lần thứ nhất của Phật, nếu các bạn thấy biết rõ ràng rằng sanh tử bị khổ đau thấm khắp, bấy giờ quyết tâm giải thoát khỏi nó sẽ an lập vững chắc trong tâm thức các bạn như viên đá đặt nền thiết yếu cho sự thực hành Pháp của các bạn. Chính là để đem lại sự thay đổi thái độ này mà Patrul Rinpoche đã biểu lộ sự buồn rầu và mệt mỏi chán ngán ngài cảm thấy với những cách thức của sanh tử.

78.Nếu đó không phải là trường hợp của con, và con tin tưởng hoàn toàn vào sự hùng vĩ của cái thấy và thiền định của con,
Những ý kiến khôn ngoan làm thế nào phối hợp cái thế gian và cái tâm linh,
Và sự thiện xảo khéo léo giải quyết những vấn đề cho sự thỏa mãn của tất cả –
Nếu con có tất cả những thứ đó, bấy giờ ta gởi con những lời tạ lỗi của ta.

Patrul Rinpoche đã kết án sự ứng xử điên đảo và lừa dối của người ta trong thời đại đen tối này, không phải trong một tinh thần thù hận, mà là để phát hiện và sửa chữa những khuyết điểm của chính bản thân ngài. Ngài cũng hy vọng rằng bằng cách nói ra, ngài cũng có thể khuyến khích những người khác thức tỉnh với những vọng tưởng của thời đại này và nhận biết rằng Pháp là con đường duy nhất đến giải thoát.

Ý định đàng sau phần thứ nhất, bởi thế, là xoay tâm thức điên đảo về với Pháp. Nhưng rồi Patrul Rinpoche thêm rằng người đọc nào đã vượt khỏi những cách thức cong vạy, méo mó của thời đại chúng ta và đã đạt được sự xác tín và thành tựu hoàn hảo trong cái thấy, thiền định và hành động của những kinh và tantra, tâm thức họ luôn luôn đặt trên tư tưởng cao cả làm lợi lạc cho những người khác, và họ đã thành công hội nhập tinh túy của Pháp với sự dấn thân vào những công việc của thế gian, trong trường hợp này, ngài tạ lỗi vì đã lạm quyền ban tặng lời khuyên bảo không thích hợp này.

79.Phần hai, sự luận giải của ta an lập cái thấy và thiền định –
Bởi vì dĩ nhiên ta không có kinh nghiệm chứng ngộ nào cả –
Mà chỉ sắp xếp cái gì ta đã hiểu nhờ những lời dạy
Từ dòng phái quý báu của cha và con toàn tri.

Cấu trúc nền tảng của mọi giáo lý của Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa là sự giải thích về cái thấy, thiền định và hành động. Patrul Rinpoche khiêm tốn từ chối đã có kinh nghiệm nào về ba cái này. Dĩ nhiên thật ra ngài đã nghiên cứu và hòa nhập một cách thấu triệt những lời dạy của Longchen Rabjam và Jigme Lingpa, “cha và con” của dòng Đại Toàn Thiện. Rồi ngài đã đạt đến chứng ngộ toàn diện và đem lại lợi lạc không thể nghĩ bàn cho chúng sanh. Trong bài giảng này ngài sắp xếp những điểm trọng yếu của con đường Phật giáo : làm thế nào nhận ra vọng tưởng vô minh, phá hủy sự thống trị của nó, và cuối cùng chuyển hóa nó thành trí huệ.

80. Phần ba, sự cổ vũ của ta cần buông bỏ mọi sự và thực hành,
Vì con có thể dễ dàng trượt ngoài điểm chủ yếu, nó thật dễ vuột.
Nhưng bởi vì nó hoàn toàn không mâu thuẫn với những lời dạy của chư Phật, Bồ tát,
Nên thật sự tốt đẹp cho con khi đem nó vào thực hành.

Chiêm nghiệm những thống khổ không cùng của sanh tử sẽ làm cho các bạn cảm thấy buồn bã và ghê sợ, và cảm giác này sẽ phát triển thành một ham muốn mạnh mẽ thoát khỏi mọi thứ đó. Sự quyết tâm buông bỏ sanh tử này bấy giờ sẽ dẫn các bạn đến kết luận rằng điều tốt nhất các bạn có thể làm cho chính mình và những người khác là thực hành Pháp. Các bạn đã tự đặt nhiều mục tiêu trong đời sống, nhưng bây giờ để cho sự tốt đẹp của chính các bạn, các bạn phải chọn cái gì trong chúng là quan trọng và khẩn cấp nhất. Nếu các bạn chấp nhận Pháp một cách hoàn toàn đứng đắn, các bạn sẽ thấy rằng thực hành Pháp không phải là cái gì có thể trì hỗn được. Bao nhiêu người trong thế giới này sẽ chết trong giờ tới ? Các bạn có thể chắc rằng mình không là người trong số đó ? Dầu trường hợp nào, chắc chắn không có gì có thể đạt được từ sự phung phí thời gian các bạn có, dù cho cuộc đời các bạn có dài lâu chăng nữa.

81.Bài giảng này, đức hạnh trong lúc bắt đầu, khoảng giữa và lúc chấm dứt,
Được viết ra trong hang Đỉnh Chiến Thắng Núi Trắng của bậc thành tựu,
Cho một người bạn cũ mà sự khẩn cầu không thể cưỡng lại được nữa,
Bởi lão già rách rưới Apu Hralpo này, đang bị thiêu cháy bởi năm độc.

Do sự yêu cầu kiên trì của một trong những đệ tử, bản văn này được tạo ra bởi Patrul Rinpoche, Orgyen Jigme Choškyi Wangpo, ở Trakar Tsegyal, hang Đỉnh Chiến Thắng Núi Trắng, trong xứ Kham, miền đông Tây Tạng, không xa Datsedo, trên biên giới cũ giữa Tây Tạng và Trung Hoa.(69) Patrul Rinpoche sống ẩn cư với năm đệ tử trong nơi chốn đẹp đẽ này với những vách đá cao màu trắng đầy những hang động tự nhiên. Ở đây ngài cho nhiều sự chỉ dạy, như bản văn này là một, trong ánh sáng của kinh nghiệm thiền định của chính mình.

Apu Hralpo là tên quen thuộc của Patrul Rinpoche. Apu trong tiếng miền đông Tây Tạng là một cách thức thưa gởi tôn trọng. Theo truyền thống văn học, Apu cũng có thể được giải thích như sự phối hợp của những chữ A, biểu tượng của tánh Không vô sanh, và Pu, nghĩa là “con”, ám chỉ đến tình thương của Patrul Rinpoche cho tất cả chúng sanh như họ là con ruột của ngài. Vì lòng từ ái và bi mẫn của ngài với tất cả, ngài cũng thường được gọi là Apu Tốt.

Patrul Rinpoche chế nhạo cái tên Apu tôn kính dành cho ngài, bằng cách tự gọi mình là Apu Hralpo, hralpo nghĩa là một người mặc đồ cũ rách – như ngài thật sự làm thế hầu như luôn luôn. Thật ra, có thể nói rằng Patrul Rinpoche là người đã hoàn toàn xé rách nát cơ cấu của vọng tưởng, sự cho rằng chủ thể và đối tượng là có hiện hữu thật sự. Như Khenpo Shenga,(70) một đạo sư thành tựu và là một đệ tử của Patrul Rinpoche, đã nói về ngài khi bình luận về dòng này, “Ngài đã đốt cháy hoàn toàn năm độc trong ngọn lửa của trí huệ.”

Hồi Hướng Công Đức

82.Ta đã huyên thuyên dài dòng, nhưng có sao đâu ?
Đề tài của ta thì rất xứng đáng và ý nghĩa không sai lầm ; thế nên công đức nó đem lại
Ta trao tặng cho con, và cho tất cả chúng ta khắp hết ba cõi –
Nguyện tất cả những mong ước của chúng ta, được cảm hứng từ những giáo lý, trở thành sự thật !

Patrul Rinpoche tạ lỗi rằng bài giảng không tao nhã của ngài đã dài dòng lập đi lập lại như những dây bậc đơn điệu của một cây đàn cũ kỹ đã gảy. Tuy nhiên, ngài xác nhận, ý nghĩa những lời ngài nói luôn luôn trung thành với giáo lý của đức Phật, thoát khỏi lỗi lầm, và điều này khiến cái gì ngài nói xứng đáng để nghe, xứng đáng để nghiên cứu và xứng đáng để đem vào thực hành. Bởi thế công đức nào đã gia tăng từ sự diễn bày ba phần của bài giảng, ngài tiếp tục hồi hướng cho tất cả chúng sanh, để cho khi đang theo con đường của những Bồ tát họ có thể đạt đến mức độ tối thượng của Quán Thế Âm.

SHARE:

Để lại một bình luận